Trang

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

19.Thời gian trôi đi ,sông còn ở lại


22:05 3 thg 8 2012Công khai17 Lượt xem0
 
CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ HƯƠNG QUÊ


                                                    Cầu Đuống
 
“Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về Sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.
(Hoàng Cầm)

Hà Nội, thủ đô thân yêu, trái tim của cả nước có đến ba con sông lớn chảy qua: Sông Hồng, Sông Đáy và Sông Đuống. Sông Đuống đã đi vào tiềm thức và để dấu ấn sâu nặng với mọi người qua bài thơ nổi tiếng BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG của người con xứ Kinh Bắc, thi sĩ Hoàng Cầm.
Ven Sông Đuống có ngôi làng cổ xưa: Làng Lộc Hà, tổng Hội Phủ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Bây giờ là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nơi đó có người con gái họ Ngô, bà con gần với danh sĩ, nhà văn Ngô Tất Tố chào đời vào năm Kỷ Sửu (1949), khi nhà thơ Hoàng Cầm đã lên chiến khu Việt Bắc và viết những vần thơ cháy bỏng niềm thương nhớ về con sông quê này.
Lên tám, Ngô Thị Xuân đã chứng kiến cái nạn vỡ đê Mai Lâm (1957) khi Hà Nội còn bề bộn bao nhiêu việc phải làm, phải hàn gắn vết thương chiến tranh sau chín năm kháng chiến trường kỳ, khi quân Pháp rút khỏi Hà Nội, rút khỏi miền Bắc.
Lộc Hà đã để lại biết bao kỷ niệm thời thơ ấu của Ngô Thị Xuân, bút hiệu là Thanh Xuân:

“Lộc Hà đất mẹ quê tôi
Có dòng Sông Đuống đỏ ngời phù sa…”
(Quê tôi)

Giờ đây, khi nhà thơ đã cùng các con đi về phương nam, nhưng lòng vẫn đau đáu với nơi chôn nhau cắt rốn của mình:

“…Dù xa vẫn giữ lời thề
Núi sông cách trở hồn quê vẫn gần
Chùa xa vọng tiếng chuông ngân
Nhớ quê da diết mỗi lần xuân sang…”
(Nhớ quê)

     Tình yêu quê hương của nhà thơ quyện chặt với tình yêu người mẹ, suốt đời lam lũ với ruộng vườn, với đàn con:

“…Từ ngày cha mất không còn
Đời mẹ vất vả nét son bạc rồi…”
(Mẹ tôi)

     Đến tuổi cập kê, Ngô Thị Xuân rời ngôi làng thân yêu để đến nhà chồng giữa chốn phồn hoa đô hội: Ba mươi sáu phố phường. Nàng về sinh sống tại phố Ngô Sĩ Liên, Quận Đống Đa, Hà nội.
       Không khí văn chương của Hà Thành đã thấm đẫm vào dòng máu của nhà thơ Thanh Xuân. Thanh Xuân yêu Hà Nội da diết:

“…Chiếc cầu đỏ thắm cong cong
Soi mình đáy nước nắng hồng ban mai…”
(Cầu Thê Húc)

      Về con rồng thép Long Biên, nhà thơ viết:

“…Cây cầu tuổi đã hơn trăm
Chứng tích lịch sử Ngàn năm (*) đến rồi…”\
                                               (Cầu Long Biên)

       Hồ Tây nơi để lại biết bao kỷ niệm của mối tình đầu:

“…Con đường Thanh Niên cạnh Hồ Tây
Bánh tôm vàng rộm bán đêm ngày…”
                                 (Hồ Tây xưa và nay)

      Khi cả nước âm vang lời ca “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” những  người chồng thân yêu vì nghĩa lớn đã lên đường đi chiến đấu, để lại biết bao nỗi nhớ mong khắc khoải cho người vợ hiền:

“…Anh vào lửa đạn chiến trường
Tuổi  xanh trống vắng hậu phương một thời
Tình yêu còn đó anh ơi…”(Vẹn lòng son)
      
"Rộn rã cả triền đê..". 
      Không có gì hãi cho bằng nỗi trống vắng của nghịch cảnh vợ xa chồng, ngày đêm vò võ chốn cô phòng lạnh lẽo. Song nếu ngày xưa người chinh phụ tiễn chồng vào cuộc đao binh: “Đưa chàng lòng dằng dặc buồn” (Chinh phụ ngâm) thì ngày nay khi Tổ quốc lâm nguy, trong những năm tháng dầu sôi lửa bỏng của cuộc chiến tranh vệ quốc, hàng triệu người vợ đã cưới hoặc chưa cưới, hàng triệu người yêu, người tình của anh lính bộ đội Cụ Hồ vẫn vững niềm tin:


“…Qua chia ly màu đỏ
Vững tin ngày trở về
Rộn ràng cả triền đê
Đón anh ngày thắng trận…”
(Hẹn anh ngày về)

      Thanh Xuân cảm nhận được cuộc chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau chất độc da cam vẫn còn đó. Nỗi đau này không của riêng ai, không riêng của nhân dân Việt Nam mà còn là nỗi đau làm rớm máu trái tim nhân loại.

“…Em sợ lắm khi màn đêm buông xuống
Tiếng dế đầu hè như khóc, như than
Ai oán, não nề điệp khúc “da cam”
Cuộc chiến qua rồi, nỗi đau còn mãi”
(Em sợ lắm)
                                                                         
Đặc biệt nói về tình yêu tài muôn thuở nhà thơ đã có những vần thơ gây xúc động trái tim người đọc
“…Tan nát lòng thuyền nhớ bến xưa
Ngấn lệ rơi theo cơn gió nhẹ
Còn cánh buồm đây nét chửa mờ…”
                                                     (Bến xưa)

Biên Hoà Đồng Nai đã là quê hương thứ hai của nhà thơ. Thanh Xuân đã yêu như yêu Hà Nội quê nhà. Và những bài thơ rất đỗi ngày thường, bình dị về khu phố tôi, về những ngày hội của người cao tuổi, về những nét sinh hoạt của bà con dân phố, của Câu lạc bộ Thơ ca Tiếng Lòng Ông Bà Cháu. Nhà thơ gửi gắm lòng mình vào đó để gắn bó hơn với miền đất mới:

“…Lung linh màn sương mỏng
Thành phố đã lên đèn
Biên Hoà tràn sức sống
Như chào đón người thân…”
(Chiều Biên Hoà)

Cảm nhận về Hương Quê của nhà thơ Thanh Xuân tạm dừng lại, để nhường cho bạn đọc thưởng thức và tự ngẫm.
Nếu những vần thơ trong tập thơ còn khiếm khuyết đó là do nhà thơ còn non yếu về nghệ thuật thi ca, mong bạn đọc thông cảm. Đây là tập thơ đầu tay của Thanh Xuân, dù sao cũng là tiếng lòng tha thiết với cuộc đời, với con người. Đó mới là điều đáng quý, đáng trân trọng.

Biên Hoà, những ngày hè 2011
                                    Nhà thơ Xuân Bảo.
   
(*) Viết bài thơ này năm 2010, khi Hà Nội chuẩn bị Đại lễ Ngàn năm Thăng Long Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét