Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

171. NHẬT KÝ NHA TRANG

                                         NHẬT KÝ NHA TRANG.
                                                            Xuân Bảo

1.TIẾNG ĐIỆN THOẠI VÀ TIN NHẮN.

Phía đầu dây bên kia có tiếng phụ nữ: Cháu là Đúc đây. Mẹ cháu muốn mời bác đi Nha Trang chơi, đổi gió và nhân thể ghé thăm bác Băng. Nếu bác đồng ý thì để cháu mua vé máy bay. Tôi trả lời: Để đến chiều bác gọi điện lại cho Huyền Anh nhé! Sau khi bàn với nhà tôi. Nhà tôi nói: Anh đi chơi đi. Trong này đang nắng nóng. Nha Trang là nơi nghỉ dưỡng tốt, anh đi có lợi cho sức khỏe đó. Tôi gọi điện cho Đúc (tên thường gọi lúc Huyền Anh còn bé).
Máy của tôi nhận được tin nhắn. Tin nhắn 1. Huyen Anh. 30/03/2016. 13,38. MR.NGUYEN XUAN BAO. HCM NHA TRANG. 31/03/2016. 17H35. BL368. JESTAR.CODE BDB3WW. Tin nhắn 2. Huyen Anh. 31/03/2016. 13,35. Chuyến bay bị trễ 30 phút nên 4.30 chiều nay sẽ có mặt ở sân bay bác Bảo nhé! Bác đợi cháu đến rồi cùng làm thủ tục ạ.
14 giờ, ngày 31/03, con trai chúng tôi, luật sư Nguyễn Triệu Quang đánh   ôtô đến đón bố mẹ đi sân bay. Nhà tôi nói đi cùng Triệu Quang cho vui. Khi đến  Tân Sơn Nhất, đồng hồ chỉ 15 giờ. Trời thì nóng gay gắt. Tôi bảo hai mẹ con về, chứ chờ đợi đến lúc làm thủ tục thì quá lâu. Mà giờ này mẹ con Bích Hạnh vẫn chưa có mặt ở đây. Thế là, một mình tôi vào phòng chờ cho tới gần 17 giờ mới thấy đoàn của Huyền Anh vào làm thủ tục. Vừa nhìn thấy tôi, Bích Hạnh nói: Anh ra tiễn mẹ con em đấy à. Tôi bảo: Ừ. Tôi rất mừng là có Hoàng Châu (chồng Huyền Anh) đi cùng.
Thì ra, trong chuyến du ngoạn phương Nam lần này, ngoài mẹ con Bích Hạnh, cháu Thúy Bắc còn có Hoàng Châu và Huyền Anh. Nhưng lúc tới Sài Gòn thì tách đoàn. Vợ chồng Hoàng Châu Huyền Anh đi Cambodia. Bây giờ ra đến sân bay, tôi mới biết có Hoàng Châu. Hai bác cháu vui mừng ôn lại chuyện Nguyên tiêu năm ngoái khi tôi lên thăm gia đình Bích Hạnh ở chùa Hà.
Huyền Anh là một phụ nữ tháo vát. Mọi giao dịch ở quày vé từ thủ tục giấy tờ cho đến cân kiểm tra hành lý, đều một mình Huyền Anh đảm nhận. Chúng tôi chỉ việc nhận vé vào phòng chờ để lên máy bay mà thôi. Giờ khởi hành lại trễ. Tôi nghĩ: Tôi đã đi rất nhiều chuyến bay và chuyến nào cũng bị trễ. Không trễ thì không còn là hàng không Việt Nam! Ngành hàng không Việt Nam có thấy xấu hổ không nhỉ? Và bao giờ mới khắc phục được tình trạng này!

Chiếc Airbus 320 của hãng Jesstar ầm ì khởi động và chẳng bao lâu lao vút lên không trung. Bầu trời đen kịt. Phía chân trời phía tây có một vạch sáng yếu ớt khi hoàng hôn vừa tắt. Chỉ hơn 30 phút sau, dưới cánh bay đã thấy đèn điện sáng choang của Căn cứ Hải quân Cam Ranh và thị trấn Ba Ngòi.

         Sân bay Cam Ranh do quân đội Hoa Kỳ xây dựng và được sử dụng làm căn cứ Không quân Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh. Năm 1973, sau Hiệp định Paris, Hoa Kỳ trao căn cứ này lại cho Không lực Việt Nam Cộng hòa.
Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, sân bay Cam Ranh tiếp tục được sử dụng vào mục đích quân sự cho tới năm 2004. Ngày 19 tháng 5 năm 2004, sân bay Cam Ranh đón chuyến bay dân sự đầu tiên, bay từ Hà Nội, thay thế cho sân bay Nha Trang nằm trong nội thị thành phố bị hạn chế về diện tích và vì lý do an toàn.
Năm 2007, Chính phủ ra quyết định nâng cấp cảng hàng không Cam Ranh trở thành cảng hàng không Quốc tế. Tháng 12 năm 2009, bằng việc đưa vào sử dụng nhà ga hàng không mới, hiện đại, quy mô lớn bậc nhất miền Trung, sân bay Cam Ranh chính thức trở thành Cảng hàng không quốc tế thứ 3 của khu vực này.   Ngay trong buổi sáng công bố quyết định trở thành cảng hàng không quốc tế, sân bay đã đón chuyến bay đầu tiên do Hãng Hàng không Silk Air Singapore thực hiện bay thẳng từ Singapore đến Việt Nam bằng máy bay Airbus A319.
Máy bay hạ dần độ cao và đáp xuống đường băng khá êm. Trên sân đậu có vài ba chiếc máy bay của hàng không Vietnam Airline. Chúng tôi thuê taxi vào thành phố Nha Trang. Trời đêm mát dịu. Xe đi dọc bờ vịnh. Một bên là biển, một bên là núi đá vôi. Đường trải nhựa làng bóng, chẳng bao lâu đã thấy Nha Trang hiện ra trong sắc màu lộng lẫy của những chùm đèn trang trí suốt những dãy dài qua các đường phố lớn.
Huyền Anh bảo lái xe tìm nhà hàng nào ngon, ghé dùng bữa tối cho khỏi phiền bác Băng. Gần 22 giờ đêm, xe tới số 9 đường Nguyễn Thiện Thuật, nơi chị Băng đang sống. Đây là khu nhà của Sở Xây dựng Khánh Hòa, vừa làm công sở vừa làm khu tập thể của cán bộ, nhân viên. Chị Băng ra tận ngõ đón cô em kết nghĩa từ những ngày đầu Hà Nội giải phóng. Chị ôm chầm lấy Bích Hạnh. Mừng vui khôn xiết.
Vào nhà, chị mang ra đủ thứ, bày chật cả mặt bàn: trái cây có xoài Cam Lâm, có táo và cả bánh ngọt, kem caramen. Và nhiều lon nước ngọt. Một lúc sau, đoàn tách ra ở làm hai nơi. Tôi và Hoàng Châu ở khách sạn, còn mẹ con. Bích Hạnh và Thúy Bắc ở tại nhà bác Băng.
Vợ chồng Huyền Anh đã đặt phòng từ trước tại khách sạn Quốc tế. Tại đây tôi thấy có rất nhiều xe taxi mang tên Quốc tế, xe đậu trong sân, đậu cả dưới lòng đường và trên vỉa hè. Có thể nói taxi Quốc tế chiếm thị phần rất lớn ở thành phố biển này. Nhưng không thấy chữ Group, tên thường gọi của các tập đoàn lớn, sau chữ Quốc tế. Theo chị Phan Thị Như Băng thì chủ doanh nghiệp này là một sĩ quan Hải quân đã chuyển ngành.
 Tôi và Hoàng Châu ngồi nói chuyện rất lâu về những kỷ niệm Hà Nội, về lịch sử nhà Nguyễn mở đất phương Nam…Tôi tặng Hoàng Châu 2 cuốn sách: Hành trình thiên lý ký sự và Truyện ngắn & Ký sự 1. Trong cuốn Hành trình thiên lý ký sự có một chương “ Vào chùa Hà gặp người trong mộng” là nói về chuyến đi của tôi đên thăm Bích Hạnh và vợ chồng Hoàng Châu năm ngoái.
Chúng tôi nhắc đến thời hoàng kim của kịch nói Việt Nam. Đoàn kịch nổi tiếng nhất là Đoàn kịch nói Trung ương, sau này lấy tên là Nhà hát kịch Việt Nam. Trong Đoàn kịch này có nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Đó là đạo diễn kiêm diễn viên Đào Mộng Long, kịch tác gia Lộng Chương, họa sĩ  thiết kế sân khấu và một dàn diễn viên gạo cội: Song Kim, Trúc Quỳnh, Mạnh Linh, Hoàng Uẩn… Kịch sĩ Hoàng Uẩn là thân phụ cũa Hoàng Châu…Hai bác cháu nhâm nhi hơn nửa chai Remy Martin XO với gói đồ khô, có sẵn trong phòng. Hơn 1 giờ sáng mới chia tay về phòng.
Ngày hôm sau, cả nhà đi thăm biển Nha Trang. Huyền Anh đã liên hệ sẵn với công ty Du lịch Hiền Quân để thực hiện chuyến ra các đảo.

2. NHA TRANG! MÙA XUÂN ĐANG VỀ.

Bác Băng chuẩn bị bữa sáng bằng những món bánh quen thuộc của quê hương Quảng Trị: bánh bột lọc bọc tôm thịt, bánh ướt, bánh bèo, bánh nậm. Tất cả những thứ bánh này do chính tay chị Băng làm, loay hoay suốt đêm để sáng nay chiêu đãi cô em Bích Hạnh và người đồng hương Quảng Trị là tôi. Viết đên đây, tôi lại nhớ về quê hương da diết. Làng Nhan Biều là một ngôi làng ven sông Thạch Hãn, đối diện với thị xã Quảng Trị.
 Làng Nhan Biều có dòng họ Phan nổi tiếng trên văn đàn. Nhà thơ Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy, thường gọi là ông Đốc Hy, tốt nghiệp Trường Thuốc Đông Dương. Ông ra trường với cái bằng Médecin traitant, người cùng thời với nhà thơ Huế Ưng Bình Thúc Giạ Thị, là thành viên của Hương Bình Thi xã.Ưng Bình là tác giả của bài thơ Chiều trước bến Văn Lâu. Có những câu buồn xé lòng người:
 Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Nghe câu mái đẩy, chạnh lòng nước non
Năm 2012, các con của Phan tiên sinh đã tập hợp những bài thơ của Cụ in thành sách Thơ Kỉnh Chỉ. Tập sách đã được sự khuyến khích và đóng góp vô giá của nhiều vị thức giả, đặc biệt là các vị: Cụ Hoàng Trọng Thược, Cụ Hà Thượng Nhân, Cụ bà Vĩnh Kỳ, Bác sĩ Lê Văn Lân, Ông Tôn Thất Kỳ và con gái Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương. Tôi vinh dự được con gái Cụ Phan Văn Hy, bà Phan Thị Như Băng (hiện sống ở Nha Trang) gửi biếu sách Thơ Kỉnh Chỉ với lời đề tặng: Thân tặng Anh Xuân Bảo, người đồng hương.Con gái tác giả,.Phan Thị Như Băng. Tập sách dày hơn 300 trang, có cả phụ bản những bài thơ của Cụ viết bằng chữ Hán và một số bức ảnh chụp từ những năm đầu thế kỷ trước.
Dùng bữa xong cũng vừa lúc xe của Du lịch Hiền Quân đến. Cả nhà lên xe. Bích Hạnh tha thiết mời chị Băng đi cho vui, nhưng chị từ chối vì tuổi cao sức yếu. Hơn nữa, 40 năm qua, chị cùng các con sống ở Nha Trang, nên đã quen thuộc tất cả những hòn đảo trong vịnh.
 Bến tàu có rất nhiều loại tàu to nhỏ khác nhau, Chúng tôi xuống một chiếc tàu nhỏ, có sức chứa khoảng 30 khách. Du khách có đến một nửa là người Trung quốc. Không biết là người Đài Loan hay Lục địa? Có hai vợ chồng người Pháp.
Việc lên tàu khá vất vả với người già, vì thành tàu cao. Tôi đưa tay dắt Bích Hạnh nhưng nàng từ chối, bảo rằng: tôi tự lên được. Nhưng rồi Huyền Anh và một phu tàu phải nâng mẹ lên. Khi ra khỏi bến, tôi thấy bên phải có một chiếc du thuyền đại dương to đùng, đang neo đậu ở đó.
Không bao lâu sau, tàu cập bến đảo San Hô. Chúng tôi lên ngồi ở những hàng ghế của nhà hàng, nhìn ra biển. Biển trong xanh, trời cũng trong xanh! Hoàng Châu và Huyền Anh đến quày mua mấy thứ: thơm (dứa), ngô (bắp) luộc. Hoàng Châu lấy thêm 5 lon bia đã ướp lạnh mang về bàn. Vợ chồng Hoàng Châu và Thúy Bắc thuê xuồng ra ngắm bãi san hô. Tôi và Bích Hạnh ngồi cùng nhau ngắm biển trời bao la Nha Trang. Chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm về Hà Nội, về thời thanh niên sôi nổi của những chàng trai, cô gái Hà Thành, về những buồn vui khi mới quen nhau, về những đêm kịch ở Nhà hát lớn Hà Nội: Đứng gác dưới ánh đèn néon. Câu chuyện Yakut…mà vai chính là nghệ sĩ Hoàng Uẩn. Tôi nhắc đến một buổi xem kịch Liuba-Liubov mà chúng tôi bỏ dở nửa chừng khi nghỉ giải lao giữa giờ. Xe đạp đã gửi vào bãi không lấy ra được nên hai đứa đã bách bộ ra đê sông Hồng, đoạn sau Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Cùng ngồi ngắm trăng lên bên kia sông. Bích Hạnh có vẻ mệt mỏi và buồn khi nhắc tới quá khứ. Nàng bảo: Em đi nằm nghỉ một lát. Tôi ngồi một mình, nhìn các mụ đàn bà Tàu nô giỡn như quỷ trên bờ vịnh. Thấy mấy mụ Tàu, tôi laị  nhớ đến vụ Formosa xả thải xuống đáy biển. .nhà máy thuộc loại hỏa luyện dùng công nghệ luyện gang lò cao như công nghệ Vũng Áng đổ (hay phun) vào không khí và nước những chất xả thải sau đây : SO 2, NOx, CO, H2S, Pb (chì), Ni (niken), As (arsenic), Cd (cadmium, hay tiếng Việt là cadimi), Cr (chrome hay crom), Zn (kẽm), Se (selenium hay selen), Hg (thủy ngân), NH4 (ammonia), dầu nhớt, các chất quan trọng như C (carbon), Si (silic), Mn (mangan), P (phốt pho), S (lưu huỳnh) và Fe (sắt). Thêm vào đó phải kể những chất như benzene, phenol, sulfides, sulfates, cyanides, thiocyanates, thiosulfates và fluorides, và có sách nói có cả chất titanium (Ti). Những chất độc này nằm dưới lòng biển phải có thời gian tiêu tán là khoảng trên dưới 50 năm. Cũng như chất độc cam/dioxin, hậu quả củả nó phải có thời gian tiêu tán là 200 năm! Hưng nghiệp Formosa đã làm cho ít nhất 400 hecta rạn san hô biển Việt Nam chết. Đây là một mất mát lớn của biển Việt Nam. Rạn san hô như một mái nhà che chắn, nuôi dưỡng hệ động thực vật biển, là nơi cư trú, sinh đẻ và ươm nuôi ấu trùng của nhiều loại thủy sinh vật đáy và các loài cá. Các rạn san hô ở vùng biển nước ta có giá trị cực kỳ quan trọng trong việc điều hòa môi trường biển, cung cấp dinh dưỡng trong vùng biển; phuc vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục và giải trí du lịch. Rạn san hô được coi là là một giá trị văn hóa hiện đại. Tuy nhiên, rạn san hô rất dễ bị hủy hoại do con người gây ra (san lấp biển, đánh bắt hải sản, thả neo, ô nhiễm, bão biển vùi dập…Mỗi năm hầu hết các loài san hô chỉ mọc được 1 centimet
Đang nghĩ về biển, bất giác, tôi nhớ về các cửa biển Quảng Trị quê tôi. Biển Cửa Việt (Việt Yên) và biển Cửa Tùng (Tùng Luật). Tôi nhớ làng Bich Khê, nằm trên con dường ra Cửa Việt – nơi sinh ra nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với mối tình đầu nghiệt ngã với Tân Nhân – người làng Mai Xá, Do Linh cách cửa biển Tùng Luật không bao xa từ những năm 1950, 1951 ở quê nhà, bài Xuân chết trong lòng tôi.

3. NHA TRANG! MÙA XUÂN ĐANG VỀ. (tiếp theo).
 Bài hát này Hoàng Thi Thơ viết riêng cho Tân Nhân, con cụ Trương Quang Phiên, vị chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Trị những năm đầu dưới chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945). Tân Nhân sau này là nghệ sĩ nhân dân và có bài hát nổi tiếng, không ai vượt qua được. Đó là bài Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.
 Bài hát của Hoàng Thi Thơ có những câu: Mùa xuân ai nỡ dứt tiếng tơ, dứt tiếng cầm/Mùa xuân đắm đuối trong tiếng đàn trong tiếng ngân và Xuân ơi xuân, chim xa đàn/ xuân ới xuân hoa chóng tàn/ Ngờ đâu xuân chết trong lòng tôi/…
Và tôi lại nhớ đến bài thơ cho Bích Hạnh, viết từ khi mới biết nhau trên chuyến tàu đêm Bắc Giang-Hà Nội (năm 1958).
Tôi đã liên tưởng đến đôi mắt của nàng. Đẹp nhưng u buồn trầm mặc như dòng Hương. Tàu qua sông Cầu, còn có tên là Như Nguyệt, rồi qua sông Đuống, còn có tên là sông Thiên Đức. Tầu đến ga Gia Lâm, chuẩn bị vào thủ đô. Sông Hồng Hà đó. Chiếc cầu Long Biên đó. Chiếc cầu mang tên toàn quyền Paul. Doumer – người có ý tưởng táo bạo mờ ra mạng lưới đường sắt nối liền toàn cõi Đông Dương, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Nhìn Hồng Hà đỏ ngầu phù sa, tôi tự nhiên có ý nghĩ: có bao giờ em sẽ nhìn đời với đôi mắt kiêu sa và dữ dội như dòng sông Đỏ kia?
      Em
                của anh
             Mắt trong xanh
           Màu đẹp biển trời
          Lồng lộng gió ngàn khơi
           Và mãi mãi không mất
                   Trong trái tim anh
                Vì em là
                  tất cả
                    đời
                     anh
Bài thơ hình thức hình quả trám này rất thịnh hành thời 1956 -1958, nhà thơ
Trần Dần làm thơ theo hình thức bậc thang của nhà thơ Nga Maiacovski như:
   Tôi khóc những
  chân trời
          không
             có
                                                                                                                                              người bay
          Lại khóc
                        những người bay
                                                  không
           có
               chân trời
Và chính tại Rạn san hô này, khi chúng tôi nhìn ra đại dương mênh mông, tôi bất giác nhớ lại bài thơ viết năm 1959, cũng viết về đôi mắt của nàng:
Nơi ấy sâu hơn đáy đại dương
Thăm thẳm mù khơi tít dặm trường
Nơi ấy, là mắt em tôi đó
Đăm đắm nhìn tôi vạn mến thương.
Tàu Hiền Quân đã quay lại bến. Cả nhà lên tàu, đến một nhà hàng lớn trên vịnh.
Du lịch Hiền Quân có những hoạt động thu hút du khách. Những nhân viên của công ty đã chuẩn bị một chương trình văn nghệ, bắt chước Đài Truyền hình Việt Nam trong Những gương mặt thân quen. Trong khi Nhà hàng dọn bữa thì những hàng ghế giũa được dồn lại thành bàn ăn và sân khấu. MC giới thiệu gương mặt Đàm Vĩnh Hưng. Một nhân viên tàu hóa trang gần giống và hát vài bài của Mr. Đàm vẫn thường hát. Tôi đặc biệt chú ý tới tiết mục mà người đóng vai Mai Phương Thúy là một nam thanh niên. Anh ta đội tóc giả và áo ngực để trần, móc vào đấy là hai nửa gáo quả dừa bị thật to. Nhà hàng có đặc sản là món cá bốp, giá nửa triệu một ký, được quây thả trong lồng bè. Khách tha hồ chọn. Cũng có người mua những con cá bốp lên tới 3 kylô. Thiên hạ thật lắm tiền!
Tôi để ý thấy Bích Hạnh dường như biếng ăn, hay là thức ăn không hợp khẩu vị? Tôi nhắc: em ráng ăn còn để giữ gìn sức khỏe. Chúng ta còn ở lại Nha Trang đến 2 ngày nữa cơ. Tàu rời Nhà hàng nhằm hướng Thủy cung Trí Nguyên. Thủy Cung được thiết kế hình một con tàu hóa thạch bám đầy rong rêu, trong lòng con tàu đó là một đại dương thu nhỏ với rất nhiều loài cá quý hiếm. Cái đặc biệt tại đây là thủy cung có San hô sống.- Hệ thống hồ tại đây chia là 2 dạng : Hồ trong nhà và Hồ ngoài trời.
Bích Hạnh và vợ chồng Hoàng Châu không thăm thủy cung. Bởi vì, nàng thì mệt, còn vợ chồng Hoàng Châu thì đã nhiều lần tham quan nơi này. Hoàng Châu khi còn trong quân ngũ đóng quân tại Nha Trang một thời gian khá dài đã nhiều phen đưa Huyền Anh thăm thú gần như hầu hết cả 19 hòn đảo trong vịnh. Chỉ có Thúy Bắc là người mới đến Trí Nguyên lấn đầu. Thúy Bắc là con dâu của trung tướng Nguyễn Ngọc Lư.- anh ruột Bích Hạnh. Cháu mua 2 vé tham quan cho hai chú cháu, mỗi vé 100 ngàn đồng. Hai chú chaú thay nhau chụp ảnh từ cổng vào đến bên trong. Tầng một, có hồ nuôi cá với hàng ngàn loại sinh vật quý hiếm được chứa trong một đại dương thu nhỏ tại đây. Hồ được thiết kế với lớp kính chịu lực dày, có thể thấy rõ những động vật biển bên trong: cá mập, cá mú, cá rồng, cá chình,..con nào cũng dài hơn 1mét nhìn thật hứng thú và kỳ lạ.
Người ta đã thiết kế một phần cung điện, (tất nhiên hình mẫu chỉ là tưởng tượng mà thôi), có ngai vàng của vua Thủy Tề, có cả y phục vương triều thủy cung cho du khách thuê để chụp ảnh. Tôi nhờ Thúy Bắc chụp tấm ảnh ngồi trên ngai vàng, nhưng không mặc y phục vua quan của loài thủy tộc cá tôm…

Hai chú cháu ra tham quan hồ ngoài trời. Hồ này được kè đắp bằng hệ thống đá san hô mặt nước bao giờ cũng ngang với nước biển. Hồ ngoài trời nuôi rất nhiều loại hải sản quen thuộc như cà thu, cà ngừ, mực, cá đuối…ẩn mình trong những hang đá san hô là những chú mực khủng lồ, tôm hùm khủng lồ lên đến 3kg. –Hồ có mái che để khách câu cá giải trí.  Tôi và Thúy Bắc ra hồ. Cô nhân viên đưa một hộp thức ăn cho cá và lấy dùi đánh mấy tiếng vào cái kèng. Một bầy vích (rùa biển) bò tới. Trên lưng mỗi chú vích đều có từ 2 đến 4 con cá bốp nằm trên đó. Từ một góc xa bên hồ, du khách mới có thể nhìn rõ trên boong tàu cái cột buồm và khẩu súng thần công nhô ra trước mũi tàu. Có người cho rằng đó là mô hình con tàu của bọn cướp biển Caribê.*

15 giờ chiều, tầu Hiền Quân tiến về Bãi Sỏi. Nhân viên tàu hóm hĩnh giới thiệu tàu sắp đến một hiệu Massage khổng lồ. Quý khách tha hồ mà mát- xa từ chân  đến đầu, muốn bao lâu cũng được, không tốn tiền bo (pourboire)cho các em phục vụ. Thì ra: Vì bãi tắm tại đây không có cát chỉ toàn là sỏi đá, tròn tròn nhỏ nhỏ, nhẳn thín, đủ màu, có những viên như pha lê chảy dài từ bờ ra biển nên nơi đây được gọi là Bãi Sỏi. Tại đây củng là địa diểm tắm biển lý tưởng cho du khách.

Tôi và Bích Hạnh vào ngồi nghỉ ở những chiếc ghế bố nhà tròn. Huyền Anh và Thúy Bắc đi dạo “mát-xa” hai bàn chân dọc bờ biển. Hoàng Châu ra chơi trò đu bay lên trời.
(Còn tiếp: Nha Trang ơi! Tạm biệt chim én nhé)