Trang

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

272. "Không có gì quý hơn độc lập tự do


272.
NHÂN KỶ NIỆM 129 NĂM NGÀY SINH
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890-19/5/2019)

“Không có gì quý hơn độc lập tự do!”
*


 

Hồi ức của nhà thơ Xuân Bảo

Tôi còn nhớ, ngày 29/6/1966, bọn Mỹ bắt đầu đợt đánh phá miền Bắc mà mục tiêu là phá kho xăng dầu Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội, mở đầu cho cuộc “chiến tranh phá hoại”. Trước đó 2 năm, ngày 5/8/1964 vịn cớ 2 tàu khu trục USS Maddox và USS Turner Joy xâm phạm lãnh hải Việt Nam bị trừng trị, Hạm đội 7 của Mỹ đã cho máy bay ném bom xuống các tỉnh miền Bắc.
Sự kiện vịnh Bắc Bộ là sự kiện được cho là hai cuộc tấn công của Hải quân Nhân dân Việt Nam chống lại Hải quân Mỹ.
Năm 1995 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thừa nhận sự kiện ngày 2 tháng 8 là có thật, nhưng ông phủ nhận sự tồn tại của vụ tấn công ngày 4 tháng 8. Đại tướng tin rằng hôm đó tầu chiến Mỹ cố khiêu khích một cuộc tấn công để tổng thống Johnson có cớ để leo thang chiến tranh.Trong một cuốn băng thu âm được giải mật năm 2001, tổng thống Lyndon B. Johnson thừa nhận rằng vụ thứ hai trong sự kiện Vịnh Bắc Bộ chưa hề xảy ra.
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.



Ảnh Bộ đội Hải quân Việt Nam

Bước sang năm 1964, mặc dù ra sức chống đỡ, song tình thế của Mỹ - ngụy ở miền Nam ngày càng nguy ngập, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” về cơ bản bị thất bại, đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Trước tình hình đó, Nhà Trắng cho rằng: cần phải tiến hành các hoạt động táo bạo hơn, trong đó có việc mở rộng chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam, hòng làm suy yếu miền Bắc và xác định là một phần của “Chiến tranh đặc biệt”. Để thực hiện mục đích đó, một mặt, Mỹ xúc tiến thực hiện “Kế hoạch hành quân 34A” nhằm do thám miền Bắc, bắt cóc công dân Bắc Việt Nam để khai thác tin tức tình báo và tổ chức, sử dụng biệt kích phá hoại. Mặt khác, đẩy mạnh các cuộc tuần tra trinh sát của tàu chiến Mỹ vào vịnh Bắc Bộ để phô trương thanh thế và thu thập tình báo về phòng thủ bờ biển của Bắc Việt Nam. Từ đó để Mỹ thực hiện những bước đi tiếp theo tạo cớ theo một kịch bản được chuẩn bị sẵn, biện minh cho hành động đánh phá miền Bắc.
Sau nhiều lần xâm phạm lãnh hải miền Bắc, ngày 02-8-1964, tàu khu trục Maddox của Mỹ vào sát bờ biển Thanh Hóa (cách bờ biển khoảng 06 hải lý) tổ chức bắn phá, nhằm khiêu khích, nhử mồi, tạo cớ. Song, Hải quân ta đã anh dũng đánh đuổi chúng ra khỏi hải phận, khiến mưu đồ của Mỹ chưa đạt được. Để tạo ra một tác động tâm lý mạnh mẽ cho Quốc hội và công chúng Mỹ đồng thời gây ra “một cuộc khủng hoảng quốc tế”, “một sự thách thức đối với danh dự của nước Mỹ”.
Đêm 04-8-1964 Mỹ chủ động nổ súng và phát tín hiệu bị tiến công, dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” với sự ngụy tạo: khu trục hạm của chúng tiếp tục bị Hải quân Bắc Việt “vô cớ” tiến công lần thứ hai khi đang hoạt động bình thường trên vùng biển quốc tế. Vin vào màn kịch này, ngày 05-8-1964, Tổng thống Mỹ Johnson đã bất chấp dư luận và lẽ phải, bất ngờ huy động 64 lần chiếc máy bay ồ ạt đánh phá Bắc Việt Nam, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn vào miền Bắc
Nhờ chuẩn bị từ trước và với tinh thần cảnh giác cao, các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Bắc đã giáng trả địch những đòn thích đáng. Trong trận đọ sức đầu tiên với không quân Mỹ, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 08 máy bay phản lực, bắn bị thương 03 chiếc khác, bắt sống một phi công là tên trung úy Alvarez; tỉ lệ thiệt hại của địch lên tới 12%.
Tối hôm sau, nhân dân Hà Nội được chứng kiến bộ mặt của tên giặc lái Eveett Alvarez. Bộ Quốc phòng đã cho dẫn tên này trên một chiếc xe tải quân sự, nếu tôi nhớ không lầm thì đó là chiếc xe tải mang nhãn hiệu Môlôtôva. Hắn đúng giữa trong vòng kiểm soát của 4 chiến sĩ bốn góc. Xe chạy từ từ qua nhiều phố. Chặng cuối là chung quanh Hồ Gươm.
Nhà báo Lê Công Vượng, nguyên phóng viên báo Vùng Mỏ và báo Quảng Ninh. Ông chính là người chụp bức ảnh trung úy phi công Everett Alvarez - tên giặc lái Mỹ đầu tiên bị bắn hạ trên bầu trời miền Bắc trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.
 Đây là chiến thắng đầu tiên quan trọng, tạo niềm tin và mở ra khả năng to lớn để quân, dân miền Bắc đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Thắng lợi này là kết tinh của phẩm chất, trí tuệ và sức mạnh truyền thống của dân tộc Việt Nam trước kẻ thù xâm lược với nhiều bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tổ chức chiến tranh nhân dân và nghệ thuật tác chiến phòng không.
Và ngày 5 tháng 8 được gọi là Ngày Hải quân Nhân dân.
                                      ***
Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước:
“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm. 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đền ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
            Đây là Lời hiệu triệu vang dậy núi sông, động viên toàn dân ra sức gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
          Đế quốc Mỹ bị thất bại nặng nề. Sau 2 năm, Mỹ đã phơi thây 200 chiếc máy bay các loại . Ngày 1/11/1968 tổng thống Johnson buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc. Đây là mốc son của nhân dân ta đánh thắng chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của tên sen đầm quốc tế Hoa Kỳ.
          Năm 1972, miền Nam liên tiếp chiến thắng giòn giã. Đông Hà và các huyện Vĩnh Linh, Do Linh của Quảng Trị được giải phóng. Bọn Mỹ lại điên cuồng đánh trở lại miền Bắc. Ngày 16/4/1972 chúng ném bom Hà Nội. Và Hà Nội đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 300 của Mỹ.
Ngày 14/12/1972, tổng thống thứ 37 của Mỹ Richard Milhous Nixon ngạo mạn gửi tối hậu thư cho ta đòi nối lại Hội nghị Paris trong vòng 72 giờ và nếu không, hạn trong 3 ngày sẽ đánh vào Hà Nội.
Và chúng đã làm thật. Hơn 200 máy bay chiến lược B52 và hàng ngan máy bay chiến đấu tối tân được huy động vào cuộc đánh phá.13 giờ ngày 18/12, máy bay Mỹ xuất phát và cuộc tập kích chiến lược bắt đầu. Từ 19 giờ 45 phút đêm 18/12 đến 4 giờ 35 phút sáng 19/12, máy bay B52 đã rải 60 đợt bom với hơn 200 điểm đánh phá. Chúng đánh vào khu vực ga Yên Viên, Đông Anh và nhiều xã chung quanh, kho xăng dầu Đức Giang (chịu trận lần thứ hai), nhà máy Xe lửa Gia Lâm, đài Phát sóng Mễ Trì…Ngay trận đầu ta đã diệt 3 máy bay Mỹ, trong đó có 1 chiếc B52. Đêm 20/12 chúng lại huy động nhiều B52 và các loại máy bay khác đánh vào vào khu lao động An Dương, giết hại và làm bị thương hơn 400 người. Trận này, ta tiêu diệt 5 pháo đài bay B52, có 3 chiếc rơi tại chỗ. Ngày và đêm 21/12, chúng tiếp tục đánh phá nhiều nơi, trong đó có bệnh viện Bạch Mai, thêm 3 máy bay B52 bị ta tiêu diệt. Trong những ngày 22, 23 và 24, địch huy động nhiều máy bay B52 đánh rộng ra vòng ngoài Hà Nội ở các tỉnh Bắc Thái (Băc Giang và Thái Nguyên), Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ). Đêm 22/12 tự vệ các nhà máy Gỗ, nhà máy Cơ khí Mai Động và nhà máy Xay Lương Yên đã bắn hạ chiếc “cánh cụp, cánh xòe” F111 lần đầu tiên Lầu Năm góc đưa ra sử dụng tại Việt Nam.
Ngày 25/12/1972 nhân Noel hưu chiến.
Ngày 26/12 địch lại mở đầu đợt đánh phá Hà Nội lần thứ hai với quy mô lớn  hơn, mức độ ác liệt và nham hiểm hơn. Chúng ném bom hủy diệt phố Khâm Thiên làm gần 300 người bị chết và hơn 200 người bị thuong. Chỉ trong 1 giờ quân và dân ta tiêu diệt 5 máy bay B52, trong đó có 4 chiếc rơi tại chỗ. Đêm 27/12 lại có thêm 5 chiếc B52 bị bắn rơi.
Tội ác của chúng là vô cùng man rợ và bị ta tiêu diệt trưng trị không nương tay.
Ngày 30/12/1972, Nixon buộc phải chấm dứt cuộc tập kích, thừa nhận thất bại nhục nhã.
Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã thả xuống gần 4 vạn quả bom bằng 4 vạn tấn thuốc nổ, tàn phá nửa triệu mét vuong nhà cửa, phá hủy nhiều công trình kinh tế văn hóa, giết hại và làm bị thương gần 3.000 người.
Con rồng lửa Thăng Long đã trừng trị chúng đích đáng: 30 máy bay, trong đó có 23 “pháo đài bay” B52 và 2 máy bay F111, nhiều giặc lái bị bắt sống.
Quốc hội đã tuyên dương quân và dân Hà Nội. Cả nước hướng về trái tim của Tổ quốc. Năm châu bốn biển hướng về Việt Nam chia sẻ nỗi lo âu và niềm vui chiến thắng.
Hà Nội 12 ngày đêm – một Điện Biên Phủ trên không oai hùng! Hà Nội trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, cho lương tri và phẩm giá con người!
***
Như lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm. 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đền ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
          Đúng thế. Không có gì quý hơn độc lập tự do!
          Tôi và gia đình tôi được sống giữa lòng Hà Nội với những giờ khắc hào hùng của dân tộc. Cứ tưởng Thăng Long vô chiến địa,  giữa thế kỷ hai mươi Thăng Long vẫn là chiến địa lẫm liệt với 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ - tên sen đầm quốc tế buộc phải ngưng tay gây tội ác, Ngày 27/3/1973  Hội nghị Paris đã kết thúc. Chiến tranh leo thang của Mỹ phải chịu thất bại.
          Bên bờ Phước Long Giang 18 giờ ngày 19 tháng 5 năm 2019.
Nhà thơ Xuân Bảo

271 Giải phóng Điện Biên


271. Kỷ niệm 65 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ
7/5/1954 – 7/5/2019.
                                       Hồi ức của Xuân Bảo
Lá cờ Quyêt chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm De Castries, ngày 7/5/1954.

NHỚ VỀ BÀI HÁT GIẢI PHÓNG ĐIỆN BIÊN
Hè 1954, học sinh chúng tôi kết thúc năm học sớm. Những trò được lên lớp 7 thì chuẩn bị hành trang để lên Cùa học vì trường Triệu Sơn chỉ có đến lớp 6.
Trong nhà tôi, Tỉnh đội Dân quân Quảng Trị có đặt cái máy phát điện quay tay để nhận và phát tin tức. Cậu tôi, ông Nguyễn Thành Chương ở Ban Chính trị, phụ trách công tác Tuyên huấn dặn anh Cẩn mở Đài Tiếng nói Việt Nam để theo dõi chiến sự chiến trường Điện Biên Phủ cho cả nhà nghe.
Sáng ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng đã tung bay trên cao điểm A1, báo giờ tàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác ba bài hát tiêu biểu: Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Giải phóng Điện Biên.  Sự ra đời của bài Giải phóng Điện Biên đã được tác giả cho biết qua hồi ký của mình. Ông viết: "Ngày 7-5-1954, chúng tôi đang cuốc, rải đá, thì vào buổi chiều, một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: “Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi”. Người tôi gai lên. Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy không cần nhạc đệm… Tôi lại đàn, lại hát. Đêm hôm đó, tôi ngồi viết bên bếp nhà sàn đỏ lửa, thâu đêm, suốt sáng. Tay búng chiếc violin, mồm cứ y ỷ, sợ làm ồn anh em mất ngủ. Có mấy củ sắn lùi trong bếp than để bồi dưỡng đêm, tôi vừa viết, vừa bóc sắn ăn". Và thế là, Giải phóng Điện Biên đã chính thức ra đời từ đó”.
Bài hát được nhạc sĩ vận dụng một cách sáng tạo âm hưởng, làn điệu dân ca Tây Bắc và làn điệu chèo của đồng bằng Bắc bộ. Ở đó ta như nghe thấy có tiếng kèn thắng trận hùng tráng, có âm hưởng điệu xòe hoa của dân tộc Thái xen lẫn với nhịp bước quân đi. Ca từ của bài hát rất giàu hình ảnh, như một bài thơ văn xuôi: Có hình ảnh những chiến sĩ Điện Biên chiến thắng trở về; có cảnh núi rừng Tây Bắc mừng vui với mùa hoa nở rộ, nương lúa mới của bản Mường, và từng đàn em bé, từng đoàn dân công tiền tuyến reo vui, vẫy chào. Hình ảnh núi rừng và con người Tây Bắc cứ như một cuốn phim hiện lên khi gần, khi xa trong ca từ của ông: "Bản mường xưa nương lúa mới trồng, kìa đoàn em bé ra  đồng nắm tay xoè hoa”. Kết thúc bài hát, giai điệu vút lên thật hào hùng: "Núi sông bừng lên/ Đất nước ta sáng ngời /cánh đồng Điện Biên/ cờ chiến thắng tưng bừng trên trời".
Bài hát này sau khi tiếp quản Thủ đô, mùng 10/10/1954, Đài Tiếng nói Việt Nam lấy làm nhạc hiệu của Đài.
Bên bờ Phước Long Giang, sáng 7/5/2019.
Nhà thơ Xuân Bảo.







Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

270. Nhà văn Song Cầm với Hà Nội


                    270. Viết nhân kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam            30/4/1975 – 30/4/2019.
NHÀ VĂN NGUYỄN THANH SONG CẦM VỚI HÀ NỘI.
Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (1010 – 2010), Câu lạc bộ Thơ Trấn Biên Đồng Nai có xuất bản cuốn sách Thơ NGÀN NĂM THƯƠNG NHỚ để dâng lên Đức Lý Công Uẩn – người hạ chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành năm 2010.
Ban biên tập chúng tôi đã có Lời ngỏ như sau: “ Hơn 60 năm trước, tại Chiến khu Đ miền Đông gian lao mà anh dũng, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đã viết:
Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…
Bài thơ đã được lưu truyền rộng rãi và sống mãi trong lòng người đọc. Bởi vì tác giả đã nói đúng nỗi niềm của con dân nước Việt là luôn luôn nhớ về thủ đô – nhớ về nguồn cội dân tộc.
Hôm nay, năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong đoàn quân điệp trùng hướng về thủ đô có nhiều người đi theo con đường Thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, mà Câu lạc bộ Thơ Trấn Biên Đồng Nai đã kịp thời tập hợp bằng thi phẩm TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ.
Đây là một cuộc tập hợp ngẫu nhiên – vừa đi vừa nhập đoàn – của các thi nhân đủ mọi thành phần ở khắp mọi miền đất nước nên không đưa ra một tiêu chí phân biệt gì. Tất cả đều có chung tấm lòng “thăm lại non sông giống Lạc Hồng”.
Bởi thế có giọng thơ sâu sắc thâm trầm nhưng cũng có lời thơ mộc mạc chân quê lần đầu tiên góp mặt thi đàn. Tất cả là một tràng hoa muôn sắc được kết bằng cỏ nội hương đồng khắp mọi miền đất nước, dâng lên Thăng Long ngàn năm tuổi; dâng lên Thủ đô hòa bình, lương tri, phẩm giá của nhân loại.
Ngày đi, tay chắc súng. Ngày về, túi đeo thơ ngợi ca sông núi trường tồn. Thật không có hình ảnh nào đẹp đẽ cho bằng!
Hai nhà thơ XUÂN BẢO và VÕ NGUYỆN, Câu lạc bộ Thơ Trấn Biên Đồng Nai đã tự nguyện đứng ra tổ chức “ tour về nguồn ngàn năm…”. Mặc dù đã làm việc nghiêm túc hơn một năm trời nhưng chắc chắn không thể nào tránh được thiếu sót, chúng tôi mong được lượng thứ.
Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý Mạnh Thường Quân đã hết lòng ủng hộ tài chính. Cảm ơn các thi hữu đã nhiệt tình cộng tác-nhập đoàn và tất cả các cơ quan, các cá nhân đã kịp thời giúp đỡ, động viên để thi tuyển ra mắt kịp thời, nghìn năm có một.
 Xin trân trọng cảm ơn và giới thiệu đến bạn đọc.
BAN BIÊN TẬP.



***
Trong Thi tuyển này, ngoài thơ có 3 bài bình và phát biểu cảm tưởng. Đó là bài Trời Nam thương nhớ của nhà thơ Nguyễn Thị Việt Nga ở Yên Phong, Bắc Ninh; đó là bài Ngàn năm thương nhớ của họa sĩ Trần Quốc Tiến, tức nhà thơ Tấn Hoài ở Quảng Trị và đó là bài Tôi yêu Hà Nội của nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm.
Nữ nhà văn đã viết:
Tôi là người con gái Huế, từ nhỏ đến nay chỉ được sống với cố đô – đất thần kinh của vương triều Nguyễn. Trước đây tôi ít biết về Thủ đô Hà Nội, vì vậy những cảm xúc để có thể sáng tác được những bài thơ hay là rất hiếm. Nay qua đọc Thư ngỏ của CLB Thơ Trấn Biên Đồng Nai do hai nhà thơ XUÂN BẢO và VÕ NGUYỆN đề xướng cho Thi phẩm TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ tôi bỗng thấy mình thiếu một cái gì đó rất mơ hồ như một thứ tình yêu còn tiềm ẩn tận đáy sâu tâm hồn.
Tôi vinh dự được gặp nhà thơ Xuân Bảo và ông đã gợi tứ cho tôi về Thủ đô yêu dấu – trái tim của Tổ quốc – Hà Nội thành phố hòa bình. Thế là những cảm xúc trong tôi trào dâng. Phải viết về Hà Nội. Những bài thơ này dù chưa hay, nhưng đó là tấm lòng của một người con xứ Huế gửi tất cả niềm thương yêu về Hà Nội, dâng lên Đức Lý Thái Tổ trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long  - Hà Nội.
     Bốn bài thơ của Nguyễn Thanh Song Cầm đăng trong Thi tuyển Trời Nam thương nhớ gồm: Hà Nội – Thủ đô thanh bình, Bài thơ cuối Xuân, Quốc học trường tôi và Lời nguyện.
          Bên bờ Phước Long Giang, ngày 29/4/2019 -  kỷ niệm 44 năm, một ngày trước Ngày Toàn thắng 30/4/1975.
Nhà thơ Xuân Bảo.