Trang

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

194. Ly Tao của Khuất Nguyên.


              194. LY TAO.
Nhân tết Đoan Ngọ, còn gọi là tiết Đoan Dương năm nay, tôi xin tưởng nhớ Khuất Nguyên với bài tiểu luận chuyên đề về Ly Tao.

Thời đại Khuất Nguyên sống là vào năm 390-278 TCN. Đây là thời “Chiến quốc” lúc mà 12 nước lớn thời Xuân Thu đã hợp thành 7 nước đang giành giật quyền bính để thống nhất Trung Quốc.Tổ quốc của Khuất Nguyên là nước Sở đang ở thời kỳ suy vong.
Sở Từ của Khuất Nguyên là đỉnh cao chói lọi của nền thi ca cổ đại của Trung Quốc. Sở Từ bao gồm các tác phẩm Cửu Ca, Bốc Cự, Ngư Phủ, Ly Tao, Cửu Chương và Thiên Vấn. Trong đó, Ly Tao là tác phẩm tiêu biểu với 375 câu, 2473 từ  được coi là “thiên trường ca” đầu tiên lớn nhất trên lịch sử văn học Trung Quốc. So với Kinh Thi thì Sở Từ đạt tới mức phát trển rất lớn về mặt chủ đề cũng như về mặt nghệ thuật thể hiện, nhất là về sử dụng từ ngữ cũng hết sức đẹp đẽ và phong phú.
Ly Tao là tác phẩm tiêu biểu của Khuất Nguyên, là bài thơ lãng mạn-trữ tình-tự thuật đầu tiên và lớn nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc. Ly Tao nổi tiếng đến mức người Trung Quốc về sau coi đó là đại biểu của thơ ca. Họ gọi nhà thơ, nhà văn là "tao nhân, mặc khách" (Ở Việt Nam ta trước đây cũng quan niệm như vậy, nên Lê Thánh Tông gọi thi đàn do mình sáng lập là "Tao đàn").
Về chữ Ly Tao có nhiều cách giải thích. Chu Bích Liên, trong sách Cổ thi hải, kết hợp ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, lý giải rằng: Ly Tao nguyên là một điệu dân ca nước Sở, thích hợp với việc thể hiện những nỗi uất ức, bất bình; vì thế nhà thơ Khuất Nguyên khi bị vua Sở đầy ải đã dùng Ly Tao làm đề để trữ phát những nỗi đau buồn day dứt uất kết trong lòng, đồng thời nói lên lý tưởng mà mình hoài bão. Ở ta, thông thường vẫn hiểu chữ "Ly Tao" theo cách chú giải của Vương Dật (người cuối đời Ðông Hán): “Ly Tao - nỗi sầu ly biệt”. Chú như vậy cũng thông (có thể đây là nguyên nghĩa của Ly Tao trong Sở điệu).

Theo Sử ký Tư Mã Thiên thì:

1. Khuất Nguyên tên là Bình cùng họ với vua nước Sở. Bình làm chức tả đô đời Sở Hoài Vương, học rộng, nhớ lâu, thấy rõ lý lẽ trị loạn, thạo việc giấy tờ. Vào cung thì cùng vua bàn tính việc nước, ban bố các mệnh lệnh. Ra thì tiếp đãi khách khứa, ứng đối với chư hầu. Nhà vua rất tin dùng. Đại phu Thượng Quan cùng ông ngang hàng, tranh được vua yêu, trong bụng ghen ghét tài năng.
Hoài Vương sai Khuất Nguyên làm pháp lệnh, Khuất Nguyên nháp bản thảo chưa xong, đại phu Thượng Quan trông thấy muốn cướp lấy, Khuất Nguyên không cho, ông ta bèn gièm với vua:
-      Bệ hạ sai Khuất Bình làm pháp lệnh, không ai là không biết. Mỗi khi lệnh ban ra, Bình lại khoe công của mình, nói: “Ngoài ta ra, chẳng ai làm nổi”.
    Nhà vua giận, bỏ rơi Khuất Bình.

2. Khuất Bình giận về nỗi nhà vua nghe không phân biệt phải trái, để lời gièm pha che mất óc sáng suốt, để kẻ gian ác làm hại người trung thành, khiến cho người ngay không có chỗ dung thân, cho nên lo buồn nghĩ ngợi mà làm ra Ly Tao.
Ly Tao cũng như là buồn trong chia ly. Trời là khởi thủy của loài người. Cha mẹ là gốc của con người. Người ta gặp lúc khốn cùng thì quay về gốc. Cho nên hễ khó nhọc mỏi mệt ốm đau, không ai không kêu trời! Khi đau xót thương cảm, không ai không kêu cha mẹ! Khuất Bình theo đạo ngay đi đường thằng, dốc hết lòng trung, đưa hết trí khôn ra thờ vua, nhưng lại bị kẻ gièm pha ly gián, có thể gọi là ở vào cảnh khốn cùng vậy! Mình tín mà bị ngờ vực, mình trung mà bị chỉ trích, làm sao khỏi oán thán. Khuất Bình viết Ly Tao là do oán thán mà ra vậy! Thơ Quốc phong mê sắc mà không dâm, thơ Tiểu nhã oán trách mà không loạn. Như Ly Tao thực là gồm được cả hai. Trên  kể từ Đế Cốc, dưới nói đến Tề Hoàn, giữa thuật truyện vua Thang và Vũ, chỉ trích việc đời. Nó nêu rõ tầm quan trọng của đạo đức, nguyên nhân làm nước nhà trị hay loạn, không có chuyện gì là không nói đến. Văn ông ngắn gọn, kín đáo, chí ông trong sạch, nết ông thanh cao; tuy nói những điều vụn vặt, nhưng ý nghĩa rất rộng; việc nhắc đến tuy gần, nhưng ý nghĩa thì xa. Chí ông trong sạch nên hay nói đến các hoa thơm. Nết ông cao cho nên dù chết cũng không được dung nạp. Ông thoát khỏi cái thế giới bùn lầy như con ve bỏ lốt ở nơi dơ đục, để cất mình ra khỏi đám bụi trần chẳng để cho đời làm dơ bẩn. Thật là ở bùn mà trong trắng chẳng lây đen. Suy cái chí ấy thì ông có thể thi sáng với mặt trăng, mặt trời vậy!
(Theo Sử ký Tư Mã Thiên, mục Khuất Nguyên liệt truyện, trang 482 và 483, NXB Thời đại ấn hành năm 2010).
                                                  ***
 Ly Tao là một bài phú trữ tình nổi tiếng, đã được một nhà phê bình văn học đời Minh xếp vào hạng thứ hai trong sáu đại tác phẩm của Trung Quốc. Ly Tao là tiếng vọng bi đát của một nhà cô thần, một bài phú tả cuộc đời lý tưởng của tác giả.
Nước Sở, tổ quốc của Khuất Nguyên từng là một nước hùng mạnh đang bước vào thời kỳ suy vong. Khuất Nguyên – nhà tư tưởng và chính trị lớn đương thời tuy được Sở Hoài Vương trọng dụng, phong làm tả đồ (một chức quan gần gũi nhà vua) và Tam lư đại phu. Các chủ trương cải cách chính trị của ông ngày một mâu thuẫn với quyền lợi của các đại thần. Bọn chúng là thượng quan đại phu Cẩn Thượng, lệnh doãn Tử Lan, tư mã Tử Tiêu, nam hậu Trịnh Tụ…lập mưu gièm pha Khuất Nguyên một cách hiểm độc. Sở Hoài Vương ngu muội dần dần xa lánh ông, thậm chí còn bắt ông đi đày.
Hơn 20 mươi phiêu bạt, Khuất Nguyên vẫn trung thành với lý tưởng của mình. Ông không bao giờ xa rời nước Sở. Ông đặc biệt quan tâm đến nỗi khổ và nguyện vọng của nhân dân:

Chỉ thở dài mà gạt lệ a
Thương nhân dân còn khổ nhiều
                                                 (Ly Tao)


Muốn vùng dậy mà chạy vung a
Thấy dân khổ mà phải lặng
                                                 (Trừu Tư)

Khuất Nguyên chưa bao giờ viết như một người đứng ngoài cuộc, quan sát lạnh lùng trước cảnh đất nước đang suy vong, trước cảnh lầm than của người dân.
Khuất Nguyên là người mở đường của chủ nghĩa yêu nước trong sáng tác nghệ thuật của các nhà thơ Trung Quốc từ nhiều thế kỷ nay, khiến ông trở thành nhà thơ vĩ đại đầu tiên được nhân dân Trung Quốc luôn luôn tưởng nhớ và kính trọng.
 Ly Tao là thiên trường ca đầu tiên lớn nhất trong lịch sử văn học Trung Hoa. Mã Mậu Nguyên coi đây là “ngọn hải đăng rực rỡ, rọi sáng con đường phát triển của thơ ca Trung Quốc từ 2000 năm nay”. Ly Tao mang tính nhân dân sâu sắc. Ông tố cáo một cách sắc bén cuộc sống xa hoa, bon chen, vụ lợi, giả dối, bệnh hoạn của tầng lớp “ăn trên ngồi trốc”, chỉ ra nền chính trị hủ bại của vương triều nước Sở đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Ly Tao tìm về những trang lịch sử đẹp nhất của Trung Quốc, miêu tả sinh động các thời đại của các vua Nghiêu, vua Thuấn trong truyền thuyết thần thoại. Trong sáng tác của mình, Khuất Nguyên đã làm hòa hợp thành một khối việc lý tưởng hóa lịch sử với những ảnh tượng suy tưởng và thần thoại, khiến Ly Tao có tầm bao quát rộng lớn, phản ánh một cách huy hoàng tình cảm của nhân loại. Ly Tao còn nói lên được những thể nghiệm sâu sắc trong đời sống của nhà thơ, đạt tới mẫu mực của tác phẩm thơ tự truyện trữ tình tuyệt mỹ, diễn dạt toàn bộ thân thế, sự nghiệp, tình cảm và hoài bão chính trị “trị quốc tu thân” của bản thân nhà thơ. Theo ông “trị quốc” và “tu thân” chỉ là một. Toàn bài 375 câu của Ly Tao, phần lớn nói đến “khoác hoa thơm, mang cỏ lạ”. Đó chính là tượng trưng cho việc tự sửa mình. “Cỏ thơm”, “người đẹp”. “Cỏ thơm” sánh với hành vi cao đẹp, “Người đẹp” nói lên lý tưởng mà tác giả theo đuổi. Từ đó, Khuất Nguyên nêu lên yêu cầu lớn của xã hội, đòi hỏi vương triều cải cách chính trị và chính bản thân nhà thơ đã kiên trì giữ vững lý tưởng và yêu cầu đó của mình cho đến giờ phút cuối cùng. Những nội dung cụ thể của những điển hình do ông xây dựng nên không những chỉ phản ánh sâu sắc những mâu thuẫn và đau khổ trong nội tâm của tác giả khiến Ly Tao không những mang hơi thở thời đại, đồng thời còn mang dấu ấn cá tính đậm nét trong sáng tác của nhà thơ thiên tài.
Trong Ly Tao, tác giả còn sử dụng hàng loạt thủ pháp miêu tả có tính thần thoại như “ăn cúc non”, “uống sương sa”, “thoắt tới núi thần, vút lên thiên đình”. Các hình tượng mặt trời, vành trăng, mây mưa, gió bão…được tác giả tự do sai khiến. Trong những miêu tả ly kỳ ấy có lúc ngọn bút tác giả sôi lên như sóng gầm bão giật, có lúc lại êm ả như mây trôi, gió thoảng. Người đọc cảm nhận ngay được đằng sau đó là lý tưởng cao đẹp, là tình cảm mãnh liệt, là tâm hồn rộng lớn của nhà thơ.
Ở đây cũng cần nói rõ “Sở từ” trong văn học Trung Quốc đã được phát triển là nhờ có Khuất Nguyên sáng tạo nên. Khuất Nguyên đã vận dụng sáng tạo âm luật tự nhiên của ca dao, phá vỡ thể thơ 4 chữ, chuyển phong cách thơ tả thực thành phong cách thơ lãng mạn, đạt tới hiệu quả nghệ thuật rất cao.

                                        ***
Đầu thế kỷ 20, các nhà Nho học uyên thâm của nước ta đã có nhiều cố gắng để dịch Ly Tao như các cụ Phan Võ, Bùi Kỷ, Lê Thước…nhưng có 2 bản dịch được đưa vào sách Sở Từ.
Hiện nay, chúng ta có trong tay là bản dịch của nhà thơ Đào Duy Anh và nhà Nho Nhượng Tống. Ở bản dịch của Đào Duy Anh, dịch đúng 375 câu, được đánh số thứ tự từ câu 1 cho đến câu 375. Bản dịch của Nhượng Tống thì chia Ly Tao ra làm 3 phần. Phần I có 128 câu, phần II có 128 câu và phần III có 117 câu.
 Những người dịch Sở Từ đã có mấy lời lưu ý bạn đọc: “Như bạn đọc đều rõ Sở từ là một thể văn đặc biệt được gọi là “Tao” có cách đây ngót 2000 năm. Dịch những tác phẩm thuộc loại này là một việc rất khó, nhất là về mặt truyền cảm.Về phía người dịch chúng tôi đã cố ý bám sát ý và tứ của nguyên tác, đồng thời chú ý dịch theo đúng thể cách của tác phẩm nhằm cung cấp cho các bạn đọc làm công tác nghiên cứu một bản dịch tương đối trung thành với nguyên tác.
Riêng về chữ hề âm xưa của nó là a, đó là tiếng đệm trong câu hát xưa của Trung Quốc, cũng như tiếng ê, tiếng a là tiếng đệm trong câu hát xưa của ta, chúng tôi dịch là a chứ không theo cách dịch của người trước…”

Đọc Ly Tao, tôi mong những nhà thơ Việt Nam hiện nay cố gắng học hỏi - dù một ít -  am hiểu về nhà thơ vĩ đại Khuất Nguyên!

Bên bờ Phước Long Giang, nhân ngày húy của Khuất Nguyên,mùng 5 tháng 5 năm Đinh Dậu

                              Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét