Trang

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

137.Kỷ niệm 70 năm QĐND Việt Nam

.Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam               (22-12-1944—22-12-2014).
          Chiều ngày 12 tháng 12 năm 2014, nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, tại xã Tân An huyện Vĩnh Cửu Đồng Nai, Đoàn Cựu chiến binh Đặc công 113 do thiếu tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng và đại tá Đinh Xuân Nghiêm, nguyên Chỉ huy phó Đoàn Đặc công 113 và nhiều đồng chí khác đã đến làm lễ dâng hương Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh – người Cha đẻ của Các Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam . Đoàn cũng đã vào dâng hương Đền thờ Đại tướng Nhân dân Võ Nguyên Giáp – người anh cả của quân đội ta. Tại đây nhân dân Đồng Nai cùng thờ bốn vị tướng lừng danh của “Miền Đông gian lao mà anh dũng” gồm Trung tướng Nguyễn Bình, Thượng tướng Trần Văn Trà, Nữ tướng Nguyễn Thị Định và Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ
Trong Đền thờ Bác Hồ kính yêu còn thờ gần 48 ngàn liệt sĩ – con em của mọi miền đất nước đã ngả xuống nơi miền Đông Nam Bộ này – vì nền độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Nơi đây còn thờ vọng 1.307 liệt sĩ (chỉ có tên tuổi ghi lên Bảng vàng, không có hài cốt) của Bộ đội các Binh chủng Đặc công – những con người đã làm nên lịch sử trên mảnh đất Đồng Nai oai hùng: Tấn công sân bay Biên Hòa, đốt cháy kho bom Long Bình…Bác Hồ đã có thơ tặng:
 “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu
   Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu
   Thành đồng trống thắng lay lầu trắng
   Điện Biên.Mỹ chẳng phải chờ lâu”.
Chiều cùng ngày, Đoàn về dâng hương tại Đài Kỷ niệm Đặc công 113 tại Đồi 60,phường Tân Biên,thành phố Biên Hòa. Tại đây,thờ 167 liệt sĩ Đoàn 113.Chính giữa tượng đài ba mặt có bài thơ của thạc sĩ sử học Trần Quang Toại phụng ghi tóm tắt những chiến công lẫm liệt của các chiến sĩ đặc công đã oanh liệt hy sinh cho thành phố Biên Hòa mến yêu. Đại tá Đinh Xuân Nghiêm, nguyên chỉ huy phó Đoàn Đặc công 113 đã có bài phát biểu ôn lại truyền thống vẻ vang của  Đoàn Đặc công 113. Ông Đặng Văn Tiếp, nguyên là phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai  và là một trong những chiến sĩ đầu tiên của Đại đội Lam Sơn đã có bài nói về nguồn gốc của Đại đội. Đại đội Lam Sơn có Nhà bia tưởng niệm đặt tại làng An Hảo, quận Đức Tu, thị xã Biên Hòa, nay là phường An Bình,thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.
Dưới đây là một vài hình ảnh do nhà thơ Xuân Bảo chụp.


    Lễ dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh
        Thiếu tướng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thanh Tùng và nhà thơ Xuân Bảo
                     Nhà văn Nguyễn Quốc Hoàn trước bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
                               Nhà thơ Xuân Bảo trước bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
    Nhà thơ Xuân Bảo trước bàn thờ Trung tướng Nguyễn Bình và Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, đại tá Đinh Xuân Nghiêm, nguyên Chỉ huy Đoàn Đặc công 113
                                         



Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

136.con thiên nga lạc loài

  CON THIÊN NGA LẠC LOÀI

(Viết nhân kỷ niệm 70 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng 22-12 -1944  - 22-12-2014)
Truyện ngắn
                                                                                                 XUÂN BẢO

