Trang

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

103. VĂN AI KHÓC MẸ


         Nhân Tháng Đại lễ Vu lan Báo hiếu Quý Tỵ, tôi đăng bài Văn ai Khóc Mẹ để tưởng niệm về Người Mẹ kính yêu-  Cụ Bà Nguyễn Thị Kim Dung- sinh ngày 20 tháng Giêng năm Bính Thìn, nhằm ngày…tháng…nắm 1916, tạ thế ngày 22 tháng Giêng năm Mậu Tý, nhằm ngày 28 tháng 2 năm 2008,hưởng thọ 93 tuổi và 2 ngày.
                      Văn ai khóc Mẹ
Hỡi ôi!
                  Hoàng thiên đặt để
                 Luật Trời khắt khe
                 Trăm năm dâu bể
                 Một cõi đi về
                 Hôm nao còn nơi dương thế
                 Mà nay đã phải chia lìa
                 Khóc Mẹ muôn vàn giọt lệ
                 Đưa Người một áng Văn ai
Nhớ Mẹ xưa!
                 Con dòng thế phiệt
                 Thuộc hàng Nho gia
                 Này, Thạch Hãn Giang đôi bờ xanh ngắt
                 Nọ, Mai Lĩnh Sơn một ngọn uy nghi
                 Ông ngoại hành nghề thầy thuốc
                 Bà thời nội trợ tề gia
                 Hai Cậu nên diêu nên tước
                 Bốn Dì gia thất yên bề
Thuở thiếu thời Mẹ đã được
Đèn sách có dịp cận kề
Quốc ngữ biết đọc biết viết
Văn thơ hiểu nghĩa hiểu chương
Nhuần thông đạo lý Thánh hiền: Tứ đức
Thấu suốt nhân văn khuôn phép: Tam tòng
Kíp đến:
                 Tuổi đời đôi mươi vừa lúc
                 Cơ duyên lá thắm chỉ hồng
                 Trong một bài thơ Ba viết
                 Được ghép tên của hai thân
Thơ rằng:
                 “Thung DUNG yên ngựa bước du xuân
                 Học TẬP đắc thành sách Thánh nhân…”
                 Mấy tháng lửa duyên thắm thiết
                 Bao năm tình nghĩa tạm xa
                 Ba lênh đênh trời Tây biền biệt
                 Mẹ lận đận nơi dất Tổ quê nhà
                 Đầu năm Ất Hợi
                 Mẹ sinh con ra
                 Cả nhà phấn khởi
                 Hai họ chan hòa
                 Ba mừng bời có con đầu nam tử
                 Nội thích vì được đứa cháu đích tôn
Ngẫm câu:
                 Nghĩa Mẹ công Cha như trời như bể
                 Đức cù lao ấy lấy lượng nào đong
                 Chín mươi đêm Mẹ thức vò võ
                 Ba tháng tròn con khóc phòng long
                 Mẹ che Mẹ chở
                 Mẹ đỡ Mẹ nâng
                 Bên ướt Mẹ nằm phần con bên ráo
                 Những lúc thiếu sữa bú chực bú nhờ
                 Lúc mem cơm lúc mớm cháo
                 Lúc trai gió lúc trở trời
                 Mẹ chăm con ngày đêm không quản
                 Mong cho con sớm tối nên người
Đạo phu thê,
                 Mẹ theo Ba dù mưa dù nắng
                 Ba quý Mẹ trọn tháng trọn năm
                 Khi Thừa Thiên Huế, Faifô, Đà Nẵng
                 Lúc Nghệ-Tĩnh, Cambốt, Nam Vang
                 Mười mấy năm theo chồng đằng đẵng
                 Bốn em con lần lượt chào đời
                  Có trai có gái
                 Tay dắt tay bồng
                 Mẹ đâu quản ngại
                 Mẹ rất vui lòng
Cho tới,   
                 Một ngày rợp trời cờ đỏ
                 Tháng Tám Cách mạng thành công
                 Ba được lui về quê cũ
                 Tham gia vào Vệ quốc quân
                 Mẹ thời ruộng đồng lam lũ
                  Phận gái thay chồng nuôi con
                 Chịu thương chịu khó
                 Không một lời than
                 Dù cực dù khổ
                 Không chút phàn nàn
Có ngờ đâu,
                 Độc lập chưa được bao ngày
                 Giặc Pháp mưu đồ gây hấn
Những tưởng đã hết thời nô lệ,được hưởng hòa bình từ đây
Hay đâu loài lang sói bạo tàn,mưu toan chiến tranh xâm lấn
Đất nước muôn người như một,đứng lên kháng chiến trường kỳ
Trị Thiên một khối trường thành,lao vào mịt mù khói lửa
                 Ba ra đi theo bước Trung đoàn
                 Mẹ ở nhà tảo tần lam lũ
                 Mình Mẹ nuôi cả bầy con
                 Sức đang tuổi ăn tuổi ngủ
                 Mẹ phải làm mướn làm công
                 Gạo tiền đem về chẳng đủ
Xót thay!
                 Năm (19)48 bao nỗi kinh hoàng
                 Tháng 11 dập dồn tin dữ
                 Ông nội bị Tây bắn thả xác xuống ao
                 Chú Tịch hy sinh gần làng Da Độ
                 O Nghiện chết bệnh thương hàn
                 Còn Ba, Trung đoàn báo tử
                 Xuân Lộc em con thiếu thuốc đói cơm
                 Giã từ dương thế lúc tuổi còn nhỏ
                 Năm này Mẹ đẻ song sinh
                 Tháng ấy vào tuần ở cữ
                 Nguyễn Vô Danh tử tại phúc trung*
                 Bà nội đổ bệnh ưu phiền sầu não
                 O Chuyển đưa về
                 Thuốc thang chạy chữa
                 Lúc đêm canh
                 Khi ngày đỡ
                 Chẳng được bao lâu
                 Vì quá đau khổ
                 Bà cũng ra đi
                 Về theo tiên tổ
                  Thương ôi! Tử biệt sinh ly
                 Giận thay chiến tranh bùng nổ
Gớm thay!
                 Từ ngày Pháp nống ra
                  Mẹ con về quê ngoại
                 Ba lần giặc đốt nhà
                 Ba lần phải làm lại
                 Kháng chiến Mẹ tham gia
                 Cùng bà con hăng hái
                 Ngày hỏa tuyến dân công
                 Đêm đào đường phá hoại
                 Cái chết luôn rập rình
                 Lòng son đâu có ngại
Còn con,
                 Mới mười bốn tuổi đầu
                 Đã phải đi ở đợ
                 Ngày cắt cỏ chăn trâu
                 Tối trông con cho chủ
                 Bốn thúng lúa tiền công
                 Áo quần cộc hai bộ
                 Hết hạ lại sang đông
                 Càng ở càng thấy khổ
Cũng may,
                 Được mấy chữ vỡ lòng
                 Học từ hồi trong Huế
                 Có người thuê dạy kèm
                 Con đi gõ đầu trẻ
                 Mấy đứa cháu Dì Cầm
                 Vài thằng con Ông Thứ
                 Thằng Oạc con trưởng thôn
                 Và hai con Eng Lữ
                 Lớp học kể cũng xôm
                 Ngày dạy năm ba chữ
                 Tối về tập viết văn
                 Nhiều đề tài đủ thứ
                 Báo của tỉnh bài đăng
                 Bước đầu tuy còn dở
                 Nhưng phấn chấn vô ngần
Thế rồi,
                 Cuộc chiến đi qua thời cầm cự
                 Quân dân náo nức tổng phản công
                 Vì ngày mai kiên quốc, trường học mở
                 Bởi sự nghiệp tồn vong của núi sông
                 Cắp sách tới trường lòng con hăm hở
                 Gặp thầy gặp bạn bao nỗi vui mừng
Ngày 20-7,
                 Hiệp định Giơ-neo được ký
                 Đất nước tạm chia hai miền
                 Hòa bình là điều đáng quý
                 Nhưng còn nửa nước chưa yên
                 Con tập kết ra Bắc
                 Mẹ ở lại miền Nam
                 Nhiều lần con tim thổn thức
                 Lắm lúc bụng dạ bổn chồn
                 Hai tiếng Quê hương thúc dục
                 Một nỗi nhớ Mẹ cháy lòng
                 Nhiều khi con ước
                 Mình được như chim
                 Về bên câu hát
                 Nôi cũ con tìm
                 À ơi! Tiếng Mẹ
                 Giấc ngủ nhẹ êm
                 Con viết bài thơ ứa lệ
                 “Gửi cánh chim xa” nỗi niềm
                 Hai năm đầu còn thư đi thiếp lại
                 Mười mấy năm sau vắng bặt tin nhà
                 Năm (19)64 nhận được thư Mẹ
                 Có cả hình thỏa dạ chờ mong

Ở Hà Nội nơi trái tim Tổ quốc
Con được cưu mang con được học hành
Được sống hạnh phúc
Bên người vợ hiền
Dẫu đời chưa sung túc
Vẫn trong ấm ngoài êm
Vợ con,
Thân liễu vóc đào mà phải gian truân cực nhọc
Tay yếu chân mềm mà phải lao lực ngày đêm
Cùng chồng nuôi ba con nhỏ
Vượt qua nghèo khó triền miên
Lúc đó,
Xếp hàng cả ngày , hòn gạch mấy nơi giữ chỗ
Áo quần quanh năm,phiếu vải năm mét rành rành
Tem thịt tem cá tem đường cả tem đậu phụ
Cuộc sống con người trong những ô đỏ ô xanh
Lại thêm,
Giặc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại
Miền Bắc chịu đựng muôn vàn khó khăn
Nhưng rồi chúng phải nếm mùi thất bại
Chấm dứt mưu đồ hiếu chiến cuồng ngông
Hiệp định Pa-ri ký kết
Có mặt đầy đủ bốn bên
Thừa nhận chủ quyền nước Việt
Ở Điều Một, chương đầu tiên
Sang sảng hồn thơ Lý Thường Kiệt
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”
Tạm qua đi đạn bom ác liệt
Con lại về tìm Mẹ nơi quê
Con lên Thượng Phước
Con xuống Đại Hào
Ngai ngùng chân con mỗi bước
Mẹ ơi! Mẹ ở phương nao?
Con gặp O Đạm, được tin O Bút
Con về lại nương cũ ngày nào
Giờ đây nhà tan cửa nát
Giờ đây vườn tược xác xơ
Bên miệng hố bom,lòng con muối xát
Thắp lên nén nhang tưởng niệm ông bà
Được biết,
Trong “Mùa hè đỏ lửa”,Mẹ và các em suýt chết
Chạy tới chạy lui trên khúc “Đại lộ kinh hoàng”
Sau đó bị địch xúc tát
Đưa vô Xuân Lộc miền Nam
Con lại trở ra miền Bắc
Nhớ Mẹ bao nỗi ngổn ngang
Năm 1975,
Chiến tranh tới hồi kết thúc
Giải phóng toàn bộ miền Nam
Mừng đất nước hòa bình thống nhất
Vui giang sơn độc lập hoàn toàn
Trên đường vào Nam công tác
Con ghé Quảng Trị mấy lần
Hỏi ra thì con mới biết
Mẹ đang ở tại Xuân Tâm
Mẹ ơi! Hơn hai chục năm trời cách biệt
Gặp lại Mẹ, niềm vui nhân đến vạn lần
Để được gần Mẹ,
Con chọn Đồng Nai làm quê hương thân thiết
Là bởi vì chốn ấy có Mẹ và các em
Rời Thủ đô mà lòng con nuối tiếc
Về Biên Hòa để bụng Mẹ thêm vui.

* Tử tại phúc trung là thai nhi chết trong bụng mẹ


 Tôi viết bài Văn Ai này năm 2000, khi đó Mẹ tôi bị đau tim nặng phải cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn.Rất may là Mẹ qua khỏi.Thể theo nguyện ước của Mẹ, tôi ra Quảng Bình di dời hài cốt Ba tôi về Lăng gia đình tại làng Đại Hào,xã Triệu Đại,huyện Triệu Phong, tỉnh Quàng Trị.Tôi coi đây là hành động báo hiếu của chúng tôi đối với người Cha đã khuất núi và thực hiện điều mong muốn da diết cùa Mẹ tôi
Và những ngày cuối đời của Mẹ cũng được phần nào an ủi,khi linh hồn và thể xác của người chồng thương yêu của Mẹ đã về yên nghỉ nơi cố hương.

                Biên Hòa, ngày 9 tháng 8 năm 2013 tức ngày mùng 3 tháng 7 năm Quý Tỵ
                                                              Nguyễn Xuân Bảo,
                                                          Con trai trưởng của Mạ cẩn bút.