Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

269. Thăm quê.


Viết tiếp Ký sự Thăm quê. Phần 2

1.     Thăm nơi tôi khóc chào đời.
.
Song Cầm là khách sạn mang tên nữ nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm. Nhà văn có cuốn tiểu thuyết tự truyện Cánh chim trong bão tố đã được Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam cấp phép ấn hành năm 2009 và được tái bản vào năm 2011. Phó giáo sư Tiến sĩ Khoa Ngôn ngữ - Văn học trường Đại học Khoa học Huế Hồ Thế Hà viết Lời giới thiệu. Nhà văn có cuốn tiểu thuyết tự truyện Cánh chim trong bão tố đã được Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam cấp phép ấn hành năm 2009 và được tái bản vào năm 2011. Phó giáo sư Tiến sĩ Khoa Ngôn ngữ - Văn học trường Đại học Khoa học Huế Hồ Thế Hà viết Lời giới thiệu.
Ảnh. Nhà thơ Xuân Bảo với nữ nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm.
          Tôi viết Lời tựa. Sách đã được dịch ra tiếng Anh, xuất bản ở Mỹ do dịch giả Ton That Dzien chuyển ngữ. Sách có tên là WINGS THE STORM. Ngoài phần nguyên bản có thêm bài viết của ông Hồ Lưu với nhan đề là The storm is being pushed back toward origin. (Cơn bão đang được đẩy lùi về phía nguồn gốc của nó).
Sách xuất bản lần thứ nhất, dày 476 trang, có phụ bản in ở trang bìa 2 là ảnh 1: Chân dung của Mạ và Song Cầm và ảnh 2: là 2 vợ chồng Song Cầm Michimi và 4 người con. Phụ bản cuối sách là 4 tác phẩm hội họa đặc sắc (trong hơn 2000 tác phẩm) của Bé Lưu, con út của Song Cầm vẽ từ năm lên 7 tuổi.
Cuốn Cánh chim trong bão tố đã được Hội Nhà Văn Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo ngày 26/6/2011. Có nhiều bản tham luận của các nhà văn lớn tuổi như Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê…Tôi và nhà thơ Võ Nguyện có tham luận. Các nhà văn, nhà thơ từ Hà Nội, Bắc Ninh, Sài Gòn, Quảng Trị về tham dự hội thảo.  Tất cả tham luận đều ngợi khen tác phẩm đầu tay của nữ nhà văn Song Cầm có lối viết chân thực, gây nhiều xúc động cho người đọc.
Ảnh. Nhà thơ Võ Nguyện tham luận.

***
Cô tiếp tân đưa cho tôi cái chìa khóa phòng 401 và hướng dẫn bố con tôi vào thang máy. Tắm rửa xong, do đi đường thấm mệt nên hai bố con đi nghỉ. Trời Hương Giang Ngự Bình không nóng lắm và có máy lạnh nên chúng tôi ngủ một giấc dài đến hơn 5 giờ chiều. Thức dậy, tôi sang thăm thân mẫu Song Cầm và các cháu. Mạ Song Cầm nay đã gần tuổi 90, bệnh xương khớp người  già luôn hành hạ, nhưng Mệ vẫn giúp Song Cầm bếp núc. Song Cầm thỉ bận bịu suốt ngày lo cho 4 đứa con. Căn nhà nằm trong một kiệt nhỏ, khiêm nhường dù cạnh đó là cái hotel Song Cầm 6 tầng, đủ tiện nghi cho một khách sạn 4 sao.
Tôi hỏi thăm Michimi. Song Cầm  nói: 5 hôm nữa Michimi sang Việt Nam.
                Gặp nữ nhà văn, tôi nhắc lại chuyện Song Cầm đưa Shosho – đứa con thứ hai - đi chữa bệnh tự kỷ ở Hà Nội. Shosho nay về nhà có biểu hiện trở lại bình thường. Cháu hỏi:
o   - Ôông ở mô? Tôi trả lời:
o   - Ở Biên Hòa, Đồng Nai. Shosho nói:
     - Ở Biên Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai. Shosho thêm địa danh Xuân Lộc vào câu trả lời.
Song Cầm rất vui thấy con mình biết rõ cả địa danh Xuân Lộc, mặc dầu cháu chưa bao giờ đến đó.
Đã nhiều lần Song Cầm gọi điện cho tôi, nói:
     - Khi nào về Quảng Trị nhớ ghé Huế để Song Cầm cùng đi cho vui. Tôi cảm ơn và lần này tôi muốn đi thăm nơi tôi khóc tiếng khóc chào đời. Song Cầm bảo:
- Ngày mai, 8 giờ em sẽ đưa bố con anh đi. Lịch trình đi gồm thăm lại Mang Cá Kẻ Trài, Bao Vinh; quay lại vào cửa Chính Bắc rồi sang An Hòa về cửa Thượng Tứ rồi lên thăm Huyền Trân công chúa.
(Còn tiếp)
Bên bờ Phước Long Giang, Kỷ niệm ngày sinh V.I. Lénin 22/4/2019.
Nhà thơ Xuân Bảo.




















THĂM QUÊ.
Thăm nơi tôi khóc chào đời 2

Sáng hôm sau 20/4, đúng 8 giờ. Song Cầm sang khách sạn chuẩn bị khởi động xe. Tôi bảo để Triệu Quang lái xe. Song Cầm nói: Em quen đường sá, để em lái.
Chưa ai ăn sáng cả. Tôi bảo Song Cầm tìm hiệu bún bò ngon. Đi đến một đoạn, Cầm ghé xe vào quán O Cương nằm sâu trong kiệt. Qua nơi này, tôi nhớ có lần tôi với nhà thơ Ngô Minh, nhà văn Vĩnh Nguyên đã từng ngồi uống cà phê với nhau. Ngô Minh nhờ tôi xin giấy phép xuất bản cuốn sách Vượt Trường Sơn. Trong sách có nhắc tới một đoạn nói về cải cách ruộng đất. Gia đình nhà thơ cũng bị đấu tố và xử trí. Tôi đã cố gắng liên hệ hai ba nhà xuất bản  nhưng họ đều không cho giấy phép. Thôi đành lỗi hẹn với Ngô Minh vậy!
Xe qua đầu cầu phía nam cầu Tràng Tiền, nơi có cái khách sạn Morin của Tây. Nơi đây ngày 9 tháng 3 năm 1945. Nhật đảo chính Pháp và nhốt một lũ quan quân Phú lang sa, sau đó chúng giết hết. Tôi còn nhớ hồi đó ở đầu cầu phía bắc có biển tên toàn quyền Đông Dương: Paul Bert.
Tôi nói với Song Cầm và luật sư Triệu Quang, những năm ở Huế, tôi được Ba Mạ nhiều lần đi qua chiếc cầu này.
Năm 1993, tôi về Huế được phó Chủ tịch tỉnh Lê Văn Sắc cho đến thăm công trình khôi phục cầu Tràng Tiền. Tôi đã có cái bút ký Cầu Tràng Tiền sau vài mười hai nhịp.  Chỉ huy trưởng công trường Trần Thế Thành đã chiêu đãi tôi một chầu ca Huế. Nhóm dân ca Huế có 9 nghệ sĩ do nữ nghệ sĩ ưu tú Châu Dinh chỉ đạo. Hai giờ đồng hồ ngồi trong chiếc thuyền rồng, bập bềnh trên sông nước tôi đã được nghe lại nhiều bản ca Huế, đậm đà tình nghĩa núi Ngự sông Hương.
Xe qua chợ Đông Ba rồi đến cầu Gia Hội, không lên cầu mà rẽ trái đi xuống con đường dọc sông Ba Loan về Mang Cá.
Ký ức tôi còn ghi đậm những điều sau đây:
 Mạ tôi kể: Năm 1934, Ôông Mệ nội tôi làm lễ cưới cho Ba tôi. Trước đó, gia đình Ôông Mệ tôi đã dạm ngõ một người con gái họ Phạm. Chẳng hiểu vì lý do gì mà sau khi Ba tôi ở Côn Minh về thì ông xin từ hôn và Ôông Mệ tôi lại đi hỏi cưới Mạ cho Ba tôi. Mệ ngoại tôi là người làng Đại Hào. Đám cưới Ba Mạ tôi tổ chức đi rước dâu bằng thuyền. Đi từ con hói chợ Thuận, ra sông Thạch Hãn rồi ngược lên Phường Sãi. Cả đoạn đường sông này dài gần hai chục cây số, đi về mất hẳn một ngày trời, kể cả thời gian làm lễ nghi đám cưới. Cưới xong Ba Mạ tôi vào Huế.
Mạ tôi là một người đàn bà được nuôi dạy tốt trong một gia đình gia giáo. Cũng như những người con khác trong gia đình, Bà được ông bà ngoại cho đến trường học chữ. Học xong lớp Sơ đẳng thì ở nhà để lo chuẩn bị vào đời, tức là những bước chuẩn bị đi lấy chồng. Ngày đó những gia đình quyền quý có con gái thường được những gia đình môn đăng hộ đối để ý tới. Và đến tuổi cài trâm, thì có người mai mối tới nói chuyện hôn nhân. Tính từ năm Bính Thìn (1916) đến năm Giáp Tuất (1934) Mạ tôi bước lên thuyền hoa về nhà chồng vừa đúng 18 tuổi. Công việc chính của Mạ tôi là lo tề gia nội trợ và chăm sóc nuôi dạy con cái. Người vợ lính không lo đến cơm áo vì lương chồng cũng đủ sống. Không những thế, Mạ tôi còn nuôi người giúp việc và ẵm bồng con nhỏ. Lúc tôi biết đi, Mạ thường cho tôi theo bà đi vãn cảnh chùa, thường thì hay đi chùa Từ Đàm hoặc chùa Thiên Mụ. Hai mạ con đi xe tay, một loại xe hai bánh có người kéo. Cái xe tay này cũng đã đi vào văn học sử với truyện ngắn Ngựa người và người ngựa của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Đặc biệt hơn, cái xe tay này được Nguyễn Ái Quốc vẽ minh họa cho bài viết tố cáo thực dân Pháp thời chúng đô hộ nước ta.
Và ngày mười sáu tháng giêng năm Ất Hợi tôi chào đời. Theo lịch Vạn Niên thì ứng với thứ 2 ngày 18 tháng 2 năm 1935. Bây giờ lý lịch và các loại giấy tờ đều ghi ngày sinh của tôi là ngày 16 tháng 1 năm 1935. Ghi như vậy là không đúng với thực tế. Nhưng mà thôi, gần tám mươi năm qua, tôi đã mang ngày sinh như thế thì cứ để thế. Có gì tuyệt đối đâu. Tôi nghĩ rằng nhiều, rất nhiều người cũng có ngày sinh không đúng vì qua hai cuộc chiến tranh, nhiều giấy tờ bị thất lạc. Khi tôi lên năm, đến tuổi đi học, vào lớp Đồng Ấu tương tự lớp Một bây giờ. Tôi được Ba tôi dắt đến trường. Trường cũng nằm trong khuôn viên Trại Con gái Mang Cá. Vào lớp những học trò chúng tôi không hề mang sách vở. Khi ngồi vào chỗ ngồi thì trên mặt bàn đã để sẵn đó một cái tráp bằng gỗ mỏng, trong đó có mấy cuốn sách và mấy cuốn vở tập, một cây bút chì, một cây bút mực, một cục gôm (tẩy), một tờ giấy thấm, một cái thước kẻ. Cái gô-đê mực tím đặt lọt xuống lỗ hõm mặt bàn.
Lớp Đồng ấu có ài học đầu tiên là nhận dạng bảng chữ cái, bắt đầu từ chữ a, b, c. Quốc ngữ gồm 23 chữ cái phụ âm và 11 chữ nguyên âm. Cùng lúc, học trò phải học luôn bảng alphabet francais gồm 26 chữ cái, so với tiếng Việt thì có thêm 4 chữ là f, j, w, z nhưng không có chữ đ và những chữ oe viết liền nhau, chữ i có hai dấu chấm trên đầu, chữ c có dấu ngoặc dưới đít. Sách giáo khoa thư tiếng Việt chỉ dẫn học hết vần bằng thì sang vần trắc. Vần bằng bắt đầu bằng chữ b, và 11 nguyên âm, đọc bê a ba, bê ă bă, bê â bâ…cho đến bê u bu, bê ư bư rồi sang phụ âm c tiếp theo. Vần trắc bắt đầu bằng chữ a, và 22 phụ âm đọc là a xê ác, ă xê ăc, â xê âc…Còn tập viết thì phải kẻ thước nghiêng 45 độ bằng bút chì và chữ cũng phải tập viết nghiêng. Tập viết nét đầu tiên là nét sổ, cứ theo nét bút chì kẻ trước cách một dòng thì xuống hàng, học trò chấm ngòi bút lá tre vào mực rồi vẽ theo. Tập nét sổ như vậy đến hai cuốn vở viết tập mới được tập viết theo chữ. Môn này gọi là écriture. Thầy dạy hết sức tận tình, đi từng bàn nắn bàn tay cho từng học trò khi tập viết. Vì thế nên những ai đã đi học thời đó đều có nét chữ hao hao giống nhau và nói chung là chữ rất đẹp. Nhờ khổ luyện tập viết mà sau này tôi đã nhận viết giấy khen, bằng khen cho các cơ quan, viết bằng bút rông (rond) những chữ lớn, bút sắt loại chữ thường.
Chương trình học lúc đó chia theo thời khóa biểu: Ngày học hai buổi sáng và chiều. Giữa giờ ra chơi 15 phút. Ngày thứ 5 chỉ học môn thủ công, ngày thứ 7 học buổi sáng, chiều nghỉ. Tôi còn nhớ như in cái trường nhà binh mà tôi bước đầu vào học. Trường có ba lớp, mỗi lớp khoảng ba mươi học trò. Lớp Đồng ấu (Enfantin), lớp Dự bị (Préparatoire), lớp Sơ đẳng (É1émentaire). Trên các bức tường của mỗi lớp đều có treo bản đồ Đông Pháp (Carte géographie de l’Indochine francaise), gồm ba nước: Việt Nam, Lào và Cao-mên. Trong cuốn Nouveau Petit LAROUSSE của Pháp xuất bản năm 1951 tại Paris, Đông Pháp chỉ có 5 xứ: Laos (Lào), Cambodge (Cao-mên), Tonkin (Bắc kỳ), Annam (Trung kỳ), Cochinchine (Nam kỳ), không có tên nước Việt Nam. Mặc dù chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 dõng dạc tuyên bố trước thế giới đã được 6 năm? Thực là láo toét! Ba nước này đều bị thực dân Pháp thôn tính và thống trị. Chúng đặt nền đô hộ do một tên toàn quyền người Pháp đứng đầu.
Ba tháng nghỉ hè (vacance) thì được nghỉ hoàn toàn. Trường tổ chức cho đi nghỉ mát ở cửa Thuận An - một bãi biển rất đẹp của Thừa Thiên - hoặc đi thăm các lăng tẩm, đền đài chung quanh thành phố Huế và nhiều nơi khác…Những ngày hè bọn trẻ chúng tôi được cha mẹ cho về thăm quê. Tôi rất ngỡ ngàng trước những cánh đồng lúa chín vàng và ngây thơ hỏi Mạ: - Cái hột ni là hột chi?
Mạ tôi cười mà rằng: - Cái hột con ăn hàng ngày đó. Tôi thấy hột gạo nấu cơm nó khác với hột lúa!
Trại Con gái Mang Cá có nhiều dãy nhà. Mỗi dãy có tới mấy chục căn hộ. Căn hộ hai đầu dãy thì thông nhau, nhìn ra hai phía, dùng bố trí cho cấp bậc đội và đội sếp. Còn từ cai trở xuống thì chỉ ở những căn giữa.Ông Lê Bá Vận, có bà con với ông Tổng bí thư Lê Duẩn, người Bích La, Triệu Phong, Quảng Trị hồi này mới có chức cai sếp (caporal chef) ở căn giữa, Sau này ông Vận là trung đoàn trưởng trung đoàn 95 Quân đội Nhân dân.
 Căn hộ Ba Mạ tôi ở gần sân vận động. Trước mặt nhà về phía tây là nhà của ông đội sếp Nguyễn Văn Hinh. Ông này đặt tên con theo cái giờ nó được sinh ra. Còn tên thật theo giấy khai sinh thì khác. Thằng đầu cùng tuổi với tôi tên là À dix heures, tức Mười giờ. Bọn học trò chúng tôi thường chọc ghẹo nó, gọi nó là Thằng đít giơ theo tiếng Việt là thằng đít nhớp. Thằng em nó được đặt tên là À onze heures dix minutes, tức Mười một giờ mười phút. Chúng tôi lại gọi tên nó bằng tiếng Việt: Thằng ông giơ đít mi nút. Ông Nguyễn Văn Hinh, sau Hiệp định Genève lãnh đạo phe chống Ngô Đình Diệm và bị Diệm tiêu diệt nặng nề.
Trong Trại này có một cái biệt thự riêng biệt, được đặt sau ngôi đền, từ ngoài cổng vào. Cụ quản Vương Đình Khoan (adjudant chef) ở cả gia đình từ Nghệ An vào. Thỉnh thoảng thấy cụ xuất hiện, đi xuống các dãy nhà, trong tay cụ lúc nào cũng có cây roi cặc bò. Lính tráng gặp cụ thì phải giơ tay chào kiểu nhà binh. Còn lũ trẻ chúng tôi gặp cụ thì phải đứng lại, vòng tay ra trước ngực “bẩm cụ”. Năm 1944, Cụ quản Khoan mãn hạn lính. Người thay thế là cụ quản Trang vào ở ngôi biệt thự đó.
 Cách cổng Trại Con gái chưa đầy ba trăm mét, phía tay phải là cổng đồn Mang Cá. Ngoài cổng có một dãy nhà của ông cai Thuyết cho thuê, kiểu như nhà trọ bây giờ. Nghe nói ông cai Thuyết khởi nghiệp chỉ có trong tay 5 xu tiền Đông Dương lúc bấy giờ. Thế mà 10 năm sau ông đã trở nên giàu sụ, có của ăn của để. Vào khỏi cổng phía tay phải có cái bót gác, vào bên trong chừng mươi mét có một tiệm cắt tóc. Tiệm cắt tóc có ba chiếc ghế cho khách ngồi. Trên trần nhà có ba cái quạt kéo bằng vải, giống như cái quạt giê lúa của nông dân. Khi có khách cắt tóc thì có một chú nhỏ khoảng trên 10 tuổi kéo dây cho quạt đung đưa qua lại trên chỗ khách ngồi cho mát.
Vào một đoạn nữa là kho gạo. Cứ đến đầu tháng Mạ tôi đem “bông”- một loại tem phiếu phát cho vợ lính - để lĩnh gạo mang về. Tiền mua gạo này được Trésorier (kho bạc) chiết trừ vào tiền lương hàng tháng của Ba tôi. Đối diện với kho gạo là một cái nhà bàn rất to, (tức là nhà ăn tập thể), đủ chỗ ngồi cho cả một tiểu đoàn lúc tới giờ ăn.
Muốn đi vào trong thành phải đi qua một cái cầu xi-măng hình bán nguyệt, bắc qua hào rồi đi qua cái cổng thành có cánh cửa gỗ to đùng ngày mở đêm đóng, có lính canh thường trực. Đây là cổng thành được gọi là Cửa Đông Bắc Kẻ Trài. Phía trong thành là nơi đóng quân của binh lính và sĩ quan. Có phòng làm việc, nơi ở, có câu lạc bộ, sân vận động bóng đá, sân bóng chuyền, bãi tập quân sự (thao trường). Đặc biệt có kermesse (theo nghĩa là chợ phiên), nhưng thực tế chỉ là cái cantine bán tạp hóa và thực phẩm cho binh lính. Mạ tôi thường hay được các chú lính mua giúp bia, nước ngọt và các thứ thực phẩm về dùng.
 Những ngày lễ lớn như Quốc khánh Pháp (14 tháng 7), Noel, Tết Tây (nouvel an), Tết Nguyên đán, Bộ Chỉ huy thường tổ chức ngày hội gồm nhiều trò chơi như leo cột mỡ, thi nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập om (một loại nồi đất) và nhiều trò chơi khác. Có lần tôi đập trúng cái om đựng đầy nước. nước bắn tung tóe, ướt hết mặt mũi quần áo. Vợ con binh lính được vào vui chơi trong thời gian mở hội.
 Kết thúc niên khóa 1943-1944, trường chúng tôi tổ chức cho học trò lớp sơ đẳng đi thi Sơ học yếu lược. Học trò phải có cái certifica d’identité (thẻ căn cước). Mạ tôi dẫn tôi lên hiệu ảnh gần chợ Đông Ba. Tôi được mặc áo lương đen và đội khăn đóng (khăn xếp) chụp hình để dán vào hồ sơ và sau này tôi thấy trong tấm bằng Yếu lược của tôi cũng dán bức hình này. Địa điểm thi là tại trường huyện, thị trấn Bao Vinh, huyện lỵ huyện Hương Trà. Từ sáng sớm, một chiếc xe nhà binh của đồn Mang Cá tới rước học trò đi thi. Cha mẹ học trò thì hoặc là đi bộ (từ Mang Cá xuống Bao Vinh cũng không xa lắm) hoặc là đi xe tay xuống nơi thi để động viên con em mình. Lớp chúng tôi được phân ra thi ở nhiều phòng thi khác nhau. Tôi để ý thấy trong phòng thi của tôi có cả những ông có râu và tuổi cũng cao như Ba tôi. Sau này tôi mới được biết các ông này đi thi để lấy cái bằng Sơ học Yếu lược thì sẽ có nhiều quyền lợi như được triều đình ban phẩm trật, thường là cửu phẩm văn giai. Khi ra việc làng được ngồi chiếu trên, khi chia ruộng công thì được chia loại nhất hoặc nhị đẳng điền, khỏi đi phu phen phục dịch, không phải làm thằng mõ.
Phía ngoài phòng thi có mấy ông cảnh sát (police) mặc quần áo màu vàng, cầm roi cặc bò đi lui đi tới. Sau phần thi buổi sáng gồm 2 môn ám tả và toán. Buổi chiều thi phần tiếng Pháp, có thi viết một đoạn văn ngắn (dictée francaise) và thi oral (vấn đáp). Tôi làm bài thi khá nhanh. Khi đang học ở trường, tôi thường được xếp hạng nhất nhì của lớp. Hàng tháng trên bảng Danh dự (tableau d’honneur) của lớp tên tôi luôn được xếp đầu tiên. Nộp bài thi xong thì được phép ra khỏi phòng thi để gặp thầy giáo và cha mẹ, nhưng không được làm ồn và đi lại lộn xộn.
Cuộc thi kết thúc chúng tôi lại lên xe nhà binh trở lại Mang Cá. Khoảng hai tháng sau thì có kết quả. Tôi được xếp thứ 11 trong tổng số thí sinh dự thí. Bằng được gửi theo đường dây thép (bưu điện) về quê nội làng Đại Hào, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông nội tôi cho mổ bò khao làng. Thế mới biết việc khuyến học thời đó mới quý làm sao.
Tôi còn nhớ những kỷ niệm thân thương về người cha của mình. Ông có dáng người cao lớn, khuôn mặt thông minh và nụ cười rạng rỡ. Hồi ở Huế, trong trang phục nhà binh trông ông oai vệ không kém những tên quan Pháp. Những ngày nghỉ, Ba tôi thường cho Mạ, tôi và các em đi thăm thú các danh lam thắng cảnh của cố đô. Gia đình tôi đi xem cinéma, xem hát ở rạp Tân Tân. Có những đêm trăng đẹp, Ba Mạ và tôi được lên đò nghe ca Huế. Tôi còn nhớ cho tới bây giờ các điệu Nam ai, Nam bằng. Có những câu nghe ai oán: “Nước non ngàn dặm ra đi, mối tình chi?” Và những câu hò mái nhì nghe thống thiết làm sao! “Chiều chiều ra trước Phu Văn Lâu. Ai ngồi ai câu, ai sầu, ai thảm, ai cảm, ai nhớ, ai thương. Thuyền ai thấp thoáng bên sông. Giọng hò mái đẩy chạnh lòng nước non.”
Trên sông Hương có rất nhiều đò cho khách thuê để dạo chơi và nghe ca Huế. Có những chiếc đò nhỏ bán chè đậu xanh, đậu ván, bán trứng vịt lộn và nhiều món ăn đêm khác. Họ chèo quẩn quanh các đò hát và cất tiếng rao lanh lảnh ngập tràn cả khúc sông. Trên bờ, đoạn trước cửa Ngọ Môn có một vườn hoa mang tên nhà vua Bảo Đại. Đêm đêm nơi đây có tổ chức nhảy đầm, có quán xá. Khách đến đây thường là các quan chức người Pháp và công chức, tư chức người Việt. Tuyệt nhiên không có khách là người nghèo hoặc thậm chí các ông xã xệ lý toét cũng không hề bén mảng.
Tôi còn nhớ ngày đó ở chân cầu Thanh Long có một người ăn mày tên là Cụ Trâu. Mùa hè cũng như mùa đông, Cụ Trâu chỉ mặc độc chiếc quần đùi. Người cụ láng mượt một màu da nâu, đặc biệt tấm lưng trần như được bôi mỡ. Cụ nói lời ăn xin mà nghe như hát: “Lạy ông đi qua lạy bà đi lại…” Và cũng trên đoạn đường này có một tiệm hút thuốc phiện, ngoài cửa có treo tấm biển đề chữ OPIUM. Tôi nghe Mạ tôi nói Ba tôi thỉnh thoảng cùng những người bạn trong đồn đến nơi đây để hút thuốc phiện. Thuốc phiện được mở tiệm công khai. Các nhà cách mạng thì coi đây là một trong nhiều chính sách ngu dân của thực dân Pháp! Trên con đường này còn có rạp hát Tân Tân, có imprimerie (nhà in) Ngô Tử Hạ.
 Cũng gần cầu Thanh Long, ở cận chân thành có một cái abattage  (lò mổ súc vật). Mỗi lần tôi đi học trường Queignec qua đây thường nghe thấy tiếng heo kêu eng éc.

                                                          ***
Năm 1944, đang trong Thế chiến thứ II nên việc đi lại bằng đường bộ hết sức nguy hiểm do Đồng minh thường xuyên ném bom hủy hoại đường giao thông. Ba Mạ tôi rời khỏi Huế từ đầu năm 1944 vì Ba tôi mãn hạn lính.
Tôi ở lại, ở nhờ nhà bà sếp Thông chờ thi Yếu lược nên về sau. Và sau khi thi đậu, tôi được lên lớp nhì nhất niên (cours moyen un) học ở trường Queignec cho đến ngày Nhật đảo chính thì thôi học về quê. Mạ tôi vô Huế đón tôi. Đây là lần đầu tiên tôi được đi đò dọc từ Huế ra Quảng Trị. Bao Vinh là một bến thuyền sầm uất. Tôi đứng nhìn các chiếc ghe bầu từ xứ Quảng ra buôn bán các loại hàng hóa, trong đó đường Quảng Nghĩa nổi tiếng. Họ có lối đếm rất độc đáo. “Một đôi, he đéng, boa thình, chính cheng, chẻng chục”. Diễn dịch ra là “Một đôi, hai đắng, ba thìn, chín chăn, chẵn chục”. Thế là đủ một chục cái bánh đường.
***
Song Cầm cho xe chạy thẳng xuống Bao Vinh. Hai bên đường nhà cửa mọc lên san sát. Nhà dân còn lấn chiếm ra cả mép sông, thành ra con đường bị nhỏ hẹp lại. Qua khỏi huyện lỵ, Song Cầm cho xe quay trở lại và chúng tôi chụp ảnh trước chùa Thiên Giang cùng với một bến thuyền Bao Vinh bây giờ không còn sầm uất như trước nữa!
Đến Mang Cá, tôi nói: Chúng ta đi vào cửa Chính Bắc luôn. Xe dừng lại đầu cầu. Tôi chỉ vào móng cầu và hỏi Song Cầm có biết con cá bống thệ hay không? Cầm bảo biết. Nơi móng cầu này ngày xưa, cách đây 75 năm (năm 1944) tôi đã ngồi câu cá bóng thệ. Nhìn xuống hào chỉ thấy bèo, cơ man nào là bèo, lấp kín không còn thấy mặt nước. Tôi chỉ cho Triệu Quang biết là trước đây, nơi mặt thành đối diện với cái trường nhà binh đồn Mang Cá là nhà của me xừ quan hai Le Bourg, trưởng phòng tham mưu 5è Brigate. Chiều xuống, khi hết giờ làm việc, quan hai xuống thành đem theo chiếc périsoire (thuyền thể thao một người) thả xuống hào và bơi dọc đến lối ra sông Hương, tối mới về.
Chúng tôi chụp ảnh ngay đầu cầu bên này. Nhìn vào cái cổng thành ngày trước, tôi lại nhớ đến những buổi nghỉ học được Ba tôi dắt vào chơi nơi cơ quan tham mưu đóng. Và nhớ tới ngày Ba tôi mãn hạn lính, Le Bourg đã tặng Ba tôi cái sừng tê ngu (tê giác) để làm kỷ niệm.
Bây giờ cổng thành không còn cánh cửa bằng những tấm gỗ lim nặng chình chịch nữa.  Mỗi lần mở đóng phải 2 người lính đẩy cật lực. Toàn bộ dãy nhà Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 5 thời Pháp gồm cơ quan tham mưu (État Major), Sở Mộ lính, Câu lạc bộ Lính, Trésorier… được thay thế làm nơi làm việc của các cơ quan thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đến Cửa Tây, tôi muốn thăm nghĩa địa Tây Lộc – nơi có mộ em trai tôi Nguyễn Xuân Thưởng chết lúc được một tháng tuổi. Song Cầm nói rằng bây giờ nơi đó đã thành phố xá hết rồi!
Thành nội giờ đây cũng lộn xộn, ngổn ngang nhà cửa. Vỉa hè bị chiếm làm nơi bán hàng và chứa chất vật liệu. Xe ra cửa Thượng Tứ rồi qua cầu Phú Xuân để về thăm Huyền Trân công chúa.
(Còn tiếp)
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 25/4/2019.
Nhà thơ Xuân Bảo
VIẾT TIẾP KÝ SỰ VỀ THĂM QUÊ.
Thăm nàng công chúa có công mở cõi.

     Song Cầm cho xe chạy thẳng lên núi Ngũ Phong, cách trung tâm Huế 7 cây số. Đền thờ Huyền Trân bây giờ có tên gọi là Trung tâm văn hóa Huyền Trân tọa lạc tại đường Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế. Toàn bộ khuôn viên đền thờ nằm dưới chân núi Ngũ Phong, rộng 28 ha,  trước đây thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thủy An. Khu vực này có đồi núi thoai thoải, rừng thông xung quanh. Không gian thâm nghiêm, kỳ vĩ. Từ ngoài dẫn vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có nghê đá phục chầu, tiếp đến là ba bậc sân rất rộng lát gạch Bát Tràng, có hồ nước và cầu bắc qua; tiếp nữa là tam quan, trong cùng là đền thờ Huyền Trân Công chúa.
Tượng Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng, cao 2,37m, do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của phường Đúc, Huế cẩn tác. Hậu điện thiết án thờ Đoàn Nhữ Hài, người tương truyền đã soạn biểu giúp gỡ tội cho vua Trần Anh Tông thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thượng hoàng Nhân Tông; ông còn là vị quan người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào trấn giữ và yên dân 2 châu Ô, Lý khi 2 châu này về với Đại Việt…Tháp chuông Hòa bình cao 7m được dựng trên đỉnh Ngũ Phong với chuông đồng nặng 1,6 tấn cũng do các nghệ nhân phường Đúc thực hiện. Trên đường dẫn lên Tháp chuông Hòa Bình, có bức tượng Phật Di Lặc khổng lồ với nụ cười viên mãn thường trực trên môi.
Huế cũng đã khởi công xây dựng đền thờ Trần Nhân Tông nhân kỷ niệm 750 năm ngày sinh của đức Phật hoàng. Trần Nhân Tông là phụ hoàng của Công chúa Huyền Trân, là vị vua anh minh, có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, hai lần đánh thắng Nguyên Mông, là vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Tượng vua Trần Nhân Tông bằng đồng đỏ nguyên chất, cao 3m, nặng 2 tấn được đúc theo phiên bản lấy từ đền thờ các vua Trần tại Nam Định.
. Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mờicủa vua Chiêm Thành, được vua Chế Mân tiếp đãi nồng hậu. Trần Nhân Tông lưu lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng. Khi ra về, Trần Nhân Tông hứa gả con gái là Huyền Trân cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người Java. Sau đó nhiều lần Chế Mân sai sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhưng triều thần nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung tán thành.
      Năm 1306, Chế Mân dâng châu Ô, châu Rý làm sính lễ hồi môn, Huyền Trân về Chiêm Thành, được phong làm hoàng hậu Paramecvari.  Một năm sau đó, khi hoàng hậu vừa sinh xong hoàng tử Chế Đa Đa, thì tháng 5 năm 1307, Chế Mân băng hà. Theo tục nước Chiêm, khi vua chết hoàng hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn tang. Vua Trần Anh Tông biết tin, sai Trần Khắc Chung sang viếng tang và tìm cách cứu Huyền Trân. Trần Khắc Chung bày kế thành công, cứu được Huyền Trân đưa xuống thuyền, về Đại Việt bằng đường biển. Cuộc hải hành này kéo dài tới một năm? Sao đi lâu vậy???
       Tháng 8 năm Mậu Thân tức 1308, Huyền Trân về đến Thăng Long. Theo di mệnh của Thượng hoàng Nhân Tông, công chúa đầu gia Phật giáo ở núi Trâu Sơn - nay thuộc Bắc Ninh. Vào năm 1309, dưới sự ấn chứng của quốc sư Bảo Phát. Công chúa thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh Hương Tràng.
             Cuối năm Tân Hợi tức 1311, Hương Tràng cùng một thị nữ trước đây, lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Sau đó, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Nộn Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự.
          Huyền Trân mất ngày mồng 9 tháng Giêng năm Canh Thìn (1340). Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là "Thần Mẫu" và lập đền thờ cạnh chùa Nộn Sơn.
            Các triều đại sau đều sắc phong bà Huyền Trân là thần hộ quốc. Vua triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần". Để ghi nhớ công ơn của Huyền Trân, triều đình nhà Nguyễn đã lập miếu Đại Đế Vương ở làng Lịch Đợi, phường Đúc, Huế, đồng thờ các vị khai quốc công thần. Tiếc là miếu thờ này ngày nay không còn.
Đến đầu năm 2006, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân được khởi công xây dựng. Một năm sau đó, ngày 26 tháng 3 năm 2007, công trình khánh thành nhân kỷ niệm tròn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân. Năm này tôi có về Huế dự lễ kỷ niệm và có bài thơ: Giọt lệ Huyền Trân
       Huyền Trân công chúa sinh năm 1287 và mất ngày 9 tháng Giêng âm lịch. Ngày này nay trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân.
Giọt lệ Huyền Trân
“Nước non ngàn dặm ra đi. Mối tình chi”
Cung vàng Chiêm quốc tím chiều hoang
Vẳng khúc Nam ai quá bẽ bàng
Tình nghĩa trăm năm người cách trở
Nước non ngàn dặm lệ tuôn tràn
Phụ hoàng… còn xót con lưu lạc
Trần Khắc… thấu chăng thiếp lỡ làng?
Chín vạn bông trời sao sáng nở
Thôi đành bội ước với tình lang
Huế, kỷ niệm 700 năm ngày Huyền Trân về Chiêm quốc 1307-2007.

Nhà thơ Nguyễn Đức Hùng có bài họa
Nỗi lòng Huyền Trân
(họa y đề bài Giọt lệ Huyền Trân của Xuân Bảo)
Trời Chiêm lồng lộng gió đi hoang
Xót phận Huyền Trân chịu bẽ bàng
Núi thẳm chắn đường mây phủ kín
Sông sâu bít lối nước dâng tràn
Hai Châu sum họp chàng thương nhớ
Vạn lý rời xa thiếp lỡ làng
Vì Nước đành chôn dòng lệ ứa
Thôi đành lỗi nhịp khúc hoài lang
Song Cầm dừng xe trước cổng đền. Hai bố con tôi vào thăm Huyền Trân công chúa. Có một cái trạm bán vé tham quan. Người lớn vé 30 ngàn đồng. Tôi hỏi cô nhân viên – Có nhiều khách đến nơi đây không? Ít, chỉ vào mùa lễ hội thì đông khách. Song Cầm dưa xe tới một chỗ có bóng râm đỗ lại.  Có người ra đòi 10 ngàn đồng tiền gửi xe. Song Cầm không trả tiền vì xe có gửi đâu mà trả. Lạ thật, cái kiểu làm du lịch mất khách của Huế?
Tạm biệt người con gái họ Trần đã vì nước mà hy sinh mối tình đầu đẹp như mộng. Huyền Trân công chúa xứng đáng là thành hoàng của dải đất Ô châu!
Trên đường trở lại nội ô, tôi nói với nhà văn ghé thăm nơi ở của Cậu Cẩn, còn có hỗn danh là Út Trầu, con út của gia đình họ Ngô.  Ngô Đình Cẩn, lãnh chúa Cao nguyên Trung phần thời ông Diệm.
Lối vào “dinh” lá rụng lấp đầy, mấp mô sỏi đá khó đi. Ngôi nhà 2 tầng, mỗi tầng 5 phòng rêu phong loang lỗ. Trong sân có cái lều nghinh phong đã không còn hình dáng ngày xưa!
 Tôi lại nhớ đến cậu Ngô Xuân Toàn,(còn được gọi là nhà thơ Ngô Xuân Toàn), con mụ O ruột Ba tôi – thường gọi là Mụ Cửu – đồng tuế và đồng môn với ông Nguyễn Duy Gia, người làng Lệ Xuyên, đã từng là Thống đốc Ngân hàng. Thời Ngô Đình Cẩn đương nhiệm, cậu Toàn đã vào tận nơi làm việc của Lãnh chúa Cao nguyên Trung phần để xin tha tội cho một ông Việt Cộng đang bị giam giữ tại ngục Chín Hầm. Ông Việt Cộng này được tha và “lên xanh” tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng. Gặp lại nhau ở Đà Nẵng, ông Việt Cộng lúc này đã là đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chứng nhận thành tích của cậu Toàn  là người có công với cách mạng. Cậu Toàn được thưởng huân chương và được hưởng lương hưu.
Xe qua ngục Chín Hầm và nhà lao Thừa Phủ nhưng chúng tôi không ghé lại mà đi thẳng. Đến một đoạn nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm dừng xe, chỉ cho bố con tôi xem cái nơi “tưởng niệm những người bị chết trong tết Mậu Thân 1968”. Dấu vết còn lại chỉ mấy bậc tam cấp và một cái lư hương nhỏ, trên đó loe ngoe mấy chân nhang.
Chúng tôi dừng xe trước tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ. Một khuôn viên hoành tráng và tượng đài cao vút giũa trời xanh, xứng tầm với chiến công của người anh hùng áo vải Tây Sơn.
Hơn 10 giờ, Song Cầm ghé lại nhà giáo sư Ngữ văn Trần Văn Hối, người làng Thượng Phước, có quan hệ bà con với cậu ruột tôi, ông Nguyễn Văn Xuân.
Chiều Song Cầm có giờ lên lớp nên chúng tôi chia tay nhau lúc này. Tôi cảm ơn nhà văn đã nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm lại nơi tôi cất tiếng khóc chào đời và thăm nhiều nơi ở Cố đô Huế. Đặc biệt là thăm nàng công chúa họ Trần đã có công mở cõi, nới rộng cương vực Đại Việt tới Phương trời nam!
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 26/4/2019.
Nhà thơ Xuân Bảo

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

268 Thăm quê


268. THĂM QUÊ.
1.     VỀ LÀNG NỘI.
2.     THĂM NƠI TÔI KHÓC CHÀO ĐỜI

1.     Về làng nội.
Ngày 18 tháng 4 năm 2019, hai bố con tôi. Tôi và luật sư Nguyễn Triệu Quang bay chuyến bay VN 1370 của Vietnam Airlines xuất phát lúc 6 giờ tại Tân Sơn Nhất và hạ cánh lúc 7 h 06’ xuống sân bay Huế. Sân bay Phú Bài không nhộn nhịp lắm. Ít thấy máy bay của các hãng nước ngoài.
Triệu Quang vào quày mua vé xe buýt về nội thành. Giá một vé là 50 ngàn đồng. Đã ra xe, nhưng bố con tôi chưa lên vội vì còn chụp ảnh. Có một chiếc taxi 7 chỗ đang tìm khách. Tôi hỏi xe về đâu và còn chỗ không. Tài xế trả lời là đi Quảng Trị và còn trống 2 ghế.
-         Giá bao nhiêu?
-         Cả 2 người chỉ lấy 500 ngàn đồng thôi.
-         Đồng ý.
Thế là chúng tôi bỏ 2 vé xe buýt (100 ngàn đồng) và lên xe. Trên xe có 2 khách về quê ở một làng gần Thành Cổ Quảng Trị. Còn chúng tôi phải đi thêm 7 cây số nữa mới đến làng. Tài xế nói chỉ lấy 100 ngàn đồng. Như vậy chi phí xe cộ tất cả là 700 ngàn đồng cho gần 80 km, từ Phú Bài về làng Đại Hào.
Chúng tôi ghé chợ Quảng Trị mua hương hoa và về đến làng khoảng gần 10 giờ. Đi bộ mấy bước thì vào nhà cô em Nguyễn Thị Túy, con chú ruột liệt sĩ Nguyễn Xuân Tịch của tôi. Cô rất mừng là chúng tôi đã về quê để làm một việc quan trọng. Đó là sẽ xem xét những hạng mục công trình để tu bổ lăng gia đình.
Nhà cô Túy đang được sửa chữa. Thay mái tôn bằng mái ngói, làm thêm phòng, lát lại sân, sơn lại tường và chuyển bếp vào phía sau…Tôi hỏi tốn kém bao nhiêu? Cô Túy cho biết là khoảng 40 triệu. May mắn là cô Túy được bà  Trần Thị Cẩm, con O ruột tôi - Cụ Nguyễn Thị Chuyển ở Hoa Kỳ gửi về hỗ trợ hơn 30 triệu đồng.
Nhìn sang bên cạnh, có một ngôi nhà mới. Đó là nhà của cô em tôi, con O Đạm tên là Nguyễn Thị Trâm. Tôi sang thăm và hỏi nhà này lấy đâu ra tiền để làm? Cô Trâm trả lời là Nhà nước cho trong diện chính sách. Tổng kinh phí là 60 triệu đồng. Trên tường nhà cô Trâm có treo cái bằng khen “Vì có thành tích bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972”. Tôi rất mừng là cô Trâm được nhà mới!
Trước khi về làng, tôi gọi điện cho cô Túy bảo ra chợ Đại Hào (trước đây thường gọi là chợ Thuận) mua con gà về và nấu đọi xôi để bố con tôi về cúng tổ tiên ôông mệ.
Khi hạ cỗ cúng xuống thì cô Túy mời cả 4 ông thợ đang sửa nhà cùng chung vui. Vì lúc này công trình sửa nhà của Túy cũng đã hoàn tất. Nhân đây, chú em Nguyễn Thành Quỳ, con O Đạm tôi mời chủ thầu Nguyễn Ngọc Khương (người trong họ) chiều 3 giờ cùng chúng tôi ra lăng để khảo sát các hạng mục cần sửa chữa.
Trời Quảng Trị vào mùa gió Lào, gió thổi nhiều nhưng nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 40 độ. Nóng dữ!
Chiều đến, bố con tôi, chú Nguyễn Thành Quỳ, cô Nguyễn Thị Túy và chủ thầu Nguyễn Ngọc Khương cùng đi ra lăng. Sau khi xem xét những chỗ lăng hư hỏng, đi đến nhất trí: tiền vật liệu xây dựng chủ đầu tư tự mua; tiền công tất cả là 9 triệu đồng, Cộng 2 khoản là 18 triệu đồng, chưa kể có thể phát sinh.
Trong bữa cơm tối, tôi nói: Có mặt mấy anh chi em và cháu Triệu Quang đây, vợ chồng tôi và Triệu Quang gửi lại số tiền 20 triệu đồng nhờ cô Túy giữ và chi cho công trình, nhờ chú Quỳ theo dõi giám sát thi công. Khi nào xong thì gọi điện cho chúng tôi biết để có thể ra làm lễ tạ.
Đêm hôm đó cha con tôi ngủ lại tại nhà cô Túy. Được nằm trên mảnh đất quê cha đất tổ, tôi bồi hồi nhớ tới những ngày xưa thân ái. Tôi nhớ tới Ông nội – một nhà Nho đáng kính, nhớ tới Mệ nội, được sinh ra trong một gia đình vọng tộc, cháu quan đại thần Nguyễn Văn Tường, người theo phe chủ chiến của Tôn Thất Thuyết mà phải chịu tù đầy. Bọn Pha-lăng-sa đã bắt ngài chở vào Gia Định rồi đày ra đảo Tahiti và mất tại đó!
Tôi nhớ tới quê hương trải qua 2 cuộc chiến đánh Pháp và chống Mỹ bị tàn phá gần như không còn một tấc đất nào là không thấm máu của đồng bào, đồng đội; không một nơi nào là không bị bom đạn cày xới.
Quảng Trị đau thương và oai hùng biết mấy!
***
Sáng hôm sau, 19/4 tôi muốn thăm lại Cửa Việt – nơi mà năm 1973 khi về Quảng Trị đã giải phóng – tôi có viết cái bút ký “Đường vào”- có nhắc tới câu “ ta nhớ má Năm Căn, ta thương em Cửa Việt”. Tôi bàn với Nguyễn Thành Quỳ đi thăm Cửa Việt.
Chiếc xe du lịch Hyundai mới cóóng của cháu Nguyễn Ngọc Tuân. đến đón chúng tôi. Tuân là cháu nội cụ Nguyễn Ngọc Điệt – người thợ may làng. Hồi đó, trước năm 1945 cụ Điệt có cái quán nhỏ, gần nhà thờ họ Nguyễn 8 phái bên con đường Quảng Trị - Cửa Việt. Tôi thường ra chơi ở tiệm may này và được cụ rất thương.
Xe qua làng Bồ Bản, làng Lệ Xuyên, bên kia sông là làng An Cư của Mệ nội tôi. Quan phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường là ông cố nội của Mệ nội tôi. Chị ruột Mệ nội tôi được gả cho ông Hường Tường Vân, được phong tước Quận công Hồng lô tự khanh.
Tôi lại nhớ đến ca sĩ Duy Khánh, sinh năm 1936 tên thật là Nguyễn Văn Diệp tại làng An Cư, huyện Triệu Phong, là con áp út trong một gia đình vọng tộc gốc cũng thuộc dòng dõi quan Phụ chánh đại thần triều Nguyễn Nguyễn Văn Tường.
Xe qua làng Tường Vân, tôi nhớ lại có một lần trước cách mạng 45, Mạ tôi cho tôi đi ăn kỵ tại nhà Mệ Hường. Hai mẹ con đi bộ từ làng Đại Hào tới làng Tường Vân mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Cơ ngơi của ông Hường rất lớn. Tôi được phép lên nhà trên và thấy ở gian nhà giữa, nơi đặt ban thờ có trưng bày một bộ lỗ bộ, chứng tỏ quyền uy của chủ nhân. Sau này, con của O ruột tôi tên là Trần Thị Cẩm được gả cho con bác C. Bác C. là bác sĩ thời Pháp là con của mụ hầu của ngài Quận công.
Trước khi lên cầu, chúng tôi xuống xe đến chiêm ngưỡng công trình Tượng đài Chiến thắng Cửa Việt. Tượng đài bằng đá cao 17m, công viên và các hạng mục phụ trợ khác được xây dựng trên diện tích 8.100m2 tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Kinh phí đầu tư xây dựng 30 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các nguồn huy động tổng hợp khác.
Việc xây dựng Tượng đài chiến thắng Cửa Việt là việc làm mang ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, chính trị và xã hội, là nơi ghi lại chiến công oanh liệt của các lực lượng vũ trang và nhân dân Triệu Phong đã làm nên chiến thắng Cửa Việt vào tháng 7-1973, đập tan âm mưu phá hoại của Mỹ - ngụy đối với Hiệp định Paris mới ký kết. Qua đó, thể hiện tấm lòng tri ân của các thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
 Mô tả: C:\Users\asus\Downloads\Tượng đài chiến thắng Cửa Việt.jpg
Ảnh.  Tượng đài chiến thắng Cửa Việt  

Bên bờ nam cầu là làng Hà Tây nổi tiếng có nước mắm cá nục và ruốc (một loại mắm tôm làm bằng con khuếc biển) rất ngon. Chúng tôi xuống xe lững thững đi bộ qua cầu.
Cầu Cửa Việt bắc qua hạ lưu sông Thạch Hãn, dài 806m, là cầu bêtông cốt thép vĩnh cửu có 12 nhịp, mặt cầu rộng 12m dành cho hai làn xe, khổ thông thuyền rộng 50m và cao 7m, phần đường 2 đầu cầu dài 1.011m, có hệ thống đèn điện chiếu sáng trên cầu. Cầu được khởi công ngày 28/2 năm 2007, sau 30 tháng thi công, ngày 17/7/2010 thì thông xe.
Việc đưa cầu Cửa Việt - cây cầu lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vào sử dụng sẽ cùng với cầu Cửa Tùng nối liền hệ thống giao thông ven biển dài hơn 73km của tỉnh Quảng Trị kết nối cùng với Quốc lộ 9 kéo dài tạo thành tuyến đường thông suốt phía Đông từ Bắc vào Nam, nối liền cảng biển Cửa Việt với cảng biển Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng).

Mô tả: Kết quả hình ảnh cho Cầu Cá»­a Việt
Ảnh. Cầu Cửa Việt
Ông Hoàng Kiều, một doanh nhân nổi tiếng thế giới, là người Mỹ gốc làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Ông Hoàng Kiều đã từng mời Hoa hậu Thế giới về thăm biển Cửa Việt, đã nói giá trị và thương hiệu Cửa Việt là rất nổi tiếng.
   Bích Khê là ngôi làng có nhiều người nổi tiếng: Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thị Ái, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường…
Phía bờ bắc cầu là làng Tân Lợi thuộc xã Do Hải, huyện Do Linh nay thì thuộc thị trấn Cửa Việt.
Thị trấn Cửa Việt được thành lập năm 2005, là trung tâm du lịch - dịch vụ, đánh bắt và chế biến thủy, hải sản của huyện Do Linh, có diện tích tự nhiên 734,28 ha, dân số hơn 4.800 người, được công nhận đô thị loại V.  Thị trấn Cửa Việt đang trên đà đi tới.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư tương đối hoàn chỉnh; hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, văn hóa, thương mại - dịch vụ phát triển và tiếp tục được đầu tư theo quy hoạch chung. Đã có nhiều nhà đầu tư đến đây và có nhiều dự án phát triển du lịch. Nhiều nhà cao tầng đã mọc lên. Tuy nhiên lượng khách còn ít!
Chúng tôi đi thẳng ra phía bắc trên con đường Quốc phòng một đoạn rồi quay lại cầu Cửa Việt rồi về Đại Hào trên con đường tỉnh lộ 64. Nguyễn Thành Quỳ chia tay chúng tôi ngay trước mặt nhà Văn hóa thôn.
 Bố con tôi về quê ngoại Phường Sãi, vào nhà người anh con ông cậu ruột tôi thắp nhang cho ông bà rồi ra dự Hội làng nhân Ngày Kỵ của Ngài Khai khẩn và thôn Thượng Phước tổ chức lễ Đón nhận danh hiệu thôn Văn hóa 2014 - 2018.
13 giờ, bố con tôi trực chỉ thành phố Huế. Về ngay khách sạn Song Cầm ở số 26 đường Trần Thúc Nhẫn và nghỉ lại đây.
(còn tiếp Phần 2)
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 22/4/2019.
Nhà thơ Xuân Bảo.






















Viết tiếp Ký sự Thăm quê. Phần 2

2.     Thăm nơi tôi khóc chào đời.
.
Song Cầm là khách sạn mang tên nữ nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm. Nhà văn có cuốn tiểu thuyết tự truyện Cánh chim trong bão tố đã được Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam cấp phép ấn hành năm 2009 và được tái bản vào năm 2011. Phó giáo sư Tiến sĩ Khoa Ngôn ngữ - Văn học trường Đại học Khoa học Huế Hồ Thế Hà viết Lời giới thiệu. Nhà văn có cuốn tiểu thuyết tự truyện Cánh chim trong bão tố đã được Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam cấp phép ấn hành năm 2009 và được tái bản vào năm 2011. Phó giáo sư Tiến sĩ Khoa Ngôn ngữ - Văn học trường Đại học Khoa học Huế Hồ Thế Hà viết Lời giới thiệu. Mô tả: C:\Users\asus\Downloads\image (2).png
Ảnh. Nhà thơ Xuân Bảo với nữ nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm.
          Tôi viết Lời tựa. Sách đã được dịch ra tiếng Anh, xuất bản ở Mỹ do dịch giả Ton That Dzien chuyển ngữ. Sách có tên là WINGS THE STORM. Ngoài phần nguyên bản có thêm bài viết của ông Hồ Lưu với nhan đề là The storm is being pushed back toward origin. (Cơn bão đang được đẩy lùi về phía nguồn gốc của nó).
Sách xuất bản lần thứ nhất, dày 476 trang, có phụ bản in ở trang bìa 2 là ảnh 1: Chân dung của Mạ và Song Cầm và ảnh 2: là 2 vợ chồng Song Cầm Michimi và 4 người con. Phụ bản cuối sách là 4 tác phẩm hội họa đặc sắc (trong hơn 2000 tác phẩm) của Bé Lưu, con út của Song Cầm vẽ từ năm lên 7 tuổi.
Cuốn Cánh chim trong bão tố đã được Hội Nhà Văn Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo ngày 26/6/2011. Có nhiều bản tham luận của các nhà văn lớn tuổi như Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê…Tôi và nhà thơ Võ Nguyện có tham luận. Các nhà văn, nhà thơ từ Hà Nội, Bắc Ninh, Sài Gòn, Quảng Trị về tham dự hội thảo.  Tất cả tham luận đều ngợi khen tác phẩm đầu tay của nữ nhà văn Song Cầm có lối viết chân thực, gây nhiều xúc động cho người đọc.
Mô tả: C:\Users\asus\Downloads\DSCF6145 (1).JPGẢnh. Nhà thơ Võ Nguyện tham luận.

***
Cô tiếp tân đưa cho tôi cái chìa khóa phòng 401 và hướng dẫn bố con tôi vào thang máy. Tắm rửa xong, do đi đường thấm mệt nên hai bố con đi nghỉ. Trời Hương Giang Ngự Bình không nóng lắm và có máy lạnh nên chúng tôi ngủ một giấc dài đến hơn 5 giờ chiều. Thức dậy, tôi sang thăm thân mẫu Song Cầm và các cháu. Mạ Song Cầm nay đã gần tuổi 90, bệnh xương khớp người  già luôn hành hạ, nhưng Mệ vẫn giúp Song Cầm bếp núc. Song Cầm thỉ bận bịu suốt ngày lo cho 4 đứa con. Căn nhà nằm trong một kiệt nhỏ, khiêm nhường dù cạnh đó là cái hotel Song Cầm 6 tầng, đủ tiện nghi cho một khách sạn 4 sao.
Tôi hỏi thăm Michimi. Song Cầm  nói: 5 hôm nữa Michimi sang Việt Nam.
                Gặp nữ nhà văn, tôi nhắc lại chuyện Song Cầm đưa Shosho – đứa con thứ hai - đi chữa bệnh tự kỷ ở Hà Nội. Shosho nay về nhà có biểu hiện trở lại bình thường. Cháu hỏi:
o   - Ôông ở mô? Tôi trả lời:
o   - Ở Biên Hòa, Đồng Nai. Shosho nói:
     - Ở Biên Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai. Shosho thêm địa danh Xuân Lộc vào câu trả lời.
Song Cầm rất vui thấy con mình biết rõ cả địa danh Xuân Lộc, mặc dầu cháu chưa bao giờ đến đó.
Đã nhiều lần Song Cầm gọi điện cho tôi, nói:
     - Khi nào về Quảng Trị nhớ ghé Huế để Song Cầm cùng đi cho vui. Tôi cảm ơn và lần này tôi muốn đi thăm nơi tôi khóc tiếng khóc chào đời. Song Cầm bảo:
- Ngày mai, 8 giờ em sẽ đưa bố con anh đi. Lịch trình đi gồm thăm lại Mang Cá Kẻ Trài, Bao Vinh; quay lại vào cửa Chính Bắc rồi sang An Hòa về cửa Thượng Tứ rồi lên thăm Huyền Trân công chúa.
(Còn tiếp)
Bên bờ Phước Long Giang, Kỷ niệm ngày sinh V.I. Lénin 22/4/2019.
Nhà thơ Xuân Bảo.