 Bây giờ thời tiết đã chuyển cuối thu. Mây đen vần vũ.Bầu trời Xuân Lộc mọng nước. Sấm chớp đì đùng.Xa xa, đâu đó vẫn còn những tiếng súng lẻ tẻ.Vài chiếc tàu bay “bà già” (moral) lượn một vòng tròn rồi thả dù xuống một trảng cỏ, gần Cua Heo. Trong nhiều chiếc dù xanh đỏ, có một chiếc dù đỏ thả xuống hai cô gái ăn mặc diêm dúa, áo ba dây hở cổ và cái váy màu đỏ.Đây là hai cô trong Đội Thiên Nga, vừa làm cái việc ca hát phục vụ quân lực cọng hòa, vừa phục vụ giải quyết sinh lý cho binh lính và sĩ quan. Đó là thiếu úy Lê Thị Lụa, biệt danh là Nhung “gấu”. Người thứ hai là hạ sĩ Thu Cương mới được trung tá Trường, trưởng phòng An ninh quân đội tuyển dụng. Theo quy định, “gái dù đỏ” là của sĩ quan chỉ huy.
Hơn 10 giờ đêm, trung tá Tôn Thất Đảm vừa ở sở chỉ huy về, Nhung “gấu’’ cũng vừa tắm xong. Thị bước ra khỏi phòng tắm với chiếc khăn mỏng khoác hờ trên vai.Mùi nước hoa đắt tiền Enchanteur tỏa ra khắp phòng.Dưới ánh đèn nê- ông xanh dịu, thân hình của Nhung có sức gợi cảm đến mức Đảm vội bế xốc Nhung lên giường.Ngắm nhìn thỏa thích “ con gấu tơ” rồi Đảm trút bỏ bộ quân phục rằn ri bước nhanh vào toilet. Khi trở ra, Đảm tồng ngồng hiện rõ thân hình y chang Adam.
 Phải công nhận bọn Chiến tranh tâm lý ngụy rất khéo tuyển chọn cái đám Thiên Nga, Phượng Hoàng.Chính quyền ngụy coi đây là một binh chủng không thể thiếu cho cuộc chiến. Hai yếu tố hàng đầu của binh chủng này là thanh (giọng hát hay) và sắc (có gương mặt đẹp và thân hình cân đối,hấp dẫn). Đồng thời có khả năng làm gián điệp, tất nhiên là phải qua huấn luyện tình báo.
Qua một đêm “chiến trường”, thỏa mãn cho trung tá chỉ huy Khu Chiến  thuật 33 ôm ấp,vày vò,Nhung trang điểm lại gương mặt đã bị nhòa nhẹt phấn son. Sáng ra,cần vụ mang cà phê và món điểm tâm vào .Nhung nũng nịu:
-         Tý nữa anh cho em bắn vài phát ca nông nhé!
-         Được, để anh gọi mấy đứa pháo thủ.
Nhung  ra chỗ đặt mấy khẩu “vua chiến trường” 175 ly.Tên pháo thủ chỉ cho Nhung cách đạp cò. Nó không quên ghếch nòng pháo vào trong rừng – nơi chúng nghi là có quân Giải phóng làm căn cứ địa.. Nhung đạp cò hai phát. Tiếng đề- pa chói tai làm Nhung hơi liêu xiêu.Dân trong vùng bị địch chiếm thường gọi cách bắn pháo vu vơ kiểu này là “pháo đĩ”. Họ rất sợ dễ xẩy ra tai bay vạ gió!
 Lê Thị Lụa tức Nhung gấu năm này sắp bước tới gần cái tuổi “băm” nhưng nhìn bề ngoài người ta cứ tưởng nhầm khoảng hai mươi hai, hai ba. Nhung có khuôn mặt  bàu bĩnh, nước da trắng hồng, cặp mắt đen láy và cái miệng cười rất tươi. Thân hình Nhung là cả một “tòa thiên nhiên” vô cùng hấp dẫn. Thi xong tú tài, nhờ có giọng hát hay nên được tuyển vào Đội Thiên Nga. Nhung được đưa đi Băng-cốc đào tạo nghề làm gián điệp. Thái Lan là đồng minh của Mỹ Thiệu.Nơi đây kỹ nghệ sex được coi là tuyệt hảo, cho nên các học viên Thiên Nga, Phượng Hoàng cũng được huấn luyện về nghề này một cách bài bản.
Thu Cương sau một đêm “tưng bừng mây mưa” với tên chỉ huy phó trung đoàn đến tìm Nhung, rủ đi chơi chợ Long Khánh. Quy định của quân đội rất chặt chẽ. Thiên Nga, Phượng Hoàng chỉ được phép đi lại trong nội ô. Còn những ai có nhiệm vụ dò la tin tức Việt Cộng mới được ra vùng ven.
Thời gian này,quận Xuân Lộc có thị xã Long Khánh. Long Khánh chỉ cách Sài Gòn hơn tám chục cây số, có hai tuyến giao thông quan trọng là đường sắt và quốc lộ 1 xuyên Việt. Mỹ-ngụy coi Long Khánh là “cánh cửa thép cửa ngõ phía đông bắc Sài Gòn” và là một địa bàn chiến lược,xung yếu..Nguyễn Văn Thiệu đã nói “Xuân Lộc mất thì Sài Gòn mất”.Vậy nên quân ngụy và quân Mỹ bố trí lực lượng dày đặc. Bọn chúng cho phát quang khu vực đóng quân, rắc cỏ Mỹ,lập vành đai trắng,tăng mật độ hành quân càn quét ra vùng ven,khống chế địa bàn.Chúng tiến hành xây dựng Long Khánh thành một căn cứ quân sự, xây dựng căn cứ Suối Râm,mở rộng đồn pháo binh Hoàng Diệu, xây dựng Sở chỉ huy Khu chiến thuật 33, xây dựng và làm đường từ sân bay đến Suối Râm. Những cuộc hành quân của chúng không lúc nào là không gây ra chết chóc. Nhà cháy, người chết phủ tang thương lên mảnh đất chưa đầy 50 kilômét vuông. Thời gian này Long Khánh có số dân gần 6 vạn người, phần đông là dân từ nơi khác đến lập nghiệp, nhiều nhất là dân miền Trung.Thâm độc hơn,Mỹ-ngụy biến Long Khánh thành nơi ăn chơi theo lối sống thực dân kiểu mới. Bar  dancing, nhà chứa mọc lên san sát.
                                                ***
Đầu năm 1968, Tỉnh ủy Bà Rịa-Long Khánh quyết định sáp nhập xã Bảo Vinh vào thị xã để có thêm bàn đạp tiến công; củng cố ba bàn đạp cho ba cánh tiến công. B1 Bàu Trâm, B2 Suối Cái và B3 Suối Rết; tăng cường cán bộ cho các cơ sở mật bên trong, đào thêm hầm bí mật trong nội ô để che dấu vũ khí và lực lượng.Cùng thời điểm này, Đảng bộ Long Khánh quyết định thành lập Đội Trinh sát vũ trang, trực thuộc Ban An ninh thị xã. H601 tên thật là Nguyễn Thi Kim Hoa được phiên chế vào Đội cùng với nhiều đồng chí khác, trong đó có H202 Đỗ Văn Đích.H 232   Lê Thị Kim Liên.
Sáu Hùng cho gọi H601 tới lán chỉ huy.
         -Theo tin đặc biệt từ Bộ Tư lệnh Miền, vừa qua địch thà dù  bọn Thiên Nga xuống Long Khánh, trong đó có một thiếu úy tình báo tên là Lê Thị Lụa, bí số IB0099, thường gọi là Nhung gấu.Tên Thiên Nga này là một tên rất lợi hại, đã gây nhiều tội ác ở vùng Cheo Reo-Phú Bổn. Nó đã luồn sâu vào các buôn làng Tây Nguyên và đã chỉ điểm cho quân ngụy hành quân ruồng bố bắn giết đồng bào ta.Nay Long Khánh là địa bàn chiến lược của Mỹ - ngụy nên chúng tăng cường mọi lực lượng để chống phá. Ban chỉ huy đội cử cháu làm nhiệm vụ .Một, là dụ cho được Nhung ra rẩy (kiểu điệu hổ ly sơn) rồi bắt sống nó.Hai, nếu bị lộ, nó chống cự thì cho nổ súng tiêu diệt.Chú cho H232 hỗ trợ.
Sáu Hùng giao nhiệm vụ xong, anh trầm ngâm: Mình cũng có đứa con gái gần bằng tuổi Kim Hoa không biết giờ này ra sao? Khi anh rời quê Tiền Giang vào Đồng Tháp Mười, nó mới 10 tuổi. Thế mà đã 8 năm xa nhà, xa vợ con rồi. Chiến trường Mỹ Tho cũng ác liệt lắm.Tuổi chúng nó đáng lẽ phải được ăn, được học. Nhìn bóng dáng mảnh mai của H601 nhẹ nhàng bước ra khỏi lán. Từ trong sâu thẳm trái tim một người cha đã từng vào sinh ra tử, ông không nén được cảm xúc của tình thâm phụ tử. Sáu Hùng cố nén để nước mắt không trào ra.
Kim Hoa vội đạp xe vào rẫy ở Suối Rết gặp Kim Liên chuyển đạt ý kiến, chỉ đạo của chú Sáu Hùng. Kim Liên được phân công đóng vai chủ vườn cây “đón tiếp” hai con Thiên Nga.
Không khó quá để làm quen với Nhung gấu, Kim Hoa được phép của “tổ chức” cho ăn diện sành điệu,đúng mốt như những cô gái con nhà giàu khác, cũng môi son má phấn, cũng kính đen gọng vàng, quần loe và áo chim cò lòe loẹt. Trang điểm vào, trông Kim Hoa chẳng khác nào những thiếu nữ đài các của cái xứ sở sầu riêng chôm chôm măng cụt nổi tiếng miền Đông này.Và cũng phải mất hai tuần mới “chơi thân” với Nhung được.

                                      **

Chợ Long Khánh tấp nập người mua kẻ bán.  Khu trái cây có những cô thôn nữ  đang ngồi bán trái cây. Cô nào cô nấy dù không trang điểm phấn son nhưng nước da đều trắng trèo, xinh giòn.Khác với họ, có một nhóm ba cô gái ăn mặc cực sang, phấn son lòe loẹt, mùi nước hoa sực nức.Họ rảo quanh khu vực bán trái cây.
Một cô nói:
-                   -Mình có cô bạn làm vườn. Cô ta có bức vườn mùa nào thức nấy.lúc nào  cũng sẵn trái cây  . Hay chúng mình vào đó chơi, tiện thể vừa ngắm cảnh,vừa mua trái cây.
 Người hưởng ứng đầu tiên là Nhung. Nhung hỏi:
- Có xa không?
- Không xa lắm, ở ngay Suối Rết đây thôi!
Với bộ óc tình báo có nhiều kinh nghiệm, Lụa suy tính rất nhanh:Ừ thì một công đôi việc, nhân chuyến đi “dã ngoại” này ta nắm luôn tình hình Việt cộng trong đó.Còn Kim Hoa thì đắn đo.Cấp trên chỉ đạo là phải bắt sống cho được Lê Thị Lụa, chỉ một mình Lụa mà thôi. Bây giờ lại vướng thêm Thu Cương. Thu Cương mới gia nhập Thiên Nga không lâu và cũng chưa gây tội ác. Làm sao đây? Bằng kế hoãn binh, Kim Hoa chỉ vào chiếc xe đạp nói:
-Ba đứa mà đèo nhau một xe thì mệt lắm. Để mình chạy về nhà lấy thêm chiếc xe nữa.
Nhung bảo:
- Để Thu Cương đứng đây coi xe còn mình chở Hoa đi cho nhanh
.Kim Hoa gạt đi lấy cớ là ông già mà nhìn thấy thì ông không cho đi đâu hết.
-Thôi chịu khó đứng chờ. Mình đi nhanh thôi mà!
Kim Hoa hộc tốc đến gặp H232 nói:
-Em dụ được hai con Thiên Nga vào Suối Rết rồi. Chị khẩn trương báo cho chú Sáu Hùng biết. Và chị cũng nhanh chân lên vào rẫy như điểm hẹn để “đón tiếp” hai con Thiên Nga như kế hoạch đã bàn trước.
Sự thực thì Sáu Hùng đã duyệt phương án tác chiến này từ hôm qua, khi được H601 báo ngày mai sẽ “điệu hổ ly sơn” đối với Lê Thị Lụa. Sáu Hùng – người chỉ huy Đội trinh sát vũ trang Long Khánh - trực tiếp chỉ huy trận này
Ba cô gái được chủ  cho dạo quanh vườn một lúc rồi quay lại, ngồi vào mấy khúc cây kê vội làm cái bàn. Kim Liên mang trái cây ra đãi khách. Đang mải ăn, ba cô gái không nhìn thấy những tên lính dù đi đến sau lưng. Một tên hỏi:
-Các cô ở đâu tới?
Nhung gay gắt:
   - Ở đâu tới hay đi đâu là quyền của chúng tôi. Mắc chi các người hỏi.Muốn biết về hỏi ông chuẩn tướng Lê Minh Đảo rồi sẽ biết.
Một miệng súng đen ngòm chỉa thẳng vào mặt Nhung gấu.Tay này cũng chẳng phải loại vừa. Hắn xoay người lại làm cú đá song phi vào tay người cầm súng. Nhưng khẩu súng không văng ra mà Nhung gấu bị ngay H 202 khóa tay. Cả ba tên bị trói giật cánh khủy, mặt cắt không còn hột máu.
Sáu Hùng ra lệnh: - Tách từng đứa một cho về  cứ ngay lập tức!
Kim Hoa giả vờ van xin: - Các chú các anh tha cho em. Em chỉ là cô bán trái cây.Không làm gì cho giặc.
Hai tên nữ mật báo viên dưới cái vỏ bọc Thiên Nga  cùng với “cô bạn mới quen Kim Hoa” được giải đi.
                                                ***

Tháng 4 năm 1995, chúng tôi về dự lễ Kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng Long Khánh (21-4-1975 –21-4-1995). Chúng tôi gặp người chỉ huy trận bắt Nhung gấu năm xưa – ông Nguyễn Huệ - bây giờ đã là đại tá Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Và gặp người đã từng tham gia chỉ huy Đội Trinh sát vũ trang Long Khánh – ông Lương Hoàng - bây giờ đang là Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Long Khánh.Tôi hỏi anh Sáu Huệ.
- Anh có biết số phận Nhung gấu sau đó trôi dạt về đâu không?
Anh Sáu cười hiền:
        -Tên thật của Nhung gấu là Nguyễn Thị Thuận, sinh năm 1952 tại Bùi Chu.Bố là lính Pạc- ti-dăng của quân Pháp, chết trận. Năm1954, Thuận mới 3 tuổi theo mẹ di cư vào Nam. Bị lạc mất mẹ nên Thuận được đưa vào nuôi ở Trại Tế bần Hố Nai. Thuận được tuyển vào Đội Thiên Nga năm 18 tuổi, mang bí số IC0069. Năm 1974 thì bị ta bắt. Sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng vài tháng Thuận được tha.Hiện nay đang sống ở Long Khánh.
Tuy đã ở vào cái tuổi trên bốn mươi, nhưng trông Thuận vẫn còn nhiều  nét thanh xuân ngày nào, nhất là nụ cười – nụ cười đã làm điên đảo bao chàng trai một thời.Tôi hỏi:
          -Bây giờ Nhung sống ra sao?
          Thuận gạt đi có vẻ không bằng lòng vì tôi gọi Thuận là Nhung:
          -Chuyện cũ. Bỏ đi anh. Bây giờ em đã có hai cháu. Chồng em là người cùng quê Nam Định. Chúng em có rẫy ở Suối Rết, cũng có vườn chôm chôm, sầu riêng. Khi nào tiện mời các anh vào rẫy chơi. Em ra đây mở quán cà phê kiếm thêm thu nhập và để các cháu học cho gần trường.

                                      Biên Hòa, những ngày cuối tháng 10 năm 2014
                                                          XUÂN BẢO