Trang

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

170.Dòng sông của tuổi thơ tôi.


3.Dòng sông của tuổi thơ tôi.

Tôi xin dừng lại phút chốc để nói về dòng sông của tuổi ấu thơ của tôi. Sông Thạch Hãn còn có một tên khác là Nguồn Hàn với câu ca dao:

     “Không thơm, cũng thể hương đàn
        Không trong cũng nước Nguồn Hàn chảy ra”

                Ở Quảng Trị, tên Thạch Hãn còn đặt cho một làng quê và gọi theo dân dã là làng Đá Hàn, làng Thạch Hãn nằm trên đoạn đường sắt chạy qua thị xã Quảng Trị. Chữ Hàn cũng có nghĩa là cản lại. Sông Thạch Hãn là dòng sông dài nhất của tỉnh, nước trong vắt bốn mùa. Vì chảy qua rất nhiều lèn đá, núi đá. Chả thế mà cụ Tam Nguyên Yên Đỗ khi đi qua sông đã để lại:

     “Tây Phong hà xứ xuy trần khởi
                    Bất trợ niên tiền triệt để thanh”
                 Dịch thơ: 
                  “Gió Tây đâu cuốn bụi dồn
                   Nước trong thấu đáy nay còn nữa đâu”

           Thi sĩ xứ Huế Khiêm Trai, tức Tương An Công Miên Bửu, trong bài thơ “Dạ túc Quảng Trị tân thứ” (Đêm nghỉ tại bến sông Quảng Trị) thì xúc cảm :

                 “Danh cao lan xạ Kim Lung tưủ
                   Sắc tự thanh trừng Thạch Hãn than…”
                     Dịch thơ: 
          Chén rượu Kim Long hương ngát đậm
          Bãi sông Thạch Hãn nước trong veo…”
              Ngoài rào, vùng quê tôi không gọi sông Thạch Hãn Hãnmà nói là rào Thạch Hãn. Rào có nghĩa như con sông (tiếng Pháp phân biệt danh từ chỉ sông lớn như sông Hồng Hà là fleuve, còn sông nhỏ như sông Thạch Hãn là rivière, nếu là sông con, ngòi, lạch thì là rivièrète). Nơi bến Phường Sãi có một cái hà (giống như một cái lạch nước lấn vào bờ), chỗ nước sâu nhất chừng quá ngực người lớn một chút.
              Bọn trẻ thường xuống tắm ở đó. Hà có rất nhiều cá mương. Chúng không sợ người mà còn xông vào rỉa ráy. Dọc theo cái hà này, dài chừng ba bốn trăm mét, cậu Diêu Xoan thường hay đổ bổi khi mùa lũ về. Cậu đặt khoảng 20 bó bổi loại lớn phải 2 người đổ, Còn loại nhỏ, chỉ cần một người thì bó bổi nhỏ và cái rổ cũng nhỏ. Bổi được làm bằng những cành lá duối, nếu thiếu thì có thể bó thêm ít cành sim, cành nè hóp không gai và nhiều loại cây có cành khác, có chiều dài khoảng trên một mét, được bó thành từng bó, có dây buộc vào cái cọc trên bờ để nước không cuốn trôi. Tôm cá chui vào nấp hoặc tìm mồi trong đó. Người đổ bổi dùng một cái rổ sảo, đường kính to bằng cái nống phơi lúa. Cứ mỗi buổi sáng cậu Diêu và anh Vọng nhẹ nhàng lội xuống nước, nhẹ nhàng chúi cái rổ sảo ấy xuống bụng bó bổi rồi từ từ nâng lên. Cá rô, cá giếc, tôm và nhiều loài thủy sản khác, có khi được cả chạch lấu, cá hanh hoặc con hôn (một loại ba ba). Đổ hết những bó bổi thu hoạch cũng được vài ba ký lô, đủ cải thiện bữa ăn gia đình và người làm trong ngày.
  Đoạn sông này có lợi thế là có bậc lên xuống, không như những đoạn bãi bồi toàn cát. Con sông nào cũng có một bên lở thì bên kia là bồi. Vậy nên cứ đến mùa lụt Mạ tôi thường ngồi gần như sáng đêm để vợt tép. Để chuẩn bị cho việc vợt tép, trước đó những ngày hè Mạ đã vào rú chặt những cây sặt, một loại họ sậy, đem về phơi khô, bó thành từng bó nhỏ có đường kính khoảng một tấc tây để dùng làm đuốc đốt vợt tép. Khi nước lũ tràn về thì đêm đến Mạ mang một cái thúng, một cái vợt tự chế bằng vải mùng và thanh tre vót nhẵn bẻ cong lại, giống y như cái vợt cầu lông hiện nay, mấy bó đuốc. Hồi đó chưa có đập thủy lợi, thủy điện nên nước lụt dù có lên nhanh nhưng rút cũng nhanh, mà nó còn không hung hãn như bây giớ cho nên bọn trẻ rất thích có lụt để được đi vớt củi rều và đi bắt cá rô đẻ.  Trời tối, đuốc đốt lên không cháy thành lửa ngọn mà chỉ đỏ lửa than. Những bầy tép đi thành đàn cặp mép sông, bơi ngược dòng. Nước chảy xuôi nhưng tôm tép thì bơi ngược. Ngồi sáng đêm Mạ tôi xúc được bộn tép, có khi được cả thúng. Ngoài số tép dùng cho các bữa ăn,số còn lại Mạ tôi muối làm mắm để ăn dần. Dì Mão đã bắc sẵn lên bếp một nồi cháo gạo ít khoai nhiều. Dì xuống bến đến chỗ Mạ đang xúc tép và lấy một mớ tép. Dì vợt những con tép đang nhảy tưng tưng trên mặt thúng cho vào thúng nhỏ đem lên, chỉ dội lại một lần nước và cho vào nồi cháo, chỉ cần nêm thêm vài muỗng muối là có món cháo rất ngọt ngon. Tôi múc một đọi to mang xuống bến cho Mạ. Nhìn Mạ sùm sụp trong chiếc áo tơi rách với cái nón mê trên đầu mải mê vợt tép để nuôi đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn, trong khi Ba tôi còn đi chiến đấu bảo vệ quê hương. Tôi thấy thương Mạ vô ngần!
Trừ những khi có lụt, còn lại là những đêm trời trong, Mạ thường đi soi cá. Soi cá cũng dùng đuốc bằng cây sậy hoặc cây hóp chẻ nhỏ, phơi khô bó thành từng bó bằng cái cột nhà tre, dài chừng 2 mét. Tối đến đuốc được đốt ở bến nước, rồi lội xuống dọc mép sông, một tay giữ cây đuốc trên vai, một tay cầm cái nơm, khi thấy cá đóng đèn, tức là đóng ánh sáng đuốc. Chúng đứng im một chỗ thì dùng nơm úp lên con cá, bó đuốc tạm thời bỏ lên bờ, thò tay vào nơm bắt cá, thường là loại cá chép, cá trôi, cá mè…có con nặng cả ký lô. Khi không dùng nơm thì dùng dao thái chuối, thấy cá đóng đèn thì lấy dao chém. Có con bị chém dứt làm đôi. Soi cá còn có một dụng cụ khác. Đó là chiếc rập. Rập có 2 cọng chéo giống như chiếc vó nhưng nhỏ hơn để người đi soi có thể cầm. Một tấm lưới mành chuông vuông một mét, (nếu không có thì dùng vải mùng) mắc vào 4 đầu cọng rập. Thấy cá đóng đèn thì chụp rập xuống bắt. Đi soi cá thường đi vào đầu hôm, cháy hết hai cây đuốc thì về nhà. Số cá thu được cũng kha khá, chừng vài ba ký, đủ dùng cho vài ngày.
Trong thời 9 năm, Dì Mão sang ở với Mạ tôi. Dì là con gái cả của ông Thợ Trì. Ông làm nghề thợ may tay, may rất khéo nên có nhiều khách hàng. Ông cũng là người làm vè nổi tiếng cả tổng An Đôn, chủ yếu là vè đả kích, châm biếm. Vì nhà quá nghèo nên ông thợ phải cho người con trai tên là Nguyễn Văn Loan,em Dì đi ở chăn trâu cho cậu Diêu Xoan của tôi.Còn Dì thì được Mạ tôi cưu mang trong những năm đầu chống Pháp cực kỳ khó khăn. Có lần Dì đang lúi húi xúc cá bống thì bọn giặc Pháp lên lùng bên làng Như Lệ. Chúng trông thấy Dì và xả súng bắn. Dì bị chúng bắn bị thương ở đùi. Hồi đó không có thuốc kháng sinh nên chỉ rửa vết thương bằng lá cây rừng. Nhưng rồi cũng qua khỏi. Một thời gian sau, Dì Mão được Dượng Lê Văn Tôn cưới làm vợ. Và họ sinh được sáu người con ba trai và ba gái. Người con trai thứ hai Lê Văn Quyền đi bộ đội và hy sinh tại chiến trường Bình Trị Thiên, được truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Hai người con trai của Dì là Lê Văn Cận và Lê Văn Kỳ cùng người con gái thứ ba Lê Thị Hoàng hiện sinh sống tại quê nhà.Sau giải phóng miền Nam, hai người con của Dì (Hoàng và Cận), được chính quyền cấp đất làm nhà ngay trên bức nương của Mạ tôi. Người con gái út Lê Thị Gái lấy chồng xa, thỉnh thoảng có về làng.
Dọc theo bờ sông, thỉnh thoảng bọn trẻ chúng tôi đào thấy những ổ trứng hôn (con ba ba), có ổ có đến hơn hai chục trứng, nhưng không hiểu vì sao hồi đó, người dân không ăn trứng hôn và trứng rùa?  
Muốn qua rào chính thì phải qua hà rồi qua một cồn cát. Cồn cát này, trong những năm đánh Pháp, theo lời kêu gọi “Tăng gia sản xuất” đã tận dụng để trồng khoai lang. Sau ba tháng thì nhổ lên, củ chỉ to bằng ngón chân cái người lớn, nhưng rất nhiều củ và ăn rất ngon, thơm và bùi. Tắm ở ngoài dòng chính rất nguy hiểm vì nước chảy xiết. Đã có lần tôi suýt bị chết đuối do nước cuốn, may mà tôi kịp thời bơi ngửa, chân đạp mấy cái mới vào được chỗ nông.
 Giữa rào, trên cao thường có mấy chú diều hâu. Chúng bay lượn rất mềm mại, sà đôi cánh như múa trong không trung. Nhưng đôi mắt thì rất tinh. Từ trên cao, chim diều hâu nhìn thấu đáy sông. Và khi đã phát hiện được cá thì chúng lao mình xuống nước như một mũi tên và hai chân của chúng quắp một con cá to. Diều đáp xuống giữa cồn cát ăn con cá ngon lành.
                                                         
           Theo Công báo của Văn phòng Chính phủ số 173 + 174 xuất bản ngày 1/2/2007 trên bản đồ tỉnh Quảng Trị thì sông Thạch Hãn bắt đầu từ động A Pong, Co Ka Va ở phía đông dãy Trường Sơn, gần biên giới Việt Lào, thuộc huyện A Lưới, tỉnh ThừaThiên - Huế chảy ra. Sông chảy qua các xã A Ngo, Tà Rụt, Húc Nghì,Ta Long…nhận thêm nước từ các khe suối, khi tới dưới chân đèo Khe Sanh, bị đèo chặn lại cho nên chảy vào sông Rào Quán xã Đakrông để xuôi về Ba Lòng, chiến khu nổi tiếng thời chống Pháp. Dân Kinh gọi sông này là sông Thạch Hãn. Đồng bào dân tộc it người thì gọi là sông Đakrông. Con sông này phía thượng lưu rất nhiều đá. Đá hai bên bờ, đá giữa dòng và đã dưới đáy sông. Nhiều tên đất ven sông mang tên đá: Đá Nổi, Đá Vững (TrinhThạch), Nhà Đá (Thạch Xá), Đá Đứng, Như Lệ (nước mắt của đá). Nơi Đá Đứng, sau giải phóng 1975 đã xây dựng công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, còn gọi là Đập Trấm. Công trình này có cái lợi là đủ nước tiêu cho hai huyện lúa Triệu Phong, Hải Lăng nhưng cũng để lại hậu quả xấu: nước mặn xâm thực lên quá làng An Đôn.Truớc đây không có tình trạng nước đứng, không lưu thông. Giờ đây thì rong rêu mọc đầy sông?!  “Nước trong thấu đáy nay còn đâu?”(Thơ Nguyễn Khuyến).
            Đập Trấm – công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn – nơi nhà thơ Võ Nguyện đã làm bài thơ Trăng Đập Trấm, ca ngợi sự hi sinh cống hiến của Thanh niên xung phong, khi nhà thơ làm Đại đội phó Đội Dân công huyện Hương Trà ra giúp Quảng Trị làm thủy lợi. Sau này Võ Nguyện rời cố đô Huế vào Đồng Nai làm ăn sinh sống và sinh hoạt cùng tôi ở Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh. Võ Nguyện là nhà thơ châm biếm nổi tiếng với bài Hội Văn Nai Đồng ngâm khúc, nhại theo tác phẩm Cung oán ngâm khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm với bút danh khá hiện đại là Tú Thịt Hộp. Bây giờ thì Võ Nguyện đã đi về cõi vĩnh hằng với các danh sĩ Tú Xương, Tú Mỡ…rồi, để lại cho đời cái blog Văn Biên Hòa đậm chất trào lộng.(Võ Nguyện mất ngày 7 tháng 12 năm 2013), hưởng dương 59 tuổi.Tôi coi Võ Nguyện như người em, là người bạn vong niên rất đáng khâm phục.
           Người Quảng Trị đã ghép tên Non Mai Sông Hãn vào với nhau để nhớ về một dòng sông mang ý nghĩa non sông đất nước để mà thương, mà tự hào. Ở Việt Nam ta có nhiều địa danh được mang tên theo cặp phạm trù Non và Sông, cũng từ hai chữ Giang Sơn mà thành. Như ở Hà Nội thì có Núi Nùng sông Nhĩ, ở Huế thì có Sông Hương núi Ngự…Thế kỷ trước, khi Thành Cổ Quảng Trị biến thành biển lửa, với 81 ngày đêm khốc liệt, nhà thơ Lê Bá Dương đã viết:
                        “Đò lên Thạch Hãn ơi…chèo nhẹ
                         Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
                          Có tuổi hai mươi thành sóng nước
                         Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”

            Và dòng sông linh thiêng ấy, khúc sông chảy qua Thành Cổ đã trở thành biểu tượng anh hùng của một thời Máu và Hoa.
            Phía bắc cầu Thạch Hãn, nơi có tượng đài 20 giọt máu hồng tươi của 20 chiến sĩ trung đội Mai Quốc Ca đã anh dũng hy sinh. Còn đó cái làng Nhan Biều mà trong thư gửi bố mẹ của Lê Văn Huỳnh để đi vào lòng đất, “khám phá” ra cái chết bất tử của những người con mãi mãi tuổi hai mươi. Cụ Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy, người làng Nhan Biều (1890 – 1970) đã có bài thơ:
                    “Ngọn bút thiên công khéo vẽ vời
                      Bức tranh tuyệt diệu đãi người chơi
                      Gió Âu, mưa Á tuy dồn dập
                     Nguồn Hãn Non Mai chẳng đổi dời…”
(Còn tiếp)

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

169. Tết Đoan Ngọ, nhớ Khuất Nguyên

Tết Đoan Ngọ, nhớ Khuất Nguyên
 Thói đời, “hồng nhan  bạc mệnh, anh hùng đa truân”. Khuất Nguyên, trước hết là một nhà thơ có tài, được liệt vào hạng thi bá. Trên hoạn lộ,Khuất Nguyên cũng ở vào hàng “tam lư đại phu”. Nhưng cuối cùng phải tự trầm mình trên dòng sông Mịch La. Không những nhân dân Trung Hoa thướng tiếc mà nhân loại cũng vô cùng ngưỡng mộ và tiếc thương!. Nhân Tết Đoan ngọ Bính Thân , tôi đăng bài này để tưởng nhớ Khuất Nguyên.


                                                                                                         



“ Cử thế giai trọc ngã độc thanh
Chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh”…
Nghĩa:
 “Mọi người đều say mình ta tỉnh
  Khắp đời đều đục mình ta trong”…
Đó là hai câu trích trong bài thơ Ngư phủ nổi tiếng của Khuất Nguyên. Khuất Nguyên sống vào nửa sau thời Chiến quốc (310-278TCN). Ông tên Bình, biệt hiệu Linh Quân. Tổ quốc ông là nước Sở vốn rất hùng mạnh nhưng đang bước vào thời kỳ suy thoái. Ông đã được Sở Hoài Vương tin dùng và phong chức Tam lư đại phu, sau phong chức Tả đồ ( chức quan gần gũi vua). Các chủ trương cải cách của ông dù rất tiến bộ nhưng mâu thuẫn với quyền lợi của các đại thần trong triều như bọn Thượng quan đại phu Cầm Thương, Lệnh doãn Tử ban, Tư mã Tử tiêu và Nam hậu của Hoài Vương Trịnh Tụ …lập mưu gièm pha Khuất Nguyên rất hiểm độc. Hoài Vương ngu muội và bất lực dần dần xa lánh ông, thậm chí bắt ông đi đày. Trải hơn hai mươi năm phiêu bạt, Khuất Nguyên một mực trung thành với lý tưởng của mình, không hề khoan nhượng, thỏa hiệp với tập đoàn thống trị hủ bại và cũng không bao giờ xa rời Tổ quốc thân yêu của ông. Ngược lại ông luôn luôn quan tâm đến cuộc sống và nổi khổ nhục và nguyện vọng của nhân dân.
Cuối cùng, ông lấy cái chết để giữ trọn tấm lòng. Ông tự trẫm mình ở sông Mịch La thuộc sông Tương vào ngày mùng 5 tháng 5 (âm lịch). Và từ đó đến nay, trải qua mấy nghìn năm rồi Ngày mùng 5 tháng 5 trở thành Ngày Giỗ tiết của nhiều dân tộc chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa làm Ngày Tết Đoan Ngọ Còn gọi là Tết Đoan Dương.
Bài Ngư phủ ông sáng tác trước khi trẫm mình ít ngày
Ông là nhà thơ đầu tiên của Trung quốc, để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó có bài Ly Tao nổi tiếng
Đại thi hào Nguyễn Du của chúng ta hai lần đi sứ Trung quoc đều đến sông Mịch La viếng Khuất Nguyên và Nguyễn Du cũng đã làm đến 5 bài thơ ca tụng và vịnh Khuất Nguyên.
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bản dịch Bài thơ Ngư Phủ của nhà thơ Đào Duy Anh
NGƯ PHỦ
Khuất Nguyên bị đuổi
Dạo trên bờ đầm
Vừa đi vừa ngâm
Vẻ mặt tiều tụy
Dáng người gầy còm
Ông chài trông thấy liền ướm hỏi:
Tam Lư đại phu đấy phải không ?
Vì sao mà đến nông nổi ấy ?
Khuất Nguyên bèn đáp lại ung dung :
Mọi người đều say mình ta tỉnh
Khắp đời đều đục mình ta trong
Vì thế mà bị đuổi
Ông chài nói:
Thánh nhân không câu nệ
Theo đời mà biến thông
Mọi người đều say
Sao không uống tràn cho ngây ngất
Khắp đời đều đục
Sao không theo dòng mà sục ngầu lên
Lại cứ nghĩ sâu làm cao để đến nỗi bị đuổi nào!
Khuất Nguyên nói:
Ta nghe
Người mới gội thì phải phủi khăn
Người mới tắm thì rũ áo
Ai lại đem tấm thân trong vắt
Mà nhuốm lấy nhơ nhớp của vật
Thà nhảy xuống dòng sông Tương
Chôn trong bụng thuồng luồng
Sao lại đem cái tiết sáng ngời
Mà vùi vào bụi bặm của đời?
 Ông chài tủm tỉm cười
Chèo thuyền mà đi
Hát vang sông:

Thì ta giặt khăn đầu
Nước Thương Lang đục a ?
 Thì ta rửa chân vào
Chèo thuyền đi thẳng
 Không nói thêm gì.
           (Theo Sở từ Khuất Nguyên- NXB Văn học- Hà Nội 1974)
(Bên bờ Phước Long Giang, một chiều mưa Tháng Tư năm Bính Thân)


Nhà thơ Xuân Bảo

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

168. Nhớ giọng hò o Quý

168. NHỚ GIỌNG HÒ O QUÝ.
Hồi ức của Xuân Bảo.
         
Một ngày cuối năm. Trong cuộc họp mặt bàn thành lập Ban Liên lạc đồng hương Quảng Trị ở Đồng Nai, o Tư người Vĩnh Linh, tuổi đã trên năm mươi, góp vui bằng một điệu hò mái nhì. Tiếng hò của o Tư làm tôi nhớ tới người con gái làng Thượng Phước – quê ngoại tôi – cách đây hơn nửa thế kỷ.
Làng Thượng Phước nằm ven con sông Thạch Hãn, quanh năm nước chảy hiền hòa. Chỉ có những ngày tiểu mãn, những ngày “tháng bảy nước nhảy lên bờ,” dòng sông mới đục ngầu phù sa, mang theo bao thứ từ tận tít nguồn Hàn, trên dãy Trường Sơn trôi về. Bọn trẻ chúng tôi thường đi cặp mé sông vớt củi rều, có khi vớ được cả những con heo rừng nhỏ, những con mang (mển) còn sống, đem về thui thui, đun dun, nấu nấu, cả xóm cùng vui.
Trước ngày vỡ mặt trận Trị Thiên - Huế, dòng Thạch Hãn man mác, dìu dặt bao nhiêu điệu hò thân thương trên những chiếc đò ngược xuôi bến Trấm và xa hơn nữa là Bơng, là Chả Cá, Đá Nổi, Đà Nầm, Thác Lo, Ngày đó và cho đến cả những năm đánh Tây, đường lên nguồn chủ yếu là đường sông. Cứ sau mỗi mùa thu hoạch, những chiếc nốốc to được chất đầy bắp, sắn chở về xuôi. Những tay thạo nghề sông nước và cũng rất giỏi giang trong các làn điệu hò mái đẩy, mái nhì. Cho đến khi xuất hiện bài thơ Cô lái đò của Lương An:
…Đò em lên xuống Ba Lòng
Chở người cán bộ qua vùng chiến khu…
Dòng Thạch Hãn như được thổi thêm luồng sinh khí mới. Đêm đêm, khi vừa lặn mặt trời, bến Trấm rộn rịp bước chân người cán bộ, anh bộ đội và cả người đi buôn, xuống đò lên chiến khu. Đò đi trong đêm, đi trong ánh trăng rừng bàng bạc. Hai bên bờ là những trái núi sừng sững. Và tiếng hò lại được cất lên, hòa vào sương, vào núi, vào trăng làm chộn rộn lòng người.
Thượng Phước trước sông, sau độộng. Ở giữa có cánh đồng Bàu Lác, Bàu Ông Phe, hai mùa lúa trĩu hạt sây bông. Trước Cách mạng tháng Tám, cứ tới mùa cày, mùa cấy, mùa gặt, thợ bạn từ Lâm Thủy, Câu Nhi, Trà Lộc…kéo nhau lên để mùa nào việc nấy. Cánh đồng làng tấp nập từng tốp, từng tốp áo dài vá vai khom lưng dưới nắng dãi, mưa dầu làm lụng. Và để quên đi cái mệt nhọc của công việc đồng áng, tiếng hò được cất lên giữa đất trời bao la, lan tỏa khắp thôn làng, thấm sâu vào lòng người.
 Mạ tôi cũng là một người hò rất hay. Ngày còn bé, tôi đã được nghe Mạ hò với rất nhiều làn điệu. Hò mái nhì, hay còn gọi là điệu hò sông nước. Đây là điệu hò khoan thai, theo nhịp mái chèo. Tôi thường nghe Mạ hò câu hò in đậm vào lòng người dân mất nước:
 “Chiều chiều trước bến Văn Lâu *
  ai ngồi ai câu
  ai sầu ai thảm
 ai thương ai cảm
 ai nhớ ai đợi ai trông.
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non”.
Nhưng tôi nhớ nhất là điệu hò Ru em:
 Ru em, em théc cho muồi
 Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu…
 Và những năm ở Hà Nội, tôi đã làm bài thơ  Gửi cánh chim xa để nhớ về mẹ, trong đó có những câu:
Về bên nôi cũ, đến con tìm
Lời mẹ ngày xưa ru con ngủ
Ầu ơi! Giấc ngủ nhẹ êm êm…
                                                ***
Tháng 2 năm 1947, giặc Pháp đổ bộ lên cửa biển Tư Hiền, rồi nống chiếm Quảng Trị. Thượng Phước cách thị xã Quảng Trị không đầy năm cây số rừng. Nhưng đây là vùng tự do. Bọn trẻ chúng tôi, đứa thì vào du kích, đứa đi bộ đội, đứa lên Ba Lòng, đứa ra Hà Tĩnh để học, tùy theo sức mình mà tham gia kháng chiến. Trong chi đoàn Thanh niên Cứu quốc thôn, có o Quý được trời phú cho một chất giọng tuyệt vời, hát đã hay mà hò lại càng hay hơn.
Nhưng đêm trăng sáng, chi đoàn tổ chức sinh hoạt giữa cánh đồng Bàu Lác, cố nhiên là phải vào mùa khô, mùa giáp Tết. Phần thứ hai, bao giờ cũng có tiết mục liên hoan văn nghệ. Tiếng hát, tiếng hò lại được cất lên một cách tự nhiên như con người cần hít thở khí trời vậy. Và không thể thiếu được giọng hò o Quý. O Quý hò, tập thể chúng tôi xô (xô là tiếng hò đệm xen vào để người hò hò tiếp câu sau). Có một tối, chi đoàn đang vui văn nghệ thì có mấy anh bộ đội đến chung vui. Quý biết đây là lính của Tỉnh đội bộ, có bí số là  C.210, thường về đóng quân ở xóm Mộ, làng Thượng Phước. Quý liền cất ngay tiếng hò:
Ai về nhắn với Hai trăm mười (210)
Mau lên Thượng Phước kẻo có người đợi trông.
          Trong nhóm bộ đội đó có anh Hà, người có dáng thư sinh, hò đáp:
          Nghe tên o Quý đã lâu
          Nay eng mới chộ muốn trao câu ân tình.
          Quý đỏ mặt xấu hổ. Không ngờ cái buổi giao duyên ban đầu ấy đã trở thành duyên nợ giữa hai người. Sau cái lụt năm Thìn (1952) họ làm lễ cưới.
***
          Trời chạng vạng tối. Càng gần Tết, trời Quảng Trị dường như lạnh hơn. Tổ hò địch vận có ba người. Hai tay súng và O Quý được lệnh chuẩn bị lên đường. Bốt Cầu Bàu Vịt nằm trên đoạn đường sắt và quốc lộ 1 chạy qua làng Nhan Biều, được chọn cho buổi hò hôm nay.
          Không biết từ ngàn xưa đến nay có cuộc chiến tranh nào trên trái đất này đã có chuyện đem điệu hò quê hương rót vào tai kẻ địch để khuyên chúng tỉnh ngộ, trở lại với cội nguồn dân tộc? Thế mà ở ta lại có chuyện đó. Đây có lẽ là một “binh chủng” hết sức độc đáo, hết sức đặc biệt. Nên chăng giành cho loại hình này một chỗ đứng trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.
          Vũ khí chính ra trận đêm nay của tổ hò là một cái loa tay. Loa làm bằng sắt tây, đầu nhỏ có gắn miếng tôn loe ra, vừa đủ cho người sử dụng ghé miệng vào nói hoặc hò, ở giữa có tay cầm và phần cuối loa rộng ra, đường kính vừa bằng cái đọi canh to. Viết đến đây, tôi lại nghĩ và lấy làm tiếc, giá như hồi đó có cái máy cát-xét, thi ta cứ hò vào đó, thu băng xong, đêm về đem đặt ở một chỗ xuôi gió, bấm máy, hò vào tai kẻ địch thì đỡ hy sinh biết mấy! Tổ hò địch vận chúng tôi có hai khẩu súng mà một khẩu là loại mút-cờ-tông từ thời đệ nhất thế chiến, mỗi lần bắn súng giật ê cả và một khẩu súng trường Nga dài lêu nghêu, bắn từng phát một, bốn trái lựu đạn, hai dao găm, hai cái cuốc nhỏ (thực ra đây là cái chét chuyên dùng làm cỏ lúa vãi), hai cái xẻng quân dụng của Pháp (chiến lợi phẩm của du kích Triệu Sơn giật bom giết bọn giặc đi càn ở đầu làng Thượng Phước). Những dụng cụ này dùng để đào hố vừa đủ cho mấy người ngồi để tránh đạn trong bốt bắn ra. Ngoài những thứ vũ khí ấy, họ còn thêm một thứ nữa mà kẻ thù không sao có được. Đó là ngọn lửa cách mạng hừng hực cháy trong những trái tim thanh xuân của họ. Kể cũng lạ, hồi đó chúng tôi đi vào cuộc thử lửa để giành lại độc lập cho Tổ quốc sao mà thanh thản, vô tư và nhiệt thành đến thế!
          Để bảo đảm cho tổ hò địch vận, ngay từ chiều lúc vừa chạng vạng, tổ cảnh giới, gồm có Dượng Phụ, tôi và Bùi Hữu Tưởng, đã đến trước vị trí để nắm tình hình, theo dõi xem bọn địch có rải quân phục kích xung quanh bốt hay không. Nhớ lại hôm đi hò đầu tiên, chính bọn địch cũng ngỡ ngàng phút chốc khi nghe tiếng hò cất lên. Nhưng đến lúc chúng nhận ra, trong những câu hò đó là lời kêu gọi của Việt Minh thì chúng bắn xối xả như vãi đạn. Cũng may là bên ta có sự chuẩn bị hầm hố chu đáo nên không hề hấn gì. Lúc đầu Quý cũng thấy sợ và giọng hò lạc đi trong tiếng vèo vèo đạn xé về phía mình. Mãi những lần hò sau rồi quen dần. Giặc bắn cứ bắn, ta hò cứ hò.
          O Quý buộc chặt lại chiếc khăn len quàng cổ. Giọng O lại cất lên:
-         Ơ hờ! Anh ơi, mau mau quay súng trở về
Đồng bào đang đợi, vợ ở quê đang chờ
-         Súng trong tay, anh bắn giặc Tây
Về đây cứu nước đêm ngày em mong.
          Một loạt đạn bay ra. Đèn pha quét loang loáng. Chờ im tiếng súng O Quý lại hò:
           -   Ơ hờ! Mau về với chính nghĩa anh ơi!
               Khỏi làm bia miệng cho đời cười chê.
          Lần này thì bọn giặc trong bốt không bắn ra nữa. Chúng còn gọi vọng ra: Hò nữa đi!
          Khi tiếng súng lặng im là lúc tiếng hò chiếm ngự trời đêm. Tiếng hò cao vút lên tận không trung. Các vì sao xao xuyến lung linh. Tiếng hò như những lời nhắn gửi của quê hương, làng mạc đối với những đứa con lầm đường lạc lối. Tiếng hò có sức bay xa, lan tỏa trong đêm đối với bà con trong vùng địch tạm chiếm, đem đến cho họ niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ. Tiếng hò như đọng lại trên từng nhánh lá, cành cây, ngọn cỏ và đi vào lòng người. Đã có nhiều anh lính ngụy vác súng quay về với kháng chiến, với quê hương.
                                                          ***
          Đêm nay, không biết là đêm thứ bao nhiêu Quý cùng đồng đội đi hò dịch vận. Lính trong những đồn bốt giặc đóng từ cầu ga Quảng Trị ra đến Đông Hà đều được nghe giọng hò da diết của Quý. Năm Con Rắn (Quý Tỵ) sắp đi qua và năm Con Ngựa (Giáp Ngọ - 1954) sắp về. Càng gần thắng lợi càng dày gian nan! Chiến trường Đông Dương như một lò lửa đã đến hồi sắp tàn. Bọn Pháp dồn quân tướng ra lòng chảo Điện Biên Phủ. Ở Quảng Trị, những cuộc càn quét, bắn phá của chúng thưa thớt hơn. Chúng đang co cụm và bên ta thì tăng cường những trận tập kích vào hệ thống phòng thủ của chúng, tích cực quấy rối địch, trong đó có một mũi: hò địch vận. Hò địch vận đã phát triển thành một phong trào rộng lớn, có bài bản. Bất kỳ nơi nào trên đất Quảng Trị có đồn bốt giặc là nơi đó có giọng hò địch vận được cất lên. Những bài (hay câu) hò được sáng tác và in thành những cuốn sách nhỏ do Ty Thông tin – Tuyên truyền tỉnh ấn hành. Tổ hò địch vận còn sử dụng cả những câu hò được đăng trên tờ báo Dân (cơ quan của Tỉnh Đảng bộ Quảng Trị), những bài hò đăng trên báo Cứu Quốc Liên khu 4. Cũng có khi sử dụng những bài hò của anh chị em trong chi đoàn sáng tác, mà phần lớn là của tôi.
Bốt Ái Tử đêm nay tăng cường thêm nhiều đèn pha. Ánh sáng ma quái của chúng liên tục quét đi quét lại, tưởng chừng một con chuột cũng không thoát được sự kiểm soát của chúng. Giặc đang lồng lộn điên cuồng của thời kỳ dãy chết. Tổ của O Quý được ém sau một động cát. Cái thứ cát mịn như nhung và trắng tựa bông đang ấp ủ những đứa con vì độc lập của Tổ quốc mà không quản ngại gian khổ, hy sinh. Gió lạnh nhè nhẹ thổi. Sắp Tết rồi, đất trời như có sự chuyển mình, giao thoa. Một cây mai vàng đơn độc bên hàng rào nhà ai đã ra hoa và tỏa ngát hương thơm man mác đến tận chỗ anh chị em đang nằm đợi đêm xuống để bắt đầu vào cuộc.
-         Ơ hờ! Mau về chính nghĩa anh ơi
Khỏi làm bia miệng cho đời cười chê
Mới chỉ có một câu hò vừa dứt thì từng loạt đạn liên thanh nhằm vào nơi có giọng hò bắn xối xả như mưa. Chúng còn dùng cả súng phóng lựu, cả đại liên bắn tới tấp. Chiếc loa tay thủng lỗ chỗ. Các tay súng bên ta nổ súng đáp lại và yêu cầu Tổ O Quý rút lui. Pháo sáng sáng rực một góc trời. O Quý bò ra được một đoạn, vào cái nơi trống trải mà một bên là đường sắt, một bên là đường số 1 thì một quả đạn pháo của địch nổ. Mảnh đạn quái ác của giặc đã cướp đi sinh mạng người con gái quê tôi đang độ tuổi thanh xuân, cướp đi của Quảng Trị một giọng hò mà nếu Quý còn sống thì có thể sánh cùng các nghệ sĩ Châu Loan, Hồng Lê sau này.
O Quý hy sinh để lại biết bao thương tiếc cho chi đoàn Thanh niên Cứu quốc, cho gia đình, họ mạc, xóm làng quê hương. Anh Hà chồng o Quý mải cho tới Hiệp định Genève được ký kết 3 tháng, mới được tin vợ hy sinh. Những năm tháng ác liệt đó anh theo Trung đoàn 95 đi khắp chiến trường Bình Trị Thiên, Hạ Lào. Và đầu năm 1954, anh có mặt ở chiến trường Điện Biên Phủ.
Đứng bờ bắc sông Hiền Lương, anh gửi theo gió lời cầu nguyện về linh hồn một người con gái Thượng Phước chưa từng được làm mẹ một ngày:
Sống anh hùng, chết vẻ vang.
Xuân Bảo
      (Viết lại có bổ sung-Bên bờ Phước Long Giang, ngày 8 tháng 8 năm 2020, sau tiết Lập Thu Canh Tý một ngày)
Nhà thơ Xuân Bảo