Trang

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

99. LỤC BÁT TRÁI CÂY LONG KHÁNH.


LỤC BÁT TRÁI CÂY LONG KHÁNH
Lời thưa. Hội Văn học-Nghệ thuật Đồng Nai tổ chức đi viết về đề tài Chương trình Mục tiêu Xây dựng Nông thôn mới. Văn nghệ sĩ được đưa về Long Khánh, miền đất đỏ bazan có nhiều loại trái cây nổi tiếng.Long Khánh đang cố gắng đưa các loại trái cây: sầu riêng,chôm chôm,ổi xá lị.mít tố nữ và cả mít tố tây…vào chương trình VietGAP để hội nhập vào thị trường khu vực cũng như toàn cầu.
Dù thời gian có hạn, chúng tôi cũng cố gắng sáng tác it nhiều để góp phần quảng bá cho trái cây Long Khánh.
                                                                                   Xuân Bảo
   1.Sầu riêng Long Khánh
Đường về Long Khánh hôm nay
Giăng giăng lối cũ mưa bay đầy trời
Một vùng cây trái xanh tươi
Riêng, sầu riêng đợi chờ ai mỏi mòn
Con đường đất trải màu son
Níu chân khách lạ trong cơn mưa chiều
             ***.

2.Chôm chôm Bình Lộc
Vàng hoe nắng trải đường xuân
Bước chân ai đó tần ngần nhớ thương
Vườn em bao nỗi vấn vương
Có gì in dấu chín hường má em
Gió lay cành lá êm êm
Chôm chôm Bình Lộc êm đềm ngày vui.
              ***
 3.Ổi Cây Da
Ta về với ấp Cây Da
Thăm vườn anh Tám mượt mà ổi xanh*
Đung đưa trái chín trĩu cành
Đậm đà hương ổi ngọt lành miền quê
.
                                                     Xuân Bảo
                                                                              Long Khánh mùa chôm chôm-2013
                                                                                                    
*Anh Phan Văn Tám, chủ vườn ổi ấp Cây Da, xã Bình Lộc là người có công trong việc đưa trái ổi vào chương trình ổi sạch,được Đài HTV tôn vinh.



Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

98.HẠT LÚA TRONG NGÔI MỘ CHÉOPS


Hạt lúa trong ngôi mộ Chéops*

                                         Xuân Bảo

Người nông dân Ai Cập
Cúi nhặt hạt lúa rơi
Trong lòng mộ Chéops
Năm ngàn năm qua rồi**

Mang bao diều bí ẩn
Hạt lúa vẩn yên nằm
Trơ gan cùng năm tháng
Kim Tự Tháp im lìm

Người nông dân trân trọng
Mang hạt lúa ra đồng
Gió sông Nin lồng lộng
Thổi hạt giống nẩy mầm

Một hạt sinh nhiều hạt
Qua bão tố phong ba
Mọc tràn đồng bát ngát
Trên quê hương hiền hòa

Suốt cuộc đời lam lũ
Tay lấm với chân bùn
Bao nhiêu điều ấp ủ
Mong cuộc sống tốt hơn

Năm ngàn năm về trước
Và một triệu năm sau
Người nông dân nguyện ước
Bớt nắng dãi mưa dầu

Trong lòng Kim Tự Tháp
Hạt lúa đã sinh sôi
Người nông dân Ai Cập
Xin cảm ơn  đất trời!
                                     X.B
Đây là tác phẩm thứ 6 trong đợt đi viết về Nông thôn mới ở Đồng Nai.Tôi muốn nói một điều với lãnh đạo Hội rằng không nên quá lỏng lẻo Nội quy Trại.Ai muốn  dự thì dự,ai muốn bỏ thì bỏ.Khi đi thì 2 xe,khi kết thúc thì 1 xe vẫn rộng chỗ.Có lãng phí không?

*Cách đây hơn nửa thế kỷ,các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những hạt lúa mì trong mộ Chéops. Khi đem ươm thử, không ngờ những hạt lúa này vẫn nẩy mầm và phát triển tươi tốt.
**Năm 2640 trước Công nguyên, Chéops, vị vua thứ 4 xứ Ai Cập truyền lệnh xây cho mình ngôi mộ mà sự trang nghiêm đồ sộ làm lu mờ cả vầng thái dương.

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

97.NƠI ĐÂY-HÀNG GÒN.


NƠI ĐÂY – HÀNG GÒN
Bút ký
Trong Trường ca Âm vang một dòng sông của tôi viết chào mừng Kỷ niệm 310 năm vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai, xuất bản năm 2009 có một đoạn như sau:
…Cự Thạch Hàng Gòn đỉnh cao chế tác
Ngôi mộ hoa cương thử thách thời gian
Bưng Bạc ngủ yên tiền sử nhà sàn
Đã thức dậy một công trình cổ đại

Nghe đâu đây tiếng người xưa vọng lại
Đưa ta về thời hái lượm thuở nào
Bộ qua đồng trong lòng phễu Long Giao
Miền đất cổ ẩn chứa nhiều dấu tích…


    ***
Thật là duyên may, trong những ngày Tháng 5 lịch sử này tôi lại có dịp trở về miền đất mà đúng 38 năm về trước Cánh cửa thép phía đông Sài Gòn của  tướng Lê Minh Đảo bị phá tung bởi những người lính Giải phóng quân,sau 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường khốc liệt để rồi chúng ta có ngày toàn thắng 30 Tháng Tư!
Hồi đó trên con đường Liên tỉnh lộ 2, nay là Quốc lộ 56 từ ngả ba Tân Phong về Bà Rịa có rất nhiều những đồn diền cao-su. Trong đó có Plantation de Hang Gon, chỉ cách ngả ba Tân Phong không đầy bốn cây số.Tấm biển này những ngày tháng 4 năm 1975 bị đổ nghiêng và lỗ chỗ vết đạn.
Bây giờ đây bên cạnh Nông trường Cao su Hàng Gòn có thêm trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Hàng Gòn. Xã Hàng Gòn thuộc thị xã Long Khánh, cách Trung tâm thị xã về phía nam khoảng 8 cây số. Xã được thành lập từ năm 1994 trên cơ sở chia tách từ xã Xuân Tân, có diện tích tự nhiên 3412 hecta, trong đó đất nông nghiệp có đến 3161 hecta, chủ yếu là đất đỏ ba-zan, với số dân là 12383 khẩu của 2567 hộ.
Sau khi nghe nữ Chủ tịch xã Lương Ngọc Hồng báo cáo những nét chính của việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới của xã, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Nam, bí thư Đảng ủy xã trực tiếp dẫn xuống các ấp..
 Điểm đến đầu tiên là ấp Hàng Gòn để thăm ngôi mộ cổ Cự thạch Hàng Gòn ,dân dã thì thường gọi là Mả Ông Đá.Ngôi mộ này là niềm tự hào của không riêng Hàng Gòn, riêng Long Khánh, riêng Đồng Nai mà là của cả nước Việt Nam! Đây là ngôi mộ có niên đại từ 150 năm trước công nguyên đến 240 năm sau công nguyên.Mộ được nhà khảo cổ học Pháp J.Bouchet phát hiện năm1927, khi được tin báo từ những người phu lục lộ Nam Kỳ làm đường Liên tỉnh lộ 2. Họ đào bới những thước đất để san lấp mặt bằng,làm nền hạ đã nhặt được những mảnh gốm cũ của những chiếc hũ,chén bát có chân… và cả những chiếc qua đồng.Vị trí của mộ nằm trên vùng đất ba-zan, chung quanh còn sót lại nhiều miệng núi lửa, có độ cao 250 mét so với mực nước biển.Và sau khi thực dân Pháp ổn định được xứ Nam Kỳ thuộc địa,đồn điền cao su đầu tiên được thành lập trên đất Đồng Nai là Công ty Cao su Suzannah ở mạn Dầu Dây và tên thực dân W.Bazé mở đồn điền cao su ở ngay mảnh đất Hàng Gòn này. Người phu cạo mủ thường gọi tên này bằng cái tên đáng khinh bỉ là Băng-đit ( bandit, tiếng Pháp có nghĩa kẻ cướp, là côn đồ).
 Các văn nghệ sĩ, trong đó có nhiều người là họa sĩ, điêu khắc gia thật sự kinh ngạc về trình độ chế tác và kiến trúc của ngôi mộ.Tôi chỉ có thể thốt lên rằng đây là một công trình hết sức lạ lẫm, kỳ vĩ, siêu phàm, riêng biệt.Cũng có thêm một cảm tưởng nữa là hoành tráng và quyền uy. Tôi tự đặt cho mình câu hỏi: Ai là người đã làm nên kỳ tích này? Một người khổng lồ hay một cộng đồng cư dân? Chỉ riêng phần quan tài hình hộp chữ nhật ghép bởi 5 tấm đá hoa cương (granite) với kích thước 4,2mét x 2,7mét x 1,6 mét, kết liền lại với nhau bằng những cái rãnh dọc, đã có trọng tải lên hàng chục tấn.Tấm ván thiên làm bằng đá hoa cuơng được đặt phía trên cũng nặng tới cả chục tấn. Vậy thì khi đóng mở nắp quan tài người xưa dùng cách nào để dở ra, đậy lại?Mộ có 10 trụ đá. 8 trụ được làm từ sa thạch hay đá cát (grès) cao từ 2,5 mét đến 3 mét, mặt cắt ngang hình bầu dục, một đầu có vệt lõm hình yên ngựa. 2 trụ còn lại làm bằng đá hoa cương có kích thước cao tới hơn 7,2 mét, rộng 1,10 mét, dày 0,35 mét.Phần dưới có  một đoạn lồi ra hai bên.Những cái trụ này dùng vào việc gì thì giờ đây vẫn chưa có lời giải. Mặc dù trước năm 1975, các nhà khảo cổ học tầm cỡ của nước Pháp như Parmentier. H, Gaspardone. E, Malleret. L, Saurin. Ed, Fontaine.H đã đến Hàng Gòn khảo sát và tìm lời giải mà vẫn chưa tìm ra. Sau 1975, các nhà khảo cổ học của nhiều nước như Liên Xô cũ,Đức,Bulgari,Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và cả Mỹ cũng đã đến tham quan, nghiên cứu giải mã nhưng chưa có câu trả lời xác đáng. Bí mật ngôi mộ cổ vẫn là bí mật.Quá khứ vẫn nằm yên trong lòng mộ!
Tôi còn nhớ hồi sang Siem-Riệp để viết cái ký sự Angkor.Tôi đã đến thăm Angkor-Thơm, Angkor-Vat và nhiều nơi khác của vương triều Kh-mer thịnh vượng một thuở, cách đây hơn một thiên niên kỷ (năm 889)  và chỉ tồn tại được khoảng 500 năm. Angkor -Vat không gì khác hơn là một lăng mộ đền khổng lồ. Theo nhận xét của Henri Mouhot, người châu Âu đầu tiên đã đặt chân đến đây từ năm 1861 rằng: Đây là một trong những ngôi đền – đối thủ của Salomon – chiếm một vị trí đáng tôn kính bên cạnh những công trình đẹp nhất của chúng ta. Ngôi đền còn hùng vĩ hơn tất cả những gì còn lại giành cho chúng ta ở Hy Lạp hay La Mã. Angkor -Vat thông báo cho thần dân biết về sự huy hoàng và uy thế của vua Suryavarman II và tính cách thần thánh trong cá nhân nhà vua.
Vậy thì ngôi mộ cổ Cự Thạch Hàng Gòn này ai xây và xây để chôn cất ai? Vua hay tù trưởng một bộ tộc hay liên bộ tộc của thời kỳ đồ đá cũ? Làm thế nào để đưa được những khối đá khổng lồ này từ nơi khác đến. Loại đá hoa cương này chỉ có thể có ở Phan Rang hay Lâm Viên mà thôi. Dù là chế tác xong mới vận chuyển hay là chở nguyên khối về đây mới đục đẽo thì cũng khó khăn lắm. Địa hình nơi đây lại không có con sông nào để có thể đóng bè?Tôi lại tưởng tượng ra thần dân của một quốc gia nào đó trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta từ ngày xửa ngày xưa đã có một vị thủ lĩnh (có thể là vua) cai trị miền đất Hàng Gòn. Quốc gia này không những hùng mạnh về kinh tế có đủ sức người, sức của để xây dựng thành công ngôi mộ Cự thạch mà chắc chắn vị vua này và thần dân của ông ta cũng rất thông thạo binh nghiệp.
Nhà báo Lại Văn Long, trong truyện ngắn Chiến binh khổng lồ của mình kể về sự tích mộ cổ Hàng Gòn đã tưởng tượng ra chi có ngưởi khổng lồ mới làm nên kỳ tích này. Tôi cũng tin như vậy. Truyện thần thoại Việt Nam có Bà Nữ Oa đội đá vá trời kia mà. Đây là đề tài cho những nhà văn chuyên viết truyện thiếu nhi tha hồ khai thác!
Giờ đây, con cháu đang tiếp tục phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước và không quên bảo tồn những giá trị văn hóa mà cha ông đã để lại.Năm 1992 thế kỷ trước con cháu đã trùng tu tôn tạo ngôi mộ này trên phạm vi rộng đến 4 hecta, cả phần mộ va khu chế tác.Khách trong và ngoài nước ngày có nhiều người hành hương về đây mà ngắm nhìn, mà bái phục, mà ngưỡng vọng công trình có một không hai này.
Khi trở về cơ quan Ủy ban, bí thư Nguyễn Văn Nam còn chỉ cho chúng tôi thấy 2 cái trụ cổng to đùng dựng phía ngoài, cạnh Quốc lộ 56, một khoảnh đất rộng hơn trăm mẫu tây,trên những quả đồi thoai thoải. Anh nói rằng nơi đây đã được quy hoạch làm công viên nghĩa trang. Tôi nghĩ: Có lẽ Hàng Gòn là chỗ đất sẽ có nhiều mộ kết chăng?
***

HÀNG GÒN - GIỜ ĐÂY.
Xã Hàng Gòn có 3 ấp: ấp Hàng Gòn, ấp Tân Phong và ấp Đồi Rìu.Gọi là Đồi Rìu vì quả đồi này có hình dáng như cái lưỡi rìu.Xe chúng tôi bon bon trên con đường nhựa phẳng lỳ từ tổ 5 đến tổ 7 của ấp.Đường nông thôn mà như thế này thì thật là tuyệt.Chả bù cho mấy năm về trước, dân thường kêu là con đường khổ ải.Phó chủ tịch xã Đinh Sĩ Nghĩa khoe: Con đường này có chiều dài 1,3km.Tổng kinh phí là 3 tỷ rưỡi, trong đó ông Lê Văn Thành, người ở huyện Long Thành, có vườn cao su tiểu điền ở ấp này ủng hộ 1 tỷ 200 triệu đồng.Bây giờ việc vận chuyển nông sản do các loại xe tải nhẹ, xe kéo, xe cày từ rẫy về nhà, từ nhà đến sân kho, từ sân kho tỏa đi các nơi vô cùng thuận tiện. Các cháu đi học cũng được đi lại dễ dàng, nhanh chóng, sạch sẽ.Toàn xã có 208 hộ dân tộc ít người với  hơn một nghìn khẩu thì phần lớn ở ấp Đầu Rìu.Khi tan trường người ta khó có thể phân biệt cháu nào là người Kinh, cháu nào là con em dân tộc vì chúng đã hòa nhập vào đời sống cộng đồng khối đại đoàn kết toàn dân..
Chúng tôi vào thăm một “nhà máy nước” của xã, đóng tại ấp Đồi Rìu.Ông Nguyễn Quang Tường, một người dân ở đây tự nguyện hiến 200 mét vuông đất để xây dựng công trình.Tấm biển ghi rõ: Công trình giếng khoan số 1.Công suất 10 m3/h.Tầng chứa nước 41 m3. Mực nước tĩnh 85,5. Mực nước động 95,. Khởi công ngày 31-8-2012.Hoàn thành ngày 17-1-2013. Đây là một trong công trình cấp nước tập trung với kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Cho đến nay xã Hàng Gòn đã có 2 công trình nước sạch phục vụ cho 98% số hộ dân.
Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết xã Hàng Gòn có tới 52 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 47 trang trại chăn nuôi gia công và 5 trang trại tư nhân. 100% hộ chăn nuôi sử dụng hầm chứa biogas, bảo đảm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn quy định. Hệ thống thoát nước mưa phù hợp với quy hoạch. 96% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh.
          Theo bí thư xã Nguyễn Văn Nam: 5 năm qua, cơ sở hạ tầng nông thôn ở Hàng Gòn đã có bước phát triển mạnh mẽ.Đường giao thông đã 100% nhựa hóa, cứng hóa. 99,8% hộ dân đã sử dụng điện quốc gia; máy điện thoại đạt  80 máy/100 dân. Mạng Internet đã phủ sóng tới trung tâm các ấp, đến nhiều hộ gia đình và một số tuyến đường khu vực đông dân cư trong xã.Anh cũng cho biết thêm về tình hình sản xuất nông nghiệp của xã tiếp tục được ổn định và phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Tôi lật trang tài liệu ( Biểu số 01/CX) thấy ghi: Đất nông nghiệp có 3154 hecta,trồng lúa nước chỉ vẻn vẹn 3,77 hecta, lúa nương thì không có sào nào. Nhưng đất trồng cây lâu năm (đất bazan mầu mỡ)thì có đến 3062 hecta.Đây chính là thế mạnh của Hàng Gòn.Trong các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân đều có  nhắc tới việc nâng cao thu nhập  (ý nghĩa rộng là làm cho dân giàu lên), cải thiện đời sống nhân dân theo tiêu chí Nông thôn mới thì cần phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như sử dụng cơ giới hóa khâu làm đất,tưới tiêu, chăm sóc bảo quản và sơ chế nông sản; khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao,sản xuất theo quy trình GAP,sản phẩm hướng về thị trường xuất khẩu; góp phần quảng bá và nâng cao uy tín thương hiệu trái cây Long Khánh ( chôm chôm và sầu riêng) trên thị trường trong và ngoài nước…
Để hiểu sâu về đề tài này, tôi tìm đọc cái Báo cáo Kết quả tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.Người viết là ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Ở Biểu thống kê kết quả số xã đạt từng tiêu chí (theo Quyết định 3461/QĐ-UBND) trong Nhóm 1 đạt chuẩn Nông thôn mới đủ 19 tiêu chí thì cả tỉnh có 6 xã: huyện Xuân Lộc có 5 xã đạt, Thị xã Long Khánh có 1 xã đạt. Đây chính là xã Hàng Gòn.
Tôi còn nhớ, đã lâu lắm rồi.khi nhà văn đi thực tế để sáng tác thường thường là nếu ngắn ngày thì cũng phải mất hàng tháng, còn muốn có tác phẩm dài hơi thì thời gian đi xâm nhập it ra cũng vài ba tháng trở lên.Tiếng là về Hàng Gòn để viết nhưng thời gian không đầy một buổi chiều, cho nên không thể hiện được hết, được toàn diện, kể cả những mong muốn tối thiểu của người viết.
Những điều tôi kể ra trong bút ký này chẳng qua là những nét chấm phá về những đổi thay cơ bản của một xã được coi là xã miền núi. Một xã trong 136 xã của Đồng Nai và là một trong 9051 xã của toàn quốc đạt được tất cả19 tiêu chí của hai Bộ tiêu chí Quốc gia và của địa phương. Quyết định 491/QĐ của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3461/QĐ-UBND của tỉnh Đồng Nai.
Bài học lớn được rút ra là “Việc xây dựng nông thôn mới phải có sự đồng thuận của dân”.Có như thế mới huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân!
 “…Dễ trăm lần không dân cũng chịu
                 Khó vạn lần dân liệu cũng xong…”
Xin mượn hai câu thơ trên của nhà thơ quân dội đã quá cố Thanh Tịnh viết từ năm 1952 trong bài thơ Dân no thì lính cũng no để kết thúc bút ký này.

                              Hàng Gòn-Biên Hòa, ngày10 tháng 6 năm 2013
                                                  
                                             Xuân Bảo

Đây là tác phẩm thứ 5 dự Trại viết Chương trình mục tiêu
Quốc gia xây dựng nông thôn mới . Mong rằng lãnh đạo Hội
VHNT Đồng Nai lần sau có tổ chức những đợt đi thực tế hãy
chu đáo hơn!

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

96.VỀ BÌNH LỘC CÙNG EM


                        VỀ BÌNH LỘC CÙNG EM

Theo em về Bình Lộc
Chiều thoảng hương sầu riêng
Nắng tràn màu lục diệp
Lòng thanh thản bình yên.

Về quê em Bình Lộc
Chân chất miền thôn trang
Rộn ràng sân Hợp tác
Chôm chôm trái chín vàng

Về cùng em Bình Lộc
Ngói mới đỏ sân trường
Tung tăng đàn em nhỏ
Nụ cười sao thân thương

Chiều nay về Bình Lộc
Mãi nhớ một con đường
Ta từng đi trên đó
Với bao niềm vấn vương
                              Chiều hè Bình Lộc, 2013
                                         Xuân Bảo

      *Đây là tác phẩm dự Trại viết về Chương trình mục tiêu   Quốc gia xây dựng nông thôn mới do Hội VHNT Đồng Nai tổ chức vào những ngày cuối tháng 5 lịch sừ

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

95.TRẰN TRỌC NHỚ


                       95.Trằn trọc nhớ
Truyện câu cực ngắn của Xuân Bảo
Đêm Bình Lộc. Trăng thượng tuần lên cao. Sương bàng bạc. Gió núi. Lạnh. Ngoài vườn trái sầu riêng rụng. Độp, độp. Hương sầu riêng tỏa.Thơm lừng. Tắc kè kêu.Troóc, troóc. Tiếng cuối ngân rung tờ-roóc, tờ-roóc..kè.Tân thao thức.
Hiền hỏi: Không ngủ được à?
Không ngủ được!
Vì sao?
Nhớ!
                                        **
Ký ức hiện về. Sài Gòn hoa lệ. Cha còng lưng trên chiếc xích lô. Mẹ tất tả chạy chợ. Chỉ vì hai đứa con: Tân và Tần. Tía nói đặt tên Tân mong đổi đời.Lấy mới dụt cũ. Cực sang sướng.Tía bảo đặt tên Tần. Con gái phải tần tảo.
Lao động cật lực.Đủ miếng ăn, cái mặc. Đủ tiền trường cho Tân vào Pétrus Ký. Tần học đến lớp Đệ thất.Nghỉ, chạy chợ với má.
Con đường Hiền Vương.Nhiều cây cổ thụ.Trưa hè.Nắng. Nóng.Ngồi nghỉ trên rễ cây bàng. Trường Marie Curie. Tan học. Một nữ sinh. Hỏi: Mệt à? Đáp: Nóng quá. Mệt. Nghỉ tạm!
Hai người về cùng đường.Quận Nhất. Hiền, tên cô gái hẹn. Ngày mai gặp lại! Tân bịn rịn. OK! Ngày lại ngày. Con đường thân quen. Bóng hai người đổ dài. Lúc sớm nắng lên. Lúc chiều buông xuống. Bắt đầu thương và nhớ.
Tân đỗ tú tài. Cả nhà mừng vui.
 Người hiến binh tới.Lệnh tập trung quân dịch. Tía má,em Tần lo lắng. Buồn thúi ruột. Chia tay gia đình.Quân trường Thủ Đức.Chín tháng. Làm quen súng đạn. Lăn lê bò toài. Mặc đồ rằn ri. Đeo lon chuẩn úy. Ra trận. Xuân Lộc xa. Đầu tháng Tư. Về Tiểu đoàn 3, sư 18.Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy.
 Mười ngày đầu.Đào công sự. Chưa giao chiến. Mong đừng đánh nhau. Ngày 12 đáng sợ.. Súng ba bên bốn bề.Trên trời máy bay.Gầm rú.Dưới đất. Xe tăng bò lổm ngổm.Đại bác nổ. Súng to, súng nhỏ nổ. Khói lửa ngút trời. Chưa quen mùi thuốc súng. Sợ, sợ quá! Sợ đến tè ra quần.Lợi dụng lúc tối trời. Thừa cơ bỏ trốn. Không biết đường. Nhắm hướng rừng. Đi. Đi riết. Trận địa xa rồi. Thoát.
                              ***
Rừng. Bạt ngàn cao su.Đói.Bẻ trộm chôm chôm.Nhổ mấy củ khoai lang. Ăn. Khát. Vục nước suối. Uống. Đêm về. Rét. Không dám bật quẹt. Muỗi nhiều vô kể.Sáng gặp tốp phu cạo mủ. Họ hỏi: Đào ngũ à? Đáp: Dạ phải. Họ cho áo quần. Thay bộ đồ lính. Yên tâm khỏi chết.
Thêm ngày nữa đáng nhớ. Ngày 21 Tháng Tư. Phu cạo mủ loan tin: Xuân Lộc thất thủ Tiếng súng xa dần. Mạn Sài Gòn.Ầm ầm tiếng súng.Ruột nóng như lửa.Lo cho tía má. Lo cho em Tần.Liệu có sao không?Có chìm trong biển máu?
Ngày 30 Tháng Tư.Giải phóng Sài Gòn.Giải phóng miền Nam! Đặc biệt mừng.Đặc biệt vui.Mừng vui quá.Hết chiến tranh!
Dân bảo: Ra trình diện đi! Nghe lời. Đến Ban quân quản. Ban đóng ở Long Khánh.Ông Giải phóng quân đưa tờ giấy. Khai: Họ tên Phan Minh Tân. Quê quán Quận Nhất, Sài Gòn.Tuổi 19. Văn hóa Tú tài. Chức vụ chuẩn úy.Thuộc lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng hòa.Khai thêm. Đào ngũ đêm 12 tháng Tư năm 1975.
Không bị giam.Sáng nào cũng trình diện.Về lại Bình Lộc. Ở nhờ nhà cũ. Phu cạo mủ tốt bụng.Ngày 3 Tháng 5. Có giấy gọi. Ban Quân quản đưa tờ lệnh.Được tự do.Cho về quê cũ.Đến nhà.Gia đình yên hàn. Gặp tía ,tía mừng. Má mừng rồi khóc. Tần vui như đứa trẻ. Chiến tranh đáng nguyền rủa. Từ nay lo mần ăn.Mừng khôn xiết.
Đến thăm Hiền.Ba má Hiền vui.Khen Tân thật thà.Con đường Hiền Vương.Sóng bước bên nhau.Kỷ niệm tràn về.Tình yêu học trò.Trong trắng,hồn nhiên.Sài Gòn thay áo mới.Thành phố Hồ Chí Minh.Nắng lên phía Nhà Rồng.Trời xanh trong.Những cơn mưa đầu mùa.Mát, dễ chịu.Hiền lo năm học tới.Chưa xong lớp 11.Làm sao đây.Tân cũng lo.Thi vào đại học. Nhà nghèo.Liệu có đủ sức.Tương lai ?
 Ngày 15 Tháng 5. Lễ mừng Đại thắng.Sài Gòn rợp cờ hoa.
Đi dự mit-ting.Hân hoan.Hiền cũng có mặt.Hai đứa cùng đội ngũ,Thanh niên Quận Nhất.Hăng hái, nhiệt tình.Hô vang khẩu hiệu Việt Nam muôn năm!.Hòa bình muôn năm!
                                        ***
Đất nước còn khó khăn.Sài Gòn đông dân.Đi kinh tế mới.Tía má nghe Tân chọn Bình Lộc. Gia đình Hiền cũng chọn Bình Lộc.  Vượt qua hoàn cảnh. Ổn định chốn mới.Dựng nhà tạm.Cột cây rừng.Mái tôn cũ. Phát rẫy.Khai hoang.Trồng mì, trồng lang.Cả nhà lăn lưng làm việc.Hai gia đình thăm nhau. Sau mấy mùa rẫy. Tân và Hiền thành đôi. Tần đi Thanh niên xung phong.Xuyên Mộc Bà Tô.Thỉnh thoảng thư về.Mạnh khỏe,bình an.
                                        ***
Năm 1980.Hiền sanh con đầu lòng.Tên thằng Hai.Tía bảo đặt tên Bình.Phan Hòa Bình.Bình để nhớ Bình Lộc.Quê mới.Góc vườn mới.Trồng cây sầu riêng.Cây cũng có tên:Bình.Năm thứ ba bói quả. Hiền sanh con gái.Má đặt tên là Lộc. Lộc trời ban phát.Để kỷ niệm Bình Lộc.Trồng thêm cây sầu riêng.Tên cây là Lộc.Lần hồi cuộc sống khá lên.Vườn có hai chục cây sầu riêng. Thêm dăm chục gốc chôm chôm. Hơn mẫu rẫy. Mùa nào cây ấy.Lúa, bắp đầy bồ. Heo gà đầy sân. Bình đi học. Lộc đi mẫu giáo.
Lao lực,tía bệnh rồi mất.Nhà thiếu tía trống vắng Giờ phút lâm chung.Tía trăn trối. Hãy yêu thương nhau.Các con trông nom má.Tía thương thằng Bình,con Lộc.Má buồn.Má cũng đổ bệnh.Cuối năm má theo tía.Bên kia thế giới.Tía má trùng phùng. Một năm hai đại tang. Tân muốn khuỵu. Phải đứng lên.Còn vợ,còn con.Phải sống!
 Việc nhà Hiền gánh vác.Nương rẫy Tân lo liệu.Thuận vợ, thuận chồng.Được mùa liên tiếp.Trái cây được giá. Lúa bắp được giá.Làm nhà mới.Tường gạch, mái tôn.Rộng rãi thoáng mát.Có nơi cho Bình học bài.Có chỗ cho Lộc vui chơi.Bình Lộc miền đất mới. Sống được. Dân các nơi kéo về.Bắc có,Trung có.Miền Tây cũng nhiều. Ngày càng đông vui.Rừng núi không còn hoang vu.Những mẫu vườn sum suê.Sầu riêng và chôm chôm.Đặc sản Long Khánh.
                                        ***
Tân hôn nhẹ má Hiền. Hiền bảo: Anh xem thư thằng Bình chưa? Thư gửi từ Cali. Coi rồi.Mừng lắm.Hình thằng Long con Bình .Giống nội Tân.Học giỏi.Em nó, con Khánh.Giống bà nội. Xinh đẹp. Giỏi giang.Cảm ơn Trời Phật!
Hiền ôm chồng.Tha thiết mặn nồng.
Khổ tận cam lai.
.Gà gáy canh tư.
Đường chân trời.
Bình minh lên.
Trời hửng.
 Ngày mới!
                                      Xuân Bảo
                 Những ngày đi viết Tam Nông ở Bình Lộc,Tháng 5 năm 2013
                         Kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng Xuân Lộc 

94.Đến Tân Phú nhìn đàn chim lá rụng


ĐẾN TÂN PHÚ NHÌN ĐÀN CHIM LÁ RỤNG

Xuân Bảo
         Những con chim bé xíu

Bay với nhau từng đàn
Che khoảng trời Tân Phú
Như một đám mây vần

Mùa này chim lá rụng
Từ rừng sâu bay về
Riu rít như suối nhạc
Hòa tấu bản giao mùa

Đồng chỉ còn bông cỏ
Hạt lép cây xác xơ
Đàn chim củng chia sẻ
Từng hạt nhỏ bơ thờ

Những con chim lá rụng
Biết sống, biết kết đoàn
Dù cánh đồng khô hạn
Chẳng có gì kiếm ăn


Một đàn chim lá rụng
Đồng loạt đáp xuống đồng
Đan vào nhau một khối
Như cùng chung một lòng


Những con chim nhỏ xíu
Biết quây quần bên nhau
Biết chăng loài người hỡi !
         Hạt nẩy mầm từ đâu?

                                 XUÂN BẢO
         ( Mùa mưa – 2013 )
  *Chú thích: Chim lá rụng là một loài sẻ đồng nhưng nhỏ hơn,lông màu nâu nhạt chỉ bằng ngón tay cái người lớn.đôi mắt tinh anh, đôi cánh lão luyện,bay theo đàn có khi tới năm bảy trăm con.Khi đáp xuống như cái thảm từ bầu trời rơi xuống đất trông như một đám mây, rồi vụt bay lên như có phép màu nhất loạt,đồng đều biến vào khoảng không bao la.Loài chim này có nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Nai thì thỉnh thoảng mới bắt gặp. Mạn Tân Phú, Định Quán có nhiều chim lá rụng sau vụ gặt.
                        **.
-M                       Ý kiến ngắn của tác giả:  Đây là tác phẩm dự Trại viết về Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới do Hội VHNT Đồng Nai tổ chức ba ngày từ 28 đến 30 tháng 5 năm 2013.Trại có thành lập Ban Lãnh đạo, nhưng rất tiếc Trưởng trại không có mặt từ đầu chí cuối,Phó trại thì mãi đến chiều ngày kết thúc mới xuất hiện.Người được mệnh danh là lãnh đạo Hội VHNT- bà  nghệ sĩ Bích Ngọc- thì chẳng có tư cách gì  để gọi là đại diện cho lãnh đạo Hội.?! Ba ngày đi tất cả là 6 xã:Bình Lộc, Hàng Gòn,HưngThịnh, Thanh Bình, Tân An và Tân Bình,cứ như cưỡi ngựa xem hoa.Nếu tác phẩm không đạt yêu cầu là do khách quan,xin đừng đổ lỗi cho anh chị em văn nghệ sĩ. Tôi cứ nghĩ lẫn thẫn, có lẽ đây là Trại giải ngân chứ không phải là một Trại sáng tác văn học-nghệ thuật.
                                                                                                          Nhà thơ Xuân Bảo



Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

93.Về làng bưởi Tân Trièu


              93.VỀ LÀNG BƯỞI TÂN TRIỀU
                                                                   Bút ký của  Xuân Bảo
Bài thơ này, trước hết, tôi muốn giành tặng cho bà con làng             Tân Triều, miền đất đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng cho trái bưởi Tân Triều.Thứ đến giành tặng cho anh Lê Văn Thanh, phó Chủ tịch xã Tân Bình và chị Nguyễn Thị Nước, phó Trưởng ấp, phó Trưởng ban Ban Phát triển xây dựng nông thôn mới ấp Vĩnh Hiệp-những con người đã giúp chúng tôi trong những ngày đi thưc tế sáng tác về đề tài Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai.
 
Làng bưởi Tân Triều
Làng bưởi Tân Triều nức tiếng xa
Đất vườn níu giữ hạt phù sa
Ngày đêm chăm chút bao công mẹ
Năm tháng cần cù bấy sức cha
Khấp khởi mừng khi cành hé lộc
Bồi hồi vui lúc nụ đơm hoa
Xuân về tỏa ngát trời hương bưởi
Tết đến trái ngon ấm mọi nhà.
                     ***
 1.Tân Triều: Đất và Nước.
       Những năm làm báo, tôi đã có may mắn đặt chân đến nhiều miền đất nước. Và cũng đã trải nghiệm và nếm thử những quả bưởi ngon nổi tiếng: Phú Thọ có bưởi Đoan Hùng. Hà Tĩnh có bưởi Phúc Trạch. Vĩnh Long có bưởi Năm Roi… Miền đất quê tôi, Quảng Trị và Thừa Thiên có bưởi Thanh Trà nổi tiếng tiến cung.
       Từ khi chọn mảnh đất “Đồng Nai khoai củ” làm quê hương thứ hai, tôi lại may mắn được biết thêm một loại trái cây cũng đã từng nổi tiếng trên hai trăm năm, kể từ năm 1778 ( theo bà Nguyễn Thị Nước, ấp Vĩnh Hiệp). Cũng có tài liệu nói là từ năm 1869 bắt đầu xây nhà thờ Tân Triều.Khi đó có người cố đạo Thiên Chúa Giáo đến quản hạt và xây nhà thờ Tân Triều. Ông mang theo một ít giống bưởi từ đất nước Brasil xa xôi về Việt Nam. Bưởi Tân Triều có từ đó cho tới ngày hôm nay đã 200 năm và ngày càng phát triển không ngừng.
        Tân Triều thuộc loại làng cổ xưa của đất Nam Kỳ. Đây là một cù lao mà dòng chảy một nửa do sông Đồng Nai khoét ôm vào đất liền, còn nửa kia là một con rạch do bàn tay con người kiến tạo qua bao năm tháng miệt mài khai hoang lập ấp làm nên quê mới.
         Tân Triều nằm trong chiếc nôi cách mạng. Ngay từ những năm 1933, tại Bến Cá thuộc xã Tân Bình ngày nay, người con ưu tú của quê hương Lưu Văn Viết (Tư Chà) đã sớm giác ngộ và vận động những thanh niên cùng chí hướng vào tổ chức đảng. Và cũng chính tại nơi này, năm 1935,Hoàng Minh Châu (Tư Vĩ) cùng Lưu Văn Viết,Lưu Văn Văn,Quách Tỷ,Quách Sanh, Huỳnh Văn Lũy ( sau này là bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa) và một số đồng chí khác, đứng ra thành lập chi bộ cọng sản đầu tiên, lấy tên là Chi bộ Bình Phước-Tân Triều. Trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp và đuổi Mỹ, cái cù lao nhỏ bé này từng là nơi nuôi dấu cán bộ hoạt động bí mật, có trạm giao liên đầu tiên của huyện Vĩnh Cửu.Chính truyền thống cách mạng đó đã tạo nên thành công mọi mặt của Tân Triều để có những đổi thay kỳ diệu trong 37 năm qua, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
           Trước đây, khi chưa có Thủy điện Trị An, vào mùa nước nổi, Tân Triều thường bị ngập lụt nên không thể canh tác các loại cây khác mà chỉ có cây bưởi mới thích hợp với thổ nhưỡng nơi này.
            Khi vừa thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai được mấy tháng, đầu năm 1980, tôi được nhà văn Lý Văn Sâm phân công đi viết về làng bưởi Tân Triều. Và vào giữa hè năm đó, khi mùa sầu riêng và chôm chôm chín, anh lại bảo tôi đi viết về trái chôm chôm Long Khánh.Bài viết xong, tôi đưa cho anh xem lại để đưa in vào báo Văn nghệ Đồng Nai. Xem xong bài, anh khen: Cậu viết khá lắm. Có nghề. Đó không những là lời động viên mà còn mang ý nghĩa khuyến khích những cây bút trẻ cố gắng vươn lên.
 Tân Triều lúc bấy giờ chỉ là nhũng con đường đất nắng bụi, mưa lầy. Tôi vào thăm một bác nông dân, người đã được ông cha đưa đến vùng đất này từ những năm đầu thế kỷ trước, và được sinh ra trên mảnh đất Tân Triều. Vườn Tân Triều lúc này phần lớn trồng cây trầu không và cũng đã nổi tiếng nhờ có giống bưởi ổi. Bưởi ổi trái nhỏ,có mùi thơm đặc trưng như hương ổi nếp, càng để lâu càng ngọt,có thể để đến sáu tháng mà không hề biến chất. Nhà nào cũng có vài ba cây để dùng vào việc thờ cúng ông bà tổ tiên hoặc biếu bạn bè, người thân. Những bức vườn lúc đó trồng đủ các loại cây ăn trái, gặp đâu trồng đó, không có chọn lọc nên người ta thường bảo là vườn tạp.
         Giờ đây, sau hơn ba mươi năm trở lại, tôi đã tận mắt trông thấy những đổi thay diệu kỳ của Làng bưởi Tân Triều. Cù lao Tân Triều nay chia thành 2 ấp: Ấp Tân Triều và ấp Vĩnh Hiệp. Cù lao này có 258 hecta  đã được quy  hoạch cho trồng bưởi. Như vậy tính theo tỷ lệ đất nông nghiệp của toàn xã Tân Bình có  868 hecta thì đất trồng bưởi ở Tân Triều đã chiếm tỷ lệ tới hơn 21%.Năm ngoái, xã Tân Bình có 352 hecta bưởi đặc sản, trong đó có 338 hecta đã cho thu hoạch. Đó là các giống bưởi đường lá cam, đường hồng, đường da láng. Tân Triều có tới 20 giống bưởi khác nhau gồm bưởi đường lá cam, đường núm, thanh long, thanh dây,thanh trà, ba giăng, bưởi xiêm ruột đỏ,bưởi Bà Văn, bưởi ổi,Năm Roi, bưởi da cóc, bưởi ghè…Nhưng người sành điệu và thị hiếu người tiêu dùng, nhất là dân Sài Thành thì vẫn chuộng loại bưởi đường lá cam, giống của Tân Triều từ ngày xưa để lại. Sở dĩ gọi là bưởi lá cam vì lá của loại bưởi này nhỏ như lá cây cam, vỏ xanh mịn, ruột có vị ngọt đậm pha chút chua thanh, đặc biệt không hậu đắng. Còn bưởi đường núm thì trái to, múi màu vàng, tép to dùng để chưng ba ngày Tết rất đẹp.Tôi lại tỷ mẩn đi tìm hiểu về cây bưởi. Cây bưởi có tên khoa học là Citrus Grandis Osbeck, họ Cam Rutaceae.Cũng như cây cao su, cây phượng vĩ (còn gọi là cây điệp, cũng là những giống cây nhập ngoại) từ khi người Pháp xâm chiếm nước ta.
          Có một điều thú vị nữa là cây bưởi là một cây thuốc, một dược liệu rất quý. Tất cả các thành phần của bưởi đều có tác dụng chữa bệnh.Lá bưởi dùng để nấu lá xông, chữa cảm mạo.Cùi bưởi chữa hen.Múi bưởi chống viêm nhiệt,cải thiện thành động mạch.Hoa bưởi chữa hành khí,tiêu đờm.Than của hạt bưởi chữa trốc đầu.Vỏ bưởi chống tóc chẻ,rụng tóc, khô tóc. Nhà tôi vẫn thường mua bưởi về dùng và bao giờ cũng gọt bưởi theo kiểu xoay vòng quanh quả bưởi thành một khoanh tròn rồi phơi lên dây để dùng dần vào việc gội đầu. Trong những năm Bình Trị Thiên khói lửa,rất khan hiếm dầu hỏa để thắp sáng.Nhân dân ta thường dùng dầu thực vật như lạc(đậu phộng),vừng(mè),dầu lai, thậm chí cả hạt bông vải để ép ra dầu dùng để thắp sáng. Tôi còn nhớ lũ trẻ chúng tôi đã bóc hạt bưởi,xâu vào que tre, mảnh như cái tăm ,dài chừng hai gang tay, phơi khô để đốt thay đèn mà học bài.
          Ở Việt Nam ta thì nơi đâu mà chả trồng được bưởi! Nhưng phải tự hào mà nói rằng Đồng Nai là vương quốc của bưởi. Nó vừa đa chủng loại lại vừa ngon vào bậc nhất. Tính đến cuối năm ngoái, toàn tỉnh có 1450 hecta bưởi, cho sản lượng là 16 ngàn tấn. Người dân Vĩnh Cửu lại vô cùng tự hào huyện nhà có tới 900 hecta! Tân Triều lại chiếm một phần năm diện tích trồng bưởi toàn huyện.Những nhà lãnh đạo Đồng Nai thấy rõ thế mạnh của cây bưởi cho nên đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông xây dựng mô hình Global GAP đầu tiên vào đầu năm 2010. Năm 2011 mới chỉ có 5 người trồng bưởi đạt chứng chỉ Global GAP cho bưởi đường lá cam.Con số này sẽ nối dài ra từ nay về sau. Có chứng chỉ này, trái bưởi Tân Triều đã chu du sang tận Trời Âu xa xôi.Hành trình tiếp theo của trái bưởi Tân Triều không chỉ dừng lại ở Hà Lan, Cộng hòa Liên bang Đức mà sẽ vươn tới những lục địa khác trên khắp quả địa cầu này.Vinh dự thay là trái bưởi quê hương Tân Triều!
            Phải chăng phù sa của dòng Đồng Nai thân yêu đã hóa thân vào trái bưởi Tân Triều hay tình người mặn nồng gắn bó với đất, hay là những giọt mồ hôi của người nông dân từ đời này sang đời khác không ngừng bồi đắp cho ruộng vườn nơi đây, để ngày nay có những vườn bưởi xum xuê cây lá và trái ngọt cho đời ?!
          Tân Triều giờ đây không chỉ đơn thuần là một vùng nông thôn yên ả, thanh bình mà đã rộn ràng tiếng ầm ì xình xịch của nhũng chiếc thuyền máy chạy vòng quanh cù lao đưa du khách ngắm nhìn, thưởng ngoạn những vườn bưởi trái trĩu cành lúc mùa xuân sắp về.Con rạch Tân Triều còn gọi là rạch Bến Cá cũng đã được nạo vét khơi thông dòng chảy trước khi Nhà máy Thủy điện Trị An phát điện vào khoảng những năm cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Những cây tràm, cây tre và những loại cây chống sạt lở khác hai bên bờ rạch giờ đây đã cao lớn, đứng vững vàng trước bão tố phong ba, giữ cho vườn tược Tân Triều không bị bào mòn.Và những con đường năm nào còn lầm bụi đỏ thì nay đã được trải nhựa phẳng lỳ.Đoạn đường tỉnh 768, chạy qua trước mặt trụ sở Ủy ban xã Tân Bình mấy tháng cuối năm 2012 còn có những tấm biển ghi “Lề lộ lở” thì nay đã được thay vào đó là những khối đất đỏ cao hơn mặt lộ từ 60 cm đến gần 1 mét. Phó chủ tịch Lê Văn Thanh giải thích:Nay mai mặt đường 768 cũng sẽ được nâng lên cao để chống ngập.Chị Nguyễn Thị Nước trao cho tôi bản Báo cáo Kết quả thực hiện công tác tuyên truyền vận động xây dựng Nông thôn mới của ấp Vĩnh Hiệp. Báo cáo ghi: Ấp Vĩnh Hiệp là khu vực trung tâm làng bưởi sinh thái vườn, được trải dài theo Hương lộ 9 với chiều dài 4 kilômet, tiếp giáp với ấp Tân Triều. Vĩnh Hiệp có diện tich là 201 hecta với số dân là 1758 người của 390 hộ. Trong đó có 91 hộ đồng bào Thiên Chúa giáo.Để ngôi làng ngày càng sạch đẹp người dân sẵn sàng nhổ rào dời vô, hiến đất để nhựa hóa đường làng mỗi bên vô một mét rưỡi. Như vậy dân đã hiến 12 ngàn mét vuông đất mà không hề đòi hỏi bồi thường.Hai đường hẻm số 3 và số 4 cũng đã nhựa hóa hoàn toàn.Đường giao thông nội đồng cũng đã dược nới rộng ra để có mặt đường là 5 mét, tạo thuận lợi cho các loại xe cày, xe kéo vận chuyển sản phẩm thu hoạch. Cây canh tác chính là lúa và bưởi.Nhưng người dân ở đây đã bắt đầu đưa cây bưởi xuống ruộng vì thu nhập từ bưởi cao hơn lúa và bắp hàng chục lần..

2.Những con người Tân Bình
Khi qua khỏi địa giới của thành phố Biên Hòa, trên tỉnh lộ 24 xưa kia, nay là Đường tỉnh 768 , chỉ cỏn khoảng 5 cây số đường chim bay,nhìn về phía tay trái du khách đã có thể nhìn thấy một ngôi nhà cao tầng lừng lững giữa ngút ngàn màu xanh của xứ bưởi Tân Triều.Đó là trụ sở của Doanh nghiệp Tư nhân Quê Hương Tân Triều. Chủ doanh nghiệp này là ông Nguyễn Thanh Sang, người chính gốc Tân Triều.Ông là một con người đầy nhiệt huyết và giàu nghị lực.Nhớ lại cách đây gần chục năm, khi ông muốn xây dựng thương hiệu cho trái bưởi quê nhà. Ông đã vấp phải biết bao trở lực và cũng quyết tâm vượt qua nó để định hình được thương hiệu Bưởi Tân Triều. Ông từng nghẹn ngào thổ lộ với người viết rằng: “Tôi là đứa con của quê hương Tân Triều.Gia đình tôi đã nhiều đời sinh sống tại đây,có trái bưởi giờ đã thành đặc sản nhưng cũng chỉ để nhà dùng. Tôi đã trở về quê hương để gây dựng bằng cả tâm huyết, dốc hết vốn liếng và cả thời trai tráng nhiệt tình , cả mồ hôi và nước mắt để tìm cho được thương hiệu BƯỞI TÂN TRIỀU, từ vô danh đến hữu danh…”. Để có trái bưởi sạch theo chứng chỉ VietGAP, ông đã lặn lội vượt mấy ngàn cây số ra Hà Nội tìm đến Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam mua máy xử lý Ôzon về để xử lý bưởi. Mãi tới giữa năm 2004 trái bưởi Tân Triều đã được bọc trong giỏ lưới,có tem dán, hạn sử dụng xuất hiện trong các siêu thị lớn: Metro,Bic C, Coopmart,Maximart,Vinatex…Thị trường tiêu thụ lớn nhất là Sài Gòn và các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Bình Dương…Nguyễn Thanh Sang là người có công lớn đưa trái bưởi Tân Triều ra nước ngoài. Anh đang lên đồ án xây dựng tại đây một nhà máy Bưởi chế biến mứt và kẹo từ bưởi.Và  Ông  Bảy Sang đang ấp ủ ý định sẽ xây dựng một trạm dừng chân có đầy đủ tiện nghi cho du khách .
Nơi đây còn có một nhà hàng nổi tiếng.Đó là cơ ngơi của ông Huỳnh Đức Huệ mà biển đề chỉ vỏn vẹn mấy chữ: Nhà hàng Năm Huệ.Ông Huệ vốn sinh ra tại đây. Ông cũng đã từng bôn ba ra nơi phố thị để mong tìm kiếm sự giàu sang. Nhưng rồi từ trong sâu thẳm tâm hồn ông, quê hương Tân Triều tha thiết vẫy gọi. Ông nhớ như in ngày còn tấm bé đã cùng với bạn bè bơi lội trong dòng nước mát nơi chôn nhau cắt rốn. Hương vị đậm đà của những trái bưởi như đang chảy trong ký ức ông.Ông quyết rời thành phố trở về quê với niềm tin mãnh liệt là đất sẽ không phụ người! Ông là người đầu tiên có ý tưởng biến khu vườn rộng hơn 2 mẫu rưỡi,với sự hiện hữu của 500 gốc bưởi của gia đình thành khu du lịch sinh thái đầy hấp dẫn.Ông là người đầu tiên nơi đây tìm cách làm cho trái bưởi thêm nhiều công năng sử dụng. Đó là những món ăn như gỏi bưởi, nem bưởi, chè bưởi..và những thức uống gồm rượu bưởi, nước ép bưởi, si-rô bưởi…được người tiêu dùng ưa chuộng.Món gỏi bưởi Tân Triều cũng mang nét đặc trưng. Đó là những con tôm được đánh bắt từ dòng sông Đồng Nai còn tươi nguyên, là những lát thịt heo ta lai rừng mà ngày nay hầu như nhà nào, xã nào cũng có nuôi,giá lại đắt hơn các giống heo ngoại như Đuy-rốc hay Yoọc-sia bởi nó ngọt thịt và thơm ngon.
 Nhìn đĩa gỏi bưởi Tân Triều, tôi bất giác nhớ về quê ngoại, miền đất tiền chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị). Vườn nhà ông ngoại tôi rất rộng và trồng nhiều loại cây ăn trái: bồ quân, vải, nhãn,mít, chuối, bứa, dâu gia, cau, cam, quýt và nhiều nhất là bưởi. Lũ trẻ chúng tôi thường nhặt những trái bưởi non, to bằng cái chén ăn cơm đem nướng sơ cho mềm để làm trái banh đá chơi với nhau.Dì Tâm của chúng tôi có sáng kiến làm món thấu ( giống như gỏi ) bưởi để cả nhà ăn cho đỡ ngán. Cách làm là thế này: bóc lấy tép bưởi, cho vào mặt trong của mo cau, trộn đều với ruốc (loại mắm làm từ con khuyếc biển),gia vị là ớt trái thái chỉ, một ít rau thơm như hành tăm, ném hay tỏi giã nhỏ. Gấp mo cau lại, lấy vật nặng như cối đá đè lên.Khoảng nửa giờ đồng hồ thì bóc ra, cho vào đĩa, đưa lên mâm. Món thấu này thật là dân dã và ngon, hấp dẫn vô cùng.
Anh Lê Ngọc Thanh,sinh ra ở ấp Bình Lục, tốt nghiệp xong Trung cấp Nông Lâm anh xin về xã, nơi anh được sinh ra và lớn lên.Anh hiểu rõ quê hương và yêu quê hương tha thiết.Hơn 10 năm lăn lộn với phong trào Tân Bình, giờ đây anh là một cán bộ được dân tin và dân yêu như người nhà. Chị Nguyễn Thị Nước (cái tên cũng nghe là lạ) cũng được cất tiếng chào đời tại cái cù lao nhỏ bé này. Có lẽ chung quanh ấp Vĩnh Hiệp chỉ có nước với nước nên cha mẹ đã đặt cho con cái tên thân thiết này chăng? Chị Nước cũng trưởng thành từ mảnh đất quê hương và nguyện gắn bó suốt đời với quê hương.
Và còn rất nhiều gương mặt của Tân Bình sẽ làm cho quê huơng mãi xanh tươi và đẹp giàu! Người dân nơi đây đang sắp xếp lại giang sơn của mình!
3.Tân Triều – diện mạo mới.
            Tôi dùng hai chữ Tân Triều để chỉ một miền quê mà giờ đây du khách trong và ngoài nước đều biết đến. Chữ Bưởi Tân Triều trên nhãn thương hiệu xứng đáng đại diện cho tất cả vùng đất Đồng Nai ra với bốn bể năm châu.Vĩnh Cửu đã được chuẩn y quy hoạch đất trồng bưởi là 1000 hecta, tập trung ở sáu xã:Tân Bình, Bình Lợi, Bình Hòa,Thiện Tân,Tân An và Trị An.
            Xác định được giá trị của thương hiệu bưởi Tân Triều, những nhà lãnh đạo Đồng Nai đã có những hoạt động nhằm xây dựng, củng cố và phát triển thương hiệu thông qua những chủ trương, nghị quyết, kế hoạch, quy hoạch; những dự án, những công trình nghiên cứu khoa học  để nâng cao vai trò,uy tín của giống bưởi đặc sản này. Nhiều cơ quan khoa học đã vào cuộc nghiên cứu tuyển chọn giống bưởi có triển vọng và các biện pháp thâm canh nâng cao hiệu quả vườn bưởi. Người nông dân Đồng Nai được tập huấn,chuyển giao công nghệ,khuyến cáo sử dụng giống bưởi tốt, phương pháp canh tác chăm bón tiên tiến…
            Để triển khai mô hình sản xuất bưởi sạch theo tiêu chuẩn GAP, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dich vụ Tân Triều, bước đầu vận động bà con xã viên tham gia và Nhà nước có chính sách hỗ trợ từ khâu chăm sóc đến khâu thành phẩm với mức hỗ trợ khoảng 30%. Hợp tác xã đã chính thức cấp chứng nhận cho 16 hộ tham gia với diện tích là 9,8 hecta.Hiện nay số hộ tham gia đã lên tới 49 hộ và sẽ có rất nhiều hộ nữa khi nhận thức được cái hay, cái lợi từ mô hình GAP này. Định hướng của xã Tân Bình từ nay đến năm 2015 phấn đấu có 50 hecta bưởi sạch.Và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên hàng năm. Năm 2012 Tân Bình đã đạt được 35 triệu 200 ngàn đồng/người/năm.
            Để làm phong phú và đa dạng các chủng loại,Chủ nhiệm Hợp tác xã Phan Tấn Tài đang vận động bà con phục hồi giống bưởi ổi truyền thống.Ông cũng cất công đi mời các nghệ nhân từ thành phố Hồ Chí Minh về để gầy cho được bưởi hồ lô. Tết Quý Tỵ vừa rồi Hợp tác xã đã bán ra thị trường 150 ngàn trái bưởi mang thương hiệu Tân Triều và 1 triệu 400 ngàn trái bưởi các loại. Ông Phan Tấn Tài nói rằng sẽ phát triển thêm nhiều Đại lý các vùng lân cận. Ở Hà Nội cũng đã có Đại lý Bưởi Tân Triều.Hội Làm vườn Vĩnh Cửu cũng đã tìm được và ký hợp đồng xuất khẩu bưởi sang Singapore. Và Hội cũng đang hướng mục tiêu xuất khẩu bưởi sang thị trường Hoa Kỳ, nơi có hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống.
            Trái bưởi Tân Triều đang hàng ngày làm thay da đổi thịt cho một vùng quê Nam Bộ. Cuộc sống cơm ngon áo đẹp, nhà cao cửa rộng không còn là ước mơ xa vời của người nông dân Việt Nam ở nơi này nữa.
            Tôi xin mượn câu ca đã truyền tụng bao đời nay với người dân Tân Triều để kết thúc bài bút ký viết về nông thôn mới ở Đồng Nai:
Dù ai xuôi ngược trăm chiều
Đừng quên Xứ bưởi Tân Triều quê tôi.       
                         Làng Tân Triều, những ngày đầu tháng 6 năm 2013.
                                                                      Xuân Bảo