Trang

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

208. BA TÔI ĐƯA TÔI ĐẾN TRƯỜNG.HỌC

                                     208. NHỮNG KỶ NIỆM VỀ BA TÔI.
                                        (Trích Chương Những ngày ở cố đô Huế)
.
1.     Ba tôi đưa tôi đến trường học.
          Tôi vào học cours Enfantin (Lớp Đồng ấu) niên khóa 1941-1942 tại trường Nhà Binh trong Trại Con gái – nơi ở cuả gia đình binh lính (Camp mariée) – thuộc Đồn Mang Cá khi tôi lên sáu.
`Buổi sáng tựu trường, Ba tôi xin phép được nghỉ làm việc ở cơ quan Tham mưu Lữ đoàn 5 (État Major thuộc 5è Brigate) để đưa tôi đến lớp. Ông mặc quân phục lính Pháp, cấp Sergent (Đội) rất chỉn chu.
Ông trìu mến dắt tay tôi đi vòng qua sân vận động trong trại để đến trường. Trường đóng gần bờ hào, nhìn sang bên kia là bức thành cổ của Hoàng thành Huế. Cạnh trường là một cái vườn hoa nho nhỏ, trong đó có cái trạm xá, giống như trạm y tế xã bây giờ, cũng của nhà binh.
Trường chỉ có 3 lớp: Lớp Đồng ấu (cours Enfantin), lớp Dự bị (cours Préparatoire), lớp Sơ đẳng (cours Elémentaire). Mỗi lớp có khoảng 30 học trò. Các học trò lớp Đồng ấu không mang theo sách vở, học cụ. Sau khi chào cờ xong. Cờ là một lá cờ tam tài xanh trắng đỏ được mắc vào dây kéo treo sẵn trên cái cột dựng ở sân trường. Thầy giáo Phong, (tôi không nhớ họ) cũng mặc đồ nhà binh với hàm Sergent (Đội) đọc tên từng học trò và hướng dẫn vào chỗ ngồi. Lớp có 2 dãy bàn học, mỗi bên có 5 hàng ghế, ghế có 3 chỗ ngồi. Trên bàn học phía trước có 3 cái lỗ khoét sâu xuống để vừa cái gô-đê đựng mực, thường là mực tím. Dưới mặt bàn có 3 ô ngăn cách để học trò dùng đựng cái tráp sách bằng gỗ mỏng. Bảng đen được treo trên tường, gần bàn của thầy. Góc phía dưới có để một hộp phấn trắng và một cái khăn lau bảng. Tường hai bên và phía sau treo những bức họa vẽ về đề tài trẻ con, nhiều màu sắc và vui mắt.
Có một tấm bản đồ to xứ Đông Pháp treo gần bảng đen. Xứ Đông Pháp, tên Tây là Indochine-Française. Sau này lớn lên khi có trí khôn tôi mới biết đó là xứ Đông Dương, (Indochinoise) gồm 3 nước Việt Nam, Lào và Cao-mên. Việt Nam thì có 3 kỳ: Bắc kỳ gọi là Tonkin. Trung kỳ gọi là Annam, Nam kỳ gọi là Cochinchine.
Mỗi học trò được phát một cái tráp, trong có quyển sách học vần a, b (bê) c (xê), một quyển vở kẻ ô ly để viết tập, một cái thước kẻ, một cây viết chì, một cây viết mực, một tờ giấy thấm và một cục gôm (tẩy). Học cụ, sách vở là của Tây cho không. Đặc biệt hồi đó tôi chưa bao giờ nghe 2 từ: học phí.
Sau khi vào lớp, ổn định chỗ ngồi rồi thì cha mẹ học sinh ra về. Hồi đó tôi cũng chưa từng nghe 4 từ: phụ huynh học sinh. Vào lớp, thầy hô: Tất cả lớp đứng dậy! Các trò đều răm rắp nghe theo. Thầy lại hô: Chào các trò! Cả lớp đồng thanh đáp lại: Kính chào thầy!
Và học trò bắt đầu học chữ theo quyển sách đánh vần. Thầy viết lên bảng 3 chữ a, b và c. Thầy cầm cái thước kẻ chỉ vào từng chữ. Chỉ vào chữ a, thầy nói a. Cả lớp đồng thanh aaa rõ thật to và thật dài. Cả một buổi sang chỉ học có 3 chữ a, b và c.
 Nghe tiếng còi trong thành hú 3 hồi dài. Đây là còi báo 11 giờ. Hết hồi còi thứ ba, thầy lại hô: Tất cả lớp đứng lên! Và thầy nói: Buổi học đầu tiên hôm nay kết thúc. Chào các trò!
Tất cả học trò ùa ra sân trường, ríu rít như một đàn chim non. Cha mẹ các trò đã chờ sẵn. Đứa thi được dắt tay, có đứa lại được cha hay mẹ bồng lên. Ba tôi đã thay bộ quân phục, thay vào đó là bộ đồ civil đón tôi về nhà.
Buổi học đầu đời của tôi là như vậy đó. Giờ đây, sau gần 80 năm khi Ba Mạ tôi đã về với ông bà, tổ tiên. Tôi năm nay cũng đã hơn tám chục tuổi. Và được nuôi dạy trong môi trường của một gia đình gia giáo. Tôi trưởng thành và trở thành nhà báo, nhà thơ cũng nhờ vào sự dạy dỗ của Ba Mạ tôi. Trong đó công lao lớn nhất dạy dỗ tôi để trở thành một người có văn hóa là công đầu của Ba tôi.
 Viết bài này để tưởng nhớ về người cha kính yêu nhân ngày Kỵ Ba tôi, ngày 12 tháng 9 âm lịch hàng năm.

Bên bờ Phước Long Giang, đêm 11 rạng sáng ngày 12 tháng 9 năm Đinh Dậu, tức ngày 30 tháng 10 năm 2017.
                                                                        Nhà thơ Xuân Bảo.

Kỳ sau: Ba Mạ tôi cho tôi đi thăm hoàng thành Huế.



Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

207. XỨ DỪA BẾN TRE- MỘT VÙNG ĐẤT THẤM ĐẪM VĂN CHƯƠNG.

207.    Xứ Dừa Bến Tre, một vùng đất thấm đẫm văn chương.


 Dù là vùng đất mới khai phá hơn 300 năm, nhưng Bến Tre đã để lại cho hậu thế một số lượng nhà văn hóa khá lớn.

***Đó là Quan đại thần Phan Thanh Giản (1796-1867), tự Tĩnh Bá, Đạm Như, hiệu là Lương Khê và Ước Nhu, quê làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An (Vĩnh Long), nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre. Cụ là vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ thời “đàng cựu”. Cụ làm quan 3 đời nhà Nguyễn: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức và cũng nhiều phen bị giáng. Năm 1867, quân Pháp chiếm 3 tỉnh Tây Nam Kỳ trong lúc Cụ đang nhậm chức Kinh lược sứ. Thế yếu không chống nổi, Cụ đã nộp thành Vĩnh Long cho Pháp, rồi nhịn ăn 17 ngày. Cuối cùng Cụ đã uống thuốc độc tự tử! Tác phẩm của Cụ gồm Du kinh, Toái cầm, Kim đài, Sứ trình nhật ký…Các sáng tác của Phan Thanh Giản được tập hợp lại trong 2 bộ sách Lương Khê thi thảo (in năm 1876) gồm 474 bài và Lương Khê văn thảo (cùng in năm 1876) có 103 bài. Cụ có bài thơ nôm cuối cùng Tuyệt cốc- chính là phiên bản trung thành tâm trạng đầy bi kịch của Cụ, một vị đại thần suốt đời lận đận trong vòng trói buộc của 2 chữ “trung quân” mà cứ đinh ninh là mình yêu nước thương dân! Là một tác giả văn chương ở nửa cuối thế kỷ XIX đã gây ra nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu văn học và giới nghiên cứu khoa học xã hội khi đánh giá về Cụ.
Theo Di chúc của Cụ những dòng chữ khiêm tốn được khắc trên mộ chí: “Đại Nam hải nhai lão thư sinh tánh Phan chi cửu” (Mộ của người học trò già họ Phan ở bờ biển nước Đại Nam).

***Đó là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (như tôi đã viết ở phần đầu bút ký này). Với Tuyên ngôn cầm bút bất hủ mà tôi đã mượn để làm câu Đề từ cho blog Nguyễn Xuân Bảo: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.  Nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương yêu nước thương dân và lao động nghệ thuật mẫu mực, chân chính, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ không những đối với người đương thời mà cả những thế hệ về sau và đến tận bây giờ. Bến Tre sau Cách mạng Tháng Tám đã từng mang tên là tỉnh Đồ Chiểu. Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh được mang tên Cụ.
Cụ có 2 người con nối nghiệp văn chương của cha là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, chủ bút báo Nữ giới chung. Bà có làm thơ chữ Hán như Đoan dương tiết cảm, Linh sơn nhất thụ mai và có những bài thơ viết bằng Quốc ngữ như Vịnh hoa mai trên núi Điện Bà, Nhân vua Thành Thái vào Nam và tác gia Nguyễn Đình Chiêm (con thứ bảy của nhà thơ) có các vở tuồng Phấn trang lầu, Phong Ba Đình và Nê Mã Độ Khương…ác bài thơ Tự thuật, Khánh địa tư gia…

***Đó là học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898), còn có tên là J.B. Trương Chánh Ký hay Pétrus Ký tại làng Cái Mơn, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, là một nhà văn, là một trí thức uyên bác. Từ nhỏ Ông học chữ Nho, chữ Quốc ngữ, chữ La Tinh. Ông đã từng được học ở các trường đạo Pinhalu (Cambodia), Pinang trên đảo Poulo Pinang (Ấn Độ Dương). Năm 1865, Ông làm phiên dịch cho phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp. Năm sau Ông làm chủ bút báo Gia Định báo và An Nam chính trị xã hội. Năm 1886, Ông trở thành người cộng tác thân tín của Tổng công sứ Paul Bert, được cử vào Cơ mật viện của Nam triều.
Trương Vĩnh Ký đọc và nói giỏi 15 thứ tiếng phương Tây và 11 ngôn ngữ phương Đông, được giới học thuật tư bản xếp vào danh sách 18 nhà bác học đương thời của thế giới. Ông đã để lại cho đời 118 tác phẩm lớn nhỏ cả tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Pháp, không kể những di cảo dang dở. Có thể chia tác phẩm của Ông thành 6 loại: 1) Nghiên cứu về địa lý và lịch sử, 2) Nghiên cứu về các bộ môn khác của ngành khoa học xã hội, 3) Biên soạn từ điển, 4) Dịch sách chữ Hán, 5) Sưu tầm, phiên âm truyện Nôm và các tác phẩm cổ Việt Nam, 6) Sáng tác thơ văn, bút ký.
 Kết quả 40 năm lao động không biết mệt mỏi của Ông đã có những đóng góp nhất định cho một số ngành khoa học đương thời. Riêng trong lĩnh vực văn học dân tộc nói chung và Nam Bộ nói riêng, Ông đã góp phần có ý nghĩa trong việc sưu tầm, biên soạn, phiên âm với một ý thức trân trọng một loạt tác phẩm như Kim Vân Kiều truyện, Lục Vân Tiên, Đại Nam quốc sử diễn ca, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Trung nghĩa ca, Hịch Quản Định, Gia Định thất thủ vịnh…Ông sáng tác các tác phẩm Chuyện đời xưa nhón lấy những chuyện hay và có ích, Chuyện Khôi hài. Riêng tập bút ký Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi là “một tập bút ký hiếm hoi bằng chữ Quốc ngữ của thế kỷ XIX…” (Theo Từ điển Văn học, NXB Khoa học-Xã hội, H.1984, tập II, tr. 465).
Cuối đời, Ông rời bỏ chính trường về nhà ở Chợ Quán (Sài Gòn) đọc sách, viết sách trong cảnh túng thiếu, bệnh tật với tâm trạng buồn nản.

***Đó là nhà giáo, nhà thơ Phan Văn Trị, thường gọi là Cử Trị, sinh năm 1830 tại làng Hưng Thạnh, xã Bảo An (Vĩnh Long), nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Ông đỗ cử nhân khoa Kỷ Dậu, cùng khoa với Nguyễn Thông. Mặc dù tuổi nhỏ hơn Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thông, nhưng Ông lại là bạn văn chương của hai người, đồng chung lý tưởng chống bọn xâm lược và tay sai. Chán ghét triều đình nhà Nguyễn, Ông không chịu ra làm quan mà về dạy học, bốc thuốc và làm thơ cho đến cuối đời.
Sáng tác của Phan Văn Trị chia làm 2 giai đoạn. Thời kỳ đầu, khi Pháp chưa xâm lược. Phần lớn là thơ vịnh cảnh vịnh vật và thời kỳ sau là lúc đất nước mất cả Lục tỉnh Nam Kỳ vào tay thực dân Pháp. Thời kỳ này Ông chuyển hẳn ngòi bút sang chống giặc và tay sai. Ông là người có công đầu trong cuộc bút chiến chống Tôn Thọ Tường – người bạn thơ của Ông trong nhóm Bạch Mai thi xã – sau qua cộng tác với giặc. Tôn Thọ Tường làm 10 bài thơ liên hoàn có tựa đề là Giang san ba tỉnh. Nội dung tự thuật, tán dương sức mạnh vật chất của bọn Tây Dương, cho rằng nhân dân ta không địch nổi quân thù cho nên khuyên mọi người hãy biết “tùy thời”. Ở bài 1 – 2 câu kết:
… “Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc
      Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay…”
Phan Văn Trị đã họa lại 2 câu này:
                   … “Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ
                           Lòng ta sắt đá há lung lay…”
Ngoài 10 bài xướng và họa về Giang san ba tỉnh, Tôn Thọ Tường còn có hai bài bài thơ Tôn phu nhơn quy Thục và Từ Thứ quy Tào để ngụy biện. Phan Văn Trị công kích luận điệu của Tường bằng thơ Hát Bội. Cuộc bút dưới hình thức họa thơ nổ ra từ đó. Có thể nói Phan Văn Trị là người đã nối chí nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Ở bài 2 câu 4, Ông đã mắng Tôn Thọ Tường là “đứa ngu”:
 Đường xa, ngày tối, tuổi không chờ…
 Họa: Đứa ngu mới sợ tuổi không chờ.
Ở bài 4 câu 1: Kể chi danh phận lúc tan hoang.
Họa: Thân danh chẳng kể, thiệt thằng hoang.
Ở bài 6 câu 7: Ở đời há dễ quên đời được…
Họa: Đáy giếng trông trời trơ mắt ếch,
Ở bài 8 câu 7: …Khó lòng mình biết lòng mình khó…
Họa: Đứa dại trót đời, già cũng dại…
 Bằng những lập luận sắc sảo, sáng ngời chính nghĩa và rất đĩnh đạc, hiên ngang, Ông đã giáng cho Tường những cái tát điếng người.
Tôi trích ra đây 2 bài thơ xướng họa của Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị.
Bài xướng của Tôn Thọ Tường                   Bài họa của Phan Văn Trị
            Tôn phu nhơn quy Thục                        Tôn phu nhơn quy Thục
     Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng        Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
    Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông         Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông
    Lìa Ngô, bịn rịn chòm mây bạc               Ngút tỏa đồi Ngô ùn sắc trắng*
    Về Hán, trau tria mảnh má hồng             Duyên về đất Thục đượm màu hồng
     Son phấn thà cam dày gió bụi                 Hai vai tơ tóc bền trời dất
     Đá vàng chi để thẹn núi sông                   Một gánh cang thường nâng núi sông
     Ai về nhắn với Châu Công Cẩn:             Anh hỡi! Tôn Quyền, anh có biết?
     Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng       Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng
                                                                       ________
                                               *Dị bản: Khói tỏa trời Ngô chen thức bạc.                                           
          Bài xướng của Tôn Thọ Tường               Bài họa của Phan Văn Trị

                Từ Thứ quy Tào                                   Từ Thứ quy Tào

     Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi*             Quá bị trên đầu nhát búa voi
      Muối xát lòng ai nấy mặn mòi               Kinh luân đâu nữa để khoe mòi
      Ở Hán hãy còn nhiều cột cả                   Xăn văn ruổi Ngụy mây ùn đám
      Về Tào chi sá một cây còi                      Dáo dác xa Lưu, gió thổi còi
      Bâng khuâng nhớ mẹ khôn nâng chén    Đất Hứa nhớ thân sa giọt tủi**
      Bịn rịn trông vua biếng giở roi               Thành Tương mến chúa nhẹ tay roi!
      Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy     Về Tào miệng ngậm như bình kín
      Thân này xin gác ngoài vòng thoi            Trân trọng lời vàng được mấy thoi?
                __________                                    ___________
*Vua Thuấn cày bằng voi                        ** Đất Hứa -tỉnh Hứa Xương
         
         
Cuộc bút chiến này có một giá trị đặc biệt. Thơ của Ông cũng chính là lời phát ngôn của phong trào chống Pháp rộng lớn của sĩ phu và nhân dân Nam Kỳ. Ông đã lôi cuốn được đông đảo sĩ phu yêu nước vào cuộc bút chiến như Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt…, cảm hóa được những người lầm đường lạc lối như Lê Quang Chiểu về với chính nghĩa dân tộc.
Phan Văn Trị xứng đáng đứng trong hàng ngũ những nhà thơ tiêu biểu cho khuynh hướng văn học yêu nước thời cận đại bên cạnh Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích. Ở Bến Tre, Ông là ngọn cờ tiêu biểu thứ hai của văn chương yêu nước sau Nguyễn Đình Chiểu.
Tuy nhiên, công bằng mà nói thì danh sĩ Tôn Thọ Tường là một tài thơ quý giá. Do lầm đường lạc lối mà cộng tác với giặc nên bị giới trí thức chỉ trích gay gắt. Năm 1966, giáo sư Trịnh Vân Thanh có nêu lên một nhận xét khá công tâm; “Với một tâm trạng đau khổ, luôn bị dằn vật của Tôn Thọ Tường, chúng ta thấy ông không phải là mất cả lương tri. Việc vận động với người Pháp để xin ân xá cho Bùi Hữu Nghĩa, nhẫn nhục nhận lấy những lời thóa mạ, nguyền rủa của Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Lê Quang Chiểu…mà không tìm cách trả thù hay ám hại, chứng tỏ Tường vẫn còn biết trọng nho phong, sĩ khí”.

***Đó là Ông Nghè Trương Gia Mô (1866-1929), hiệu là Cúc Nông, sinh tại làng Tân Hào, huyện Bảo An (Vĩnh Long), nay là xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Năm 1892 khi làm thừa phái Bộ Công, triều Nguyễn, Ông đã có một bản điều trần lên vua gồm 5 điểm. 1- Mở rộng trường học chữ Pháp ở các tỉnh; dịch sách Pháp và Tàu ra quốc ngữ để tiện phổ biến nhằm mở mang dân trí. 2 - Chấn hưng công nghệ thực nghiệp, mở rộng việc khai hoang, chăm sóc chữa bệnh cho dân nghèo. 3 - Cách chức bọn quan lại tham nhũng, sàng lọc bọn vô dụng trong bộ máy công quyền. 4 - Lập Nghị viện, mở báo quán để rộng đường dư luận. 5 - Chỉnh đốn hương tục, đẩy mạnh việc giáo hóa trong xã hội, ngăn ngừa sự đồi bại.
Nội dung bản điều trần phản ánh tấm lòng ưu tư, trăn trở của một trí thức có tâm huyết. Nhưng bản điều trần này không đến tay nhà vua mà bị thượng thư Nguyễn Trọng Hợp gạt đi.  Trương Gia Mô cởi áo từ quan, về Lục tỉnh một thời gian rồi lại trở ra Bình Thuận. Ở Bình Thuận, Phan Châu Trinh đã kết giao với Trương Gia Mô và cùng các thân sĩ (trong đó có Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp) hô hào cải cách duy tân, lập ra công ty Liên Thành và trường Dục Thanh.
Năm Mậu Thân (1908), Ông bị bắt giam tại nhà lao Khánh Hòa vì tội tham gia tổ chức bí mật “đảng hội”, sau ít lâu Ông được tha. Ông trở về quê nhà lúc đã trên 40 tuổi, làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho dân trong vùng. Có một cuộc gặp gỡ đầy lý thú giữa Truong Gia Mô và Nguyễn Tất Thành tại làng Hà Thủy, tổng Đa Phước, Bình Thuận. Nguyễn Tất Thành qua thư giới thiệu của cụ Phó bảng, đã tìm gặp người bạn tín cẩn năm xưa của cha và đã được Ông Nghè Mô đón tiếp chu đáo. Ông Nghè Mô đã gửi Nguyễn Tất Thành cho nhà sư yêu nước tại chùa Phước An trong thời gian ở tại Duồng. Dầu tháng 2, Ông đưa Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết vào dạy học ở trường Dục Thanh. 10 tháng sau, Trương Gia Mô trở lại, đưa Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn với cái tên mới Văn Ba, để rồi một thời gian ngắn sau, Văn Ba có mặt trên chiếc tàu thủy La Touche Tréville. Nguyễn Tất Thành tung đôi cánh rộng đại bàng đến các vòm trời Âu, Mỹ, Phi châu. 35 năm sau Nguyễn Tất Thành trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong lĩnh vực văn chương Trương Gia Mô đã để lại cho hậu thế gồm Gia Định tam linh liệt truyện, chép tiểu sử của 3 anh hùng kháng Pháp ở Nam Kỳ: Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân và Hồ Huấn Nghiệp, 2 tập thơ Thu hoài phú và Cúc Nông thi thảo, cả 2 tập này đều bị thất lạc, chỉ còn lại 35 bài thơ chữ Hán và 10 bài thơ Nôm.
           Từ năm 1910, Ông Nghè Mô vào lại Nam Kỳ và sống cho đến một đêm năm 1929, tại Núi Sam – người nho sĩ xông xáo của phong trào duy tân năm xưa -đã gieo mình từ trên tháp cao của pháo đài xuống vực sâu để kết liễu đời mình.
 Trương Gia Mô muốn lấy cái chết để khẳng định sĩ khí của một nhà nho bất lực trước thời cuộc!

***Đó là nhà thơ chiến sĩ – Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lê Anh Xuân. Lê Anh Xuân, tên thật là Ca Lê Hiến, sinh ngày 5 tháng 6 năm 1940 trong một gia đình trí thức ở xã Tân Thanh Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre.
 Cụ thân sinh là giáo sư Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh, là một nhà trí thức uyên thâm, giác ngộ cách mạng rất sớm; đã từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Đặng Thai Mai giới thiệu kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cụ được Hồ Chủ tịch bổ nhiệm làm Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, Cụ xin trở lại miền Nam chiến đấu. Năm 1954 Cụ tập kết ra Bắc và đã kinh qua các chức vụ: phụ trách Vụ Đông Nam Á, (Bộ Ngoại giao), Tổng lãnh sự ở Indonésia; Đại diện Thương mại tại Campuchia, sau nâng lên cấp Đại sứ. Năm 1966, Cụ nhận nhiệm vụ tiếp quản Viện Viễn Đông Bác cổ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Cụ được cử làm Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội miền Nam, đại diện Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trong suốt cuộc đời, Cụ đã đóng góp rất lớn vào việc nghiên cứu Văn hóa và Văn học Nam Bộ. Cụ đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng I và nhiều Huân chương cao quý khác.
Thân mẫu của Lê Anh Xuân là Cụ bà Lê Thị Tài (1907 – 1990), sinh tại xã An Hội, thị xã Bến Tre. Ngày 23 tháng 6 năm 1946, Bà đã cùng chồng và các đồng chí Nguyễn Thị Định, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, Khu trưởng Khu 8 Đào Văn Trường…được cử ra Bắc báo cáo với Trung ương tình hình sau Hiệp định Sơ bộ và xin chi viện vũ khí cho chiến trường. Tuy nhiên, chiếc tàu đánh cá chở Đoàn gặp phải bão lớn nên phải ghé lên Phan Rang rồi đi xe lửa ra Bắc. Cụ bà Lê Thị Tài lại lên cơn đau tim nặng phải ở lại Phú Yên. Năm 1954, tập kết ra Bắc, Bà được kết nạp vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương Hội.
Gia đình Cụ Ca Văn Thỉnh và Cụ bà Lê Thị Tài đã sản sinh cho đất nước 6 người con: Ca Lê Dân, Ca Lê Du, Ca Lê Thuần, Ca Lê Hồng, Ca Lê Hiến, Ca Lê Thắng.Trong đó có nhiều tài năng đóng góp lớn cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Đó là Phó giáo sư nhạc sĩ Ca Lê Thuần, nữ nghệ sĩ-nhà giáo Ca Lê Hồng, họa sĩ Ca Lê Thắng.
Và nhà thơ chiến sĩ Lê Anh Xuân đi vào văn học sử Việt Nam như một huyền thoại. Nhà thơ đã để lại cho nhân dân ta một tượng đài uy nghi lẫm liệt với hình tượng người lính hy sinh trên chiến trường với bài thơ:
Dáng đứng Việt Nam
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân
(3-1968)
Tháng 12 năm 1964, Lê Anh Xuân tình nguyện về Nam và công tác ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban tuyên Huấn Trung ương cục. Đến tháng 7 năm 1965, anh chuyển sang công tác ở Hội văn Nghệ Giải Phóng.Từ đây, Lê Anh Xuân sống và chiến đấu với tư cách là người chiến sĩ-nghệ sĩ.
. Trong thời gian này, ông bắt đầu sử dụng bút danh Lê Anh Xuân. Lúc đi B ban đầu ông còn lấy tên là Lê Lan Xuân để kỷ niệm về người bạn gái Hà Nội. Năm 1966, ông tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài làm thơ, ông còn viết cả văn xuôi.
Lê Anh Xuân hy sinh ngày 21 tháng 5 năm 1968 tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An trong một trận càn của quân đội Mỹ, khi tuổi đời chưa trọn tuổi ba mươi!
Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Năm 2011, ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhà thơ Lê Anh Xuân được rất nhiều người biết và yêu mến vào những năm 60 của thế kỷ trước. Các bài thơ của Lê Anh Xuân thường xuyên được trình bày trong tiết mục TIẾNG THƠ của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam -là tiết mục được mong đợi nhất của người dân Việt Nam thời đó.
 Các tác phẩm: Tiếng gà gáy (thơ, 1965). Không có đâu như ở miền Nam (thơ, in chung, 1968). Nguyễn Văn Trỗi (trường ca, 1968). Hoa dừa (thơ, 197l). Thơ Lê Anh Xuân (tuyển thơ, 198l). Giữ đất (tập văn xuôi-1966)
Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Lê Anh Xuân đã sáng tác khá nhiều bài thơ chủ yếu thể hiện tình yêu đối với quê hương đất nước, đặc biệt là vùng quê Bến Tre của mình. Những bài thơ: Nhớ mưa quê hương, Trở về quê nội, Gửi miền Bắc được độc giả yêu mến. Bài thơ cuối cùng của ông sáng tác năm 1968: Dáng đứng Việt Nam được coi là một trong những bài thơ tiêu biểu viết về người lính Quân đội Nhân dân Việt nam đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông của Việt Nam.

***Đó là nhà điêu khắc – họa sĩ Diệp Minh Châu, sinh năm 1919 tại làng Nhơn Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre. Năm 1940, Diệp Minh Châu đỗ đầu vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1942, một số tranh của Diệp Minh Châu như Trăng thu, Nhớ mong, Hương sắc đã gây sự chú ý của giới mỹ thuật Hà Nội. Anh tham gia phong trào Truyền bá quốc ngữ, vẽ bìa cho các bản nhạc yêu nước của Lưu Hữu Phước; thiết kế mỹ thuật cho các vở diễn của Tổng hội Sinh viên Hà Nội. Đầu năm đói 1945, học xong năm cuối, anh trở lại quê nhà và mấy tháng sau thì tham gia cướp chính quyền tại thị xã Bến Tre. Giặc Pháp quay lại, Diệp Minh Châu gác cây cọ (bút vẽ) sang một bên, cầm lấy vũ khí bảo vệ quê hương trong vai trò Trưởng ban Trừ gian. Cuối năm 1946, anh về làm phóng viên Mặt trận Khu 8. Anh tiếp tục nghề cầm cọ. Những bức tranh Phong cảnh Đồng Tháp Mười, Lớp bình dân học vụ trong lán ven rừng, Qua rùng lá, Chiến sĩ rẽ lau, Du kích qua làng…Trong những ký họa vẽ trên trận địa còn vương mùi thuốc súng, tại Vàm Nước Trong (Mỏ Cày) bằng chính máu của người chiến sĩ Lê Hồng Sơn là bức Chiến sĩ Lê Hồng Sơn hy sinh lúc xung phong (1947). Cũng trong năm 1947 này, Diệp Minh Châu đã vẽ một bức tranh làm xúc động biết bao trái tim yêu nước. Đó là bức Bác Hồ và ba cháu nhi đồng Trung Nam Bắc bằng máu của chính họa sĩ tại bưng biền Đồng Tháp Mười. Giữa năm 1950, anh được Trung ương gọi ra nhận nhiệm vụ mới. Chuyến đi dài hơn 8 tháng tứ Nam Bộ sang Campuchia, Thái Lan rồi đi tàu qua Trung Quốc để đến Việt Bắc. Tại “thủ đô gió ngàn”, Diệp Minh Châu được sống gần vị lãnh tụ kính yêu. Anh nghiên cứu về Bác, vẽ về Bác. Hàng loạt bức tranh như Bố cục nhà Bác trên đồi (lụa – 1951) và những bức tranh sơn dầu được vẽ trong năm 195:Bác làm việc ở nhà sàn, Bác câu cá bên bờ suối, Ánh nắng trưa trước sân nhà Bác.
Có một đêm, Bác dẫn anh ra ngồi trên một tảng đá bên bờ suối. Bác đã kể cho anh nghe về những nỗi thống khổ của người dân lao động mà nơi ấy Bác đã từng đi qua, đã từng chứng kiến. Diệp Minh Châu thổ lộ: anh xin Bác muốn đi ra nước ngoài để học nghề tạc tượng. Nguyện vọng đó của anh được thỏa mãn, được gửi sang học ngành điêu khắc tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Tiệp khắc.
Diệp Minh Châu đã sáng tác hàng loạt tranh, tượng phản ánh cuộc chiến đấu kiên cường, bất khuất của quê hương: Võ Thị Sáu trước quân thù, Lòng người miền Nam, Căm thù Phú Lợi, Miền Nam bất khuất, Miền Nam Thành đồng, Người mẹ miền Nam…Chỉ riêng về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà điêu khắc-họa sĩ Diệp Minh Châu đã vẽ nhiều tranh và nặn hơn 30 bức tượng. Diệp Minh Châu cùng các đồng sự đã dựng một tượng đài bán thân của Bác bằng đá hoa cương cao 12 mét (kể cả bệ), nặng 16 tấn.Diệp Minh Châu đã làm rạng rỡ cho quê hương Đồng khởi, là niềm tự hào của người dân Bến Tre!
Diệp Minh Châu là một tài năng lớn của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Tác phẩm của Ông đã được lưu giữ ở nhiều bảo tàng quốc gia trong nước và trên thế giới. Tên tuổi của Ông cũng đã được đưa vào Bách khoa toàn thư Châu Âu.


*** Đó là họa sĩ Lê Văn Đệ. Nghệ danh Celso-Léon Lê văn Đệ, sinh ngày 24 tháng 8 năm 1906 tại huyện Mỏ Cày, Bến Tre trong một gia đình khá giả. Cha của ông là ông Lê Quang Hòe, cai tổng Minh Đạt, hàm Tri huyện, xuất thân là một nhà nho và là một nhà Đông y có tiếng. Lê Văn Đệ là người con thứ 10 trong gia đình 13 anh chị em. Xuất thân từ gia đình Nho giáo, ông được thừa hưởng một nền giáo dục chu đáo. Lúc nhỏ, ông học ở quê nhà. sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông được cho lên Sài Gòn, theo học tại trường Trung học Lasan Taberd. Được đào tạo tại: Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, (École Nationale Supérieure des Beaux Arts). 
Lê Văn Đệ là thủ khoa khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930 và cũng là Giám đốc đầu tiên của trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (1954-1966). Ông là người chịu trách nhiệm trang trí cho lễ đài tại Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Ông ham thích nghệ thuật hội họa từ nhỏ. Thời học trung học, ông đã được bạn bè ngợi ca về tài vẽ nhanh và đẹp. Mỗi ngày sau khi tan học, ông đến học vẽ với họa sĩ Huỳnh Đình Tựu.
 Sau khi đậu bằng Cao đẳng Sơ học (Brevet Élementaire), gia đình khuyến khích ông ra Hà Nội học trường Luật hoặc trường Thuốc như phong trào thời bấy giờ, tuy nhiên ông thể hiện ý nguyện theo học ngành Mỹ thuật.
 Năm 1925, ông thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École Supérieure des Beaux Arts de l'Indochine) tại Hà Nội và là một trong số 8 học sinh nhập học khóa đầu tiên của trường. Trong những năm theo học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông luôn được xếp vào hạng sinh viên xuất sắc của trường. Năm 1930, ông tốt nghiệp thủ khoa. Sở trường của ông là tranh lụa, tranh sơn dầu và bích họa với khuynh hướng tân cổ điển.
Trong đợt thi tuyển đầu tiên này có cả thảy 400 người dự tuyển và chỉ lấy tuyển 8 người. Ngoài Lê Văn Đệ, còn có Nguyễn Tường Tam, Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê An Phan, Công Văn Trung và George Khánh. Trong số này, trừ Nguyễn Tường Tam và Lê An (còn viết là Ang) Phan bỏ dở việc học, 6 người còn lại đều tốt nghiệp.
Năm 1931, ông nhận được học bổng của hội SAMPICSociété d'Améloration Morale, Intellectuelle et Physique des Indegènes de Cochinchine
Ông sang Pháp theo học trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Pháp (École Nationale Supérieure des Beaux Arts) tại Paris, dưới sự hướng dẫn của giáo sư J. Pierre Laurence về vẽ tranh sơn dầu. Trong thời gian học tại Paris, nhiều tác phẩm của ông đã gây được sự chú ý trong giới nghệ thuật. Năm 1933, ông đoạt được giải nhì cho hội họa do Hội Nghệ sĩ quốc gia Pháp tổ chức với 3 tác phẩm: Bà thầy bói, Trên sân ga Montparnasse, Thiếu nữ điểm trang.
Tranh ông được chọn triển lãm tại phòng số 1 - một gian phòng dành cho những tài năng xuất sắc chọn từ 5.000 họa sĩ các nước. Có hơn 40 tờ báo Pháp lúc bấy giờ đã đề cập đến tác phẩm của ông (theo Đông Dương tuần báo). Trong cuộc triển lãm Nghệ sĩ quốc gia Pháp năm 1934, Bộ Văn hóa Pháp đã chọn mua ngay một bức tranh "Trong gia đình" của ông để treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Luxembourg.
Với thành tích này, ông được nhận tiếp một học bổng đi tu nghiệp thêm về hội họa tại Roma (Ý) và Athena (Hy Lạp). Năm 1936, ông được Giám mục Celso-Costantins, Thư ký Bộ Truyền giáo Vatican rửa tội với tên thánh Celso-Léon Lê văn Đệ. Cũng trong năm này, tại cuộc Triển lãm Báo chí Công giáo Thế giới (World Catholic Press Exhibition) được tổ chức tại Rome, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của 30 quốc gia trên thế giới, cùng với danh họa Bouleau (Pháp), tác phẩm của Lê Văn Đệ được tặng giải nhất (1st prize). Hai bức bích họa (fresco) tựa là Thánh mẫu nhân từ (Mater amabilis) và Thánh nữ Madeleine dưới chân thánh giá được đưa vào lưu trữ viện Bảo tàng Vatican. Ông được Tòa Thánh La Mã bổ làm họa sĩ cho Tòa Thánh và được mời phụ trách một nhóm 11 kỹ sư và 20 họa sĩ làm nhiệm vụ vẽ, chạm trổ, trang hoàng trong điện Vatican. Công trình do ông chỉ đạo thực hiện đã được báo chí Ý và nhiều nước đánh giá cao.
Năm 1938, ông về nước, vừa sáng tác vừa tiếp tục nghiên cứu hội họa dân tộc và các nền hội họa phương Đông. Bức tranh "Thiếu nữ ngủ ngày" của ông là một tác phẩm nổi tiếng thời bấy giờ.
Năm 1942, ông quy tụ các họa sĩ tài danh lúc bấy giờ, lập ra nhóm Nghệ thuật An Nam (F.A.R.T.A - Foyer de l'Art Annamites), tổ chức nhiều triển lãm gây tiếng vang lớn, với những tác phẩm đi vào lòng người như: bức tranh lụa ". Rèm thưa", "Mẫu Tử"… tại Hội chợ Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế lần I ở vườn Tao Đàn, Sài Gòn. Nhiều họa sĩ đàn em của ông cũng sinh hoạt tại đây như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ông về Sài Gòn sinh hoạt với Trung tâm Nghệ thuật Việt Nam, mà tiền thân chính là Nhóm Nghệ thuật An Nam do ông sáng lập. Năm 1945, ông trang trí lễ đài trong lễ Tuyên ngôn độc lập của Việt nam Dân chủ Cộng hoà. Ông cũng là người vẽ lại cờ vàng ba sọc đỏ trình lên quốc trưởng Bảo Đại để chọn trong mấy mẫu cờ làm quốc kỳ Quốc gia Việt Nam. Lá cờ này được chính phủ Nguyễn Văn Xuân công bố ngày 2 tháng 6 năm 1948.
Với sự thành lập Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1954, ông được chính phủ Việt Nam Cộng hòa bổ làm giám đốc trường cho đến năm 1966 khi ông mất. Trường này đã đào tạo nhiều họa sĩ danh tiếng ở Miền Nam như Lê Thành Nhơn và Đỗ Quang Em.
Ông qua đời ngày 16 tháng 3 năm 1966 tại Sài Gòn. Để vinh danh và tưởng nhớ đóng góp của ông, năm 1973, trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn cho dựng bức tượng chân dung đặt ở sân trường do điêu khắc gia Lê Thành Nhơn thực hiện. Sau năm 1975, bức tượng đã bị dỡ đi, tuy nhiên vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nay.
.Tác phẩm:  Bà thầy bói, Trên sân ga Montparnasse, Thiếu nữ điểm trang, Trong gia đình, Thánh mẫu nhân từ, Thánh nữ Madeleine dưới chân thánh giá, Thiếu nữ ngủ ngày.
Ông đã nhận được các giải thưởng giá trị: Giải nhì Hội họa của Hội Nghệ sĩ quốc gia Pháp 1933, giải nhất Hội họa Triển lãm Báo chí Công giáo Thế giới 1936.
Lê Văn Đệ cùng các họa sĩ nổi tiếng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương: Bùi Trang Chước  • Bùi Xuân Phái  • Cát Tường  • Công Văn Trung  • Diệp Minh Châu  • Dương Bích Liên  • Hoàng Lập Ngôn  • Hoàng Tích Chù  • Huỳnh Văn Gấm  • Lê Phổ  • Lê Văn Đệ  • Lương Xuân Nhị  • Mai Trung Thứ  • Nam Sơn (hoạ sĩ)  • Nguyễn Đỗ Cung  • Nguyễn Gia Trí  • Nguyễn Khang  • Nguyễn Phan Chánh  • Nguyễn Sáng  • Nguyễn Thị Kim  • Nguyễn Tư Nghiêm  • Nguyễn Tường Lân  • Nguyễn Văn Tỵ  • Phan Kế An  • Tạ Tỵ  • Tô Ngọc Vân  • Trần Đình Thọ  • Trần Văn Cẩn  • Vũ Cao Đàm.
Cùng với Diệp Minh Châu, Lê Văn Đệ đã làm rạng rỡ cho nền hội họa không những chỉ ở Bến Tre mà còn cả nước Việt Nam!

***Đó là nhà báo Dương Tử Giang, tên thật là Nguyễn Tấn Sĩ, sinh năm 1918 tại huyện Giồng Trôm, Bến Tre.
Bút danh Dương Tử Giang là lấy từ câu thơ Đường: Dương Tử Giang dầu dương liễu xuân. Học hết trung học (1936), ông đứng ra thành lập một gánh hát riêng nhưng chỉ được một thời gian ngắn phải rã gánh. Ông xin dạy học ở Trường tiểu học Thủ Đức rồi làm thư ký ở Ty Thương chánh Hà Tiên, sau đó bỏ lên núi Tà Lơn cho đến ngày Nhật đảo chính Pháp mới trở về Bến Tre. Ông lên Sài Gòn và bắt đầu nghề báo, viết bài cho các báo Mai, Sống của Đông Hồ và Trúc Hà, Thanh niên của Huỳnh Tấn Phát. Thời gian trước Cách mạng tháng 8, ông cũng viết được một số tiểu thuyết, như Bịnh học (1937), Con gà và con chó (1939).
Sau khi Nam Bộ kháng chiến, ông tích cực tham gia viết báo chống Pháp và đã từng bị chính quyền Pháp bắt giam. Ông cùng với Vũ Tùng, Thiếu Sơn đều nằm trong nhóm Justice (Công lý) - cơ quan chính thức của Đảng Xã hội Pháp ở Đông Dương.
Năm 1946, anh viết bài báo đả kích quân đội Pháp nên bị bắt giam. Trong Khám Lớn Sài Gòn anh tham gia đắc lực về việc ra 2 tời báo bí mật: Tờ Tiếng tù và tờ Đêm Khám Lớn.
Năm 1950, do diễn thuyết trong đám tang nhà báo Nam Quốc Cang, ông bị truy nã và thoát ly ra khu kháng chiến ở miền Tây Nam Bộ, cùng với Thiếu Sơn làm báo Cứu quốc và hoạt động văn nghệ ở chiến khu. Thời gian này, Dương Tử Giang còn viết một số kịch bản tuồng.
Năm 1954, ông trở lại hoạt động báo chí ở Sài Gòn. Ông cộng tác với các báo Công lý, Điện báo rồi Duy tân. Ngày 8 tháng 10 năm 1955, ông cùng Lý Văn Sâm, Thiếu Sơn, Tư Mã Việt, Tô Nguyệt Đình... bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt vì tội "thân cộng". Ông bị giam ở bót Catina rồi chuyển về trại giam Tân Hiệp, Biên Hòa. Ở Tân Hiệp, ông tham gia công tác tuyên huấn, tuyên truyền. Ngày 2 tháng 12 năm 1956, khi cùng các tù nhân phá khám, vượt ngục, ông bị trúng đạn và qua đời. Dương Tử Giang mất khi mới chỉ 38 tuổi.
Nhà văn Thiếu Sơn, người bạn thân thiết của Dương Tử Giang đã viết về ông: “Dương Tử Giang là một chiến sĩ với những đức tính kiên trung, nghĩa dũng khiến cho tôi phải kính phục vô cùng. Suốt thời gian kháng chiến, chưa bao giờ Dương Tử Giang từ chối một công tác khó khăn nào, chưa bao giờ Giang lẩn tránh một gian nguy, khổ cực nào. Con đường chính nghĩa đó, Giang đã đi tới cùng, dù không sự nghiệp gì đáng để lại, nhưng Giang là một tấm gương hy sinh cho đại nghĩa, một tấm gương đáng nêu cho mọi người trong giây phút vẻ vang của dân tộc”.
Dương Tử Giang để lại cho đời nhiều tác phẩm văn học, trong đó có các phẩm tiêu biểu: Bịnh học (tiểu thuyết, 1937); Con gà và con chó (tiểu thuyết, 1939); Tranh đấu (tiểu thuyết, 1949); Một vũ trụ sụp đổ (tiểu thuyết, 1949); Cô Sáu Tầu Thưng (1949); Vè Bảo Đại (1950); Trương Phi thủ Cổ thành (tuồng); Nửa đêm về sáng (truyện ngắn); Nguyễn Trung Trực quy thần (tuồng); Ký Charton và Le Page (tuồng)…

Ngoài Dương Tử Giang, Bến Tre cũng là nơi ra đời các nhà báo đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam. Đó là Lương Khắc Ninh, chủ bút tờ Nông cổ mín đàm; đó là Sương Nguyệt Anh, chủ bút tờ Nữ giới chung; đó là Lê Hoàng Mưu chủ bút tờ Lục tỉnh tân văn.
Và còn rất nhiều văn nghệ sĩ và nhà văn hóa trên các lĩnh vực khác của vùng đất Đồng khởi.
Bên bờ Phước Long Giang , ngày 26/10/2017.
Nhà thơ Xuân Bảo.