Trang

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

149.B. VỀ MIỀN SÔNG NƯỚC CỬU LONG

 149B.VỀ MIỀN SÔNG NƯỚC CỬU LONG

3. GÁI ĐẸP LÀNG NHA MÂN.


Người đẹp Nha Mân (ảnh rút từ Internet chỉ có tính chất minh họa) Tôi mải suy nghĩ về thân phận của Nam Phương hoàng hậu, xe lên cầu Mỹ Thuận từ lúc nào. Kỹ sư Toàn nói: Bây giờ chúng ta đi thăm chùa Phước Kiển, còn gọi là chùa Lá Sen. Trước khi vào chùa sẽ ghé qua làng Nha Mân – nơi được coi là có nhiều phụ nữ đẹp nhất miền. Theo quốc lộ 80 chạy chừng bẩy cây số, tới thị trấn Cái Tàu hạ. Chúng tôi ghé lại quán nước bên đường gặp một cụ già tuổi chừng bát tuần. Ông cụ có bộ râu dài trắng như cước và cái búi tó nằm gọn sau gáy, nét mặt hồng hào quắc thước. Tôi gợi chuyện: nghe thiên hạ đồn Nha Mân có nhiều người đàn bà đẹp có đúng như vậy không thưa cụ.
Cụ già vui vẻ kể chuyện, không dấu nổi vẻ tự hào. Cụ kể rằng cách đây chừng hơn 250 năm chúa Nguyễn Ánh trên đường cầu viện quân Xiêm La sang giúp để chống lại nhà Tây Sơn. Một trận Rạch Gầm – Xoài Mút lừng lẫy: Hai vạn quân Xiêm bỏ xác. Nguyễn Ánh ngược sông Tiền chạy thoát thân. Chúa phải bỏ lại nhiều đoàn tùy tùng, trong đó có những cung tần mỹ nữ, phần lớn là gái của miền trung, của Thừa Thiên Quảng Trị nhan sắc lẫy lừng.


Theo sử sách xưa, trên đường bôn tẩu vào nam, Nguyễn Phúc Ánh đem theo nhiều đoàn tùy tùng, trong đó có các cung tần mỹ nữ.Để nhẹ gánh chinh phu, ông cho các cung tần ở lại. Phần lớn họ được gửi gắm cho đồng bào miền Sa Đéc. Đó là vùng Nha Mân, một ngôi làng nhỏ nằm nép bên bờ sông Tiền thơ mộng ở xã Tân Nhuận Đông.


Vua Gia Long (Tạp chí Pháp) Nhưng rồi, Nguyễn Phúc Ánh không thể thực hiện lời hứa với các cung tần vì đại sự nghiệp khôi phục ngai vàng đã trải qua 9 đời chúa Nguyễn trấn giữ Đàng Trong. Những người đẹp này đã ở lại với những con kênh, con rạch quen thuộc xứ này. Những chùa Ông Thiên, rạch Bà Chiêm, rạch Cầu Xoay, rạch Ông Đại…Từ thế hệ này sang thế hệ khác, thừa hường sắc đẹp Trời ban, và được sống trên một vùng đất nằm giữa hai con sông, sông Tiền và sông Hậu khí hậu ôn hòa, mát mẻ và cảnh quan thanh bình, sông nước êm dềm một phần tạo nên vẻ đẹp hiếm có cho những người con gái Nha Mân. Trải bao thăng trầm của thời cuộc, bao biến thiên của cả một vùng sông nước nhưng nhan sắc và vẻ đẹp mặn mà của người con gái Nha Mân thì mãi mãi không bao giờ phai nhạt. Những cung tần mỹ nữ ngày ấy giờ đây đã trở thành cổ tích, trở thành huyền thoại. Sắc đẹp gái Nha Mân đã đi vào ca dao, truyền từ đời này sang đời khác:
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
                          Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.
Có một chuyện tình bi thảm tuyệt vọng đã xẩy ra nơi đây, có cả nước mắt và cả máu. Đó là mối tình của một thày giáo làng với người con gái Nha Mân xẩy ra vào những năm đầu của thế kỳ 20.Chuyện là như vầy: Ông bà Phủ Cưu có người con gái thứ năm tên là Ninh, thường gọi theo thứ là Năm Ninh. Chị Năm Ninh nhan sắc tuyệt trần, mắt phượng mày ngài, nước da trắng hồng, dáng đi uyển chuyển, giọng nói ngọt ngào đã làm xao xuyến trái tim bao chàng trai xa gần.Nhưng đến tuổi cập kê, chị đã đặt trái tim mình vào một người thày giáo làng. Hai người yêu nhau tha thiết và được hai gia đình cho làm đám cưới. Lễ vu quy đang diễn ra thì có tên trung úy trưởng đồn giặc cho lính xông vào bắt Năm Ninh về đồn tận Sa Đéc.Thày giáo phẫn uất ra cầu Nha Mân nhảy sông tự tử. Năm Ninh làm vợ bất đắc dĩ chừng dăm tháng thì trong một bữa tiệc của tên trưởng đồn, Năm Ninh lại lọt vào mắt xanh của một sĩ quan cao cấp người Pháp. Tên cáo già thực dân này quyết chiếm bằng được người đẹp. Thúc thủ trước sự tàn bạo của tên Pháp, trong một đêm mưa gió, tự tay trung úy giết chết Năm Ninh và dẫn theo thuộc hạ thân tín tới tư dinh tên quan Pháp. Ngày hôm sau dân làng Nha Mân và những làng bên cạnh bàng hoàng chứng kiến cảnh ba mươi thi thể nằm chết trong sân. Tên sĩ quan Pháp bị đập nát sọ, còn trung úy trưởng đồn thì đôi mắt vẫn mở trừng trừng, trong tay còn nắm chắc khẩu súng lục.Đây là một chuyện tình có thể gợi ý cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tác với nhiều thể loại khác nhau.
Phần lớn người con gái Nha Mân vẫn an phận với cuộc sống đạm bạc nơi quê nhà. Họ vẫn giữ được nhan sắc Trời cho nhưng vẫn cần cù theo nghiệp nông tang của cha ông từ bao đời. Cuộc sống cứ thế trôi đi nhưng cái đẹp của gái Nha Mân thì không bao giờ tàn  phai.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét