Trang

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

152. VỀ VỚI DÒNG DÔNG YEU THƯƠNG, DÒNG DÔNG ĐAU THƯƠNG


              152.Về với Dòng sông yêu thương – dòng sông đau thương



                                                                    Bút ký của Xuân Bảo

(Viết nhân chuyến đi Quảng Trị ngày 12  đến 19/6/2015 ,thăm lại dòng Hiền Lương, nhân ngày ký kết Hiệp nghị Genève 20/7/1954 – nơi cách đây hơn 60 năm tác giả tập kết ra Bắc và dự  việc Họ , việc Chi ở làng Đại Hào,Triệu Phong) 
        
1.     DẠO MỘT VÒNG ĐỒNG BẰNG TRIỆU HẢI.

Chiếc Toyota bốn chỗ của Phan Quang Kỳ, bạn của cháu Tuân con anh Hậu đưa tôi và anh Hậu xuất phát từ Phường Sãi xuôi những chặng đường làng còn thi công dang dở. Con đường này là con đường quốc phòng sẽ chạy suốt từ cầu Thạch Hãn – nơi có tượng đài 19 giọt máu của trung đội anh hùng Mai Quốc Ca – chạy tới biên giới Việt Lào do Binh đoàn Thống Nhất thi công.
Qua cầu xe băng qua thị xã Quảng Trị nơi có 81 ngày đêm máu và hoa trong “ Mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Rẽ phải đi về quốc lộ 49 C qua các làng Thâm Triều, Phương Lang, Ngô Xá Đông, Ngô Xá Tây, rồi đến  Chợ Cạn. Đây là vùng đất sinh ra những người con làm rạng danh tổ tiên dòng họ. Đó là gia đình cố bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê. Đó là làng Thượng Trạch, quê nội của nhà văn Trần Công Tấn. Đó là quê hương của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba và nhà thơ Lương An…
Tôi muốn thăm lại những nơi mà trong kháng chiến chống Pháp tôi đã từng đặt chân tới. Đó là làng Ngô Xá – nơi  năm 1952 có sự kiện đập vỡ cây đàn ghi ta. Bộ đội địa phương  đại đội 2, tiểu đoàn 320 hành quân qua làng thì nghe có tiếng hát: Rằng kháng chiến còn trường kỳ và còn gian khổ. Chính trị viên đại đội ra lệnh cho một chiến sĩ tìm nơi phát ra tiếng đàn và người hát. Ông cho phép đập vỡ cây đàn và cấm không được hát bài hát này. Đây là bài hát có tựa đề Lời người ra đi của nhạc sĩ Trần Hoàn. Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích, con cụ Cố Cả làng Câu Nhi. Hồi đó bài hát này cũng đã được đưa ra phân tích tại Hội nghị Văn nghệ Bình Trị Thiên. Nhà thơ Chế Lan Viên đọc báo cáo tình hình văn nghệ Liên khu Bốn. Có ý kiến cho rằng lời bài hát ủy mị làm mất tinh thần chiến đấu của quân đội. Sau đó một thời gian dài bài hát không được lưu truyền trong nhân dân.
Tôi muốn thăm lại Chợ Cạn, nơi có bài thơ “Cây dương Mỹ Thủy” của nhà thơ Dương Tường khá nổi tiếng lúc bấy giờ. Trận Chợ  Cạn là trận đánh xáp lá cà của bộ đội ta do đại đội trưởng  Hoạt chỉ huy. Ông Hoạt ra lệnh: Cách địch 20 mét bốc cát quăng! Chả là đang trong mùa gió Lào (Dân Quảng Trị gọi gió Lào là gió Nam) cát bay mù mịt.Bộ đội ta chiến đấu nhiều giờ liền và hết đạn. Lợi dụng ở trên chiều gió, ông Hoạt ra lệnh bốc cát quăng (ném) để cát chui vào nòng súng đối phương không nhả đạn được.Trận này Bùi Hữu T, người làng Thượng Phước học cùng lớp với tôi, mới nhập ngũ chưa đầy sáu tháng và hy sinh trong trận đánh đầu tiên này. Ông Hoạt thì bị thương ở hạ bộ, may mà không bị đứt lìa cái của quý.
 Chưa tới chin giờ thì chúng tôi đến bờ nam cầu Hiền Lương. Nơi đây năm 1956 tôi đã được bác Hồ Sĩ Thản, bí thư Đặc khu ủy Vĩnh Linh cho ra thăm cầu. Sự kiện này tôi đã nhắc tới trong cái Bút ký Đường Vào và đã xuất bản thành sách.Chúng tôi đang đứng trên chiếc cầu lịch sử, cầu Hiền Lương! Lòng bỗng thấy rưng rưng.

                                                           ***



Nhà thơ Xuân Bảo và ông Nguyễn Ngọc Hoát, Trưởng chi I họ Nguyễn 8 phái làng Đại Hào trong ngày việc Họ (3/6 Ất Mùi)


Theo Ô Châu cận lục của Sùng Nham Hầu Dương Văn An thì  châu Minh Linh phía tây có núi Cổ Trai, phía đông có ngọn Thần Phù tức đảo Cồn Cỏ. Giờ đây Cồn Cỏ đã thành một huyện của Quảng Trị. Có cửa biển Tòng Luật, ngày nay thường gọi là Cửa Tùng. Cửa Tùng đón nhận nguồn nước từ hai con sông: Sông Hiền Lương chảy từ thượng nguồn về khoảng 60 cây số thì hợp lưu với sông Sa Lung từ hướng tây bắc đổ vào thành ngả ba sông. Đứng trên cầu Hiền Lương nhìn  theo hướng tây thấy rất rõ cái bán đảo này. Cả hai con sông này đều chảy qua làng Minh Lương nằm ở bờ bắc và làng Xuân Hòa ở bờ nam. Sông Hiền Lương thực ra có tên là Minh Lương. Thời vua Minh Mạng, do kiêng húy chữ Minh nên cả tên làng, tên sông đều đổi thành Hiền Lương. Sông dài hơn 70 cây số, chỗ rộng nhất 200 mét, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy dọc vĩ tuyến 17 từ tây sang đông, ranh giới giữa 2 huyện Vĩnh Linh và Do Linh rồi đổ ra biển Đông tại cửa Tùng Luật. Con sông này còn có tên là Bến Hải. Thực ra chữ Bến Hải là do người Pháp đọc chệch ra tử địa danh Bến Hai, bến thứ hai từ thượng nguồn sông.Ngoài ra, sông còn có nhiều tên gọi khác. Đoạn thượng nguồn có tên là Rào Thanh, đoạn cuối có tên là sông Cửa Tùng hay Tùng Luật. Hồi chúng tôi tập kết ra Bắc qua đoạn sông rất hẹp mà ở đó có một cây rừng đổ ngang từ bờ nam sang bắc, bộ đội leo lên thân cây sang sông thì gọi là sông Hói Cụ. Sông còn có tên gọi là sông Hồi. Trong kháng chiến chống Mỹ nhà văn Nguyễn Tuân sáng tạo ra cái tên mới là sông Tuyến khi  đất nước bị chia cắt bởi Hiệp định Genève năm 1954.


Cột cờ giới tuyến bờ Bắc Hiền Lương   (Ảnh tác giả Xuân Bảo và Nguyễn Hậu)


2. DÒNG SÔNG ĐAU THƯƠNG VÀ HÙNG VĨ MÁU XƯƠNG.


Những năm mới ra Hà Nội tôi thường được nghe và được hát bài hát Câu hò bên bến Hiền Lương. Lời bài hát như cào xé tâm can của những người con miền Nam đang sống trên đất Bắc. Một thời khi mà chúng tôi nghĩ là chỉ xa quê hương trong vòng hai năm để rồi sẽ có ngày tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, sẽ có ngày đoàn tụ gia đình. Bài hát của một thời chia cắt đứt ruột đứt gan. Thời của Bắc di cư – Nam tập kết -  Mẹ xa con – Anh lạc em – Vợ lìa chồng. Thời của hận thù – nồi da xáo thịt. Tôi lại hồi tưởng hơn mấy trăm năm trước cũng tại dải đất hẹp Quảng Bình nơi có con sông Gianh đã là nơi chia cách trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh.Như vậy khúc ruột miền trung náy đã hai lần bị xẻ làm đôi. Trước là hận Sông Gianh nay là hận sông Hiền Lương! Đêm đến lòng bồi hồi da diết nhớ quê tôi đã làm bài thơ có nhan đề 


Nhớ nhà:

Quạnh quẽ đêm nay ta với bóng
Bồi hồi nhớ mẹ nơi quê nhà
Đầu non sương lạnh trăng mờ khuất
Eo óc thôn xa mấy tiếng gà.


Tượng đài Thống nhất ở bơ Nam sông Hiền Lương


Hiệp định Genève quy định giới tuyến quân sự tạm thời là vĩ tuyến 17 chạy từ biển lên nguồn. Đoạn này là khúc  eo trên bản đồ Tổ quốc ta, chỉ rộng có 70 cây số. Nói như nhà thơ Nguyễn Duy “đất nước ta hình củ khoai củ sắn” thì đây là mảnh đất hẹp có số đo nhỏ nhất trên cơ thể Việt Nam mà dòng sông Bến Hải giông giống sợi dải rút thắt ngang như người buộc bụng thắt lưng (ôi thân hình Tổ quốc tôi/ như người buộc bụng như người thắt lưng – (Thơ Nguyễn Duy ghi chép ở Trường Sơn)
Hiệp định đình chiến quy định thành lập vùng phi quân sự (DMZ – Demilitaire Zone) thiết lập dọc hai bên bờ sông, mỗi bên nơi rộng nhất không quá 5 km. DMZ là khu đệm để tránh xung đột có thể làm cho chiến sự xẩy ra. Tuy nhiên trên thực địa  DMZ có độ rộng hẹp khác nhau như tại cầu Trìa chỉ cách cầu Hiền Lương 2,5 km nhưng cột mốc ở phía nam Cao Xá thì cách cầu 4,5 km, còn ở cột mốc làng Tân Trại thì cách sông đến hơn 6 km. Đường giới hạn vùng phi quân sự có cắm hệ thống cột mốc bằng gỗ sơn trắng. Trên tấm biển này ghi hai dòng chữ tiếng Việt và tiếng Pháp:

                  Giới tuyến quân sự tạm thời
                  Ligne de décramation militaire proviso ire

Tại khu vực DMZ, hai bên không được bố trí quân đội, chỉ có những nhân viên của  Tổ 76, Ủy ban Quốc tế (gồm 3 nước Ấn Độ, Ba Lan và Canada) giám sát thực hiện hiệp nghị mới được trang bị nhà binh và ở đây cũng quy định rất nghiêm ngặt những ai có thể đi lại trong vùng này. Đó là các Đội Thị sát của Ủy ban Quốc tế, Ủy ban Liên hợp Đình chiến Trung ương, Ủy ban Liên hợp DMZ, các Tổ Liên hợp, các nhân viên dân chính cứu tế và những người được phép của Ban Liên hợp Đình chiến Bình Trị Thiên.
Tôi còn nhớ, tối 19 tháng 8 năm 1954 sau khi tổ chức mittinh và liên hoan văn nghệ với đổng bào các xã Triệu Sơn, Triệu An và có cả nhân dân trong thị xã Quảng Trị ra dự. Trước đó mấy ngày tôi được đại đội trưởng Lê Trường Lữ gọi lên truyền đạt ý kiến của Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Trị phân công tôi vào Ban Văn nghệ và dàn dựng bản đồng ca bài hát Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam. Ngay khuya hôm đó bộ đội chúng tôi phải hành quân cấp tốc ra khỏi giới tuyến vì ngày 20 tháng 8 đã khóa tuyến.
Mỹ hất cẳng thực dân Pháp và tiến hành một cuộc chiến tranh đẫm máu tại Nam Việt Nam kéo dài 21 năm. Quốc trưởng Bảo Đại trước sau chỉ là một ông vua bù nhìn. Ngô Đình Diệm từ Mỹ về và tuyên bố biên giới Hoa Kỳ kéo dài đên tận vĩ tuyến 17 Việt Nam. Sau đó là Luật 10.59 của Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam với chiến dịch tố cộng vô cùng dã man, trả thù những người tham gia chống Pháp, những người kháng chiến cũ.
Sông Hiền Lương là nỗi đau chia cắt của dân tộc!

3.     LỊCH SỬ CHIẾC CẦU CŨ, CHỨNG TÍCH MÔT THỜI.

Tôi nói với Phan Quang Kỳ cho xe chạy thẳng sang bờ Bắc và dừng lại bên công viên Cột cờ giới tuyến. Từ bên này nhìn về nam, hai chiếc cầu, một cũ, một mới nằm tại vị trí bờ bắc, cách nhau 20 mét, tạo thành hình chữ V.
Cầu cũ vẫn là chiếc cầu cách đây gần trăm năm khi nó mới ra đời và giữ lại những nét cổ xưa như vốn có. Còn cầu mới thì mới khánh thành thông xe vào lúc 9 giờ sáng ngày 15 tháng 4 năm 1999 ở thiên niên kỷ trước, sau 46 tháng thi công với tổng kinh phí là 42 tỷ đồng tiền Việt Nam.
 Cầu mới  có chiều dài 230 mét, rộng 11 mét 5, do Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông IV (Cienco IV) thi công theo công nghệ Nga vừa đúc vừa đẩy dầm bê-tông cốt thép dự ứng lực liền nhịp.
Cầu Hiền Lương trước đây bắc qua sông Tuyến tại Km 735 trên con đường thiên lý Bắc Nam, mà ngày nay gọi là Quốc lộ 1A, nối liền thôn Hiền Lương ở bờ bắc, thôn Xuân Hòa ở bờ nam, cách cửa Tùng Luật 10 km về phía tây. Đầu năm 1928 quan phủ Vĩnh Linh huy động sức dân làm một chiếc cầu bằng gỗ, cọc sắt, rộng 2 mét chỉ để cho khách bộ hành. Năm 1932, thực dân Pháp có sửa chữa nhưng xe cộ qua sông đều phải đi phà. Năm 1943, cầu được nâng cấp, các loai xe cơ giới tải trọng nhẹ có thể lưu thông.Năm 1950, trong thời Kháng chiến Bình Trị Thiên mịt mù khói lửa, thực dân Pháp xây lại cấu. Cầu dài 163 mét, rộng 3 mét 60, trọng tải 10 tấn.Cầu chỉ tồn tại được 2 năm thì bị du kích Việt Minh đặt bộc phá giật sập. Tháng 5 năm 1952, Pháp xây lại cầu có chiều dài 178 mét, rộng 4mét, có 7 nhịp bằng bê-tông cốt thép, dầm cấu bằng thép, mặt cầu lát bằng gỗ thông, hai bên có lan can cao 1,20 mét, trọng tải tối đa là 18 tấn.
 Cho tới ngày Hiệp nghị Genève được ký kết, cấu Hiền Lương cũng nổi rõ lên sự chia cắt – một sự chia cắt đến đau lòng. Khi về thăm sông Tuyến nhà văn Nguyễn Tuân đã ghi chép tỷ mỷ những số liệu về chiếc cầu này: Cầu được cắt ra hai phần, mỗi bên dài 89 mét.Cầu có tất cả 894 tấm ván lót mặt.Bên bắc đếm được 450 tấm, bên nam có 444 tấm. Chỉ khác là giữa tâm cầu ở miếng ván mét thứ 89 có một vạch sơn màu trắng kẻ ngang rộng 1 cm làm ranh giới chia đôi.Bên nam thì màu xanh. Để nói lên nguyện vọng đất nước Việt Nam là một nên phần cầu bên bắc ta cũng sơn màu xanh như bên kia. Mỹ - ngụy lại chuyển sang sơn màu nâu. Ta cũng sơn màu nâu. Rốt cuộc chúng phải chịu thua, để lại một màu xanh thống nhất. Cầu này chỉ tồn tại được 15 năm (1952 – 1967) thì bị chính bom Mỹ đánh sập khi chúng tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Sau Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam mãi tới năm 2000,để bảo tồn di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương ta xây lại chiếc cầu này đúng nguyên bản cầu cũ
Biết bao nhiêu chuyện đau lòng đã xẩy ra nơi tuyến đâu này.

Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ

  Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

149C. VỀ MIỀN SÔNG NƯỚC CỬU LONG


149C. VỀ MIỀN SÔNG NƯỚC CỬU LONG.

           4. NGÔI CHÙA CÓ LÁ SEN TO BẰNG CÁI NỐ

Cụ già Nha Mân có tài kể chuyện hấp dẫn lôi cuốn người nghe. Chúng tôi còn muốn nghe nhiều chuyện nữa nhưng vì thời gian eo hẹp nên xin kiếu cụ để lên đường. Cụ nói: cứ theo con dường này, các vị đi chùng chục cây số nữa sẽ tới chùa. Kỹ sư Toán cho xe dừng lại bên này cầu vì cầu hẹp ôtô không qua được.Những người chạy xe ôm niềm nở hướng dẫn chúng tôi qua cầu. Hai mẹ con Thúy Ngọc được chở trên một xe, còn tôi và Toàn thì họ giao xe tự chở lấy khi nào kết thúc tham quan sẽ trả lại xe và tính tiền. Qua cầu đi khoảng một cây số thì đến chùa.

Chùa có tên là Phước Kiển tự. Song dân gian thì thường gọi là


Vợ chồng Xuân Bảo trước ao sen có lá to


chùa Lá Sen. Chùa nhiều lần bị giặc đốt phá. Mãi tới năm 1970, hòa thượng Thích Huệ Từ hồi cư và phát công dựng lại chùa. Chùa dựng với cột tre gai, mái lá. 
Phước Kiển là ngôi chùa nhỏ thuộc xã Hòa Tân, huyện Châu Thành (Đồng Tháp),. Ở đó có một loài sen rất lạ, người đứng lên lá không chìm.
Một cái ao nhỏ trước cửa chùa và một ao khá rộng bên hông sau, loài sen lạ có những chiếc lá khổng lồ, to bằng cái nống, vành cong lên cả tấc tây trông rất đẹp mắt. Nếu không tận mắt nhìn thấy, chắc sẽ có người hồ nghi rằng, bên dưới lá sen khổng lồ kia, chắc có khung thép đỡ nên người nặng trên 50 cân mới đứng lên trên được.

Sư cụ Thích Huệ Từ, trụ trì chùa Phước Kiển đã ngoài 70 tuổi, còn rất khỏe mạnh. Ông kể cho chúng tôi nghe khá nhiều chuyện về loài sen vua, chim hạc quý và rùa thiêng từng ở chùa. Loài sen này xuất hiện ở đây từ năm 1992, không biết nguồn gốc  từ      đâu.Ao nước  ngày xưa là hố bom Mỹ.

Năm 1998, ao khô cạn nước làm chết sạch các loài sen, súng. Nhưng không ngờ, năm sau khi nước lên sen lại mọc và nở hoa. Hoa sen lạ này màu trắng, sau 12 giờ trưa hoa đổi sang màu hồng và chỉ nở trong 2-3 ngày thì tàn. Một dạo, các nhà khoa học từ Cần Thơ lên nghiên cứu định lấy giống sen này đi trồng ở nơi khác, nhưng không thành     công.
Có tài liệu nói thì đây là loài sen Victoria Regia mọc rất nhiều ở khu vực sông Amazon, Nam Mỹ. Có người đã nhìn thấy sen này tại công viên Thực vật Tây An- Trung Quốc, nó vốn được mang từ Paraguay sang dự triển lãm. Hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc cùng hai cậu con nhỏ ngồi trên lá sen từng gây xôn xao dư luận về một loài sen kỳ lạ.

Mặt trên của lá màu diệp lục, xếp chồng nhau theo hình vảy rồng, mặt dưới màu nâu đỏ, rất nhiều gân to và gai nhọn. Lớp gân và các “khung xương” nằm dưới to và dày bằng hai lóng tay tạo nên kết cấu khá vững chắc.
Thân và mặt dưới lá có rất nhiều lông và gai nhọn. Hạt sen nhỏ như hạt đậu ván, mềm, ăn khá ngon nên thổ dân da đỏ vùng sông Amazon gọi là “ngô trong nước”.

Sư Huệ Từ cho biết có chiếc lá đường kính trên 3 mét, vào mùa nước nổi sen no nước, mỗi ngày lớn trông thấy. Một du khách đến từ Rạch Giá –Kiên Giang hăm hở nhảy xuống lá sen, chấp tay niệm phật để làm mẫu chụp ảnh. “Ai nặng cỡ 60 kg trở xuống đứng lên chỉ làm lá lay động nhẹ thôi” 
 Sư Huệ Từ giải thích: Loài sen quý của Nam Mỹ đã mọc và sinh sôi nảy nở tại vùng đất Châu Thành - Đồng Tháp, dường như chưa gây sự chú ý của giới khoa học. Nên chăng nó cần được quan tâm nghiên cứu và nhân giống để loài sen lạ có thể đến được với nhiều địa phương trong cả nước.

Trong chùa Phước Kiển hiện còn thờ một con quy (rùa). Theo lời sư trụ trì thì đó là con quy rất chung thủy và có lòng hướng Phật. Con quy đã chết vài năm trước, nhưng được sư trụ trì giữ xác khô và để trong tủ kính cho khách du lịch dễ dàng chiêm ngưỡng. Theo lời sư trụ trì, vào năm 1948, một người bạn đã mang con quy đến chùa tặng sư. Lúc đó, sư còn là một chú tiểu. Lúc chưa vào chùa thì thức ăn của con quy là ốc, cá… Nhưng từ khi vào sống cùng sư thì con quy ăn chay, và chỉ ăn toàn trái cây như mít, táo, chuối, xoài…Lúc nào, quy cũng quanh quẩn bên sư. Hễ sư tụng kinh thì con quy cũng nằm một bên lim dim như đang tụng. Sư thấy thế nên đã khắc lên mai nó mấy chữ “Phúc Kiển tự Hòa Tân, vào chùa năm 1948”. Đến nay, những chữ ấy vẫn còn nguyên trên lưng cụ quy già.
Đến năm 1966, khi chùa Phước Kiển bị ném bom, con quy bị lạc. Một người dân ở cách chùa khoảng hơn 20 km bắt lại được và nuôi tại nhà, rồi khoan lỗ trên mai con quy và cho khóa bằng dây xích sắt. Nhưng sau đó, con quy thoát được và tìm về chùa vào một buổi sáng. Từ đó, con quy lúc nào cũng quẩn quanh bên sư trụ trì, không đi đâu xa.
Đến khoảng hai năm trước đây, trong chùa Phước Kiển lại xuất hiện con hạc. Theo lời trụ trì Thích Huệ Từ, chim hạc có sải cánh hơn 2 mét, lúc nào cũng quanh quẩn trong khuôn viên chùa và rất thích chơi cùng cụ quy.
Chim hạc hay đậu trên lưng cụ quy để đùa. Nhưng sau đó, chính quyền địa phương đưa ý kiến bắt chim hạc về khu bảo tồn vì đó là động vật hoang dã. Từ đó về sau, người ta không thấy chim hạc xuất hiện nữa. Sau khi chim hạc bay đi, cụ quy già cũng qua đời.

.

Chúng tôi vào nội điện chùa thắp nhang và cúng dường. Nhà chùa biếu chúng tôi cái đĩa DVD nói về sự tích chùa. Sau khi chụp ảnh hồ sen, có mấy cái là sen to khác thường đề làm kỷ niệm chuyến đi, chúng tôi quay về bên này cầu trả xe và thanh toán tiền gửi xe rồi cho xe chạy thẳng ra cầu Cần Thơ.
Lúc này trời đã về chiều. Đôi bờ sông Hậu nước vẫn cuồn cuộn thao thiết chảy.

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

149.B. VỀ MIỀN SÔNG NƯỚC CỬU LONG

 149B.VỀ MIỀN SÔNG NƯỚC CỬU LONG

3. GÁI ĐẸP LÀNG NHA MÂN.


Người đẹp Nha Mân (ảnh rút từ Internet chỉ có tính chất minh họa) Tôi mải suy nghĩ về thân phận của Nam Phương hoàng hậu, xe lên cầu Mỹ Thuận từ lúc nào. Kỹ sư Toàn nói: Bây giờ chúng ta đi thăm chùa Phước Kiển, còn gọi là chùa Lá Sen. Trước khi vào chùa sẽ ghé qua làng Nha Mân – nơi được coi là có nhiều phụ nữ đẹp nhất miền. Theo quốc lộ 80 chạy chừng bẩy cây số, tới thị trấn Cái Tàu hạ. Chúng tôi ghé lại quán nước bên đường gặp một cụ già tuổi chừng bát tuần. Ông cụ có bộ râu dài trắng như cước và cái búi tó nằm gọn sau gáy, nét mặt hồng hào quắc thước. Tôi gợi chuyện: nghe thiên hạ đồn Nha Mân có nhiều người đàn bà đẹp có đúng như vậy không thưa cụ.
Cụ già vui vẻ kể chuyện, không dấu nổi vẻ tự hào. Cụ kể rằng cách đây chừng hơn 250 năm chúa Nguyễn Ánh trên đường cầu viện quân Xiêm La sang giúp để chống lại nhà Tây Sơn. Một trận Rạch Gầm – Xoài Mút lừng lẫy: Hai vạn quân Xiêm bỏ xác. Nguyễn Ánh ngược sông Tiền chạy thoát thân. Chúa phải bỏ lại nhiều đoàn tùy tùng, trong đó có những cung tần mỹ nữ, phần lớn là gái của miền trung, của Thừa Thiên Quảng Trị nhan sắc lẫy lừng.


Theo sử sách xưa, trên đường bôn tẩu vào nam, Nguyễn Phúc Ánh đem theo nhiều đoàn tùy tùng, trong đó có các cung tần mỹ nữ.Để nhẹ gánh chinh phu, ông cho các cung tần ở lại. Phần lớn họ được gửi gắm cho đồng bào miền Sa Đéc. Đó là vùng Nha Mân, một ngôi làng nhỏ nằm nép bên bờ sông Tiền thơ mộng ở xã Tân Nhuận Đông.


Vua Gia Long (Tạp chí Pháp) Nhưng rồi, Nguyễn Phúc Ánh không thể thực hiện lời hứa với các cung tần vì đại sự nghiệp khôi phục ngai vàng đã trải qua 9 đời chúa Nguyễn trấn giữ Đàng Trong. Những người đẹp này đã ở lại với những con kênh, con rạch quen thuộc xứ này. Những chùa Ông Thiên, rạch Bà Chiêm, rạch Cầu Xoay, rạch Ông Đại…Từ thế hệ này sang thế hệ khác, thừa hường sắc đẹp Trời ban, và được sống trên một vùng đất nằm giữa hai con sông, sông Tiền và sông Hậu khí hậu ôn hòa, mát mẻ và cảnh quan thanh bình, sông nước êm dềm một phần tạo nên vẻ đẹp hiếm có cho những người con gái Nha Mân. Trải bao thăng trầm của thời cuộc, bao biến thiên của cả một vùng sông nước nhưng nhan sắc và vẻ đẹp mặn mà của người con gái Nha Mân thì mãi mãi không bao giờ phai nhạt. Những cung tần mỹ nữ ngày ấy giờ đây đã trở thành cổ tích, trở thành huyền thoại. Sắc đẹp gái Nha Mân đã đi vào ca dao, truyền từ đời này sang đời khác:
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
                          Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.
Có một chuyện tình bi thảm tuyệt vọng đã xẩy ra nơi đây, có cả nước mắt và cả máu. Đó là mối tình của một thày giáo làng với người con gái Nha Mân xẩy ra vào những năm đầu của thế kỳ 20.Chuyện là như vầy: Ông bà Phủ Cưu có người con gái thứ năm tên là Ninh, thường gọi theo thứ là Năm Ninh. Chị Năm Ninh nhan sắc tuyệt trần, mắt phượng mày ngài, nước da trắng hồng, dáng đi uyển chuyển, giọng nói ngọt ngào đã làm xao xuyến trái tim bao chàng trai xa gần.Nhưng đến tuổi cập kê, chị đã đặt trái tim mình vào một người thày giáo làng. Hai người yêu nhau tha thiết và được hai gia đình cho làm đám cưới. Lễ vu quy đang diễn ra thì có tên trung úy trưởng đồn giặc cho lính xông vào bắt Năm Ninh về đồn tận Sa Đéc.Thày giáo phẫn uất ra cầu Nha Mân nhảy sông tự tử. Năm Ninh làm vợ bất đắc dĩ chừng dăm tháng thì trong một bữa tiệc của tên trưởng đồn, Năm Ninh lại lọt vào mắt xanh của một sĩ quan cao cấp người Pháp. Tên cáo già thực dân này quyết chiếm bằng được người đẹp. Thúc thủ trước sự tàn bạo của tên Pháp, trong một đêm mưa gió, tự tay trung úy giết chết Năm Ninh và dẫn theo thuộc hạ thân tín tới tư dinh tên quan Pháp. Ngày hôm sau dân làng Nha Mân và những làng bên cạnh bàng hoàng chứng kiến cảnh ba mươi thi thể nằm chết trong sân. Tên sĩ quan Pháp bị đập nát sọ, còn trung úy trưởng đồn thì đôi mắt vẫn mở trừng trừng, trong tay còn nắm chắc khẩu súng lục.Đây là một chuyện tình có thể gợi ý cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tác với nhiều thể loại khác nhau.
Phần lớn người con gái Nha Mân vẫn an phận với cuộc sống đạm bạc nơi quê nhà. Họ vẫn giữ được nhan sắc Trời cho nhưng vẫn cần cù theo nghiệp nông tang của cha ông từ bao đời. Cuộc sống cứ thế trôi đi nhưng cái đẹp của gái Nha Mân thì không bao giờ tàn  phai.


Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

149. VỀ MIỀN SÔNG NƯỚC CỬU LONG (Ký sự)

149.VỀ MIỀN SÔNG NƯỚC CỬU LONG
                                                                                                Ký sự
1.CON ĐƯỜNG THIÊN LÝ.


Đường cao tốc Sài Gòn -Trung Lương
Con đường thiên lý là mục tiêu của chuyến đi này để tác giả thực mục sở thị cái câu nói của cha ông ta từ xưa: Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Cho nên từng chặng trong Ký sự này sẽ được viết ra với cảm xúc trước thiên nhiên hùng vĩ, trước những địa danh mang đậm dấu ấn một thời, những số phận của từng nhân vật nổi tiếng, cà những trang bi thương và oanh liệt của những con dân nước Việt trên mảnh đất mới được khai phá trên ba trăm năm: vùng Thủy Chân Lạp – nơi dòng sông Mê-kông hùng vĩ đổ về Biển Đông – để hình thành chin nhánh Cửu Long trù phú.
 Cách đây đúng hai mươi năm (1995) tôi đã có chuyến đi về Cà Mau, ra tận chót mũi để viết cái ký sự Đường về Đất Mũi. Nay tôi cùng nhà tôi và con gái Nguyễn Thúy Ngọc  làm chuyến hành hương về miền sông nước Cửu Long.
10 giờ sáng ngày 12 tháng  6 năm 2015 chiếc xe bảy chỗ Ford Everet của kỹ sư P.Toản đón vợ chồng chúng tôi xuất phát từ Biên Hòa, ghé qua Sài Gòn đón Thúy Ngọc.11 giờ lên đường trực chỉ miền Tây. Trên con đường này hơn hai chục năm trước – khi tôi cộng tác với tạp chí Người Đại biểu Nhân dân, sau này thành tờ báo của Văn phòng Quốc hội – tôi đã về hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để viết bài. Lần đi này tôi nhận thấy con đường xưa thật sự có nhiều thay đổi. Quốc lộ 1A được mở rộng. Đoạn từ cuối huyện Bình Chánh đến Trung Lương đã trở thành đường cao tốc cho phép xe chạy tối đa 120 km/giờ.
Quá ngọ,chúng tôi ghé quán cơm Hiếu Giang, nằm ở đoạn đường dẫn cao tốc ngã ba Trung Lương và được thưởng thức món cá hú kho tộ, một món ăn truyền thống của đồng bào miền Tây. Tôi nhớ trước đây khi tôi với nhà báo Trần Mộng Cẩn đi miền Tây, anh Cẩn rất ưa thích món cá kho tộ này. Anh Cẩn quê ở Thái Bình di cư vào nam năm 1954 và làm việc ở Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hòa. Sau giải phóng anh cộng tác với nhiều tờ báo, trong đó có tờ Công an Nhân dân và Người Đại biểu Nhân dân.Tôi có một kỷ niệm xót xa với anh Cẩn. Đúng như lời cha ông ta nói “ cái khó bó cái khôn”. Có lần tôi và anh ra Hà Nội họp báo, Anh Nguyễn Ngọc Thọ, tổng biên tập Người Đại biểu Nhân dân có nhã ý tạo điều kiện (bố trí xe ôtô) cho anh về thăm Thái Bình, nhưng anh từ chối. Anh tâm sự với tôi: Xa quê lâu ngày trở lại, trong tay không có tiền để mua quà biếu bà con nên rất ngại ngùng. Hồi đó đất nước đang trong thời kỳ khó khăn. Lương nhà báo không là bao nên không có điều kiện. Giờ đây, ngồi nghĩ lại mà thấy thương anh Cẩn vô cùng. Anh ra đi khi tuổi đời bước sang thất thập mà trong lòng đau đáu nỗi quê hương!
Xe qua Ấp Bắc, nơi có chiến thắng tuyệt vời của quân dân Mỹ Tho những năm đánh Mỹ. Sau giải phóng cơ quan báo của Tỉnh Đảng bộ Tiền Giang đã lấy tên Ấp Bắc cho tờ báo tỉnh nhà. Đây rồi Cai Lậy và Cái Bè. Có lần nhà thơ Xuân Diệu thắc mắc không hiểu sao đất Nam Kỳ lục tỉnh có nhiều cái tên mang chữ Cái đầu. Ông nói rằng Cái Bè, Cái Sắn, Cái Khế… thì có thể hiểu được, còn Cái Răng, Cái Vồn (lại có đến hai Cái Vồn: Cái Vồn Lớn Cái Vồn Nhỏ) thì nên hiểu như thế nào đây?
Vẫn là Quốc lộ 1A nhưng nay thì hoàn toàn thay đổi. Những chiếc cầu xi măng thực dân Pháp xây dựng vào thập kỷ 30 thế kỷ trước đã được xây mới bằng bê tông dự ứng lực, to và rộng hơn. Có chiếc cầu cũ giữ lại làm chứng tích một thời nô lệ. Cạnh thân cầu có con số 1935. 1935 là năm tôi được sinh ra tại cố đô Huế, năm mà Nam Phương hoàng hậu sinh quý tử Bảo Long, được lập làm Đông cung thái tử khi mới lọt lòng mẹ. Bất giác tôi nhớ về Nam Phương hoàng hậu – người con gái miệt Gò Công – nổi tiếng nhan sắc một thời. Gò Công và Mỹ Tho là hai tỉnh trong thời Pháp đô hộ, sau này sáp nhập thành tỉnh Tiền Giang đến bây giờ.

2. HỒNG NHAN BẠC MỆNH.

  
Nam Phương hoàng hậu trong triều phục Nam Phương hoàng hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, bố là Nguyễn Hữu Hào, mẹ là Lê Thị Bình – con của cụ Lê Phát Đạt, tín đồ Kitô giáo (tục gọi là Huyện Sỹ) – một trong 4 người giàu có nhất Nam Kỳ thời đó. Huyện Sỹ học ở Pháp về, mở đồn điền trà và cà phê ở cao nguyên Trung phần, là người đã bỏ tiền xây dựng ngôi nhà thờ công giáo ở đường Bùi Chu cũ, nay là đường Tôn Thất Tùng, tên thường gọi là nhà thờ Huyện Sỹ. Cụ còn xây dựng nhà thờ Hạnh Thông Tây và nhà thờ Chí Hòa. Nguyễn Hữu Hào chỉ có 2 người con gái. Chị cả Agnès Nguyễn Hữu Hào, lấy chồng người Pháp là bá tước Didelot. Nguyễn Hữu Thị Lan , tên thánh là Marie Thérèse. Năm 12 tuổi được gia đình cho sang Pháp học ở trường Couvent des Oiseaux. Năm 1932, Nguyễn Hữu Thị Lan 18 tuổi, đậu tú tài toàn phần. Marie về nước trên con tàu D’ Artagnan của hãng Messagerie Maritime. Vua Bảo Đại hồi loan cũng đi chuyến tàu này, tuy nhiên hai người chưa hề biết nhau.

Cuộc tình giữa vua Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan là do sự dàn xếp của Pasquier, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương nhằm mục đích chính trị để lôi kéo vị vua trẻ này đi theo Pháp. Trong một buổi dạ tiệc ở khách sạn La Palace tại Đà Lạt, hai người đã gặp nhau. Bảo Đai say mê Marie ngay tử buổi gặp đầu tiên này. Trong hồi ký Con rồng Việt Nam, Bảo Đại có nhắc: “Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng. Các vị Tiên đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như đức Tiên đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế tổ Cao hoàng đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam”…

Nhưng khi hỏi cưới thì gia đình Nguyễn Hữu Thị Lan đưa ra 4 điều kiện: 1/Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng hậu chính cung ngay trong ngày cưới. (Đây là một biệt lệ đối với nhà Nguyễn. Có 3 điều bất khà là Không có danh hiệu Hoàng hậu, không có tể tướng và không có trạng nguyên. NV). 2/Được giữ nguyên đạo Công giáo và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo Giáo luật Công giáo và giữ đạo. 3/Riêng Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo. 4/Phải được Tòa Thánh cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau.

Trong triều đình có nhiều người phản đối cuộc hôn phối này. Trước Hoàng tộc, Bảo Đại đã tuyên bố: “Trẫm cưới vợ cho trẫm đâu phải cưới vợ cho cụ Tôn Thất Hân và triều đình”.

Năm 1934, Nguyễn Hữu Thị Lan tròn 20 tuổi. Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy 21 tuổi. Hôn lễ được tổ chức ngày 20 tháng 3 năm 1934 tại Huế. Đoàn đưa dâu đi bằng ô tô từ Sài Gòn đến đỉnh đèo Hải Vân. Đến đỉnh đèo hai họ hoan hỷ gặp nhau. Pháo và sâm-banh thi nhau nổ.. Hai bên đàng trai và đàng gái chạm cốc chúc mừng tân lang và tân giai nhân. Ngay hôm sau, lễ tấn phong Hoàng hậu được long trọng tổ chức tại điện Dưỡng Tâm. Hoàng đế phong hoàng hậu tước vị Nam Phương hoàng hậu. Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud). Như vậy nhà Nguyễn duy nhất có 2 vị hoàng hậu được tấn phong khi tại vị. Đó là Thừa Thiên Cao hoàng hậu, chính thất của Nguyễn Thế Tổ Gia Long, người lên ngôi hoàng đế đầu triều 1802 và Nam Phương hoàng hậu, người vợ chính của Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, tức Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn, kết thúc 387 năm trị vì của 9 chúa và 13 vua của một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam, (1558 – 1945).

Nam Phương hoàng hậu đã sinh cho nhà Nguyễn 5 người con, 2 trai và 3 gái. Đó là Nguyễn Phúc Bảo Long, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936, Phương Mai công chúa, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1937, Phương Liên công chúa, sinh ngày 3 tháng 11 năm 1938, Phương Dung công chúa, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1942 và Nguyễn Phúc Bảo Thắng, sinh ngày 9 tháng 12 năm 1943.


Hoàng đế Bảo Đại Bảo Đại là một ông vua có đến 6 người vợ và người tình, có 2 người ngoại quốc là bà Monique Baudot (Pháp) và Hoàng Tiểu Lan (Tàu).
Hoàng hậu Nam Phương là một con người thiết tha với đất nước. Theo sử gia Pháp Jean Renaud:
 “Sau khi quân Pháp dựa vào thế lực của quân Anh quốc để gây hấn ở miền Nam với ý đồ tái chiếm thuộc địa Việt Nam. Lúc đó vua Bảo Đại đã thoái vị, bà Nam Phương đang ở tại An Định cung bên bờ sông An Cựu. Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu hoàng hậu Nam Phương đã gửi một Thông điệp cho bạn bè ở Á Châu, yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp với lời lẽ như sau;
                “Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước chúng tôi.
                Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi”.
Những năm cuối đời Nam Phương hoàng hậu sống trong lẻ loi. Bà sống lặng lẽ cùng các con tại Perche - một ngôi làng cổ của nước Pháp ở Chabrignac, tỉnh Corrèze. Bao nhiêu năm ở đây cựu hoàng Bảo Đại chỉ đến thăm hoàng hậu mấy lần. Trái tim người đẹp Gò Công ngừng đập khi ở độ tuổi 49, vào ngày 14 tháng 9 năm 1963. Không có một người ruột thịt nào của bà trong giờ  phút lâm chung của cựu hoàng hậu, ngoại trừ 2 người giúp việc. Đám tang của bà tổ chức một cách sơ sài, thưa thớt vắng vẻ, không tiếng khóc than, không lời ai điếu. Chỉ có 5 người con của bà đi cạnh linh cữu. Nấm mộ đơn sơ của bà đặt trong nghĩa trang của nhà thờ công giáo tại Chabrignac, kém cả những ngôi mộ khác ở ngay bên cạnh.
 Than ôi! Thân phận một hoàng hậu nước Nam!

                                              Còn tiếp. 3. GÁI ĐẸP NHA MÂN