Trang

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

212. Ba Mạ tôi cho tôi đi thăm hoàng thành Huế


1.     Ba Mạ tôi cho tôi đi thăm hoàng thành Huế.
                                    (Tiếp theo Những kỷ niệm về Ba tôi).



Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi là Hoàng đế Gia Long. Ông đã thành công trong việc thiết lập việc kiểm soát của mình trên toàn bộ lãnh thổ, do đó làm cho Huế trở thành thủ đô đương thời. Huế được gọi là kinh sư. Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng.
Kinh thành Huế hay Thuận Hóa kinh thành là một tòa thành ở cố đô Huế, nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm từ 1802 đến khi ông vua cuối cùng thoái vị vào năm 1945.
Trong thời Pháp thuộc, Huế thuộc Trung kỳ. Huế là kinh đô cho đến năm 1945, khi Hoàng đế Bảo Đại thoái vị.  Chính quyền mới lấy Hà Nội làm thủ đô.

Đây là nơi vua Gia Long làm lễ đăng quang lên ngôi hoàng đế, để tiếp tục sự nghiệp của Nguyễn Hoàng là người có công mở rộng bờ cõi phương Nam.
Đoàn người của Võ tướngThái úy Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng đổ bộ lên cửa sông Thạch Hãn, thường gọi là cửa Việt Yên, còn gọi là cửa Việt Khách, dựng trại ở Ái Tử thuộc huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong. Cùng đi có người cậu là Uy Quốc công Thái phó Nguyễn Ư Dĩ và hàng ngàn binh mã bản bộ từ quý hương Gia Miêu ngoại trang (Tống Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa). Ái Tử là nơi bắt đầu khởi dựng cơ nghiệp của nhà Nguyễn. Năm 1570, Nguyễn Hoàng chuyển dinh trấn về Trà Bát (nay là làng Trà Liên). Những địa danh Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát đã mang một sứ mệnh lớn lao. Chính vì lẽ đó mà khi Phú Xuân trở thành kinh đô, các chúa, vua nhà Nguyễn đã không quên tôn vinh vùng đất ‘dung thân’ của các bậc tiên phụ trên đất Quảng Trị là Cựu dinh.
Triều đại nhà Nguyễn kể từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đặt chân lên cửa Việt Khách, Quảng Trị đến Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy thì sụp đổ, đúng 387 năm. Tuyên ngôn thoái vị của hoàng đế Bảo Đại đọc chiều 25 tháng 8 năm 1945 trước cửa Ngọ Môn, chấm dứt triều đại nhà Nguyễn với 9 chúa và 13 vua.

Bảo Đại có câu nói nổi tiếng:Riêng về phần Trẫm, trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là Dân tự do, trong một nước độc lập. Trẫm không để cho bất cứ ai được lợi dụng danh nghĩa Trẫm, hay danh nghĩa hoàng gia để gieo rắc sự chia rẽ trong đồng bào của chúng ta.” (Chiếu Thoái vị của Bảo Đại).

Nhưng rồi ông ta không giữ được lời nói tốt đẹp đó.

Tôi được sinh ra năm Ất Hợi – ngày 16 tháng Giêng ta, nhằm vào ngày thứ hai 18 tháng 2 năm 1935 – trước hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Long đến gần một năm. Bảo Long sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936, nhằm ngày 10 tháng Chạp cùng năm Ất Hợi. Sinh thời, có lần nhà thơ Thu Bồn nói với tôi: Bà cụ thân sinh nhà thơ kể rằng Thu Bồn sinh trùng ngày sinh của Thái tử nên bà được triều đình ban phát 3 vuông lụa điều.

Lớn lên tôi đã nghe câu ca dao:

Nhà vua thân với Lang -sa
Để Tây ăn cướp trứng gà của dân.

Vài nét lịch sử tên gọi Huế.

Chữ Huế xuất xứ từ đâu ra?  Phải nói rằng có từ Huế (chữ Hóa mà thực dân Pháp không phát âm được nên đã gọi chệch ra là “ué”). Trong mẫu tự của người Pháp chữ H, là chữ câm.

   Nếu như năm 1301, vua Trần Nhân Tông không làm cuộc viễn du 9 tháng sang   kinh đô Chiêm Thành để tăng thêm quan hệ hữu hảo láng giềng, sống hòa hiếu với nhau thì đâu có cuộc hôn nhân ngoại giao giữa người anh hùng chống Nguyên – Mông, thái tử Harijatti - khi lên ngôi là vua Jaya Shimhavarman III, tức Chế Mân với công chúa Trần Huyền Trân. Đầu năm 1305, Đoàn sính lễ do Chế Bồ Đài dẫn đầu đem theo hơn trăm người và vàng bạc châu báu cùng với lời cam kết dâng 2 Châu Ô và Châu Lý để cầu hôn.
Huyền Trân về Chiêm Thành, mặc dầu trước đó Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người xứ Java, nhưng nàng vẫn được tấn phong làm hoàng hậu với mỹ hiệu là Paramecvari. Nhân dân Châu Ái, Châu Hoan kéo nhau vào khai thác vùng Thuận Hóa, làm nên một cuộc đại di dân. Phú Xuân (Huế sau này) trở thành kinh đô Đại Việt. Châu Hóa gồm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên trở nên sầm uất. Mà trước đó, như nhận định của Sùng Nham hầu Dương Văn An  viết trong Ô Châu cận lục:” Hoàng Việt ta dựng nước, sách trời đã định rõ phân giới. Ngoài 4 thừa tuyên, nguời Ái Châu hào phóng chuộng nghĩa. Người Hoan, Diễn thuần túy hiếu học. Xưa nay đều thường nói như vậy. Hóa Châu ta tiếp đất Quảng, đất đai hẻo lánh, phong tục quê mùa, muôn vật thưa thớt không thể so với Ái Châu và Hoan Châu được. Từ khi có Đặng Tất nổi tiếng tướng giỏi. Dục Tài lừng danh khoa bảng thì quê ta phong thổ và nhân tài dần dần sánh ngang thượng quốc”.
Vua Trần Anh Tông tiếp quản vùng đất mới và đổi tên là Châu Thuận và Châu Hóa. Việc kết hợp hai châu này làm một và đặt tên phủ là Thuận Hóa được thực hiện dưới thời thuộc nhà Minh. Đến đời nhà Hậu Lê, Châu Thuận và Châu Hóa thành Thuận Hóa và trở thành một đơn vị hành chính. Năm 1604, Nguyễn Hoàng đã bỏ cấp huyện Điện Bàn thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành cấp phủ, sáp nhập vào trấn Quảng Nam. Thuận Hóa là vùng đất trải dài từ phía nam Đèo Ngang cho tới đèo Hải Vân. Năm 1626, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh đến làng Phước Yên (Phúc An) thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên và đổi dinh thành phủ. Năm 1636, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chọn làng Kim Long, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, làm nơi đặt phủ. Năm 1687, Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái, dời phủ chúa về làng Phú Xuân, thuộc huyện Hương Trà. Năm 1712, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu dời phủ về làng Bác Vọng, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên. Năm 1738, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát lên cầm quyền thì phủ chúa mới trở về lại vị trí Phú Xuân và yên vị từ đó cho đến ngày thất thủ về tay quân họ Trịnh.
Sự xuất hiện của tên địa danh Huế. Hiện chưa có nguồn thông tin nào khẳng định địa danh "Huế" chính thức xuất hiện lúc nào, theo một số thông tin thì: Vua Lê Thánh Tông có lẽ là người đầu tiên nói đến địa danh Huế trong bài văn nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn. Trong đó có câu: "Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bì hồ tiêu, thau Lào, thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vạy then".
Những tài liệu sử học cũ (ngoại trừ Quốc triều Chính biên Toát yếu) khi nói tới Huế, đều dùng tên Phú Xuân hoặc Kinh đô, hoặc Kinh, chứ không dùng tên Huế.
Bộ Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim là bộ sử đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, ngoài nguồn sử liệu truyền thống, tác giả đã sử dụng nguồn sử liệu của phương Tây, và tên Huế xuất hiện.
Trong hồi ký của Pierre Poivre, một thương nhân Pháp đến Phú Xuân vào năm 1749, cái tên Huế xuất hiện nhiều lần dưới dạng hoàn chỉnh là Hué.
Năm 1787, Le Floch de la Carrière đã vẽ bản đồ duyên hải Đàng Trong cho Bộ Hải quân Pháp, trong đó bản đồ đô thành Huế được vẽ một cách khá rõ và cái tên Huế đã được ghi như cách người Pháp thường viết về sau: HUÉ.
Trong gần 150 năm, từ 1802 đến 1945 kinh đô Huế dưới bàn tay khéo léo của người thợ Việt Nam đã hình thành một hoàng thành nguy nga, tráng lệ. Huế được công nhận năm danh hiệu UNESCO ở Việt Nam: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).

Bên bờ Phước Long Giang, đêm mùng 10 tháng 10 năm Đinh Dậu.
                            Nhà thơ Xuân Bảo.

Kỳ sau: II. Huế đẹp và cổ kính.


Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

211. Nhũng chuyện nhỏ làng quê


211. Những chuyện nhỏ làng quê.

Câu chuyện thứ nhất: Chuyện ông Đấu bó lúa.

Ở quê tôi, người làm thuê trong ngày mùa được chủ điền trả công một ngày gặt thuê là một bó lúa. Đồng xa như Phúc Trèn, La Nghìn cách làng gần chục cây số còn đồng gần thì như Bàu Lác, bàu Ông Phe thì chỉ cách làng chừng nửa cây số. Cuối ngày, người gặt thuê được cõng một bó lúa trên lưng về nhà. vì vậy đám thợ gặt phải nhờ đến ông Đấu – một tay thợ bó lúa cừ khôi – cả làng ai cũng biết tiếng. Bó lúa là một nghệ thuật. Sợi lạt dùng chỉ dài đúng 2 thước 2 ta không hơn, không kém. Hai đầu sợi lạt chỉ có khoảng một phân tây ngoắc vào nhau.
Mặt trời lên chừng hai con sào thì người thợ gặt mới chọn những bông lúa mẩy hạt rải phơi lên giường ruộng (bờ thửa) để chiều về cuống rơm héo đi, khi bó sẽ được nhiều lúa. Mạ tôi cũng đi gặt thuê, có hôm gặt xa tận đồng La Nghìn. Bó lúa nhờ ông Đấu bó quá nặng so với sức vóc của một thiếu phụ nên đi được một đoạn, tới dưới dốc Cơn Thang thì Mạ tôi bỏ bó lúa xuống chia ra làm hai rồi dùng đòn xóc quảy về nhà.
Có một chuyện vừa buồn lại vừa vui về bó lúa gặt thuê của ông Đấu. Bó lúa gặt thuê của ông Đấu đem về nhà, ông không để ngoài sân mà mang vào nhà, gian cạnh ban thờ, (quê tôi gọi là giường thờ). Đêm đến, không khí mát lạnh làm cho các cuống rơm nở ra, sợi lạt không chịu nổi nữa nên lạt bị tung ra và bó lúa nổ như một quả bom, lúa bay làm đổ ban thờ??? Trong Hồi ký của Trần Đức Long cũng có đề cập đến câu chuyện này.

Câu chuyện thứ hai. Học sinh cấp II tham gia chỉnh huấn

Đó là vào thời gian cuối năm 1953, khi đất nước bước vào thời kỳ giảm tô, giảm tức, chưa phải là thời kỳ cải cách ruộng đất. Đó là thời kỳ mà trong quân đội có “Rèn cán chỉnh quân”, trong dân sự thì có “Rèn cán chỉnh cơ”. Còn học sinh thì có đợt “Học tập để phục vụ nhân dân”, cũng là một loại hình chỉnh huấn.
Tôi còn nhớ rõ địa điểm lên lớp cho học sinh cấp II chúng tôi là ngoài sân nhà Mụ Mới bên xóm Mộ. Người truyền đạt nội dung là một cán bộ cấp tỉnh. Tài liệu là những bài giảng trên lớp, học sinh chúng tôi phải tập trung nghe, g hi chép và lĩnh hội cho thấu triệt một cách nghiêm túc. Tôi còn nhớ những khẩu hiệu như: Học tập để phục vụ nhân dân! Đào sâu suy nghĩ, thành khẩn bộc lộ sai lầm! Đến gần cuối khóa là phần viết thu hoạch. Thu hoạch kết quả của đợt học tập. Học viên chúng tôi được cho ở riêng trong một cái chòi tạm, lợp bằng lá sim, cả trên mái lẫn bao quanh, chỉ có một lối vào duy nhất, không có cửa, có một cái bàn ghép tạm bằng những thanh tre và cái ghế cũng ghép bằng tre. Ngồi trong chòi đó mà phản tỉnh, kiểm lại xem mình thời gian qua đã có những việc làm hoặc trong tư tưởng có gì sai lầm. Có ước mơ viễn vông sau này có vợ đẹp, con khôn, ôtô, nhà lầu hay không? Thậm chí, từ trong ý nghĩ có khi nào thấy kháng chiến gian khổ mà có ý định “dinh tê” không? Tôi còn nhớ một kỷ niệm. Không hiểu có trò nào đó nghịch ngợm khi ngồi trong chòi quá khuya nên đã giả làm tiếng gà gáy làm cho những chú gà trống xung quanh ồn ả gáy theo. Sáng hôm sau, Ban lãnh đạo học tập và thầy hiệu trưởng Đặng Bá Đệ đã nghiêm khắc cảnh cáo dưới cờ cả tổ học sinh Thượng Phước.
Sau đợt học tập này, học sinh chúng tôi được bố trí làm công tác thuế nông nghiệp và tham gia “đấu” mấy “vị nhà giàu” trong xã.

Câu chuyện thứ ba. Nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng.

Ông ngoại tôi là một nhà nho uyên thâm. Có lần chúng tôi được nghe Ông ngoại nói câu: nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng. Trong bốn con vật khổng lồ đó thì nhất điểu (chim) là loài động vật lớn nhất. Ông kể: có một lần, trời đang yên hàn, nắng soi rực rỡ, bỗng nghe tiếng gió rít và trời thì tối sầm lại, cây cối trong nương nghiêng ngả. Vài phút trôi qua, nhìn lên trời thì thấy một con chim bay từ rừng bay ra biển. Ông nói rằng trong dân gian có câu hát ru em: Con chim đại bàng bay qua hòn Núi Bạc/Con cá ngư ông nó móng nước ngoài khơi… Có thể đây là con chim mà Tiểu đoàn Lê Dương của Pháp về qua Madagascar (cũng là thuộc địa của Pháp) thì có một con chim rất to cứ bay theo đoàn tàu. Người chỉ huy cho lính lấy một cái mỏ neo nhỏ làm lưỡi câu, mắc vào đó một tảng thịt ngựa to, thả xuống biển. Vừa mới thả xuống thì con chim đó sà xuống đớp ngay cục thịt và nuốt vào họng, mang theo cả cái dây cáp bằng thép. Tàu tăng tốc độ, kéo theo con chim là là trên mặt biển. Đi khoảng hơn ba hải lý thì chim đuối. Tàu chạy chậm lại và đề phòng chim có thể còn sống nên chỉ huy đã cho xả súng bắn chết. Thịt con chim này cung cấp thực phẩm cho cả tiểu đoàn. Về tới Đông Dương mà vẫn còn một ít đem biếu cấp trên.
Điểu đây còn có thể là con chim mà Tiểu đoàn Lê dương của Pháp đi đánh hụt phát xít Hitler trở về qua Madagascar đã câu được chăng?

Nhì ngư (cá). Trong câu hát ru trên: Con cá ngư ông nó móng nước ngoài khơi, gồm cả điểu và ngư. Con cá ngư ông chính là con cá voi mà năm nào, cứ tới mùa rét thì có con cá này trôi vào bờ biển nước ta. Dân vùng ven biển thường tổ chức mai táng cá voi rất trọng thể. Có nhiều làng lập hẳn nhà thờ để thờ Ông Nam Hải, tức Cá voi.
Vừa qua, tại bờ biển Nghệ An, làng Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu có con cá voi dài 13 mét, nặng 15 tấn vào bờ, mắc cạn. Dân làng phải huy động 3 xe xúc đào rãnh lấy nước và hàng trăm người tham gia xô đẩy cá voi trở về biển. Ở Canada lại có nghề săn bắt cá voi để lấy thịt, có con nặng trên 20 tấn.
Cá voi thuộc giới Động vật, ngành Chordata, lớp Mammalia, phân lớp Eutheria, Bộ Cá voi, chúng thuộc về phân bộ Odontoceti (cá voi có răng). Phân bộ này cũng bao gồm siêu họ cá nhà táng, cá hổ kình, cá voi hoa tiêu, và cá voi trắng. Phân bộ cá voi khác bao gồm Mysticeti. Phân bộ này cũng bao gồm cá voi xanh, cá voi lưng gù, the bowhead whale và minke whale. Cá voi xanh, cá voi vây, cá voi xám, cá voi trắng, cá hổ kình.
Năm 1954, tôi tập kết ra Bắc. Lính bộ đội địa phương Quảng Trị và Thừa Thiên hành quân bộ. Đến làng Cảnh Dương, thì nghỉ đêm. Ban chỉ huy cho chiến sĩ vào thăm lăng Ông Cá voi. Làng Cảnh Dương vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn hai bộ xương cá voi tại đình làng. Bộ xương chứa chật một gian nhà. Mảnh xương sườn dài đến 2m, còn đốt xương sống to bằng cái mâm nhôm.
 Bài hát chèo cạn hát trong lễ tế đức Ông của làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch - Quảng Bình) có những câu:

                       Nay mừng mở hội Cầu Xuân.
                        Trời sinh Thánh thượng Duy Tân trị vì.
                        Trời yên, biển lặng bốn bề,
                        Đức Ông thượng thọ nước về cõi tiên.
                        Lênh đênh mặt nước bao miền.
                        Tìm nơi đất tốt, dân hiền ghé vô.
                        Xuân sang lai láng biển hồ.
                        Ngư dân trông thấy rước vô lạch nhà.
                        Tưng bừng nổi trống, kết hoa.
                        Nghe tin làng nước gần xa đón mừng.

Tam xà (rắn). Tôi còn nhớ trận lụt năm Thìn 1952. Núi rừng Trường Sơn sạt lở rất nhiều. Có nhiều bản sụt hẳn xuống sông, mang theo cây cối, nhà cửa, trâu bò và các loài động vật khác…Trôi trên sông Hương có một con rắn to. To như thế nào thì bây giờ khó cân đong đo đếm được. Chỉ biết rằng khi trôi về đến cầu Bạch Hổ thì đám cây rừng bị mắc kẹt, không trôi qua được mấy trụ cầu. Người dân phát hiện trong đám lá rừng đó có một con rắn khổng lồ. Được tin, tên quan hai chỉ huy đồn Kim Long cho bố trí mấy khẩu đại liên cả hai bờ bắc và bờ nam, rồi cho xả súng vào chỗ có con rắn. Chuyện có thật hay không thì tôi không được biết tường tận mà chỉ nghe thiên hạ đồn thổi mà thôi.
Nhưng chuyện rắn to (mãng xà vương) thì miệt rừng U Minh có rất nhiều. Trừ những chuyện vui Bác Ba Phi kể, không mấy đáng tin thì vẫn có những con rắn thật mà người dân đã từng chứng kiến. Bác Ba Phi - một kỳ lão xứ U Minh vốn nổi tiếng về tài nói khoác, có đoạn viết: “Hồi xưa trong rừng U Minh Hạ có những con rắn hổ mây khổng lồ không biết sống từ thời nào, chỉ biết khi nó say mồi nằm ngủ trong rừng, mấy ông thợ săn len lén tới ôm thử thì chu vi vòng bụng hết ba vòng tay người lớn. Con rắn giật mình thức dậy, đầu cất cao khỏi ngọn cây rừng, há miệng toang hoác khiến chim chóc tưởng thân cây nên đậu trên đầu và làm tổ trong miệng, bị nuốt chửng”.
Những bậc cao niên ở U Minh Hạ cam đoan rằng nơi đây chính là vương quốc bất khả xâm phạm của loài rắn hổ mây khổng lồ, loài vật được tôn là "mãng xà vương" của rừng U Minh đã truyền tụng qua hàng trăm năm. Những người từng gắn bó lâu năm dưới tán rừng tràm U Minh Hạ cũng quả quyết rằng nếu trừ đi những phần thêm mắm dặm muối của bác Ba Phi thì câu chuyện về những con rắn hổ mây khổng lồ của rừng U Minh là hoàn toàn có thật.

Tứ tượng (voi). Từ trước tới nay dân ta vốn coi voi là con vật to nhất. Đồng bào thượng du, phần lớn ở mạn rừng Trường Sơn, đã biết săn bắt, dụ dỗ, thuần dưỡng voi rừng. Voi được coi là người bạn thân thiết của con người, giúp con người kéo gỗ từ rừng sâu ra bãi trống. Ở Trung Hoa lại có chuyện vua Thuấn cày bằng voi (theo câu Phá đề “Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi”, bài Từ Thứ quy Tào của Tôn Thọ Tường).    
Vào cuối thời nhà Nguyễn, triều Bảo Đại là ông vua thích đi săn nhất. Bảo Đại cho làm những con đường riêng để đi săn. Ở Quảng Trị có con đường mang tên Vĩnh Thụy chạy song song với Quốc lộ 9, từ ngả ba Lai Phước Quốc lộ 1A lên Cùa – nơi có căn cứ Tân Sở - của vua Hàm Nghi phát Chiếu Cần vương. Ở Đà Lạt có con đường vành đai vòng quanh xứ sở sương mù chỉ để giành riêng cho Bảo Đại đi săn.
Voi Việt Nam cũng giống như Voi châu Á, cặp ngà voi dài. Thân cũng không lớn bằng các loài voi châu Phi, ăn các loài thực vật chủ yếu trái cây, thân các cây mềm như cây chuối, mía v v…
Voi đồng cỏ châu Phi hoặc còn gọi là Voi bụi rậm châu Phi, Voi xavan (Loxodonta africana) là một trong hai loài trong Chi Voi châu Phi (Loxodonta) cùng với Voi rừng châu Phi (Loxodonta cyclotis). Đây là loài lớn nhất còn sống của Bộ Có vòi (Probosidea) và là loài động vật lớn nhất trên mặt đất ngày nay. Một dạng đặc thù của loài này là những con voi sa mạc sống trong các vùng sa mạc khô cằn. Những con voi đực to lớn có thể có khối lượng cơ thể lên tới 7,5 tấn và cao trên 4 m. Những con voi cái nhỏ nhất thì chỉ cao 2,7 m và nặng 3 tấn. Nhìn chung với tầm vóc khổng lồ của mình, trên thảo nguyên châu Phi hầu như voi rừng không bị động vật nào gây hấn, kể cả những mãnh thú săn mồi, tuy nhiên voi rừng cũng dễ bị đàn sư tử giết chết nếu đi lạc vào lãnh địa của sư tử.
Voi đồng cỏ châu Phi có tai to nhất trong các loài voi. Vòi của chúng có 2 ngón tay chứ không phải 1 như ở Voi châu Á (Elephas maximus). Ngà Voi đồng cỏ châu Phi dài tới 3 m và nặng khoảng 15–20 kg. Cả voi đực và voi cái đều có ngà. Chúng có bốn cái răng hàm lớn, mỗi hàm có hai cái, mỗi cái có đường kính 10 cm và dài 30 cm.
Người dân Tây Nguyên khi vào mùa đều tổ chức các lễ hội đua voi, để vào mùa mới. Các dân tộc M'Nông, Êđê, Gia Rai. Lễ hội đua voi ngày nay cũng còn lại tổ chức khá ít, vì nhiều nguyên nhân như: Không gian vui chơi, lượng voi ít, quản tượng chạy theo thị trường. Thợ săn voi không có nghề, các chàng trai săn voi Buôn Đôn giờ ngồi trên lưng voi bị xích, chỉ huy nó đi một trăm mét tới, quay lại, đi một trăm mét về chỗ cũ.
Vua voi Ama Kông chuyển sang bán thuốc "hạnh phúc gia đình" và thu tiền người chụp ảnh mình và chụp ảnh với mình
Bản Đôn được xem là nơi vương quốc loài voi ở tỉnh Đắk Lắk là nơi có đàn voi rừng và voi nhà nhiều nhất Việt Nam với số lượng khoảng 80 - 110 con voi rừng và 61 con voi nhà. Đàn voi rừng và voi nhà đang ngày càng giảm sút số lượng và đứng trước nguy cơ chỉ còn trong huyền thoại.
Tỉnh Đắk Lắk có đề án thành lập một trung tâm bảo tồn voi với quy mô 200 ha tại Vườn quốc gia Yok Đôn.
(Bên bờ Phước Long Giang, ngày cơn bão số 14 vào tàn phá Khánh Hòa và Ninh Thuận. Ngày 19/11/2017).

                                                                        Nhà thơ Xuân Bảo

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

210. MỪNG SINH NHẬT NGUYỄN THÚY MINH.

           210. MỪNG SINH NHẬT VỢ lần thứ 77. (6/11/1941 –6/11/2017)

Ngày 6 tháng 11 là Ngày sinh của nhà tôi, tôi viết bài này để ôn lại một thời gian khó nhưng hào hùng và cũng để chúc mừng sinh nhật vợ tôi.
Mấy hôm nay các con cháu của chúng tôi háo hức chờ đón Sinh nhật của Bà cố, Bà nội, Bà ngoại và Mẹ Nguyễn Thúy Minh. Cháu ngoại Trịnh Ngọc Hương Nam đưa Ông Bà đi chụp ảnh phục dựng Ngày cưới. Mấy chiếc áo dài gấm thất thể Thượng Hải may từ năm 1960 cho Ngày cưới của chúng tôi thì có một chiếc không mặc vừa, vì hồi đó chiếc áo màu bạc may đo vừa vặn số đo nên hơi bó một chút Đây là chiếc áo may năm 1957, tại hiệu may Phúc Trạch, phố Lương Văn Can, lúc nhà tôi tròn 17 tuổi, vóc dáng chưa béo mập cho lắm. Còn 2 chiếc kia thì may tại Trạm May mặc số 7 do anh Nguyễn Văn Ớt, tổ viên tổ may áo dài, người Phú Xuyên, một làng may áo ta nổi tiếng đo may. Số đo hơi rộng để dễ mặc. (Ảnh có trong bài ở Fb này).
Mặc dù đã trải qua 57 năm, mấy chiếc áo dài này vẫn giữ nguyên chất lượng, không mục, không mòn, màu sắc vẫn y nguyên không bị phai bạc. Tôi mặc bộ complet đúng mốt của người Hanoi, nhưng mà là may sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bộ cũ trong Ngày cưới tôi đã cho bạn từ hồi tôi chuyển vào nam công tác.
Nguyễn Thúy Hương, con gái út chúng tôi thì lo đặt tiệc ở nhà hàng Hoàng Quý. Trong tiệc có đủ bánh sinh nhật, hoa. Gia đình cậu cả Nguyễn Triệu Quang có mặt đầy đủ. Con gái thứ hai Nguyễn Thúy Ngọc thì đang vi vu tận bên trời châu Mỹ la-tinh. Hiện diện có đầy đủ gia đình Nguyễn Thúy Hương gồm: hai vợ chồng Trịnh Ngọc Hương Nam – Phan Vĩnh và 2 đứa con An Nhiên (Andy) và An Như (Apple), cháu Phạm Nguyễn Thúy Hà – đang học đại học và cháu Phạm Đình Long, đang học đá bóng ở Học viện Arsenal JMG Hoàng Anh Gia Lai.
Nhà tôi chỉ mặc bộ bà ba truyền thống Nam Bộ. Bữa tiệc diễn ra vui vẻ, có nhiều lời chúc Bà mạnh khỏe sống lâu! Như cái giàn bánh bao to đùng có 108 chiếc, tượng trưng, mong muốn nhà tôi sống được 108 năm trường thọ!
Nhân đây, tôi cho đăng lại 2 bài viết mừng thọ Nguyễn Thúy Minh mấy năm về trước.

 Năm 2013.
MỪNG SINH NHẬT NGUYỄN THÚY MINH
Hôm nay là ngày 6 tháng 11 năm 2013. Đúng vào ngày này cách đây 73 năm Nguyễn Thị Minh cất tiếng chào đời giữa Hà Nội – thủ đô ngàn năm văn hiến.
          May mắn thay là nhà tôi còn giữ được một văn bản thời thực dân phong kiến. Đó là Giấy lược sao khai sinh (bản sao kèm). Đây là chứng tích gần trăm năm đô hộ của “mẫu quốc Đại Pháp” còn sót lại hôm nay của chúng tôi. Xin lưu lại để làm kỷ niệm.
 Nội dung như sau:
 ÉTAT CIVILVIETNAMIEN/ HỘ TỊCH VIỆT NAM
 État du Viêt-Nam/ QUỐC GIA VIỆT NAM
Année/ Năm (1941)
 Số (3195)    TÒA THỊ-CHÍNH HÀ-NỘI
 Bulletin de naissance…/ Giấy lược sao khai sinh
Prénom et nom…/      Họ và tên: Nguyễn Thị Minh
Date de naissance…/ Ngày: Six Novembre 1941
Lieu de naissance…/Nơi sinh: 20 avenue du Grand Bouddha Hanoi
Fille…/ Là con. . . gái: Nguyễn Viết Điền.
Profession…/ Chức nghiệp: Tailleur
Et de…  Và: Nguyễn Thị Tỵ)
 Épouse…/ Là vợ: Premier rang 
Hà-nội, ngày 10 tháng 4 – 1951
 VIÊN COI VIỆC HỘ TỊCH
(L’ Officier de L’ État civil)
T.L Thị trưởng Chủ sự phòng Hộ tịch và Kiểm nhập
 ĐOÀN TRIỆU MAI
 (Ký và đóng dấu)
Có con niêm đề:
 THUẾ-thành phố.TAXES MUNICCIPAL. HAI ĐỒNG -2$00 và con dấu tròn ghi chung quanh vòng tròn dòng chữ QUỐC GIA VIỆT NAM (phía trên) và PHỦ BẮC VIỆT (phía dưới). Có hai chữ chung quanh vòng tròn mờ nên không đọc được. Phía trong vòng tròn là những chữ in THỊ CHÍNH HA NOI – HỘ TỊCH.

Nhớ lại ngày này hơn 50 năm về trước. Tôi đã viết bài thơ tặng vợ chưa cưới là Thúy Minh có nhan đề là NGUYỆN:

 Nguyện cùng em đi cùng trời cuối đất
 Nguyện cùng em có nhau lúc vui buồn
 Nguyện cùng em lúc sống và khi chết
 Được như thế có hạnh phúc nào hơn

 Và giờ đây khi cả hai chúng tôi tuổi đã nghiêng về phía hoàng hôn, có với nhau ba người con, một trai và hai gái, có tám cháu nội ngoại và hai chắt ngoại. Chúng tôi đã giữ trọn lời nguyện ước khi xưa. Tôi chúc mừng ngày sinh của Thúy Minh bằng những hoài niệm đẹp của chúng tôi sống giữa lòng Hà Nội thân yêu: Chúc em trẻ và đẹp mãi mãi!
Nhân đây tôi cho đăng tải bài viết của Phạm Nguyễn Thúy Hà – cháu ngoại của ông bà – nhân Sinh nhật bà ngoại Nguyễn Thúy Minh - Ngày 6/11/2013: mừng Bà 73 tuổi.
          Happy bday to my grandmama
      Là ngày mai lận, nhưng hôm nay phải ngồi ghi ghi vì không có thời gian aigooo~
Theo lời Bà nội:" Bà ngoại là nhất đấy, bà đúng là con gái Hà Nội nguyên mẫu ,giỏi giang, đảm đang, chịu khó, thương con thương cháu thế cơ. Bà nội cũng là người Hà Nội nhưng còn phải phục Bà ngoại..."
Bà ngoại thì suốt ngày "cháu bà nội tội bà ngoại chứ báu gì". Đứa nào cũng suốt ngày bà, cái gì cũng kêu bà ,muốn gì cũng bà, ăn cũng kêu, tắm cũng kêu rồi bà điên lên " chúng mày cứ coi như tao chết rồi đấy, bà suốt..."
Không kêu không được mà, sinh ra đã có bà kè kè bên cạnh, bà chăm bà bồng, tới lớn đi đâu cũng thích đi với bà, ở với bà.
Bà khó tính, kĩ tính, gia giáo chuẩn mực kiểu Bắc Kì thế đó, nhưng thương con cháu thì vô đối rồi... Thiệt là thương bà bự vô cực mà, nhưng bà lại thêm 1 tuổi rồi... Hmmm...
         Ôi thì nói sao cho hết. Chỉ là: Bà ngoại của Hà tuyệt nhất.

         ***
Năm 2014.
Trên Blog của Nguyễn Xuân Bảo có bài số131:

MỪNG SINH NHẬT NGUYỄN THÚY MINH (6-11-1941 –6-11-2014).

Hôm nay là ngày sinh nhật lần thứ 74 của vợ tôi, người gốc Hà Nội chính kinh, con nhà tư sản Tân Việt được đưa vào diện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh những năm đầu khi Hà Nội mới được giải phóng khoảng từ năm 1954 đến năm1959. Ông bà Tân Việt có hiệu may ở phố Tràng Tiền và hiệu Cơm tám giò chả Tân Việt nổi tiếng ở 60A phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, khu Hai Bà, nay là quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
 Hôm qua trên blog của tôi có bài Vụ án dân sự từ một bài thơ của nữ sĩ Ngân Giang, tôi có nhắc đến sự kiện tôi bị nhốt vào nhà pha Hỏa lò Hà Nội, đúng 100 ngày chẵn (Ra đi Đoan ngọ khi về Trung thu )vì dính dáng đến văn chương và báo chí. Trong ngục tù tôi có làm 2 bài thơ.


Bài thứ nhất:
Trưa tù im ắng hơn đêm tịch
Thời gian khắc khoải kéo triền miên
Buồn như chấu cắn, sầu như chết
Máu loạn tim trào ta muốn điên

bài thứ hai là để biết ơn vợ không quản nhọc nhằn đến kỳ là mang đồ tiếp tế vào cho tôi gồm thuốc lá, muối vừng lạc và một ít ruốc thịt lợn:

Mạnh Thường Quân đãi ba nghìn tân khách
Cũng không bằng một lần tiếp tế của em
Vì tiếp tế qua nhiều lần cửa sắt
Trong ngục tù anh mong đợi từng đêm

          Hôm nay, chúng tôi đã lên chức Cụ, có cháu cố. Các con cháu nhân ngày mừng sinh nhật vợ tôi đã mua rất nhiều hoa để tặng Bà.
          Tôi viết những dòng này để bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành: Cụ ông Nguyễn Viết Điền và Cụ bà Nguyễn Thị Tỵ đã sinh ra một người con gái vừa đảm việc nhà và tròn việc nước. Bà Nguyễn Thúy Minh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì. Và cũng để biết ơn người vợ thủy chung gắn bó tình nghĩa phu thê đã trên nửa thế kỷ qua.
          Đáng lẽ tôi có thơ tăng vợ, nhưng để kịp thời chúc mừng sinh nhật Nguyễn Thúy Minh, tôi vội viết những dòng này.

       Phường Quyết Thắng-Biên Hòa, chiều 6/11/2014

Bài viết này tôi đưa lên Fb và blog. Nguyễn Xuân Bảo số 210, ngày 12/11/2017.



                                       (Bên bờ Phước Long Giang, khi APEC 2017 đã bế mạc và cơn bão số 13 tên                                          Quốc tế Haikui đang rình rập ngoài biển Đông)

Nhà thơ Xuân Bảo

Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

209. VĂN HỌC NGA & LIÊN XÔ CŨ-MỘT NỀN VĂN HỌC VĨ ĐẠI

209.VĂN HỌC NGA VÀ LIÊN XÔ CŨ-MỘT NỀN VĂN HỌC VĨ ĐẠI

           KỶ NIỆM 100 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 10 NGA.7/11/1917-7/11/2017

                                                                                 Hồi ức của Nhà thơ Xuân Bảo.

           Những năm đầu thập kỷ 60, thế kỷ trước, nguời dân và nhất là thanh thiếu niên Hà Nội sôi nổi tham gia học tiếng Nga. Các trường dạy tiếng Nga mở khắp các KHU, (hồi này chưa gọi là QUẬN). Hà Nội chỉ có 4 Khu: Khu Hoàn Kiếm, Khu Ba Đình, Khu Đống Đa và Khu Hai Bà và 4 huyện ngoại thành.
Các trường phổ thông và đại học đã đưa môn ngoại ngữ Nga vào chương trinh chính khóa. Cán bộ, công nhân, viên chức thì học buổi tối thứ tư trong tuần.
Tôi đi học tiếng Nga ban đêm ở trường Ngô Sĩ Liên. Thầy là những giáo sư tiếng Nga của Đại học Sư phạm Hà Nội. Lớp giảng viên tiếng Nga đầu tiên sau ngày Giải phóng thủ đô 10/10/1954 được gửi sang Liên Xô đào tạo ở Đại học Lômônôxôv về nước. Lớp tôi do thầy Đỗ Ca Sơn phụ trách. Thầy Sơn là bạn đồng môn của thầy Vũ Lam, cháu của ông bà Vũ Thư, ba me nuôi của tôi. Ông có hai người con là Vũ Tuấn Minh đang học cấp III trường Chu Văn An và Vũ Thanh Hằng đang học cấp II trường Nguyễn Trãi.Anh Lamov thường phụ đạo tiếng Nga cho ba chúng tôi những ngày chủ nhật. Chúng tôi đã gọi đùa tên anh Lam thành tên Nga là Lamov. Vợ thầy Đỗ Ca Sơn có lần nói với tôi: Thầy khen học viên Xuân Bảo vừa làm lớp trưởng vừa học rất giỏi. Được thầy khen, tôi cũng “nở mũi”. Học một khóa là 3 năm. Ra trường có một số tiếng Nga kha khá.
Câu tiếng Nga vỡ lòng cho chúng tôi là “Học, học nữa, học mãi”. Đây là câu nói bất hủ của V.I. Lénin- vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Liên Xô – Người đã lãnh đạo thành công cuộc lật đổ chế độ Sa hoàng, lập nên chính quyền công nông đầu tiên của nhân loại.
Các Nhà Xuất bản trong nước đua nhau dịch sách tiếng Nga, phần lớn là tác phẩm văn học. Sách chính trị thì đã có Nhà Xuất bản Cầu vồng của Liên Xô dịch và biếu không cho dân ta. Sau năm 1975, Nhà Xuất bản Cầu vồng dịch nhiều tác phẩm văn học như Đêm trước Cha và con của Ivan Tuôcghênhev, Nê-bit-đắc của Becđư Kecbabaev…
Mặc dù đồng lương ít ỏi, chúng tôi đều dành dụm để mua sách. Tủ sách cá nhân của tôi ngày càng đầy lên các tác phẩm văn học của những nhà văn Nga nói riêng và của các nhà văn Xô viết nói chung. Chúng tôi có được những tác phẩm nổi tiếng của văn hào Lev. Tolstoi, Ilia. Erenbourg, Aleksi. Tolstoi, Dotstoievski, Kontantin. Pautovski, Sêkhov, Fadêev, Gôgol, Makarenkô, Puskin, Lermontov, Maiakovski, Simonov…
          Chúng tôi say mê đọc các tác phẩm lừng danh: Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karênina… của Lev. Tolstoi, Con đường khổ ải của Aleksi Tolstoi, Bão táp của Ilia Êrenbourg, Bình minh mưa, Bông hồng vàng của Paustovski và nhiều tác phẩm khác của các nhà văn các nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết
Từ đầu thiên niên kỷ thứ II – năm 1901, khi Giải thưởng Nôbel hàng năm được trao cho những người có công trong 6 lĩnh vực- thì đã có 111 nhà văn, nhà thơ được tao giải cao quý này. Thời Liên Xô có 3 người được trao là ;
 Boris Leonidovich Pasternak, nhà văn nổi tiếng, tác giả tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, giải thưởng Nobel năm 1958.
 Mikhail Alekxandrovich, nhà văn nổi tiếng, tác giả Sông Đông êm đềm, giải thưởng No6bel năm 1965.
  Alexandr Iaseyêvich Solzhennitsyn, nhà văn nổi tiếng lên án chế độ khủng bố Stalin, tác giả GULAG quần đảo địa ngục, giải thưởng No6bel năm 1970.
Chúng tôi tìm đọc và rất khâm phục các nhà thơ Nga: Puskin, Maiacovski, Lermontov, Olga Bergholz, Alersandr Tvardovski, Anna Akmatova, Evghênhi, Evtushenco, Simonov…
          Năm 1947- năm thứ 2 của cuộc Kháng chiến trường kỳ chống Pháp của ta, cố thi sĩ Tố Hữu đã dịch bài thơ Đợi anh về của Konstantin Simonov. Đây là bài thơ mà tên Goben- trùm thứ hai của phát xít Đức đã đánh giá là có sức mạnh bằng ba sư đoàn Hồng quân Liên Xô.
                                                          ***
          Tôi còn nhớ, hồi đó ông Nguyễn Duy Cẩn, Cục trưởng Cục Điện ảnh mời một số cộng tác viên tờ Điện ảnh đến dự xem buổi trình chiếu bộ phim Chiến tranh và Hòa bình tại trụ sở của Cục đóng trên đường Hoàng Hoa Thám. Phim dài hơn 8 giờ đồng hồ, xem cả buổi sáng và buổi chiều. Tôi còn nhớ lời người giới thiệu bộ phim này: Kinh phí làm phim bằng 8 nhà máy Cơ khí Trung quy mô (do Liên Xô viện trợ cho ta); Số lượng diễn viên quần chúng tham gia với cả hai chiến tuyến (Pháp do Napoléon chí huy và Nga do nguyên soái Kutuzov chỉ huy) trong trận Bôrôdinô là hơn 2 quân đoàn. Đây là bộ phim kinh điển của Điện ảnh Xô viết. Các rạp chiếu bóng và bãi chiếu bóng ngoài trời Hà Nội
chiếu rất nhiều phim Liên Xô: Khi đàn sếu bay qua, Người thứ 41, Bài thơ về biển, Nàng tiên cá…
Điện ảnh Liên Xô thực hiện nhiều tác phẩm xoay quanh cuộc chiến tranh tàn khốc nhất lịch sử nhân loại.  Có thể xếp 9 bộ phim xuất sắc về Thế chiến II. Đó là:             
Khi đàn sếu bay qua không chỉ là bộ phim xuất sắc về Thế chiến II mà còn là phim kinh điển của thế giới. Khi ra mắt hơn nửa thế kỷ trước, tác phẩm giành giải Cành Cọ Vàng ở LHP Cannes (Pháp), là phim duy nhất của Liên bang Xô viết thắng giải này. Năm 2008, phim được hiệp hội phê bình Nga đánh giá hay nhất trong 50 năm thời kỳ đầu điện ảnh Nga. Phim của đạo diễn Mikhail Kalatozov cũng khởi động kỷ nguyên rực rỡ điện ảnh Nga làm về đề tài Thế chiến II.
Số phận một người đàn ông. Phim chuyển thể từ tiểu thuyết Sudba cheloveka của nhà văn Mikhail Solokhov, phim kể về cuộc đời của một người đàn ông bị hủy hoại vì chiến tranh. Sau khi được Hồng quân tuyển làm lính xe tải, Andrei Sokolov tạm biệt vợ và ba con nhỏ lên đường ra trận. Trên đường, xe bị đánh bom và anh bị quân Đức bắt làm tù binh. Trong tù, anh bị bỏ đói và bị tra tấn nhưng kiên cường sống vì muốn gặp lại gia đình. Sau khi trốn khỏi tay quân Phát xít, Andrei về nhà thì phát hiện làng anh bị bom oanh tạc, vợ và hai con gái đã chết. Andrei gần như không còn động lực sống cho tới khi tìm lại được đứa con trai duy nhất.
Tác phẩm có kịch bản chặt chẽ, diễn xuất và quay phim đều được đánh giá cao. Trong phim, đạo diễn Sergey Bondarchuk sử dụng nhiều hình ảnh tư liệu cũ làm phim thêm chân thực. Trong LHP Moscow thứ nhất, phim giành giải Grand Prize - giải cao nhất.
Bài ca người lính. Trên mặt trận ở Nga giữa Thế chiến II, chàng lính trẻ Alyosha 19 tuổi được trao huân chương vì hành động anh hùng. Thay vì nhận huân chương, anh lính xin nghỉ phép vài ngày để về thăm mẹ và sửa mái nhà đang hỏng. Trên chuyến tàu xuôi hướng đông về quê nhà, anh chứng kiến cuộc sống đời thường hỗn loạn trong chiến tranh. Chàng lính trẻ cũng gặp cô gái Shura - đang đi thăm họ hàng. Trong vài ngày đồng hành ngắn ngủi, họ trải nghiệm tình yêu độc đáo. Bộ phim của đạo diễn Grigori Chukhrai đề cập chính đến tình yêu thương trong thời kỳ hỗn loạn. Đó không chỉ là tình yêu lãng mạn của hai người trẻ, tình chung thủy của đôi vợ chồng, mà còn là tình mẹ sâu nặng thương con. Khi ra mắt, phim giành giải Bafta "Phim xuất sắc" của Viện hàn lâm Anh và được đề cử giải Oscar "Kịch bản gốc xuất sắc" của Viện hàn lâm Mỹ.
Thời thơ ấu của Ivan là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Liên Xô - Andrei Tarkovs Dựa trên truyện ngắn Ivan của nhà văn Nga Vladimir Bogomolov, nội dung phim kể về một cậu bé 12 tuổi làm gián điệp trong Thế chiến II. Sau khi vô tình đi qua phòng tuyến quân Đức để thu thập tin tức, cậu gặp vô vàn nguy hiểm rình rập. Bộ phim độc đáo khi xoáy sâu vào sự tàn khốc của chiến tranh theo cách nhân văn thay vì dựng nên câu chuyện về những người lính và trận chiến.
Phim có những khung hình ám ảnh về chiến tranh và thể hiện phong cách bậc thầy của nhà làm phim, giúp ông giành giải Sư tử vàng ở LHP Venice năm 1962. Tác phẩm đưa tên tuổi Andrei Tarkovsky thành nhà làm phim vang danh thế giới. Nhiều nhà làm phim châu Âu như Ingmar Bergman, Sergei Parajanov và Krzysztof Kieslowski ca ngợi phim, và khẳng định tác phẩm gây ảnh hưởng lên phong cách làm phim của họ.
Chặng đường thử thách. Lấy bối cảnh nước Nga năm 1942 trong thời kỳ bị Phát xít Đức chiếm đóng, phim xoay quanh chàng trai du kích Lazarev. Sau khi bị quân Đức bắt, anh bỗng được thả về, khiến đồng đội nghi ngờ. Thay vì hành quyết Lazarev, đồng đội cho anh cơ hội chứng tỏ lòng trung thành với tổ quốc bằng nhiệm vụ, trở lại trạm kiểm soát xe lửa đang bị chiếm đóng bởi quân Đức và đánh bom một đoàn tàu chở thực phẩm. Tác phẩm được đạo diễn Aleksey German chuyển thể từ chính truyện ngắn của cha mình - nhà văn Yuri German. Phim là lời chất vấn gai góc về những khái niệm như lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, kẻ phản bội. 5 năm sau Chặng đường thử thách, đạo diễn German làm một phim kinh điển khác về chiến tranh mang tên Twenty Days Without War (1976).
Họ đã chiến đấu vì đất mẹ. Sau phim Số phận một người đàn ông, Họ đã chiến đấu vì đất mẹ là bộ phim chiến tranh tiếp theo gây ấn tượng của đạo diễn Sergei Bondarchuk - một cựu chiến binh. Tác phẩm ca ngợi tinh thần yêu nước sâu sắc của Hồng quân Xô viết. Cốt truyện phim xoay quanh một trung đội Hồng quân phải chiến đấu chống lại quân Phát xít nhằm giữ được địa thế tốt. Trận đánh thương vong với hàng loạt hy sinh, chết chóc cũng như tình đồng đội được đạo diễn đưa lên màn bạc một cách chân thực.
Hãy đến mà xem. Nhan đề lấy từ một câu trong kinh thánh - Sách Khải Huyền, phim dựa trên một câu chuyện có thật trong bối cảnh thời Đức Quốc xã chiếm đóng nước Nga. Kịch bản xoay quanh câu chuyện về cậu bé Florya và những trải nghiệm trong cuộc chiến tranh tàn ác. Tác phẩm được làm theo phong cách kinh dị ấn tượng, khiến người xem thấu hiểu tận cùng bạo lực và tội ác của Phát xít Đức đối với trẻ em Liên xô, cũng như ca ngợi tinh thần bất khuất của người Nga. Phim của đạo diễn Elem Klimov luôn nằm trong danh sách những tác phẩm phải xem về Thế chiến II. Năm 1986, Hãy đến và xem giành bốn giải thưởng của Liên hoan phim Liên Xô.
Chim cúc cu. Trong số những tác phẩm gần đây của Nga về Thế chiến II, phim Kukushka của đạo diễn Aleksandr Rogozhkin được đánh giá đáng xem nhất. Lấy bối cảnh nước Nga năm 1944 ở vùng đồng quê ngập chiến tranh, hai người lính Phần Lan và Xô viết thuộc hai phe Phát xít và Hồng quân có cuộc chạm trán đặc biệt tại một trang trại trong rừng của một người phụ nữ dân tộc. Tác phẩm hài hước trên nền hiện thực chua chát mang về cho đạo diễn Nga nhiều giải thưởng ở châu Âu.
Pháo đài Brest. Pháo đài Brest là tác phẩm Nga và Belarus hợp tác thực hiện để kỷ niệm 65 năm ngày diễn ra trận phòng thủ Brest - trận đánh mở màn cuộc chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Liên Xô. Bộ phim tái hiện hình ảnh kiên cường bảo vệ pháo đài Brest của các chiến sĩ Hồng quân trước cuộc tấn công chớp nhoáng của quân Đức vào tháng 6/1941. Dùng giọng kể của nhân vật chính là cựu chiến binh Aleksandr Akimov, phim xoay quanh trận chiến ác liệt, trong đó 8.000 chiến sĩ Hồng quân đối đầu với 17.000 lính Phát xít. Tuyến truyện song song kể về mối tình thật trong sáng, thơ ngây của cô bé Anya xinh đẹp. Cô bé đột nhiên thấy mình ở giữa những sự kiện đẫm máu của chiến tranh. Tác phẩm khi ra mắt được giới chuyên môn Nga đánh giá cao.
Kịch nói của Liên Xô có nhiều tác giả nổi tiếng, sau Maxim Gorky có kịch của Nikolai Pogodin, Vsevolod Vishnevsky‎, Kịch Yevgeny Shvarts‎). Đó là những vở: Bà Maria, Câu chuyện về thời gian đã mất, Chúng tôi đến từ Kronstadt, Chuông đồng hồ điện Kremlin, Con rồng, Điều thiêng liêng nhất, Đoàn kị binh số 1, Đồng nghiệp
Katya và những điều kỳ diệu, Khúc thứ ba bi tráng, Một lần vào đêm giao thừa, Mùa xuân tình yêu, Nàng Lọ Lem (hài kịch Liên Xô), Người cầm súng, Những con ngựa xanh trên thảm cỏ đỏ…
Đoàn Kịch nói Trung ương, sau này là Nhà Hát Kịch nói Việt Nam đã dàn dựng nhiều vở: Chuông đồng hồ điện Kremlin, Câu chuyện Yakut, Liuba Liubov, Khúc thứ ba bi tráng …được nhiều người Hà Nội yêu thích.
          Chúng tôi rất mê các ca khúc: Chiều Maskva, Đôi bờ, Kachiusa…
Cuộc chiến tranh thần thánh là một bài hát nổi tiếng của Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. Chỉ hai ngày sau khi Đức tấn công Liên Xô, ngày 24 tháng 6 năm 1941, một bài thơ có tựa đề "Cuộc chiến tranh thần thánh" của nhà thơ Vasily Ivanovich Lebedev-Kumach được đăng trên các báo "Izvestia" và "Sao Đỏ". Sau khi bài thơ được công bố, Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Cờ Đỏ Hồng quân Liên Xô Alexander Vasilyevich Alexandrov ngay lập tức phổ nhạc. Không có thời gian để in ấn các bảng ký âm và bè phổ, Alexandrov đã viết chúng lên bảng bằng phấn, để các ca sĩ và nhạc sĩ chép lại chúng vào bản ký âm của riêng mình. Mọi người chỉ có vỏn vẹn một ngày để tập dợt, và ngay ngày hôm sau, ngày 24 tháng 6 năm 1941, một buổi công diễn được tổ chức ngay trước nhà ga Belorussky.
Các nghệ sĩ của Đoàn ca múa nhạc Cờ Đỏ Hồng quân Liên Xô đã luân phiên trình diễn, có ngày trình diễn đến 5 lần ngay trong ngày hôm đó. Tuy nhiên, trong những thời gian đầu của cuộc chiến, bài hát không được phổ biến nhiều do các nhà lãnh đạo Liên Xô cho rằng nó quá tiêu cực đối với một cuộc chiến tranh mà họ cho rằng sẽ dễ dàng kiểm soát. Tuy nhiên, đến ngày 15 tháng 10 năm 1941, khi quân Đức đã chiếm được Kaluga, Rzhev và Kalinin, bài hát bắt đầu được phổ biến. Nó được phát mỗi ngày trên các đài phát thanh của Liên Xô, mỗi sáng sau tiếng chuông của Điện Kremli.
Bài hát trở nên phổ biến rộng rãi trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại như một biện pháp tinh thần để duy trì sức chiến đấu cao trong quân đội, đặc biệt là trong trận chiến phòng thủ khó khăn. Sau chiến tranh, bài hát vẫn thường xuyên được biểu diễn cả trong lẫn ngoài nước như một biểu tượng anh hùng của nhân dân Liên Xô. Mặc dù các tác giả của nó đã qua đời sau chiến tranh không lâu, họ vẫn kịp nhìn thấy đứa con tinh thần của mình được mọi người đón nhận. Thậm chí, vào ngày 22 tháng 5 năm 2007, Đoàn Ca múa nhạc Alexandrov, hậu thân của Đoàn ca múa nhạc Cờ Đỏ Hồng quân Liên Xô, đã trình diễn bài hát này trước những đồng minh cũng như đối thủ trước đây tại trụ sở của NATO ở Brussels, và đã nhận được nhiều lời khen ngợi.
Cho đến nay, tại Nga và một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ, bài hát vẫn được trình diễn trang trọng trong những dịp lễ kỷ niệm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Trong các lễ diễu binh mừng ngày Chiến thắng hàng năm, phần nhạc được dùng như một phần của các bài nhạc diễn hành của Quân đội Nga. Cho đến nay, bài hát vẫn được trình diễn trang trọng trong những dịp lễ kỷ niệm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Nga và một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ.  Ca khúc là một biểu tượng anh hùng, là bản Thánh ca của nhân dân Liên Xô.
Sống mãi trong ký ức là bài hát có sự kết hợp hoàn hảo giữa lời thơ hào hùng với nhịp điệu quân hành mạnh mẽ. Tuy nhiên, tốc độ sáng tác ngắn ngủi của nó đã nảy sinh rất nhiều nghi vấn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các bản phác thảo chép tay của Lebedev-Kumach, hiện vẫn được lưu trữ tại Viện Lưu trữ Văn học và Nghệ thuật Nhà nước Nga, phản ánh quá trình sáng tác của ông.
Lễ kỷ niệm Cách mạng tháng mười năm nay, một lần nữa "Cuộc chiến tranh thần thánh" lại vang lên khắp nước Nga, và cả trong ký ức của nhiều cựu sinh viên Việt Nam từng học tập, làm việc tại Liên Xô cũ.

Tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chúng tôi còn được xem các vở opéra (nhạc kịch) Evghênhi Onhiêgin và xem các bản giao hưởng của Traicovski, Sotstakovich và các vở ballet: Hồ Thiên nga, Kẹp hạt dẻ, Vở Hồ thiên nga của nhà hát ballet Nga Talarium Et Lux là màn biểu diễn kết hợp hoàn hảo giữa tác phẩm kịch kinh điển với công nghệ biểu diễn hiện đại. Vở vũ kịch do đạo diễn nổi tiếng nước Nga, Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô M. Lavrovsky là tổng đạo diễn kiêm biên đạo múa. Nếu như Hồ thiên nga được mệnh danh là “ballet của những vở ballet” thì Kẹp hạt dẻ lại được công chúng, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi xem như giấc mơ có thực trong đêm Giáng sinh. Kẹp hạt dẻ là một trong những vở ballet được trình diễn nhiều nhất trên thế giới và được các nhà hát ballet nổi tiếng thế giới công diễn vào dịp trước và trong Giáng sinh hàng năm. Vở diễn Kẹp hạt dẻ được chuyển thể từ câu chuyện cổ tích của nhà văn Đức E.T.A. Hoffmann. Cả hai vở vũ kịch này đều được nhà soạn nhạc thiên tài Nga Pyotr Ilyich Tchaikovsky sáng tác.
Đặc biệt chúng tôi trân trọng đọc các tác phẩm của Đại văn hào Nga Maxim Gorky. Trong những tác phẩm của Gorky, chúng tôi đọc văn xuôi có Người Mẹ, Tuổi thơ ấu và Trường đại học của tôi; trong kịch chúng tôi đọc các vở Những kẻ tiểu tư sản, Những đứa con của Mặt trời, và vở Dưới đáy. Chúng tôi tìm thấy trong 27 mẩu chuyện nước Ý của Gorky những tư tuỏng cao siêu, lấy Con người làm trung tâm vũ trụ. Gorky đã có những nhận định, đánh giá rất chí lý về Con người. Tôi trích ra đây những đoạn văn của Gorky mà hồi đó lớp thanh niên chúng tôi coi là những câu kinh học làm người. Đây là Lời tựa cuốn 27 mẩu chuyện nước Ý:
“Dù sao sao, tô vẽ cho con người đẹp thêm một chút thì cũng chẳng có gì hại cho lắm. Người ta thường nói quá nhiều, quá nhấn mạnh rằng con người là hoàn toàn xấu xa mà quên rằng con người có thể trở nên tốt hơn, nếu nó muốn thế.
Nếu chỉ nói cho con người biết sự thật chua xót về những khuyết điểm của nó mà thôi thì người ta sẽ làm cho nó trở thành những nhân vật đen tối, đến nỗi người nọ đâm ra sợ sệt người kia như thú rừng với nhau, và sẽ mất hết lòng tin cậy, kính trọng và chăm sóc lẫn nhau, những tình cảm đó không thể cũng chẳng được nẩy nở gì cho lắm rồi. Cần phải có sự thật. Ngọn lửa của sự thật rèn luyện những tâm hồn cương nghị, làm tăng thêm ý chí. Những tâm hồn cương nghị thật hiếm có. Trong một tâm hồn yếu đuối, những vết bỏng do sự thật gây nên sẽ chỉ đưa đến những cái sẹo của tính độc ác, ghen tị và làm cho cho con người ngứa ngáy vì lòng tự ái bị va chạm. Bên cạnh những thói xấu lan tràn, con người cũng có những tính tốt nhỏ bé. Những đức tính ấy nó phải  cố gắng rất nhiều mới luyện nên được. Chính là vì những đức tính đó mà chúng ta thỉnh thoảng phải tô vẽ, nhấn mạnh để làm nổi bật lên, giúp cho những mầm non của cái tốt có thể nẩy nở. Những mầm non đó, chúng ta hãy tin rằng sẽ theo thời gian mà đem lại những cây xum xuê và rực rỡ.
Chúng ta trìu mến chăm nom hoa cỏ, chúng ta yêu mê say rất nhiều những thứ khác không cần thiết như hoa, nhưng chúng ta chưa chú ý đầy đủ đến việc săn sóc tâm hồn, săn sóc trái tim con người.
Chúng ta phải tập làm việc đó, vì dù cho cái xấu xa bề ngoài đó Con người chẳng phải là cái gì vĩ đại nhất trên trái đất này hay sao?
Nếu con người biết được rằng mình xấu thì điều đó đảm bảo chắc chắn rằng nó sẽ ngày một tốt hơn.
Cần phải chê, nhưng chính vì thế nên khen càng là một điều không thể thiếu được, và chắc chắn rằng trong hai cái khen chê, khen vẫn có lợi hơn”.

              CON NGƯỜI.
“Tất cả ở trong Con người, tất cả cho Con người!




 Này đây, Con người lại rảo bước, huy hoàng và tự do, vươn lên càng cao cái đầu hiên ngang, - đi chậm rãi với nhịp bước vững vàng, đạp lên trên tro tàn của những định kiến cũ kỹ, đi một mình trong sương mờ của những sai lầm, sau lưng mình là bụi tàn của những đám mây nặng trĩu đã thuộc về quá khứ, và trước mặt mình là bao điều nan giải đang chờ đón lạnh lùng.
“Đường đi của Con người là vô tận.
“Con người đi thẳng tới như vậy đó, Con người – tiến thẳng tới – và lên càng cao! Luôn luôn – thẳng tới – và cao hơn!”





   Đại văn hào Nga Maxim Gorky

                                                                                 ***
Hồi đó chúng tôi say mê đọc cuốn Thép đã tôi thế đấy (Et l’acier fut trempé) của Nikolai Ostrovski, và coi đây là cuốn sách gối đầu giường. Tôi thích nhất câu nói:
 “Ce que l’homme possède de plus précieux c’est la vie. Elle ne lui est doonné qu’une foit. Et il doit la vivre de façon à ne pas regretter doulouresement les années inutilement vécues, à ne pas rougir de honte pour son passeé lachement mesquin, de façon qu’en mourant, in puisse se dire: - toute ma vie et toute mes forces, je les ai consacrées à l’œuvre la plus sublime qui soit; à la lutte pour l’affranchissement de l’humanité”
"Những gì con người quý trọng nhất là cuộc sống. Cô ấy chỉ được trao một thứ. Và anh ta phải sống trong cái cách mà anh ta không hối hận vì những năm tháng sống không cần thiết, không phải xấu hổ vì quá khứ râm ran của anh ta, để khi anh ta chết, anh ta có thể tự nhủ: "Cả cuộc đời và sức mạnh của tôi, Tôi đã dành cho họ những tác phẩm tuyệt vời nhất của tất cả; để đấu tranh giải phóng nhân loại ".


Và chúng tôi cũng rất mê nhà văn gốc Ba lan, sinh trưởng ở Ukraina- một trong 15 nước của Liên bang Xô viết- Chúng tôi đã đọc Bình minh mưa và Bông hồng vàng.


Trong truyện ngắn Bụi quý (nằm trong tập sách Bông hồng vàng), Paustovsky đã bộc lộ suy nghĩ của ông về nghĩa vụ của một nhà văn, đoạn văn này sau đó rất hay được trích dẫn để nói về sự nghiệp cầm bút nói chung:
"Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hướng dương đang bay hay lửa sao trong một vũng nước đêm - tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng. Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh "Bông Hồng Vàng" của ta - truyện, tiểu thuyết hay là thơ. Bông hồng vàng của Samet! Đối với tôi có phần nào là hình tượng tương lai của hoạt động sáng tạo của chúng ta. Thật là lạ lùng khi chẳng có ai chịu bỏ sức lao động của mình ra nghiên cứu xem từ những hạt bụi quý ấy đã phát sinh ra nguồn văn học sinh động như thế nào. Nhưng cũng giống như bông hồng vàng của người thợ hót rác già kia làm ra là để cho Xuyzan được hạnh phúc, sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của Trái Đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, vì niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối cho chúng ta rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt."

Có thể nói thời kỳ này không khí văn chương và nghệ thuật Liên Xô thấm đẫm, bao trùm, lan tỏa đến từng người dân Hà Nội.

           ***

Năm 1991, Liên bang Xô viết, thành trì của phe xã hội tan rã. Tôi lại về sống ở miền Nam nên không có điều kiện để tìm hiểu về nền văn học của nước Nga. Nhưng trong lòng tôi vẫn luôn luôn hướng về một nền văn học vĩ đại của những năm dưới chế độ xô viết. Tôi vẫn ngưỡng mộ và yêu mến vô bờ đối với Maxim Gorky, với Lev. Tolstoi, Aleksi. Tolstoi, với Puskin, Maia, Simonov.

Bên bờ Phước Long Giang, những ngày giáp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng 10 Nga 7/11/1917 – 7/11/2017.
                                                                   Nhà thơ Xuân Bảo