Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

258. VIẾT VẾ VĂN HÀO BORIS PASTERNAK


258. VIẾT VỀ VĂN HÀO BORIS PASTERNAK

KỶ NIỆM 101 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 10 NGA 7/11/1917 – 7/11/2018

Vài nét lịch sử Giải Nobel Văn học
Trao giải lần đầu là vào năm 1901. Đến năm 2017, đã có 114 giải thưởng Nobel Văn học đã được trao. Sau khi nhận giải Nobel vào năm 1958, người Nga Boris Pasternak đã từ chối giải thưởng. Năm 1964, Jean-Paul Sartre nghĩ rằng mình không muốn nhận giải.
Giải Nobel Văn học (tiếng Thụy Điển: Nobelpriset i litteratur) là một trong sáu nhóm giải thưởng của Giải Nobel, giải được trao hàng năm cho một tác giả từ bất cứ quốc gia nào có, theo cách dùng từ trong di chúc của Alfred Nobel. Theo di chúc của Nobel, giải thưởng được trao bởi Nobel Foundation. Giải thưởng Nobel Văn học đầu tiên được trao tại Sully Prudhomme ở Pháp. Lễ trao giải thưởng được diễn ra hàng năm ở Stockholm vào ngày 10 tháng 12, đúng vào ngày mất của Nobel.
Có mười bốn phụ nữ được trao giải Nobel Văn học, nhiều hơn bất kỳ giải Nobel nào khác trong quỹ Nobel. Trong tất cả các năm mà trao giải Nobel Văn học, chỉ có bốn lần được trao cho hai người: (1904, 1917, 1966, 1974). Đã có tám năm không có trao giải Nobel Văn học (1914, 1918, 1935, 1940–1943, 2018). Quốc gia đạt nhiều giải Nobel nhất là Pháp, với 16 giải thưởng, tiếp đó là Hoa Kỳ và Anh với 11.
Boris Pasternak từ chối nhận giải Nobel. Vì sao?
Boris Pasternak sinh ngày 10 tháng 2 năm 1890 ở Moscou. Cha ông Léônid Pasternak là họa sĩ và viện sĩ. Mẹ ông là nghệ sĩ piano (dương cầm). Năm 1912, ông nghiên cứ triết học tại Dại học Maburg (Đức). Năm 1913, ông tốt nghiệp khoa lịch sử và ngôn ngữ Đại học Tổng hợp Moscou. Ông có chuyến ra nước ngoài đầu tiên là nước Ý. 6 năm đầu ông chuyên tâm nghiên cứu và sáng tác âm nhạc. Nhưng cuối cùng ông đã đi vào sự nghiệp thơ, văn. Những bài thơ đầu tiên của ông xuất bản năm 1913. Năm 1917, ông viết một loạt những bài thơ tuyệt diệu trong tập “Chị tôi – cuộc sống”, đưa ông lên hàng những nhà thơ lớn nhất nước Nga thời ấy.
T       rong những năm hai mươi, ông gia nhập nhóm  Văn học LEF do nhà thơ Maiacovski sáng lập.
Sau ngày chiến thắng phát xít Đức, B.Pasternak viết tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago”, hoàn thành nó vào năm 1955. Năm này, Nhà Xuất bản Văn học quốc gia Liên Xô đã ký hợp đồng in cuốn sách này, nhưng việc thực hiện hợp đồng bị nhiều người có thế lực trong giới văn học phản đối. Giữa lúc đó bỗng nhiên tác phẩm ‘Bác si Zhivago” được xuất bản tại Ý. Ngày 23/10/1958, Viện Hàn lâm Thụy Điển tuyên bố tặng giải thưởng Nobel năm 1958 về văn chương cho B. Pasternak. Nội dung giải thưởng có ghi: “Vì sự đóng góp lớn lao cả vào nền thi ca trữ tình hiện đại của thế giới cũng như vào lĩnh vực các truyền thống vĩ đaị của các nhà văn xuôi Nga.
Những bước thăng trầm của Boris Pasternak.
Bọn phản động quốc tế đã lợi dụng nhân vật Zhivago và tên tuổi của B. Pasternak để chống Liên Xô. Năm 1958 ông bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Liên Xô. Từ đó, nhà thơ B.Pasternak – một thiên tài, một nhà thơ lớn - phải sống những ngày buồn thảm cuối đời! Tuy nhiên, tên tuổi và tác phẩm của ông không vì thế mà bị lãng quên theo năm tháng mà vẫn sống mãi trong lòng nhân dân xô viết và hàng triệu triệu người yêu văn học, yêu văn hóa Nga ở khắp nơi trên thế giới!
Sau gần ba chục năm, mãi tới ngày 18/2/1987, danh dự và tác phẩm của B.Pasternak mới được phục hồi. Ban Thư ký Hội Nhà văn Liên Xô thông qua quyết định hủy bỏ nghị quyết của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành Hội Nhà văn Liên Xô chính thức xóa bỏ nghị quyết bất công đó và một Ủy ban di sản Pasternak được thành lập. Các tác phẩm của B.Pasternak được lần lượt xuất bản. Năm 1988, Liên Xô xuất bản “Toàn tập Pasternak”. Ủy ban di sản Pasternak đề nghị UNESCO tổ chức kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của nhà thơ lớn này vào năm 1990 trên quy mô toàn thế giới.
***
Nhân Kỷ niệm 101 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, để nhớ về một đất nước vĩ đại – quê hương của nhiều văn hào, thi hào, nhạc sĩ và nghệ sĩ - đã làm rạng rỡ cho một nền văn học nghệ thuật vĩ đại, tôi đăng bài thơ: “Cái chết của một nhà thơ”. Bài thơ này Boris Pasternak viết về người bạn lớn của ông – nhà thơ thiên tài Maiacovski.

Cái chết của một nhà thơ
Thiên hạ không tin cho rằng – đó là chuyện vô lý.
Nhưng được tin từ hai người.
Ba người, từ mọi người. Đã đứng xếp thành hàng
Của thời gian dừng lại.
Những ngôi nhà của các bà công chức và các bà thương nhân,
Những vuông sân, những gốc cây, và trên cây
Những con quạ ngây ngất vì nắng ấm,
Mặt mày đỏ rực bằng tiếng nói của giống quạ,
Gào kêu để bọn ngốc từ rày về sau đừng
Chõ mũi vào tội lỗi, mà cứ để mặc cho anh cay đắng
Chỉ có điều trên mặt mũi họ hiện rõ một sự tiến triển ẩm ướt
Như trên những nếp nhăn của điều vô lý rách nát

Có một ngày, một ngày vô hại, vô hại hơn
Hàng chục ngày xưa cũ của anh.
Thiên hạ tụ tập xếp thành hàng trong tiền sảnh
Như phát súng xếp họ lại thành hàng
Những tiếng mìn nổ của bọn vợ lũ hề nấp trong cỏ lác, sau khi đè bẹp
Đã hất tung lũ cá mè và một con cá măng ra khỏi dòng chảy.
Như tiếng thở phào của các lớp đất không cỗi cằn
Anh ngủ, trải vải giường trên lời đơm đặt
Ngủ và lặng yên sau khi đã hết kinh hoàng
Xinh đẹp, trẻ trung ở độ tuổi 22
Như Tetraptich của anh từng tiên đoán

Anh ngủ, áp má vào gối,
Ngủ, - từ hai chân, từ hai mắt cá
Lấy hết đà lại tiếp tục
Khắc sâu vào hàng những truyền thuyết trẻ trung

Anh trong những truyền thuyết đó khắc sâu dấu ấn
ngày một rõ nét thêm
Anh đạt đến chúng chỉ bằng một bước nhảy
Phát súng của anh tương tự như ngọn Etna*
Trên thềm núi của lũ ươn hèn và nhút nhát
1930
Nguyễn Đức Dương dịch
_____
*Ngọn núi lửa ở đảo Cyxin (Ý).

Bên bờ Phước Long Giang, Kỷ niệm 101 năm Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga 7/11/1917 – 7/11/2018.

257. Ông nội tôi làm lý trưởng thời Bảo Đại



257. ÔNG NỘI TÔI LÀM LÝ TRƯỞNGTHỜI BẢO ĐẠI.

Tính theo thời gian mà Phả ký Tộc Nguyễn Ngọc có hiện tại thì dòng họ này đến hiện nay là 16 đời, tương ứng với thời điểm Chúa Tiên vào đây. Làng Đại Hào có họ Nguyễn tám phái mà phái Nguyễn Ngọc của tôi là lớn nhất. Chi của cha tôi có nhiều người đỗ đạt.
Theo Phả ký Nguyễn Tộc làng Đại Hào ghi chép từ đầu thế kỷ 20 thì Ông nội tôi nhiều lần lều chõng vào kinh đô ứng thí. Ông đỗ vào Trường Nhì Bạch Giáo sư trúng sĩ bổ. (theo ghi chép ở cuốn Chi phổ họ Nguyễn Tám phái làng Đại Hào). Ra trường, ông được bổ về dạy học (thầy dạy chữ Nho) ở làng Lâm Xuân, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị. Lâm Xuân là làng nghề dệt chiếu rất đẹp. Ở đây có một hủ tục là không cho con gái lấy chồng ngoài làng, bởi sợ mất nghề. Cũng như ở Bắc Ninh, làng Vân có nghề nấu rượu nổi tiếng cho nên làng không gả con gái cho nơi khác. Các bậc bô lão trong làng đề nghị ông tôi làm thơ nói lên tác hại của hủ tục này. Ông tôi đã làm một bài vè để cho dễ nhớ. trong đó có những câu:

…Ba mươi tuổi tác đó chừ
E lẫn thẩn mà trẻ qua già tới
Ngọc phải giá không buông còn đợi?!

 Thế nhưng ông tôi quyết về quê: Văn chương phú lục chẳng hay/Trở về làng cũ học cày cho xong. Triều đình dường như tiếc cái công lao dùi mài kinh sử nên cũng cho ông tôi làm lý trưởng đến gần chục năm. Lý trưởng còn được gọi là xã trưởng chức tương đương như chủ tịch phường, xã bây giờ. Dân Quảng Trị quê tôi phát âm không chuẩn nên thường gọi xã ra thành ông xạ. Lúc còn nhỏ, những khi ba mạ cho về thăm làng, tôi thường được ông nội dạy bảo bằng những câu chữ nho như: nhân chi sơ vốn bản thiện, nhân bất học bất tri lý - ấu bất học lão hàn vi…Ông dạy tôi học chữ thánh hiền bằng những bài học vỡ lòng trong cuốn Tam thiên tự như Thiên trời địa đất. Cử cất tồn còn. Tử con tôn cháu. Lục sáu tam ba. Gia nhà quốc nước. Tiền trước hậu sau. Ngưu trâu mã ngựa…Ông còn dạy tôi viết chữ Hán. Ông đem ra cái mâm gỗ, lấy cát Tiểu Trường Sa (tức là loại cát lấy ở đoạn giữa cắt khúc đồng bằng và miền duyên sơn). Ở Quảng Trị ngày nay còn nhiều từ đoạn Thành Cổ đến các xã thuộc huyện Hải Lăng – bây giờ đoạn này còn được gọi là “Đại lộ kinh hoàng” trong “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Cát được đổ vào xâm xấp lòng mâm, sau đó dùng ngón trỏ viết tập. Thí dụ: Chữ Thiên gồm hai nét ngang và một nét phẩy, một nét mác. Viết xong, lắc cái mâm cho cát trở về bằng phẳng như ban đầu. Ở cái thời đó, cách tập viết như thế quả là một sáng kiến vĩ đại, vừa tiết kiệm giấy lại vừa luyện cho nhuần nhuyễn quen tay.  Đến khi nào thuần thục thì mới dùng bút nho viết lên giấy bổi.
 Tôi cũng thường được ông cho theo ra đồng. Tuy là lý trưởng nhưng ông cũng phải lam lũ ruộng nương như những lực điền. Tôi còn nhớ như hằn sâu vào ký ức thơ ngây của tôi về cái cung cách làm việc của những công bộc của dân thời đó. Chuyện là như thế này: Ông tôi đang cày ruộng. Có một người dân cần lên quan có việc gì đó nên phải lặn lội ra đồng để tìm xã trưởng ký chứng vào đơn. Ông tôi họ (dừng) trâu lại và lên bờ gặp đương sự. Sau khi rút cây bút nho, thường dắt tai, Ông tôi mút vào miệng cho ướt đầu thấm mực, ký chứng vào đơn, Ông tôi lấy cái triện vận trong lưng quần ra, hà hơi cho ẩm hơi nước rồi kê lá đơn vào đầu gối ấn cái triện vào, (triện, miền bắc gọi là con dấu, miền nam gọi là cái mộc) nơi có chữ ký của ông. Hồi đó dân ta không mặc quần dải rút hay lồng bằng dây thun như ngày nay mà mặc quần lưng vận.
           Ông tôi là người hay chữ. Chữ nho ông viết rất đẹp. Ông được dân làng rất mến mộ. Trong làng nhà nào có việc quan hôn tang tế đều đến xin ông tôi cho đôi câu đối, hoành phi hoặc văn ai, văn điếu. Mặc dù làm việc “nước”, nhưng ông tôi cũng phải lao động cật lực để nuôi sống gia đình. Khi việc làng, ông được trọng vọng ngồi chiếu trên. Khi hết việc, ông tôi chỉ làm người dân như mọi người. Nhũng ngày giáp Tết Nguyên đán, ông tôi thường mang chiếu, tráp, giấy điều, mực nho ra ngồi dưới tán cây đa cạnh đình làng để viết thuê câu đối. Viết đến đây tôi lại nhớ đến nhà thơ Vũ Đình Liên với bài thơ Ông đồ nổi tiếng. Vì thế tôi càng nhớ và thương ông tôi da diết.
          Mệ nội tôi, quê phường Dương Xuân, làng An Cư, tổng An Cư cùng phủ Triệu Phong là cháu quan đại thần Nguyễn Văn Tường. Quan Nguyễn Văn Tường sinh năm 1824, theo phái chủ chiến của Tôn Thất Thuyết nên bị thực dân Pháp bắt ông giam xuống tàu chở vào Gia Định, rồi chở ra đày ở đảo Tahiti và chết tại đó năm 1886.
Bên bờ Phước Long Giang,ngày 25/12/2018. Noel 2018

256. Ngày xuân bàn về Thơ Nôm của chủ súy Tao đàn


 NGÀY XUÂN BÀN VỀ THƠ NÔM CỦA CHỦ SÚY TAO ĐÀN
Bài viết cho Trang Thơ Bình Đa Xuân Kỷ Hợi 2019.
Nước Nam ta có rất nhiều ông vua đồng thời là nhà thơ. Triều Trần có đến 7 ông vua là thi sĩ. Cuối thời phong kiến, gần ta nhất có các ông hoàng Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương.  Vua Tự Đức là một nhà thơ lớn.
Tuy nhiên, trong lịch sử thì có một ông vua vừa làm vua, vừa làm thơ nổi tiếng là vua Lê Thánh Tông.
Lê Thánh Tông, tự là Tư Thành, huý là Hạo, con trai út của Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Giao - con gái Thái Bảo Ngô Từ. Sống giữa chốn dân gian từ nhỏ đến năm lên 4 tuổi. Mẹ Nhân Tông khi đó đang buông rèm chính sự, cho đón Tư Thành về ở trong cung rồi phong làm Bình Nguyên Vương hằng ngày cùng vua Nhân Tông và các vương hầu học tập tại toà Kính Diên. Tư Thành chăm chỉ học tập, thông tuệ hơn người, được vua Nhân Tông rất yêu quý.
 Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất - 1442. Ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn - 1460, các quan đại thần phế truất Nghi Dân, rước Tư Thành - lúc đó 18 tuổi lên ngôi. Lê Thánh Tông hết lòng chăm lo việc nước: mở khoa thi, kén chọn hiền tài, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, mở mang ngành nghề, mở rộng giao lưu buôn bán, ban hành chế độ quân điền, coi trọng việc bảo vệ biên giới quốc gia. Bản đồ biên giới quốc gia Đại Việt được hoàn thành dưới triều Lê Thánh Tông. Và là người xuống chiếu giải oan cho Ức Trai trong vụ Lệ Chi Viên án. Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng mang niên hiệu vua Lê Thánh Tông còn lại cho đến nay là một trong những bộ luật hoàn chỉnh và có nhiều điểm tiến bộ nhất dưới thời phong kiến nước ta.  Bộ Đại việt sử ký toàn thư do sử quan Ngô Sĩ Liên biên soạn năm Kỷ Hợi - 1479 dưới sự chỉ đạo của vua Lê Thánh Tông.  Lê Thánh Tông còn lập ra Hội Tao Đàn gồm 28 ông tiến sĩ giỏi văn thơ nhất nước thời đó gọi là "Tao Đàn nhị thập bát tú" do nhà vua làm nguyên suý. Trong đó có Thân Nhân Trung – người có câu văn bất hủ, được ghi vào Văn miếu Quốc Tử Giám: Hiền tài là nguyên khí quốc gia.
                                           ***
Không có vị nguyên thủ quốc gia (ở nước Nam) lại lo cho dân đến cùng như vua Lê Thánh Tông. Ở nửa sau thế kỷ XV, trong bối cảnh cực kỳ thuận lợi của một triều đại thái bình thịnh trị, thơ Nôm được triều đình nhà Lê với vị minh quân Lê Thánh Tông đặc biệt chú trọng. Nhà vua đã nâng việc sáng tác thơ Nôm từ chỗ tự phát đến quy mô quốc gia. Thơ Nôm đã tuyển thành tập “Hồng Đức quốc âm thi tập”.
Lê Thánh Tông là một thi nhân hội tụ được cả 3 yếu tố không thể thiếu với một thi nhân đích thực: trí tuệ phong phú, tài năng sáng tạo thơ và tính chất lãng tử trong tâm hồn.
Ông vua hiền triết này có cái nhìn “vạn vật nhất thể”, thấy được cái vĩ đại trong cái hèn mọn, cái may trong cái rủi, cái đẹp trong cái xấu, cái sướng trong cái khổ. Thơ Lê Thánh Tông hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lê Thánh Tông như một vị thánh nhân đức đã “thế thiên” đi ban phát hạnh phúc cho con người ở cõi nhân gian, cho thần dân mà ông hết lòng yêu thương.
 Chỉ riêng một sự việc của Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương, vợ chàng Trương Sinh nghe con trẻ trỏ cái bóng trên tường, gọi đó là cha mình. Hãy nghe một đoạn “án oan” này của Nguyễn Dữ viết trong Truyện kỳ mạn lục:
Qua sang năm sau, giặc Chiêm chịu trói, quân nước kéo về. Trương Sinh tới nhà thì mẹ đã từ trần, con vừa học nói. Chàng hỏi mồ mẹ rồi bế đứa con nhỏ đi thăm. Ra đến đồng đứa con trẻ quấy khóc, Sinh dỗ dành:
-         Con nín đi, đừng khóc. Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi!
          Đứa con thơ ngây nói:
-         Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.
Chàng ngạc nhiên gạn hỏi. Đứa con nói:
-         Khi ông chưa về đây, thường có một người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cùng đi, ngồi cùng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.
Tính chàng hay ghen, nghe đứa con nói vậy, tin chắc đinh ninh là vợ hư, không còn có cách gì tháo gỡ ra được.
Về đến nhà mắng vợ một bữa cho hả giận. Nàng khóc mà rằng:
-         Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa Tía. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguội lòng, ngõ liễu tường hoa chưa từng bén gót. Đâu có sự hư thân mất nét như lời chàng nói. Dám xin trần bạch để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp.
Chàng vẫn không tin. Nhưng nàng hỏi chuyện kia từ ai nói ra thì giấu không kể lời con nói, chỉ thường thường mắng mỏ, nhiếc móc và đánh đuổi đi. Họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng cũng chẳng ăn thua gì cả. Nàng bất đắc dĩ nói:
-                        Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia, nghi thất. Đâu ngờ ân tình tựa lá, gièm báng nên non. Nay đã bình rơi trâm gẫy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa gẫy cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.
Đoạn rồi nàng tắm gội sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng:
-         Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu chồng con rẫy bỏ, điều đâu bày buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm chi diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi ngưởi phỉ nhổ.
Nói xong gieo mình xuống sông mà chết.
Chàng tuy giận là thất tiết, nhưng thấy nàng tự tận cũng động long thương, tìm vớt thây nàng nhưng chẳn thấy tăm hơi đâu cả. Một đêm phòng không vắng vẻ, chàng ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya, chợt đứa con nói rằng:
Ô, Cha Đản lại đến rồi.
Chàng hỏi đâu? Nó trỏ bóng chàng ở trên vách.
Đây này!
         Sự việc chỉ có thế mà vua Lê Thánh Tông đã có đến 2 bài thơ.
Bài thứ nhất. Miếu bà Trương;
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ
Cung nước chi cho lụy tới nàng?
Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng?
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng

Và bài thứ hai Hoàng Giang, điếu Vũ nương.
Ngàn lau san sát, cỏ xanh xanh
Sảy nhớ ngày xưa kẻ tiết trinh
Cách trở bấy lâu hằng giữ phận
Hiềm nghi một phút bỗng vô tình
Hay lòng, phó mặc vầng cao thẳm
Lẻ bóng tìm nơi chốn vắng thanh
Dầu nhẫn ai ai qua đến đấy
Thương nàng hòa lại trách Trương sinh
Tâm hồn của vị vua thi sĩ dạt dào tình cảm hiện còn khắc trên đá trước cửa miếu Vũ nương tại Lý Nhân, Hà Nam.
Thơ Nôm của Lê Thánh Tông và của thời Hồng Đức là “máu mủ ruột rà”, là di sản văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam ta cần được phổ cập đến mọi người.
Bên bờ Phước Long Giang, viết kỷ niệm ngày Hội Văn Nghệ Đồng Nai bước sang tuổi 40 . 22/12/1979 – 22/12/2018.
Nhà thơ Xuân Bảo.






255. Cây chuyện thứ 12. Cậu Nghẹc bắn voi rừng


Chuyện nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 12.
Cậu Nghẹc bắn voi rừng
Phường Sãi vốn thuộc làng Xuân An, tổng An Đôn, phủ Đăng Xương, Quảng Trị được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho theo vào Đàng Trong từ hồi 1558, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đem theo hàng ngàn binh mã bản bộ từ Gia Miêu ngoại trang vào trấn thủ Thuận Hóa. Đây là vùng duyên sơn, chỉ có đồi sim mua, trảng tranh, không có núi. Trước kháng chiến chống Pháp, vùng này có rất nhiều loại cầm thú, có rất nhiều loài chim: bìm bịp, nghịch, cuốc, chàng làng, sáo, cà cưỡng, tu hú, gà rừng, các loại cu gáy, cu ngói, cu kỳ…Từ điển bách khoa ghi rõ: cu kỳ là cu xanh. Sáng sớm mai cả khi rừng Lùm Miệu rộn rã tiếng hót của các loài chim như một bản hợp xuớng của núi rừng. Chim cu kỳ thiên di theo mùa, bộ lông của nó màu xanh lục rất đẹp, thân to như con bồ câu tây. Tiếng gù của cu kỳ nghe rất êm tai và thịt rất ngon.  Chúng thường đậu trên cành cao, lẫn vào đám lá nên rất khó phát hiện, nhưng chính tiếng gù của nó đã làm hại nó.
Sau ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, ông Nghẹc, người làng Đại Hào, tôi gọi bằng cậu – một chiến sĩ Vệ quốc đoàn – được đơn vị phân công đi săn bắn để kiếm thức ăn cho công binh xưởng của Chi đội Nguyễn Thiện Thuật, tiền thân của Trung đoàn 95 sau này, đóng ở làng Như Lệ. Lần theo tiếng gù, cậu bắn một phát đạn ria của khẩu súng hai nòng calipse douze (cỡ đạn 12 mm), vài ba con cu kỳ trúng đạn rơi xuống đất. Những đứa trẻ chúng tôi tranh nhau nhặt về làm bữa ngon lành.
.Voi tuy là động vật hoang dã nhưng đã được con người thuần dưỡng. Trong lịch sử giữ nước tượng binh là một binh chủng khá lợi hại, đã giúp quân ta dẫm nát quân thù. Voi nhà còn được dùng để vận chuyển gỗ từ rừng ra. Quê tôi, trước Cách mạng Tháng 8, người dân chưa biết đến các dân tộc ít người như Pa-cô, Vân Kiều…mà thường gọi chung là cà lơ. Trước mặt nhà ông ngoại tôi có con đường dẫn xuống sông Thạch Hãn. Chỗ bến lội qua sông, tôi thường thấy từng đoàn người cà lơ di dân bằng voi. Và nghe ông ngoại kể, họ có tài đem voi nhà dụ voi rừng về nuôi.
Thời kháng chiến chống Pháp, quân đội ta thiếu thốn mọi bề nên việc cậu Nghẹc tôi được phân công đi kiếm thực phẩm bằng cách săn bắn thú rừng là chuyện thường. Cậu thường đi vào vùng trảng tranh thật xa để tìm bắn thú rừng. Có lần cậu bắn được một con voi to tướng. Cậu thông báo cho các làng gần đó mang theo dao, rựa, triêng gióng (quang gánh) để vận chuyển thịt voi về làng. Tất nhiên là dân làng cũng phải làm nghĩa vụ đem thịt voi về cho Công binh xưởng của cậu. Tôi cũng mang theo dao rựa và triêng gióng theo đoàn người đi xẻo thịt voi. Lúc đi mạ tôi dặn cố gắng lấy cho được cái đợng voi. Đợng tức là cái gan bàn chân của voi. Đợng rất dày, có thể dày tới mười phân, đem về cạo sạch phần da ngoài, luộc chín mềm, cắt thành từng miếng nhỏ khoảng 3 phân vuông, phơi khô, gác lên giàn bếp. Khi có giỗ chạp hoặc ngày Tết thì đem xuống, lấy cát cho vào chảo rang lên cho tới khi nở bung đều, dùng vào việc nấu đọi canh cúng (giống bát canh bóng của người dân miền bắc nấu bằng da lợn rang bỏng). Chỉ có những nhà quyền quý thời thực dân, phong kiến mới có món canh đợng voi, còn đa phần thì dùng da heo.
Hồi trước Cách mạng, dân Quảng Trị thường khi nghe vua Bảo Đại đi săn voi thì hay kéo nhau đi coi. Và người dân phải è cổ ra đóng thuế để xây dựng một con đường giành riêng cho vua đi săn. Con đường đó mang tên là đường Vĩnh Thụy, điểm đầu nối với Quốc lộ 1 tại làng Lai Phước, song song với Đường 9 lên Cùa. Địa danh này cũng nổi tiếng vì vua Hàm Nghi đã chọn Tân Sở làm căn cứ địa chống Pháp và hạ chiếu Cần vương.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 21/12/2018.
Nhà thơ Xuân Bảo
         
         

253 , Câu chuyện thứ 10. Cong múa ngày xuân


Chuyện nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 10.
 Công múa ngày xuân
Cứ mỗi độ xuân tới, có một đôi chim công, một trống và một mái bay về sà xuống trước vạt đất, nơi ông tôi thường trồng lúa ngự. Riêng chữ “ngự” đã biểu hiện một cách cung kính, một loại gạo rất thơm, dẻo để thổi cơm cúng trong những dịp lễ tiết, giỗ, chạp. Tôi thường theo ông đi làm cỏ để nhổ những tép lúa màu tím lẫn trong khóm lúa. Ông bảo rằng: cây lúa màu tím đó sau này sẽ lổ ra hạt lúa mà lòng nó đỏ, các cụ xưa rất kiêng câu thành ngữ: Xanh vỏ đỏ lòng, cho nên không thể dùng để cúng bái được.
 Mặt trời lên chừng một con sào thì con công đực bắt đầu múa, lông đuôi xòe ra như cánh quạt lớn, sải đuôi có tới hơn một thước tây, màu sắc rất đẹp, nhất là màu lục diệp viền quanh lông đuôi những hoa văn mặt nguyệt. Chúng múa rất say sưa mãn nguyện. Thiên nhiên đã ban tặng cho muôn loài những màu sắc kỳ vĩ. Chủ yếu vẫn là màu xanh lục diệp của cây cối: cu kỳ màu xanh, két (vẹt) màu xanh, đến cả công lông cũng màu xanh ấy. Trời đất sẽ đơn điệu biết mấy nếu như tất cả các loài chim đều chỉ có một màu xanh! Vì thế con chim sáo phải là màu nâu như chim cu gáy…cà cưỡng thì vừa có bộ lông đen và trắng. Chèo bẻo và quạ thì đen tuyền. Chèo bẻo thân nhỏ, đuôi dài, rất hung dữ, có thể đánh bại mọi loài chim khác kể cả quạ. Quạ khoang để bắc cầu Ô thước trên sông Ngân cho Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau thì điểm xuyết màu trắng ở cổ. Cò thì trắng, thật là vạn vật muôn loài muôn màu sắc. Đó là bức tranh tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban cho con người!     
          Đôi công múa rất đẹp, rất uyển chuyển trông thật vui mắt. Ông thường dạy bảo chúng tôi, những đứa trẻ tinh nghịch thích dùng ná để bắn chim, không được bắn chim công. Ná là một chạc cây như chữ Y in hoa, hai sợi dây cao su được buộc vào một miếng da dùng để bỏ viên bi hoặc đá sỏi có độ tròn trơn vào làm đạn bắn, hai đầu kia buộc vào hai bên càng ná. Viên bi được kẹp căng ra và thả cho trúng mục tiêu. Lũ chúng tôi thường dùng ná để bắn chim hoặc gà rừng.
Có một điều gì đó rất chi là bí ẩn, thiêng liêng ăn sâu vào tâm khảm mọi người nên hai con công rất dạn dĩ với người. Người xem công múa cũng thành kính như khi cúng bái, cầu nguyện. Sau tết Nguyên tiêu thì chúng bay đi đâu không rõ, đợi mùa xuân năm sau lại về múa cho dân làng xem.
Sau này khi sống ở Hà Nội, tôi có dịp được xem những tiết mục “múa công” của các nghệ sĩ Đoàn Ca múa Trung ương. Những dịp ra nước ngoài tôi cũng đã từng được xem “múa công” ở Trung Quốc, ở Thái Lan, ở Indonésia, Campuchia. Nhìn lên sân khấu thấy nghệ sĩ đeo lông công thật múa lượn, tôi bất giác nhớ đến ông ngoại, một thầy thuốc bắc giỏi nhất vùng và là một chủ điền trang giàu có nhưng không xa rời cái cuốc cái cày. Ông lao động như một lão nông dân tri điền. Nhưng sao tôi vẫn thấy nhớ đôi công thật ngày xưa múa đẹp hơn, thật hơn, dù không có nhạc nền
Giờ đây đi đường bộ qua đoạn Tĩnh Gia – quê hương của Đào Duy Từ – thấy cả một dãy dài hàng cây số bày bán các loại chim rừng mà lòng thấy xót xa. Con người sao nỡ đối xử với cầm thú tàn nhẫn đến vậy. Chúng ta thường nói đến quyền sống cho dù là của bất cứ một động vật nào, cao cấp cũng như cấp thấp. Đã biết rằng “chim trời, cá nước, ai bắt được nấy ăn” nhưng mà đem chúng về để thỏa mãn một thú vui, một kiểu trang trí cho ngôi nhà, cho vườn nhà để làm đẹp và khoe mẽ với thiên hạ rằng: Ta là người biết chơi, chịu chơi đây thì khác nào những tên trọc phú mà Molière đã viết trong vở kịch nổi tiếng Trưởng giả học làm sang (Le bourgeois gentilhome) mà thôi. Cái kiếp “cá chậu, chim lồng” là không thể chấp nhận. Hãy trả chúng về với thiên nhiên, cho chúng cái quyền được tự do, được sống.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 4/12/2018.
Nhà thơ Xuân Bảo.