Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

321. Hà NỘi nỗi nhớ.2

 

HÀ NỘI NỖI NHỚ.2.

                            Viết nhân Kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng thủ đô, ngày 10 tháng 10 năm 1954 – 10 tháng 10 năm 2020.

Ngày 10/10/1954, hành quân bộ suốt 1 tháng 20 ngày,sau ngày khóa tuyến (20 -8),  Bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị về đến địa điểm tập kết tại làng Tiên Điền,quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, bên hữu ngạn Sông Lam, Cửa Hội. Nơi đây, đơn vị phiên chế thành Trung đoàn 271 của Quảng Trị.

Phái đoàn Chính phủ gồm các ông Bồ Xuân Luật, bộ trưởng không bộ (ministre sans portefeuille), ông Lê Nam Thắng, tư lệnh Liên khu IV, bà Lê Thị Xuyến, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một vài thành viên khác, trong đó có nhạc sĩ Tô Hải về thăm Trung đoàn.

Vài hôm sau, một số chiến sĩ Trung đoàn  có trình độ văn hóa cấp 2 trở lên được triệu tập cho đi học, trong đó có tôi. Lớp kế toán cấp tốc chỉ có học trong thời gian 3 tháng (từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 12 thì bế giảng).Lớp học được tổ chức tại Chợ Liệu, Kim Liên, Nam Đàn, quê của Bác Hồ.

Chúng tôi được phân công về công tác tại Chi sở Mậu dịch đặc biệt tỉnh Thanh Hóa, lúc này đóng ở Bái Thượng, huyện Thọ Xuân. Đây là nơi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa Lam Sơn. Sau 10 năm nằm gai nếm mật ông cùng với các chiến hữu và nhân dân Đại Việt đuổi hết giặc Minh ra khỏi bờ cõi, dựng nên nhà Hậu Lê. Lê Thái Tổ mang gươm về kinh đô Thăng Long trả gươm báu lại cho Thần Kim Quy tại hồ Lục Thủy. Từ đây Thăng Long có Hồ Hoàn kiếm hay còn gọi là Hồ Gươm.

Ông Hà Uyên là Chi sở trưởng, sau này ông ra Hà Nội giữ chức thứ trưởng Bộ Nội Thương. Thời kỳ ông Đỗ Mười làm bộ trưởng và ông Hoàng Quốc Thịnh làm thứ trưởng thường trực. Khoảng mùa hè năm 1955 (lúc này bọn Pháp vẫn còn đóng tại Hải Phòng,  theo Hiệp nghị Genève còn được ở lại miền bắc 300 ngày), Đến ngày 15 tháng 5 thì tên thực dân cuối cùng rút khỏi miền bắc.

Chúng tôi lại được chọn đi học ở Trường Trung cấp Thương nghiệp Hà Nội.Trường dựng vội bằng tranh tre nứa lá đặt tại 66 đường Hoàng Hoa Thám.Phía trước là làng hoa Ngọc Hà, có nhà máy bia Ô-mèn của Pháp, sau đổi tên là nhà máy Bia Hà Nội, phía sau là Xí nghiệp Tàu điện, nhà máy thuộc da Thụy Khuê.

Thế là từ đó, tôi trở thành công dân Thủ đô cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền nam Việt Nam.Năm 1975 tôi mới về Đồng Nai công tác.

***

Hà Nội đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.Tôi lấy vợ là người Hà Nội chính kinh tên là Nguyễn Thúy Minh, con của nhà tư sản dân tộc Nguyễn Viết Điền. Ông bà Nguyễn Viết Điền vốn người làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai ra làm ăn ở Hà Nội từ mấy đời trước. Ông bà có cửa hiệu Cơm tám giò chả Tân Việt nổi tiếng ở ngôi nhà 60A phố Huế (xế Chợ Hôm) và được đưa vào diện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Người con gái cả của ông bà tên là Nguyễn Thị Ngọc Bích - hoa khôi Hà thành một thời - kết hôn với "cậu ấm kháng chiến" Cao Minh Thanh từ núi rừng Yên Bái về tiếp quản thủ đô. Cuộc tình này chỉ kéo dài dược 18 ngày, hết tuần trăng mật. Cậu bị bắt vì tội biển lận. Tờ báo tư nhân Thời Mới của ông chủ bút Hiền Nhân đăng feuilleton (bài đăng nhiều kỳ): Đám cưới 20 triệu đồng và nhà viết kịch Trần Huyền Trân có kịch bản Ngược chiều.

Vợ chồng chúng tôi sinh được ba người con.

             Tôi sống, học tập, trưởng thành và trở thành nhà báo, nhà thơ của Hà Nội với nhiều bút danh: Xuân Bảo, Trực Ngôn, Tú Sừng…Hà Nội trong tôi mang đậm dấu ấn của một thời khốc liệt và hào hùng của những năm đánh Mỹ. Vì vậy, khi Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, tôi và nhà thơ Võ Nguyện đã hoàn thành công trình Thơ mang tựa đề Trời Nam thương nhớ, lấy ý từ bài thơ Nhớ Bắc của nhà thơ-chiến sĩ (còn được tôn vinh là Thi tướng) để dâng lên Đức Lý Thái Tổ.

Thế mà đã mười năm trôi qua, nay Hà Nội lại bước vào kỷ niệm 66 năm Ngày giải phóng Thủ đô -10/10/1954 – 10/10/2020.  Là giai tế Hà Nội tôi nghĩ mãi không có món quà nào dâng tặng Hà Nội thân yêu nên viết bài Tản văn này, coi đó là chút tình nhớ và thương gửi về nơi mà đã cưu mang tôi suốt một thời trai trẻ.

Ngàn lần yêu thương nhớ về Hà Nội!

 Dưới đây là bài viết:

LÝ CÔNG UẨN – MỘT KIẾN TRÚC SƯ ĐÔ THỊ VĨ ĐẠI

“Lý Công Uẩn quê ở châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, (nay thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh). Mẹ là họ Phạm, đi chơi chùa Tiên Sơn, cùng với người thần giao cấu rồi có chửa, sinh ra vua vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình, nhà Đinh năm thứ 5 (974).Làm quan nhà Lê được thăng dần lên chức Điện tiền chỉ huy sứ. Đến khi Ngọa triều Lê Long Đĩnh băng hà.Lý Công Uẩn tự lên ngôi vua, đóng đô ở Thăng Long, ở ngôi 18 năm, thọ 55 tuổi, băng ở Điện Long An, chôn ở Thọ lăng”. (Đại Việt sử ký toàn thư – Kỷ nhà Lý – trang 257).

Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đại xá thiên hạ. Đó là việc làm thuận ý trời, hợp lòng người, biểu hiện lòng nhân nghĩa của một  đấng minh quân. Với tầm nhìn của một bậc cao minh, vua thấy đất Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác nên đã xuống chiếu nói rằng ( Đời sau thường gọi là Thiên đô chiếu).

Nguyên văn chữ Hán.

                                        THIÊN ĐÔ CHIẾU *

Tích Thương gia chỉ Bàn Canh ngũ thiên.Chu Thương đãi Thành Vương tam tỉ.Khởi Tam đại chỉ số quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cấu hữu tiện triếp cái. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, trí thế đại bất trường, toán số đoản xúc, bách tính hao tổn,vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chí, bất đắc bất tỉ.

Huống Cao Vương cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc  Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hưởng bối chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thân bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khổn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô.

Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà ?

 

Bản dịch Quốc ngữ:

                                         CHIẾU DỜI ĐÔ

Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa,làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giầu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tốn hao, muôn vật không hợp, Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.

Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực của trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.

Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?

______________________

*-Thiên đô chiếu – Chiếu dời đô dài 214 chữ, do vua Lý Thái Tổ tự tay viết và ban chiếu vào mùa xuân năm 1010 để chuyển kinh đô Đại Cồ Việt từ Hoa Lư tỉnh Ninh Bình ra thành Đại La, Hà Nội ngày nay.

Bản dịch sang tiếng Việt là của Viện Khoa học – Xã hội Việt Nam in trong Đại Việt sử ký toàn thư.NXB Khoa học – Xã hội,Hà Nội – 1993.

Thiên đô chiếu vỏn vẹn 214 từ nhưng đã toát lên một yếu tố hết sức quan trọng. Đó là thành Đại La ở giữa khu vực trời đất, là nơi thắng địa của nước Việt ta. Thật đáng tự hào cho một thủ đô có sức sống lâu bền mà không phải nước nào trên thế giới đều có sức sống đó.

1010 năm! Phải, 1010 năm oai hùng và bi thương, thăng trầm để chúng ta có ngày hôm nay! Hà Nội, thủ đô hòa bình, tượng trưng cho lương tri và phẩm giá con người!

***

Lý Công Uẩn đã có một tầm nhìn của một kiến trúc sư đô thị vĩ đại.Một đô thị với 36 phố phường sầm uất, có nền văn hiến đã in dấu ấn lên mọi thời đại.Nơi đây có Bút Tháp, Đài Nghiên, có trường đại học đầu tiên (1070) do nhà Lý sáng lập. Văn miếu Quốc tử giám thờ Đức Vạn thế sư biểu Khổng Tử và thờ người thầy dạy học Chu Văn An của dân tộc Việt Nam. Nơi đây là nơi đã đào tạo ra hàng trăm, hàng trăm bậc hiền tài. Thân Nhân Trung đã đề bia:

Hiền tài quốc gia chi nguyên khí

.Nguyên khí thịnh tác quốc thể cường dĩ

 

Hoàng thành Thăng Long vừa được khai quật mấy năm vừa qua đã chứng minh rằng. Nước Việt đã từng có một kinh đô với kiến trúc cổ, có Điện Kính Thiên, Thái Hòa…Hoàng thành là nơi vua và triều  đình làm chốn triều nghi. Những mảnh gốm xưa, gạch cổ, rồng đá (thời Lý) còn lại là vật chứng cho một thời hoàng kim của các vua chúa.

Nơi đây có thế rồng chầu hổ phục, đất đai bằng phẳng dựa vào thế núi hình sông. Có địa hình chiến lược phòng thủ khi có giặc ngoại xâm. Bởi thế, ba lần chiến thắng Nguyên-Mông, bao lần đối mặt với quân thù Bắc phương thì có bấy nhiêu lần vua tôi rút khỏi Thăng Long, nhưng rồi “giặc đến Bồ Đề, giặc lại tan”.

Chiến công hiển hách của vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan hai mươi vạn quân Thanh xẩy ra ngày 30 tháng 1 năm 1789. Xác giặc chất thành đống gò Đống Đa. Tôn Sĩ Nghị  chui ống đồng trốn về nước.

Cành đào báo tiệp của Quang Trung từ Thăng Long gửi gấp về Phú Xuân cho Ngọc Hân công chúa trong ngày Tết Kỷ Dậu  là ca khúc khải hoàn của một nước Việt Nam thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

***

Sau gần hai trăm năm chiến thắng Ngọc Hồi, ngày 19 tháng 12 năm 1946 Hà Nội lại vang lên lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.Người Hà Nội tạm xa thủ đô yêu dấu để cùng với cả nước làm nên cuộc trường kỳ kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ. Để rồi có ngày mùng mười tháng mười, Hà Nội sạch bóng thực dân Pháp xâm lăng:

Rầm rập quân reo năm cửa ô

Từ đây Hà Nội sạch quân thù…

                                                             Thơ Xuân Bảo

Nhân kỷ niệm 66 năm giải phóng thủ đô, xin gửi về Hà Nội thân yêu bài thơ:

 THẾ ĐẤT RỒNG BAY

Đại La thế đất dáng rồng bay

Hạo khí non sông tụ xứ này

Hổ phục oai phong nơi núi Tản

Rồng chầu lẫm liệt chốn hồ Tây

Xuất quân Kỷ Dậu, Tàu tan tác

Chiến thắng Điện Biên, Pháp chạy dài

Giấc mộng Thăng Long rồng gặp nước

Diệu kỳ Hà Nội chính là đây.

                                                  Bên bờ Phước Long Giang, ngày 10 tháng 10 năm 2020

                                                                 Nhà thơ Xuân Bảo

 

 

 

 

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

320. Hà Nội nỗi nhớ .1-

 

HÀ NỘI NỖI NHỚ. I

           Viết nhân kỷ niệm 66 năm giải phóng thủ đô- 10 tháng 10 năm 1954 – 10 tháng 10 năm 2020.

TÔI NGƯỠNG MỘ TOÀN QUYỀN PAUL DOUMER.

Trước hết tôi xin tỏ lòng biết ơn Nhà Xuất bản Thế giới đã ấn hành cuốn Hồi ký Xứ Đông Dương ( L’ Indochine Francaise) và cảm ơn Nhóm dịch Lưu Đình Tuấn, Hiệu Constant, Lê Đình Chỉ, Hoàng Long và Vũ Thúy; cảm ơn những vị hiệu đính Nguyễn Thừa Hỷ và Nguyễn Việt Long.

Thứ đến xin trân trọng cảm ơn Ngài Jean – Noel Poirier, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam đã có Lời tựa cho lần xuất bản này với những câu có cánh: “…Tôi rất lấy làm sung sướng về việc Alpha Books đã cho xuất bản cuốn Hồi ký Xứ Đông Dương bằng tiếng Việt. Chắc hẳn ông Doumer sẽ ngậm cười nơi chin suối vì cuốn hồi ký của ông được xuất bản ở Việt Nam vào thời điểm mà quan hệ Pháp – Việt đang có những bước phát triển mới đầy hứa hẹn. Tôi cũng tin tưởng cuốn sách đặc biệt này sẽ tạo cơ hội cho độc giả Việt Nam khám phá them về lịch sử Việt Nam qua một góc nhìn khác lạ hơn, góc nhìn của một nhân vật vĩ đại của nước Pháp, liêm khiết và không chút vụ lợi ( intègre et désintéressé)…”

Cầu Long Biên năm 1926.

1. Cầu Long Biên và bài thơ Đưa em lên cầu Long Biên

Năm 1955, tôi về Hà Nội học. Với phụ cấp it ỏi lúc đó, những học sinh sinh viên chỉ đủ tiền ăn bếp tập thể, ngủ nghỉ ký túc xá và còn rất ít để mua khăn mặt, xà phòng giặt (loại cục 72% dầu). Xà phòng thơm được coi là thứ xa xỉ phẩm nên chẳng bao giờ chúng tôi mơ tưởng đến.Thuốc đánh răng và bàn chải, khăn mặt, mấy thứ này khi nào hết mới mua. Để giải trí, chúng tôi chỉ đi xem cinéma ban ngày, vé đồng hạng 2 hào/vé. Có chủ nhật chúng tôi cuốc bộ từ rạp này đến rạp khác, mỗi rạp chiếu một bộ phim khác nhau. Cho nên được xem đủ 4 phim trong một ngày. Tối đến, đôi chân mỏi dừ. Có tối còn đi xem chiếu bóng ngoài trời ở các bãi Lương Yên, Yên Phụ…Phim chiếu để nâng cao đời sống văn hóa cho dân vào ban đêm và không mất tiền mua vé. Các món kịch nói, chèo, cải lương, ca múa nhạc thì năm thì mười họa, dành dụm được món tiền kha khá lại rủ nhau canh-ty mua vé đi xem. Còn các môn nhạc giao hưởng, thính phòng thì không bao giờ dám mơ tưởng tới. Phần lớn được tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Lớn, giá vé rất đắt.

Nhờ đi bộ mà chúng tôi thuộc từng con đường, góc phố của Hà Nội. Đặc biệt, chúng tôi thường đi lên cầu Long Biên, đi từ bên này sang bên kia rồi quay lại vừa đúng 3 cây số 6, mất gần tiếng đồng hồ, đếm được 19 nhịp, 9 nhịp dài, 10 nhịp ngắn, sử dụng 130.000 thanh thép lớn nhỏ nặng 5.300 tấn với 20 trụ cầu cả thảy. Cầu được khởi công ngày 12-9-1898 và sau gần 36 tháng thì hoàn thành.. Với tổng kinh phí là hơn 6 triệu 200 nghìn franc, so với dự trù ban đầu là 5.390.794 franc thì số tăng không đáng kể.

8 giờ 35 phút sáng một ngày đầu năm 1902, cầu được khánh thành. 8 toa xe khởi hành từ ga Hàng Cỏ sang ga Gia Lâm. Có những yếu nhân ngồi trên tàu là Vua Thành Thái, Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur genéral de l’Indochine francaise) Joseph Athanase Paul Doumer, Vua Mã Lai, Hoàng gia Cao Mên, Đô trưởng Vientiane (Lào) và đại diện triều đình Mãn Thanh (Trung Hoa). Như thế, nhờ chiếc cầu này, hệ thống đường sắt Đông Dương thu về một mối mà Hà Nội là trung tâm.

Đứng trên cầu tha hồ ngắm con sông Hồng Hà quanh năm đỏ ngầu phù sa. Những lúc chiều xuống thì nơi đây là địa điểm lý tưởng cho ai muốn ngắm nhìn hoàng hôn Hà Nội. Khi mới tiếp quản thủ đô, Hà Nội chỉ có một ngôi nhà 6 tầng. Đó là Nhà in IDEO, sau này là Nhà in Báo Nhân Dân ở phố Tràng Tiền. Tôi tỷ mỷ ghi lại những chữ đúc nổi vào các thanh sắt dầm cầu. “Daydé & Pillé-Paris” là nhà cung cấp thép cho công trình này. Lại có dòng chữ số: “1899-1902”, ghi lại thời điểm chính thức khởi công và hoàn thành cầu.

Người Hà Nội thời trước thường gọi tên cầu một cách dân dã là cầu Sông Cái hay còn gọi là cầu Bồ Đề và dân Hà thành cho đến khi ta vào tiếp quản thủ đô quen gọi tên cầu này là “Pont Doumer”. Pont tiếng Pháp là cầu. Và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer là người đưa ra ý tưởng làm cây cầu này. Trong Hồi ký của mình Paul Doumer viết: “Có một sự khẩn thiết xuất hiện ngay trong đầu tôi là việc xây dựng một cây cầu bắc ngang qua sông Hồng trước mặt Hà Nội. Thành phố bị ngăn cách với các tỉnh phía tả ngạn bởi dòng sông rộng 1.700 mét bị tắc nghẽn bởi những bãi cát lúc lở, lúc bồi rất nhanh. Đối với người bản xứ, việc vượt sông rất khó khăn, tốn kém có khi nguy hiểm. Đường sắt Lạng Sơn phải dừng lại ở bờ tả ngạn, cách Hà Nội 3 km. Ý tưởng của tôi là xây dựng cho Bắc Kỳ một mạng đường sắt hội tụ ở Hà Nội, một đầu nối với biển, đầu kia với Trung Kỳ và một chạy sang Trung Hoa. Không thể hình dung được là hai nửa của mạng đường lại bị ngăn cách bởi một con sông”…

Theo thiển nghĩ của tôi, nên chăng ở hai đầu cầu Long Biên hiện nay gắn tấm biển ghi lại dấu tích của người đầu tiên có ý tưởng và sau đó đã bảo vệ thành công đề án xây dựng cầu Long Biên. Tấm biển đó chỉ ghi ngắn gọn: Tên người đề xuất, tên người làm dự án, tên công trình sư thiết kế, tên đơn vị thi công và ngày, tháng năm khởi công, ngày tháng năm hoàn thành.

***

2.Tôi làm bài thơ đưa em lên cầu Long Biên.

Sau này, khi có người yêu, tôi thường cùng nàng đi dạo chơi trên cầu Long Biên.Vào những năm năm chín, sáu mươi, có những đêm chúng tôi lai nhau trên chiếc xe đạp để đi vòng quanh Hà Nội, bao giờ cũng từ điểm xuất phát đầu tiên là chân cầu Long Biên, lên Yên Phụ, Chèm Vẽ, vòng qua Diễn, xuống Tây Tựu, ra Văn Điển, về Giáp Bát rồi dọc theo Làng Tám về Mai Động leo lên đê Vĩnh Tuy, Lương Yên, dọc theo đường Trần Qung Khải, Trần Nhật Duật và điểm dừng đúng vào nơi xuất phát ban đầu: chân cầu Long Biên.

Có một đêm Trung thu chúng tôi đi từ lúc trăng rằm mọc từ phía bên kia cầu, phía Gia Lâm và kết thúc hành trình dạo quanh Hà Nội thì trăng đã dần lặn ở phía Hồ Tây.Hà Nội ngày ấy sao yên ả và thanh bình đến thế!

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cầu Long Biên đã từng chứng kiến những đoàn tàu ngày đêm chở những người con thân yêu của hậu phuơng ra trận.

Trên nóc cầu Long Biên những khẩu pháo cao xạ 12ly7, 14ly5 vươn thẳng lên trời cao. Cao xạ 100ly đặt ở thôn Gia Thượng và những ụ pháo Bãi Giữa ngày đêm căng mắt, chờ đón lũ giặc trời. Những chàng trai, cô gái của thủ đô, đầu đội mũ sao vuông, tay lăm lăm khẩu súng trường sẵn sàng nhả đạn vào máy bay Mỹ.

 Đợt 1, từ năm 1965 đến năm 1968, Mỹ trực tiếp ném bom 10 lần làm sây sứt nhẹ 7 nhịp và 4 trụ lớn. Tuy nhiên, cầu Long Biên vẫn sừng sững hiên ngang, gần như cầu vẫn nguyên vẹn con rồng thép thủ đô. Lần 2, năm 1972, chúng đánh phá cầu 4 lần, phá hỏng hơn 1.500 mét, cắt đứt 2 trụ lớn ở phía bờ bắc. Chúng dùng cả bom laser và tên lửa. Mặt trận trên cao này đã hạ gục hàng chục máy bay “thần sấm, con ma” Mỹ!

Cho đến hôm nay, tức là lúc tôi lại cùng người yêu năm xưa đi lên chiếc cầu đầy ắp kỷ niệm của những năm tuổi trẻ thì cầu Long Biên đã được hơn trăm tuổi, vắt sang hai thế kỷ và đọng lại trong tâm trí người Hà Nội bóng dáng con Rồng thời Lý. Hà Nội sắp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Đông Đô – Hà Nội. Tôi da diết nhớ tiếng búa gõ cạo rỉ ngày nào của những người thợ sơn cầu và nhớ, chao ôi nhớ những ngày xưa thân ái khi lần đầu tôi về Hà Nội!

Xin tạm dừng bài viết kể về chuyện tôi đã làm bài thơ Đưa em lên cầu Long Biên, để một dịp khác, viết tiếp. Dưới đây là bài thơ ấy:

Đưa em lên cầu Long Biên

Năm xưa

Anh cùng em

Đứng trên cầu Long Biên

Nhìn lên Bãi Giữa

Nương ngô mút mắt trời Chèm

Mạn Lương Yên, ca-nô, tàu thủy

Tấp nập vào ra chật bến Phà Đen

Con rồng thép uốn mình qua đôi bờ Hà Nội

Chở tuổi thanh xuân những cô gái, chàng trai

Đi vào cuộc trường chinh đánh Mỹ

Còn đây những nhịp cầu gãy

Chứng tích thương đau

Ta muốn nghe tiếng búa cạo rỉ

Của những người thợ sơn cầu

Như bản hòa tấu âm vang thế kỷ

Thao thiết chảy vào dòng sâu Nhĩ Hà

Chiều nay trời trở lạnh

Ta lại đưa em lên cầu Long Biên

Để nhớ về kỷ niệm

Nụ hôn đầu giữa trời đất mênh mang.

Đầu Ô Quan Chưởng, một chiều rét ngọt 3 -4 -2007

Nhà thơ Xuân Bảo.

Viết thêm: Bài thơ này đã được nhà thơ Vũ Xuân Hoát, tổng biên tập tờ Người Hà Nội (thuộc Hội Nhà văn Hà Nội) đăng.  Và đã in vào tập thơ Trăng Giêng của tôi, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành nam 2007. Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long bài thơ đã được Ban Tổ chức Festival Cầu Long Biên cho viết thư pháp trên giấy dó trình bày trong lễ hội.

Bên bờ Phước Long Giang, ngày 8 tháng 10 năm 2020.

Nhà thơ Xuân Bảo.

 

Kỳ tới . HÀ NỘI NỖI NHỚ .2

 

 

 

 

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2020

319. Mùa thu rồi ngày 23 ta ra đi

 

319. LẠI VIÊT VỀ MÙA THU.

     Mủa thu rồi ngày 23, ta ra đi. Ra đi nghe theo tiếng gọi sơn hà nguy biến!

Cách đây đúng 75 năm 1 tháng, khi Quảng Trị quê tôi được sống dứơi chế độ mới.  Vào ngày 23/8/1945, trước sân tòa công sứ Pháp tại thị xã,  ông Trần Hữu Dực, thay mặt Việt Minh tuyên bố chính quyền về tay nhân dân.

Một tháng sau đó, ngày 23/9/1945, ông Bùi Hồng Sa, chủ nhiệm Việt Minh làng Thượng Phước thông báo cho dân làng biết là bọn Pháp đã gây hấn ở Sài Gòn.

Tiếng súng chống xâm lăng lại đã nổ!

1.Nhật chiếm Đông Dương.

Trên thực tế, Nhật đã chiếm Đông Dương từ năm 1940. Ngày 9 tháng 3 1945, thì chính thức Nhật chiếm bằng vũ lực, hạ cờ tam tài của Pháp xuống, thượng cờ mặt trời của Nhật lên mợi nơi. Pháp chạy trốn hoặc bị Nhật giết!

Ngày 22.6.1940, Pháp ký thỏa thuận ngừng bắn với Đức Quốc Xã, Chính phủ Vichy được thành lập, thừa kế hầu hết các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp, bao gồm cả Đông Dương.

Quân Nhật tiến vào Hải Phòng ngày 24/11/1940.

Ngày 5 tháng 9 năm 1940, Nhật Bản thành lập Đông Dương phái khiển quân để đồn trú tại Đông Dương. Lực lượng này sẽ nhận được sự hỗ trợ bằng máy bay và tàu chiến của Nhật từ căn cứ ở đảo Hải Nam.

Tướng Nhật Takuma Nishimura được giao quyền chỉ huy quân đoàn Hoa Nam, tiến hành đàm phán với đô đốc Pháp Decoux, toàn quyền Đông Dương, để thỏa thuận triển khai quân Nhật trên lãnh thổ Đông Dương thuộc Pháp. Cuộc đàm phán tiến triển quá chậm chạp nên giới tướng lãnh Nhật chỉ huy quân đoàn Hoa Nam quyết định gây hấn để phá hoại quá trình đàm phán. Để tránh giao tranh, ngày 21 tháng 9 năm 1940, phía Pháp đồng ý nhượng bộ, cho phép Nhật đóng 6 ngàn quân ở Bắc kỳ, được quyền sử dụng 4 sân bay, đồng thời được quyền chuyển 25 ngàn quân qua Bắc kỳ vào Vân Nam, quyền sử dụng cảng Hải Phòng để vận chuyển một sư đoàn thuộc quân đoàn 21.

Bất chấp việc đàm phán đã ngã ngũ, lực lượng quân sự Nhật vẫn tiến hành khởi sự. 9 giờ tối ngày 22 tháng 9, sư đoàn 5 tinh nhuệ trực thuộc quân đoàn 21 Nhật tràn qua biên giới từ Long Châu vào Việt Nam qua ngả Đồng Đăng và giao tranh quyết liệt với quân Pháp tại đây. Giao tranh lan ra các đồn binh Pháp dọc biên giới. Xe bọc thép Nhật uy hiếp Lạng Sơn, buộc quân Pháp tại đây giương cờ đầu hàng. Tới lúc này các đơn vị quân thuộc địa bắt đầu hoảng loạn rút chạy, hàng trăm lính tập rã ngũ, vứt bỏ vũ khí lại trên đường chạy về Hà Nội.

Cùng thời gian, máy bay thuộc hải quân Nhật cất cánh từ tàu sân bay trên vịnh Bắc Bộ bắn phá các mục tiêu Pháp trên bộ ngày 24 tháng 9. Hải quân Nhật tiến hành đổ bộ 4,500 lính bộ binh và hơn một chục xe tăng ở phía nam cảng Hải Phòng, tiến hành tước khí giới quân Pháp tại Đồ Sơn. Tới tối ngày 26, quân Nhật đã chiếm sân bay Gia Lâm, trạm xe lửa từ biên giới Vân Nam vào Lào Cai và Phủ Lạng Thương trên tuyến đường sắt từ Hà Nội-Lạng Sơn. 900 quân Nhật chiếm cảng Hải Phòng, 600 quân khác đóng tại Hà Nội trước sự bất lực của Pháp.

          2. Pháp qua trở lại.

Ngày Nam Bộ kháng chiến khẳng định ý chí, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của đồng bào Nam bộ

Mười lăm tháng kháng chiến trước khi nổ ra toàn quốc kháng chiến đã thể hiện rõ ý chí, quyết tâm giữ vững nền độc lập vừa mới giành được của nhân dân Nam Bộ như đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong một năm trường, đồng bào kháng chiến, người thì tan nhà nát cửa, người thì hy sinh tính mạng, người thì bị tù, bị đày. Nhưng lòng yêu nước của đồng bào vẫn trơ như đá vững như đồng”

 Nhân dân Nam Bộ kháng chiến với ý chí “Độc lập hay là chết”.

Từ ngày 23 đến 28/8/1945, nhân dân Nam Bộ đã vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Sau gần một thế kỷ dưới ách thống trị của chế độ thực dân Pháp, giờ đây đồng bào Nam Bộ, từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Lẽ ra, từ đây nhân dân ta được sống trong hòa bình, thế nhưng, với dã tâm trở lại xâm lược nước ta lần nữa.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh đã quay lại gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình hình đó, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại Nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh). Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Ảnh. Dân quân cứu quốc Nam bộ trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, tháng 9/1945. Mô tả: C:\Users\asus\Downloads\thu1091258570_9920198.jpg

          Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi. Tiêu biểu cho tinh thần “Độc lập hay là chết” là tiểu đội bảo vệ Cột cờ Thủ Ngữ. Sáng 23/9/1945, khi một đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống để kéo lá cờ tam tài lên, vì danh dự lá cờ Tổ quốc, chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử của ta kiên quyết ngăn cản dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Cảm phục trước khí tiết đó, viên chỉ huy người Anh đã cho đại đội xếp hàng, bồng súng chào hương hồn những người anh hùng của đối phương đã ngã xuống dưới chân cột cờ. Trận chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc - biểu tượng của nền độc lập đã cổ vũ mạnh mẽ cho lực lượng vũ trang ta dũng cảm tổ chức nhiều trận đánh ác liệt.

Thực hiện “trong đánh ngoài vây”, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ thành lập 04 mặt trận ở ngoại thành Sài Gòn. Chúng ta vừa bố trí lực lượng chốt giữ các cầu chính để vây địch trong nội thành, vừa triển khai lực lượng tiến vào nội thành, phối hợp với các tổ, đội du kích bám trụ, tiến hành các cuộc đột kích vào những nơi địch đóng quân, đốt phá các kho tàng quân sự và cơ sở kinh tế của chúng rồi nhanh chóng rút lui. Mọi tầng lớp nhân dân đều tích cực tham gia cùng các đội tự vệ tổ chức chốt chặn, canh giữ các ngã đường. Nhân dân Sài Gòn còn triệt để thực hiện tổng đình công; nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy, chợ đóng cửa, xe điện ngưng chạy, v.v. Với ý chí “Độc lập hay là chết”, đồng bào Nam Bộ đã quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược, tạo nên một vòng vây quân sự kết hợp với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bị động, bất ngờ và chùn bước, tạo điều kiện để quân và dân ta bước vào giai đoạn thực hiện toàn quốc kháng chiến (19/12/1946).

Cuộc chiến không cân sức giữa một bên là quân đội tinh nhuệ có đầy đủ xe tăng, máy bay, đại bác và một bên là gậy tầm vông vạt nhọn, súng ngựa trời…và lòng yêu nước. Nhân dân Việt Nam đã làm nên một chiến thắng thần kỳ của cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm, để có một Điện Biên chấn động địa cầu. Và chấm dứt gần một thế kỷ khi quân Pháp và Tây Ban Nha đổ bộ lên Đà Nẵng ngày 31 tháng 8 năm 1858 đến ngày 10 tháng 10 năm 1954, tên lính thực dân cuối cùng rút qua cấu Long Biên!

                          

Bên bờ Phước Long Giang, 10 giờ sáng ngày thứ tư, 23/9/2020.

Nhà thơ Xuân Bảo.

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

318. Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

               318. Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp

CHÂN DUNG NGƯỜI PHỤ NỮ THẦM LẶNG PHÍA SAU ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Bài đăng nhân dịp 7năm ngày mất của Đại tướng (lịch dương 4/10/2013 -      4/10/2020)

PGS-TS Đặng Anh Đào là em gái của bà Đặng Bích Hà - phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà Đặng Anh Đào cũng là vợ của Trung tướng, GS. Phạm Hồng Sơn-nguyên PGĐ Học viện Quốc phòng. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của bà Đặng Anh Đào :
Về cuộc tình duyên giữa chị Hà và anh Giáp có le tôi là người ít hiểu nhất trong số bốn cô em gái. Vì thời gian gần chị luôn bị đứt quãng bởi chiến tranh – ngay cả khi ở Hà Nội, trong cuộc kháng chiến lần thứ hai. Khi ấy chồng tôi ở chiến trường, tôi chỉ còn biết xoay xở với việc dạy học và dạy con cho thành người.
Kí ức của tôi luôn gắn với mùi hoa. Bởi vậy, nghĩ đến tình duyên giữa chị cả tôi và anh Văn,tôi luôn thấy thoang thoảng mùi hoa sấu – ngôi nhà 32 Lý Thường Kiệt – và mùi hoa mộc của biệt thự Liễu Trang, Cầu Mới.
Chị Hà giống mẹ tôi một phần về dung mạo, nhưng lại khác về tính cách sôi nổi, chỉ duy có nết hiền hậu là giống mẹ. Chị lại không thiên về nội trợ, chỉ đọc sách và mơ được sống một cuộc đời mạo hiểm, khác với các thiếu nữ thời ấy. Chị mặc “đồ đừm” ( như mẹ tôi thường nói bằng tiếng Nghệ An)&khi nói thì hoa tay múa chân nhún vai hay hát và đọc thơ tiếng Pháp. Lúc anh Văn từ chiến khu về Hà Nội, chị mới 18 tuổi, vừa tốt nghiệp Bac ở Lycée Albert Sarrault, còn chơi trốn tìm với các em.
Anh Văn thỉnh thoảng tới nhà sau bao năm bí mật đi làm cách mạng, trở về với nụ cười sáng ngời, đôi mắt nâu và cặp lông mày “võ tướng”. Thỉnh thoảng anh còn mời cả Bác Hồ tới có lúc ở lại ăn cơm với món ăn ưa thích là đĩa trứng gà rán. Gần đây, khi anh đã mất, tôi đọc thấy vài nhà báo nói đến thói quen ăn chuối của anh. Thực ra, từ những ngày xưa, món tráng miệng thường xuyên mẹ tôi đưa ra là chuối ăn kèm pho mát…
Ngoài giờ đàm đạo với ba tôi, anh lại đến ngồi nói chuyện với chị Hà đang ngồi đọc sách. Tôi không quan tâm đến chuyện người lớn. Song tôi rất đắc chí vì anh Văn hay bênh tôi. Tới Hội nghị Đà Lạt, viết thư về, anh còn dặn các chị không được trêu tôi, và dặn tôi “không được buồn, không được lên gác đứng khóc một mình” … Thế rồi đột ngột, trước khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, tôi phải theo gia đình tản cư khỏi Hà Nội, mà không có chị Hà. Vậy là anh Văn đã lấy mất chị Hà của chúng tôi...
Trong kí ức suốt bao năm của cuộc kháng chiến, tôi vẫn nghĩ chị cả tôi là vậy: đọc sách, ngâm thơ, thay thế trò phóng xe đạp bằng việc phi ngựa trên đường rừng Việt Bắc. Mãi tới năm 2011, khi tập hợp tư liệu để viết bài về anh Giáp, tôi mới biết ngay từ năm 1946, chị tôi đã đổi khác, đồng hành cùng với anh Giáp như một “nữ bộ đội”. Đấy là một tập Hồi ký của lớp Thiếu sinh quân đầu tiên. Có những đoạn thơ viết về năm 1949 tặng anh Giáp và chị Hà :

“Anh dành cho chúng em
Tình thương của chị Hà
Tam Đảo còn nhớ mãi
Gánh dứa ngọt năm xưa”…

Và một mảnh hồi ức khác: “Em còn nhớ (…) chị đã cho chúng em một con bò để bồi bổ sức khỏe… Khi chị bắt tay, để tỏ lòng kính trọng, chúng em đã cúi đầu xuống. Thấy vậy, chị bảo ngay: các em không được cúi đầu mà phải đứng thẳng, ngửng đầu lên mà bắt tay..
Chúng em hứa với chị là luôn ngẩng đầu lên mà đi, mặc dù bây giờ ngẩng cao đầu không phải là dễ…( Bài này được viết năm 2004, của một cụ “thiếu sinh quân”hiện còn sống ở Thái Nguyên)
Cho đến tận năm 1951, tôi lại đi bộ với guốc gỗ lọc cọc theo gia đình lên ATK. Chỉ vẻn vẹn mấy ngày,tôi chỉ kịp thoảng thấy anh trên chiếc jeep mui trần khi qua Hòa Bình, nhờ ánh trăng mà có thể vẫy tay chào giữa đoàn người hành quân ra trận mạc… Tôi cũng còn kịp ở lại mấy ngày bên chị Hà lúc ấy đã bận bịu vì đứa con gái đầu lòng. Lờ mờ nhớ lại một căn nhà nhỏ bằng tre nứa, khi rửa chân phải xuống những bậc thang, khoắng chân vào lạch của khe nước trong vắt chảy xiết. Đó là một ngôi nhà hạnh phúc, mỗi khi anh cưỡi ngựa từ binh trạm gần nhất của đơn vị, trở về sau chiến dịch.
Những ngày vẻ vang,cũng như gian khổ cả về tinh thần,chị đã là chỗ dựa khiến anh không bao giờ gục ngã,dẫu là Đại tướng đi chăng nữa.Khi anh đang hấp hối, con trai tôi đã gọi điện bảo tôi đến bên chị, vì con cháu đã đưa chị rời khỏi Bệnh viện Quân đội 108.
Vào lúc hơn 6 giờ tối ngày 4 tháng 10, chỉ còn tôi và chị ở ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Thấy tôi, đột nhiên chị nắm chặt tay tôi, lau nước mắt. Rồi chị hát, hát những bài tiếng Pháp thật hay (dẫu giọng chị thuộc loại “ vịt đực”), có lẽ là những bài chị thường hát cho anh nghe trước đây… Đúng vào giờ ấy, anh tắt thở, trong bệnh viện. Tôi cũng đã khóc và hát cùng chị.
Chồng tôi cũng đã mãi mãi ra đi trước đó 59 ngày. Rồi họ sẽ gặp nhau, gặp Bác Hồ cùng đồng đội, không bao giờ cô đơn. Chị tôi giờ đây lại một lần đổi khác, lặng lẽ không nói, đôi khi, chị chỉ hát những bài hát xưa.
Ảnh : - Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà