Trang

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

6. Những ngày đầu Hội Văn Nghệ Đồng Nai.


21:22 3 thg 8 2012Công khai13 Lượt xem0

                                                                     Hồi ức của Nhà thơ Xuân Bảo
                                                                              (Kỳ I)
                                         

                                                                                        Đêm cầu Ghềnh
                                       "Ôi, ngày nào cùng nhau lập Hội
       Ước mai rày chỉ lối đào bông …”                                     
                     (TÚ THỊT HỘP)
     Tháng 6 năm 1979.Giặc phía Bắc đã tạm yên,Ôi thôi rồi ! Còn đâu   “ núi liền núi, sông liền sông”.! Giặc Tây Nam  đã chịu buông súng .Nước bạn Campuchia thành lập Nhà nước dân chủ.Quân đội Việt Nam lần lượt rút về nước.Nhân dân ta chịu đựng biết bao gian khổ, thiếu thốn sau một cuộc trường chinh kéo dài ba chục năm trời và giờ đây lại thắt lưng buộc bụng để hàn gắn vết thương chiến tranh trên khắp thân mình Tổ quốc.
     Mới chỉ sau 4 năm hòa bình,thống nhất , bộ mặt đất nước đã có nhiều thay đổi đáng mừng.Từ thành thị đến nông thôn nhân dân  ra sức xây dựng cuộc sống mới. Đường sắt đã khôi phục xong, nối liền một dải từ Lạng Sơn cho tới Sài Gòn. Trước những thử thách mới, có một bộ phận nhỏ ra đi tìm đến miền đất hứa ?  Ai may mắn thì được sang tới bờ bên kia. Những số phận hẩm hiu thì hoặc làm mồi cho biển cả hoặc phải vào nhà đá.
      Đây là lúc mà chúng ta phải xây dựng lại cơ đồ trên mọi mặt đời sống xã hội. Trong đó việc tổ chức đội ngũ văn nghệ sĩ có đủ năng lực và tầm vóc trước đòi hỏi của đất nước được đặt ra khá cấp bách.  Một Hội nhà văn Việt Nam là không đủ để đảm đương nhiệm vụ. Vì vậy vấn đề được đặt ra là mỗi tỉnh phải có một Hội Văn học- Nghệ thuật để tập hợp văn nghệ sĩ lại ( bao gồm tất cả các chuyên ngành ) , cùng nhau đem tài năng, sức lực, trí tuệ để làm cái chức năng là “ người thư ký của xã hội.”
      Tôi còn nhớ vào khoảng tháng 6 năm đó, các nhà thơ Hoài Vũ, Trưởng đại diện cơ quan Báo Văn Nghệ phía Nam, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Nguyễn Khải lên nhà tôi chơi. Nguyễn Duy tự lái chiếc xe con, hiệu Renaul cũ kỹ, chắc là được sản xuất từ Đệ nhất Thế chiến?  Và có mang theo chiếc túi đựng nước làm bằng vải nhựa, chiến lợi phẩm anh lấy được từ tay bọn lính bành trướng. Chiếc túi đó đựng rượu “cuốc lủi “ do anh tự nấu lấy. Vào cái thời khó khăn  ấy các văn nghệ sĩ làm thêm nhiều nghề kiếm sống. Nguyễn Duy nấu rượu lậu.Anh ở tại số nhà 190 Nam Kỳ khởi nghĩa mà trước đây con đường đó đã mang tên Công Lý. Tôi  cùng với Nguyễn Đình Hoàng ( sau này khi tôi giới thiệu anh ta vào Hội Văn Nghệ Đông Nai , tôi đã đổi tên cho anh là Hoàng Đình Nguyễn) thì nấu kẹo mè xửng và nhà văn nữ Hồng Duệ bỏ mối kẹo mè xửng của bọn tôi làm ra…Hằng ngày chị đạp xe từ Thủ Đức lên Biên Hòa lấy hàng.
                                     ***
       Tôi đưa các anh đi thăm một vòng quanh Biên Hòa và sau đó thì ghé vào Văn phòng cơ sở sản xuất gỗ Đoàn Kết ở Hố Nai, do ông Vũ Thông Thường làm chủ .Dọc đường đi,  tôi có đề cập đến việc thành lập Hội Văn Nghệ tại Đồng Nai. Nhà văn Nguyễn Khải nói rằng Ủy ban Toàn quốc Các Hội Văn học- Nghệ thuật và Hội Nhà Văn Việt Nam cũng đã tính đến. Các anh nói để về bàn thêm với các đồng chí Bảo Định Giang, Lý Văn Sâm…về việc này
  Chừng non tháng sau khi tôi đang ngồi viết bài ở nhà ( Lúc này tôi làm ở báo Đồng Nai-cơ quan Tỉnh đảng bộ Đồng Nai- phụ trách khối Công Thương ) thì được đón tiếp hai anh Lý Văn Sâm và Huỳnh Công Thức đến chơi .Anh Huỳnh Công Thức thì tôi đã quen biết  từ khi còn công tác ở Thủ đô. Khi đó anh làm việc tại Liên hiệp xã Tiểu Thủ công nghiệp Hà Nội. Còn nhà văn Lý Văn Sâm tôi chỉ biết anh qua các tác phẩm văn học chứ chưa bao giờ được diện kiến. Tôi vô cùng mừng rỡ và xúc động !
         Thì ra đây là nhà văn đường rừng với Ti-mô-phây và Kòn -trô...Mãi sau này tôi mới biết vì sao  trên lại đưa anh về Đồng Nai để thành lập Hội Văn Nghệ.Anh Lý Văn Sâm  mà anh em văn nghệ sĩ thường gọi một cách thân mật và kính trọng bằng cách xưng hô là anh Hai Lý. Anh sinh ngày 17 tháng 2 năm 1921, nhằm ngày 10 tháng Giêng năm Tân Dậu tại xóm Ông Linh, làng Tân Nhuận, quận Tân Uyên ( trước thuộc tỉnh Biên Hòa, nay thuộc tỉnh Bình Dương) trong một gia đình nghèo,dưới nếp nhà tranh cũ kỹ. Quê nội của anh  ở ấp Bình Ninh, làng Bình Long,tổng Phước Vĩnh hạ,tỉnh Biên Hòa, nay là xã Bình Long,huyện Vĩnh Cửu,tỉnh Đồng Nai.Nơi đây đúng là vùng địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra cho quê hương xứ sở những con người tài hoa : thi tướng Huỳnh Văn Nghệ,nhà văn Bình Nguyên Lộc, nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhà giáo Hoàng Minh Viễn, các nhà hoạt động chính trị Huỳnh Văn Lũy, nguyên Bí thư tỉnh ủy Biên Hòa,Tô Văn Của nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến-Hành chánh tỉnh Biên Hòa.Tô Văn  Của cũng là người đầu tiên cùng anh Hai Lý đứng ra thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai hồi cuối năm 1979.
   Sau vài tuần trà, anh Chín Thức vào đề ngay.Anh nói rằng Trung ương đã có chủ trương và Lãnh đạo Tỉnh Đồng Nai cũng nhất trí cho phép thành lập Ban Vận động, tiến tới thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai.Hai anh đề nghị tôi giúp một tay. Tôi xăng xái nhận lời.
   Hai anh được Tỉnh ủy bố trí ăn ở tại Nhà khách 71. Riêng anh Hai Lý thì sáng thứ hai đầu tuần được xe đón từ nhà riêng của anh tại 16 Trương Quốc Dụng, quận Phú Nhuận,Sài Gòn lên Đồng Nai làm việc và chiều thứ bảy lại đưa về. Anh Chín thì ăn nghỉ tại Nhà khách. Vì tình thân thiết đã có từ trước và thương anh tuổi cao, nếu để anh sinh hoạt bếp ăn tập thể e rằng không bảo đảm sức khỏe .Nên nhớ rằng hồi đó chúng ta vẫn còn ăn cơm độn mà độn bobo thì rất khó nuốt, nhất là đối với người già . Tôi bàn với nhà tôi là nên mời anh Chín về ăn cơm tại nhà mình.Nhà tôi là con nhà tư sản bị cải tạo đưa vào công tư hợp doanh ngành ăn uống từ những năm 1958,1959.Đó là Cửa hàng Cơm Tám Giò Chả Tân Việt 60 Phố  Huế.  Những năm đó các văn nghệ sĩ thường hay lui tới thửơng thức món giò lụa Ước Lễ nổi tiếng mà nhà văn Nguyễn Tuân có lần đã suy tôn trong tùy bút Giò Lụa.Vợ chồng nhà thơ Vĩnh Mai,nhà thơ Trinh Đường, vợ chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh.,nhạc sĩ Phan Thanh Nam và rất nhiều nhà văn , nhà thơ khác ở tại nhà tập thể 96 Phố Huế ( Khách sạn Lục Quốc cũ bị sung công từ khi tiếp quản thủ đô và bố trí cho văn nghệ sĩ ở )…thường ăn cơm tháng ở đây.Trong số đó có nhạc sĩ Nguyễn Bính, Phó trửơng đoàn Văn công Nam Bộ và nghệ sĩ cải lương Ông Tú Lệ, Bích Thiện..Ông Tú Lệ vào vai Võ Thị Sáu trong vở cải lương "Người con gái Đất Đỏ" của soạn giả Phạm Ngọc Truyền.  Tôi có dịp cùng anhTruyền trong chuyến ra thăm Côn Đảo năm 1977.
                      .Anh Chín Thức là người đồng hương Bà Rịa với nhạc sĩ Nguyễn Bính. Nhạc sĩ Nguyễn Bính lấy vợ người Hà Nội và sau giải phóng anh chị về sống tại Biên Hòa.Anh tham gia vào Hội Văn Nghệ Đồng Nai từ những ngày đầu và anh cũng đã phổ nhiều bài thơ của tôi.
                      Từ đó gia đình chúng tôi ngày ngày được cùng anh vui vầy trong những bữa cơm đạm bạc với anh, được đàm  đạo văn chương và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm bạn bè, với những ngày tháng hào hùng sống trong lòng trái tim Tổ quốc yêu dấu. Anh là thân phụ của nhà soạn giả cải lương Huỳnh Minh Nhị,công tác tại Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh Anh Chín  có nhiều vở cải lương đã được Đoàn Văn Công Nam Bộ dàn dựng. Quê anh ở Quận Đất Đỏ,tỉnh Phước Tuy - nơi đã sản sinh ra cho đất nước người nữ anh hùng Võ Thị Sáu- Người con gái đã hiên ngang đi ra pháp trường với một bông hoa cài trên mái tóc. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã tuyên dương :”…Gương dũng cảm của đồng chí Minh Khai và của cháu Võ Thị Sáu luôn luôn sáng ngời để cho phụ nữ ta học tập.” Tôi còn nhớ vào năm 1959 khi miền Nam ở vào cái thời kỳ khốc liệt nhất để rồi sẽ có cái ngày "đồng khởi" thì giữa lòng Hà Nội vở cải lương Người con gái Đất Đỏ đã làm nức lòng và gây nhiều xúc động. Hình ảnh cuối cùng trên sân khấu là người con gái mặc bộ đồ bà ba trắng sừng sững như một tượng đài. Súng nổ.Tiếng hát.Phía sau lưng chị là màu cờ đỏ như dòng máu từ người tử tù nhuộm thắm.
            Và cái làng An Nhất của anh Chín có món đăc sản là bánh tráng ( bánh đa),  Cạnh đó làng Hòa Long nổi tiếng rượu ngon, đã thành câu ca " rượu Hòa Long ai đong người đó uống".Nhưng đặc biệt nhất vẫn là thứ rượu áp-xanh,khi uống phải pha thêm nước dừa non mới uống nổi.. Thỉnh thoảng gia đình gửi lên cho anh và chúng tôi cũng được dự phần.Quê hương anh Chín đi vào lịch sử đât nước với bao chiến công huy hoàng :.Chiến khu Minh Đạm,Địa đạo Long Phước,Trận địa Núi Đất…
                                                 ***
   Các anh phân công cho tôi và nhà văn Nguyễn Duy Thinh (đã quá cố) làm  hai việc.Một là chuẩn bị văn kiện, hai là chuẩn bị hậu cần.Tại nhà riêng của tôi,hằng ngày chúng tôi  hội ý, hội báo và cùng nhau hoạch định những công việc cần làm. Có lần nhà văn Nguyễn Duy Thinh nói vui : Đây như là cái Trung tâm Văn bút của Đồng Nai.
                                                                                          ( còn tiếp )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét