Trang

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

202. Bỗng dưng nhớ nhà thơ Võ Nguyện (Tú Thịt Hộp)

202. BỖNG DƯNG NHỚ VÕ NGUYỆN (nhà thơ TÚ THỊT HỘP)

Tôi đang viết cái phóng sự điều tra về NGÔI NHÀ 60A PHỐ HUẾ, HÀ NỘI, khi viết đến đoạn “những điều ngang ngược của những vị chức sắc thành phố Hà Nội”, bỗng dưng tôi nhớ tới nhà thơ trào phúng Tú Thịt Hộp, khi ông còn sống và ông đã viết một loạt bài để chống thói cửa quyền, đàn áp dân chủ trong Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai và đã đăng trên blog Văn Biên Hòa của ông, nhà thơ Võ Nguyện. Tôi bỗng nhớ đến ngoài tài thơ trào phúng, ông còn là một nhà thơ biết thẩm thơ một cách thâm thúy. Tôi xin đăng lại hầu bạn đọc bài bình Lộng ánh trăng giêng, giới thiệu tập thơ Trăng Giêng của nhà thơ Xuân Bảo do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2007, cũng là để kỷ niệm 10 năm tập Trăng Giêng ra đời.
LỘNG ÁNH TRĂNG GIÊNG
Trăng Giêng là trăng Nguyên Tiêu, là trăng của tháng mở đầu năm mới. Xuân Bảo đã hòa mình vào ánh trăng khai xuân ấy để cho ta thấy cả một trời trăng non nước diệu kỳ:
Lồng lộng trăng soi khắp mọi miền
Qua rồi bão tố, bến bình yên
                              (Trăng Giêng)
Ánh Trăng Giêng của Xuân Bảo như bước ra từ vầng trăng Nguyên Tiêu của Bác:
Thơ Bác nghìn sau vang vọng mãi
Non song ngời ngợi ánh trăng rằm
                             (Khấn Nguyên Tiêu)
Ánh trăng đó đã hòa quyện cùng đất nước, sáng bừng sắc màu hội họa dưới cái nhìn của người thơ lung linh tỏa sáng:
Ánh dương rắc hạt sáng đường trần
Én vẽ trời xanh nét nét xuân
                             (Nét Xuân)
Và trăng ngất ngây trong hòa âm của đêm “tưng bừng”:
Trăng lên sóng dậy cuộn đôi bờ
Non nước tưng bùng rộn tiếng tơ
                             (Thơ với Ngày Thơ)
Trăng trong thơ Xuân Bảo là cả non sông Việt Nam đang vào vận hội mới. Là:
Tượng đài uy nghiêm vời vợi trời cao
Nâng bước chân ta, đường lên chín bậc
                   (Về thăm Xuân Lộc chiến trường xưa)
hương thơm quấn quýt của trà B’ Lao dịu dàng, là chín sắc cầu vồng Đà Lạt mộng mơ, là triệu triệu chồi tơ Nông trường Cẩm Mỹ mà lớp lớp cháu con đang dựng xây và thừa hưởng hôm nay.
Dịu dàng đêm Cẩm Mỹ
Ta đưa nhau vào miền Sơn Thủy
Để quên đi ngày tháng nhọc nhằn
Rạng rỡ mai vàng
Một nét duyên xuân
                             (Diu dàng đêm Cẩm Mỹ)
Nhìn trăng nay lại nhớ trăng xưa là sức liên tưởng cố hữu của nhà thơ. Ôi! Lòng người có thể đổi thay nhưng vầng trăng năm xưa thì vẫn vậy, vẫn đợi chờ soi tỏ ngày chúng mình gặp lại nhau:
Trăng nghiêng vít xuống ghi lời hẹn
Chung thủy tình ta đến bạc đầu
                             (Vít bóng trăng nghiêng)
Nhà thơ như vừa đi vừa nhặt nhạnh “những hạt bụi vàng” để góp phần tô đẹp ánh trăng đời. Có một đêm góc rừng Trường Sơn, chợt bàng hoàng nhận ra:
Lầm lũi đoàn quân ra chiến trận
Trường Sơn còn sót ánh trăng rơi
                             (Tiếng gọi đò)
Một ánh trăng rơi, thật sự là hạt bụi để đúc nên những: “Bông hồng vàng”
Khắc họa hình tượng và gợi mở tư duy là thế mạnh của Xuân Bảo. Tuy nhiên nếu anh uyển chuyển đôi chút thì sức cuốn hút còn mạnh mẽ hơn. Toàn tập, bài nào cũng ngắn gọn dễ nhớ nhưng cũng chính thế mà ta thấy thòm thèm.
Có điều trong cái đêm trăng giêng ấy ta vẫn thấy người thơ mong mỏi một tiếng gà báo hiệu nhân loại hết cơn hăm he của đại dịch bằng những câu cực ngắn:
Chim vể ríu rít
Thức dậy nắng ban mai
Mầm sống
 Sinh sôi
                             (Xốn xang nghe gà gáy)
Cái ít lại diễn đạt cái nhiều, sinh sôi nẩy nở. Hay đó cũng là một thế mạnh của Trăng Giêng – Xuân Bảo vậy?
                                                VÕ NGUYỆN
                                      Biên Hòa, 19-05-2007
Bên bờ Phước Long Giang, chiều ngày 26/6/2017
Nhà thơ Xuân Bảo


Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

201.. Thảm án Lệ Chi Viên đã được minh oan

Dân ta phải biết sử ta”.
      201.Bài 8.THẢM ÁN LỆ CHI VIÊN ĐÃ ĐƯỢC MINH OAN.

Vụ kỳ án Lệ Chi Viên năm 1442 xẩy ra đến ngày hôm nay .đúng 575 năm. Nhà sử học Phan Huy Lê đã phát biểu: “Còn những điều bí ẩn bị che đậy đằng sau vụ án oan khốc và bi thảm này mà chính vua Lê Thánh Tông chưa dám khám phá…nhưng chúng ta cũng đã đủ cơ sở khoa học để khẳng định cái chết thảm khốc của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ là âm mưu của một thế lực trong triều đình nhà Lê muốn trừ khử một tài năng quá lỗi lạc, một nhân cách quá cao thượng,luôn luôn đối nghịch và cản trở những việc làm mờ ám của chúng. Từ đó, chúng ta không những minh oan mà còn tôn vinh Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ”.
Thật vậy, một cuộc hội thảo khoa học được tổ chức tại Hà Nội ngày 19 tháng 12 năm 2002 gồm các nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Anh hùng lao động giáo sư Vũ Khiêu, Thượng tướng giáo sư Hoàng Minh Thảo, các giáo sư Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Phan Văn Các, sử gia Dương Trung Quốc và nhiều vị khác đã lên tiếng chiêu tuyết minh oan cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.
Trên văn đàn có đến hàng trăm tác phẩm viết về thảm án Lệ Chi Viên, trong đó có bài thơ theo thể Đường luật của người con xứ Huế - nhà thơ Võ Nguyện - đã khóc cho nỗi đau Vườn Vải và mừng oan trái được giải oan:
          Sáu trăm năm mới tỏ oan này
          Cung cấm để gà mái gáy mai
          Vườn Vải đau, đầu rơi máu chảy
          Núi Côn buồn trúc chẻ tro bay
          Quăng nơm vứt ná quân bôi mặt
          Mượn gió bẻ măng lũ giấu tay
          Gẩy một khúc đàn mừng nguyệt lộ
          Ô hô! Nữ sắc gớm ghê thay.
                                                                  (Lệ Chi Viên khốc)
               
Và nhà thơ Xuân Bảo có bài thơ Sâm cầm Hồ Tây:
Hồ Tây thăm thẳm nước xanh mơ
Thấp thoáng hồn ai bóng tỏ mờ
Thị Lộ hàm oan tình chẳng rõ
Ức Trai hứng chịu nạn không ngờ
Chuông chùa Trấn Quốc vang từ đấy
Mõ điện Ngọc Hoa vọng đến giờ
Đêm xuống sâm cầm kêu thống thiết
Chạnh lòng liễu rủ đứng chơ vơ
                                     ***
Nguyễn Thị Lộ (? - 1442), lúc ấu thơ có tên là Gấm, là một một nữ quan triều Lê sơ và là người vợ lẽ của Nguyễn Trãi, một danh nhân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi bà từ lâu đã gắn liền với vụ thảm án Lệ Chi Viên dẫn đến cái chết của vợ chồng bà và cái án tru di tam tộc cho dòng họ Nguyễn Trãi.
Chưa có nhiều tài liệu rõ ràng về xuất thân của bà. Bà được cho là sinh tại làng Hải Hồ (sau đổi là làng Hải Triều, tục gọi làng Hới), tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Về năm sinh của bà, có hai giả thiết giữa năm 1400 và 1390.
Cha bà là Nguyễn Mỗ, làm nghề thầy thuốc. Ông nội là một nhà Nho dạy học. Nhờ tư chất thông minh, lại được cha cho đi học lúc 4 tuổi, 6 tuổi chính thức nhập môn nên bà sớm thông hiểu các kinh sách (Tứ thư, Ngũ kinh). Năm lên 13, 14 bà không những đã biết dệt chiếu đẹp mà còn tự mình đi khắp nơi để bán, có khi tới tận kinh đô Thăng Long. Ngoài ra, bà lại biết làm thơ. Bà còn nổi tiếng là một người xinh đẹp.
Sau khi cha đi phu bị quân Minh giết, bà cùng mẹ tần tảo nuôi dạy các em.

                                                   ***
Trong một lần lên kinh thành Thăng Long, Nguyễn Thị Lộ đã gặp Nguyễn Trãi. Cuộc hội ngộ này để lại giai thoại về một bài thơ mà cho đến nay, người Việt Nam nào cũng biết:
Ả ở nơi đâu bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa, được mấy con?
Đáp rằng:
Tôi ở Hải Hồ bán chiếu gon
Chuyện chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, hỏi chi con?
Những câu thơ bất hủ ấy đã nên duyên chồng vợ giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, còn truyền tụng mãi cho hậu thế hôm nay. Chỉ những điều ít ỏi đó thôi chứng tỏ Nguyễn Thị Lộ không những có sắc mà còn có tài. Vừa có sắc vừa có tài nên mới được Lê Thái Tông – ông vua thứ hai đời hậu Lê vời vào cung và ban tước Lễ nghi học sĩ. Có thể nói đây là nhà giáo nữ đầu tiên của nước ta.
                                                  ***
Cuối năm 1427, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng. Sang năm 1428, thủ lĩnh Lê Lợi lên ngôi vua (tức Lê Thái Tổ), Nguyễn Trãi được phong tước hầu. Nhưng rồi những mâu thuẫn nội bộ triều đình dẫn đến việc sát hại công thần (Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo), và bản thân Nguyễn Trãi cũng bị bắt giam. Tuy sau đó, ông được tha nhưng không còn được tin dùng như trước.
Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, thái tử Nguyên Long lên nối ngôi, tức là Lê Thái Tông. Nghe tiếng Nguyễn Thị Lộ, nhà vua cho vời bà vào cung ban chức Lễ nghi học sĩ, phụng chỉ để dạy dỗ cung nữ. Sử thần Phan Huy Chú chép: "Khi ông (Nguyễn Trãi) lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh (Nguyễn Thị Lộ) đều được dự nhuận sắc. Thái Tông nghe tiếng, vời nàng về hầu cho làm Lễ nghi học sĩ".
 Ở cương vị này, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được sử thần nhà Lê là Vũ Quỳnh khen là: "Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước"...
Năm 1439, Nguyễn Trãi và bà xin về ở  ẩn Côn Sơn, nhưng đến năm sau thì cả hai lại được nhà vua mời ra giúp việc nước. Năm 1441, trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép việc liên quan đến bà như sau: Mùa thu, tháng 3 năm Tân Dậu (1441)...Bắt giam hạng đàn bà ngỗ nghịch, đó là làm theo kế của Nguyễn Thị Lộ. Nhưng chỉ một năm sau đó (1442), giữa lúc vợ chồng bà đang gánh vác việc nước thì tai họa bỗng đổ ập xuống.
Vua Lê Thái Tông vốn là người ham sắc, có nhiều vợ, chỉ trong 2 năm sinh liền 4 hoàng tử. Các bà vợ tranh chấp ngôi thái tử cho con mình nên trong triều xảy ra xung đột. Vua truất Hoàng hậu Dương Thị Bí và ngôi thái tử của con bà là Lê Nghi Dân lên 2 tuổi, lập Nguyễn Thị Anh làm Hoàng hậu và cho con của bà này là Lê Bang Cơ chưa đầy 1 tuổi làm thái tử. Cùng lúc đó một bà vợ khác của vua là Ngô Thị Ngọc Dao lại sắp sinh, Nguyễn Thị Anh sợ đến lượt mẹ con mình bị phế nên tìm cách hại bà Ngọc Dao. Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ và tìm cách cứu bà Ngọc Dao đem nuôi giấu, sau bà sinh được hoàng tử Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông sau này).
Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (27 tháng 7 năm 1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh (Hải Dương). Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, là nơi từng ở của mình. Rời Côn Sơn để về lại Thăng Long, ngày 4 tháng 8 âm lịch nhà vua và đoàn tùy tùng đến Lệ Chi Viên, (Gia Bình, Bắc Ninh). Theo sử cũ, thì nhà vua đã thức đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng. Liền sau đó, bà Lộ bị triều đình (do Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cầm đầu) sai người bắt giam và tra khảo.
Văn thần Phan Huy Chú chép: Kịp khi kết tội, lâm hình. Thị Lộ chạy gieo mình xuống nước. Nhưng theo Nguyễn Cẩm Xuyên, vì chịu không nổi cực hình, Nguyễn Thị Lộ phải khai nhận. Án được thi hành ngay: Nguyễn Thị Lộ bị bỏ vào cũi sắt dìm xuống sông cho chết. Bị kết tội đồng chủ mưu giết vua, Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc. Ông và cả ba họ ông bị xử chém vào ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (19 tháng 9 năm 1442).
Nhiều cuộc khảo cứu và tọa đàm khoa học đã được tổ chức nhằm minh oan cho bà. Dựa vào những kết quả thu lượm được, một số nhà nghiên cứu, dưới sự chủ biên của nhà giáo Hoàng Ðạo Chúc, đã biên soạn thành cuốn Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên (xuất bản năm 2004). Trong đó, một số nhà khoa học đã chỉ rõ, thủ mưu của vụ thảm án Lệ Chi Viên là Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, vốn rất căm oán Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ (hai người đã giúp bà phi Ngô Thị Ngọc Dao thoát khỏi âm mưu sát hại của bà). Sâu xa hơn, đó còn là sự ghen ghét, đố kỵ của một số không nhỏ quan lại trong triều lúc bấy giờ trước tài năng và tính tình cương trực của Nguyễn Trãi.
Về phần Nguyễn Thị Lộ, các nhà khoa học cũng đã đề xuất rằng: Cần có sự công khai chiêu tuyết (làm sáng tỏ nỗi oan) cho bà. Chế độ phong kiến cũ đã không làm được việc đó thì ngày nay chúng ta phải làm được việc đó thông qua việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử dân tộc một cách trung thực và khoa học. Vì bà cũng là người tài hoa trong văn học, sắc sảo trong chính trị, chu đáo trong ứng xử và thủy chung trong tình nghĩa. Lớn lao hơn, bà còn là người đã dâng trọn cuộc đời phục vụ cho sự bền vững của vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông Ðại Việt.
Tháng 7 năm Giáp Thân (1464), Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tông ban chiếu minh oan. Nhân cơ hội này, dân làng đã lập miếu thờ bà Nguyễn Thị Lộ, nay thuộc thôn Khuyến Lương phường Trần Phú, Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Ngôi đền nằm cạnh đê sông Hồng, và cách đền thờ Nguyễn Trãi chừng 500m. Trong đền hiện nay có một bức tượng và một tấm tranh vẽ bà. Hằng năm, vào ngày 16 tháng 8 âm lịch dân làng đều tổ chức lễ giỗ trọng thể. Ngoài ra, bà còn được thờ chung với Nguyễn Trãi ở xã Tân Lễ (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) và Lệ Chi Viên, nơi xảy ra vụ án nổi tiếng.
Trong văn học nghệ thuật Vụ án Lệ Chi Viên từng được thể hiện trong nhiều tác phẩm văn học, như: Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên của Hoàng Đạo Chúc (Nhà xuất bản. Văn hóa Thông tin, 2004), Trắng án Nguyễn Thị Lộ của Hoàng Quốc Hải (Nhà xuất bản. Phụ nữ, 2004), Nguyễn Thị Lộ, tiểu thuyết lịch sử của Hà Văn Thùy (Nhà xuất bản Văn học, 2007)...Trên sân khấu, có: vở cải lương Rạng ngọc Côn Sơn của Xuân Phong, vở chèo Oan khuất một thời của Lê Chức, vở kịch nói Bí mật Lệ Chi Viên của Hoàng Hữu Đản. Ngoài ra còn có phim tài liệu Bí mật vụ án Lệ Chi Viên từng được chiếu trên VTV1.
                                                  ***
Lê Thái Tông tức Lê Nguyên Long sinh ngày 10 tháng 11 năm 1423, đến khi đột tử ngày 4 tháng 8 năm 1442 thì mới có 18 tuổi, 10 tháng 24 ngày. Ông vua này lên ngôi lúc 10 tuổi, năm 1443, ở ngôi 9 năm.
Nguyễn Thị Lộ khi cùng Nguyễn Trãi đến Lam Sơn (1420) thì Nguyễn Trãi đã 40 tuổi (1380-1420) và Lộ kém Trãi khoảng 10 đến 15 tuổi (giả thiết) thì Nguyễn Thị Lộ cũng khoảng 20 đến 25 tuổi. So với Nguyên Long thì bà Lộ cao tuổi hơn tới 30 năm. Tình cảm giữa Lê Thái Tông với bà Lộ là tình cảm của một người bảo mẫu mà thôi! Không có chuyện ăn nằm bậy bạ.
Sử thần Ngô Sĩ Liên đã lạnh lùng viết một câu trong Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục, Kỷ nhà Lê, (trang 183, 184) như sau:
“…Tháng 8, ngày mồng 4, vua về đến vườn Lệ Chi, huyện Gia Định*, bỗng bị bệnh ác rồi băng. Trước đây, vua thích vợ của thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung cho làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi xã Đại Lai trên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng…” Ai tai! Sử thần?
Sau này, khi Lê Thánh Tông lên ngôi đã có lần nhiếc mắng Ngô Sĩ Liên thậm tệ: “Vua dụ bảo, Ngự sử đài là Ngô sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ rằng: Ta mới coi nhân sự, sửa đổi đức tính, tuân theo điển cũ của Thánh Tổ Thần Tôn nên mới đầu xuân tế Giao, ngược lại bảo tổ tôn đặt ra tế Giao cũng không đáng theo. Ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang đời xưa, thế là người theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại khi Lệ Đức hầu cướp ngôi, Sĩ Liên không giữ chức Ngự sử đấy sao? Ưu đãi long trọng lắm. Nhân Thọ không dự trong triều chính đấy sao? Chức nhiệm cao lắm. Nay Lệ Đức hầu bị tay ta mà mất nước, ngươi không biết vì ăn lộc mà chết theo, lại đi thờ ta. Nếu ta không nói ra trong lòng ngươi không tự xấu hổ mà chết ư? Thực là kẻ gian thần bán nước”… Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục, quyển XII, Kỷ nhà Lê, mục Thánh Tôn Thuần hoàng đế (Thượng), trang  248, tập 2.
Đã bao lâu rồi sử học còn mang một món nợ đối với lịch sử, đối với Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Rồi sẽ dần dần sáng tỏ, chúng ta con cháu của Ức Trai tiên sinh và nữ Lễ nghi học sĩ được phép:
“…Gẫy một khúc đàn mừng nguyệt lộ…”
Trước đây, vua Lý Công Uẩn chọn Đại Lai thuộc huyện Gia Định, lộ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) để xây dựng Hành cung,  đến đời nhà Lê đổi tên là cung Yên Hà. Vua Lê Thái Tông trọng dụng đại thần Nguyễn Trãi, giao cho cai quản vùng Đông Bắc và cung Yên Hà. Khi sinh sống ở đây, Nguyễn Trãi đã trồng rất nhiều vải.
Bị đặt điều, xàm tấu, nhà Lê vu cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tội giết vua còn Nguyễn Trãi là chủ mưu với hình phạt tru di tam tộc, gây ra vụ án oan kinh động nước Đại Việt ngày ấy! Vì thế, người đời sau không muốn nhắc đến cung Yên Hà mà chỉ gọi là Lệ Chi Viên (Vườn Vải).
Hai mươi hai năm sau, năm 1464, khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi đã xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi. Ngay sau đó, nhân dân ta đã lập đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ tại Lệ Chi Viên.
Lệ Chi Viên nằm gần trung tâm một vùng đất Kinh Bắc dày đặc trầm tích văn hóa - lịch sử lâu đời vào bậc nhất của nước ta… Sau những biến cố lịch sử với những cuộc chiến tranh kéo dài, sự tàn phá của thiên nhiên, Lệ Chi Viên xuống cấp, di tích hầu như đã không còn gì nữa. Vào thời điểm năm 2008, Lệ Chi Viên chỉ còn lại một miếu thờ nhỏ đổ nát và mấy cây cổ thụ quanh miếu…
Lịch sử đã minh oan cho những danh thần và hôm nay, những con người đương đại cố gắng gìn giữ di tích, tiếp thêm ngọn lửa truyền thống nhớ về cội nguồn. Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc đã dành trọn đời mình sưu tầm tư liệu, tìm kiếm lại những dấu tích của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, lập nên “Hội những người kính yêu cụ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ”, cùng chung tay tu bổ lại các khu di tích, đặc biệt là Lệ Chị Viên. Ông và những cộng sự: nhà thơ Hoài Yên, tiến sĩ Đinh Công Vỹ… đã cho xuất bản cuốn sách Thảm án Lệ Chi Viên.
“Đây là nơi mà mỗi người con nước Việt khi tới thăm viếng sẽ thấm hơn công sức, máu xương của những người đã ngã xuống vì non sông đất nước. Mà một trong những ý tưởng ấy được gửi gắm qua biểu tượng “Giọt lệ Lệ Chi Viên” bằng đá hoa cương, đấy là giọt lệ của nhân dân xót thương cho nỗi oan khiên, còn là Trái tim nhân ái của người anh hùng dân tộc còn mãi với thời gian, như luôn nhắc nhở chúng ta phải biết sống, biết yêu thương, biết tha thứ khoan dung, nhân ái. Bởi những người anh hùng của dân tộc ấy không bao giờ khóc cho riêng mình, mà khóc bằng dòng máu thắm hồng cho nỗi khổ đau của muôn dân trong hành trình nhân thế”.
 Đến với Lệ Chi Viên, từ sông Lai tới Bến Cả; từ vườn Quan tới vườn Rậm; từ khu Ba Tòa tới Màn Đông, đến Màn Tiên rồi tới Lửa Đền, Cầu Táo, Bến Cống,...tất cả đã và đang được những con người yêu chính nghĩa, quý trọng giá trị thời gian “tái sinh” lại. Vườn Vải xưa đang “hồi sinh” bởi hàng nghìn cây vải từ khắp nơi được đưa về Lệ Chi Viên trồng, tất cả đều mang một ước nguyện khôi phục vườn vải.
Ngôi phụ tinh chói lọi bên ánh sao Khuê rực rỡ đã được chiêu tuyết và nhân dân ta thờ phượng hương khói với tấm lòng thành kính vô biên.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 19/6/2017,
Nhà thơ Xuân Bảo (biên khảo)









Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

200. Bài 7. Nguyên phi Ỷ Lan.

Baì 7. NGUYÊN PHI Ỷ LAN.

Từ nguyên: Ỷ là dựa vào. Lan là cây lan.
Ỷ Lan hay còn gọi là Linh Nhân Hoàng thái hậu, là phi tần của hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam, từ 1063 đến 1117.

Ỷ Lan – có thuyết cho rằng tên thật của bà là Lê Thị Yến Loan – là một cô gái hái dâu, chăn tằm ở ngoại thành Thăng Long thời Lý. Ỷ Lan ra đời ở làng Thổ Lỗi (làng Sủi sau đổi là Siêu Loại, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm – Hà Nội) – năm nào không rõ, sử sách chỉ ghi lờ mờ: bà mất ở kinh thành Thăng Long vào năm 1117 – trên dưới 70 tuổi – thời Lý Nhân Tông. Sách Mộng khê bút đàm của Thẩm Hoạt có chép “Nhật Tôn (tức Lý Thánh Tông) mất, Càn Đức (Lý Nhân Tông) lên, dùng quan là Lý Thượng Cát (Lý Thường Kiệt) và mẹ là thái phi Lê Thị Yến Loan cùng coi việc nước”.
Chuyện Yến Loan nhập cung vua Lý, đó là một giai thoại người người đều nghe, đều biết. Thuở ấy vào năm Quý Mão (1063) Lý Thánh Tông đã đến bốn mươi tuổi. Vua chưa có con trai để truyền ngôi báu, đêm ngày triều thần lo ngại. Vua bèn thân hành đi cầu tự khắp các chùa chiền, miếu mạo nhưng không hiệu nghiệm, Lý Thánh Tông lo lắng cho triều đình nhà Lý và xã tắc Đại Việt. Một sớm mùa xuân, vua về viếng thăm chùa Dâu (tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).  Dân làng mở hội nghênh giá. Thánh Tông hoàng đế cùng hòa vào dân chúng trong hội làng đông vui. Trai gái, già trẻ các làng đều ra rước vua. Đoàn xa giá của vua đi đến đâu, các làng lân cận nô nức, đổ xô về phía ấy. Duy chỉ cô thôn nữ xinh đẹp của làng Sủi vẫn điềm nhiên hái dâu, xem việc ngự giá của vua không có quan hệ gì đến mình. Cô gái vẫn miệt mài bên bãi dâu, mặc cho đoàn ngự diễu qua. Lý Thánh Tông lấy làm lạ, bèn cho đòi người con gái có vẻ “kiêu căng” đang đứng bên nương dâu kề gốc lan ấy đến trước kiệu rồng để hỏi. Cô gái ung dung nhẹ nhàng tới quỳ tâu: Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ có đâu dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng”.
Vua thấy cô gái ăn mặc quê mùa, nhưng cử chỉ đoan trang dịu dàng, lời lời phong nhã, đối đáp phân minh, lễ nghĩa khác hẳn những người con gái mà vua đã từng gặp. Vua yêu vì sắc, trọng vì nết, nên cho cô gái theo long giá về kinh đô. Cô gái làng quê được đón về cung vua ấy là Yến Cô Nương xinh đẹp, nết na của làng Siêu-Loại (Sủi).

Nhưng Lý Thánh Tông là ông vua chăm việc nước, luôn luôn thân chinh dẹp giặc. Vua ít nhàn rỗi để ngự tới cung Ỷ Lan. Đương lúc cung Ỷ Lan vắng tiếng đàn, tiếng sáo, thì bỗng một hôm sau khi Thánh Tông đi trảy hội chùa Thổ Lỗi, cung Ỷ Lan lại nhộn nhịp hơn xưa. Yến Cô Nương nhờ “thông minh vốn sẵn tính trời” được học tập, trau dồi đã trở thành một cung phi “nổi danh tài sắc một thời” kinh sử làu thông, văn chương uyên bác. Lý Thánh Tông đem lòng yêu mến, phong làm Ỷ Lan phu nhân, lấy tên cung Ỷ Lan và cũng có ý kỷ niệm cô gái đứng tựa bên gốc lan, khi tuân lệnh đến bệ kiến buổi đầu ở làng Sủi.

Theo truyện thơ nói về Ỷ Lan có tên là "Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn" của Trương Thị Trong, thì bà có tên là Lê Khiết Nương. Tuy nhiên, hiệu của mẹ bà là "Tĩnh Nương", thì có thể "Khiết Nương" cũng chỉ là hiệu. Mà cũng có thể "nương" của cả hai ở đây chỉ là tiếng đệm theo tên (dùng cho nữ) theo gọi cách gọi của người xưa. Cũng có nguồn cho rằng bà có tên là Lê Yến. Một học giả người Tống là Thẩm Hoạt trong sách Mộng khê bút đàm (quyển thứ 2) ghi tên bà là Lê Thị Yến Loan, nhưng học giả Hoàng Xuân Hãn cho biết đó chỉ là cách phiên âm từ tên Ỷ Lan mà thôi. Cha bà họ Lê, có nguồn ghi tên là Lê Công Thiết, làm chức quan nhỏ ở kinh thành Thăng Long. Và mẹ bà, theo truyện thơ chỉ ghi hiệu là Tĩnh Nương, có nguồn ghi tên là Vũ Thị Tình, là một người làm ruộng tại hương Thổ Lỗi.
Đến năm Ỷ Lan 12 tuổi, thì mẹ ốm mất; cha lấy mẹ kế họ Đồng, nhưng ít lâu sau ông cũng qua đời. Kể từ đó, bà chung sống với người mẹ kế, và hai người rất thương quý nhau.

Bà đã hai lần đăng đàn nhiếp chính, khiến đất nước dưới triều Lý được hưng thịnh, những đóng góp cho hoàng triều Lý nhất là về Phật giáo và tài năng trị nước của bà đều được sử gia khen ngợi và tán dương. Tuy vậy, để có thể có quyền hành nhiếp chính đất nước, bà đã mưu kế dựa vào Lý Thường Kiệt, phế truất và sát hại Thái hậu nhiếp chính tiền nhiệm là Thượng Dương Hoàng thái hậu. Việc làm này đã gây nên nhiều tranh cãi xung quanh bà.


Năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ được một hoàng tử lấy tên là Kiền Đức. Kiền Đức trán cao, tay dài quá gối, thông minh, tuấn tú, vua càng yêu dấu hơn, Yến Loan được tôn là Ỷ Lan nguyên phi – đứng đầu các cung phi, sau thái hậu; con trai được lập làm thái tử.
Năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh giặc ngoại xâm. Trong khi vua cùng Lý Thường Kiệt ở ngoài biên cương, Ỷ Lan nguyên phi đảm đang, chăm lo quốc sự, trị nước điều khiển có kỷ cương khiến thần dân thán phục, cõi nước được yên vui. Lý Thánh Tông từ ngoài biên ải đánh trận lâu ngày không thắng, chán nản rút quân quay về. Về chưa đến nơi, nghe dân chúng Châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hải Hưng) ca ngợi nguyên phi Ỷ Lan ở nhà trị nước rất giỏi, lòng dân cảm hóa, được suy tôn là bà Quan Âm, vua Thánh Tông tự trách mình: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông há thua sao! Bèn quay lại đánh nữa, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và 5 vạn người dân. Năm sau (1070), Chế Củ xin đem đất ba châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (tức vùng Quảng Bình và Quảng Trị) để chuộc tội. Giang sơn Đại Việt bước đầu mở rộng xuống phía Nam. Vua lại tiếp tục trở ra đánh giặc, lần này thắng trận.
Vụ án Lê Văn Thịnh. Lê Văn Thịnh, là người đỗ đầu trong khoa thi đầu tiên của Nho học được triều đình tổ chức năm 1075, được bổ làm quan, dần trải đến chức Thái sư. Năm 1084, ông thành công trong việc bàn nghị về việc cương giới với quan nhà Tống, khiến nước này phải trả lại 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên cho Đại Việt. Tuy nhiên, ông sau đó bị phế truất chức vụ và bị đày đi nơi xa vào năm 1096, đó là vụ án hồ Dâm Đàm. Vụ án trên, lâu nay người ta đã bàn nhiều, có người nói vì ông bị nghị kỵ, nên bị hạ bệ. Có người nói ông là nạn nhân bởi sự xung đột ý thức hệ giữa Phật giáo. Phật giáo được đề cao, được bảo trợ bởi Thái hậu Ỷ Lan. Còn Nho giáo được du nhập khá mới, sớm nhất vào đời Thánh Tông hoàng đế nên bị hạn chế, mà Lê Văn Thịnh là người đứng đầu phái này.
Ỷ Lan có câu nói nổi tiếng. Một lần vua Lý Thánh Tông hỏi Ỷ Lan về kế trị nước, Ỷ Lan tâu: … “Muốn nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm. Thuốc đắng khó uống nhưng chữa được bệnh...Phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình tu đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh. Dân bắt trước người trên thì nhanh hơn pháp luật. Muốn nước mạnh hoàng đế phải nhân từ với muôn dân. Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Hội đủ những điều ấy, nước Đại Việt sẽ vô địch.” Nghe xong Lý Thánh Tông rất phục.
 Năm đó, mùa hạ vua đem quân về ca khúc khải hoàn, đại xá cho thiên hạ, giảm thuế khóa, phát tiền lụa, thóc cho dân nghèo. Ỷ Lan rất nhân từ dạy con ngoan, mong con trở thành một nhà vua anh minh sau này; lo cho dân giàu nước mạnh, yêu thương nhân dân.
                                      ***
 Năm Nhâm Tý (1072) tháng giêng mùa xuân, Lý Thánh Tông mất ở điện Hội Tiên. Hoàng thái tử Kiền Đức lên ngôi vua, tức vua Lý Nhân Tông. Khi ấy vua mới lên bảy, triều thần tôn Ỷ Lan nguyên phi lên làm Linh Nhân hoàng thái hậu. Ỷ Lan vừa giúp coi triều chính, vừa làm nhiệm vụ bà mẹ dạy dỗ con. Trong khi vua còn thơ ấu, Ỷ Lan điều khiển cả quốc gia, cùng tể tướng Lý Thường Kiệt chủ trương đánh quân Tống xâm lược. Hai lần quân Tống đến (1075, 1077) vua Lý Nhân Tông chưa quá 10 tuổi, Ỷ Lan đã cùng Thái sư Lý Đạo Thành lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến. Trong lúc Tổ quốc lâm nguy Ỷ Lan đã cùng Lý Thường Kiệt giữ vững giang sơn, xã tắc; công ấy đời sau còn nhắc mãi.
Sau khi sát hại Thượng Dương hoàng thái hậu, Ỷ Lan được tôn làm Hoàng thái hậu nhiếp chính. Lý Đạo Thành vốn là người phụ chính Thượng Dương thái hậu, Ỷ Lan cho là không nên dùng và biếm ông ra trấn thủ Nghệ An. Nhưng không lâu sau lại cho gọi về, ban chức Thái phó bình chương quân quốc trọng sự, để cùng với Thái úy phụ chính là Lý Thường Kiệt điều hành đất nước. Năm 1075, Thái úy Lý Thường Kiệt, sau khi cử gián điệp thu thập tin tức của nhà Tống, đã tiến hành mang quân sang vây đánh Khâm Châu và Liêm Châu (thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Phá tan kho lương thực và khí giới của nhà Tống ở Ung Châu, giết hơn vạn dân và lui binh. Nhà Tống chấn động, tuy nhiên vẫn không từ bỏ ý định xâm lược Đại Việt.
Năm 1076, tướng quân Quách Quỳ, một viên tướng dày dạn trận mạc cùng Triệu Tiết đem đại binh sang xâm lược Đại Việt. Mặc dù quân Tống rất mạnh song không thể vượt qua được phòng tuyến sông Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt. Ông đã cử Lý Kế Nguyên đánh bại đội quân thủy của quân Tống sang kết hợp với quân đánh bộ của Quách Quỳ.Quách Quỳ thiếu lương thực, chỉ mong đánh lớn một trận cho bõ. Nhưng Lý Thường Kiệt án binh bất động không ra, vì ông đợi cho quân Quách Quỳ hết lương, dịch bệnh đeo bám. Không phải, tiêu vong sinh lực địch chỉ một phần. Bởi ông sắp đặt một âm mưu khác ghê gớm hơn nhiều.
Tháng 2/1077, thủy quân Đại Việt tràn lên bờ, đánh chiếm núi Nham Biền rồi đổ bộ xuống quân Tống. Một cuộc giao tranh ác liệt diễn ra, Quách Quỳ, Triệu Tiết đem quân sang chống đỡ. Hai bên tiêu hao nặng. Nhưng Quách Quỳ, Triệu Tiết không hề biết rằng đó chỉ là nghi binh. Đêm ấy, lợi dụng quân Triệu Tiết mệt mỏi và không đề phòng. Lý Thường Kiệt vượt sông Như Nguyệt, đánh một trận khủng khiếp trong đêm. 5 vạn quân viễn chinh của Tống bị diệt trong đêm đó. Quách Quỳ từ 10 vạn còn lại hơn 3 vạn thoi thóp như cá nằm trên thớt đợi Lý Thường Kiệt qua mổ xẻ. Sau đó, khi nhận được thư giảng hòa của Thái úy, nhà Tống mừng như bắt được vàng và nhanh chóng rút quân.
Ỷ Lan xuất thân là một thôn nữ, nên hiểu thấu những khổ đau của người phụ nữ nông dân vì nghèo khổ phải đem thân gán nợ cho nhà giàu, bà cho xuất của trong kho chuộc về, và xây dựng chồng con hạnh phúc cho họ. Về việc này Ngô Sĩ Liên đã có lời bàn: “Con gái nghèo đến nỗi phải đợ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không vợ đó là cùng dân của thiên hạ. Thái hậu (tức Ỷ Lan) đổi mệnh cho họ cũng là việc nhân chính vậy”. Ỷ Lan không những sửa sang việc quốc chính, tăng cường quân đội, bố phòng, chăm lo việc mở mang dân trí, việc thi cử học hành và còn ban hành nhiều điều ích quốc lợi dân. Ỷ Lan còn khuyên vua làm điều thiện, trị điều ác. Bà hiểu những gian nan của nông dân khi việc nông trang cày bừa không có trâu cày. Ỷ Lan bảo vua phạt tội nặng những kẻ trộm trâu và giết trâu bừa bãi; có lần bà đã nói với vua: “Gần đây người kinh thành và làng ấp đã có kẻ trốn đi chuyên nghề trộm trâu. Nông dân cùng quẫn. Mấy nhà phải cày chung một trâu. Trước đây, ta đã từng mách việc ấy, và nhà nước đã ra lệnh cấm. Nhưng nay việc giết trâu lại có nhiều hơn trước”. Nhân Tông bèn ra lệnh phạt rất nặng những người trộm và giết trâu, phạt cả vợ con và hàng xóm vì tội không tố giác.
Sống trong lầu son, gác tía mà lúc nào Ỷ Lan cũng không quên đến người nghèo, Ỷ Lan vẫn chăm sóc đến đời sống cùng cực của nông dân lao động. Cũng như Lý Thánh Tông, Ỷ Lan thường phát chẩn thóc lúa cho kẻ nghèo. Bà sùng đạo Phật, ưa làm việc từ thiện lập nhiều đình chùa. Bà thường lui tới các đình chùa, trao đổi với các tăng ni thuyết giáo đạo Phật. Năm 1096, bà bày cỗ chay ở chùa Khai Quốc (tức sau là chùa Trấn Quốc ở Thăng Long) thết các sư. Tiệc xong, bà ngồi kê cứu đạo Phật với các vị sư già học rộng. Bà hỏi về nguồn gốc đạo Phật ở các nước và ở ta. Bà có óc phán đoán đòi hỏi các sư “nói có sách mách có chứng”. Chính nhờ câu chuyện giữa bà và các vị sư thời Lý (sách Thiên uyển tập anh ngữ lục đời Trần còn ghi lại tường tận chuyện này), mà đến nay ta còn biết gốc tích sự truyền bá đạo Phật vào nước ta. Có lần bà đến chùa Phổ Minh (Từ Liêm) tranh luận với sư Thông Biến về những điều của Phật giáo. Bà cũng có làm những bài kinh, có câu kệ còn truyền lại đến ngày nay:
Sắc là không, không tức sắc
Không là sắc, sắc tức không
Sắc? Không? thôi mặc cả,
Mới thấu được chân tông.
Với bài kệ trên, Ỷ Lan đã được các nhà nghiên cứu văn học Việt xếp vào hàng "tác gia văn học thời Lý-Trần.
Ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu, Hội tường đại khánh năm thứ 8 (1117) đời Lý Nhân Tông, Thái hậu qua đời, thọ 73 tuổi được hỏa táng, dâng thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng thái hậu. Sau đó, triều đình làm lễ hỏa táng, có ba người hầu gái được chôn theo. Mùa thu, tháng 8, cùng năm ấy, chôn Linh Nhân hoàng thái hậu ở Thọ lăng, thuộc phủ Thiên Đức (huyện Tiên Sơn, thuộc Bắc Ninh).
Là một nữ nông dân nghèo, được hưởng phú quý vinh hoa, bà vẫn cho là điều “sắc sắc, không không”, đó là phù vân… Bà là một người phụ nữ vương giả, ngọc ngà vàng son không làm vẩn đục tâm hồn bà, cũng là một phụ nữ hiếm có trong lịch sử nghìn năm trước.
          Bên bờ Phước Long Giang, ngày/6/6/2017.
            Nhà thơ Xuân Bảo (biên khảo).


Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

199. Bài 6. Huyền Trân công chúa.

“Dân ta phải biết sử ta”.
          199.Bài 6. Công chúa Huyền Trân với châu Ô, châu Lý.

.          Nếu như năm 1301, vua Trần Nhân Tông không làm cuộc viễn du 9 tháng sang kinh đô Chiêm Thành để tăng thêm quan hệ hữu hảo láng giềng, sống hòa hiếu với nhau thì đâu có cuộc hôn nhân ngoại giao giữa người anh hùng  chống Nguyên – Mông, thái tử Harijatti - khi lên ngôi là vua Jaya Shimhavarman III, tức Chế Mân với công chúa Trần Huyền Trân. Đầu năm 1305, Đoàn sính lễ do Chế Bồ Đài dẫn đầu đem theo hơn trăm người và vàng bạc châu báu cùng với lời cam kết dâng 2  châu Ô và Châu Lý để cầu hôn.
          Năm 2007, nhân dân ta long trọng kỷ niệm 700 năm người con gái họ Trần về Chiêm quốc, nhà thơ Xuân Bảo có bài thơ tưởng niệm “ Giọt lệ Huyền Trân”:

          Cung vàng Chiêm quốc tím chiều hoang
          Vẳng khúc Nam ai quá bẽ bàng
          Tình nghĩa trăm năm người cách trở
          Nước non ngàn dặm lệ tuôn tràn
          Phụ hoàng…còn xót con lưu lạc
          Trần Khắc…thấu chăng thiếp lỡ làng!
          Chín vạn bông trời sao sáng nở
          Thôi đành bội ước với tình lang.

          Huyền Trân về Chiêm Thành, mặc dầu trước đó Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người xứ Java, nhưng nàng vẫn được tấn phong làm hoàng hậu với mỹ hiệu là Paramecvari. Nhân dân Châu Ái, Châu Hoan kéo nhau vào khai thác vùng Thuận Hóa, làm nên một cuộc đại di dân.
Phú Xuân ( Huế sau này ) trở thành kinh đô Đại Việt. Châu Hóa gồm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên trở nên sầm uất. Mà trước đó, như nhận định của Sùng Nham hầu Dương Văn An (1) viết trong Ô Châu cận lục: “ Hoàng Việt ta dựng nước, sách trời đã định rõ phân giới. Ngoài 4 thừa tuyên,(2) nguời Ái Châu hào phóng chuộng nghĩa. Người Hoan, Diễn thuần túy hiếu học. Xưa nay đều thường nói như vậy. Hóa Châu ta tiếp đất Quảng, đất đai hẻo lánh, phong tục quê mùa, muôn vật thưa thớt không thể so với Ái Châu và Hoan Châu được. Từ khi có Đặng Tất nổi tiếng tướng giỏi. Dục Tài lừng danh khoa bảng thì quê ta phong thổ và nhân tài dần dần sánh ngang thượng quốc”.

          Hồng nhan bạc mệnh ! Đúng thế. Nàng về Chiêm quốc được 11 tháng, sinh được hoàng tử thì Chế Mân băng hà. Theo tục “tuẫn tang” thì hoàng hậu phải lên giàn hỏa chết theo chồng. Được tin, vua cha Trần Nhân Tông liền sai Trần Khắc Chung và Đặng Văn sang cứu Huyền Trân về cố quốc. Cuộc cứu thành công. Nhưng không biết giữa đôi trai tài gái sắc này có không mối tình thơ mộng và tưởng chừng tuyệt vọng kia mà chiếc thuyền nhẹ loanh quanh, lênh đênh trên biển một năm trời mới về đến Thăng Long ?
          Nhân dân ta vốn có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Bài Nam Ai cho tới hôm nay vẫn sống đậm trong lòng người dân Châu Thuận và Châu Hóa. Than cho số phận Huyền Trân:

         “Nước non ngàn dặm ra đi, mối tình chi ?
 Mượn màu son phấn đền nợ Ô, Ly.
 Đắng cay vì đương độ xuân thì.
 Số lao đao hay là duyên nợ gì?
 Má hồng da tuyết, quyết liều như hoa tàn trăng khuyết,
 cho dẫu “ vàng lộn theo chì”…
_________ 
(1)   Sùng Nham hầu Dương Văn An, người xã Tuy Lộc , huyện Lệ Thủy( Quảng Bình) 34 tuổi đỗ Đồng tiến sĩ, khoa Đinh Mùi ( 1547) làm quan đến Phó đô thượng thư, tước Quận công
(2) 4 thừa tuyên gồm 4 xứ miền Bắc xưa : Hải Đông, Sơn Tây, Sơn Nam và Kinh Bắc
 

                                                ***

Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã tâm huyết dành trọn một cuốn trong bộ sách đồ sộ của ông Bão táp triều Trần (gồm 6 quyển: 1. Bão táp cung đình, 2. Đuổi quân Mông Thát, 3.Thăng Long nổi giận, 4. Huyết chiến Bạch Đằng, 5. Huyền Trân công chúa, 6. Vương triều sụp đổ).
Trong tiểu thuyết Huyền Trân công chúa có 28 chương, dày 352 trang. Nhà văn đã dựng lại một thời kỳ lịch sử - khi công chúa Huyền Trân bước vào tuổi trăng tròn lẻ - cho đến khi hoàng hậu Paramecvari biết tin vua Chế Mân bị sát hại.
Đây là chương XXVIII, chương kết của cuốn sách trên. Tôi xin trích nguyên văn: “…Sáng ra, nhà vua vào tầu ngựa, thì con ngựa bạch của đức vua vẫn cười, hý lên một hồi vang dội. Nghe tiếng hý của nó mới buồn làm sao. Đức vua dắt nó ra khỏi tầu, nhất định nó không chịu ra. Nhà vua gọi tên giám mã làm việc đóng yên cương chuẩn bị cho ngài cùng với bầy chó…
“…Mãi tới khi mặt trời lên cao, nhà vua mới dắt theo hai tên hầu cận và một con chó, đi săn ở một cánh rừng ngay cạnh lâu đài của nhà vua…
“…Khi hoàng hậu Paramecvari rung lên hồi chuông báo động. Đội thiết kỵ trong đám cận vệ tâm phúc của nhà vua bèn xông thẳng vào rừng. Vừa lúc hai con ngựa bạch đã phá được tầu ngựa, chúng lao nhanh đi như một ánh chớp. Chính hai con ngựa bạch đã bay thẳng một lèo tới nơi đức vua nằm rũ dưới gốc cây đại thụ. Còn hai tên hầu cận cũng bị chết gục bên một khe suối. Cả đức vua, cả hai tên hầu cận bị chết, nét mặt đều xanh xám như người bị trúng độc.
Tin dữ bay về triều đình, hoàng hậu Tapasi ngơ ngác. Hoàng hậu Paramecvari ngất lịm trên tay Bích Huệ, Thúy Quỳnh.
Nhà sư Du Già cũng lập cập đến báo tin dữ cho hòa thượng Minh Thái.
Hòa thượng Minh Thái bèn giơ cây thiền trượng huơ lên trời viết ba chữ “Thiên vô mục”*; ném cây gậy xuống chân, ông nói với hòa thượng Du Già:
-         Chúng nó giết quốc vương Chế Mân, có nghĩa là nước Chiêm Thành tự sát.
________
*Trời không có mắt

   ***

          Ngày nay, ở Huế có đền thờ Công chúa Huyền Trân uy nghi, lộng lẫy nằm trên một ngọn núi sát cố đô. Nhân dân ta quanh năm hương khói không lúc nào ngớt.
                                                            Bên bờ Phước Long Giang, ngày 4/6/2017.

Nhà thơ Xuân Bảo

198. Nhà thơ Tú Thịt Hộp nhàn đàm với Thủy thần.

198.Nhà thơ Tú Thịt Hộp nhàn đàm với Thủy thần sông Đồng Nai.
                                                          Truyện giả tưởng của Bửu Cự Uyên Thi
          Sau Tết Đoan Ngọ (Đinh Dậu), đoạn Phước Long Giang từ cầu Ghềnh lên đến quá cù lao Rùa thấy dậy sóng xôn xao. Đêm về, người ta thấy trên cầu Hóa An có hai bóng người đang ngồi trên lan can. Họ nói chuyện với nhau.
        -  Ngài đã đọc bài Đối thoại với Thủy thần sông Đồng Nai của  Bửu Cự Uyên Thi chưa? Bài đăng trên Fb và Blog của nhà thơ Xuân Bảo đó.
        -   Có, tôi đã đọc và biết rằng bài này làm phỏng theo bài Ngư phủ của Khuất Nguyên. Chính tôi đã yên ủy nhà thơ:

Thi nhân đừng câu nệ
Lũ ngu dốt như rác rưởi
Dòng sông này sẽ cuốn phăng
Đừng như Khuất Nguyên viết:
Cử thế giai trọc ngả độc thanh
Chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh
 Trường ca của thi nhân ta biết
Cả đất trời và người dân này biết
Tác phẩm Âm vang một dòng sông
Mãi mãi trường tồn như Phước Long Giang thao thiết
Chở nặng phù sa cho đôi bờ xanh biếc…

           Người có giọng Huế nói:

           - Sao người ta lại bất công đến thế kia chứ. Tôi biết nhà thơ Xuân Bảo đã dày công, đem hết tâm hồn và trí tuệ để viết nên bản Trường ca âm vang một dòng sông trong khoảng thời gian hơn mười năm trời. Trong bản trường ca đó, nhà thơ đã gửi gắm tình yêu, lòng biết ơn các đấng tiền nhân đã “tay gươm, tay bút đi mở đất phương nam”.
 Đúng như tác giả đã viết trong Thay lời tựa : Tôi viết trường ca này năm 1998 nhân kỷ niệm 300 năm Biên Hòa-Đồng Nai và sau gần 10 năm (1998 – 2008) mới hoàn chỉnh bước đầu.
Trường ca này để tỏ lòng biết ơn các đấng tiền nhân một thời “mang gươm đi mở cõi” và những đồng bào, đồng đội, đồng chí đã ngả xuống cho Đồng Nai đứng dậy!
Đây là tấm lòng để tri ân một miền đất đã nuôi dưỡng một hồn thơ, một cõi thơ.
 Thủy thần lại nói:
-         Dạo đó, nhà thơ Tú Thịt Hộp có một bài thơ Hội Văn Nai Đồng ngâm khúc, nhưng nhà thơ Xuân Bảo đã bị mang tiếng hàm oan, bị nghi là tác giả của Hội Văn Nai Đồng ngâm khúc cho nên khi đưa ra xét giải thì người ta gạt phăng Trường ca Âm vang một dòng sông của ông! Nhà văn Võ Nguyện có hai tác phẩm ( văn xuôi Mưa nắng ĐồngNai và thơ Bưởi Biên Hòa) đáng lý ra cũng được dự xét giải, nhưng cũng bị gạt phăng không thương tiếc, phải không? Như vậy Tú Thịt Hộp có phải là ngài không?
Người có giọng Huế đáp:
-         Những người được coi là lãnh đạo văn nghệ đã triệu tập đến gần chục cuộc họp để truy tìm, tróc nã nhà thơ Tú Thịt Hộp nhưng đều không tìm ra? Mãi đến khi tôi từ giã thế gian, nhà thơ Xuân Bảo đã công khai công bố lai lịch của Tú Thịt Hộp trước một cuộc họp đông người rằng: Chính nhà văn, nhà thơ Võ Nguyện là Tú Thịt Hộp và là chủ blogspot Văn Biên Hòa. Mọi người mới té ngửa ra, nhưng cái án oan cho nhà thơ Xuân Bảo thì không được xóa!
          Thủy thần lại hỏi:
-         Sắp tới đây sẽ có một đợt xét giải văn học Trịnh Hoài Đức, liệu những tác phẩm bị loại do thành kiến cá nhân trước đây có đem ra xét không?
   Người có giọng Huế đáp:
-         Có thể có mà cũng có thể không. Cái đó còn tùy thuộc vào trình độ của những người được coi là làm công tác văn hóa!

Mặt trời đã rạng màu hồng. Hai cái bóng tan vào buổi sáng mai.
                                                    Bên bờ Phước Long Giang, ngày đầu tháng 6 năm 2017.
                                                  Nhà thơ Xuân Bảo ghi lạ