Trang

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

211. Nhũng chuyện nhỏ làng quê


211. Những chuyện nhỏ làng quê.

Câu chuyện thứ nhất: Chuyện ông Đấu bó lúa.

Ở quê tôi, người làm thuê trong ngày mùa được chủ điền trả công một ngày gặt thuê là một bó lúa. Đồng xa như Phúc Trèn, La Nghìn cách làng gần chục cây số còn đồng gần thì như Bàu Lác, bàu Ông Phe thì chỉ cách làng chừng nửa cây số. Cuối ngày, người gặt thuê được cõng một bó lúa trên lưng về nhà. vì vậy đám thợ gặt phải nhờ đến ông Đấu – một tay thợ bó lúa cừ khôi – cả làng ai cũng biết tiếng. Bó lúa là một nghệ thuật. Sợi lạt dùng chỉ dài đúng 2 thước 2 ta không hơn, không kém. Hai đầu sợi lạt chỉ có khoảng một phân tây ngoắc vào nhau.
Mặt trời lên chừng hai con sào thì người thợ gặt mới chọn những bông lúa mẩy hạt rải phơi lên giường ruộng (bờ thửa) để chiều về cuống rơm héo đi, khi bó sẽ được nhiều lúa. Mạ tôi cũng đi gặt thuê, có hôm gặt xa tận đồng La Nghìn. Bó lúa nhờ ông Đấu bó quá nặng so với sức vóc của một thiếu phụ nên đi được một đoạn, tới dưới dốc Cơn Thang thì Mạ tôi bỏ bó lúa xuống chia ra làm hai rồi dùng đòn xóc quảy về nhà.
Có một chuyện vừa buồn lại vừa vui về bó lúa gặt thuê của ông Đấu. Bó lúa gặt thuê của ông Đấu đem về nhà, ông không để ngoài sân mà mang vào nhà, gian cạnh ban thờ, (quê tôi gọi là giường thờ). Đêm đến, không khí mát lạnh làm cho các cuống rơm nở ra, sợi lạt không chịu nổi nữa nên lạt bị tung ra và bó lúa nổ như một quả bom, lúa bay làm đổ ban thờ??? Trong Hồi ký của Trần Đức Long cũng có đề cập đến câu chuyện này.

Câu chuyện thứ hai. Học sinh cấp II tham gia chỉnh huấn

Đó là vào thời gian cuối năm 1953, khi đất nước bước vào thời kỳ giảm tô, giảm tức, chưa phải là thời kỳ cải cách ruộng đất. Đó là thời kỳ mà trong quân đội có “Rèn cán chỉnh quân”, trong dân sự thì có “Rèn cán chỉnh cơ”. Còn học sinh thì có đợt “Học tập để phục vụ nhân dân”, cũng là một loại hình chỉnh huấn.
Tôi còn nhớ rõ địa điểm lên lớp cho học sinh cấp II chúng tôi là ngoài sân nhà Mụ Mới bên xóm Mộ. Người truyền đạt nội dung là một cán bộ cấp tỉnh. Tài liệu là những bài giảng trên lớp, học sinh chúng tôi phải tập trung nghe, g hi chép và lĩnh hội cho thấu triệt một cách nghiêm túc. Tôi còn nhớ những khẩu hiệu như: Học tập để phục vụ nhân dân! Đào sâu suy nghĩ, thành khẩn bộc lộ sai lầm! Đến gần cuối khóa là phần viết thu hoạch. Thu hoạch kết quả của đợt học tập. Học viên chúng tôi được cho ở riêng trong một cái chòi tạm, lợp bằng lá sim, cả trên mái lẫn bao quanh, chỉ có một lối vào duy nhất, không có cửa, có một cái bàn ghép tạm bằng những thanh tre và cái ghế cũng ghép bằng tre. Ngồi trong chòi đó mà phản tỉnh, kiểm lại xem mình thời gian qua đã có những việc làm hoặc trong tư tưởng có gì sai lầm. Có ước mơ viễn vông sau này có vợ đẹp, con khôn, ôtô, nhà lầu hay không? Thậm chí, từ trong ý nghĩ có khi nào thấy kháng chiến gian khổ mà có ý định “dinh tê” không? Tôi còn nhớ một kỷ niệm. Không hiểu có trò nào đó nghịch ngợm khi ngồi trong chòi quá khuya nên đã giả làm tiếng gà gáy làm cho những chú gà trống xung quanh ồn ả gáy theo. Sáng hôm sau, Ban lãnh đạo học tập và thầy hiệu trưởng Đặng Bá Đệ đã nghiêm khắc cảnh cáo dưới cờ cả tổ học sinh Thượng Phước.
Sau đợt học tập này, học sinh chúng tôi được bố trí làm công tác thuế nông nghiệp và tham gia “đấu” mấy “vị nhà giàu” trong xã.

Câu chuyện thứ ba. Nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng.

Ông ngoại tôi là một nhà nho uyên thâm. Có lần chúng tôi được nghe Ông ngoại nói câu: nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng. Trong bốn con vật khổng lồ đó thì nhất điểu (chim) là loài động vật lớn nhất. Ông kể: có một lần, trời đang yên hàn, nắng soi rực rỡ, bỗng nghe tiếng gió rít và trời thì tối sầm lại, cây cối trong nương nghiêng ngả. Vài phút trôi qua, nhìn lên trời thì thấy một con chim bay từ rừng bay ra biển. Ông nói rằng trong dân gian có câu hát ru em: Con chim đại bàng bay qua hòn Núi Bạc/Con cá ngư ông nó móng nước ngoài khơi… Có thể đây là con chim mà Tiểu đoàn Lê Dương của Pháp về qua Madagascar (cũng là thuộc địa của Pháp) thì có một con chim rất to cứ bay theo đoàn tàu. Người chỉ huy cho lính lấy một cái mỏ neo nhỏ làm lưỡi câu, mắc vào đó một tảng thịt ngựa to, thả xuống biển. Vừa mới thả xuống thì con chim đó sà xuống đớp ngay cục thịt và nuốt vào họng, mang theo cả cái dây cáp bằng thép. Tàu tăng tốc độ, kéo theo con chim là là trên mặt biển. Đi khoảng hơn ba hải lý thì chim đuối. Tàu chạy chậm lại và đề phòng chim có thể còn sống nên chỉ huy đã cho xả súng bắn chết. Thịt con chim này cung cấp thực phẩm cho cả tiểu đoàn. Về tới Đông Dương mà vẫn còn một ít đem biếu cấp trên.
Điểu đây còn có thể là con chim mà Tiểu đoàn Lê dương của Pháp đi đánh hụt phát xít Hitler trở về qua Madagascar đã câu được chăng?

Nhì ngư (cá). Trong câu hát ru trên: Con cá ngư ông nó móng nước ngoài khơi, gồm cả điểu và ngư. Con cá ngư ông chính là con cá voi mà năm nào, cứ tới mùa rét thì có con cá này trôi vào bờ biển nước ta. Dân vùng ven biển thường tổ chức mai táng cá voi rất trọng thể. Có nhiều làng lập hẳn nhà thờ để thờ Ông Nam Hải, tức Cá voi.
Vừa qua, tại bờ biển Nghệ An, làng Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu có con cá voi dài 13 mét, nặng 15 tấn vào bờ, mắc cạn. Dân làng phải huy động 3 xe xúc đào rãnh lấy nước và hàng trăm người tham gia xô đẩy cá voi trở về biển. Ở Canada lại có nghề săn bắt cá voi để lấy thịt, có con nặng trên 20 tấn.
Cá voi thuộc giới Động vật, ngành Chordata, lớp Mammalia, phân lớp Eutheria, Bộ Cá voi, chúng thuộc về phân bộ Odontoceti (cá voi có răng). Phân bộ này cũng bao gồm siêu họ cá nhà táng, cá hổ kình, cá voi hoa tiêu, và cá voi trắng. Phân bộ cá voi khác bao gồm Mysticeti. Phân bộ này cũng bao gồm cá voi xanh, cá voi lưng gù, the bowhead whale và minke whale. Cá voi xanh, cá voi vây, cá voi xám, cá voi trắng, cá hổ kình.
Năm 1954, tôi tập kết ra Bắc. Lính bộ đội địa phương Quảng Trị và Thừa Thiên hành quân bộ. Đến làng Cảnh Dương, thì nghỉ đêm. Ban chỉ huy cho chiến sĩ vào thăm lăng Ông Cá voi. Làng Cảnh Dương vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn hai bộ xương cá voi tại đình làng. Bộ xương chứa chật một gian nhà. Mảnh xương sườn dài đến 2m, còn đốt xương sống to bằng cái mâm nhôm.
 Bài hát chèo cạn hát trong lễ tế đức Ông của làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch - Quảng Bình) có những câu:

                       Nay mừng mở hội Cầu Xuân.
                        Trời sinh Thánh thượng Duy Tân trị vì.
                        Trời yên, biển lặng bốn bề,
                        Đức Ông thượng thọ nước về cõi tiên.
                        Lênh đênh mặt nước bao miền.
                        Tìm nơi đất tốt, dân hiền ghé vô.
                        Xuân sang lai láng biển hồ.
                        Ngư dân trông thấy rước vô lạch nhà.
                        Tưng bừng nổi trống, kết hoa.
                        Nghe tin làng nước gần xa đón mừng.

Tam xà (rắn). Tôi còn nhớ trận lụt năm Thìn 1952. Núi rừng Trường Sơn sạt lở rất nhiều. Có nhiều bản sụt hẳn xuống sông, mang theo cây cối, nhà cửa, trâu bò và các loài động vật khác…Trôi trên sông Hương có một con rắn to. To như thế nào thì bây giờ khó cân đong đo đếm được. Chỉ biết rằng khi trôi về đến cầu Bạch Hổ thì đám cây rừng bị mắc kẹt, không trôi qua được mấy trụ cầu. Người dân phát hiện trong đám lá rừng đó có một con rắn khổng lồ. Được tin, tên quan hai chỉ huy đồn Kim Long cho bố trí mấy khẩu đại liên cả hai bờ bắc và bờ nam, rồi cho xả súng vào chỗ có con rắn. Chuyện có thật hay không thì tôi không được biết tường tận mà chỉ nghe thiên hạ đồn thổi mà thôi.
Nhưng chuyện rắn to (mãng xà vương) thì miệt rừng U Minh có rất nhiều. Trừ những chuyện vui Bác Ba Phi kể, không mấy đáng tin thì vẫn có những con rắn thật mà người dân đã từng chứng kiến. Bác Ba Phi - một kỳ lão xứ U Minh vốn nổi tiếng về tài nói khoác, có đoạn viết: “Hồi xưa trong rừng U Minh Hạ có những con rắn hổ mây khổng lồ không biết sống từ thời nào, chỉ biết khi nó say mồi nằm ngủ trong rừng, mấy ông thợ săn len lén tới ôm thử thì chu vi vòng bụng hết ba vòng tay người lớn. Con rắn giật mình thức dậy, đầu cất cao khỏi ngọn cây rừng, há miệng toang hoác khiến chim chóc tưởng thân cây nên đậu trên đầu và làm tổ trong miệng, bị nuốt chửng”.
Những bậc cao niên ở U Minh Hạ cam đoan rằng nơi đây chính là vương quốc bất khả xâm phạm của loài rắn hổ mây khổng lồ, loài vật được tôn là "mãng xà vương" của rừng U Minh đã truyền tụng qua hàng trăm năm. Những người từng gắn bó lâu năm dưới tán rừng tràm U Minh Hạ cũng quả quyết rằng nếu trừ đi những phần thêm mắm dặm muối của bác Ba Phi thì câu chuyện về những con rắn hổ mây khổng lồ của rừng U Minh là hoàn toàn có thật.

Tứ tượng (voi). Từ trước tới nay dân ta vốn coi voi là con vật to nhất. Đồng bào thượng du, phần lớn ở mạn rừng Trường Sơn, đã biết săn bắt, dụ dỗ, thuần dưỡng voi rừng. Voi được coi là người bạn thân thiết của con người, giúp con người kéo gỗ từ rừng sâu ra bãi trống. Ở Trung Hoa lại có chuyện vua Thuấn cày bằng voi (theo câu Phá đề “Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi”, bài Từ Thứ quy Tào của Tôn Thọ Tường).    
Vào cuối thời nhà Nguyễn, triều Bảo Đại là ông vua thích đi săn nhất. Bảo Đại cho làm những con đường riêng để đi săn. Ở Quảng Trị có con đường mang tên Vĩnh Thụy chạy song song với Quốc lộ 9, từ ngả ba Lai Phước Quốc lộ 1A lên Cùa – nơi có căn cứ Tân Sở - của vua Hàm Nghi phát Chiếu Cần vương. Ở Đà Lạt có con đường vành đai vòng quanh xứ sở sương mù chỉ để giành riêng cho Bảo Đại đi săn.
Voi Việt Nam cũng giống như Voi châu Á, cặp ngà voi dài. Thân cũng không lớn bằng các loài voi châu Phi, ăn các loài thực vật chủ yếu trái cây, thân các cây mềm như cây chuối, mía v v…
Voi đồng cỏ châu Phi hoặc còn gọi là Voi bụi rậm châu Phi, Voi xavan (Loxodonta africana) là một trong hai loài trong Chi Voi châu Phi (Loxodonta) cùng với Voi rừng châu Phi (Loxodonta cyclotis). Đây là loài lớn nhất còn sống của Bộ Có vòi (Probosidea) và là loài động vật lớn nhất trên mặt đất ngày nay. Một dạng đặc thù của loài này là những con voi sa mạc sống trong các vùng sa mạc khô cằn. Những con voi đực to lớn có thể có khối lượng cơ thể lên tới 7,5 tấn và cao trên 4 m. Những con voi cái nhỏ nhất thì chỉ cao 2,7 m và nặng 3 tấn. Nhìn chung với tầm vóc khổng lồ của mình, trên thảo nguyên châu Phi hầu như voi rừng không bị động vật nào gây hấn, kể cả những mãnh thú săn mồi, tuy nhiên voi rừng cũng dễ bị đàn sư tử giết chết nếu đi lạc vào lãnh địa của sư tử.
Voi đồng cỏ châu Phi có tai to nhất trong các loài voi. Vòi của chúng có 2 ngón tay chứ không phải 1 như ở Voi châu Á (Elephas maximus). Ngà Voi đồng cỏ châu Phi dài tới 3 m và nặng khoảng 15–20 kg. Cả voi đực và voi cái đều có ngà. Chúng có bốn cái răng hàm lớn, mỗi hàm có hai cái, mỗi cái có đường kính 10 cm và dài 30 cm.
Người dân Tây Nguyên khi vào mùa đều tổ chức các lễ hội đua voi, để vào mùa mới. Các dân tộc M'Nông, Êđê, Gia Rai. Lễ hội đua voi ngày nay cũng còn lại tổ chức khá ít, vì nhiều nguyên nhân như: Không gian vui chơi, lượng voi ít, quản tượng chạy theo thị trường. Thợ săn voi không có nghề, các chàng trai săn voi Buôn Đôn giờ ngồi trên lưng voi bị xích, chỉ huy nó đi một trăm mét tới, quay lại, đi một trăm mét về chỗ cũ.
Vua voi Ama Kông chuyển sang bán thuốc "hạnh phúc gia đình" và thu tiền người chụp ảnh mình và chụp ảnh với mình
Bản Đôn được xem là nơi vương quốc loài voi ở tỉnh Đắk Lắk là nơi có đàn voi rừng và voi nhà nhiều nhất Việt Nam với số lượng khoảng 80 - 110 con voi rừng và 61 con voi nhà. Đàn voi rừng và voi nhà đang ngày càng giảm sút số lượng và đứng trước nguy cơ chỉ còn trong huyền thoại.
Tỉnh Đắk Lắk có đề án thành lập một trung tâm bảo tồn voi với quy mô 200 ha tại Vườn quốc gia Yok Đôn.
(Bên bờ Phước Long Giang, ngày cơn bão số 14 vào tàn phá Khánh Hòa và Ninh Thuận. Ngày 19/11/2017).

                                                                        Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét