Trang

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

91. Ngày Hội Thơ ở Hội Thơ ca Phật giáo Biên Hòa


           91. Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XI ở Hội Thơ ca Phật giáo 
                 tp. Biên Hòa
 


Hội Thơ ca Phật giáo tp. Biên Hòa được thành lập trên cơ sở CLB Thơ ca Chùa Viên Giác. Kỳ sinh hoạt cuối năm Nhâm Thìn, Hội chủ trương tiến hành Ngày Hội Nguyên tiêu Quý Tỵ một cách hoành tráng. Các hội viên được thông báo chuẩn bị tác phẩm ( cả thơ và ca ) hướng vào nội dung ca ngợi Tổ quốc và làm tốt phận sự người phật tử.

Tôi tự nguyện giúp Ban Tổ chức viết kịch bản Ngày Hội Thơ này. Ngoài phần khánh tiết, tôi đề nghị những nội dung chính gồm : Diễn xướng bài thơ Nguyệt chính viên của nhà thơ Hồ Chí Minh. Đây là tâm điểm của Ngày Thơ Việt Nam. Tiếp theo là bài thơ Nguyệt của Phật hoàng Trần Nhân Tông – nhà thơ thiền nổi tiếng của phái Trúc Lâm Việt Nam. Phần thứ 2 là những bài thơ và những ca khúc của hội viên do Ban Tổ chức tuyển chọn.

Sau ba hồi trống khai hội.  Bài thơ thần Nam quốc sơn hà được xướng lên dõng dạc, hùng tráng bởi giọng đọc của một nghệ sĩ tài hoa của Hội. Hai bài thơ Nguyệt chính viên và Nguyệt cũng được diễn ngâm hết sức hấp dẫn và xúc động lòng người. Hơn một trăm cử tọa yên lặng lắng nghe trong bầu không khí trang nghiêm.

Mở đầu phần 2 là bài văn tế Dòng Đồng Nai ghi dấu oai hùng của nhà thơ Mai Lĩnh Sơn Xuân Bảo. Nhạc sĩ Nhật Quang được vinh dự đọc bài văn tế này. Nhà thơ Xuân Bảo đã lên sân khấu cảm ơn và tặng hoa nhạc sĩ Nhật Quang . Tiếp theo là những bài thơ và các ca khúc được chính tác giả  hoặc các nghệ sĩ trình diễn. Đáng chú ý là bài hát Tiếng chim hót trên mái chùa Viên Giác. Thơ Hoàng Minh Hòa,   nhạc sĩ Vũ Trọng phổ nhạc với giọng hát mượt mà đậm chất thiền của nghệ sĩ Hoàng Hải đã đem lại cho người nghe cảm giác êm dịu, ngọt ngào.

Hội trường còn được treo mắc một loạt quả bong bóng đỏ những bài thơ của hội viên, được in phía dưới bài thơ Nguyệt chính viên của Hồ Chí Minh. Những quả bóng này được thả lên trời khi buổi lễ kết thúc.

Mọi người ra về trong niềm hân hoan và phấn khởi vì đã được tham gia vào Ngày hội Thơ Việt Nam một cách có ý nghĩa. Mong rằng sang năm sau , tết Nguyên tiêu  Giáp Ngọ , Hội Thơ ca Phật giáo thành phố Biên Hòa sẽ có một Ngày Thơ Việt Nam hoành tráng và rộng rãi hơn.

                                                                     P.V

90.Mừng Anh Bảy Rừng Sác xuất bản sách


90. Mừng Anh Bảy Rừng Sác xuất bản sách Một thời Rừng Sác.
Anh hùng Lê bá Ước (phải) và Nhà văn Võ Nguyện (trái)


       Năm 2012, đại tá- nhà văn quân đội – Lê Bá Ước có hai niềm vui lớn. Đó là Anh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Và niềm vui thứ hai là cuốn sách Một thời Rừng Sác của anh đã được Nhà Xuất bản Văn hóa-Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh đứng ra tự xuất bản.
       Sau  khi lễ tuyên dương Anh hùng Anh hùng Lê Bá Ước được vài hôm, Ban giám đốc Công ty Du lịch Sinh thái Cần Giờ (tp.Hồ Chí Minh) điện thoại cho anh Bảy nói rằng Công ty cần 2.000 cuốn Một thời Rừng Sác. Anh có thể đáp ứng được không? Trước đó, khi xuất bản những lần đầu cuốn sách này, Công ty đã mua để cung cấp cho du khách đến thăm Rừng Sác, nhưng nay không còn .
       May mắn thay! Sau đó các đồng chí lãnh đạo Nhà Xuất bản Văn hóa -Văn nghệ, cơ quan trực thuộc Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh gặp tác giả và trình bày ý định xuất bản cuốn sách. Quan điểm của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh là : qua cuốn sách Một thời Rừng Sác, bằng vào những sự kiện có thật 100% của một thời máu lửa, những chiến công lừng lẫy của Đoàn 10 Đặc công đã cùng với quân dân Sài Gòn –Gia Định tô thắm ngọn cờ bách chiến bách thắng của Quân đội Việt Nam để giáo dục lớp trẻ. Đây là cơ duyên lớn. Anh Bảy muốn trao lại cho thế hệ trẻ hôm nay tình yêu Tổ quốc và lý tưởng sống sao cho xứng đáng là người Việt Nam bằng chính những năm tháng ác liệt chiến đấu chống bọn cướp nước và bán nước – qua những trang viết của anh trong Một thời Rừng Sác.
       Một cuộc thương thảo ngắn xẩy ra. Anh Bảy giao toàn bộ tài liệu, những cuốn sách viết về Đoàn 10 và 2 cuốn Một thời Rừng Sác… cho Nhà Xuất bản. Chỉ trong vòng 3 tháng cuốn Một thời Rừng Sác đã được in xong và phát hành, vào cuối năm 2012. Sách có 2 tập. Tập 1 dày 280 trang, giá bìa là 68000 đồng, tập 2 dày 264 trang, giá bìa là 55000 đồng. Trang 3 có ghi : In lần thứ năm. Giải B Văn học Trịnh Hoài Đức năm 2000. Số ấn bản là 2000 cuốn cho mỗi tập. Ngoài số tiền nhuận bút theo quy định, tác giả được biếu 10 cuốn. Người đầu tiên được anh Bảy tặng sách là  đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị – Thường trực Ban Bí thư TW nhân dịp đồng chí về thăm miền Đông. Tôi cũng vinh dự được anh Bảy cho 1 bộ.
          Ý định của Nhà Xuất bản sắp tới sẽ biên tập rút gọn thành 1 tập và có khả năng tái bản vào dịp Kỷ niệm 38 năm Ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975—30-4-2013).Đây là niềm tự hào lớn lao của nhân dân Sài Gòn- Gia Định vì Chiến khu Rừng Sác là mảnh đất thân yêu của thành phố Hồ Chí Minh!
          Xin trân trọng Chúc mừng Anh Bảy Rừng Sác!
                                                                                     Nhà thơ Xuân Bảo