Trang

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

199. Bài 6. Huyền Trân công chúa.

“Dân ta phải biết sử ta”.
          199.Bài 6. Công chúa Huyền Trân với châu Ô, châu Lý.

.          Nếu như năm 1301, vua Trần Nhân Tông không làm cuộc viễn du 9 tháng sang kinh đô Chiêm Thành để tăng thêm quan hệ hữu hảo láng giềng, sống hòa hiếu với nhau thì đâu có cuộc hôn nhân ngoại giao giữa người anh hùng  chống Nguyên – Mông, thái tử Harijatti - khi lên ngôi là vua Jaya Shimhavarman III, tức Chế Mân với công chúa Trần Huyền Trân. Đầu năm 1305, Đoàn sính lễ do Chế Bồ Đài dẫn đầu đem theo hơn trăm người và vàng bạc châu báu cùng với lời cam kết dâng 2  châu Ô và Châu Lý để cầu hôn.
          Năm 2007, nhân dân ta long trọng kỷ niệm 700 năm người con gái họ Trần về Chiêm quốc, nhà thơ Xuân Bảo có bài thơ tưởng niệm “ Giọt lệ Huyền Trân”:

          Cung vàng Chiêm quốc tím chiều hoang
          Vẳng khúc Nam ai quá bẽ bàng
          Tình nghĩa trăm năm người cách trở
          Nước non ngàn dặm lệ tuôn tràn
          Phụ hoàng…còn xót con lưu lạc
          Trần Khắc…thấu chăng thiếp lỡ làng!
          Chín vạn bông trời sao sáng nở
          Thôi đành bội ước với tình lang.

          Huyền Trân về Chiêm Thành, mặc dầu trước đó Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người xứ Java, nhưng nàng vẫn được tấn phong làm hoàng hậu với mỹ hiệu là Paramecvari. Nhân dân Châu Ái, Châu Hoan kéo nhau vào khai thác vùng Thuận Hóa, làm nên một cuộc đại di dân.
Phú Xuân ( Huế sau này ) trở thành kinh đô Đại Việt. Châu Hóa gồm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên trở nên sầm uất. Mà trước đó, như nhận định của Sùng Nham hầu Dương Văn An (1) viết trong Ô Châu cận lục: “ Hoàng Việt ta dựng nước, sách trời đã định rõ phân giới. Ngoài 4 thừa tuyên,(2) nguời Ái Châu hào phóng chuộng nghĩa. Người Hoan, Diễn thuần túy hiếu học. Xưa nay đều thường nói như vậy. Hóa Châu ta tiếp đất Quảng, đất đai hẻo lánh, phong tục quê mùa, muôn vật thưa thớt không thể so với Ái Châu và Hoan Châu được. Từ khi có Đặng Tất nổi tiếng tướng giỏi. Dục Tài lừng danh khoa bảng thì quê ta phong thổ và nhân tài dần dần sánh ngang thượng quốc”.

          Hồng nhan bạc mệnh ! Đúng thế. Nàng về Chiêm quốc được 11 tháng, sinh được hoàng tử thì Chế Mân băng hà. Theo tục “tuẫn tang” thì hoàng hậu phải lên giàn hỏa chết theo chồng. Được tin, vua cha Trần Nhân Tông liền sai Trần Khắc Chung và Đặng Văn sang cứu Huyền Trân về cố quốc. Cuộc cứu thành công. Nhưng không biết giữa đôi trai tài gái sắc này có không mối tình thơ mộng và tưởng chừng tuyệt vọng kia mà chiếc thuyền nhẹ loanh quanh, lênh đênh trên biển một năm trời mới về đến Thăng Long ?
          Nhân dân ta vốn có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Bài Nam Ai cho tới hôm nay vẫn sống đậm trong lòng người dân Châu Thuận và Châu Hóa. Than cho số phận Huyền Trân:

         “Nước non ngàn dặm ra đi, mối tình chi ?
 Mượn màu son phấn đền nợ Ô, Ly.
 Đắng cay vì đương độ xuân thì.
 Số lao đao hay là duyên nợ gì?
 Má hồng da tuyết, quyết liều như hoa tàn trăng khuyết,
 cho dẫu “ vàng lộn theo chì”…
_________ 
(1)   Sùng Nham hầu Dương Văn An, người xã Tuy Lộc , huyện Lệ Thủy( Quảng Bình) 34 tuổi đỗ Đồng tiến sĩ, khoa Đinh Mùi ( 1547) làm quan đến Phó đô thượng thư, tước Quận công
(2) 4 thừa tuyên gồm 4 xứ miền Bắc xưa : Hải Đông, Sơn Tây, Sơn Nam và Kinh Bắc
 

                                                ***

Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã tâm huyết dành trọn một cuốn trong bộ sách đồ sộ của ông Bão táp triều Trần (gồm 6 quyển: 1. Bão táp cung đình, 2. Đuổi quân Mông Thát, 3.Thăng Long nổi giận, 4. Huyết chiến Bạch Đằng, 5. Huyền Trân công chúa, 6. Vương triều sụp đổ).
Trong tiểu thuyết Huyền Trân công chúa có 28 chương, dày 352 trang. Nhà văn đã dựng lại một thời kỳ lịch sử - khi công chúa Huyền Trân bước vào tuổi trăng tròn lẻ - cho đến khi hoàng hậu Paramecvari biết tin vua Chế Mân bị sát hại.
Đây là chương XXVIII, chương kết của cuốn sách trên. Tôi xin trích nguyên văn: “…Sáng ra, nhà vua vào tầu ngựa, thì con ngựa bạch của đức vua vẫn cười, hý lên một hồi vang dội. Nghe tiếng hý của nó mới buồn làm sao. Đức vua dắt nó ra khỏi tầu, nhất định nó không chịu ra. Nhà vua gọi tên giám mã làm việc đóng yên cương chuẩn bị cho ngài cùng với bầy chó…
“…Mãi tới khi mặt trời lên cao, nhà vua mới dắt theo hai tên hầu cận và một con chó, đi săn ở một cánh rừng ngay cạnh lâu đài của nhà vua…
“…Khi hoàng hậu Paramecvari rung lên hồi chuông báo động. Đội thiết kỵ trong đám cận vệ tâm phúc của nhà vua bèn xông thẳng vào rừng. Vừa lúc hai con ngựa bạch đã phá được tầu ngựa, chúng lao nhanh đi như một ánh chớp. Chính hai con ngựa bạch đã bay thẳng một lèo tới nơi đức vua nằm rũ dưới gốc cây đại thụ. Còn hai tên hầu cận cũng bị chết gục bên một khe suối. Cả đức vua, cả hai tên hầu cận bị chết, nét mặt đều xanh xám như người bị trúng độc.
Tin dữ bay về triều đình, hoàng hậu Tapasi ngơ ngác. Hoàng hậu Paramecvari ngất lịm trên tay Bích Huệ, Thúy Quỳnh.
Nhà sư Du Già cũng lập cập đến báo tin dữ cho hòa thượng Minh Thái.
Hòa thượng Minh Thái bèn giơ cây thiền trượng huơ lên trời viết ba chữ “Thiên vô mục”*; ném cây gậy xuống chân, ông nói với hòa thượng Du Già:
-         Chúng nó giết quốc vương Chế Mân, có nghĩa là nước Chiêm Thành tự sát.
________
*Trời không có mắt

   ***

          Ngày nay, ở Huế có đền thờ Công chúa Huyền Trân uy nghi, lộng lẫy nằm trên một ngọn núi sát cố đô. Nhân dân ta quanh năm hương khói không lúc nào ngớt.
                                                            Bên bờ Phước Long Giang, ngày 4/6/2017.

Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét