Trang

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

195. Đối thoại với Thủy thần sông Đồng Nai


                       195.TẾT ĐOAN NGỌ, NHỚ KHUẤT NGUYÊN.

             Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết Đoan Ngọ, còn gọi là Tiết Đoan Dương, tôi lại càng da diết nhớ tới Khuất Nguyên – một tài thơ lỗi lạc của nhân dân Trung Hoa - Bởi vì: “Chí ông trong sạch nên hay nói đến các hoa thơm. Nết ông cao cho nên dù chết cũng không được dung nạp. Ông thoát khỏi cái thế giới bùn lầy như con ve bỏ lốt ở nơi dơ đục, để cất mình ra khỏi đám bụi trần chẳng để cho đời làm dơ bẩn. Thật là ở bùn mà trong trắng chẳng lây đen. Suy cái chí ấy thì ông có thể thi sáng với mặt trăng, mặt trời vậy!” (Theo Sử ký Tư Mã Thiên, mục Khuất Nguyên liệt truyện, trang 482 và 483, NXB Thời đại ấn hành năm 2010).

                              Cách đây 5 năm, năm 2012 tôi đã có bài thơ “Đối thoại với Thủy thần sông Đồng Nai”, phỏng theo ý bài thơ Ngư phủ của Khuất Nguyên và ký bút danh là BỬU CỰ UYÊN THI.

          Năm Đinh Dậu này, tôi đăng lại bài thơ “Đối thoại với Thủy thần sông Đồng Nai”. Bài thơ như sau:

Thi nhân ngao ngán       
Đứng trên bờ sông
Ngắm dòng Phước Long
Con sông thân thiết
Chảy qua chín bậc [1]
Chảy trong ta oai hùng một bản trường ca
 ***
 Thủy thần nhìn thấy liền hỏi:
-Nhà thơ Xuân Bảo đấy phải không?
-Có chi mà buồn chán, có chi mà tiếc nuối?
Thi nhân đáp lại thong dong:
Ta nghĩ về lòng người u tối
-Gạt phắt Trường ca một cách vô lối
 “Âm vang một dòng sông”
Ta viết trong mười năm với bao tâm huyết
Thiên hạ cho đây là Đồng Nai sử lược
Một dòng sông rất đỗi tự hào
Của Miền Đông gian lao!
 
***
Thủy thần nói :
-Thi nhân đừng câu nệ
Lũ ngu dốt như rác rưởi
Dòng sông này sẽ cuốn phăng
Đừng như Khuất Nguyên viết:
 “Cử thế giai trọc ngã độc thanh
Chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh”(2) 
Trường ca của thi nhân ta biết
Cả đất trời và người dân này biết
Tác phẩm Âm vang một dòng sông
Mãi mãi trường tồn như Phước Long Giang thao thiết
Chở nặng phù sa cho đôi bờ xanh biếc

***
Tạm biệt thủy thần 
Sang sảng tiếng Thơ ngân:
Nước sông Đồng Nai trong a
Ta ngàn lần yêu mến
Nước sông Đồng Nai đục a
Sẽ có ngày trong lại !

                           Bửu Cự Uyên Thi
 .........
(1) Sông Đồng Nai phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên chảy qua 9 bậc. Bậc cuối là thác Trị An, nay thành thủy điện.

(2) Thế kỷ trước, nhà thơ Đào Duy Anh đã dịch 2 câu này trong bài thơ Ngư phủ của Khuất Nguyên" Khắp đời đều đục mình ta trong. Mọi người đều say mình ta tỉnh"

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

194. Ly Tao của Khuất Nguyên.


              194. LY TAO.
Nhân tết Đoan Ngọ, còn gọi là tiết Đoan Dương năm nay, tôi xin tưởng nhớ Khuất Nguyên với bài tiểu luận chuyên đề về Ly Tao.

Thời đại Khuất Nguyên sống là vào năm 390-278 TCN. Đây là thời “Chiến quốc” lúc mà 12 nước lớn thời Xuân Thu đã hợp thành 7 nước đang giành giật quyền bính để thống nhất Trung Quốc.Tổ quốc của Khuất Nguyên là nước Sở đang ở thời kỳ suy vong.
Sở Từ của Khuất Nguyên là đỉnh cao chói lọi của nền thi ca cổ đại của Trung Quốc. Sở Từ bao gồm các tác phẩm Cửu Ca, Bốc Cự, Ngư Phủ, Ly Tao, Cửu Chương và Thiên Vấn. Trong đó, Ly Tao là tác phẩm tiêu biểu với 375 câu, 2473 từ  được coi là “thiên trường ca” đầu tiên lớn nhất trên lịch sử văn học Trung Quốc. So với Kinh Thi thì Sở Từ đạt tới mức phát trển rất lớn về mặt chủ đề cũng như về mặt nghệ thuật thể hiện, nhất là về sử dụng từ ngữ cũng hết sức đẹp đẽ và phong phú.
Ly Tao là tác phẩm tiêu biểu của Khuất Nguyên, là bài thơ lãng mạn-trữ tình-tự thuật đầu tiên và lớn nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc. Ly Tao nổi tiếng đến mức người Trung Quốc về sau coi đó là đại biểu của thơ ca. Họ gọi nhà thơ, nhà văn là "tao nhân, mặc khách" (Ở Việt Nam ta trước đây cũng quan niệm như vậy, nên Lê Thánh Tông gọi thi đàn do mình sáng lập là "Tao đàn").
Về chữ Ly Tao có nhiều cách giải thích. Chu Bích Liên, trong sách Cổ thi hải, kết hợp ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, lý giải rằng: Ly Tao nguyên là một điệu dân ca nước Sở, thích hợp với việc thể hiện những nỗi uất ức, bất bình; vì thế nhà thơ Khuất Nguyên khi bị vua Sở đầy ải đã dùng Ly Tao làm đề để trữ phát những nỗi đau buồn day dứt uất kết trong lòng, đồng thời nói lên lý tưởng mà mình hoài bão. Ở ta, thông thường vẫn hiểu chữ "Ly Tao" theo cách chú giải của Vương Dật (người cuối đời Ðông Hán): “Ly Tao - nỗi sầu ly biệt”. Chú như vậy cũng thông (có thể đây là nguyên nghĩa của Ly Tao trong Sở điệu).

Theo Sử ký Tư Mã Thiên thì:

1. Khuất Nguyên tên là Bình cùng họ với vua nước Sở. Bình làm chức tả đô đời Sở Hoài Vương, học rộng, nhớ lâu, thấy rõ lý lẽ trị loạn, thạo việc giấy tờ. Vào cung thì cùng vua bàn tính việc nước, ban bố các mệnh lệnh. Ra thì tiếp đãi khách khứa, ứng đối với chư hầu. Nhà vua rất tin dùng. Đại phu Thượng Quan cùng ông ngang hàng, tranh được vua yêu, trong bụng ghen ghét tài năng.
Hoài Vương sai Khuất Nguyên làm pháp lệnh, Khuất Nguyên nháp bản thảo chưa xong, đại phu Thượng Quan trông thấy muốn cướp lấy, Khuất Nguyên không cho, ông ta bèn gièm với vua:
-      Bệ hạ sai Khuất Bình làm pháp lệnh, không ai là không biết. Mỗi khi lệnh ban ra, Bình lại khoe công của mình, nói: “Ngoài ta ra, chẳng ai làm nổi”.
    Nhà vua giận, bỏ rơi Khuất Bình.

2. Khuất Bình giận về nỗi nhà vua nghe không phân biệt phải trái, để lời gièm pha che mất óc sáng suốt, để kẻ gian ác làm hại người trung thành, khiến cho người ngay không có chỗ dung thân, cho nên lo buồn nghĩ ngợi mà làm ra Ly Tao.
Ly Tao cũng như là buồn trong chia ly. Trời là khởi thủy của loài người. Cha mẹ là gốc của con người. Người ta gặp lúc khốn cùng thì quay về gốc. Cho nên hễ khó nhọc mỏi mệt ốm đau, không ai không kêu trời! Khi đau xót thương cảm, không ai không kêu cha mẹ! Khuất Bình theo đạo ngay đi đường thằng, dốc hết lòng trung, đưa hết trí khôn ra thờ vua, nhưng lại bị kẻ gièm pha ly gián, có thể gọi là ở vào cảnh khốn cùng vậy! Mình tín mà bị ngờ vực, mình trung mà bị chỉ trích, làm sao khỏi oán thán. Khuất Bình viết Ly Tao là do oán thán mà ra vậy! Thơ Quốc phong mê sắc mà không dâm, thơ Tiểu nhã oán trách mà không loạn. Như Ly Tao thực là gồm được cả hai. Trên  kể từ Đế Cốc, dưới nói đến Tề Hoàn, giữa thuật truyện vua Thang và Vũ, chỉ trích việc đời. Nó nêu rõ tầm quan trọng của đạo đức, nguyên nhân làm nước nhà trị hay loạn, không có chuyện gì là không nói đến. Văn ông ngắn gọn, kín đáo, chí ông trong sạch, nết ông thanh cao; tuy nói những điều vụn vặt, nhưng ý nghĩa rất rộng; việc nhắc đến tuy gần, nhưng ý nghĩa thì xa. Chí ông trong sạch nên hay nói đến các hoa thơm. Nết ông cao cho nên dù chết cũng không được dung nạp. Ông thoát khỏi cái thế giới bùn lầy như con ve bỏ lốt ở nơi dơ đục, để cất mình ra khỏi đám bụi trần chẳng để cho đời làm dơ bẩn. Thật là ở bùn mà trong trắng chẳng lây đen. Suy cái chí ấy thì ông có thể thi sáng với mặt trăng, mặt trời vậy!
(Theo Sử ký Tư Mã Thiên, mục Khuất Nguyên liệt truyện, trang 482 và 483, NXB Thời đại ấn hành năm 2010).
                                                  ***
 Ly Tao là một bài phú trữ tình nổi tiếng, đã được một nhà phê bình văn học đời Minh xếp vào hạng thứ hai trong sáu đại tác phẩm của Trung Quốc. Ly Tao là tiếng vọng bi đát của một nhà cô thần, một bài phú tả cuộc đời lý tưởng của tác giả.
Nước Sở, tổ quốc của Khuất Nguyên từng là một nước hùng mạnh đang bước vào thời kỳ suy vong. Khuất Nguyên – nhà tư tưởng và chính trị lớn đương thời tuy được Sở Hoài Vương trọng dụng, phong làm tả đồ (một chức quan gần gũi nhà vua) và Tam lư đại phu. Các chủ trương cải cách chính trị của ông ngày một mâu thuẫn với quyền lợi của các đại thần. Bọn chúng là thượng quan đại phu Cẩn Thượng, lệnh doãn Tử Lan, tư mã Tử Tiêu, nam hậu Trịnh Tụ…lập mưu gièm pha Khuất Nguyên một cách hiểm độc. Sở Hoài Vương ngu muội dần dần xa lánh ông, thậm chí còn bắt ông đi đày.
Hơn 20 mươi phiêu bạt, Khuất Nguyên vẫn trung thành với lý tưởng của mình. Ông không bao giờ xa rời nước Sở. Ông đặc biệt quan tâm đến nỗi khổ và nguyện vọng của nhân dân:

Chỉ thở dài mà gạt lệ a
Thương nhân dân còn khổ nhiều
                                                 (Ly Tao)


Muốn vùng dậy mà chạy vung a
Thấy dân khổ mà phải lặng
                                                 (Trừu Tư)

Khuất Nguyên chưa bao giờ viết như một người đứng ngoài cuộc, quan sát lạnh lùng trước cảnh đất nước đang suy vong, trước cảnh lầm than của người dân.
Khuất Nguyên là người mở đường của chủ nghĩa yêu nước trong sáng tác nghệ thuật của các nhà thơ Trung Quốc từ nhiều thế kỷ nay, khiến ông trở thành nhà thơ vĩ đại đầu tiên được nhân dân Trung Quốc luôn luôn tưởng nhớ và kính trọng.
 Ly Tao là thiên trường ca đầu tiên lớn nhất trong lịch sử văn học Trung Hoa. Mã Mậu Nguyên coi đây là “ngọn hải đăng rực rỡ, rọi sáng con đường phát triển của thơ ca Trung Quốc từ 2000 năm nay”. Ly Tao mang tính nhân dân sâu sắc. Ông tố cáo một cách sắc bén cuộc sống xa hoa, bon chen, vụ lợi, giả dối, bệnh hoạn của tầng lớp “ăn trên ngồi trốc”, chỉ ra nền chính trị hủ bại của vương triều nước Sở đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Ly Tao tìm về những trang lịch sử đẹp nhất của Trung Quốc, miêu tả sinh động các thời đại của các vua Nghiêu, vua Thuấn trong truyền thuyết thần thoại. Trong sáng tác của mình, Khuất Nguyên đã làm hòa hợp thành một khối việc lý tưởng hóa lịch sử với những ảnh tượng suy tưởng và thần thoại, khiến Ly Tao có tầm bao quát rộng lớn, phản ánh một cách huy hoàng tình cảm của nhân loại. Ly Tao còn nói lên được những thể nghiệm sâu sắc trong đời sống của nhà thơ, đạt tới mẫu mực của tác phẩm thơ tự truyện trữ tình tuyệt mỹ, diễn dạt toàn bộ thân thế, sự nghiệp, tình cảm và hoài bão chính trị “trị quốc tu thân” của bản thân nhà thơ. Theo ông “trị quốc” và “tu thân” chỉ là một. Toàn bài 375 câu của Ly Tao, phần lớn nói đến “khoác hoa thơm, mang cỏ lạ”. Đó chính là tượng trưng cho việc tự sửa mình. “Cỏ thơm”, “người đẹp”. “Cỏ thơm” sánh với hành vi cao đẹp, “Người đẹp” nói lên lý tưởng mà tác giả theo đuổi. Từ đó, Khuất Nguyên nêu lên yêu cầu lớn của xã hội, đòi hỏi vương triều cải cách chính trị và chính bản thân nhà thơ đã kiên trì giữ vững lý tưởng và yêu cầu đó của mình cho đến giờ phút cuối cùng. Những nội dung cụ thể của những điển hình do ông xây dựng nên không những chỉ phản ánh sâu sắc những mâu thuẫn và đau khổ trong nội tâm của tác giả khiến Ly Tao không những mang hơi thở thời đại, đồng thời còn mang dấu ấn cá tính đậm nét trong sáng tác của nhà thơ thiên tài.
Trong Ly Tao, tác giả còn sử dụng hàng loạt thủ pháp miêu tả có tính thần thoại như “ăn cúc non”, “uống sương sa”, “thoắt tới núi thần, vút lên thiên đình”. Các hình tượng mặt trời, vành trăng, mây mưa, gió bão…được tác giả tự do sai khiến. Trong những miêu tả ly kỳ ấy có lúc ngọn bút tác giả sôi lên như sóng gầm bão giật, có lúc lại êm ả như mây trôi, gió thoảng. Người đọc cảm nhận ngay được đằng sau đó là lý tưởng cao đẹp, là tình cảm mãnh liệt, là tâm hồn rộng lớn của nhà thơ.
Ở đây cũng cần nói rõ “Sở từ” trong văn học Trung Quốc đã được phát triển là nhờ có Khuất Nguyên sáng tạo nên. Khuất Nguyên đã vận dụng sáng tạo âm luật tự nhiên của ca dao, phá vỡ thể thơ 4 chữ, chuyển phong cách thơ tả thực thành phong cách thơ lãng mạn, đạt tới hiệu quả nghệ thuật rất cao.

                                        ***
Đầu thế kỷ 20, các nhà Nho học uyên thâm của nước ta đã có nhiều cố gắng để dịch Ly Tao như các cụ Phan Võ, Bùi Kỷ, Lê Thước…nhưng có 2 bản dịch được đưa vào sách Sở Từ.
Hiện nay, chúng ta có trong tay là bản dịch của nhà thơ Đào Duy Anh và nhà Nho Nhượng Tống. Ở bản dịch của Đào Duy Anh, dịch đúng 375 câu, được đánh số thứ tự từ câu 1 cho đến câu 375. Bản dịch của Nhượng Tống thì chia Ly Tao ra làm 3 phần. Phần I có 128 câu, phần II có 128 câu và phần III có 117 câu.
 Những người dịch Sở Từ đã có mấy lời lưu ý bạn đọc: “Như bạn đọc đều rõ Sở từ là một thể văn đặc biệt được gọi là “Tao” có cách đây ngót 2000 năm. Dịch những tác phẩm thuộc loại này là một việc rất khó, nhất là về mặt truyền cảm.Về phía người dịch chúng tôi đã cố ý bám sát ý và tứ của nguyên tác, đồng thời chú ý dịch theo đúng thể cách của tác phẩm nhằm cung cấp cho các bạn đọc làm công tác nghiên cứu một bản dịch tương đối trung thành với nguyên tác.
Riêng về chữ hề âm xưa của nó là a, đó là tiếng đệm trong câu hát xưa của Trung Quốc, cũng như tiếng ê, tiếng a là tiếng đệm trong câu hát xưa của ta, chúng tôi dịch là a chứ không theo cách dịch của người trước…”

Đọc Ly Tao, tôi mong những nhà thơ Việt Nam hiện nay cố gắng học hỏi - dù một ít -  am hiểu về nhà thơ vĩ đại Khuất Nguyên!

Bên bờ Phước Long Giang, nhân ngày húy của Khuất Nguyên,mùng 5 tháng 5 năm Đinh Dậu

                              Nhà thơ Xuân Bảo

Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

193. Nguyễn Du viếng Khuất Nguyên


         193. NGUYỄN DU VIẾNG KHUẤT NGUYÊN.

Có lẽ, từ xưa đến nay, ở Việt Nam ta chưa có nhà thơ nào có nỗi đồng cảm day dứt, đau đáu với Khuất Bình như đại thi hào Nguyễn Du. Chính vì vậy, mỗi năm khi tiết Đoan Dương về tôi cũng không nén nỗi niềm tiếc thương đối với Khuất Nguyên.
Đại thi hào Nguyễn Du đã để lại cho chúng ta khối lượng tác phẩm đồ sộ viết bằng văn Nôm: Kim Vân Kiều truyện, thể lục bát gồm 3254 câu. Văn tế thập loại chúng sinh, thể song thất lục bát. Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, 98 câu.Thác lời trai phường nón, 48 câu.  Và 3 tập thơ chữ Hán là Thanh hiên thi tập, 78 bài. Nam trung tạp ngâm, 40 bài và Bắc hành tạp lục, 131 bài..
Bắc hành tạp lục (Ghi chép tản mạn trên đường đi sứ phương Bắc) là tập thơ bao gồm 131 bài thơ chữ Hán do Nguyễn Du sáng tác trong khoảng thời gian ông dẫn đầu đoàn sứ bộ nhà Nguyễn sang Trung Quốc từ đầu năm Quý Dậu 1813 đến đầu năm Giáp Tuất 1814. Đây là một tập thơ nói lên lòng thương cảm sâu xa những người trung nghĩa bị hãm hại, những người tài hoa bị vùi dập, những người lao động cùng khổ bị đói rét cùng nỗi khinh ghét giới thống trị kiêu căng và tàn bạo, được Nguyễn Du nói lên bằng những vần thơ hết sức sâu sắc . Phần lớn trong Bắc hành tạp lục là thơ luật, gồm 76 bài thất ngôn bát cú, 11 bài ngũ ngôn bát cú, 18 bài thất ngôn tứ tuyệt; chỉ có 8 bài thất ngôn cổ phong, ngũ ngôn cổ phong và 18 bài trường thiên (thất ngôn, ngũ ngôn hoặc trường đoản cú) theo thể ca và hành.
 Đề tài "vịnh sử" gồm khoảng 50 tác phẩm, trình bày cảm xúc và suy nghĩ về một loạt nhân vật lịch sử Trung Quốc, nhân đi qua các di tích của họ, như Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu (Qua Tương Đàm viếng Tam Lư đại phu, 2 bài), Dự Nhượng chùy thủ hành (Bài hành về cái dao găm của Dự Nhượng), Sở Bá vương mộ (Mộ Sở Bá vương), Độ Hoài hữu cảm Hoài Âm hầu tác (Qua sông Hoài, cảm nhớ Hoài Âm hầu) v.v...Ở nhóm thơ này có khá nhiều bài hay và nổi trội hơn cả là bài thơ Phản chiêu hồn.
Trong Bắc hành tạp lục, những điểm đặc sắc tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Du được thể hiện rõ ràng hơn. Có ba nhóm đáng chú ý: Một là ca ngợi, đồng cảm với các nhân cách cao thượng và phê phán những nhân vật phản diện. Hai là phê phán xã hội phong kiến chà đạp quyền sống con người. Ba là cảm thông với những thân phận nhỏ bé dưới đáy xã hội, bị đọa đày hắt hủi.
Nguyễn Du đã có thể đã tìm thấy ở Khuất Nguyên những điểm tương đồng với chính mình khi ông đã dành sáu bài thơ nhắc đến Khuất Nguyên. Đó là các bài Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu (Qua Tương Đàm viếng Tam Lư đại phu, Nhị thủ, 2 bài), Biện Giả Nghị (Bác Giả Nghị), Trường Sa Giả thái phó (Giả thái phó đất Trường Sa), Ngũ nguyệt quan cạnh độ (Tháng 5 xem đua chải), Phản chiêu hồn (Chống bài Chiêu hồn).
Tương Đàm Điếu Tam lư Đại Phu
                                           (Nhị thủ)
   Qua Tương Đàm viếng Tam Lư Đại Phu
                                        Bài I
Người hiếu tu sống cách hai nghìn năm
Ngày nay đất còn thơm mùi hoa chỉ, hoa lan
Xa quê ba năm buồn phiền vì bị tống xuất
Nghìn đời sau thơ của ông vẫn hay nhất
Rồng cá đầy sông cốt tìm chẳng thấy
Bên bờ Đỗ nhược có giống cỏ thơm
Nhướng mắt đau lòng không biết là đâu
Gió thu lá rụng khi qua vùng Nguyên,Tương.
---------------------------------------------------------------------------
Tương Đàm Điếu Tam lư Đại Phu.
                         Bài  II
                  Qua Tương Đàm viếng Tam-Lư Đại Phu.
                                        II
Người nước Sở oan hồn chôn nơi đây,
Khói sóng mênh mông cứ nhìn hoài không cùng.
Hiến lệnh đó nếu đã được ban ra khắp mọi nơi,
Thì làm gì có Ly tao kế với Quốc phong?
Ngàn năm trước ai hiểu người tỉnh một mình,
Bốn phương lòng trung biết gửi nơi nào?
Thời này quần áo mặc sao là lạ,
Hoa tiêu lan nay cũng chẳng giống của ông.
                    ---------------

Phản Chiêu hồn
Chống Bài Chiêu hồn
Hồn ơi! Hồn ơi! sao chẳng về?
Đông tây nam bắc không tựa kề
Lên trời xuống đất đều không ổn
Đất Yên đất Dĩnh về làm chi ?
Thành quách xưa nhưng lòng dân đổi
Nhuốm bụi nhiều quần áo bẩn dơ
Đi ra xe ngựa, nhà vênh váo
Ngồi bàn tán chuyện ông Quì, Cao
Không hề để lộ nanh độc ác .
Nhưng cắn xé người ngọt biết bao!
Có thấy chăng cả trăm vùng Hồ
Toàn người gầy ốm, béo có đâu
Hồn ơi! Hồn hỡi! theo đường đó,
Thì sau Tam Hoàng đà lỗi thờị
Sao bằng tìm về cõi hư vô
Về đây chi để người mai mỉa
Đời sau ai ai cũng Thượng quan
Mặt đất đó đây đều sông Mịch
Cá rồng không ăn, beo cũng nuốt
Hồn ơi! Hồn ơi! biết làm sao?

Ở bài Phản Chiêu hồn này, ta thấy Nguyễn Du cảm phục và coi Khuất Nguyên như một người tài hoa nhưng gặp toàn bất hạnh. Khuất Nguyên lúc sinh thời thường đeo bên mình một giỏ hoa lan, hoa chi, làm bạn đồng hành, một loại cỏ thơm cũng thanh cao như tấm lòng Khuất Nguyên. Nghĩ đến Khuất Nguyên với một cái nhìn khác lạ với dân gian hay với Tống Ngọc. Trong khi Tống Ngọc cho rằng hồn phách Khuất Nguyên sắp tiêu tan nên gọi hồn Khuất Nguyên về để có nơi nương tựa, thì Nguyễn Du cho rằng khắp mặt đất đâu đâu cũng là Mịch la, ai ai cũng là Thượng quan thì làm gì có chỗ trong sáng đủ để cái tâm thanh khiết của Khuất Nguyên có chỗ nương tựa. Phản đối việc gọi hồn, Nguyễn Du lại muốn hồn Khuất Nguyên mau mau về cõi hư vô.
Chiêu hồn: một bài từ của Tống Ngọc, người cùng thời với Khuất-Nguyên. Trong bài có nói Tống Ngọc thương Khuất nguyên hồn phách sắp tiêu tan nên làm bài từ để gọi hồn cho sống lâu hơn. Nguyễn Du phản lại ý đó, ý muốn nói hồn không nên trở lại cõi trần gian có đầy những kẻ gian ác thâm hiểm.
Đúng như nhà thơ Xuân Diệu đã viết: bài thơ Phản Chiêu hồn trong Bắc hành tạp ngâm, là một tiếng kêu của Nguyễn Du đột ngột bật lên giữa cả một chuỗi suy nghĩ trầm trầm trong thơ chữ Hán. Đây quả là cao độ của một tiếng nấc, của một bế tắc, của một bi kịch và chưa ở đâu sự bi phẫn và đau thương dồn lên cao vút như ở bài Phản chiêu hồn.

Biện Giả Nghị
Bác Giả-Nghị
Không qua đường Hồ Nam
Sao biết sông Tương sâu ?
Không đọc "Hoài sa phú "
Sao biết lòng Khuất Nguyên?
Lòng Khuất Nguyên, nước sông Tương,
Ngàn vạn thu lòng vẫn trong suốt.
Cổ kim khó gặp bạn đồng tâm .

Trong bài thơ này Nguyễn Du bày tỏ ý kiến bênh vực Khuất Nguyên đối với bài phú Viếng Khuất Nguyên của Giả Nghị. Giả Nghị,(201-169 TCN) một vị quan đời Hán, vì bị quan thần bài xích nên bị đổi đi làm thái phó ở Trường sa. Khi đi qua sông Tương, Giả Nghị làm bài phú Viếng Khuất Nguyên, ngụ ý than thở cảnh ngộ mình, đồng thời có ý thắc mắc sao Khuất Nguyên không đi tìm vua khác mà thờ, mà phải ôm lấy cố đô làm chi ?

 Hoài sa phú: là một trong chín bài đề "Cửu chương" của Khuất Nguyên, tỏ ý Khuất Nguyên không muồn nhìn cảnh quốc gia bị mất nên quyết định tự tử ở sông Tương. Trong bài phú Viếng Khuất Nguyên của Giả Nghị có câu có nghĩa đi tìm vua khác mà thờ, sao phải ôm lấy cố đô làm chi. Nguyễn Du bác bỏ ý này của Giả Nghị.

Trường sa Giả Thái Phó
Giả Thái Phó đất Trường Sa
Giáng, Quán quan võ không hiểu nhiều,
Vua Hiếu đạm bạc ngại đổi thaỵ
Bàn sơ khó thấu tài uyên bác,
Trọn nghĩa chức vụ, chết vì buồn
Trời cho tài mà không đất dụng,
Một chiều chim lạ báo điềm xuị
Tương Đàm gần gũi trong gang tấc,
Ngàn năm gặp gỡ chung tấm lòng.
    -----------------------

- Ngũ nguyệt quan cạnh độ.
Tháng năm xem đua chải
Sở vương cốt đã rước, Trương đã chết,
Một văn nhân nước Sở với chùm lan
Ngàn năm gọi hồn, hồn vẫn ẩn,
Đầy sông thuyền chải, nghĩa gì đâu
Mịt mờ khói sóng thương xót hão,
Chiêng trống hàng năm vẫn bày trò
Hồn kia có về nương đâu nhỉ ?
Rắn rồng quỉ quái đầy thế gian.

Bài thơ này Nguyễn Du làm khi có dịp xem đua trải trên sông Tương Đàm vào ngày giỗ Khuất Nguyên (ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch). Hội đua thuyền này tượng trưng cho việc tìm thi thể nhà thơ, mà theo Nguyễn Du thì không thích hợp. Hai câu chót trong bài thơ đã được nhiều người cho rằng có ý ký thác tâm sự của chính Nguyễn Du trong bài thơ này.
Bên bờ Phước Long Giang, những ngày gần Tết Đoan Ngọ năm Đinh Dậu – 20/5/2017.

Nhà thơ Xuân Bảo

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

192. Bài 4. Nhụy kiều tướng quân.

Bài 4. NHỤY KIỀU TƯỚNG QUÂN.

Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư, quyển IV trang 131 ghi: “Mậu Thìn (248) (Hán Diên Hy năm thứ 11, Ngô Vĩnh An năm thứ 1). Người Cửu Chân lại nổi lên đánh hãm thành ấp, châu quận rối động. Ngô Vương cho Hành Dương đốc quân đô úy là Lục Dận (có sách chép là Lục Thương) làm thứ sử kiêm hiệu úy. Dận đến nơi, lấy ấn tín hiểu dụ, ra hàng phục hơn 3 vạn nhà, trong châu lại yên. Đến sau người con gái ở quận Cửu Chân là Triệu Ẩu (Ẩu vú dài ba thước, vắt lên sau lưng, thường ngồi đầu voi đánh nhau với giặc) họp quân đánh cướp quận huyện. Dận dẹp yên được.
 Sách Giao chỉ chỉ chép: Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái em họ Triệu, vú dài 3 thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các huyện trong quận, thường mặc áo ngắn sắc vàng đi guốc gỗ, ngồi đầu voi đánh nhau, sau chết làm thần.
    Hơn một nghìn năm Bắc thuộc, từ nhà Triệu 111 -TCN đến Ngô Quyền 939 CN có 6 cuộc khởi nghĩa lớn được chính sử ghi chép. Đó là Trưng Vương 40-43, Triệu Ẩu 248, nhà Lý Bí + Triệu Quang Phục + nhà Hậu Lý 541-602, Mai Hắc Đế 722, nhà Phùng Hưng 791-800, nhà Khúc Thừa Dụ + (Dương Đình Nghệ - Kiều Công Tiễn) 906-938. Trong đó có 2 cuộc khởi nghĩa là do phụ nữ lãnh đạo.
Trong mục “Dân ta phải biết sử ta”, bắt đầu từ Bài số 1, tôi đã nói đến cuộc Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Nay tôi cho đăng Bài số 4, nói về cuộc Khởi nghĩa của Bà Triệu Ẩu dưới tựa đề là Nhụy Kiều tướng quân.
Bài 4. Nhụy Kiều tướng quân.
  Thế kỷ thứ III đầu công nguyên, năm 248 Cửu Chân và Giao Chỉ lại nổi dậy chống quân Ngô. Bọn giặc Ngô ngô nghê này vẫn có chút lãng mạn, đặt tên cho người chống lại mình rất ư là văn nghệ: Nhụy kiều tướng quân, có nghĩa là vị nữ tướng yêu kiều. Còn một tên nữa văn hoa hơn, đó là Lệ Hải Bà Vương do nhân dân ta yêu mến Bà mà gọi. Lệ Hải Bà Vương có nghĩa là Vua Bà của vùng biển đẹp. Sự thực Bà Triệu chỉ làm một cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng, chứ chưa hề xưng vương. Cảm phục người nữ anh hùng xứ Quân Yên, miền Hậu Lộc (Thanh Hóa ). Nhà thơ Mai Lĩnh Sơn đã ca ngợi:

    Múa ngang ngọn giáo chống hùm dễ
    Đối mặt Vua Bà thật khó hung (1)
   “Lệ Hải” vung gươm vì nghĩa lớn
   “Nhụy kiều” đốc tượng thúc muôn quân
    Đạp bằng sóng dữ xua tan bão
    Chém nát kình ngư, lặng biển Đông
    Tỳ thiếp khom lưng nào chịu phận
     Trinh Nương đâu kém bậc anh hùng
                                                                   ( Hiên ngang Triệu Ẩu )
                  (1) Quân Ngô có câu: “Hoành qua đương hổ dị/Đối diện Bà Vương nan”.  Mai Lĩnh Sơn đã dịch ở 2 câu đầu bài thơ trên.
 
Bà Triệu (225-248) còn được gọi là Triệu Ẩu, Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh, Triệu Quốc Trinh, là một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam. Bà Triệu sinh năm Bính Ngọ (226) tại miền núi Quân Yên (hay Quan Yên), quận Cửu Chân, nay thuộc làng Quan Yên (hay còn gọi là Yên Thôn), xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Bà là em gái hào trưởng Triệu Quốc Đạt. Bà là người phụ nữ có sức khỏe phi thường. Khi biết em gái mình có ý định khởi nghĩa, người anh cho rằng phận gái khó có thể đảm đương nổi và đã can ngăn. Bà khẳng khái trả lời:” Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách đô hộ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta”.
Sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết:
Triệu Ẩu (tức Bà Triệu) là người con gái ở quận Cửu Chân, họp quân trong núi, đánh phá thành ấp, các bộ đều theo như bóng theo hình, dễ hơn trở bàn tay. Tuy chưa chiếm giữ được đất Lĩnh Biểu như việc cũ của Trưng Vương, nhưng cũng là bậc hùng tài trong nữ giới.
Sử nhà Nguyễn ở thế kỷ 19 cũng đã chép:
Con gái nước ta có nhiều người hùng dũng lạ thường. Bà Triệu Ẩu thật xứng đáng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng. Xem thế thì há có phải chỉ Trung Quốc mới có đàn bà danh tiếng như chuyện Thành Phu Nhân và Nương Tử Quân mà Bắc sử đã chép đâu.
Năm 226, Sĩ Nhiếp mất, vua Đông Ngô là Tôn Quyền bèn chia đất từ Hợp Phố về Bắc thuộc Quảng Châu dùng Lữ Đại làm thứ sử; từ Hợp Phố về Nam là Giao Châu, sai Đại Lương làm thái thú, và sai Trần Thì làm thái thú quận Giao Chỉ. Lúc bấy giờ, con của Sĩ Nhiếp là Sĩ Huy tự nối ngôi và xưng là thái thú, liền đem binh chống lại..
Thứ sử Lữ Đại bèn xua quân sang đánh dẹp. Do nghe lời chiêu dụ, Sỹ Huy cùng năm anh em ra hàng. Lữ Đại giết chết Huy, còn mấy anh em thì đem về đất Ngô làm tội. Dư đảng của Sỹ Huy tiếp tục chống lại, khiến Lữ Đại mang quân vào Cửu Chân giết hại một lúc hàng vạn người.
Thực vậy, Bà đã dấy quân tụ nghĩa ở vùng núi Tùng Sơn, một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi đá vôi, gần biển và là cửa ngõ phía bắc vào Thanh Hóa. Căn cứ Bà lập ra có vị trí quân sự hiểm yếu, thuận lợi cả hai mặt công và thủ. Bà cho quân dựng 7 đồn lũy ở núi Chung Chinh. Quân lính của Bà đã chiến đấu hơn 30 trận với giặc Ngô. Dân chúng Cửu Chân hưởng ứng khởi nghĩa, theo Bà rất đông. Cuộc khởi nghĩa lan ra nhiều nơi, cả ở Giao Chỉ. Các thành ấp của quân Ngô đều bị triệt hạ. Thứ sử Giao Châu bỏ chạy mất tích. Trước tình hình đó, triều Ngô cử tướng Lục Dận sang làm thứ sử Giao Châu, đem theo gần một vạn quân sang để đàn áp cuộc khởi nghĩa.
 Trong Đại Nam quốc sử diễn ca Lê Ngô Cát có viết:
       “…Cửu Chân có ả Triệu Kiều
Vú dài ba thước tài cao muôn người
Gặp cơn thảo muội cơ trời
Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang
Đầu voi phất ngọn cờ vàng
 Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha…”

   Truyền thuyết kể rằng: Nghĩa quân của Bà kiên cường chiến đấu đến cùng. Về sau có kẻ phản bội mách với Lục Dận rằng; Bà rất sợ cái dơ bẩn, yêu cái trong sạch (ái khiết úy ố). Quân Ngô liền trần truồng tiến đánh làm Bà hổ thẹn, giao binh quyền cho 3 tướng họ Lý rồi lên Núi Tùng tự vẫn. Lúc bấy giờ Bà mới 23 tuổi. Hiện trên Núi Tùng có mộ Bà Triệu và dưới chân Núi Tùng có đền thờ chính Triệu Trinh Nương.

Ngày nay, sau gần 2000 năm, trong dân gian vẫn còn truyền tụng những câu ca:
Có Bà Triệu tướng
Vâng lệnh trời ra
Trị voi một ngà
Dựng cờ mở nước
Lệnh truyền sau trước
Theo gót Bà vương…
Lại có câu ru con:
“Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng…”

          Như vậy, đúng hai trăm năm sau khởi nghĩa Mê Linh, cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu nối chí Hai Bà Trưng quyết” giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ” đã chứng minh một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta : Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh.
           Hình ảnh Bà Triệu – người con gái kiên trinh, bất khuất của nước Nam muôn thuở không phai mờ trong tâm trí phụ nữ và dân tộc Việt Nam !

Bên bờ Phước Long Giang, ngày 16/5/2017.

Nhà thơ Xuân Bảo.

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

191. Bài 3- Nữ tướng Lê Chân

191.Bài 3. Nữ tướng Lê Chân.

Bà Lê Chân quê ở làng An Biên (tên cổ là làng Vẻn), Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Cha bà là ông Lê Đạo làm nghề thầy thuốc, tính nhân từ, hay giúp đỡ người nghèo khó. Vợ ông là Trần Thị Châu cũng là người thuần hậu. Hiềm nỗi, ông bà tuổi đã cao mà chưa có con. Nghe tiếng ngôi chùa ở núi Yên Tử rất linh ứng, ông bà tìm đến cầu tự. Quả nhiên, bà Châu có mang, ngày mồng 8 tháng 2 năm Canh Thìn (20 CN) bà sinh con gái khôi ngô, bụ bẫm. Ông bà đặt tên con là Chân. Năm Lê Chân 18 tuổi, sắc đẹp và đức hạnh của nàng nổi tiếng khắp vùng.
`Bà là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú nên tiếng đồn đến tai thái thú nhà Hán là Tô Định. Tô Định toan lấy bà làm thiếp nhưng bị cha mẹ bà cự tuyệt, chính vì thế họ đã bị sát hại. Lê Chân phải bỏ quê theo đường sông xuôi xuống phía Nam, đến vùng An Dương, cửa sông Cấm, thấy địa hình, đất đai thuận lợi bà dừng lại lập trại khai phá. Lê Chân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản tạo nên một vùng đất trù phú. Nhớ cội nguồn, bà đặt tên vùng này là An Biên trang. Ở đây, bà chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Binh sĩ của Lê Chân được huấn luyện chu đáo và có sở trường về thủy trận.
Lê Chân tìm thày học binh thư, võ nghệ, kết giao với những người cùng chí hướng. Khi võ nghệ đã tinh thông, nàng cùng bạn bè tâm phúc sang đất An Dương (Hải Phòng ngày nay), lúc ấy là một vùng đất bãi phù sa mới bồi. Nàng chiêu dân tứ xứ khai khẩn đất hoang, lập nên xóm ấp, chiêu tập binh mã, sắm sanh vũ khí, tích trữ lương thảo sẵn sàng khởi nghĩa.

                                                ***
Nghe tin ở xứ Đoài, Hai Bà Trưng cũng đang mưu nghiệp lớn, Lê Chân chẳng ngại đường sá cách trở tìm đến đất Mê Linh. Bà Trưng Trắc phong Lê Chân làm tướng được cùng bàn luận kế sách khởi nghĩa rồi phái nàng trở lại quê nhà, chiêu tập thêm binh sĩ, chuẩn bị sẵn lương thảo, chờ thời cơ hành động.
Năm 40, khi Hai Bà Trưng dấy binh, bà đem theo binh lính gia nhập quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trong các trận đánh, bà thường được cử làm nữ tướng quân tiên phong, lập nhiều chiến công. . Đạo quân của Lê Chân từ mạn biển xứ Đông đánh thốc lên Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) lỵ sở quận Giao Chỉ, nơi có bộ máy thống trị của bè lũ Tô Định, phối hợp với quân của Hai Bà Trưng và các thủ lĩnh nghĩa quân khác, giải phóng quận thành. Tô Định vội vã tháo chạy về đất Nam Hải xin quân cứu viện.
 Sau khi thu phục 65 thành, bà được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức Chưởng quản binh quyền nội bộ, đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ, tăng gia sản xuất

Với khí thế tiến công như vũ bão, chỉ trong 2 tháng, nghĩa quân đã chiếm được 65 thành trì, đập tan ách thống trị của nhà Đông Hán. Đất nước sạch bóng quân thù, bà Trưng Trắc được tướng sĩ, nghĩa quân tôn làm vua (Trưng Vương). Trưng Vương xét công lao ban thưởng tướng sĩ. Lê Chân khi ấy 24 tuổi, được phong là Thánh Chân công chúa, ban chức Chưởng quản binh quyền coi giữ vùng hải tần (duyên hải Đông Bắc).
Nữ tướng Lê Chân đem quân trở về vùng đất An Dương khi trước, mở thêm trại, ấp lập ra trang An Biên (lấy tên quê gốc). Bà dùng nhân công khai khẩn đất hoang dọc ven sông Tam Bạc thành đồng ruộng cấy lúa, trồng dâu xanh tốt. Chỉ trong thời gian ngắn,An Biên trang dân cư đã đông đúc, kinh tế phát triển, nhiều nhà dân giàu có. Bà Lê Chân thường xuyên cho luyện tập trận thế, mở những lớp  đấu vật, đài thi võ để nâng cao sức khỏe, khả năng chiến đấu của binh sĩ, dân chúng.
Trong thời gian bà Trưng Trắc làm vua, nhà Đông Hán phải lo đối phó với biến loạn lớn trong nước, nên không thể phát quân xâm lược nước Âu Lạc. Song triều đình Hán đã sửa soạn kỹ cho cuộc đàn áp.
 Mùa hạ, tháng 4 năm Kiến Vũ thứ 18 (42), vua Quang Vũ phong lão tướng 58 tuổi Mã Viện làm Phục Ba Tướng quân thống suất quân sĩ sang xâm lược nước ta.
Mã Viện chỉ huy cả hai đạo quân, chia hai đường thủy bộ, vừa dùng thuyền vượt biển, vừa đi đường ven chân núi phát cây mở đường hơn nghìn dặm; hai cánh quân thủy, bộ không cách xa nhau lắm để còn liên hệ phối hợp với nhau. Từ vùng ven biển vịnh Bái Tử Long, Hạ Long, hai đạo quân thủy, bộ Đông Hán tiến đến cửa sông Bạch Đằng (Quảng Ninh - Hải Phòng) để vào nội địa nước ta.
Đội quân thường trực phòng thủ ven biển Đông Bắc do Chưởng quản binh quyền Lê Chân chỉ huy đã ra quân kịp thời chặn đánh quyết liệt đoàn thuyền binh đông đảo của giặc ngay từ cửa sông Bạch Đằng. Theo lệnh của Trưng Vương trên bộ nữ tướng Thánh Thiện đem quân lên đánh giặc ở biên giới; nữ tướng Bát Nàn chặn cánh quân trên bộ của Mã Viện ở cửa biển, phối hợp với nữ tướng Lê Chân.
Suốt dọc sông Bạch Đằng, Đá Bạc, dưới nước và trên bờ hai đạo quân, đa số là phụ nữ chiến đấu quyết liệt. Lê Chân cho dựng chướng ngại vật trên sông, dùng những chiếc thuyền chiến nhỏ, nhẹ, dễ cơ động tập kích vào mạn sườn đoàn thuyền to lớn, nặng nề của giặc, làm chúng tổn thất không ít. Song do quá chênh lệch về lực lượng, trang bị, vũ khí so với địch, nên hai nữ tướng phải lui quân.
Đội thuyền binh của Lê Chân nhỏ nhẹ, ngược sông Bạch Đằng tiến rất nhanh, còn binh thuyền của Mã Viện to lớn, nặng nề nên đuổi theo rất chậm. Chẳng mấy chốc quân ta đã bỏ xa quân địch. Theo đường sông Bạch Đằng - Kinh Thầy - sông Đuống, thủy quân của Lê Chân tập kết về vùng hồ Tây, Hoàng Mai bên bờ hữu sông Hồng. Trong thời gian ngắn trú quân ở đây, nữ tướng Lê Chân gấp rút củng cố lực lượng, tuyển thêm binh sĩ, đóng thêm thuyền chiến. Bà cho binh sĩ luyện tập võ nghệ, mở lò đấu vật. Mọi việc đã xong, nữ tướng Lê Chân gấp rút hành quân về bảo vệ kinh đô Mê Linh.
Chờ đợi không thấy quân Mã Viện tấn công, Hai Bà Trưng đã chủ động tiến quân từ Mê Linh, qua Cổ Loa (Tây Vu), xuống Lãng Bạc đánh quân xâm lược đang đóng tại đây. Quân ta chiến đấu ngoan cường, đội quân tiên phong do nữ tướng Lê Chân chỉ huy tả xung, hữu đột. Bị cầm chân nhiều ngày, quân tướng địch đã có phần nao núng. Quân Hai Bà Trưng trang bị thiếu, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, chưa quen đánh kiểu trận địa nên bị thiệt hại nặng, Hai Bà Trưng, nữ tướng Lê Chân và một số tướng lĩnh phải chuyển sang hữu ngạn sông Hồng, rồi lùi về căn cứ Cấm Khê (Kim Khê) - thung lũng suối Vàng ở chân dãy núi Ba Vì (Hà Nội). Đây là vùng núi rừng hiểm trở, ba mặt có sông lớn (sông Đà, sông Hồng, sông Đáy) ở thế thiên hiểm, tốt cho việc phòng ngự.
Quân thù kéo tới vây hãm, mở nhiều đợt tấn công. Quân ta kháng cự quyết liệt nhưng dần vào thế bất lợi. Mở đường máu Hai Bà Trưng và các nữ tướng Lê Chân, nàng Tía, lão tướng Đô Dương đem lực lượng còn lại rút theo hai đường thủy, bộ. Đường thủy theo sông Tích ra sông Đáy. Để bảo toàn khí tiết, Hai Bà Trưng gieo mình xuống sông tự tận. Nữ tướng Lê Chân tiếp tục cùng thủy binh xuôi về nam đồng bằng sông Hồng. Đạo quân của Đô Dương, nàng Tía rút theo đường thượng đạo đi len lỏi dưới chân dãy núi đá vôi 99 ngọn từ Ba Vì, Hòa Bình vào đất hai huyện Kim Bảng, Thanh Liêm (gọi là dãy Nam Công) rồi qua Ninh Bình vào Cửu Chân (Thanh Hóa).
Sông Đáy - chi lưu bên hữu ngạn sông Hồng, bắt nguồn ở xã Vân Nam (Phúc Thọ, Hà Nội) chảy qua vùng đồng bằng vào đất Hà Nam thì gặp núi ở thôn Vĩnh Sơn (xã Tân Sơn - Kim Bảng) ở cả hai bờ. Sông tiếp tục uốn khúc qua hai xã Khả Phong, Thi Sơn với những khối núi, quả núi độc lập nằm bên hữu ngạn, đến địa phận xã Liên Sơn, Thanh Sơn núi kết thành dải, trùng điệp, cây mọc thành rừng. Từ địa phận thôn Đồng Sơn hiện nay (xã Liên Sơn) cũng bên hữu ngạn sông Đáy, sông Ngân nhận nước sông mẹ, chảy ngoằn ngoèo ven dãy núi qua các thôn Bút Sơn, Lạt Sơn (Thanh Sơn, Kim Bảng), Tân Lâm, Nam Sơn (thị trấn Kiện Khê) rồi đổ nước vào sông Đáy ở địa phận thôn Đò (xã Thanh Thủy) huyện Thanh Liêm.
Nữ tướng Lê Chân đã chọn vùng rừng núi hiểm trở Lạt Sơn để làm căn cứ phòng thủ chặn quân Đông Hán, để một bộ phận nghĩa quân của nàng Tía, lão tướng Đô Dương tiếp tục rút về Cửu Chân (Thanh Hóa) vì tuyến đường thượng đạo từ Ba Vì cũng qua đây. Căn cứ Lạt Sơn lưng tựa vào dãy núi hình cánh cung ở phía Tây chạy từ Bắc xuống Nam; trước mặt, phía Đông là sông Đáy, sông Ngân như hai hào nước. Địa hình căn cứ tiến có thể đánh, lui có thể giữ, đầu cuối hô ứng lẫn nhau. Trận địa phòng thủ được xây dựng ở các thung lũng trước núi, ở các hang động và các đồi đất lẫn đá kéo dài khoảng 7 km từ Bắc xuống Nam. Các tên thung, núi đồi và ký ức dân gian, mặc dù đã trải qua gần 2.000 năm vẫn giúp đời sau hình dung được những nét cơ bản về căn cứ và những trận đánh cuối cùng của bà Lê Chân.
Đầu căn cứ ở phía Bắc, đặt tiền đồn ở thung Mộc Bài, nơi đây bố trí đội quân tiên phong chặn mũi tiến công đầu tiên của quân thù... phía sau Mộc Bài là đồi Dốc voi Trượt nơi bố trí đội tượng binh. Tiếp xuống phía Nam, lần lượt là thung Hóc Bạc có kho lương thực, hậu cần; thung Bể, thung Dâu nơi đóng đại quân. Hang Diêm trên sườn núi phía Nam thung Bể là nơi đặt tổng hành dinh. Phía Tây thung Dâu là núi Thượi cao khoảng 225 m đặt vọng gác, quan sát được toàn bộ căn cứ. Gần núi Thượi có đồi Điểm quân, có lẽ là địa điểm tập hợp kiểm đếm số lượng binh sĩ. Sau thung Dâu là hai thung Đội Nhất, Đội Nhì nơi trú đóng của hai đội quân. Đồi Ông Tượng, điểm cuối căn cứ cách không xa sông Ngân về phía Tây. Cách vị trí đền bà Lê Chân hiện nay khoảng 3 km là thung Trống, nhân dân địa phương giải thích là nơi có lầu trống dùng để đánh cầm canh và hiệu lệnh chiến đấu. Một số địa danh trong khu căn cứ như đồi Dớn, non Tiên, thung Thùng Chạ, đặc biệt hồ Trứng rộng hàng mấy chục mẫu.
Cùng với xây dựng căn cứ, nữ tướng Lê Chân gấp rút chiêu mộ thêm binh sĩ chủ yếu là người Lạt Sơn và các vùng lân cận, lập nhiều cơ đội. Đạo quân của Đô Dương đã bổ sung một bộ phận binh sĩ, trong đó có nhiều người họ Dương cho căn cứ Lạt Sơn.
Căn cứ còn chưa vững chắc, Mã Viện đã đưa quân đến vây hãm, mở nhiều trận tấn công. Nữ tướng Lê Chân tổ chức kháng cự cả trong các thung và trên sông Ngân. Các trận đánh ác liệt diễn ra, quân ta chiến đấu kiên cường. Biết không đủ lực lượng đánh bại quân thù, hơn nữa lão tướng Đô Dương, nàng Tía đã rút lui an toàn, Bà cho binh sĩ bí mật rút khỏi căn cứ để mưu kháng chiến lâu dài, còn Bà và số ít tướng lĩnh, một bộ phận quân sĩ ở lại tử thủ. Quân giặc nhanh chóng phá vỡ tiền đồn Mộc Bài, tràn vào thung Hiên, thung Bể, dồn nghĩa quân về Đồng Gơ. Trận huyết chiến ác liệt cuối cùng diễn ra ở Đồng Loạn, nữ tướng Lê Chân cùng mấy tướng tâm phúc rút lên núi Giát Dâu. Từ đỉnh núi cao, sườn dốc đứng, nữ tướng Lê Chân gieo mình tự vẫn để khỏi phải sa vào tay giặc, Hiện nay trên núi này có đền bà Lê Chân cách khoảng 3 km về phía Tây). Thời khắc ấy vào buổi chiều ngày 13 tháng 7 năm Quí Mão. Mấy tướng tâm phúc đã mai táng Bà ở một hang động trong căn cứ.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng in đậm dấu son trong sử sách, trong ký ức dân gian qua nhiều thế hệ. Các nữ tướng, nam thần của cuộc khởi nghĩa đều có đền thờ, được nhân dân đời đời khói hương tưởng kính. Nữ tướng, Thánh Chân công chúa, Chưởng quản binh quyền Lê Chân được nhiều địa phương thờ phụng. Đó là: Đền An Biên (xã Thủy An, Đông Triều, Quảng Ninh) quê hương nữ tướng; đền Nghè (An Biên cổ miếu), đình An Biên (phường An Biên), đình Vẻn ngoài (phường Trại Cau) quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng là nơi Bà khai hoang, lập nên trang ấp, xây dựng lực lượng và chặn đánh cuộc xâm lược của Mã Viện; đình Hoàng Mai (phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nơi bà lập sới vật để rèn luyện quân sĩ. Đặc biệt tại căn cứ Lạt Sơn xưa, từ bao đời nay nhân dân địa phương, khách thập phương xa gần tụ về chiêm bái, đông nhất vào kỳ lễ hội, ngôi đền thờ Bà Lê Chân, tưởng niệm vị nữ tướng anh hùng dành trọn cuộc đời mình vì nghĩa lớn. Cũng nơi đây trên vách đá thung Bể còn lưu lại ba tấm bia niên đại năm 1671, 1672 triều vua Lê Gia Tông thời Hậu Lê, nói đến việc xây chùa Thánh Chân, khởi nguồn là Tiên động Thánh Chân, một bia có khắc hình con hổ, gợi liên tưởng đến sự dũng mãnh như hổ của nữ tướng Lê Chân, điệp thêm sự tôn kính, nâng Bà lên hàng Thánh Mẫu, Phật Mẫu.
Không chỉ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam mà cả nước đều tôn vinh, tưởng niệm nữ tướng Lê Chân, bởi vì bà đã để lại cho hậu thế muôn đời tấm gương chói lọi vì nước, vì dân..
 Trong lịch sử đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn sát cánh cùng nam giới, làm nên những chiến công bất hủ. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bùng nổ, phụ nữ đóng vai trò then chốt cả về chỉ huy và chiến đấu. Bà Lê Chân là vị nữ tướng xuất sắc, công lao, chiến tích của bà lưu dấu ấn sâu đậm ở nhiều địa phương
.Trong các lễ hội, ngày 8 tháng 2 âm lịch là ngày sinh và 25 tháng 12 âm lịch là ngày mất của Lê Chân. Các vua đời sau cũng có chiếu phong bà là Thượng đẳng phúc thần công chúa.
Để nhớ công ơn khai khẩn của Bà, Hải Phòng đặt tên một quận mang tên Bà và dựng tượng Bà tại gần trung tâm thành phố; đồng thời, tên của bà được đặt tên cho giải thưởng "Nữ tướng Lê Chân" để trao cho những phụ nữ có thành tích xuất sắc của đất Cảng.
Lê Chân là nữ tướng của Hai Bà Trưng. Bà được coi là người có công khai khẩn lập nên vùng đất đời sau phát triển thành thành phố Hải Phòng ngày nay.

                             Bên bờ Phước Long Giang, ngày 10/5/2017



                                                  Nhà thơ Xuân Bảo