Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

258. VIẾT VẾ VĂN HÀO BORIS PASTERNAK


258. VIẾT VỀ VĂN HÀO BORIS PASTERNAK

KỶ NIỆM 101 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 10 NGA 7/11/1917 – 7/11/2018

Vài nét lịch sử Giải Nobel Văn học
Trao giải lần đầu là vào năm 1901. Đến năm 2017, đã có 114 giải thưởng Nobel Văn học đã được trao. Sau khi nhận giải Nobel vào năm 1958, người Nga Boris Pasternak đã từ chối giải thưởng. Năm 1964, Jean-Paul Sartre nghĩ rằng mình không muốn nhận giải.
Giải Nobel Văn học (tiếng Thụy Điển: Nobelpriset i litteratur) là một trong sáu nhóm giải thưởng của Giải Nobel, giải được trao hàng năm cho một tác giả từ bất cứ quốc gia nào có, theo cách dùng từ trong di chúc của Alfred Nobel. Theo di chúc của Nobel, giải thưởng được trao bởi Nobel Foundation. Giải thưởng Nobel Văn học đầu tiên được trao tại Sully Prudhomme ở Pháp. Lễ trao giải thưởng được diễn ra hàng năm ở Stockholm vào ngày 10 tháng 12, đúng vào ngày mất của Nobel.
Có mười bốn phụ nữ được trao giải Nobel Văn học, nhiều hơn bất kỳ giải Nobel nào khác trong quỹ Nobel. Trong tất cả các năm mà trao giải Nobel Văn học, chỉ có bốn lần được trao cho hai người: (1904, 1917, 1966, 1974). Đã có tám năm không có trao giải Nobel Văn học (1914, 1918, 1935, 1940–1943, 2018). Quốc gia đạt nhiều giải Nobel nhất là Pháp, với 16 giải thưởng, tiếp đó là Hoa Kỳ và Anh với 11.
Boris Pasternak từ chối nhận giải Nobel. Vì sao?
Boris Pasternak sinh ngày 10 tháng 2 năm 1890 ở Moscou. Cha ông Léônid Pasternak là họa sĩ và viện sĩ. Mẹ ông là nghệ sĩ piano (dương cầm). Năm 1912, ông nghiên cứ triết học tại Dại học Maburg (Đức). Năm 1913, ông tốt nghiệp khoa lịch sử và ngôn ngữ Đại học Tổng hợp Moscou. Ông có chuyến ra nước ngoài đầu tiên là nước Ý. 6 năm đầu ông chuyên tâm nghiên cứu và sáng tác âm nhạc. Nhưng cuối cùng ông đã đi vào sự nghiệp thơ, văn. Những bài thơ đầu tiên của ông xuất bản năm 1913. Năm 1917, ông viết một loạt những bài thơ tuyệt diệu trong tập “Chị tôi – cuộc sống”, đưa ông lên hàng những nhà thơ lớn nhất nước Nga thời ấy.
T       rong những năm hai mươi, ông gia nhập nhóm  Văn học LEF do nhà thơ Maiacovski sáng lập.
Sau ngày chiến thắng phát xít Đức, B.Pasternak viết tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago”, hoàn thành nó vào năm 1955. Năm này, Nhà Xuất bản Văn học quốc gia Liên Xô đã ký hợp đồng in cuốn sách này, nhưng việc thực hiện hợp đồng bị nhiều người có thế lực trong giới văn học phản đối. Giữa lúc đó bỗng nhiên tác phẩm ‘Bác si Zhivago” được xuất bản tại Ý. Ngày 23/10/1958, Viện Hàn lâm Thụy Điển tuyên bố tặng giải thưởng Nobel năm 1958 về văn chương cho B. Pasternak. Nội dung giải thưởng có ghi: “Vì sự đóng góp lớn lao cả vào nền thi ca trữ tình hiện đại của thế giới cũng như vào lĩnh vực các truyền thống vĩ đaị của các nhà văn xuôi Nga.
Những bước thăng trầm của Boris Pasternak.
Bọn phản động quốc tế đã lợi dụng nhân vật Zhivago và tên tuổi của B. Pasternak để chống Liên Xô. Năm 1958 ông bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Liên Xô. Từ đó, nhà thơ B.Pasternak – một thiên tài, một nhà thơ lớn - phải sống những ngày buồn thảm cuối đời! Tuy nhiên, tên tuổi và tác phẩm của ông không vì thế mà bị lãng quên theo năm tháng mà vẫn sống mãi trong lòng nhân dân xô viết và hàng triệu triệu người yêu văn học, yêu văn hóa Nga ở khắp nơi trên thế giới!
Sau gần ba chục năm, mãi tới ngày 18/2/1987, danh dự và tác phẩm của B.Pasternak mới được phục hồi. Ban Thư ký Hội Nhà văn Liên Xô thông qua quyết định hủy bỏ nghị quyết của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành Hội Nhà văn Liên Xô chính thức xóa bỏ nghị quyết bất công đó và một Ủy ban di sản Pasternak được thành lập. Các tác phẩm của B.Pasternak được lần lượt xuất bản. Năm 1988, Liên Xô xuất bản “Toàn tập Pasternak”. Ủy ban di sản Pasternak đề nghị UNESCO tổ chức kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của nhà thơ lớn này vào năm 1990 trên quy mô toàn thế giới.
***
Nhân Kỷ niệm 101 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, để nhớ về một đất nước vĩ đại – quê hương của nhiều văn hào, thi hào, nhạc sĩ và nghệ sĩ - đã làm rạng rỡ cho một nền văn học nghệ thuật vĩ đại, tôi đăng bài thơ: “Cái chết của một nhà thơ”. Bài thơ này Boris Pasternak viết về người bạn lớn của ông – nhà thơ thiên tài Maiacovski.

Cái chết của một nhà thơ
Thiên hạ không tin cho rằng – đó là chuyện vô lý.
Nhưng được tin từ hai người.
Ba người, từ mọi người. Đã đứng xếp thành hàng
Của thời gian dừng lại.
Những ngôi nhà của các bà công chức và các bà thương nhân,
Những vuông sân, những gốc cây, và trên cây
Những con quạ ngây ngất vì nắng ấm,
Mặt mày đỏ rực bằng tiếng nói của giống quạ,
Gào kêu để bọn ngốc từ rày về sau đừng
Chõ mũi vào tội lỗi, mà cứ để mặc cho anh cay đắng
Chỉ có điều trên mặt mũi họ hiện rõ một sự tiến triển ẩm ướt
Như trên những nếp nhăn của điều vô lý rách nát

Có một ngày, một ngày vô hại, vô hại hơn
Hàng chục ngày xưa cũ của anh.
Thiên hạ tụ tập xếp thành hàng trong tiền sảnh
Như phát súng xếp họ lại thành hàng
Những tiếng mìn nổ của bọn vợ lũ hề nấp trong cỏ lác, sau khi đè bẹp
Đã hất tung lũ cá mè và một con cá măng ra khỏi dòng chảy.
Như tiếng thở phào của các lớp đất không cỗi cằn
Anh ngủ, trải vải giường trên lời đơm đặt
Ngủ và lặng yên sau khi đã hết kinh hoàng
Xinh đẹp, trẻ trung ở độ tuổi 22
Như Tetraptich của anh từng tiên đoán

Anh ngủ, áp má vào gối,
Ngủ, - từ hai chân, từ hai mắt cá
Lấy hết đà lại tiếp tục
Khắc sâu vào hàng những truyền thuyết trẻ trung

Anh trong những truyền thuyết đó khắc sâu dấu ấn
ngày một rõ nét thêm
Anh đạt đến chúng chỉ bằng một bước nhảy
Phát súng của anh tương tự như ngọn Etna*
Trên thềm núi của lũ ươn hèn và nhút nhát
1930
Nguyễn Đức Dương dịch
_____
*Ngọn núi lửa ở đảo Cyxin (Ý).

Bên bờ Phước Long Giang, Kỷ niệm 101 năm Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga 7/11/1917 – 7/11/2018.

257. Ông nội tôi làm lý trưởng thời Bảo Đại



257. ÔNG NỘI TÔI LÀM LÝ TRƯỞNGTHỜI BẢO ĐẠI.

Tính theo thời gian mà Phả ký Tộc Nguyễn Ngọc có hiện tại thì dòng họ này đến hiện nay là 16 đời, tương ứng với thời điểm Chúa Tiên vào đây. Làng Đại Hào có họ Nguyễn tám phái mà phái Nguyễn Ngọc của tôi là lớn nhất. Chi của cha tôi có nhiều người đỗ đạt.
Theo Phả ký Nguyễn Tộc làng Đại Hào ghi chép từ đầu thế kỷ 20 thì Ông nội tôi nhiều lần lều chõng vào kinh đô ứng thí. Ông đỗ vào Trường Nhì Bạch Giáo sư trúng sĩ bổ. (theo ghi chép ở cuốn Chi phổ họ Nguyễn Tám phái làng Đại Hào). Ra trường, ông được bổ về dạy học (thầy dạy chữ Nho) ở làng Lâm Xuân, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị. Lâm Xuân là làng nghề dệt chiếu rất đẹp. Ở đây có một hủ tục là không cho con gái lấy chồng ngoài làng, bởi sợ mất nghề. Cũng như ở Bắc Ninh, làng Vân có nghề nấu rượu nổi tiếng cho nên làng không gả con gái cho nơi khác. Các bậc bô lão trong làng đề nghị ông tôi làm thơ nói lên tác hại của hủ tục này. Ông tôi đã làm một bài vè để cho dễ nhớ. trong đó có những câu:

…Ba mươi tuổi tác đó chừ
E lẫn thẩn mà trẻ qua già tới
Ngọc phải giá không buông còn đợi?!

 Thế nhưng ông tôi quyết về quê: Văn chương phú lục chẳng hay/Trở về làng cũ học cày cho xong. Triều đình dường như tiếc cái công lao dùi mài kinh sử nên cũng cho ông tôi làm lý trưởng đến gần chục năm. Lý trưởng còn được gọi là xã trưởng chức tương đương như chủ tịch phường, xã bây giờ. Dân Quảng Trị quê tôi phát âm không chuẩn nên thường gọi xã ra thành ông xạ. Lúc còn nhỏ, những khi ba mạ cho về thăm làng, tôi thường được ông nội dạy bảo bằng những câu chữ nho như: nhân chi sơ vốn bản thiện, nhân bất học bất tri lý - ấu bất học lão hàn vi…Ông dạy tôi học chữ thánh hiền bằng những bài học vỡ lòng trong cuốn Tam thiên tự như Thiên trời địa đất. Cử cất tồn còn. Tử con tôn cháu. Lục sáu tam ba. Gia nhà quốc nước. Tiền trước hậu sau. Ngưu trâu mã ngựa…Ông còn dạy tôi viết chữ Hán. Ông đem ra cái mâm gỗ, lấy cát Tiểu Trường Sa (tức là loại cát lấy ở đoạn giữa cắt khúc đồng bằng và miền duyên sơn). Ở Quảng Trị ngày nay còn nhiều từ đoạn Thành Cổ đến các xã thuộc huyện Hải Lăng – bây giờ đoạn này còn được gọi là “Đại lộ kinh hoàng” trong “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Cát được đổ vào xâm xấp lòng mâm, sau đó dùng ngón trỏ viết tập. Thí dụ: Chữ Thiên gồm hai nét ngang và một nét phẩy, một nét mác. Viết xong, lắc cái mâm cho cát trở về bằng phẳng như ban đầu. Ở cái thời đó, cách tập viết như thế quả là một sáng kiến vĩ đại, vừa tiết kiệm giấy lại vừa luyện cho nhuần nhuyễn quen tay.  Đến khi nào thuần thục thì mới dùng bút nho viết lên giấy bổi.
 Tôi cũng thường được ông cho theo ra đồng. Tuy là lý trưởng nhưng ông cũng phải lam lũ ruộng nương như những lực điền. Tôi còn nhớ như hằn sâu vào ký ức thơ ngây của tôi về cái cung cách làm việc của những công bộc của dân thời đó. Chuyện là như thế này: Ông tôi đang cày ruộng. Có một người dân cần lên quan có việc gì đó nên phải lặn lội ra đồng để tìm xã trưởng ký chứng vào đơn. Ông tôi họ (dừng) trâu lại và lên bờ gặp đương sự. Sau khi rút cây bút nho, thường dắt tai, Ông tôi mút vào miệng cho ướt đầu thấm mực, ký chứng vào đơn, Ông tôi lấy cái triện vận trong lưng quần ra, hà hơi cho ẩm hơi nước rồi kê lá đơn vào đầu gối ấn cái triện vào, (triện, miền bắc gọi là con dấu, miền nam gọi là cái mộc) nơi có chữ ký của ông. Hồi đó dân ta không mặc quần dải rút hay lồng bằng dây thun như ngày nay mà mặc quần lưng vận.
           Ông tôi là người hay chữ. Chữ nho ông viết rất đẹp. Ông được dân làng rất mến mộ. Trong làng nhà nào có việc quan hôn tang tế đều đến xin ông tôi cho đôi câu đối, hoành phi hoặc văn ai, văn điếu. Mặc dù làm việc “nước”, nhưng ông tôi cũng phải lao động cật lực để nuôi sống gia đình. Khi việc làng, ông được trọng vọng ngồi chiếu trên. Khi hết việc, ông tôi chỉ làm người dân như mọi người. Nhũng ngày giáp Tết Nguyên đán, ông tôi thường mang chiếu, tráp, giấy điều, mực nho ra ngồi dưới tán cây đa cạnh đình làng để viết thuê câu đối. Viết đến đây tôi lại nhớ đến nhà thơ Vũ Đình Liên với bài thơ Ông đồ nổi tiếng. Vì thế tôi càng nhớ và thương ông tôi da diết.
          Mệ nội tôi, quê phường Dương Xuân, làng An Cư, tổng An Cư cùng phủ Triệu Phong là cháu quan đại thần Nguyễn Văn Tường. Quan Nguyễn Văn Tường sinh năm 1824, theo phái chủ chiến của Tôn Thất Thuyết nên bị thực dân Pháp bắt ông giam xuống tàu chở vào Gia Định, rồi chở ra đày ở đảo Tahiti và chết tại đó năm 1886.
Bên bờ Phước Long Giang,ngày 25/12/2018. Noel 2018

256. Ngày xuân bàn về Thơ Nôm của chủ súy Tao đàn


 NGÀY XUÂN BÀN VỀ THƠ NÔM CỦA CHỦ SÚY TAO ĐÀN
Bài viết cho Trang Thơ Bình Đa Xuân Kỷ Hợi 2019.
Nước Nam ta có rất nhiều ông vua đồng thời là nhà thơ. Triều Trần có đến 7 ông vua là thi sĩ. Cuối thời phong kiến, gần ta nhất có các ông hoàng Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương.  Vua Tự Đức là một nhà thơ lớn.
Tuy nhiên, trong lịch sử thì có một ông vua vừa làm vua, vừa làm thơ nổi tiếng là vua Lê Thánh Tông.
Lê Thánh Tông, tự là Tư Thành, huý là Hạo, con trai út của Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Giao - con gái Thái Bảo Ngô Từ. Sống giữa chốn dân gian từ nhỏ đến năm lên 4 tuổi. Mẹ Nhân Tông khi đó đang buông rèm chính sự, cho đón Tư Thành về ở trong cung rồi phong làm Bình Nguyên Vương hằng ngày cùng vua Nhân Tông và các vương hầu học tập tại toà Kính Diên. Tư Thành chăm chỉ học tập, thông tuệ hơn người, được vua Nhân Tông rất yêu quý.
 Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất - 1442. Ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn - 1460, các quan đại thần phế truất Nghi Dân, rước Tư Thành - lúc đó 18 tuổi lên ngôi. Lê Thánh Tông hết lòng chăm lo việc nước: mở khoa thi, kén chọn hiền tài, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, mở mang ngành nghề, mở rộng giao lưu buôn bán, ban hành chế độ quân điền, coi trọng việc bảo vệ biên giới quốc gia. Bản đồ biên giới quốc gia Đại Việt được hoàn thành dưới triều Lê Thánh Tông. Và là người xuống chiếu giải oan cho Ức Trai trong vụ Lệ Chi Viên án. Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng mang niên hiệu vua Lê Thánh Tông còn lại cho đến nay là một trong những bộ luật hoàn chỉnh và có nhiều điểm tiến bộ nhất dưới thời phong kiến nước ta.  Bộ Đại việt sử ký toàn thư do sử quan Ngô Sĩ Liên biên soạn năm Kỷ Hợi - 1479 dưới sự chỉ đạo của vua Lê Thánh Tông.  Lê Thánh Tông còn lập ra Hội Tao Đàn gồm 28 ông tiến sĩ giỏi văn thơ nhất nước thời đó gọi là "Tao Đàn nhị thập bát tú" do nhà vua làm nguyên suý. Trong đó có Thân Nhân Trung – người có câu văn bất hủ, được ghi vào Văn miếu Quốc Tử Giám: Hiền tài là nguyên khí quốc gia.
                                           ***
Không có vị nguyên thủ quốc gia (ở nước Nam) lại lo cho dân đến cùng như vua Lê Thánh Tông. Ở nửa sau thế kỷ XV, trong bối cảnh cực kỳ thuận lợi của một triều đại thái bình thịnh trị, thơ Nôm được triều đình nhà Lê với vị minh quân Lê Thánh Tông đặc biệt chú trọng. Nhà vua đã nâng việc sáng tác thơ Nôm từ chỗ tự phát đến quy mô quốc gia. Thơ Nôm đã tuyển thành tập “Hồng Đức quốc âm thi tập”.
Lê Thánh Tông là một thi nhân hội tụ được cả 3 yếu tố không thể thiếu với một thi nhân đích thực: trí tuệ phong phú, tài năng sáng tạo thơ và tính chất lãng tử trong tâm hồn.
Ông vua hiền triết này có cái nhìn “vạn vật nhất thể”, thấy được cái vĩ đại trong cái hèn mọn, cái may trong cái rủi, cái đẹp trong cái xấu, cái sướng trong cái khổ. Thơ Lê Thánh Tông hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lê Thánh Tông như một vị thánh nhân đức đã “thế thiên” đi ban phát hạnh phúc cho con người ở cõi nhân gian, cho thần dân mà ông hết lòng yêu thương.
 Chỉ riêng một sự việc của Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương, vợ chàng Trương Sinh nghe con trẻ trỏ cái bóng trên tường, gọi đó là cha mình. Hãy nghe một đoạn “án oan” này của Nguyễn Dữ viết trong Truyện kỳ mạn lục:
Qua sang năm sau, giặc Chiêm chịu trói, quân nước kéo về. Trương Sinh tới nhà thì mẹ đã từ trần, con vừa học nói. Chàng hỏi mồ mẹ rồi bế đứa con nhỏ đi thăm. Ra đến đồng đứa con trẻ quấy khóc, Sinh dỗ dành:
-         Con nín đi, đừng khóc. Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi!
          Đứa con thơ ngây nói:
-         Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.
Chàng ngạc nhiên gạn hỏi. Đứa con nói:
-         Khi ông chưa về đây, thường có một người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cùng đi, ngồi cùng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.
Tính chàng hay ghen, nghe đứa con nói vậy, tin chắc đinh ninh là vợ hư, không còn có cách gì tháo gỡ ra được.
Về đến nhà mắng vợ một bữa cho hả giận. Nàng khóc mà rằng:
-         Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa Tía. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguội lòng, ngõ liễu tường hoa chưa từng bén gót. Đâu có sự hư thân mất nét như lời chàng nói. Dám xin trần bạch để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp.
Chàng vẫn không tin. Nhưng nàng hỏi chuyện kia từ ai nói ra thì giấu không kể lời con nói, chỉ thường thường mắng mỏ, nhiếc móc và đánh đuổi đi. Họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng cũng chẳng ăn thua gì cả. Nàng bất đắc dĩ nói:
-                        Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia, nghi thất. Đâu ngờ ân tình tựa lá, gièm báng nên non. Nay đã bình rơi trâm gẫy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa gẫy cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.
Đoạn rồi nàng tắm gội sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng:
-         Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu chồng con rẫy bỏ, điều đâu bày buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm chi diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi ngưởi phỉ nhổ.
Nói xong gieo mình xuống sông mà chết.
Chàng tuy giận là thất tiết, nhưng thấy nàng tự tận cũng động long thương, tìm vớt thây nàng nhưng chẳn thấy tăm hơi đâu cả. Một đêm phòng không vắng vẻ, chàng ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya, chợt đứa con nói rằng:
Ô, Cha Đản lại đến rồi.
Chàng hỏi đâu? Nó trỏ bóng chàng ở trên vách.
Đây này!
         Sự việc chỉ có thế mà vua Lê Thánh Tông đã có đến 2 bài thơ.
Bài thứ nhất. Miếu bà Trương;
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ
Cung nước chi cho lụy tới nàng?
Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng?
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng

Và bài thứ hai Hoàng Giang, điếu Vũ nương.
Ngàn lau san sát, cỏ xanh xanh
Sảy nhớ ngày xưa kẻ tiết trinh
Cách trở bấy lâu hằng giữ phận
Hiềm nghi một phút bỗng vô tình
Hay lòng, phó mặc vầng cao thẳm
Lẻ bóng tìm nơi chốn vắng thanh
Dầu nhẫn ai ai qua đến đấy
Thương nàng hòa lại trách Trương sinh
Tâm hồn của vị vua thi sĩ dạt dào tình cảm hiện còn khắc trên đá trước cửa miếu Vũ nương tại Lý Nhân, Hà Nam.
Thơ Nôm của Lê Thánh Tông và của thời Hồng Đức là “máu mủ ruột rà”, là di sản văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam ta cần được phổ cập đến mọi người.
Bên bờ Phước Long Giang, viết kỷ niệm ngày Hội Văn Nghệ Đồng Nai bước sang tuổi 40 . 22/12/1979 – 22/12/2018.
Nhà thơ Xuân Bảo.






255. Cây chuyện thứ 12. Cậu Nghẹc bắn voi rừng


Chuyện nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 12.
Cậu Nghẹc bắn voi rừng
Phường Sãi vốn thuộc làng Xuân An, tổng An Đôn, phủ Đăng Xương, Quảng Trị được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho theo vào Đàng Trong từ hồi 1558, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đem theo hàng ngàn binh mã bản bộ từ Gia Miêu ngoại trang vào trấn thủ Thuận Hóa. Đây là vùng duyên sơn, chỉ có đồi sim mua, trảng tranh, không có núi. Trước kháng chiến chống Pháp, vùng này có rất nhiều loại cầm thú, có rất nhiều loài chim: bìm bịp, nghịch, cuốc, chàng làng, sáo, cà cưỡng, tu hú, gà rừng, các loại cu gáy, cu ngói, cu kỳ…Từ điển bách khoa ghi rõ: cu kỳ là cu xanh. Sáng sớm mai cả khi rừng Lùm Miệu rộn rã tiếng hót của các loài chim như một bản hợp xuớng của núi rừng. Chim cu kỳ thiên di theo mùa, bộ lông của nó màu xanh lục rất đẹp, thân to như con bồ câu tây. Tiếng gù của cu kỳ nghe rất êm tai và thịt rất ngon.  Chúng thường đậu trên cành cao, lẫn vào đám lá nên rất khó phát hiện, nhưng chính tiếng gù của nó đã làm hại nó.
Sau ngày Cách mạng Tháng 8 thành công, ông Nghẹc, người làng Đại Hào, tôi gọi bằng cậu – một chiến sĩ Vệ quốc đoàn – được đơn vị phân công đi săn bắn để kiếm thức ăn cho công binh xưởng của Chi đội Nguyễn Thiện Thuật, tiền thân của Trung đoàn 95 sau này, đóng ở làng Như Lệ. Lần theo tiếng gù, cậu bắn một phát đạn ria của khẩu súng hai nòng calipse douze (cỡ đạn 12 mm), vài ba con cu kỳ trúng đạn rơi xuống đất. Những đứa trẻ chúng tôi tranh nhau nhặt về làm bữa ngon lành.
.Voi tuy là động vật hoang dã nhưng đã được con người thuần dưỡng. Trong lịch sử giữ nước tượng binh là một binh chủng khá lợi hại, đã giúp quân ta dẫm nát quân thù. Voi nhà còn được dùng để vận chuyển gỗ từ rừng ra. Quê tôi, trước Cách mạng Tháng 8, người dân chưa biết đến các dân tộc ít người như Pa-cô, Vân Kiều…mà thường gọi chung là cà lơ. Trước mặt nhà ông ngoại tôi có con đường dẫn xuống sông Thạch Hãn. Chỗ bến lội qua sông, tôi thường thấy từng đoàn người cà lơ di dân bằng voi. Và nghe ông ngoại kể, họ có tài đem voi nhà dụ voi rừng về nuôi.
Thời kháng chiến chống Pháp, quân đội ta thiếu thốn mọi bề nên việc cậu Nghẹc tôi được phân công đi kiếm thực phẩm bằng cách săn bắn thú rừng là chuyện thường. Cậu thường đi vào vùng trảng tranh thật xa để tìm bắn thú rừng. Có lần cậu bắn được một con voi to tướng. Cậu thông báo cho các làng gần đó mang theo dao, rựa, triêng gióng (quang gánh) để vận chuyển thịt voi về làng. Tất nhiên là dân làng cũng phải làm nghĩa vụ đem thịt voi về cho Công binh xưởng của cậu. Tôi cũng mang theo dao rựa và triêng gióng theo đoàn người đi xẻo thịt voi. Lúc đi mạ tôi dặn cố gắng lấy cho được cái đợng voi. Đợng tức là cái gan bàn chân của voi. Đợng rất dày, có thể dày tới mười phân, đem về cạo sạch phần da ngoài, luộc chín mềm, cắt thành từng miếng nhỏ khoảng 3 phân vuông, phơi khô, gác lên giàn bếp. Khi có giỗ chạp hoặc ngày Tết thì đem xuống, lấy cát cho vào chảo rang lên cho tới khi nở bung đều, dùng vào việc nấu đọi canh cúng (giống bát canh bóng của người dân miền bắc nấu bằng da lợn rang bỏng). Chỉ có những nhà quyền quý thời thực dân, phong kiến mới có món canh đợng voi, còn đa phần thì dùng da heo.
Hồi trước Cách mạng, dân Quảng Trị thường khi nghe vua Bảo Đại đi săn voi thì hay kéo nhau đi coi. Và người dân phải è cổ ra đóng thuế để xây dựng một con đường giành riêng cho vua đi săn. Con đường đó mang tên là đường Vĩnh Thụy, điểm đầu nối với Quốc lộ 1 tại làng Lai Phước, song song với Đường 9 lên Cùa. Địa danh này cũng nổi tiếng vì vua Hàm Nghi đã chọn Tân Sở làm căn cứ địa chống Pháp và hạ chiếu Cần vương.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 21/12/2018.
Nhà thơ Xuân Bảo
         
         

253 , Câu chuyện thứ 10. Cong múa ngày xuân


Chuyện nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 10.
 Công múa ngày xuân
Cứ mỗi độ xuân tới, có một đôi chim công, một trống và một mái bay về sà xuống trước vạt đất, nơi ông tôi thường trồng lúa ngự. Riêng chữ “ngự” đã biểu hiện một cách cung kính, một loại gạo rất thơm, dẻo để thổi cơm cúng trong những dịp lễ tiết, giỗ, chạp. Tôi thường theo ông đi làm cỏ để nhổ những tép lúa màu tím lẫn trong khóm lúa. Ông bảo rằng: cây lúa màu tím đó sau này sẽ lổ ra hạt lúa mà lòng nó đỏ, các cụ xưa rất kiêng câu thành ngữ: Xanh vỏ đỏ lòng, cho nên không thể dùng để cúng bái được.
 Mặt trời lên chừng một con sào thì con công đực bắt đầu múa, lông đuôi xòe ra như cánh quạt lớn, sải đuôi có tới hơn một thước tây, màu sắc rất đẹp, nhất là màu lục diệp viền quanh lông đuôi những hoa văn mặt nguyệt. Chúng múa rất say sưa mãn nguyện. Thiên nhiên đã ban tặng cho muôn loài những màu sắc kỳ vĩ. Chủ yếu vẫn là màu xanh lục diệp của cây cối: cu kỳ màu xanh, két (vẹt) màu xanh, đến cả công lông cũng màu xanh ấy. Trời đất sẽ đơn điệu biết mấy nếu như tất cả các loài chim đều chỉ có một màu xanh! Vì thế con chim sáo phải là màu nâu như chim cu gáy…cà cưỡng thì vừa có bộ lông đen và trắng. Chèo bẻo và quạ thì đen tuyền. Chèo bẻo thân nhỏ, đuôi dài, rất hung dữ, có thể đánh bại mọi loài chim khác kể cả quạ. Quạ khoang để bắc cầu Ô thước trên sông Ngân cho Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau thì điểm xuyết màu trắng ở cổ. Cò thì trắng, thật là vạn vật muôn loài muôn màu sắc. Đó là bức tranh tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban cho con người!     
          Đôi công múa rất đẹp, rất uyển chuyển trông thật vui mắt. Ông thường dạy bảo chúng tôi, những đứa trẻ tinh nghịch thích dùng ná để bắn chim, không được bắn chim công. Ná là một chạc cây như chữ Y in hoa, hai sợi dây cao su được buộc vào một miếng da dùng để bỏ viên bi hoặc đá sỏi có độ tròn trơn vào làm đạn bắn, hai đầu kia buộc vào hai bên càng ná. Viên bi được kẹp căng ra và thả cho trúng mục tiêu. Lũ chúng tôi thường dùng ná để bắn chim hoặc gà rừng.
Có một điều gì đó rất chi là bí ẩn, thiêng liêng ăn sâu vào tâm khảm mọi người nên hai con công rất dạn dĩ với người. Người xem công múa cũng thành kính như khi cúng bái, cầu nguyện. Sau tết Nguyên tiêu thì chúng bay đi đâu không rõ, đợi mùa xuân năm sau lại về múa cho dân làng xem.
Sau này khi sống ở Hà Nội, tôi có dịp được xem những tiết mục “múa công” của các nghệ sĩ Đoàn Ca múa Trung ương. Những dịp ra nước ngoài tôi cũng đã từng được xem “múa công” ở Trung Quốc, ở Thái Lan, ở Indonésia, Campuchia. Nhìn lên sân khấu thấy nghệ sĩ đeo lông công thật múa lượn, tôi bất giác nhớ đến ông ngoại, một thầy thuốc bắc giỏi nhất vùng và là một chủ điền trang giàu có nhưng không xa rời cái cuốc cái cày. Ông lao động như một lão nông dân tri điền. Nhưng sao tôi vẫn thấy nhớ đôi công thật ngày xưa múa đẹp hơn, thật hơn, dù không có nhạc nền
Giờ đây đi đường bộ qua đoạn Tĩnh Gia – quê hương của Đào Duy Từ – thấy cả một dãy dài hàng cây số bày bán các loại chim rừng mà lòng thấy xót xa. Con người sao nỡ đối xử với cầm thú tàn nhẫn đến vậy. Chúng ta thường nói đến quyền sống cho dù là của bất cứ một động vật nào, cao cấp cũng như cấp thấp. Đã biết rằng “chim trời, cá nước, ai bắt được nấy ăn” nhưng mà đem chúng về để thỏa mãn một thú vui, một kiểu trang trí cho ngôi nhà, cho vườn nhà để làm đẹp và khoe mẽ với thiên hạ rằng: Ta là người biết chơi, chịu chơi đây thì khác nào những tên trọc phú mà Molière đã viết trong vở kịch nổi tiếng Trưởng giả học làm sang (Le bourgeois gentilhome) mà thôi. Cái kiếp “cá chậu, chim lồng” là không thể chấp nhận. Hãy trả chúng về với thiên nhiên, cho chúng cái quyền được tự do, được sống.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 4/12/2018.
Nhà thơ Xuân Bảo.

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2018

252. Chuyện nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 9..



252. Chuyện nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 9.
Kiếm sống bằng đánh bắt thủy sản trên sông.
Sông Thạch Hãn còn có một tên khác là Nguồn Hàn với câu ca dao:           “Không thơm, cũng thể hương đàn
Không trong cũng nước Nguồn Hàn chảy ra
         Ở Quảng Trị, tên Thạch Hãn còn đặt cho một làng quê và gọi theo dân dã là làng Đá Hàn, làng Thạch Hãn nằm trên đoạn đường sắt chạy qua thị xã Quảng Trị. Chữ Hàn cũng có nghĩa là cản lại. Sông Thạch Hãn là dòng sông dài nhất của tỉnh, nước trong vắt bốn mùa. Vì chảy qua rất nhiều lèn đá, núi đá. Chả thế mà cụ Tam Nguyên Yên Đỗ khi đi qua sông đã để lại:
             “Tây Phong hà xứ xuy trần khởi
    Bất trợ niên tiền triệt để thanh
Dịch thơ:
 “Gió Tây đâu cuốn bụi dồn
           Nước trong thấu đáy nay còn nữa đâu”
          Thi sĩ xứ Huế Khiêm Trai, tức Tương An Công Miên Bửu, trong bài thơ “Dạ túc Quảng Trị tân thứ” (Đêm nghỉ tại bến sông Quảng Trị) thì xúc cảm:
 “Danh cao lan xạ Kim Lung tửu
           Sắc tự thanh trừng Thạch Hãn than…
 Dịch thơ:   
          Chén rượu Kim Long hương ngát đậm
 Bãi sông Thạch Hãn nước trong veo…”
          Ngoài rào, vùng quê tôi không gọi sông Thạch Hãn mà nói là rào Thạch Hãn. Rào có nghĩa như con sông (tiếng Pháp phân biệt danh từ chỉ sông lớn như sông Hồng Hà là fleuve, còn sông nhỏ như sông Thạch Hãn là rivière, nếu là sông con, ngòi, lạch thì là rivièrète). Nơi bến Phường Sãi có một cái hà (giống như một cái lạch nước lấn vào bờ), chỗ nước sâu nhất chừng quá ngực một chút.
          Bọn trẻ thường xuống tắm ở đó. Hà có rất nhiều cá mương. Chúng không sợ người mà còn xông vào rỉa ráy. Dọc theo cái hà này, dài chừng ba bốn trăm mét, cậu Diêu Xoan thường hay đổ bổi khi mùa lũ về. Cậu đặt khoảng 20 bó bổi. Bổi được làm bằng những cành lá duối, nếu thiếu thì có thể bó thêm ít cành sim, cành nè hóp không gai và nhiều loại cây có cành khác, có chiều dài khoảng trên một mét, được bó thành từng bó, có dây buộc vào cái cọc trên bờ để nước không cuốn trôi. Tôm cá chui vào nấp hoặc tìm mồi trong đó. Người đổ bổi dùng một cái rổ sảo, đường kính to bằng cái nống phơi lúa. Cứ mỗi buổi sáng cậu Diêu và anh Vọng nhẹ nhàng lội xuống nước, nhẹ nhàng chúi cái rổ sảo ấy xuống bụng bó bổi rồi từ từ nâng lên. Cá rô, cá giếc, tôm và nhiều loài thủy sản khác, có khi được cả chạch lấu, cá hanh hoặc con hôn (một loại ba ba). Đổ hết những bó bổi thu hoạch cũng được vài ba ký lô, đủ cải thiện bữa ăn gia đình và người làm trong ngày.
               Đoạn sông này có lợi thế là có bậc lên xuống, không như những đoạn bãi bồi toàn cát. Con sông nào cũng có một bên lở thì bên kia là bồi. Vậy nên cứ đến mùa lụt Mạ tôi thường ngồi gần như sáng đêm để vợt tép. Để chuẩn bị cho việc vợt tép, trước đó những ngày hè Mạ đã vào rú chặt những cây sặt, một loại họ sậy, đem về phơi khô, bó thành từng bó nhỏ có đường kính khoảng một tấc tây để dùng làm đuốc đốt vợt tép. Khi nước lũ tràn về thì đêm đến Mạ mang một cái thúng, một cái vợt tự chế bằng vải mùng và thanh tre vót nhẵn bẻ cong lại, giống y như cái vợt cầu lông hiện nay, mấy bó đuốc. Hồi đó chưa có đập thủy lợi, thủy điện nên nước lụt dù có lên nhanh nhưng rút cũng nhanh, mà nó còn không hung hãn như bây giớ cho nên bọn trẻ rất thích có lụt để được đi vớt củi rều và đi bắt cá rô đẻ.  Trời tối, đuốc đốt lên không cháy thành lửa ngọn mà chỉ đỏ lửa than. Những bầy tép đi thành đàn cặp mép sông, bơi ngược dòng. Nước chảy xuôi nhưng tôm tép thì bơi ngược. Ngồi sáng đêm Mạ tôi xúc được bộn tép, có khi được cả thúng. Ngoài số tép dùng cho các bữa ăn, số còn lại Mạ tôi muối làm mắm để ăn dần. Dì Mão đã bắc sẵn lên bếp một nồi cháo gạo ít khoai nhiều. Dì xuống bến đến chỗ Mạ đang xúc tép và lấy một mớ tép. Dì vợt những con tép đang nhảy tưng tưng trên mặt thúng cho vào thúng nhỏ đem lên, chỉ dội lại một lần nước và cho vào nồi cháo, chỉ cần nêm thêm vài muỗng muối là có món cháo rất ngọt ngon. Tôi múc một đọi to mang xuống bến cho Mạ. Nhìn Mạ sùm sụp trong chiếc áo tơi rách với cái nón mê trên đầu mải mê vợt tép để nuôi đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn, trong khi Ba tôi còn đi chiến đấu bảo vệ quê hương. Tôi thấy thương Mạ vô ngần!                
Trừ những khi có lụt, còn lại là những đêm trời trong, Mạ thường đi soi cá. Soi cá cũng dùng đuốc bằng cây sậy hoặc cây hóp chẻ nhỏ, phơi khô bó thành từng bó bằng cái cột nhà tre, dài chừng 2 mét. Tối đến đuốc được đốt ở bến nước, rồi lội xuống mép sông, một tay giữ cây đuốc trên vai, một tay cầm cái nơm, khi thấy cá đóng đèn, tức là đóng ánh sáng đuốc. Chúng đứng im một chỗ thì dùng nơm úp lên con cá, bó đuốc tạm thời bỏ lên bờ, thò tay vào nơm bắt cá, thường là loại cá chép, cá trôi, cá mè…có con nặng cả ký lô. Khi không dùng nơm thì dùng dao thái chuối, thấy cá đóng đèn thì lấy dao chém. Có con bị chém dứt làm đôi. Đi soi cá thường đi vào đầu hôm, cháy hết hai cây đuốc thì về nhà. Số cá thu được cũng kha khá, chừng vài ba ký, đủ dùng cho vài ngày.   
          Trong thời 9 năm, Dì Mão sang ở với Mạ tôi. Dì là con gái cả của ông Thợ Trì, người làm vè nổi tiếng cả tổng An Đôn. Vì nhà quá nghèo nên ông thợ phải cho người con trai tên là Nguyễn Văn Loan, em Dì đi ở chăn trâu cho cậu Diêu Xoan của tôi. Còn Dì thì được Mạ tôi cưu mang trong những năm đầu chống Pháp cực kỳ khó khăn. Có lần Dì đang lúi húi xúc cá bống thì bọn giặc Pháp lên lùng bên làng Như Lệ. Chúng trông thấy Dì và xả súng bắn. Dì bị chúng bắn bị thương ở đùi. Hồi đó không có thuốc kháng sinh nên chỉ rửa vết thương bằng lá cây rừng. Nhưng rồi cũng qua khỏi. Một thời gian sau, Dì Mão được Dượng Lê Trường Tôn cưới làm vợ. Và họ sinh được sáu người con ba trai và ba gái. Người con trai thứ hai Lê Trường  Quyền đi bộ đội và hy sinh tại chiến trường Bình Trị Thiên, được truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Hai người con trai của Dì là Lê Trường Cận và Lê Trường Kỳ cùng người con gái thứ ba Lê Thị Hoàng hiện sinh sống tại quê nhà. Sau giải phóng miền Nam, hai người con của Dì (Hoàng và Cận), được chính quyền cấp đất làm nhà ngay trên bức nương của Mạ tôi.
Dọc theo bờ sông, thỉnh thoảng bọn trẻ chúng tôi đào thấy những ổ trứng hôn (con ba ba), có ổ có đến hơn hai chục trứng, nhưng không hiểu vì sao hồi đó, người dân không ăn trứng hôn và trứng rùa? 
Muốn qua rào chính thì phải qua một cồn cát. Cồn cát này, trong những năm đánh Pháp, theo lời kêu gọi “Tăng gia sản xuất” đã tận dụng để trồng khoai lang. Sau ba tháng thì nhổ lên, củ chỉ to bằng ngón chân cái người lớn, nhưng rất nhiều củ và ăn rất ngon, thơm và bùi. Tắm ở ngoài dòng chính rất nguy hiểm vì nước chảy xiết. Đã có lần tôi suýt bị chết đuối do nước cuốn, may mà tôi kịp thời bơi ngửa, chân đạp mấy cái mới vào được chỗ nông.
          Giữa rào, trên cao thường có mấy chú diều hâu. Chúng bay lượn rất mềm mại, sà đôi cánh như múa trong không trung. Nhưng đôi mắt thì rất tinh. Từ trên cao, chim diều hâu nhìn thấu đáy sông. Và khi đã phát hiện được cá thì chúng lao mình xuống nước như một mũi tên và hai chân của chúng quắp một con cá to. Diều đáp xuống giữa cồn cát ăn con cá ngon lành.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11/2018
Nhà thơ Xuân Bảo

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

251.Chuyện nhỏ làng quê. Bẫy cọp

251.Chuyện nhỏ làng quê.
Câu chuyện thứ 8.

Bẫy cọp
Cầm thú cũng đủ loại: Cọp thỉnh thoảng ghé về, tiếng kêu bép bép. Dân làng không dám gọi là con cọp mà gọi là “ông” cọp. Người ta đồn rằng “ông” rất thính, nghe được tiếng người nhắc đến mình, nhưng có tật mau quên, nhất là động vào bất kỳ cành cây chiếc lá nào là quên ngay việc đi bắt người. Chuyện về cọp ở đây - nói chung là cái vùng duyên sơn Quảng Trị của dãy Trường Sơn - rất nhiều chuyện ly kỳ, rùng rợn. Năm 1950, năm ta là năm Canh Dần. Dần là ứng với cọp trong 12 con giáp. Đúng là một năm rừng động. Thảm kịch xảy ra giữa cọp và người rất khủng khiếp. Chúa sơn lâm đã làm mưa làm gió một vùng. Những tay thợ bắn cọp cũng một thời nổi tiếng. Ông Bát Bé, ông Đen đã bắn được nhiều cọp ở đoạn này từ Bến Than tới Trái, Trấm và Tràu, Phong An, Dốc Dài, Dốc Son…Chuyện ông Đen bắn cọp được dân trong vùng ca ngợi hết lời. Có một buổi chiều, cọp bắt một bé gái chăn trâu gần Động Ôi. Được tin báo, ông Đen xách khẩu súng trường mút-cơ-tông (mousqueton) chạy vào động. Từ xa đã nhìn thấy con cọp đang vờn mồi. Ông lựa phía cuối chiều gió để cọp không ngửi thấy mùi hơi người. Mặt trời thì sắp lặn, để đến tối thì nguy hiểm. Con cọp để em bé nằm đầu xuôi phía đông. Không thể chờ, ông Đen đã giặng hắng một tiếng, cọp liền quay phắt về phía ông, phía mặt trời đang lặn. Do chói nắng nên cọp hơi lúng túng trong khi đó một phát súng nổ đoàng, đúng vào giữa trán con cọp. Nó chỉ nhảy đựng lên khoảng hai mét và nằm chết tươi trước chỗ ông Đen nấp bắn khoảng năm mét. Dân làng khiêng xác em bé về chôn cất, con cọp cũng được đưa về làng. Chẳng hiểu vì sao hồi đó người dân không ăn thịt và cũng chẳng nấu cao hổ cốt? Bà ngoại của tác giá bút ký này cũng bị cọp bắt khi chạy giặc Tây lên lùng. Sau này khi tìm được nơi bà bị cọp ăn tại Phúc Trèn thì chỉ còn lại bộ xương khô và cái khăn quàng cổ bằng đũi, một loại vải dệt từ tơ tằm, rất bền, khó mục.
Dân làng Thượng Phước cũng đã làm bẫy bắt cọp. Bẫy là những cây tre đực dài trên ba mét, ngọn được vót nhọn, gốc chôn xuống đất ở độ sâu nửa mét, kết lại với nhau bằng những cây tre nằm ngang, hai lớp trên và dưới cách nhau một mét, buộc vào hàng tre đứng bằng những sợi dây chìu, dây mây thật chặt. Cái hàng rào kiên cố này được dựng ba phía. Phía còn lại thì để chừa lối vào cho cọp. Những thanh tre cật được đan thành một cái liếp (phên). Hai bên cửa có hai cây tre đực được vót nhọn một đầu, một đầu để bằng, có dây kết nối với tấm liếp cửa bằng một sợi dây dừa to bằng ngón chân cái. Sau này khi Pháp nhảy dù xuống Hòn Linh, Bậc Lở, quân ta thu được chiến lợi phẩm nhiều thứ trong đó có những chiếc dù mà sợi dây dù rất dai và chắc. Bộ đội cho dân làng để làm bẫy cọp. Sợi dây dừa hay dây dù được kéo căng ra và móc vào hai cái chốt. Cọp bước vào thì chốt bật ra, kéo tấm liếp đứng lên. Trong lúc đó hai cây tre hai bên tự động đóng cửa lại. Cọp vào bên trong chuồng bẫy rồi nhưng không thể nào ăn thịt được con mồi. Vì rằng con mồi, thường là con bê con được nhốt trong một cái cũi rất chắc. Sáng ra, dân làng và dân quân du kích vác súng và những cây giáo dài ra để bắt cọp mắc bẫy, thường thì phải bắn hạ, ít khi bắt sống cọp.
Nhân nói chuyện bẫy cọp xin nói thêm về chuyện bẫy heo rừng. Muốn bẫy heo rừng thì phải đào hầm. Hầm có kích thước: sâu 1 mét rưỡi, chiều ngang và chiều dọc thì tùy, nhưng phải từ 1 mét rưỡi. Miệng hầm được lót phên đan bằng tre chẻ ra từng mảnh. Tấm phên được gác lên những thanh tre nhỏ cỡ ba phân và rắc một lớp đất lên trên tấm phên để ngụy trang. Nương sắn phải rào thật kín, heo không chui vô được. Chỉ để một khoảng trống chừng bốn năm mươi phân nơi bên trong có hầm bẫy. Vào mùa thu hoạch sắn. Lũ heo rừng thường về ủi tìm thức ăn. Có khi đi từng đàn năm bảy con. Chúng rảo quanh nương sắn tìm đường vào. Thấy chỗ trống, chúng tranh nhau, chen lấn chui vào dẫm lên thì tấm phên sụp xuống, có khi hai ba con heo tụt xuống hầm. Hầm sâu, heo không thể nào nhảy lên được. Chủ nương sắn vác giáo ra đâm hoặc thả dây tróng vào cổ, vào chân heo để bắt sống đem về làm thịt. Nhà ông Sáng bên xóm Mộ, đối diện với dinh cơ ông huyện Hoàng Hữu Kiệt, thường bẫy heo kiểu này.
Cả vùng rừng núi, độộng, trảng, hác xã Phong Sơn có rất nhiều loại thú rừng nhưng người dân ở đây không lập phường săn. Mặc dù đã từ lâu Lễ hội săn bắt thú rừng của làng Thượng Phước được đưa vào danh mục Lễ hội quốc gia. Lễ hội khai mạc ngày rằm tháng Ba âm lịch, có bà con của hai làng anh em Thượng Nghĩa và Thượng Trạch tham dự. Đây là Lễ hội truyền thống để nhớ về Ngài Tiền khai Võ nguyên Hùng dõng Hùng Quốc công – người đã có công truyền nghề săn bắt thú rừng để bảo vệ mùa màng, thể hiện sức mạnh đoàn kết của dân làng.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 19/11/2018
Nhà thơ Xuân Bảo

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

250..Quảng Trị quê tôi

250.QUẢNG TRỊ QUÊ TÔI.

(Viết nhân Ngày hội Thống nhất non sông 27 tháng 7 hàng năm ở Quảng Trị)
                                                              Nhà thơ Xuân Bảo
Trong cổ sử. Từ thời Hùng Vương - An Dương Vương, vùng Quảng Trị ngày nay được cho là thuộc lãnh địa bộ Việt Thường của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Đầu thời Hán thuộc (từ năm 179 trước Công Nguyên đến năm 192), Quảng Trị thuộc đất quận Nhật Nam. Cuối thế kỷ 2, nhân triều đình nhà Hán sụp đổ, Trung Quốc rơi vào tình trạng loạn lạc, cát cứ, một chính quyền bản xứ của quận Nhật Nam và xứ Tượng Lâm đã được hình thành, lập nên vương quốc Lâm Ấp. Lãnh thổ của Lâm Ấp được phỏng đoán tương ứng với vùng từ đèo Hải Vân đến đèo Ngang ngày nay, tức bao gồm cả vùng Quảng Trị. Vào thời Lý- mãi đến thế kỷ 10 mới giành lại được độc lập, nhưng các chính quyền của nhà nước Đại Việt nhanh chóng phát triển về mọi mặt và luôn tìm cách phát triển lãnh thổ để giành lấy không gian sinh tồn trước sự uy hiếp của Trung Quốc ở phía Bắc và Chăm Pa (hậu thân của Lâm Ấp) ở phía Nam. Sự phát triển nhanh chóng của Đại Việt là mối lo ngại cho Chăm Pa cũng như tham vọng của nhà Tống. Để loại trừ mọi uy hiếp ở phía Nam và phá tan âm mưu của nhà Tống câu kết với Chăm Pa đánh phá Đại Việt, năm 1069 vua Lý Thánh Tông thân chinh thống lĩnh 5 vạn quân cùng Lý Thường Kiệt đi tiên phong đánh thẳng vào kinh đô Chà Bàn, bắt được vua Chăm Pa là Rudravarman III (sử Việt chép tên là Chế Củ) đưa về Thăng Long. Để chuộc tội, Chế Củ xin dâng 3 châu: Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt. Vua Lý Thánh Tông nhận 3 châu đó rồi tha cho Chế Củ về nước. Ông cho đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh. Địa bàn của châu Minh Linh được phỏng đoán tương ứng với vùng đất từ Cửa Việt trở ra phía bắc Quảng Trị ngày nay, gồm các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Đa Krông, một phần đất của thành phố Đông Hà, các huyện Hướng Hóa và Vĩnh Linh hiện nay. Vào thời Trần có một trong những sự kiện lịch sử đáng nhớ là: Năm 1306, vua Chăm Pa là Jaya Sinhavarman III (Chế Mân) dâng biểu cầu hôn lên vua Trần Anh Tông xin cưới Công chúa Huyền Trân và dâng 2 châu Ô và Lý (Rí) làm vật sính lễ. Vua Trần bằng lòng gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân và nhận hai châu Ô, Rí. Năm 1309, nhà Trần đổi châu Ô thành Thuận Châu, châu Rí thành Hóa Châu. Địa bàn Thuận Châu tương ứng với vùng đất từ sông Hiếu - Cửa Việt trở vào phía Nam Quảng Trị ngày nay, trong đó có các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và một phần đất thành phố Đông Hà hiện nay.
Từ đó cho đến khi người Việt hoàn thành công cuộc Nam tiến, dù có vài lần Chăm Pa chiếm lại được quyền kiểm soát, nhưng chung quy người Việt vẫn làm chủ được vùng này. Đặc biệt từ sau năm 1558, khi Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông sai vào trấn thủ Thuận Hóa, đóng Dinh Cát ở Ái Tử. Các chúa Nguyễn đã áp dụng những chính sách di dân cũng như cho phép người nước ngoài nhập cư vào Đàng Trong, đặc biệt là người Hoa, nhằm làm tăng nhanh dân số cũng như tiềm lực kinh tế để làm cơ sở tranh hùng với các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
Trong suốt gần 300 năm, vùng đất Quảng Trị tồn tại với tên gọi Cựu dinh thuộc vào trấn Thuận Hóa. Mãi đến sau khi Gia Long lên ngôi năm 1802, đã đặt lại Cựu dinh thành dinh Quảng Trị, bao gồm các huyện Hải Lăng, Đặng Xương (tên cũ là Vũ Xương), Minh Linh và đạo Cam Lộ. Năm 1806, Quảng Trị trở thành dinh trực lệ kinh sư Huế. Năm 1822, đặt châu Hướng Hóa lệ thuộc đạo Cam Lộ. Đến năm 1827, dinh Quảng Trị nâng lên thành trấn Quảng Trị. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh Quảng Trị. Năm 1853, tỉnh Quảng Trị hợp nhất với phủ Thừa Thiên thành đạo Quảng Trị. Tới năm 1876, tỉnh Quảng Trị được tái lập.
Thời Pháp thuộc. Sau khi nắm được quyền kiểm soát Đông Dương, ngày 3 tháng 5 năm 1890, Toàn quyền Đông Dương Jules Georges Piquet ra Nghị định hợp Quảng Trị với tỉnh Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị. Ngày 23 tháng 1 năm 1896, Toàn quyền Paul Armand Rousseau ra Nghị định rút Quảng Trị ra khỏi địa hạt thuộc quyền Công sứ Đồng Hới, cùng Thừa Thiên dưới quyền Công sứ Trung Kỳ, đặt một phó Công sứ đại diện cho Khâm sứ ở Quảng Trị. Đến năm 1900, Toàn quyền Paul Doumer ra Nghị định tách Quảng Trị ra khỏi Thừa Thiên lập thành một tỉnh riêng biệt gồm 4 phủ: Triệu Phong (Thuận Xương cũ), Hải Lăng, Vĩnh Linh (Chiêu Linh cũ) Cam Lộ và huyện Gio Linh. Ngày 17 tháng 2 năm 1906, Toàn quyền Paul Bert ra Nghị định thành lập thị xã Quảng Trị và đặt làm tỉnh lỵ.
Năm 1954, Sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời, tỉnh Quảng Trị tạm thời chia làm hai vùng: Vùng bờ nam sông Bến Hải là tỉnh Quảng Trị, gồm các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Hướng Hóa, xã Vĩnh Liêm và một phần của xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh), thị xã Quảng Trị, do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý; hơn 3/4 địa bàn và dân cư của huyện Vĩnh Linh ở phía Bắc vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) do Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý, được thành lập đặc khu. Đặc khu Vĩnh Linh tương đương đơn vị hành chính cấp tỉnh, trực thuộc Trung ương. Sau khi Sài Gòn thất thủ (30-4-1975), tỉnh Quảng Trị và đặc khu Vĩnh Linh được Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp quản. Từ tháng 3 năm 1976, thực hiện Quyết định của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Quảng Trị cùng hai tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên và đặc khu Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh mới là Bình Trị Thiên. Ngày 11 tháng 3 năm 1977, hợp nhất 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ thành huyện Bến Hải; hợp nhất 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng thành huyện Triệu Hải.
Ngày 17 tháng 12 năm 1996, huyện Đa Krông được thành lập trên cơ sở tách 10 xã thuộc huyện Hướng Hóa và 3 xã thuộc huyện Triệu Phong. Ngày 1 tháng 10 năm 2004, thành lập huyện đảo Cồn Cỏ.
Hiện Quảng Trị có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã (trong đó có 7 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố), có 136 xã, phường và thị trấn.
Quảng Trị. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía Tây giáp các tỉnh Savannakhet và Saravane, (Lào), phía Đông giáp biển Đông. Tỉnh lỵ của Quảng Trị là thành phố Đông Hà nằm cách thủ đô Hà Nội 593 km về phía Bắc và cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.120 km về phía Nam.
Quảng Trị là một tỉnh nằm ở dải đất miền Trung Việt Nam, nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc - Nam. Tọa độ địa lý trên đất liền Quảng Trị ở vào vị trí Cực Bắc là 17°10′ vĩ Bắc, thuộc địa phận thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh. Cực Nam là 16°18′ vĩ Bắc thuộc bản A Ngo, xã A Ngo, huyện Đa Krông. Ngập úng vào mùa mưa lũ. Cực Đông là 107°23′58″ kinh Đông thuộc thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, Hải Lăng. Cực Tây là 106°28′55″ kinh Đông, thuộc địa phận đồn biên phòng Cù Bai, xã Hướng Lập, Hướng Hóa. Với tọa độ địa lý này, Quảng Trị được tạo nên bởi một không gian lãnh thổ mang sắc thái khí hậu nhiệt đới ẩm, điển hình của vòng đai nội chí tuyến Bắc bán cầu và chịu ảnh hưởng rất lớn của biển Đông.
Phía Bắc của tỉnh Quảng Trị giáp huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), phía Nam giáp hai huyện A Lưới, Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế), phía Tây giáp tỉnh Savanakhet (Lào), với chiều dài biên giới chung với Lào là 206 km, được phân chia bởi dãy Trường Sơn hùng vĩ. Phía Đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 75 km và được án ngữ bởi đảo Cồn Cỏ, có tọa độ địa lý 17°9′36″ vĩ Bắc và 107°20′ kinh Đông, Đảo Cồn Cỏ cách bờ biển (Mũi Lay) 25 km, diện tích khoảng 4 km². Chiều ngang trung bình của tỉnh 63,9 km, (chiều ngang rộng nhất 75,4 km, chiều ngang hẹp nhất 52,5 km).
Tuy với một diện tích không rộng, người không đông nhưng do nằm ở vị trí chiến lược quan trọng nên Quảng Trị đã và đang giữ vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ và khai thác biển Đông, giao lưu giữa hai miền Bắc - Nam của đất nước cũng như lưu thông thuận lợi với các nước phía tây bán đảo Đông dương, các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và thế giới qua Lao Bảo - hành lang quốc lộ số 9 ra cảng Cửa Việt.
Địa hình đa dạng bao gồm núi, đồi, đồng bằng, cồn cát và bãi biển chạy theo hướng tây bắc - đông nam. Quảng Trị có nhiều sông ngòi với 7 hệ thống sông chính là sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, sông Hiếu, sông Ô Lâu, sông Bến Đá, sông Xê Pôn và sông Sê Păng Hiêng. Sông ở các huyện miền núi có khả năng xây dựng thủy điện vừa và nhỏ. Nhìn đại thể, địa hình núi, đồi và đồng bằng Quảng Trị chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam và trùng với phương của đường bờ biển.
Sự trùng hợp này được thấy rõ trên đường phân thủy giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây. Ở Quảng Bình, các đỉnh cao nhất đều nằm ở giữa đường biên giới Việt - Lào nhưng ở Quảng Trị, các đỉnh cao lại nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Các sông lớn như Sê Păng Hiêng, Sê Pôn... đều bắt nguồn từ Việt Nam chảy qua Lào.Tuy nhiên nếu xem xét địa hình ở quy mô nhỏ hơn, từng dãy núi, từng dải đồi thì địa hình lại có hướng song song với các thung lũng sông lớn như Cam Lộ, Thạch Hãn, Bến Hải...
Tính phân bậc của địa hình từ tây sang đông thể hiện khá rõ ràng. Nếu ở phía tây của đường phân thủy địa hình nghiêng khá thoải, bị phân cắt yếu thì ở phía đông đường phân thủy chuyển nhanh từ núi trung bình xuống đồng bằng. Các bậc địa hình bị phân cắt khá mạnh bởi mạng lưới sông suối dày đặc với trắc diện dọc và ngang đều dốc. Đồng bằng hẹp, phía Tây thì lộ đá gốc, phía đông là địa hình cát. Dải địa hình đồng bằng cấu tạo bởi phù sa ở giữa lại thấp và dễ dàng bị ngập úng.

THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ “81 NGÀY ĐÊM MÁU VÀ HOA”.

Diện tích: 25 ha. Chiều cao: 4 m. Xây dựng: 1809
Thành Cổ Quảng Trị hoặc Cổ thành Quảng Trị là một Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam được xếp hạng đợt 4, tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.
Đầu thời Gia Long, thành Quảng Trị được xây dựng tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành - Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (tức vị trí ngày nay, thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị). Ban đầu thành được đắp bằng đất, tới năm 1837 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là hơn 2.000 m, cao hơn 4 m, dưới chân dày hơn 12 m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài nhô hẳn ra ngoài. Thành được xây theo lối kiến trúc (Vauban) thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian. Thành trổ bốn cửa chính ở các phía Đông, Tây, Nam, Bắc.
Trong những năm 1809-1945 nhà Nguyễn lấy làm thành lũy quân sự và trụ sở hành chính. Từ năm 1929, Pháp xây dựng thêm nhà lao ở đây và biến nơi đây thành nơi giam cầm các những người có quan điểm chính trị đối lập.
Tại nơi đây đã có những trận đánh lớn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong các năm 1968, 1972. Sau chiến dịch Thành Cổ "chiến dịch Xuân - Hè 1972" 1972 toàn bộ Thành Cổ gần như bị san phẳng; chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn.
Trong thập niên 90 của thế kỷ 20, UBND tỉnh Quảng Trị cho tôn tạo lại thành để làm di tích. Người ta phục chế vài đoạn tường thành, làm lại bốn cổng chính, ngay trung tâm thành được xây một đài tưởng niệm ghi dấu ấn 81 ngày đêm năm 1972. Góc phía tây nam dựng lên một ngôi nhà Hiện đại làm bảo tàng. Toàn bộ đường dẫn vào di tích và mặt đất bên trong Thành Cổ được tráng xi măng chừa ô trồng cỏ. Thành Cổ được người dân trong vùng xem là "Đất Tâm Linh" vì nơi đây bất cứ tấc đất nào cũng có bom đạn và máu xương các binh sĩ hai bên. Hiện nay là một công viên lớn nhất Thị xã Quảng Trị.
Trận Cổ thành Quảng Trị 1972
Thành Cổ Quảng Trị còn nổi tiếng là nơi diễn ra trận chiến 81 ngày đêm giữa lực lượng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam với liên minh Quân đội Hoa Kỳ-Quân lực Việt Nam Cộng hòa có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực từ pháo hạng nặng, pháo hạm và B-52 ném bom của quân đội Mỹ. Đây là một trận đánh gây thiệt hại nặng cho cả hai bên và là trận đánh khốc liệt nhất toàn bộ cuộc chiến. Kết quả, Quân lực Việt Nam Cộng hòa tái chiếm được Thành Cổ và một phần thị xã nhưng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam giữ được nửa bắc tỉnh Quảng Trị, các vị trí chiến lược ở cực Tây tỉnh Quảng Trị và xung quanh Thành cổ cũng như các vị trí xung yếu trong thị xã. Hiện nay tại bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị vẫn còn có nhưng di vật, và những bức thư bộ đội gửi vĩnh biệt gia đình trong thời gian xảy ra trận đánh này.
Thành Cổ Quảng Trị được xếp vào danh mục những Di tích quốc gia đặc biệt và là điểm thu hút hấp dẫn khách tham quan Việt Nam và khách du lịch quốc tế.
***
MỘT KHÚC BI TRÁNG
Thành Cổ Quảng Trị là một khúc ca bi tráng, một bản anh hùng ca bất tử.
Ngày đó, hàng vạn người lính bơi qua sông Thạch Hãn vào Thành Cổ và nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại với dòng sông, để rồi cựu chiến binh Lê Bá Dương ngày hòa bình trở về chất đầy một thuyền hoa huệ trắng thả xuống sông viếng bạn bè, và từ tim anh, những câu thơ yêu thương ứa máu dành cho đồng đội:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

Chưa ai biết đích xác có bao nhiêu người lính đã nằm lại đây, có số liệu bảo hơn một vạn, có tài liệu bảo hơn một vạn rưỡi, nhưng tại nghĩa trang Thành Cổ chỉ chưa đến một ngàn nấm mộ, hầu hết là vô danh, bao nhiêu nữa những chiến sĩ trẻ vừa rời giảng đường vào Thành Cổ ngày ấy đã vĩnh viễn không thể tìm thấy thân xác. Chỉ vừa mấy tuần trước đây thôi, những người thợ đào móng xây tháp chuông Thành Cổ đã tìm thấy sáu hài cốt, chỉ một hài cốt chắc chắn là liệt sĩ nhờ những di vật kèm theo, còn năm hài cốt khác không ai dám chắc, nhưng chắc chắn họ đã nằm lại đất này vào mùa hè khốc liệt ấy.
Họ, những cựu chiến binh Thành Cổ, về lại đêm nay có người đang giữ những trọng trách như ông Nguyễn Quốc Triệu - chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Đinh Thế Huynh - tổng biên tập báo Nhân Dân... Nơi đây, các anh đã trồng những cây đa Ấn Độ để tưởng nhớ.
Ông Nguyễn Trọng Bường, một cựu chiến binh Thành Cổ, bằng chất giọng Quảng Trị mộc mạc kể về những người lính sinh viên ấy: “Hồi đó, thấy mấy anh từ Bắc vào anh nào cũng trắng trẻo, thư sinh đẹp trai, nhìn mấy anh ấy tụi tui thấy tiếc, cứ nghĩ những người như mấy anh phải đi học, phải làm bác sĩ, kỹ sư để xây dựng đất nước chứ răng lại vào đây cầm súng chiến đấu?”. Và chính lớp chiến sĩ - sinh viên Thành Cổ ấy đã tạo thêm một nét hào hoa trong trang sử bi tráng của mảnh đất này.
Trước tượng đài Chiến sĩ - sinh viên Thành Cổ, bài hát Nga Khi đàn sếu bay qua của Ian Frenkel vang lên, bài hát của một thế hệ lính trẻ ra trận nhưng trong balô luôn có những tập thơ, giữa những phút lặng im của bom đạn họ đã viết những dòng nhật ký chiến trường để bây giờ còn lay động trái tim bao người như Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Kỳ Sơn…Lê Văn Huỳnh đã để lại bức thư cho bố mẹ, cho người vợ thân yêu trước khi đi vào lòng đất, nơi mà theo anh nói là để tìm kiếm sự thực cho ngày mai! Các anh cũng đã nằm lại trên chiến trường Thành Cổ này.
Hàng vạn hoa đăng đèn nến đã thắp sáng dòng sông, ánh sáng những hoa đăng ấy mang linh hồn những người lính nhắc nhở rằng ngày hôm qua bi tráng không chỉ ở Thành Cổ, ở sông Thạch Hãn mà cả bao miền đất nước thắm máu đào người lính, luôn là sự thức tỉnh cho những người đang sống.
Máu xương của hơn một vạn người lính nằm xuống Thành cổ ngày ấy đã góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris 1973, góp cho mùa xuân đại thắng 1975.
Tôi có bài thơ
“81 tấm lịch đá Thành Cổ”

Nơi đây, những tấm bia đá
Không còn là vật vô tri
Mỗi tấm lịch đá còn ghi
Đủ 81 ngày đêm đạn bom khốc liệt
Thành Cổ Quảng Trị anh hùng
Mỗi tấc đất đều thấm máu cha ông
Từ thuở Nguyễn Hoàng vào trấn thủ
Đàng Trong – Ái Tử
Thành Cổ vang lên tiếng thét căm hờn
Đây chính là tiếng thét của núi song
Đã tạc vào lương tâm thời đại
Chiến tranh – nỗi đau lớn nhất của nhân loại
Nơi đây những linh hồn trai trẻ
Nằm xuống để ươm mầm xanh Quảng Trị
Nguyễn Văn Thạc tuơi mãi tuổi hai mươi
Tô thắm cho những cuộc đời
Không ai lựa chọn cho mình cái chết
Cũng không ai muốn điều ly biệt
Ai cũng muốn cuộc sống bình yên
Giá trị làm người, giá trị thiêng liêng
Không chiến tranh để người vợ không thành góa bụa
Để các em thơ vui đùa nhảy múa
81 khối đá hóa thành kim cương
Khóc mãi ngàn năm Thành Cổ đau thương
Thành Cổ Quảng Trị, ngày 27 tháng 7 năm 2007
Ảnh 1. Một góc Thành Cổ
Ảnh 2. Đài Tưởng niệm Thành Cổ Quảng Trị.