Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

365. Sinh nhật Nguyễn Triệu Quang 62 tuổi

 

· 365. Sinh nhật Nguyễn Triệu Quang  62. tuổi

Hôm nay, 29/10 /2022, cách đây 62 năm Nguyễn Triệu Quang được sinh ra trên mảnh đất Ngàn năm Văn hiến.

Tính theo tuổi ta thì Triệu Quang đã ở tuổi 62. Tuổi qua cái độ Ngũ thập tri thiên mệnh để trở về Lục thập như nhi. Và trên một Hoa giáp.

Nhân Ngày sinh 29/10/1961 của Triệu Quang, bố mẹ chúc con luôn bình an, mạnh khỏe và hạnh phúc!

Tôi đăng lên đây một phần Nhật ký ngày đó.

Sáng nay đang làm việc ở cơ quan, Hải đến báo tin là Minh đã sinh, mà lại sinh con trai nữa kia chứ.

Lòng hồi hộp quá chừng! Nửa mừng nửa lo. Mừng vì hạnh phúc đã nở hoa và kết trái! Lo vì hoàn cảnh hiện tại: nhà ở và tiền lương...Lo làm sao cho đứa con đầu lòng sẽ xứng đáng về sau; lo từ nay, mình đã trở thành địa vị NGƯƠI CHA, trách nhiệm càng nặng nề hơn!...

Tối đến đem cơm vào cho Minh ăn. Minh ăn rất ít và đang ráng chịu những cơn đau dữ dội làm cho Minh kêu rên nhiều. Ai đã từng làm mẹ và ai đã từng chứng kiến người mẹ sắp sinh con mới thấy hết nghĩa của chữ "mang nặng đẻ đau" là như thế đó....

...Bệnh viện C, ngày chủ nhật thật là nhộn nhịp. Người ra, kẻ vào rất đông, mang theo tặng phẩm từ những cái nhỏ nhất: một nắm cơm kèm theo đĩa trứng ốp lết, cái thìa cái bánh, gói xôi của người nhà và đặc biệt có thức ăn mang vào  của một cụ nông dân chất phác...

Mình đến ngay phòng Thường trực và xem bảng báo tin. Dòng thứ 5 quyển sổ nhật ký của bệnh viện ( đã nhàu  nát và nhòe mực). Đây rồi:

Nguyễn Thúy Minh, 95 Hàng Bồ, con trai, nặng 3 kgs,

forseps,*

"Forseps", cái từ mới nghe đã thấy đau làm sao! Phải lôi ra à? Thế thì chắc hôm qua, Thúy Minh đã từng đau đớn và kêu la nhiều lắm!

Hình ảnh của tháng 11 năm 1948 hiện về. Tiếng mẹ tôi vẫn còn như vẳng vẳng vang lên bên tai. Mẹ kêu van, gào thét rung cả mấy quả đồi. Em Kim Cúc đã ra đời rồi, còn em nữa thì  "tử tại phúc trung". Một ngày đau đớn rùng rợn cứ in mãi trong đầu óc tôi. Ngày hôm ấy tôi đã chạy 4 vòng từ Phường Sãi đến Phúc Khê để tìm bác sĩ Cống - người thày thuốc khoa sản nổi tiếng của Quảng Trị.

Và di chứng để lại  cho tôi là "tiếng nấc nghẹn còn lại trong tôi" khi quá mệt.

Và sau đó là cả một chuỗi ngày khủng khiếp của đời tôi. Ông nội bị Tây bắn, Cha mất tích, Chú  tử trận, Cô chết vì chạy giặc. Nhà cửa, xóm thôn tiêu điều vì Pháp đốt phá.

Cuộc đời của tôi "đi ở và tự lập" bắt đầu!...

...Tôi vội khoác vào người chiếc áo Vào thăm bệnh nhân, vào đúng buồng C1. Thì đây, thằng con trai kháu khỉnh đang nằm trong chiếc giường con. Minh nằm trên giường sản phụ ở cạnh.

Chao! Con tôi sao nó giống tôi quá vậy? Từ đôi mắt, cái sống mũi và cái miệng rất chi giống bố! Còn cái bàn tay thì thật tuyệt  vời. Bé thế nhưng sao mà trắng quá. Ngón tay dài  thon, thưa rộng rãi, chúng tỏ nó sẽ có nhiều cái khéo léo ở đôi bàn tay ấy. Và như các Cụ thường nói " nó sẽ lắm hoa tay"...

... Tôi đặt tên con trai đầu lòng là:

Nguyễn Triệu Quang, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1961, tức ngày 20 tháng 9 năm Tân Sửu.

Tôi có dự định đặt biệt  hiệu cho con trai là MAI LĨNH SƠN.

Nguyện vọng lớn nhất đối với đứa con này của tôi  là muốn nó sau này sẽ là Nhà thơ.

Mùa đông năm 1961.

* Hai cái LO là lo,

lương con được phụ cấp 5 đồng một tháng, mà chỉ được cấp cho một người, vợ hoặc chồng nằm trong biên chế nhà nước. Nếu sau thời gian nghỉ đẻ ( hình như một tháng rưỡi) thì sẽ phải ra Chợ Người Hàng Chiếu để thuê người bế ẵm cháu bé. Như thế, phải tiêu thêm tiền công cho người làm thì sẽ sống sao đây?

*  Và cái LO thứ 2 là Lo nhà cửa, là lo cái nơi ở 95 Hàng Bồ, một cái phòng bé tẹo, khoảng 16 mét vuông, chia đôi vợ chồng tôi một nửa và vợ chồng anh Bội, người Huế một nửa, nằm cạnh bếp nấu bằng than tổ ong và củi, và nhà xí hai ngăn. Cứ hơn 4 giờ sáng thì bà Tý ở tầng 3 xuống bếp lục đục nhóm bếp nấu khoai lang để bán sáng, khói xông mù mịt.. Phòng có cái trần thấp lè tè, cao hơn 2 mét, đọng khói bếp từ trước giải phóng thủ đô, chưa hề được quét vôi.

Phía trên có một cái gác xép, bố trí cho cán bộ tên Đức, độc thân, đang bị ho lao ở.

 Bức vách ngăn 2 phòng của tôi và anh Bội làm bằng tre, cao hơn 1 mét. Hai gia đình tôi và anh Bội có thể nói chuyện với nhau như ngồi cùng một cái bàn chung.

Khi chưa có con ở hẹp còn được. Nay thêm đứa con mới sinh thì sống sao đây? LO là LO như vậy đó.!

                                    Bên bờ Phước Long Giang, sáng ngày 29/10/2020, nhằm ngày 13 tháng 9 năm Canh Tý.

Nhà thơ Xuân Bảo

Viết thêm.Tuy nghèo nhưng vợ chồng chúng tôi vẫn nuôi”bà vú”để trông nom Triệu Quang!

Được cấp lương con Một tháng 5 đồng không đủ trả công cho vú nuôi.Tôi đã phải làm. thêm nghề vẽ cartalogue thời trang cho các hiệu thợ may, vói cái lô gô con cò kiếm sống trên các làn sóng lăn tăn của ao làng, có dòng chữ XB 59 Hàng Đào, Hà Nội và nhận viết Bằng khen cho Viện Thi đua và Khen thưởng với thu nhập cũng gần  bằng tiền lương!

Chao ôi một thời gian khó!

Bên sườn núi Bửu Long, ngày 29/10/2022, nhà thơ Xuân Bảo đi theo thi nhân tiền bối Hồ Xanh Nguyễn Thượng Cát vào núi ngâm thơ nhàn,

 

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

366. Ngày lễ Vu lan nhớ Mạ tui

 366. Ngày lễ Vu lan báo hiếu nhớ Mạ tui

 

Bên sừơn núi Bửu Long, ngày 7 tháng Tư Ta, còn một ngàỳ nữa là đến ngày mùng 8 tháng Tư .ngày Phật đản, nhà thơ Xuân Bảo viết về ngày này để nhớ.

 

Mừng Lễ Phật đản

 

 Năm nay, ngày mùng 8 tháng Tư, năm Nhâm Dần, nhằm ngày 8/5/2022.

Tôi còn nhớ cách đây hơn 80 năm, khi tôi lên 7, lên 8, đang học sơ đẳng tiểu học ở trường Nhà binh Mang Cá.Huế.  Cứ đến ngày mùng Tám, tháng Tư, Âm lịch là ngày Phật đản. Mạ tôi thường cho tôi lên chùa Từ Đàm dâng hương lễ Phật.

 Ngày đó, bọn trẻ chúng tôi đã hát mừng Phật đản như sau:”Dân Hồng Lạc mình đây đã 4 ngàn năm/Gồm Nam Bắc một dải sơn hà/ Hiện về ca ty là vệ, công ơn bản triều...”

 Sau này, nhiều năm dân ta vẫn lấy ngày mùng Tám, tháng Tư Âm lịch làm ngày Lễ Phật đản. Còn ngày Rằm tháng Tư Âm lịch đổi sang khi nào thì tôi không biết.

Nhân ngày này, tôi đăng bài thơ XA QUÊ NỖI NHỚ, để nhớ về Mạ tôi, một người mẹ rất đỗi thân thương của chúng tôi đã chịu cảnh góa bụa lúc mới hơn 30 tuổi, một nách 4 đứa con thơ vẫn kiên cường vượt qua bão tố cuộc đời, để nuôi đàn con khôn lớn!

Mạ tôi sống trường thọ đến năm Mậu Tý – 2008 thì quy tiên, hưởng tuổi trời, thọ 93 năm và 2 ngày, kể từ ngày 20 tháng Giêng, năm Bính Thìn (1916) đến ngày 21 tháng Giêng, năm Mậu Tý (2008).

Sau đây là mấy bài thơ đó.

 

 

XA QUÊ NỖI NHỚ

Thời gian vun vút bóng câu qua

Thân phận con người thật xót xa

Quảng Trị xa rồi thời trẻ dại

Sài Gòn gần lại lúc về già

Thánh răn tích đức vun điều thiện

Phật dạy tu nhân tránh ác tà

Diệu pháp hồng ân vơi nỗi nhớ

Mái chùa riu rít tiếng chim ca

 

 

 

 

 

 

 

Và thêm chùm thơ viết về Mạ tui;

 

           MỪNG TUỔI MẸ

 

               Mừng Đại thọ Mẹ Nguyễn Thị Kim Dung

 

Mừng Mẹ xuân này tuổi chín mươi

Nêu gương đức độ sáng tình người

Một thời chinh chiến bao gian khó

Muôn thuở huân công ánh rạng ngời

Giữ nếp gia phong luôn trọng đạo

Ươm mầm hiếu nghĩa mãi xanh tươi

Tuyết sương dầu dãi cùng năm tháng

Xin tạ ân sâu với đất trời.

 

         NƯỚC NON

 

À ơi! Tiếng Mẹ mãi bên con

Mẫu tử tình thâm lẽ sống còn

Chín chữ cao sâu công dưỡng dục

Một đời trọn vẹn tấm lòng son

Ngày đông Mẹ chịu nằm bên ướt

Tháng giá con luôn được miếng ngon

Mẹ ơi! Tình Mẹ bao la quá

Sánh tày biển cả nước cùng non.

 

         CON LẠY MẸ

 

Con quỳ lạy Mẹ đấng sinh thành

Xin nguyện trui rèn để xứng danh

Nét đẹp văn chương miền Triệu Đại

Rạng ngời khoa bảng xứ Diên Sanh

Đắp bồi nhân cách tu tâm trí

Hun đúc từ tâm ngộ pháp hanh

Lời Mẹ lòng con luôn tạc dạ

Cuộc đời mây khói bóng trôi nhanh

 

                                                  Ngày 7/5/2022 Nhà thơ Xuân Bảo,

Hôm qua, nhân ngày lễ Vu lan, rằm tháng bảy Nhâm Dần , ngày dân gian thường nhắc là ngày xá tội vong nhân, tôi đăng lại bài viết nhân ngày Phật đản năm xưa, khi tôi mới lên bảy, lên tám ở cố đô Huế.

Bên sườn núi Bửu Long , ngày 13/8/2022.

Nhà thơ Xuân Bảo.

 

 

 

 

 

 

 

 

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

300...Nhà thơ Tú Sừng-Võ Nguyện tham luận

 

Bài thứ nhất.

                   Cầu Lòn

                                              (Tặng Cánh chim trong bão tố)

Tự dưng nhớ chiếc Cầu Lòn

Sông Hương mùa lụt bãi cồn lao đao

Củi rều tấp kín bờ lau

Em thui thủi vớt bên cầu tử sinh

 

Cầu Lòn một thưở rung rinh

Con tàu Thống Nhất gập ghềnh vào ra

Cầu Lòn một thuở đôi ta

Tìm trường đi học lại qua con đường

 

Lạ lùng là dòng sông Hương

Qua mùa nước nậy* lại càng xanh trong

Thế rồi em đi lấy chồng

Cánh chim bạt gió xa trông mỏi mòn

 

Có Cầu mà phải đi Lòn**

Quê mình là vậy em còn nhớ không?

Em đi để lại dòng sông

Mấy mùa nắng đục mưa trong đợi người.

 

Bài thứ hai.

Sông Hương

(đã đăng trong tác phẩm 600 năm thơ Huế)

Trở về bên bến Kim Long

Dừng chân rửa mặt hôn dòng sông Hương

Mười lăm năm bước tha phương

Mà sông vẫn giữ nguồn thương ngọt ngào

Bãi cồn đã hóa cù lao

Mà sông vẫn vậy thuở nào mát trong

Muốn ôm sông hết vào lòng

Sợ bờ bãi lạ (!) – buồn không hỡi người.

_________

   *Nước nậy là nước lớn.

**Lòn có nghĩa là luồn, chui xuống phía dưới cầu.

Nhà thơ Võ Nguyện – Tú Thịt Hộp

 

 

 

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

363. VỀ BÀI THƠ ƯƠC`

 363. VỀ BÀI THƠ :ƯỚC

Bên sườn núi Bửu Long, ngày 27/5 Tây, nhằm ngày 27, tháng Tư Ta, Nhâm Dần, nhà thơ Xuân Bảo viết:

Chung quanh chỗ tôi ở có rất nhiều khe suối mà người dân Nam Bộ thường gọi là những con rạch. Nơi trú ngụ của những con chim cuốc, còn gọi là chim quyên. Người Tàu thì gọi tên nó là Giá cô. Mùa hạ đã đi qua gần một tháng. Đã có những cơn mưa nhưng chỉ trong một vài chục phút rồi tạnh.

Tôi đã có bài thơ về những cơn mưa đầu mùa.

Mưa

Những cơn mưa đến bất ngờ

Dòng sông bỗng thấy đôi bờ rộng them

Con đường như được tráng men

Cành cây tán lá xanh lên rất nhiều

 

 Cái nắng và cái nóng lại hun lên như chưa hề có giọt mưa nào. Bầy ve sầu hát khúc mùa hạ chỉ vài ba hồi rồi biến. Những con cuốc không hề nức nở khóc than hồn Thục Đế.

Ai xui con cuốc gọi vào hè? - Không có tiếng cuốc kêu ? Vì sao?

Cái nóng nung người nóng nóng ghê! -Thật sự nóng nóng ghê!

 

Bất giác, tôi lại nhớ biển. Nhớ biển Vũng Tàu da diết – nơi có một nhà hàng nổi tiếng mang tên Lan Rừng, nằm sát bờ, cạnh đường  lên núi Nghinh Phong. Người chủ đã cố công sưu tầm nhiều loại phong lan rừng để trang trí cho nhà hàng. Nhiều giò lan được treo rất khéo trên con đường dẫn xuống bến. Mùi hương ngào ngạt khắp một quãng dài bờ biển  Nơi đó, tôi và nhà thơ, nhà giáo Thu Hà đã ngồi ngắm bình minh mưa của đại dương. Những con sóng tuy nhó nhưng cũng đủ bạc đầu để nhà thơ Nguyễn Duy hỏi:

Hỏi cùng Bãi Dứa, Bãi Dâu

Sóng bao nhiêu tuổi mà đầu bạc phơ?

 

Hai chúng tôi lại dạo bước trên dọc bờ biển ngắm trời, ngắm biển bao la mà  càng thấm thía lời di huấn của một ông vua văn võ kiêm toàn – chủ súy của Tao đàn nhị thập bát tú. Vua Lê Thánh Tông đã dạy cho con cháu một bài học về toàn vẹn lãnh thổ của nước Đại Việt thân yêu:

 

. “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất 1 phân núi, 1 tấc sông do vua Thái Tổ để lại.” 

Lê Lợi – Lê Thái Tổ quần quật bao nhiêu năm nằm gai nếm mật để đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Kẻ hậu thế đương nhiên phải biết giữ.

 

Khi mặt trời bắt đầu dọi xuống, xua tan đám bọt hơi nước của biển sớm mai, chúng tôi dừng chân trước một phiến đá to và ngồi xuống đó nghỉ.Phiến đá này nằm trong một lùm cây, như một cái tum và chủ nhà hàng đã khéo dấu một giò lan nằm khuất trong đám lá. Tỏa hương nhè nhẹ, quyến rũ. Vài chú chim sâu thong thả chuyền cành và cất tiếng riu ra, ríu rít.

***

 

Tôi đã nghĩ đến sự chia tay với biển, với Thu Hà và thầm ước:

 

Ướcníu được làn hương

Ước gì ngắt đóa lan rừng năm xưa

Ước gì biển đến cùng ta

Ước gì trời đất giao hòa tình xuân

 

Chiều ngày 27/5/2022

Nhà thơ Xuân Bảo

 

 

 

362. Võ Nguyện giới thiệu tập Trăng Giêng của Xuân Bảo

 362. VÕ NGUYỆN GIỚI THIỆU TẬP THƠ TRĂNG GIENG CỦA XUÂN BẢO

Bên sườn núi Bửu Long, ngày thứ 7-28/5/2022, nhà thơ Xuân Bảo bỗng dưng nhớ nhà thơ Võ Nguyện – Tú thịt Hộp, tôi đăng lại bài giới thiệu tập Thơ Trăng Giêng, để nhớ về tài thẩm thơ của Võ Nguyện.

Tôi đang viết cái phóng sự điều tra về NGÔI NHÀ 60A PHỐ HUẾ, HÀ NỘI, khi viết đến đoạn “những điều ngang ngược của những vị chức sắc thành phố Hà Nội”, bỗng dưng tôi nhớ tới nhà thơ trào phúng Tú Thịt Hộp, khi ông còn sống và ông đã viết một loạt bài để chống thói cửa quyền, đàn áp dân chủ trong Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai và đã đăng trên blog Văn Biên Hòa của ông, nhà thơ Võ Nguyện. Tôi bỗng nhớ đến ngoài tài thơ trào phúng, ông còn là một nhà thơ biết thẩm thơ một cách thâm thúy. Tôi xin đăng lại hầu bạn đọc bài bình Lộng ánh trăng giêng, giới thiệu tập thơ Trăng Giêng của nhà thơ Xuân Bảo do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2007, cũng là để kỷ niệm 10 năm tập Trăng Giêng ra đời.
LỘNG ÁNH TRĂNG GIÊNG
Trăng Giêng là trăng Nguyên Tiêu, là trăng của tháng mở đầu năm mới. Xuân Bảo đã hòa mình vào ánh trăng khai xuân ấy để cho ta thấy cả một trời trăng non nước diệu kỳ:
Lồng lộng trăng soi khắp mọi miền
Qua rồi bão tố, bến bình yên
(Trăng Giêng)
Ánh Trăng Giêng của Xuân Bảo như bước ra từ vầng trăng Nguyên Tiêu của Bác:
Thơ Bác nghìn sau vang vọng mãi
Non song ngời ngợi ánh trăng rằm
(Khấn Nguyên Tiêu)
Ánh trăng đó đã hòa quyện cùng đất nước, sáng bừng sắc màu hội họa dưới cái nhìn của người thơ lung linh tỏa sáng:
Ánh dương rắc hạt sáng đường trần
Én vẽ trời xanh nét nét xuân
(Nét Xuân)
Và trăng ngất ngây trong hòa âm của đêm “tưng bừng”:
Trăng lên sóng dậy cuộn đôi bờ
Non nước tưng bùng rộn tiếng tơ
(Thơ với Ngày Thơ)
Trăng trong thơ Xuân Bảo là cả non sông Việt Nam đang vào vận hội mới. Là:
Tượng đài uy nghiêm vời vợi trời cao
Nâng bước chân ta, đường lên chín bậc
(Về thăm Xuân Lộc chiến trường xưa)
là hương thơm quấn quýt của trà B’ Lao dịu dàng, là chín sắc cầu vồng Đà Lạt mộng mơ, là triệu triệu chồi tơ Nông trường Cẩm Mỹ mà lớp lớp cháu con đang dựng xây và thừa hưởng hôm nay.
Dịu dàng đêm Cẩm Mỹ
Ta đưa nhau vào miền Sơn Thủy
Để quên đi ngày tháng nhọc nhằn
Rạng rỡ mai vàng
Một nét duyên xuân
(Diu dàng đêm Cẩm Mỹ)
Nhìn trăng nay lại nhớ trăng xưa là sức liên tưởng cố hữu của nhà thơ. Ôi! Lòng người có thể đổi thay nhưng vầng trăng năm xưa thì vẫn vậy, vẫn đợi chờ soi tỏ ngày chúng mình gặp lại nhau:
Trăng nghiêng vít xuống ghi lời hẹn
Chung thủy tình ta đến bạc đầu
(Vít bóng trăng nghiêng)
Nhà thơ như vừa đi vừa nhặt nhạnh “những hạt bụi vàng” để góp phần tô đẹp ánh trăng đời. Có một đêm góc rừng Trường Sơn, chợt bàng hoàng nhận ra:
Lầm lũi đoàn quân ra chiến trận
Trường Sơn còn sót ánh trăng rơi
(Tiếng gọi đò)
Một ánh trăng rơi, thật sự là hạt bụi để đúc nên những: “Bông hồng vàng”
Khắc họa hình tượng và gợi mở tư duy là thế mạnh của Xuân Bảo. Tuy nhiên nếu anh uyển chuyển đôi chút thì sức cuốn hút còn mạnh mẽ hơn. Toàn tập, bài nào cũng ngắn gọn dễ nhớ nhưng cũng chính thế mà ta thấy thòm thèm.
Có điều trong cái đêm trăng giêng ấy ta vẫn thấy người thơ mong mỏi một tiếng gà báo hiệu nhân loại hết cơn hăm he của đại dịch bằng những câu cực ngắn:
Chim vể ríu rít
Thức dậy nắng ban mai
Mầm sống
Sinh sôi
(Xốn xang nghe gà gáy)
Cái ít lại diễn đạt cái nhiều, sinh sôi nẩy nở. Hay đó cũng là một thế mạnh của Trăng Giêng – Xuân Bảo vậy?
VÕ NGUYỆN
Biên Hòa, 19-05-2007
Bên bờ Phước Long Giang, chiều ngày 26/6/2017
Nhà thơ Xuân Bảo (bài đăng lại)
박인만, Nguyễn Thúy Hương và 2 người khác
1 bình luận
Thích
Bình luận
Chia sẻ

1