Trang

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

251.Chuyện nhỏ làng quê. Bẫy cọp

251.Chuyện nhỏ làng quê.
Câu chuyện thứ 8.

Bẫy cọp
Cầm thú cũng đủ loại: Cọp thỉnh thoảng ghé về, tiếng kêu bép bép. Dân làng không dám gọi là con cọp mà gọi là “ông” cọp. Người ta đồn rằng “ông” rất thính, nghe được tiếng người nhắc đến mình, nhưng có tật mau quên, nhất là động vào bất kỳ cành cây chiếc lá nào là quên ngay việc đi bắt người. Chuyện về cọp ở đây - nói chung là cái vùng duyên sơn Quảng Trị của dãy Trường Sơn - rất nhiều chuyện ly kỳ, rùng rợn. Năm 1950, năm ta là năm Canh Dần. Dần là ứng với cọp trong 12 con giáp. Đúng là một năm rừng động. Thảm kịch xảy ra giữa cọp và người rất khủng khiếp. Chúa sơn lâm đã làm mưa làm gió một vùng. Những tay thợ bắn cọp cũng một thời nổi tiếng. Ông Bát Bé, ông Đen đã bắn được nhiều cọp ở đoạn này từ Bến Than tới Trái, Trấm và Tràu, Phong An, Dốc Dài, Dốc Son…Chuyện ông Đen bắn cọp được dân trong vùng ca ngợi hết lời. Có một buổi chiều, cọp bắt một bé gái chăn trâu gần Động Ôi. Được tin báo, ông Đen xách khẩu súng trường mút-cơ-tông (mousqueton) chạy vào động. Từ xa đã nhìn thấy con cọp đang vờn mồi. Ông lựa phía cuối chiều gió để cọp không ngửi thấy mùi hơi người. Mặt trời thì sắp lặn, để đến tối thì nguy hiểm. Con cọp để em bé nằm đầu xuôi phía đông. Không thể chờ, ông Đen đã giặng hắng một tiếng, cọp liền quay phắt về phía ông, phía mặt trời đang lặn. Do chói nắng nên cọp hơi lúng túng trong khi đó một phát súng nổ đoàng, đúng vào giữa trán con cọp. Nó chỉ nhảy đựng lên khoảng hai mét và nằm chết tươi trước chỗ ông Đen nấp bắn khoảng năm mét. Dân làng khiêng xác em bé về chôn cất, con cọp cũng được đưa về làng. Chẳng hiểu vì sao hồi đó người dân không ăn thịt và cũng chẳng nấu cao hổ cốt? Bà ngoại của tác giá bút ký này cũng bị cọp bắt khi chạy giặc Tây lên lùng. Sau này khi tìm được nơi bà bị cọp ăn tại Phúc Trèn thì chỉ còn lại bộ xương khô và cái khăn quàng cổ bằng đũi, một loại vải dệt từ tơ tằm, rất bền, khó mục.
Dân làng Thượng Phước cũng đã làm bẫy bắt cọp. Bẫy là những cây tre đực dài trên ba mét, ngọn được vót nhọn, gốc chôn xuống đất ở độ sâu nửa mét, kết lại với nhau bằng những cây tre nằm ngang, hai lớp trên và dưới cách nhau một mét, buộc vào hàng tre đứng bằng những sợi dây chìu, dây mây thật chặt. Cái hàng rào kiên cố này được dựng ba phía. Phía còn lại thì để chừa lối vào cho cọp. Những thanh tre cật được đan thành một cái liếp (phên). Hai bên cửa có hai cây tre đực được vót nhọn một đầu, một đầu để bằng, có dây kết nối với tấm liếp cửa bằng một sợi dây dừa to bằng ngón chân cái. Sau này khi Pháp nhảy dù xuống Hòn Linh, Bậc Lở, quân ta thu được chiến lợi phẩm nhiều thứ trong đó có những chiếc dù mà sợi dây dù rất dai và chắc. Bộ đội cho dân làng để làm bẫy cọp. Sợi dây dừa hay dây dù được kéo căng ra và móc vào hai cái chốt. Cọp bước vào thì chốt bật ra, kéo tấm liếp đứng lên. Trong lúc đó hai cây tre hai bên tự động đóng cửa lại. Cọp vào bên trong chuồng bẫy rồi nhưng không thể nào ăn thịt được con mồi. Vì rằng con mồi, thường là con bê con được nhốt trong một cái cũi rất chắc. Sáng ra, dân làng và dân quân du kích vác súng và những cây giáo dài ra để bắt cọp mắc bẫy, thường thì phải bắn hạ, ít khi bắt sống cọp.
Nhân nói chuyện bẫy cọp xin nói thêm về chuyện bẫy heo rừng. Muốn bẫy heo rừng thì phải đào hầm. Hầm có kích thước: sâu 1 mét rưỡi, chiều ngang và chiều dọc thì tùy, nhưng phải từ 1 mét rưỡi. Miệng hầm được lót phên đan bằng tre chẻ ra từng mảnh. Tấm phên được gác lên những thanh tre nhỏ cỡ ba phân và rắc một lớp đất lên trên tấm phên để ngụy trang. Nương sắn phải rào thật kín, heo không chui vô được. Chỉ để một khoảng trống chừng bốn năm mươi phân nơi bên trong có hầm bẫy. Vào mùa thu hoạch sắn. Lũ heo rừng thường về ủi tìm thức ăn. Có khi đi từng đàn năm bảy con. Chúng rảo quanh nương sắn tìm đường vào. Thấy chỗ trống, chúng tranh nhau, chen lấn chui vào dẫm lên thì tấm phên sụp xuống, có khi hai ba con heo tụt xuống hầm. Hầm sâu, heo không thể nào nhảy lên được. Chủ nương sắn vác giáo ra đâm hoặc thả dây tróng vào cổ, vào chân heo để bắt sống đem về làm thịt. Nhà ông Sáng bên xóm Mộ, đối diện với dinh cơ ông huyện Hoàng Hữu Kiệt, thường bẫy heo kiểu này.
Cả vùng rừng núi, độộng, trảng, hác xã Phong Sơn có rất nhiều loại thú rừng nhưng người dân ở đây không lập phường săn. Mặc dù đã từ lâu Lễ hội săn bắt thú rừng của làng Thượng Phước được đưa vào danh mục Lễ hội quốc gia. Lễ hội khai mạc ngày rằm tháng Ba âm lịch, có bà con của hai làng anh em Thượng Nghĩa và Thượng Trạch tham dự. Đây là Lễ hội truyền thống để nhớ về Ngài Tiền khai Võ nguyên Hùng dõng Hùng Quốc công – người đã có công truyền nghề săn bắt thú rừng để bảo vệ mùa màng, thể hiện sức mạnh đoàn kết của dân làng.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 19/11/2018
Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét