Trang

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

213. ĐÁM CƯỚI MỘT THỜI GIAN KHÓ.

213. CHÚNG TÔI LÀM LỄ CƯỚI TRONG THỜI GIAN KHÓ.
(MỘT ĐÁM CƯỚI THEO ĐỜI SỐNG MỚI)

Hồi ức của nhà thơ Xuân Bảo.

          Sau Hiệp định Genève, năm 1954, tôi tập kết ra Bắc trong quân ngũ, ở Đại  đội 235 của Huyện đội Triệu Phong do ông Lê Trường Lữ làm đại đội trưởng. Làng Thượng Phước có hơn phần nửa quân số gồm có tôi, Lê Ngọc Ngoãn, Lê Ngọc Bích, Bùi Hũu Tư, Lê Văn Thượng, Trần Thị Dàn, Lê Thị Phụ. Tôi nhớ anh Lê Ngọc Ngoãn được tạm thời làm tiểu đội trưởng tiểu đội 1. Lúc này tôi đã 20 tuổi. Tôi và một số chiến sĩ có trình độ văn hóa cấp II nên được chọn đi học Khóa Kế toán cấp tốc tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Sau 3 tháng mãn khóa, tôi và một số anh chị em, trong đó có Tân Thủy, Kim Biên, người Huế được điều ra công tác tại Chi sở Mậu dịch Đặc biệt Thanh Hóa, đóng ở Bái Thượng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Chi sở này làm nhiệm vụ thu mua những mặt hàng thuốc bắc như thiên niên kiện, sa nhân, đậu khấu và các mặt hàng xuất khẩu khác. Tháng 2 năm 1955 thì giải thể. Tôi và một số anh chị em khác được điều qua Công ty Lương thực Thanh Hóa. Lúc này, ông Lưu Trọng Lạc, em ruột nhà thơ Lưu Trọng Lư làm chủ nhiệm. Nơi đây, tôi quen biết Lưu Lương Sơn và Lưu Thanh Sơn. Hai người con gái của ông Lưu Trọng Lạc.  Lưu Thanh Sơn là bạn gái của Hồ Viết Năng, bạn tôi. Sau này, trong kháng chiến chống Mỹ, Hồ Viết Năng là Trưởng nhóm Văn công bộ đội 559.

                                                                   Cô dâu đang trang điểm.

             Ngày 1 tháng 1 năm 1955, Cụ Hồ và Chính phủ về thủ đô ra mắt đồng bào tại sân Vận động Quần Ngựa. Tháng 3 năm đó, tôi lại được chọn đi học tại trưởng Thương nghiệp Trung ương của Bộ Nội thương, đóng tại 66 phố Hoàng Hoa Thám, Khu Ba Đình, Hà Nội. Trường này có lần được Bác Hồ đến thăm. Sau khi tốt nghiệp, tôi là một trong số 200 cán bộ được cử lên tăng cường cho Khu Tự trị Thái Mèo (sau này đổi thành Khu Tự trị Tây Bắc). Khi Khu Tự trị đã ổn định. Bọn phỉ Đèo Văn Long, Vàng Pao và vài nhóm khác bị tiêu diệt. Một số cán bộ tăng cường được điều động đi làm nhiệm vụ khác hoặc đi học.

          Tôi lại được chọn đi học Khóa Hóa nghiệm lương thực để về làm việc ở Cục Máy xay, thuộc Tổng cục Lương thực. Tôi đang thực tập tại nhà máy Xay Đáp Cầu thì lại được điều động về làm giáo vụ tại Trường Huấn luyện Cán bộ, lúc này đóng tạm trong nhà dân tại làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Năm 1959, 1960 tôi được điều sang công tác tại Ban Cải tạo Công Thương nghiệp tư bản tư doanh của Sở Lương thực Hà Nội. Rồi sau đó sang làm việc tại Công ty Vật liệu Xây dựng rồi về Công ty Bông Vải Sợi May mặc Hà Nội.

             Năm 1961, tôi đã 26 tuổi và bắt đầu nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình. Tôi quen biết nhà tôi vào những tháng cuối năm 1960. Là đoàn viên Thanh niên, tôi phải báo cáo việc lấy vợ cho đoàn thể biết, cho chính quyền biết, cho Đảng biết.
Khi biết tôi sắp lấy vợ là con nhà tư sản Tân Việt thì bí thư Đảng ủy Ph. Đ. Q. đã hai lần khuyên tôi nên từ bỏ ý định cưới con nhà tư sản. Ông nhẹ nhàng phân tích cho tôi rõ giai cấp tư sản là giai cấp đối kháng của cách mạng. Ông còn xác định cho tôi hãy đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản để không ngừng rèn luyện đạo đức, tư tưởng và tác phong của người cán bộ. Tôi không nghe theo lời răn đe đó nên cùng với Thúy Minh ra Ủy ban Hành chính xin làm giấy kết hôn. Sau 1 tháng, chúng tôi được cấp Giấy kết hôn hợp pháp.

Cô dâu đang trang điểm.

             Có trong tay tờ Giấy kết hôn, chúng tôi vào các cửa hàng Mậu dịch để sắm đồ cưới. Cửa hàng Mậu dịch quốc doanh Đồ gỗ bán cho một cái giường đôi gỗ thường. Cửa hàng Mậu dịch quốc doanh Bách hóa bán cho 2 gói chè Thanh Hương, (chè loại 1), 5 gói chè Hồng Đào (chè loại 2) và chè cám loại 3 thì được mua tự do. Cửa hàng Bách hóa còn bán thuốc lá theo tiêu chuẩn đám cưới có 2 tút thuốc Điện Biên, 3 tút thuốc Tam Đảo và 5 tút thuốc Trường Sơn. Thuốc thơm Thăng Long thì không có trong tiêu chuẩn cưới nên không mua được. Cửa hàng Mậu dịch Bánh kẹo bán cho 2 kylô kẹo Hải Châu. Còn cái khoản bánh quy thì đem bột mỳ Liên Xô (bán theo tiêu chuẩn lương thực ăn độn) hàng tháng và đường tích cóp đã 3 tháng ra tiệm bánh quy xốp, quy gai của bà Khiết, phía phải phố Nguyễn Du cắt ngang phố Huế đặt làm 5 ký bánh quy xốp, quy gai và bánh xốp vòng. Chúng tôi lên Hàng Buồm mua mấy ký hạt bí rang rồi.

 Tôi được ông thủ trưởng Lê Xứng, người Huế coi như đứa em xa nhà chăm lo tận tình như người anh cả. Ông đứng ra làm chủ hôn và đại diện họ nhà trai lo việc đi hỏi, đi cưới vợ cho tôi. Ông bố trí cho tôi một căn phòng tân hôn gần 16 mét vuông trên gác 2 của Trạm May mặc số 7, đóng tại 58 phố Huế, cách nhà ông bà Tân Việt tại 60A phố Huế một căn. Ông chỉ đạo Chi đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh làm các công việc trang trí sân lễ Thành hôn, cho cho mượn địa điểm là phân xưởng may làm hội trường hôn lễ.

Bàn là những chiếc máy khâu xếp dồn lại thành 3 hàng dọc, đủ chỗ ngồi cho hơn trăm khách. Ghế là những chiếc ghế đẩu thợ may ngồi hàng ngày. Bàn cô dâu chú rể là hai cái bàn và hai chiếc ghế tựa ba nan làm việc hàng ngày của bộ phận văn phòng.  Bàn này được phủ bằng vải sa tanh màu xanh nước biển, trên bàn có một bình hoa cắm đúng mười bông lay-ơn màu hồng.  Khăn trải bàn là những súc vải phin trắng, phông là vải phin xanh có sẵn trong kho của cửa hàng. Tất cả công nhân và cán bộ của Trạm đều được mời dự cưới (mời mồm). Đồng thời, mỗi người thợ cho mượn một bộ ấm chén pha trà, ba cái dĩa đựng bánh kẹo, hạt bí và một cái dĩa đựng bao thuốc lá và diêm Thống nhất. Tàn thuốc được gạt thẳng xuống sàn nhà. Một cái lọ hoa thủy tinh, loại rẻ tiền mà Hợp tác xã Thủy tinh Hà Nội thời đó sản xuất kỹ thuật còn quá thô sơ nên có nhiều bọt. Trên mỗi lọ hoa được cắm 2 nhành hồng. Người cho mượn chén dĩa ngồi ngay tại bàn đó lo tiếp tân luôn. Sau lễ, thì tự thu dọn các thứ cho mượn mang về. Nước sôi thì do bà Hai Thụy Khuê, lao công của Trạm đun nấu. Mấy nữ đoàn viên lo pha trà.
Thiếp mời cưới phần lớn khách là bạn bè của chú rể, cô dâu, được đánh máy trên giấy lụa hồng (pelure) và gửi trước mươi hôm, đối với những người ỏ xa. Trong nội ô thì mang thiếp đến tận nhà. Phong bì thì mua ở Bưu điện Chợ Hôm, ngay cạnh nhà, loại in sẵn có hai mục, trên cùng phía trái là địa chỉ có ghi chữ: Người gửi, giữa là 2 chữ Kính gửi, chung quanh có sọc nghiêng in đều khoảng 3 cm cách nhau xanh, trắng (trắng là màu có sẵn của giấy phong bì) và đỏ, nhìn như lá cờ tam tài của Tây Phú- lang- sa.
Phông treo gần hết chiều ngang bức tường của xưởng. Trên cùng phông có câu cắt giấy thủ công màu đỏ cờ: Vui duyên mới không quên nhiệm vụ! Chính giữa phông có hai chữ lồng in hoa B và M, nằm trong hình trái tim, cũng màu đỏ. Phía trên hai chữ B và M có đôi chim bồ câu màu trắng chụm hai cái mỏ hồng vào nhau, bốn cái chân bồ câu cũng màu hồng. Cạnh trái có một chữ Hỷ tiếng Tàu, màu đỏ nằm trong hình trái tim màu hồng. Phần dưới phông có mấy chữ: Hà Nội, ngày 4 tháng 2 năm 1961.
 Hai bức tường hai bên phân xưởng (nơi bấy giờ thành phòng hôn lễ) đã có sẵn những câu khẩu hiệu của xưởng may để nhắc nhở tinh thần lao động sản xuất của công nhân. Đó là những câu thường ngày, gần như câu kinh nhật tụng mà nơi nào cũng có: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng! Thi đua lao động sản xuất đạt năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều, giá thành hạ!
Đám cưới của chúng tôi không có màn đưa dâu vì hai căn nhà 58 và 60A phố Huế chỉ cách một căn 60 ở giữa. Đám cưới không có tiệc mặn! Chỉ có đốt một phong pháo ngắn mua của Mậu dịch quốc doanh, (tiêu chuẩn Tết Tân Sửu -1961 của bìa hộ gia đình). Vì đang là thời kỳ chiến tranh khốc liệt, cả nước lo cho tiền tuyến phương Nam. Hồi đó có câu: hạt gạo miền Bắc được cắn làm tư, một cho chiến trường B (miền Nam ruột thịt), một cho chiến trường C (bạn Lào) và một cho chiến trường K (bạn Campuchia). Phần tư còn lại cho miền bắc đang xây dựng nghĩa xã hội. Lương chúng tôi (cả hai người cũng chỉ hơn 100 đồng). Tôi hưởng lương cán sự 2, cộng với 12 % phụ cấp đắt đỏ của khu vực Hà Nội được 76 đồng 8 hào. Lương Mậu dịch viên của Thúy Minh kể cả phụ cấp đắt đỏ cũng không quá 50 đồng. Vậy nên, đám cưới không thể thuê ở những phòng cưới đắt tiền như Trăm Hoa, như Phú Gia…mà chỉ tổ chức tùng tiệm ở cơ quan. Đám cưới không có chụp ảnh, không có màn chú rể tặng nhẫn cưới cho cô dâu. Về của hồi môn, sau này, nhà tôi kể lại: cậu mợ (tiếng xưng hô của các gia đình Hà Nội thời đó) có cho con gái Thúy Minh một cái kiềng vàng, một đôi xuyến vàng và một cặp hoa tai mặt kim cương. Trong thời gian tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, ông Ng. cán bộ cải tạo thấy tôi đeo hoa tai bằng vàng. Ông Ng. hỏi: ngoài thứ này ra em có các loại trang sức nào khác không? Nhà tôi thật thà trả lời: có. Ông Ng. lại nói: em có biết những thứ này lấy ở đâu ra không? Ông Ng. trả lời luôn là của bóc lột đó. Nhà tôi nghe hai chữ “bóc lột” thì cả sợ và đem nộp mấy thứ đó cho ban Cải tạo. Thành thử, trong ngày cưới của chúng tôi không có của hồi môn là như vậy!



Ảnh chụp hôm sinh nhật Thúy Minh 77 tuổi.Ngày 6/11/1941 - 6/11/2017 tại Biên Hòa.

Chiều ngày 4 tháng 2 năm 1961, nhằm vào ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý, ông Lê Xứng dẫn theo mấy người đại diện chính quyền, đoàn thể gồm có các chị Nguyễn Thị Mỹ, Nguyễn Thị Đức, Ngô Thị Thái và chú rể, mang theo một mâm lễ gồm có một buồng cau, một xấp lá trầu, một chai rượu trắng (sản xuất tại nhà máy rượu Hà Nội - phố Nguyễn Công Trứ, khu Hai Bà) sang nhà ông bà Tân Việt để gọi là có chút lễ xin rước dâu. Ông bà nhạc tôi chấp thuận và miễn luôn cho cái lễ cúng gia tiên.
 Khác với đám cưới năm 1957 của chị Nguyễn Ngọc Bích, chị cả của vợ tôi, có xe ôtô Traction của hãng Cytroyen.  Loại xe mà nhà văn Vũ Trọng Phụng đã viết trong tiểu thuyết Giông tố. Xe chở Nghị Hách bị patinet giữa đường, gặp Thị Mịch…và mọi thứ chuyện xẩy ra trên xe.
Ông bà Tân Việt cũng có một chiếc xe loại này. Chúng tôi còn lưu giữ được những bức ảnh ông Tân Việt cùng với các ông cậu Trọng, cậu Chi lái chiếc xe này đi chơi chùa Trầm, chùa Trăm Gian trước giải phóng thủ đô 1954.  Mấy chiếc xe đưa dâu chị Ngọc Bích và chàng rể quý tử “cậu ấm kháng chiến” chạy mấy vòng quanh Hồ Gươm rồi mới về nhà mới ở phố Huyền Trân công chúa (sau đổi là phố Bùi Thị Xuân). Mặc dầu, nhà cô dâu cách nhà mới không đầy ba dãy phố. Ngôi nhà này là chú rể mua lại nguyên căn, thuê thợ sửa chữa, tân trang lại và mua sắm vật dụng là những thứ đồ cổ đắt tiền như sập gụ, tủ chè, sa lông Tàu…Bốn cô phù dâu được nhà trai may biếu không bốn chiếc áo gấm thất thể Thượng Hải. Bốn cậu phù rể được chú rể may tặng bốn bộ complet bằng dormueil màu trắng ngà, một loại tissu len rất đắt tiền.
Đám cưới của chị Ngọc Bích không biết có chi hết 20 triệu đồng không? Nhưng sau đó khoảng gần hai mươi ngày thì tờ báo tư nhân có tên Thời Mới do ông Hiền Nhân làm chủ bút đã đăng feuilleton bài 18 ngày trăng mật? Và tác gia Trần Huyền Trân có vở cải lương Ngược dòng, làm xôn xao dư luận Hà Thành?!
Áo cưới của cô dâu Thúy Minh, may bằng gấm thất thể (bảy màu) Thượng Hải – chiếc áo mà hôm 6/11/2017 vừa rồi – Thúy Minh mang ra mặc để phục dựng bộ ảnh cưới thì không mặc được vì chật. Đây là chiếc áo dài do hiệu may ta nổi tiếng Phúc Trạch ở phố Lương Văn Can đo may từ đầu năm 1957. Bộ complet croisé bằng tissue len của tôi may tại Trạm May mặc số 3, 63 hàng Trống. Tiền do ba me nuôi của tôi là ông bà Vũ Thư cho. Chiếc cravate màu đỏ thì mua ở hiệu Đức Minh, phố Tràng Tiền. Đôi giầy da đen thì thửa tại hiệu giầy Nguyên ở ngõ Văn Chương.
Đến giờ khai mạc, ông Lê Xứng thay mặt họ nhà trai nói mấy lời vắn tắt đại khái là đôi tân hôn làm lễ cưới chính thức được luật pháp công nhận. Ông chúc mừng đôi bạn trẻ “bách niên giai lão”! Chúc mừng ông bà Tân Việt có rể thảo! Chúc mừng cơ quan và nhà trai có cô dâu hiền! Ông tỏ lời cảm ơn quý vị tân khách có mặt hôm nay. Cuối cùng ông mời mọi người dùng tiệc trà.
Phần liên hoan văn nghệ do Chi đoàn Thanh niên chủ trì. Các bài hát cách mạng và kháng chiến được cất lên. Hát chay, không có nhạc đệm, không có micro. Cô Chu Minh Hằng và Kim Oanh góp vui bằng những vần thơ. Minh Hằng diễn ngâm bài thơ của nhà thơ Huy Huyền, trong đó có những câu:

Em ơi! Tiếng là cưới, có gì đâu, chỉ ấm nước cơi giầu
Bởi chúng mình thương nhau, mẹ cha làm lễ cưới
Bạn bè xa cũng tới, họ hàng gần cũng sang
Thêm đồng chí Ủy ban. Thế là vui biết mấy!

Cô Kim Oanh diễn ngâm bài thơ Mừng đám cưới Xuân Bảo – Thúy Minh của nhà thơ trào phúng Nguyễn Đức Xa, người làng Thanh Liệt, quê của tác giả Thất trảm sớ Chu Văn An. Cụ Nguyễn Đức Xa là nhà thơ trào phúng, đã có rất nhiều thơ châm biếm đăng trên báo Hà Nội mới, ở chuyên mục “Chuyện lớn chuyện nhỏ”.
          Dưới đây là nguyên văn nội dung bài thơ đó:

                              Tặng đôi bạn trẻ: XUÂN BẢO – THÚY MINH

                                                                   Nhân NGÀY CƯỚI 04-02-1961.

Xuân Bảo - Thúy Minh đôi bạn trẻ
Lễ Thành hôn vui vẻ giữa trời đông
Xuân đã tươi như một đóa hồng nhung
Tình lại đẹp như bản đàn nhà nhạc sĩ
Xuân Bảo Thúy Minh yêu nhau vì tâm lý
Nên hai bạn Minh - Bảo mến thương nhau
Uyên ương gối thắm tươi màu
Hai lòng Minh - Bảo yêu nhau trọn đời

                                                Thanh Liệt, 04/02/1961

Kính thưa hương hồn Bác NGUYỄN ĐỨC XA!
Câu thơ Chúc của Bác giờ đây chúng cháu vẫn lấy làm phương châm cho cuộc sống vợ chồng: “Uyên ương gối thắm tươi màu/Hai lòng Minh - Bảo yêu nhau trọn đời...”. Trong những năm gian khó của Hà Nội thời đánh Mỹ, dù gặp nhiều khó khăn trong đời sống, chúng cháu vẫn âm thầm lặng lẽ hy sinh cùng nhân dân thủ đô hoàn thành sứ mệnh đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Và hơn 40 năm sau giải phóng đất nước, còn bao nhiêu khó khăn thiếu thốn, chúng cháu vẫn thầm nhắc câu thơ của Bác để cùng nhau xây dựng tổ ấm gia đình.




Giờ đây, thế mà đã 58 năm trôi qua. Trong những năm khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ cứu nước, vợ chồng chúng tôi vẫn toàn tâm toàn ý với chế độ. Và bây giờ tôi đã bước sang tuổi bát tuần, nhà tôi cũng suýt soát dưới tám mươi. Chúng tôi đã có chắt gọi bằng Cụ. Chúng tôi luôn tâm niệm câu chúc của anh Lê Xứng ngày đó: Bách niên giai lão! Và hai câu thơ của Cụ Nguyễn Đức Xa:

 Uyên ương gối thắm tươi màu
Hai lòng Minh - Bảo yêu nhau trọn đời!

Bên bờ Phước Long Giang – Kỷ niệm 58 năm ngày cưới 4.2.1961 – 4.2.2018



Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

212. Ba Mạ tôi cho tôi đi thăm hoàng thành Huế


1.     Ba Mạ tôi cho tôi đi thăm hoàng thành Huế.
                                    (Tiếp theo Những kỷ niệm về Ba tôi).



Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi là Hoàng đế Gia Long. Ông đã thành công trong việc thiết lập việc kiểm soát của mình trên toàn bộ lãnh thổ, do đó làm cho Huế trở thành thủ đô đương thời. Huế được gọi là kinh sư. Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng.
Kinh thành Huế hay Thuận Hóa kinh thành là một tòa thành ở cố đô Huế, nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm từ 1802 đến khi ông vua cuối cùng thoái vị vào năm 1945.
Trong thời Pháp thuộc, Huế thuộc Trung kỳ. Huế là kinh đô cho đến năm 1945, khi Hoàng đế Bảo Đại thoái vị.  Chính quyền mới lấy Hà Nội làm thủ đô.

Đây là nơi vua Gia Long làm lễ đăng quang lên ngôi hoàng đế, để tiếp tục sự nghiệp của Nguyễn Hoàng là người có công mở rộng bờ cõi phương Nam.
Đoàn người của Võ tướngThái úy Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng đổ bộ lên cửa sông Thạch Hãn, thường gọi là cửa Việt Yên, còn gọi là cửa Việt Khách, dựng trại ở Ái Tử thuộc huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong. Cùng đi có người cậu là Uy Quốc công Thái phó Nguyễn Ư Dĩ và hàng ngàn binh mã bản bộ từ quý hương Gia Miêu ngoại trang (Tống Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa). Ái Tử là nơi bắt đầu khởi dựng cơ nghiệp của nhà Nguyễn. Năm 1570, Nguyễn Hoàng chuyển dinh trấn về Trà Bát (nay là làng Trà Liên). Những địa danh Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát đã mang một sứ mệnh lớn lao. Chính vì lẽ đó mà khi Phú Xuân trở thành kinh đô, các chúa, vua nhà Nguyễn đã không quên tôn vinh vùng đất ‘dung thân’ của các bậc tiên phụ trên đất Quảng Trị là Cựu dinh.
Triều đại nhà Nguyễn kể từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đặt chân lên cửa Việt Khách, Quảng Trị đến Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy thì sụp đổ, đúng 387 năm. Tuyên ngôn thoái vị của hoàng đế Bảo Đại đọc chiều 25 tháng 8 năm 1945 trước cửa Ngọ Môn, chấm dứt triều đại nhà Nguyễn với 9 chúa và 13 vua.

Bảo Đại có câu nói nổi tiếng:Riêng về phần Trẫm, trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là Dân tự do, trong một nước độc lập. Trẫm không để cho bất cứ ai được lợi dụng danh nghĩa Trẫm, hay danh nghĩa hoàng gia để gieo rắc sự chia rẽ trong đồng bào của chúng ta.” (Chiếu Thoái vị của Bảo Đại).

Nhưng rồi ông ta không giữ được lời nói tốt đẹp đó.

Tôi được sinh ra năm Ất Hợi – ngày 16 tháng Giêng ta, nhằm vào ngày thứ hai 18 tháng 2 năm 1935 – trước hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Long đến gần một năm. Bảo Long sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936, nhằm ngày 10 tháng Chạp cùng năm Ất Hợi. Sinh thời, có lần nhà thơ Thu Bồn nói với tôi: Bà cụ thân sinh nhà thơ kể rằng Thu Bồn sinh trùng ngày sinh của Thái tử nên bà được triều đình ban phát 3 vuông lụa điều.

Lớn lên tôi đã nghe câu ca dao:

Nhà vua thân với Lang -sa
Để Tây ăn cướp trứng gà của dân.

Vài nét lịch sử tên gọi Huế.

Chữ Huế xuất xứ từ đâu ra?  Phải nói rằng có từ Huế (chữ Hóa mà thực dân Pháp không phát âm được nên đã gọi chệch ra là “ué”). Trong mẫu tự của người Pháp chữ H, là chữ câm.

   Nếu như năm 1301, vua Trần Nhân Tông không làm cuộc viễn du 9 tháng sang   kinh đô Chiêm Thành để tăng thêm quan hệ hữu hảo láng giềng, sống hòa hiếu với nhau thì đâu có cuộc hôn nhân ngoại giao giữa người anh hùng chống Nguyên – Mông, thái tử Harijatti - khi lên ngôi là vua Jaya Shimhavarman III, tức Chế Mân với công chúa Trần Huyền Trân. Đầu năm 1305, Đoàn sính lễ do Chế Bồ Đài dẫn đầu đem theo hơn trăm người và vàng bạc châu báu cùng với lời cam kết dâng 2 Châu Ô và Châu Lý để cầu hôn.
Huyền Trân về Chiêm Thành, mặc dầu trước đó Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người xứ Java, nhưng nàng vẫn được tấn phong làm hoàng hậu với mỹ hiệu là Paramecvari. Nhân dân Châu Ái, Châu Hoan kéo nhau vào khai thác vùng Thuận Hóa, làm nên một cuộc đại di dân. Phú Xuân (Huế sau này) trở thành kinh đô Đại Việt. Châu Hóa gồm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên trở nên sầm uất. Mà trước đó, như nhận định của Sùng Nham hầu Dương Văn An  viết trong Ô Châu cận lục:” Hoàng Việt ta dựng nước, sách trời đã định rõ phân giới. Ngoài 4 thừa tuyên, nguời Ái Châu hào phóng chuộng nghĩa. Người Hoan, Diễn thuần túy hiếu học. Xưa nay đều thường nói như vậy. Hóa Châu ta tiếp đất Quảng, đất đai hẻo lánh, phong tục quê mùa, muôn vật thưa thớt không thể so với Ái Châu và Hoan Châu được. Từ khi có Đặng Tất nổi tiếng tướng giỏi. Dục Tài lừng danh khoa bảng thì quê ta phong thổ và nhân tài dần dần sánh ngang thượng quốc”.
Vua Trần Anh Tông tiếp quản vùng đất mới và đổi tên là Châu Thuận và Châu Hóa. Việc kết hợp hai châu này làm một và đặt tên phủ là Thuận Hóa được thực hiện dưới thời thuộc nhà Minh. Đến đời nhà Hậu Lê, Châu Thuận và Châu Hóa thành Thuận Hóa và trở thành một đơn vị hành chính. Năm 1604, Nguyễn Hoàng đã bỏ cấp huyện Điện Bàn thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành cấp phủ, sáp nhập vào trấn Quảng Nam. Thuận Hóa là vùng đất trải dài từ phía nam Đèo Ngang cho tới đèo Hải Vân. Năm 1626, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh đến làng Phước Yên (Phúc An) thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên và đổi dinh thành phủ. Năm 1636, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chọn làng Kim Long, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, làm nơi đặt phủ. Năm 1687, Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái, dời phủ chúa về làng Phú Xuân, thuộc huyện Hương Trà. Năm 1712, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu dời phủ về làng Bác Vọng, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên. Năm 1738, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát lên cầm quyền thì phủ chúa mới trở về lại vị trí Phú Xuân và yên vị từ đó cho đến ngày thất thủ về tay quân họ Trịnh.
Sự xuất hiện của tên địa danh Huế. Hiện chưa có nguồn thông tin nào khẳng định địa danh "Huế" chính thức xuất hiện lúc nào, theo một số thông tin thì: Vua Lê Thánh Tông có lẽ là người đầu tiên nói đến địa danh Huế trong bài văn nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn. Trong đó có câu: "Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bì hồ tiêu, thau Lào, thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vạy then".
Những tài liệu sử học cũ (ngoại trừ Quốc triều Chính biên Toát yếu) khi nói tới Huế, đều dùng tên Phú Xuân hoặc Kinh đô, hoặc Kinh, chứ không dùng tên Huế.
Bộ Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim là bộ sử đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, ngoài nguồn sử liệu truyền thống, tác giả đã sử dụng nguồn sử liệu của phương Tây, và tên Huế xuất hiện.
Trong hồi ký của Pierre Poivre, một thương nhân Pháp đến Phú Xuân vào năm 1749, cái tên Huế xuất hiện nhiều lần dưới dạng hoàn chỉnh là Hué.
Năm 1787, Le Floch de la Carrière đã vẽ bản đồ duyên hải Đàng Trong cho Bộ Hải quân Pháp, trong đó bản đồ đô thành Huế được vẽ một cách khá rõ và cái tên Huế đã được ghi như cách người Pháp thường viết về sau: HUÉ.
Trong gần 150 năm, từ 1802 đến 1945 kinh đô Huế dưới bàn tay khéo léo của người thợ Việt Nam đã hình thành một hoàng thành nguy nga, tráng lệ. Huế được công nhận năm danh hiệu UNESCO ở Việt Nam: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).

Bên bờ Phước Long Giang, đêm mùng 10 tháng 10 năm Đinh Dậu.
                            Nhà thơ Xuân Bảo.

Kỳ sau: II. Huế đẹp và cổ kính.


Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

211. Nhũng chuyện nhỏ làng quê


211. Những chuyện nhỏ làng quê.

Câu chuyện thứ nhất: Chuyện ông Đấu bó lúa.

Ở quê tôi, người làm thuê trong ngày mùa được chủ điền trả công một ngày gặt thuê là một bó lúa. Đồng xa như Phúc Trèn, La Nghìn cách làng gần chục cây số còn đồng gần thì như Bàu Lác, bàu Ông Phe thì chỉ cách làng chừng nửa cây số. Cuối ngày, người gặt thuê được cõng một bó lúa trên lưng về nhà. vì vậy đám thợ gặt phải nhờ đến ông Đấu – một tay thợ bó lúa cừ khôi – cả làng ai cũng biết tiếng. Bó lúa là một nghệ thuật. Sợi lạt dùng chỉ dài đúng 2 thước 2 ta không hơn, không kém. Hai đầu sợi lạt chỉ có khoảng một phân tây ngoắc vào nhau.
Mặt trời lên chừng hai con sào thì người thợ gặt mới chọn những bông lúa mẩy hạt rải phơi lên giường ruộng (bờ thửa) để chiều về cuống rơm héo đi, khi bó sẽ được nhiều lúa. Mạ tôi cũng đi gặt thuê, có hôm gặt xa tận đồng La Nghìn. Bó lúa nhờ ông Đấu bó quá nặng so với sức vóc của một thiếu phụ nên đi được một đoạn, tới dưới dốc Cơn Thang thì Mạ tôi bỏ bó lúa xuống chia ra làm hai rồi dùng đòn xóc quảy về nhà.
Có một chuyện vừa buồn lại vừa vui về bó lúa gặt thuê của ông Đấu. Bó lúa gặt thuê của ông Đấu đem về nhà, ông không để ngoài sân mà mang vào nhà, gian cạnh ban thờ, (quê tôi gọi là giường thờ). Đêm đến, không khí mát lạnh làm cho các cuống rơm nở ra, sợi lạt không chịu nổi nữa nên lạt bị tung ra và bó lúa nổ như một quả bom, lúa bay làm đổ ban thờ??? Trong Hồi ký của Trần Đức Long cũng có đề cập đến câu chuyện này.

Câu chuyện thứ hai. Học sinh cấp II tham gia chỉnh huấn

Đó là vào thời gian cuối năm 1953, khi đất nước bước vào thời kỳ giảm tô, giảm tức, chưa phải là thời kỳ cải cách ruộng đất. Đó là thời kỳ mà trong quân đội có “Rèn cán chỉnh quân”, trong dân sự thì có “Rèn cán chỉnh cơ”. Còn học sinh thì có đợt “Học tập để phục vụ nhân dân”, cũng là một loại hình chỉnh huấn.
Tôi còn nhớ rõ địa điểm lên lớp cho học sinh cấp II chúng tôi là ngoài sân nhà Mụ Mới bên xóm Mộ. Người truyền đạt nội dung là một cán bộ cấp tỉnh. Tài liệu là những bài giảng trên lớp, học sinh chúng tôi phải tập trung nghe, g hi chép và lĩnh hội cho thấu triệt một cách nghiêm túc. Tôi còn nhớ những khẩu hiệu như: Học tập để phục vụ nhân dân! Đào sâu suy nghĩ, thành khẩn bộc lộ sai lầm! Đến gần cuối khóa là phần viết thu hoạch. Thu hoạch kết quả của đợt học tập. Học viên chúng tôi được cho ở riêng trong một cái chòi tạm, lợp bằng lá sim, cả trên mái lẫn bao quanh, chỉ có một lối vào duy nhất, không có cửa, có một cái bàn ghép tạm bằng những thanh tre và cái ghế cũng ghép bằng tre. Ngồi trong chòi đó mà phản tỉnh, kiểm lại xem mình thời gian qua đã có những việc làm hoặc trong tư tưởng có gì sai lầm. Có ước mơ viễn vông sau này có vợ đẹp, con khôn, ôtô, nhà lầu hay không? Thậm chí, từ trong ý nghĩ có khi nào thấy kháng chiến gian khổ mà có ý định “dinh tê” không? Tôi còn nhớ một kỷ niệm. Không hiểu có trò nào đó nghịch ngợm khi ngồi trong chòi quá khuya nên đã giả làm tiếng gà gáy làm cho những chú gà trống xung quanh ồn ả gáy theo. Sáng hôm sau, Ban lãnh đạo học tập và thầy hiệu trưởng Đặng Bá Đệ đã nghiêm khắc cảnh cáo dưới cờ cả tổ học sinh Thượng Phước.
Sau đợt học tập này, học sinh chúng tôi được bố trí làm công tác thuế nông nghiệp và tham gia “đấu” mấy “vị nhà giàu” trong xã.

Câu chuyện thứ ba. Nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng.

Ông ngoại tôi là một nhà nho uyên thâm. Có lần chúng tôi được nghe Ông ngoại nói câu: nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng. Trong bốn con vật khổng lồ đó thì nhất điểu (chim) là loài động vật lớn nhất. Ông kể: có một lần, trời đang yên hàn, nắng soi rực rỡ, bỗng nghe tiếng gió rít và trời thì tối sầm lại, cây cối trong nương nghiêng ngả. Vài phút trôi qua, nhìn lên trời thì thấy một con chim bay từ rừng bay ra biển. Ông nói rằng trong dân gian có câu hát ru em: Con chim đại bàng bay qua hòn Núi Bạc/Con cá ngư ông nó móng nước ngoài khơi… Có thể đây là con chim mà Tiểu đoàn Lê Dương của Pháp về qua Madagascar (cũng là thuộc địa của Pháp) thì có một con chim rất to cứ bay theo đoàn tàu. Người chỉ huy cho lính lấy một cái mỏ neo nhỏ làm lưỡi câu, mắc vào đó một tảng thịt ngựa to, thả xuống biển. Vừa mới thả xuống thì con chim đó sà xuống đớp ngay cục thịt và nuốt vào họng, mang theo cả cái dây cáp bằng thép. Tàu tăng tốc độ, kéo theo con chim là là trên mặt biển. Đi khoảng hơn ba hải lý thì chim đuối. Tàu chạy chậm lại và đề phòng chim có thể còn sống nên chỉ huy đã cho xả súng bắn chết. Thịt con chim này cung cấp thực phẩm cho cả tiểu đoàn. Về tới Đông Dương mà vẫn còn một ít đem biếu cấp trên.
Điểu đây còn có thể là con chim mà Tiểu đoàn Lê dương của Pháp đi đánh hụt phát xít Hitler trở về qua Madagascar đã câu được chăng?

Nhì ngư (cá). Trong câu hát ru trên: Con cá ngư ông nó móng nước ngoài khơi, gồm cả điểu và ngư. Con cá ngư ông chính là con cá voi mà năm nào, cứ tới mùa rét thì có con cá này trôi vào bờ biển nước ta. Dân vùng ven biển thường tổ chức mai táng cá voi rất trọng thể. Có nhiều làng lập hẳn nhà thờ để thờ Ông Nam Hải, tức Cá voi.
Vừa qua, tại bờ biển Nghệ An, làng Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu có con cá voi dài 13 mét, nặng 15 tấn vào bờ, mắc cạn. Dân làng phải huy động 3 xe xúc đào rãnh lấy nước và hàng trăm người tham gia xô đẩy cá voi trở về biển. Ở Canada lại có nghề săn bắt cá voi để lấy thịt, có con nặng trên 20 tấn.
Cá voi thuộc giới Động vật, ngành Chordata, lớp Mammalia, phân lớp Eutheria, Bộ Cá voi, chúng thuộc về phân bộ Odontoceti (cá voi có răng). Phân bộ này cũng bao gồm siêu họ cá nhà táng, cá hổ kình, cá voi hoa tiêu, và cá voi trắng. Phân bộ cá voi khác bao gồm Mysticeti. Phân bộ này cũng bao gồm cá voi xanh, cá voi lưng gù, the bowhead whale và minke whale. Cá voi xanh, cá voi vây, cá voi xám, cá voi trắng, cá hổ kình.
Năm 1954, tôi tập kết ra Bắc. Lính bộ đội địa phương Quảng Trị và Thừa Thiên hành quân bộ. Đến làng Cảnh Dương, thì nghỉ đêm. Ban chỉ huy cho chiến sĩ vào thăm lăng Ông Cá voi. Làng Cảnh Dương vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn hai bộ xương cá voi tại đình làng. Bộ xương chứa chật một gian nhà. Mảnh xương sườn dài đến 2m, còn đốt xương sống to bằng cái mâm nhôm.
 Bài hát chèo cạn hát trong lễ tế đức Ông của làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch - Quảng Bình) có những câu:

                       Nay mừng mở hội Cầu Xuân.
                        Trời sinh Thánh thượng Duy Tân trị vì.
                        Trời yên, biển lặng bốn bề,
                        Đức Ông thượng thọ nước về cõi tiên.
                        Lênh đênh mặt nước bao miền.
                        Tìm nơi đất tốt, dân hiền ghé vô.
                        Xuân sang lai láng biển hồ.
                        Ngư dân trông thấy rước vô lạch nhà.
                        Tưng bừng nổi trống, kết hoa.
                        Nghe tin làng nước gần xa đón mừng.

Tam xà (rắn). Tôi còn nhớ trận lụt năm Thìn 1952. Núi rừng Trường Sơn sạt lở rất nhiều. Có nhiều bản sụt hẳn xuống sông, mang theo cây cối, nhà cửa, trâu bò và các loài động vật khác…Trôi trên sông Hương có một con rắn to. To như thế nào thì bây giờ khó cân đong đo đếm được. Chỉ biết rằng khi trôi về đến cầu Bạch Hổ thì đám cây rừng bị mắc kẹt, không trôi qua được mấy trụ cầu. Người dân phát hiện trong đám lá rừng đó có một con rắn khổng lồ. Được tin, tên quan hai chỉ huy đồn Kim Long cho bố trí mấy khẩu đại liên cả hai bờ bắc và bờ nam, rồi cho xả súng vào chỗ có con rắn. Chuyện có thật hay không thì tôi không được biết tường tận mà chỉ nghe thiên hạ đồn thổi mà thôi.
Nhưng chuyện rắn to (mãng xà vương) thì miệt rừng U Minh có rất nhiều. Trừ những chuyện vui Bác Ba Phi kể, không mấy đáng tin thì vẫn có những con rắn thật mà người dân đã từng chứng kiến. Bác Ba Phi - một kỳ lão xứ U Minh vốn nổi tiếng về tài nói khoác, có đoạn viết: “Hồi xưa trong rừng U Minh Hạ có những con rắn hổ mây khổng lồ không biết sống từ thời nào, chỉ biết khi nó say mồi nằm ngủ trong rừng, mấy ông thợ săn len lén tới ôm thử thì chu vi vòng bụng hết ba vòng tay người lớn. Con rắn giật mình thức dậy, đầu cất cao khỏi ngọn cây rừng, há miệng toang hoác khiến chim chóc tưởng thân cây nên đậu trên đầu và làm tổ trong miệng, bị nuốt chửng”.
Những bậc cao niên ở U Minh Hạ cam đoan rằng nơi đây chính là vương quốc bất khả xâm phạm của loài rắn hổ mây khổng lồ, loài vật được tôn là "mãng xà vương" của rừng U Minh đã truyền tụng qua hàng trăm năm. Những người từng gắn bó lâu năm dưới tán rừng tràm U Minh Hạ cũng quả quyết rằng nếu trừ đi những phần thêm mắm dặm muối của bác Ba Phi thì câu chuyện về những con rắn hổ mây khổng lồ của rừng U Minh là hoàn toàn có thật.

Tứ tượng (voi). Từ trước tới nay dân ta vốn coi voi là con vật to nhất. Đồng bào thượng du, phần lớn ở mạn rừng Trường Sơn, đã biết săn bắt, dụ dỗ, thuần dưỡng voi rừng. Voi được coi là người bạn thân thiết của con người, giúp con người kéo gỗ từ rừng sâu ra bãi trống. Ở Trung Hoa lại có chuyện vua Thuấn cày bằng voi (theo câu Phá đề “Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi”, bài Từ Thứ quy Tào của Tôn Thọ Tường).    
Vào cuối thời nhà Nguyễn, triều Bảo Đại là ông vua thích đi săn nhất. Bảo Đại cho làm những con đường riêng để đi săn. Ở Quảng Trị có con đường mang tên Vĩnh Thụy chạy song song với Quốc lộ 9, từ ngả ba Lai Phước Quốc lộ 1A lên Cùa – nơi có căn cứ Tân Sở - của vua Hàm Nghi phát Chiếu Cần vương. Ở Đà Lạt có con đường vành đai vòng quanh xứ sở sương mù chỉ để giành riêng cho Bảo Đại đi săn.
Voi Việt Nam cũng giống như Voi châu Á, cặp ngà voi dài. Thân cũng không lớn bằng các loài voi châu Phi, ăn các loài thực vật chủ yếu trái cây, thân các cây mềm như cây chuối, mía v v…
Voi đồng cỏ châu Phi hoặc còn gọi là Voi bụi rậm châu Phi, Voi xavan (Loxodonta africana) là một trong hai loài trong Chi Voi châu Phi (Loxodonta) cùng với Voi rừng châu Phi (Loxodonta cyclotis). Đây là loài lớn nhất còn sống của Bộ Có vòi (Probosidea) và là loài động vật lớn nhất trên mặt đất ngày nay. Một dạng đặc thù của loài này là những con voi sa mạc sống trong các vùng sa mạc khô cằn. Những con voi đực to lớn có thể có khối lượng cơ thể lên tới 7,5 tấn và cao trên 4 m. Những con voi cái nhỏ nhất thì chỉ cao 2,7 m và nặng 3 tấn. Nhìn chung với tầm vóc khổng lồ của mình, trên thảo nguyên châu Phi hầu như voi rừng không bị động vật nào gây hấn, kể cả những mãnh thú săn mồi, tuy nhiên voi rừng cũng dễ bị đàn sư tử giết chết nếu đi lạc vào lãnh địa của sư tử.
Voi đồng cỏ châu Phi có tai to nhất trong các loài voi. Vòi của chúng có 2 ngón tay chứ không phải 1 như ở Voi châu Á (Elephas maximus). Ngà Voi đồng cỏ châu Phi dài tới 3 m và nặng khoảng 15–20 kg. Cả voi đực và voi cái đều có ngà. Chúng có bốn cái răng hàm lớn, mỗi hàm có hai cái, mỗi cái có đường kính 10 cm và dài 30 cm.
Người dân Tây Nguyên khi vào mùa đều tổ chức các lễ hội đua voi, để vào mùa mới. Các dân tộc M'Nông, Êđê, Gia Rai. Lễ hội đua voi ngày nay cũng còn lại tổ chức khá ít, vì nhiều nguyên nhân như: Không gian vui chơi, lượng voi ít, quản tượng chạy theo thị trường. Thợ săn voi không có nghề, các chàng trai săn voi Buôn Đôn giờ ngồi trên lưng voi bị xích, chỉ huy nó đi một trăm mét tới, quay lại, đi một trăm mét về chỗ cũ.
Vua voi Ama Kông chuyển sang bán thuốc "hạnh phúc gia đình" và thu tiền người chụp ảnh mình và chụp ảnh với mình
Bản Đôn được xem là nơi vương quốc loài voi ở tỉnh Đắk Lắk là nơi có đàn voi rừng và voi nhà nhiều nhất Việt Nam với số lượng khoảng 80 - 110 con voi rừng và 61 con voi nhà. Đàn voi rừng và voi nhà đang ngày càng giảm sút số lượng và đứng trước nguy cơ chỉ còn trong huyền thoại.
Tỉnh Đắk Lắk có đề án thành lập một trung tâm bảo tồn voi với quy mô 200 ha tại Vườn quốc gia Yok Đôn.
(Bên bờ Phước Long Giang, ngày cơn bão số 14 vào tàn phá Khánh Hòa và Ninh Thuận. Ngày 19/11/2017).

                                                                        Nhà thơ Xuân Bảo

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

210. MỪNG SINH NHẬT NGUYỄN THÚY MINH.

           210. MỪNG SINH NHẬT VỢ lần thứ 77. (6/11/1941 –6/11/2017)

Ngày 6 tháng 11 là Ngày sinh của nhà tôi, tôi viết bài này để ôn lại một thời gian khó nhưng hào hùng và cũng để chúc mừng sinh nhật vợ tôi.
Mấy hôm nay các con cháu của chúng tôi háo hức chờ đón Sinh nhật của Bà cố, Bà nội, Bà ngoại và Mẹ Nguyễn Thúy Minh. Cháu ngoại Trịnh Ngọc Hương Nam đưa Ông Bà đi chụp ảnh phục dựng Ngày cưới. Mấy chiếc áo dài gấm thất thể Thượng Hải may từ năm 1960 cho Ngày cưới của chúng tôi thì có một chiếc không mặc vừa, vì hồi đó chiếc áo màu bạc may đo vừa vặn số đo nên hơi bó một chút Đây là chiếc áo may năm 1957, tại hiệu may Phúc Trạch, phố Lương Văn Can, lúc nhà tôi tròn 17 tuổi, vóc dáng chưa béo mập cho lắm. Còn 2 chiếc kia thì may tại Trạm May mặc số 7 do anh Nguyễn Văn Ớt, tổ viên tổ may áo dài, người Phú Xuyên, một làng may áo ta nổi tiếng đo may. Số đo hơi rộng để dễ mặc. (Ảnh có trong bài ở Fb này).
Mặc dù đã trải qua 57 năm, mấy chiếc áo dài này vẫn giữ nguyên chất lượng, không mục, không mòn, màu sắc vẫn y nguyên không bị phai bạc. Tôi mặc bộ complet đúng mốt của người Hanoi, nhưng mà là may sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bộ cũ trong Ngày cưới tôi đã cho bạn từ hồi tôi chuyển vào nam công tác.
Nguyễn Thúy Hương, con gái út chúng tôi thì lo đặt tiệc ở nhà hàng Hoàng Quý. Trong tiệc có đủ bánh sinh nhật, hoa. Gia đình cậu cả Nguyễn Triệu Quang có mặt đầy đủ. Con gái thứ hai Nguyễn Thúy Ngọc thì đang vi vu tận bên trời châu Mỹ la-tinh. Hiện diện có đầy đủ gia đình Nguyễn Thúy Hương gồm: hai vợ chồng Trịnh Ngọc Hương Nam – Phan Vĩnh và 2 đứa con An Nhiên (Andy) và An Như (Apple), cháu Phạm Nguyễn Thúy Hà – đang học đại học và cháu Phạm Đình Long, đang học đá bóng ở Học viện Arsenal JMG Hoàng Anh Gia Lai.
Nhà tôi chỉ mặc bộ bà ba truyền thống Nam Bộ. Bữa tiệc diễn ra vui vẻ, có nhiều lời chúc Bà mạnh khỏe sống lâu! Như cái giàn bánh bao to đùng có 108 chiếc, tượng trưng, mong muốn nhà tôi sống được 108 năm trường thọ!
Nhân đây, tôi cho đăng lại 2 bài viết mừng thọ Nguyễn Thúy Minh mấy năm về trước.

 Năm 2013.
MỪNG SINH NHẬT NGUYỄN THÚY MINH
Hôm nay là ngày 6 tháng 11 năm 2013. Đúng vào ngày này cách đây 73 năm Nguyễn Thị Minh cất tiếng chào đời giữa Hà Nội – thủ đô ngàn năm văn hiến.
          May mắn thay là nhà tôi còn giữ được một văn bản thời thực dân phong kiến. Đó là Giấy lược sao khai sinh (bản sao kèm). Đây là chứng tích gần trăm năm đô hộ của “mẫu quốc Đại Pháp” còn sót lại hôm nay của chúng tôi. Xin lưu lại để làm kỷ niệm.
 Nội dung như sau:
 ÉTAT CIVILVIETNAMIEN/ HỘ TỊCH VIỆT NAM
 État du Viêt-Nam/ QUỐC GIA VIỆT NAM
Année/ Năm (1941)
 Số (3195)    TÒA THỊ-CHÍNH HÀ-NỘI
 Bulletin de naissance…/ Giấy lược sao khai sinh
Prénom et nom…/      Họ và tên: Nguyễn Thị Minh
Date de naissance…/ Ngày: Six Novembre 1941
Lieu de naissance…/Nơi sinh: 20 avenue du Grand Bouddha Hanoi
Fille…/ Là con. . . gái: Nguyễn Viết Điền.
Profession…/ Chức nghiệp: Tailleur
Et de…  Và: Nguyễn Thị Tỵ)
 Épouse…/ Là vợ: Premier rang 
Hà-nội, ngày 10 tháng 4 – 1951
 VIÊN COI VIỆC HỘ TỊCH
(L’ Officier de L’ État civil)
T.L Thị trưởng Chủ sự phòng Hộ tịch và Kiểm nhập
 ĐOÀN TRIỆU MAI
 (Ký và đóng dấu)
Có con niêm đề:
 THUẾ-thành phố.TAXES MUNICCIPAL. HAI ĐỒNG -2$00 và con dấu tròn ghi chung quanh vòng tròn dòng chữ QUỐC GIA VIỆT NAM (phía trên) và PHỦ BẮC VIỆT (phía dưới). Có hai chữ chung quanh vòng tròn mờ nên không đọc được. Phía trong vòng tròn là những chữ in THỊ CHÍNH HA NOI – HỘ TỊCH.

Nhớ lại ngày này hơn 50 năm về trước. Tôi đã viết bài thơ tặng vợ chưa cưới là Thúy Minh có nhan đề là NGUYỆN:

 Nguyện cùng em đi cùng trời cuối đất
 Nguyện cùng em có nhau lúc vui buồn
 Nguyện cùng em lúc sống và khi chết
 Được như thế có hạnh phúc nào hơn

 Và giờ đây khi cả hai chúng tôi tuổi đã nghiêng về phía hoàng hôn, có với nhau ba người con, một trai và hai gái, có tám cháu nội ngoại và hai chắt ngoại. Chúng tôi đã giữ trọn lời nguyện ước khi xưa. Tôi chúc mừng ngày sinh của Thúy Minh bằng những hoài niệm đẹp của chúng tôi sống giữa lòng Hà Nội thân yêu: Chúc em trẻ và đẹp mãi mãi!
Nhân đây tôi cho đăng tải bài viết của Phạm Nguyễn Thúy Hà – cháu ngoại của ông bà – nhân Sinh nhật bà ngoại Nguyễn Thúy Minh - Ngày 6/11/2013: mừng Bà 73 tuổi.
          Happy bday to my grandmama
      Là ngày mai lận, nhưng hôm nay phải ngồi ghi ghi vì không có thời gian aigooo~
Theo lời Bà nội:" Bà ngoại là nhất đấy, bà đúng là con gái Hà Nội nguyên mẫu ,giỏi giang, đảm đang, chịu khó, thương con thương cháu thế cơ. Bà nội cũng là người Hà Nội nhưng còn phải phục Bà ngoại..."
Bà ngoại thì suốt ngày "cháu bà nội tội bà ngoại chứ báu gì". Đứa nào cũng suốt ngày bà, cái gì cũng kêu bà ,muốn gì cũng bà, ăn cũng kêu, tắm cũng kêu rồi bà điên lên " chúng mày cứ coi như tao chết rồi đấy, bà suốt..."
Không kêu không được mà, sinh ra đã có bà kè kè bên cạnh, bà chăm bà bồng, tới lớn đi đâu cũng thích đi với bà, ở với bà.
Bà khó tính, kĩ tính, gia giáo chuẩn mực kiểu Bắc Kì thế đó, nhưng thương con cháu thì vô đối rồi... Thiệt là thương bà bự vô cực mà, nhưng bà lại thêm 1 tuổi rồi... Hmmm...
         Ôi thì nói sao cho hết. Chỉ là: Bà ngoại của Hà tuyệt nhất.

         ***
Năm 2014.
Trên Blog của Nguyễn Xuân Bảo có bài số131:

MỪNG SINH NHẬT NGUYỄN THÚY MINH (6-11-1941 –6-11-2014).

Hôm nay là ngày sinh nhật lần thứ 74 của vợ tôi, người gốc Hà Nội chính kinh, con nhà tư sản Tân Việt được đưa vào diện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh những năm đầu khi Hà Nội mới được giải phóng khoảng từ năm 1954 đến năm1959. Ông bà Tân Việt có hiệu may ở phố Tràng Tiền và hiệu Cơm tám giò chả Tân Việt nổi tiếng ở 60A phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, khu Hai Bà, nay là quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
 Hôm qua trên blog của tôi có bài Vụ án dân sự từ một bài thơ của nữ sĩ Ngân Giang, tôi có nhắc đến sự kiện tôi bị nhốt vào nhà pha Hỏa lò Hà Nội, đúng 100 ngày chẵn (Ra đi Đoan ngọ khi về Trung thu )vì dính dáng đến văn chương và báo chí. Trong ngục tù tôi có làm 2 bài thơ.


Bài thứ nhất:
Trưa tù im ắng hơn đêm tịch
Thời gian khắc khoải kéo triền miên
Buồn như chấu cắn, sầu như chết
Máu loạn tim trào ta muốn điên

bài thứ hai là để biết ơn vợ không quản nhọc nhằn đến kỳ là mang đồ tiếp tế vào cho tôi gồm thuốc lá, muối vừng lạc và một ít ruốc thịt lợn:

Mạnh Thường Quân đãi ba nghìn tân khách
Cũng không bằng một lần tiếp tế của em
Vì tiếp tế qua nhiều lần cửa sắt
Trong ngục tù anh mong đợi từng đêm

          Hôm nay, chúng tôi đã lên chức Cụ, có cháu cố. Các con cháu nhân ngày mừng sinh nhật vợ tôi đã mua rất nhiều hoa để tặng Bà.
          Tôi viết những dòng này để bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành: Cụ ông Nguyễn Viết Điền và Cụ bà Nguyễn Thị Tỵ đã sinh ra một người con gái vừa đảm việc nhà và tròn việc nước. Bà Nguyễn Thúy Minh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì. Và cũng để biết ơn người vợ thủy chung gắn bó tình nghĩa phu thê đã trên nửa thế kỷ qua.
          Đáng lẽ tôi có thơ tăng vợ, nhưng để kịp thời chúc mừng sinh nhật Nguyễn Thúy Minh, tôi vội viết những dòng này.

       Phường Quyết Thắng-Biên Hòa, chiều 6/11/2014

Bài viết này tôi đưa lên Fb và blog. Nguyễn Xuân Bảo số 210, ngày 12/11/2017.



                                       (Bên bờ Phước Long Giang, khi APEC 2017 đã bế mạc và cơn bão số 13 tên                                          Quốc tế Haikui đang rình rập ngoài biển Đông)

Nhà thơ Xuân Bảo