Trang

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

170.Dòng sông của tuổi thơ tôi.


3.Dòng sông của tuổi thơ tôi.

Tôi xin dừng lại phút chốc để nói về dòng sông của tuổi ấu thơ của tôi. Sông Thạch Hãn còn có một tên khác là Nguồn Hàn với câu ca dao:

     “Không thơm, cũng thể hương đàn
        Không trong cũng nước Nguồn Hàn chảy ra”

                Ở Quảng Trị, tên Thạch Hãn còn đặt cho một làng quê và gọi theo dân dã là làng Đá Hàn, làng Thạch Hãn nằm trên đoạn đường sắt chạy qua thị xã Quảng Trị. Chữ Hàn cũng có nghĩa là cản lại. Sông Thạch Hãn là dòng sông dài nhất của tỉnh, nước trong vắt bốn mùa. Vì chảy qua rất nhiều lèn đá, núi đá. Chả thế mà cụ Tam Nguyên Yên Đỗ khi đi qua sông đã để lại:

     “Tây Phong hà xứ xuy trần khởi
                    Bất trợ niên tiền triệt để thanh”
                 Dịch thơ: 
                  “Gió Tây đâu cuốn bụi dồn
                   Nước trong thấu đáy nay còn nữa đâu”

           Thi sĩ xứ Huế Khiêm Trai, tức Tương An Công Miên Bửu, trong bài thơ “Dạ túc Quảng Trị tân thứ” (Đêm nghỉ tại bến sông Quảng Trị) thì xúc cảm :

                 “Danh cao lan xạ Kim Lung tưủ
                   Sắc tự thanh trừng Thạch Hãn than…”
                     Dịch thơ: 
          Chén rượu Kim Long hương ngát đậm
          Bãi sông Thạch Hãn nước trong veo…”
              Ngoài rào, vùng quê tôi không gọi sông Thạch Hãn Hãnmà nói là rào Thạch Hãn. Rào có nghĩa như con sông (tiếng Pháp phân biệt danh từ chỉ sông lớn như sông Hồng Hà là fleuve, còn sông nhỏ như sông Thạch Hãn là rivière, nếu là sông con, ngòi, lạch thì là rivièrète). Nơi bến Phường Sãi có một cái hà (giống như một cái lạch nước lấn vào bờ), chỗ nước sâu nhất chừng quá ngực người lớn một chút.
              Bọn trẻ thường xuống tắm ở đó. Hà có rất nhiều cá mương. Chúng không sợ người mà còn xông vào rỉa ráy. Dọc theo cái hà này, dài chừng ba bốn trăm mét, cậu Diêu Xoan thường hay đổ bổi khi mùa lũ về. Cậu đặt khoảng 20 bó bổi loại lớn phải 2 người đổ, Còn loại nhỏ, chỉ cần một người thì bó bổi nhỏ và cái rổ cũng nhỏ. Bổi được làm bằng những cành lá duối, nếu thiếu thì có thể bó thêm ít cành sim, cành nè hóp không gai và nhiều loại cây có cành khác, có chiều dài khoảng trên một mét, được bó thành từng bó, có dây buộc vào cái cọc trên bờ để nước không cuốn trôi. Tôm cá chui vào nấp hoặc tìm mồi trong đó. Người đổ bổi dùng một cái rổ sảo, đường kính to bằng cái nống phơi lúa. Cứ mỗi buổi sáng cậu Diêu và anh Vọng nhẹ nhàng lội xuống nước, nhẹ nhàng chúi cái rổ sảo ấy xuống bụng bó bổi rồi từ từ nâng lên. Cá rô, cá giếc, tôm và nhiều loài thủy sản khác, có khi được cả chạch lấu, cá hanh hoặc con hôn (một loại ba ba). Đổ hết những bó bổi thu hoạch cũng được vài ba ký lô, đủ cải thiện bữa ăn gia đình và người làm trong ngày.
  Đoạn sông này có lợi thế là có bậc lên xuống, không như những đoạn bãi bồi toàn cát. Con sông nào cũng có một bên lở thì bên kia là bồi. Vậy nên cứ đến mùa lụt Mạ tôi thường ngồi gần như sáng đêm để vợt tép. Để chuẩn bị cho việc vợt tép, trước đó những ngày hè Mạ đã vào rú chặt những cây sặt, một loại họ sậy, đem về phơi khô, bó thành từng bó nhỏ có đường kính khoảng một tấc tây để dùng làm đuốc đốt vợt tép. Khi nước lũ tràn về thì đêm đến Mạ mang một cái thúng, một cái vợt tự chế bằng vải mùng và thanh tre vót nhẵn bẻ cong lại, giống y như cái vợt cầu lông hiện nay, mấy bó đuốc. Hồi đó chưa có đập thủy lợi, thủy điện nên nước lụt dù có lên nhanh nhưng rút cũng nhanh, mà nó còn không hung hãn như bây giớ cho nên bọn trẻ rất thích có lụt để được đi vớt củi rều và đi bắt cá rô đẻ.  Trời tối, đuốc đốt lên không cháy thành lửa ngọn mà chỉ đỏ lửa than. Những bầy tép đi thành đàn cặp mép sông, bơi ngược dòng. Nước chảy xuôi nhưng tôm tép thì bơi ngược. Ngồi sáng đêm Mạ tôi xúc được bộn tép, có khi được cả thúng. Ngoài số tép dùng cho các bữa ăn,số còn lại Mạ tôi muối làm mắm để ăn dần. Dì Mão đã bắc sẵn lên bếp một nồi cháo gạo ít khoai nhiều. Dì xuống bến đến chỗ Mạ đang xúc tép và lấy một mớ tép. Dì vợt những con tép đang nhảy tưng tưng trên mặt thúng cho vào thúng nhỏ đem lên, chỉ dội lại một lần nước và cho vào nồi cháo, chỉ cần nêm thêm vài muỗng muối là có món cháo rất ngọt ngon. Tôi múc một đọi to mang xuống bến cho Mạ. Nhìn Mạ sùm sụp trong chiếc áo tơi rách với cái nón mê trên đầu mải mê vợt tép để nuôi đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn, trong khi Ba tôi còn đi chiến đấu bảo vệ quê hương. Tôi thấy thương Mạ vô ngần!
Trừ những khi có lụt, còn lại là những đêm trời trong, Mạ thường đi soi cá. Soi cá cũng dùng đuốc bằng cây sậy hoặc cây hóp chẻ nhỏ, phơi khô bó thành từng bó bằng cái cột nhà tre, dài chừng 2 mét. Tối đến đuốc được đốt ở bến nước, rồi lội xuống dọc mép sông, một tay giữ cây đuốc trên vai, một tay cầm cái nơm, khi thấy cá đóng đèn, tức là đóng ánh sáng đuốc. Chúng đứng im một chỗ thì dùng nơm úp lên con cá, bó đuốc tạm thời bỏ lên bờ, thò tay vào nơm bắt cá, thường là loại cá chép, cá trôi, cá mè…có con nặng cả ký lô. Khi không dùng nơm thì dùng dao thái chuối, thấy cá đóng đèn thì lấy dao chém. Có con bị chém dứt làm đôi. Soi cá còn có một dụng cụ khác. Đó là chiếc rập. Rập có 2 cọng chéo giống như chiếc vó nhưng nhỏ hơn để người đi soi có thể cầm. Một tấm lưới mành chuông vuông một mét, (nếu không có thì dùng vải mùng) mắc vào 4 đầu cọng rập. Thấy cá đóng đèn thì chụp rập xuống bắt. Đi soi cá thường đi vào đầu hôm, cháy hết hai cây đuốc thì về nhà. Số cá thu được cũng kha khá, chừng vài ba ký, đủ dùng cho vài ngày.
Trong thời 9 năm, Dì Mão sang ở với Mạ tôi. Dì là con gái cả của ông Thợ Trì. Ông làm nghề thợ may tay, may rất khéo nên có nhiều khách hàng. Ông cũng là người làm vè nổi tiếng cả tổng An Đôn, chủ yếu là vè đả kích, châm biếm. Vì nhà quá nghèo nên ông thợ phải cho người con trai tên là Nguyễn Văn Loan,em Dì đi ở chăn trâu cho cậu Diêu Xoan của tôi.Còn Dì thì được Mạ tôi cưu mang trong những năm đầu chống Pháp cực kỳ khó khăn. Có lần Dì đang lúi húi xúc cá bống thì bọn giặc Pháp lên lùng bên làng Như Lệ. Chúng trông thấy Dì và xả súng bắn. Dì bị chúng bắn bị thương ở đùi. Hồi đó không có thuốc kháng sinh nên chỉ rửa vết thương bằng lá cây rừng. Nhưng rồi cũng qua khỏi. Một thời gian sau, Dì Mão được Dượng Lê Văn Tôn cưới làm vợ. Và họ sinh được sáu người con ba trai và ba gái. Người con trai thứ hai Lê Văn Quyền đi bộ đội và hy sinh tại chiến trường Bình Trị Thiên, được truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Hai người con trai của Dì là Lê Văn Cận và Lê Văn Kỳ cùng người con gái thứ ba Lê Thị Hoàng hiện sinh sống tại quê nhà.Sau giải phóng miền Nam, hai người con của Dì (Hoàng và Cận), được chính quyền cấp đất làm nhà ngay trên bức nương của Mạ tôi. Người con gái út Lê Thị Gái lấy chồng xa, thỉnh thoảng có về làng.
Dọc theo bờ sông, thỉnh thoảng bọn trẻ chúng tôi đào thấy những ổ trứng hôn (con ba ba), có ổ có đến hơn hai chục trứng, nhưng không hiểu vì sao hồi đó, người dân không ăn trứng hôn và trứng rùa?  
Muốn qua rào chính thì phải qua hà rồi qua một cồn cát. Cồn cát này, trong những năm đánh Pháp, theo lời kêu gọi “Tăng gia sản xuất” đã tận dụng để trồng khoai lang. Sau ba tháng thì nhổ lên, củ chỉ to bằng ngón chân cái người lớn, nhưng rất nhiều củ và ăn rất ngon, thơm và bùi. Tắm ở ngoài dòng chính rất nguy hiểm vì nước chảy xiết. Đã có lần tôi suýt bị chết đuối do nước cuốn, may mà tôi kịp thời bơi ngửa, chân đạp mấy cái mới vào được chỗ nông.
 Giữa rào, trên cao thường có mấy chú diều hâu. Chúng bay lượn rất mềm mại, sà đôi cánh như múa trong không trung. Nhưng đôi mắt thì rất tinh. Từ trên cao, chim diều hâu nhìn thấu đáy sông. Và khi đã phát hiện được cá thì chúng lao mình xuống nước như một mũi tên và hai chân của chúng quắp một con cá to. Diều đáp xuống giữa cồn cát ăn con cá ngon lành.
                                                         
           Theo Công báo của Văn phòng Chính phủ số 173 + 174 xuất bản ngày 1/2/2007 trên bản đồ tỉnh Quảng Trị thì sông Thạch Hãn bắt đầu từ động A Pong, Co Ka Va ở phía đông dãy Trường Sơn, gần biên giới Việt Lào, thuộc huyện A Lưới, tỉnh ThừaThiên - Huế chảy ra. Sông chảy qua các xã A Ngo, Tà Rụt, Húc Nghì,Ta Long…nhận thêm nước từ các khe suối, khi tới dưới chân đèo Khe Sanh, bị đèo chặn lại cho nên chảy vào sông Rào Quán xã Đakrông để xuôi về Ba Lòng, chiến khu nổi tiếng thời chống Pháp. Dân Kinh gọi sông này là sông Thạch Hãn. Đồng bào dân tộc it người thì gọi là sông Đakrông. Con sông này phía thượng lưu rất nhiều đá. Đá hai bên bờ, đá giữa dòng và đã dưới đáy sông. Nhiều tên đất ven sông mang tên đá: Đá Nổi, Đá Vững (TrinhThạch), Nhà Đá (Thạch Xá), Đá Đứng, Như Lệ (nước mắt của đá). Nơi Đá Đứng, sau giải phóng 1975 đã xây dựng công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, còn gọi là Đập Trấm. Công trình này có cái lợi là đủ nước tiêu cho hai huyện lúa Triệu Phong, Hải Lăng nhưng cũng để lại hậu quả xấu: nước mặn xâm thực lên quá làng An Đôn.Truớc đây không có tình trạng nước đứng, không lưu thông. Giờ đây thì rong rêu mọc đầy sông?!  “Nước trong thấu đáy nay còn đâu?”(Thơ Nguyễn Khuyến).
            Đập Trấm – công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn – nơi nhà thơ Võ Nguyện đã làm bài thơ Trăng Đập Trấm, ca ngợi sự hi sinh cống hiến của Thanh niên xung phong, khi nhà thơ làm Đại đội phó Đội Dân công huyện Hương Trà ra giúp Quảng Trị làm thủy lợi. Sau này Võ Nguyện rời cố đô Huế vào Đồng Nai làm ăn sinh sống và sinh hoạt cùng tôi ở Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh. Võ Nguyện là nhà thơ châm biếm nổi tiếng với bài Hội Văn Nai Đồng ngâm khúc, nhại theo tác phẩm Cung oán ngâm khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm với bút danh khá hiện đại là Tú Thịt Hộp. Bây giờ thì Võ Nguyện đã đi về cõi vĩnh hằng với các danh sĩ Tú Xương, Tú Mỡ…rồi, để lại cho đời cái blog Văn Biên Hòa đậm chất trào lộng.(Võ Nguyện mất ngày 7 tháng 12 năm 2013), hưởng dương 59 tuổi.Tôi coi Võ Nguyện như người em, là người bạn vong niên rất đáng khâm phục.
           Người Quảng Trị đã ghép tên Non Mai Sông Hãn vào với nhau để nhớ về một dòng sông mang ý nghĩa non sông đất nước để mà thương, mà tự hào. Ở Việt Nam ta có nhiều địa danh được mang tên theo cặp phạm trù Non và Sông, cũng từ hai chữ Giang Sơn mà thành. Như ở Hà Nội thì có Núi Nùng sông Nhĩ, ở Huế thì có Sông Hương núi Ngự…Thế kỷ trước, khi Thành Cổ Quảng Trị biến thành biển lửa, với 81 ngày đêm khốc liệt, nhà thơ Lê Bá Dương đã viết:
                        “Đò lên Thạch Hãn ơi…chèo nhẹ
                         Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
                          Có tuổi hai mươi thành sóng nước
                         Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”

            Và dòng sông linh thiêng ấy, khúc sông chảy qua Thành Cổ đã trở thành biểu tượng anh hùng của một thời Máu và Hoa.
            Phía bắc cầu Thạch Hãn, nơi có tượng đài 20 giọt máu hồng tươi của 20 chiến sĩ trung đội Mai Quốc Ca đã anh dũng hy sinh. Còn đó cái làng Nhan Biều mà trong thư gửi bố mẹ của Lê Văn Huỳnh để đi vào lòng đất, “khám phá” ra cái chết bất tử của những người con mãi mãi tuổi hai mươi. Cụ Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy, người làng Nhan Biều (1890 – 1970) đã có bài thơ:
                    “Ngọn bút thiên công khéo vẽ vời
                      Bức tranh tuyệt diệu đãi người chơi
                      Gió Âu, mưa Á tuy dồn dập
                     Nguồn Hãn Non Mai chẳng đổi dời…”
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét