Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

276. Thất thủ Kinh đô Huế


THẤT THỦ KINH ĐÔ VÀ NGÀY QUÓC HẬN
                                                           (ngày 23 tháng 5 Âm lịch hàng năm ).

                                                                                                            Khảo cứu của nhà thơ Xuân Bảo
Đề dẫn.
Vua Lê Thánh Tông từng nói với các quan coi biên giới năm 1473 rằng:  Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di! (được ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư, trang 344).
Đức vua thường bảo với triều thần:” Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất một phân núi, một tấc sông do vua Thái Tổ để lại”.
     Triều đại Lê Thánh Tông là một triều đại cực thịnh của nước Đại Nam ta. Nội trị, đức vua thẳng tay trừng trị bọn gian thần, nịnh thần, tham quan ô lại bất kể chúng ở triều đình hay hương thôn. Lê Thánh Tông là một đấng minh quân văn võ kiêm toàn. Đức vua là một nhà thơ kiệt xuất, là chủ súy của Tao đàn nhị thập bát tú.
     Đối ngoại, đức vua thân chinh chinh phạt Chiêm Thành, Lão Qua… mở rộng lãnh thổ đem lại thống nhất giang sơn và thái bình thịnh trị cho đất nước.
***

Tôi viết bài Tưởng niệm này để nhớ về Ngày Quốc hận 23 tháng 5 âm lịch năm Ất Dậu, tức ngày 5 tháng 7 năm 1885 cách nay đúng 135 năm khi Kinh thành Huế thất thủ về tay thực dân Pháp.

Huế - thất thủ kinh đô

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và ngoài trời

Biến cố năm 1885 đã để lại một ấn tượng rất sâu sắc không những đối với triều đình nhà Nguyễn mà cả người dân xứ Huế. Sau biến cố đó, triều đình Huế chia làm hai kinh đô: Kinh đô của Nam triều tại Huế và kinh đô kháng chiến Tân Sở ở Quảng Trị với hai niên hiệu Hàm Nghi và Đồng Khánh cùng tồn tại cho đến năm 1888. 

Thời điểm đó cũng đánh dấu một triều đình đang làm chủ vận mệnh đất nước bị ngoại xâm, kiên cường đấu tranh để giành lại chủ quyền. Biến cố kinh đô Huế năm 1885 là niềm tự hào nhưng cũng là nổi đau lớn của dân ta!

Không có mô tả ảnh.

  Ngày thực dân Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng năm 1858.
Liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng lần thứ nhất là trận đánh mở đầu cho cuộc chiến tranh Pháp-Việt 1858-1884 trong lịch sử Việt Nam. Đây là cuộc chiến kéo dài nhiều ngày, khởi sự từ ngày 31 tháng 8 năm 1858 và kết thúc vào ngày 2 tháng 2 năm 1859, để chuyển sang một giai đoạn khác.
Liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã bị cầm chân và bị thiệt hại, cho nên đây chính là một khởi đầu thắng lợi lớn, nhưng duy nhất trong hơn một phần tư thế kỷ (1858 - 1884) chống ngoại xâm của quân và dân Việt Nam.

Âm mưu của thực dân Pháp.
Ngày 2-7-1885, De Courcy vừa đến Huế đã mở ngay cuộc thương thảo với triều đình về nghi lễ chuyển giao hiệp ước Patenôtre đã được Chính phủ Pháp phê duyệt, nhân cơ hội này để bắt Tôn Thất Thuyết. Âm mưu của De Courcy không thành vì Tôn Thất Thuyết đã biết trước nên ông tìm mọi lý do để cự tuyệt. De Courcy đòi triều đình Huế trong vòng ba ngày phải nộp đủ tiền bồi thường chiến phí là 200.000 thoi vàng, 200.000 thoi bạc và 200.000 quan tiền; lại yêu cầu cho sĩ quan tuỳ tùng và binh lính Pháp được mang vũ khí vào cửa Ngọ Môn. Trước thái độ hách dịch và những yêu sách vô lý của quan chức Pháp nên cuộc đàm phán bị bế tắc. Để thể hiện sự nhân nhượng và tạo thế bất ngờ cho cuộc tập kích vào quân đội Pháp, chiều ngày 4 -7- 1885, Tôn Thất Thuyết đưa thư sang toà Khâm Sứ, đóng ở bờ nam sông Hương xin từ chức Thượng thư Bộ Binh nhưng bị De Courcy khước từ. Dân Huế quen gọi là Tòa Khâm.

Mâu thuẫn đã đến cực điểm, chiến tranh tất phải bùng nổ.
Tổng số quân đội của triều đình lúc đó có khoảng 2 vạn người và 1.400 tù nhân ở nhà lao Trấn phủ được mở cửa cùng ra đánh giặc lập công. Tôn Thất Lệ, em ruột Tôn Thất Thuyết đang giữ chức Tham biện Sơn phòng Tân Sở tại Quảng Trị được triệu về kinh để chỉ huy cánh quân đánh úp toà Khâm Sứ Pháp. Trần Xuân Soạn là một danh tướng chỉ huy đánh Pháp ở Bắc Kỳ được Tôn Thất Thuyết điều về Huế giữ chức Đề đốc Kinh thành chỉ huy đội quân tập kích vào đồn Mang Cá.
.                            Sau khi dự tiệc ở toà Khâm Sứ trở về Tôn Thất Thuyết- tổng chỉ huy cuộc tấn công đóng bản doanh ở sau Đại Nội sẽ cùng Trần Xuân Soạn đánh úp đồn Mang Cá, ứng phó với mọi tình huống và chuẩn bị lộ trình phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở nếu cuộc tập kích không thành.
Phòng thành Mang Cá có tên chữ là Trấn Bình Đài có nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ kinh thành, chống các lực lượng thù địch từ biển vào qua cửa Thuận An. Đây là nhượng địa đầu tiên của triều đình Huế cho Pháp theo Hòa ước Harmand. Pháp chiếm Mang Cá là chiếm vị trí yết hầu cuả hệ thống phòng ngự của vua quan nhà Nguyễn. Nơi đây, tác giả được sinh ra và lớn lên hơn 10 năm từ năm 1935 cho đến 1945. Thực dân Pháp xây dựng Đồn Mang Cá thành cơ quan đầu não của lực lượng chiếm đóng, có Bộ chỉ huy Lữ đoàn 5 (5è Brigade). Phía trong thành có các cơ quan Sở Mộ lính, Trésorier, Câu lạc bộ Nhà binh, cơ quan tham mưu (État Major). Ba tôi làm việc ở đây, dưới sự chỉ huy của tham mưu phó quan hai (lieutenant) Le Bourg cho tới lúc mãn hạn lính năm 1944. Phía ngoài đồn, có Trại Con Gái (camp mariée) là khu nhà cho gia đình binh lính và hạ sĩ quan ở. Trong Trại này có sân vận động, có trường học (chỉ đến lớp Sơ đẳng Élémentaire), có Trạm y tế. Người đứng đầu Trại này có hàm Chánh quản (Adjudant chef). Ngoài ra, còn có nhà bàn (nhà ăn tập thể), kho gạo, tiệm cắt tóc cho lính. Tiểu đoàn 3 (3è bataillon) thì theo cổng phụ, vào cổng Trấn Bình Đài.
Tổng số quân Pháp là 1.387 lính với 31 sĩ quan, có đại bác yểm trợ, chia làm hai khu vực đóng quân ở Mang Cá và toà Khâm sứ cùng các trại thuỷ quân lục chiến ở bờ nam sông Hương. Đêm 4 tháng 7, ở sân toà Khâm sứ, De Courcy vẫn thản nhiên cho tổ chức dạ tiệc với sự có mặt đầy đủ các sĩ quan và quan chức đóng ở Huế, đến 23 giờ tiệc tan, mọi người ra về, thời gian vẫn yên tĩnh trôi qua.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người









Khoảng 1 giờ sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885 (23 tháng 5 năm Ất Dậu), Tôn Thất Thuyết cho phát lệnh tấn công. Quân Pháp ở Mang Cá, toà Khâm sứ và trại thuỷ quân ở nam sông Hương bất ngờ bị tấn công dồn dập, các doanh trại và quân Pháp bị thiệt hại nặng. 






Danh tướng Tôn Thất Thuyết

Khoảng 4 giờ sáng, quân Pháp bắt đầu phản công, chúng lần lượt phá huỷ các công sự chiến đấu và dập tắt hoả lực của quân đội triều đình ở trong và ngoài kinh thành, cuộc chiến trở nên khốc liệt. Đến 9 giờ thì ngưng tiếng súng và Kinh đô thất thủ, quân Pháp tràn vào Đại Nội bắn giết, cướp của, hãm hiếp, đốt phá vô cùng man rợ trong suốt 2 ngày đêm.
Bi cảnh thất thủ Kinh đô được danh sĩ Ngô Tất Tố ghi lại vào năm 1935 như sau:
“Hoàng thành hầu như một chỗ bỏ không, cảnh tượng cực kỳ thê thảm. Mấy dẫy lâu đài đồ sộ, bị lửa thuốc súng thiêu đốt, sụt đổ lổng chổng, lửa vẫn cháy, khói vẫn theo gió toả ra mịt mù. Dưới những túp nhà tranh tan nát vì đạn trái phá, tiếng người vẫn rên khừ khừ. Những kẻ cụt chân, cụt tay, gảy xương, lòi ruột, muốn chạy mà không chạy được đành phải nằm trong vũng máu¦ Cạnh các bãi tro than tanh bành, luôn luôn thấy những thây người bị thiêu, da thịt xém đen, có người chưa thật chết còn nằm quằn quại bên đống lửa. Trong các nhà, trên các con đường, dưới những hồ sen, ao cá, đâu đâu cũng có người chết; nhất là quảng từ Tàng Thư đến Tĩnh Tâm xác người chồng chất lên nhau từng đống. Chung quanh Toà Khâm, trước sau Mang Cá, trên cầu Thanh Long và những nơi đã xẩy ra cuộc xung đột của quân ta và lính Tây xác chết cũng nằm như rạ. Thiệt hại về phía Pháp có 4 sĩ quan và 19 binh lính thiệt mạng, 64 tên khác bị thương. Trong khi đó về phía triều đình có chừng 1.500 quân bị thương vong và khoảng 7.800 người dân vô tội bị chết và bị thương. Lửa đạn chiến tranh đã tiêu huỷ tất cả, Huế trở nên hoang tàn, đổ nát, tràn ngập cảnh chết chóc, tang thương”.

                             Tập kích quân Pháp lúc tướng De Courcy vừa đến Huế để lật lại thế cờ không thành, phe chủ chiến đứng đầu là Tôn Thất Thuyết vội vàng phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở. Thành Tân Sở hay Sơn phòng Tân Sở là tên một tòa thành cổ của nhà Nguyễn; nay thuộc địa phận làng Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Vua Hàm Nghi lên Tân Sở vào ngày 10 tháng 7 năm 1885, rồi ba ngày sau, tức là ngày 13/7/1885 nhà vua xuống Chiếu Cần Vương làm dấy lên một phong trào kháng Pháp rộng khắp. Song chỉ mấy ngày sau, tướng De Courcy sai quân đến bao vây biển Nhật Lệ và đánh chiếm tỉnh thành Quảng Trị, buộc tướng Tôn Thất Thuyết phải phò vua rời Tân Sở. Liền khi ấy, quân Pháp tràn cướp phá và san bằng Sơn phòng này.
                             Trên quốc lộ 9 từ Đông Hà đi Lao Bảo, chỗ cây số 12 rẽ theo đường vào Cùa chừng 7 km sẽ gặp một bình nguyên đất đỏ bazan, được bao bọc bốn phía bởi các dãy núi trùng điệp, đó là vùng đất mà thành Tân Sở khi xưa đã tọa lạc.
                             Năm 1873, quân Pháp đánh ra Hà Nội lần thứ nhất, buộc nhà Nguyễn phải ký Hòa ước Giáp Tuất (1874), thì ngay sau đó triều thần đã đề nghị lên vua Tự Đức xin khẩn trương xây dựng các Sơn phòng tại tất cả các tỉnh miền Trung, và được chấp thuận. Trong đó đáng chú ý là Nha Kinh lý Sơn phòng Quảng Trị, tiền thân của thành Tân Sở.
                             Tuy nhiên, việc xây dựng Sơn phòng được tiến hành khẩn trương vào cuối năm 1883, dưới triều vua Kiến Phúc. Khi ấy, triều đình ban lệnh cho các phạm nhân đã phân loại đến khai khẩn ở Sơn phòng Quảng Trị, cho "dời nha Sơn phòng Quảng Trị tới làng Bảng Sơn, lỵ sở phủ Cam Lộ cũng xin dời về trong Sơn phòng", đồng thời giao cho Đại thần Phụ chính Nguyễn Văn Tường trực tiếp đứng ra đôn đốc binh sĩ, tù nhân và dân phu trong quá trình xây dựng thành Tân Sở, bởi Cơ mật viện cho là "Sơn phòng Quảng Trị có thể làm hậu lộ cho kinh đô Huế.
                             Tân Sở có diện tích gần 23 ha, gồm hai vòng thành đều hình chữ nhật. Vòng thành ngoài có chiều dài 548 m, rộng 418 m; xung quanh trồng tre, có 4 cửa (Tả, Hữu, Tiền, Hậu) ở chính giữa bốn mặt thành. Thành nội dài 165 m, rộng 100 m (diện tích 16,5 ha), cũng có bốn cửa, bên trong có mấy nếp nhà dùng làm nhà ở của các quan, có chợ, trại lính, kho đạn, hầm súng, tàu voi, trại giam, giếng nước, v.v".
                             Để xây dựng thành Tân Sở, triều đình đã huy động "hàng ngàn binh lính, tù phạm và dân phu ngày đêm đào hào, xây thành, đắp lũy. Vật liệu tại chỗ chủ yếu là gỗ, tre, mây...còn phần lớn được vận chuyển từ Huế ra để xây dựng, trong đó có gạch với kích thước lớn, khối lượng lớn để xây Thành nội và một số kiến trúc ở bên trong Thành nội. Đồng thời, phải khẩn hoang để tự chủ lương thực, dự trữ muối để phòng lúc bị vây, khai quặng sắt để rèn đúc công cụ và vũ khí. Ngoài ra, còn phải đưa vàng bạc, vũ khí từ Huế ra trước để dự phòng, mở đường thượng đạo để thông với kinh đô Huế và Quảng Bình.
                             Lần thứ hai là khi trên đường ra Quảng Bình bằng đường hạ bạn ở đồng bằng thì nghe tin quân Pháp đón bắt ở Đồng Hới, Tôn Thất Thuyết phải đưa nhà vua về lại Tân Sở, rồi theo con đường thượng đạo để ra Bắc. Liền khi ấy, quân Pháp tràn cướp phá và san bằng Sơn phòng này.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng


                            
                   Chiếu Cần Vương đã dấy lên phong trào chống Pháp của nhân dân trên cả ba miền đất nước, mà tên tuổi của nhiều nhân vật như Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Phạm Thận Duật, Đặng Hữu Phổ, Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Duy Hiệu, Mai Xuân Thưởng, Lê Thành Phương¦đã đi vào bất tử.

                     Lễ tế Đàn Âm hồn 23 tháng 5 âm lịch hàng năm.
                          Lễ này bắt nguồn từ sau chính biến ngày 23.5. năm Ất dậu (05.7.1885) khi Kinh đô Huế thất thủ.
                   
                  Lễ tế Âm hồn Thất thủ Kinh đô - bữa quảy cơm chung (còn gọi là Lễ Truy niệm Chiến sĩ trận vong và đồng bào nạn vong năm Ất dậu) là một nét văn hoá đặc trưng của nhân dân Thừa Thiên - Huế.



                             Ngày thất thủ Kinh đô 23 tháng 5 là ngày quốc hận, trở thành ngày quốc tang, ngày tâm tang của người dân xứ Huế.
                             Chín năm sau ngày Kinh đô thất thủ, dưới triều vua Thành Thái, Đàn Âm hồn mới được triều đình cho thiết lập. Năm 1894, Bộ Lễ cho lập Đàn ở một bãi đất ở gần cửa Quảng Đức. Ở đây người dân dựng các bàn thờ để cúng các vong linh bị chết trong chiến tranh. Quan Đề đốc Kinh thành làm chủ tế và thân chinh đọc Văn tế. Đàn lúc đầu để lộ thiên ở một bãi đất rộng 1.400 mét vuông, về sau triều đình cho xây một ngôi nhà ba gian để thờ và cất giữ đồ tự khí. Đàn dài khoảng 10 mét, rộng 5 mét, cao 1, 5 mét, có 3 án thờ đặt ba bài vị sơn son thếp vàng. Án giữa thờ anh linh các quan chức triều đình, án bên trái thờ dân chúng tử nạn, án bên phải thờ tử sĩ trận vong.
                             Sau năm 1945, triều Nguyễn sụp đổ, việc cúng tế Đàn Âm hồn cũng không còn, nhưng đạo lý và tâm linh của văn hoá đất thần kinh đã thôi thúc một tổ chức tế lễ phi nhà nước ra đời để đảm nhận việc cúng tế cho các anh linh, tử sĩ trận vong trong ngày kinh đô thất thủ là phổ Phước Lợi với hơn 100 gia đình thành viên tham gia, vị Trưởng phổ đầu tiên là Nguyễn Dục (1945-1960) và duy trì nét đẹp văn hoá này cho đến ngày hôm nay. Hiện nay trưởng phổ đời thứ 4 là ông Trần Phú Thuận, đảm nhận từ năm 2001.
                             Việc tổ chức tế lễ Đàn Âm hồn là nghĩa cử văn hoá cao đẹp mang tính đặc trưng lịch sử của xứ Huế đã tồn tại hơn một thế kỷ qua. Ngoài đàn Âm hồn mang ý nghĩa quốc đàn do Nhà nước phong kiến thành lập và thiết lễ, miếu Âm hồn do dân lập nên (đường Mai Thúc Loan), nhiều đền chùa, am miếu, nhà thờ, mọi nhঠđến ngày 23 tháng 5 Âm lịch đều bắt đầu cúng lễ Cô hồn và kéo dài một tuần lễ để tưởng nhớ và các anh linh đã trận vong trong ngày thất thủ Kinh đô.
                             Tôi thiết nghĩ, Nhà nước ta nên có một đền thờ trang nghiêm làm nơi tưởng niệm những linh hồn đã hy sinh trong ngày Quốc hận này.
                             Ngày nay, người dân Huế vẫn coi ngày 23 tháng 5 âm lịch hàng năm là ngày Quốc hận.  Trên khắp mọi nẻo đường của Kinh thành Huế, trước mặt mỗi nhà đều có bày biện mâm lễ cúng âm hồn. Nhân dân Huế mãi mãi không quên Ngày Quốc hận này. Và tôi liên tưởng đến truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta trải qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước.
                             Tôi lại nhớ đến câu nói bất hủ của Vua Lê Thánh Tông: Vua Lê Thánh Tông từng nói với các quan coi biên giới năm 1473 rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!
                             Ông thường bảo với triều thần:” Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất một phân núi, một tấc sông do vua Thái Tổ để lại”.

Ảnh 1. Lễ truy niệm chiến sĩ và đồng bào trận vong ngày thất thủ Kinh đô.
Ảnh 2. Danh tướng Tôn Thất Thuyết.
Ảnh 3. Mộc bản triều Nguyễn về ngày Thất thủ Kinh đô
Ảnh 4. Lễ tế Ngày Quốc hận Thất thủ Kinh đô

Bên bờ Phước Long Giang, còn vài ngày nữa tới Ngày Quốc hận Thất thủ Kinh đô Huế, 23 tháng Âm lịch Ất Dậu 1885.
                                                                                     Nhà thơ Xuân Bảo





Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

275. Chùm thơ viết về Huế củaXuân Bảo


275. Chùm thơ viết về Huế của nà thơ Xuân Bảo

1. ĐỈNH BẠCH MÃ.
Bạch Mã chon von Vọng Hải đài
  Ngũ Hồ sóng sánh ánh dương mai
  Đầu ghềnh vượn nhảy thân mờ tỏ
Cuối thác ve ngân tiếng vắn dài
Lãng đãng mây vờn mây ấp núi
Rì rào gió thoảng gió mời ai
Đỗ quyên thơm nức mùa hoa nở
Ta với tay lên tưởng chạm trời

2. MỘT CHIỀU MƯA HUẾ
Gửi Thanh Cầm
Cố đô vương vấn tự bao giờ
Kỷ niệm tràn đầy tuổi ấu thơ
        Cần Chánh phôi pha cung điện cũ
   Thái Hòa meo mốc bệ rồng xưa
                 Sông Hương trầm mặc bao thương nhớ
     Núi Ngự uy nghiêm bấy đợi chờ
Dù có cách xa bao dặm ngái
      Lòng ta đau đáu Huế chiều mưa

Huế, Tháng 7 năm 2009.

3. GIỌT LỆ HUYỀN TRÂN

“Nước non ngàn dặm ra đi. Mối tình chi”

              Cung vàng Chiêm quốc tím chiều hoang
Vẳng khúc Nam ai quá bẽ bàng
       Tình nghĩa trăm năm người cách trở
Nước non ngàn dặm lệ tuôn tràn
Phụ hoàng… còn xót con lưu lạc
          Trần Khắc… thấu chăng thiếp lỡ làng?
Chín vạn bông trời sao sáng nở
Thôi đành bội ước với tình lang

Huế, kỷ niệm 700 năm ngày Huyền Trân về Chiêm quốc 1307-2007.

Nhà thơ Nguyễn Đức Hùng có bài họa

4. NỖI LÒNG HUYỀN TRÂN

(họa y đề bài Giọt lệ Huyền Trân của Xuân Bảo)

  Trời Chiêm lồng lộng gió đi hoang
    Xót phận Huyền Trân chịu bẽ bàng
    Núi thẳm chắn đường mây phủ kín
Sông sâu bít lối nước dâng tràn
         Hai Châu sum họp chàng thương nhớ
Vạn lý rời xa thiếp lỡ làng
Vì Nước đành chôn dòng lệ ứa
     Thôi đành lỗi nhịp khúc hoài lang

5. VỊNH ANGKOR

    Lặng ngắm đền đài nhớ cố đô *
Năm trăm năm ấy một cơ đồ
              Đá mòn Phnom Buk ** mờ sương núi
         Trăng khuyết Angkor lạnh Biển Hồ

*Nhớ cố đô Huế
                                                **Đồi Bà Búk cách Xiêm Riệp 19 km, địa danh                                   lịch sử dưới thời vua Surya Varman II, nay đã thành phế tích.

6. HẢI VÂN ĐỆ NHẤT HÙNG QUAN

Vượt ngàn dặm ngái tới nơi đây
  Đệ nhất hùng quan thắng địa này
Bạch Mã suối rền hoài cố quận
   Đỗ Quyên thác réo suốt đêm ngày
 Sầu giăng Ô, Lý buồn tâm khảm
Hận nuốt Đồ Bàn xót cỏ cây
  Còn đó Hang Dơi cuồn cuộn sóng
         Đèo Mây sừng sững khá thương thay!

7. HUẾ THƯƠNG

Thương về xứ Huế rồng chầu*
Qua cơn bão lũ nỗi sầu chưa nguôi
Đồng Nai ngựa tế một thời*
Gửi tình tri ngộ, gửi lời yêu thương

*Ca dao: Rồng chầu xứ Huế, ngựa tế Đồng Nai

8. VỀ HUẾ

Ta đã về đây Huế Huế ơi
 Mùa xuân thay lá nhuốm xanh trời
     Sông Hương trầm mặc nồng thơm gió
Núi Ngự uy nghi bóng dáng Người

9 .QUÝT HƯƠNG CẦN

Họa bài Bưởi Biên Hòa của nhà thơ Tú Thịt Hộp Võ Nguyện

Rằng da thì mỏng múi thì dày
            Một thuở Hương Cần quýt tiến đây*
        Thấm nước sông Bồ nghe ngọt ngọt
             Đẫm sương độộng Mệ thấy cay cay**
         Của thơm Xứ Huế xin nương mũi
Vật lạ Thần kinh nhớ nhẹ tay
Em dặn: anh ơi đừng nắn bóp
     Lỡ ra nó nẫu mạ la rầy***__
__
* Một loại quýt nổi tiếng của Huế dùng để tiến vua
** Độộng : rú động
*** Mạ :Mẹ

10. ĐÊM HƯƠNG GIANG NGHE CA HUẾ.

Nhớ anh Lê Văn Sắc*
Trọn cuộc đời
Ta ở hai đầu đất nước
Lúc Sài Gòn nắng, lúc Hà Nội mưa
Nhìn mưa ,da diết nhớ câu hò xứ Huế
Từ thuở nằm nôi, tiềng Mẹ:
“À ơi! Ru con con théc cho muồi…
“Chợ Dinh bán áo con trai…”
Nỗi nhớ mênh mang điệu Lý
Trước Phu Văn Lâu ai ngồi đó?
Gõ song loan mà cảm, mà thương!

Đêm sông Hương
Kinh thành buồn trầm mặc
Giọng mái nhì man mác
Giọng mái đẩy thân thương
Điệu Nam Bình vấn vương
Mối tình chi vạn dặm?
Điệu Nam ai ai oán
Huyền Trân ơi, bảy trăm năm
Quê nhà xa vạn lý mù tăm
Ly quê, viên gạch Hời sầu nhân thế!

Đêm ca Huế
Thuyền trôi trăng Bạch Hổ
Sông nước dập dềnh
Thương dô hụi, hò khoan
Thương con ngựa ô gập ghềnh đếm bước
Theo chàng về dinh, tình si khớp bạc

Thôi rồi! Cánh buồm lay
Ta cũng buồn lây
Cùng thương cùng nhớ
Ơi câu hò quê mẹ
Não lòng con đêm nay!

Huế, mùa mưa 2007
*Anh Lê Văn Sắc, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế.


11. VẪN LÀ ANH CHÀNG TRAI HÀ NỘI

Giải nhì Thơ Ngàn Năm Thăng Long
Gửi Thúy Minh
Ngỡ ngàng
Anh thành chàng trai Hà Nội
Bên em, cô gái thủ đô
Có lẽ vì anh yêu Phố Huế*
Đất Thần kinh quê mẹ tự bao giờ
Nước Hồng Hà đượm sắc phù sa
Anh hòa vào Hương Giang xanh biếc
Và thêm màu lục thủy Hồ Gươm

Khúc tự tình đếm bước đêm đêm
Hoa sấu rụng lạnh trùm vai áo
Đào Nhật Tân lung linh huyền ảo
Chia cho em một nhánh mai vàng
Bông trời Nam của đôi miền hội ngộ
Trước nhà chúng ta có cây hoa sữa
Nồng hương lãng đãng cuối thu
Ngước mắt lên đỏ rực ngọn cờ
Năm cửa ô quân về nườm nượp

Khúc hát chèo nhịp phách trong veo
Trời Ba Đình còn đây lời Bác
Ơi Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội!
Mặt nước Hồ Tây gợn sóng rưng rưng
Để Linh Mụ gửi câu kinh vào Chùa Bộc

Em lại khóc –vì sao?
Tổ quốc ba mươi năm đánh giặc
Việt Nam thức suốt cuộc trường chinh
Rầm rập bước chân giải phóng Sài Gòn
Nước mắt thương ơi! Nước mắt ngày gặp mặt

Em là cô gái thủ đô
Anh vẫn là chàng trai xứ Huế
Tuổi dần nghiêng về phía hoàng hôn
Xin cho anh được bên em mãi mãi.

Bên bờ Phước Long Giang, ngày Hạ chí, tiết khí Mang chủng (Chòm sao Tua rua mọc), nhằm ngày 13/6/2019.

Nhà thơ Xuân Bảo

Ảnh 1. Cầu Tràng Tiền
Ảnh 2. Chùa Thiên Mụ
Ảnh 3.Huế xưa
Ảnh 4. Ca Huế