Trang

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2020

324. Tiếng Quảng Trị quê miềng

 

324. TIẾNG QUẢNG TRỊ QUÊ MIỀNG.
Có một ôông được đưa về làm bí thơ quê miềng.Ôông mần được nửa mùa,rồi ông rút.Ôông nớ nói rằng:.Tiếng Quảng Trị là một ngoại ngữ.Ông nớ khôông hiểu dân quê miềng nói cấy chi, nên ôông nớ xin đi nơi khác. Ai có dớ người đó là ai không hý?
Tôi đọc chộ trên Fb Hoa Dại, thấy bui bui, nên dịch ra tiếng phổ thông cho mọi người thưởng lãm
Nhà thơ Xuân Bảo
____________________________
Hoa Dại
Trước khi đọc yêu cầu bạn phải có bằng C tiếng Quảng Trị hoặc A1 tiếng miền trung.
Sao không dịch ra tiếng phổ thông để mọi người hiểu?
Vậy thì Xuân Bảo này xin dịch :
Ai Quảng Trị mí hiểu hí. Dịch là: Ai người Quảng Trị mới hiểu nhé 🤣🤣🤣
Thơ viết nguyên bản và bản dịch của nhà thơ Xuân Bảo.
Ngó trộ mưa rào, út lại dớ quê,
Dịch: Thấy trận mưa rào, Út lại nhớ quê
Bảy tám năm ni, út chưa về Quảng Trị.
Dịch: Bảy tám năm nay,Út chưa về Quảng TRỊ
Dớ mạ, dớ ba, dớ eng, dớ chị,
Dịch: Nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ anh, nhớ chị
Mới nghị rứa thôi, nác mắt chảy dài
.Dịch: Mới nghĩ thế thôi, nước mắt chảy dài
Dớ ngày mùa, sương ló trẹo cả bai.
Dịch: Nhớ ngày mùa, gánh lúa sụn cả vai
Sáng đi mót khoai, chiều đi mò ốốc.
Dịch; Sáng đi mót khoai, chiều đi mò ốc
Nỏ mũ nón chi, nắng e nẻ trốốc,
Dịch: Không mũ nón chi, nắng e nứt trốc
Dọọc thì dọọc mà bui quái eng hè?
Dịch: Nhọc thì nhọc mà vui quá anh hè
Cả dà miềng chỉ có một cấy xe.
Dịch: Cả nhà mình chỉ có một cái xe
Ngày mô cũng nghe, mạ kêu lủng lốp.
Dịch: Ngày nào cũng nghe, mẹ kêu thủng lốp
Ba lại soạn ra bốn năm cấy hộp.
Dịch: Cha lại soạn ra bốn năm cái hộp
Cạy lốp ra, rồi bá chịt bá chằng.
Dịch: Cạy lốp ra rồi vá chịt vá chằng
Dớ mỗi lần soạn chén đọi dọn ăn.
Dịch: Nhớ mỗi lần soạn chén bát dọn ăn
Chộ nồi cơm, sắn hấp đằn trặt cứng.
Dịch: Thấy nồi cơm, sắn hấp đè chặt cứng
Mạ đi mần rọọng, lặt mô về cấy trớớng.
Dich:. Mẹ đi làm ruộng, nhặt đâu về cái trứng
Lọọc vội lọọc vàng, chế nác mắm chắm rau.
Dịch: Luộc vội, luộc vàng chế nước mắm chấm rau
Eng thì ưng ceng chứa nấu cá tràu
Dịch:Anh thì thích canh chứa (chữ CHỨA này không có nghĩa) nấu cá tràu. (chữ ceng trong tiếng Việt không có, nếu viết thì là Keng )
________________
Chú thích: Chắc câu này tác giả muốn viết":
Anh thì thích canh chua nấu cá tràu
Chị thì ưng nấu canh rau bù lột.
Dớ có bựa đang ăn thì mưa, dà dột.
Dịch: Nhớ có bữa đang ăn thì mưa, nhà dột
Mấy eng tam bơơng thau hớớng khắp dà.
Dịch: Mấy anh em bưng thau hứng khắp nhà
Dớ cấy ngày út đi lấy dôông xa.
Eng chị chạy ra cuối đàng để tiễn.
Dịch: Nhớ cái ngày Út đi lấy chồng xa
:Anh chị chạy ra cuối đường để tiễn
Út nghị vài bựa chắc đi về cũng tiện
Dịch: Út nghỉ vài bữa chắc đi về cũng tiện
Có ngờ mô, biền biệt tới hôm ni.
Dịch: Có ngờ đâu, biền biệt tới hôm nay
Ngó trộ mưa rào, út lại dớ quái đi..
Dịch: Thấy trận mưa rào, Út lại nhớ quá đi.
(Mới lượm)
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 21 tháng 8 năm 2020.
Nhà thơ Xuân Bảo-NGƯỜI CHÌNH GỐC QUẢNG TRỊ.

323. Tuyên ngôn Độc lập của VNDCCH

 323. Tuyên ngôn Độc lập của VNDCCN.

Ngày này, cách đây 49 năm, – 1969, Hà Nội vẫn trong tình trạng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Đồng bào ta vừa đánh giặc vừa vui Tết Độc lập. Không ít người biết đến Bộ Chính trị ĐCSVN, đứng đầu là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn cùng các giáo sư,bác sĩ đang sốt ruột lo lắng vì bệnh tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh có chiều hướng không tốt.

Nhân Quốc khánh năm thứ 75 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945 – 2/9/2020, tôi đăng lại toàn văn Tuyên ngôn Độc lập. Và có trích dẫn thêm 2 văn bản, Đó là, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp và Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.
Nhà thơ Xuân Bảo.
Tuyên ngôn Độc lập 2/9/ 1945.
Hỡi đồng bào cả nước,
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: "người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi"
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở trung, nam, bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.
Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.
Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật đến xâm lăng Đông - dương để mở thêm căn cứ đánh đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng trị đến Bắc kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng dã man bán nước ta hai lần cho Nhật.
Trước ngày mồng 9 tháng 3, biết bao lần Việt minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt minh hơn nữa.
Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên bái và Cao bằng.
Tuy vậy, đối với nước Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày mồng 9 tháng 3, Việt minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.
Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa.
Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.
Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
___________________
Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trước quốc dân đồng bào chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945
Ngày nay, đọc lại Tuyên ngôn Độc lập, chúng ta thấy rõ nét đặc sắc của văn kiện này là ở sự tích hợp hai giá trị: Một, độc lập dân tộc là quyền cộng đồng và hai, quyền con người là quyền và khát vọng của cá nhân. Đây là những giá trị cao cả của thời đại.
Ảnh 1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Ảnh 2. Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ
Ảnh 3.Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp
Bên bờ Phước Long Giang, chiều ngày 2 tháng 9 năm 2020.
Nhà thơ Xuân Bảo
Nguyễn Thúy Hương, 박인만 và 3 người khác

322. Bài nói của Cụ Phạm Quỳnh nhân Ngày Kỵ của Nguyễn Du

 322.Tiến tới 200 năm Ngày giỗ Đại thi hào Nguyễn Du

Bài diễn thuyết bằng Quốc văn của Cụ Phạm Quỳnh, Đọc tại lễ kỷ niệm Nguyễn Du, nhân ngày mất (10 tháng 3 âm lịch), do Ban Văn học Hội Khai trí tổ chức.
Thưa các ngài,
Hôm nay là ngày giỗ cụ Tiên Điền Nguyễn tiên sinh, là bậc đại thi nhân của nước Nam ta, đã làm ra bộ văn chương tuyệt tác là Truyện Kim Vân Kiều.
Ban Văn học Hội Khai Trí chúng tôi muốn nhân ngày giỗ này đặt một cuộc kỷ niệm để nhắc lại cho quốc dân nhớ đến công nghiệp một người đã gây dựng cho quốc âm ta thành văn chương, để lại cho chúng ta một cái “hương hỏa” rất quý báu, đời đời làm vẻ vang cho cả giống nòi.
Chúng tôi thiết nghĩ một bậc có công với văn hóa nước nhà như thế, không phải là ông tổ riêng của một nhà một họ nữa, mà là ông tổ chung của cả nước; ngày giỗ ngài không phải là ngày kỷ niệm riêng của một nhà một họ nữa, chính là ngày kỷ niệm chung của cả nước.
Hiện nay suốt quốc dân ta, trên từ hàng thượng lưu học thức, dưới đến kẻ lam lũ làm ăn, bất cứ già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà, ai ai cũng biết Truyện Kiều, ai ai cũng thuộc Truyện Kiều, ai ai cũng kể Truyện Kiều, ai ai cũng ngâm Truyện Kiều, như vậy thời ai ai cũng đều hưởng cái công nghiệp của cụ Tiên Điền ta, ai ai cũng phải nhớ ngày giỗ cụ và nghĩ đến cái ơn của cụ tác thành cho tiếng nước nhà.
Muốn cảm cái ơn ấy cho đích đáng, hẵng thử giả thuyết cụ Tiên Điền không xuất thế, cụ Tiên Điền có xuất thế mà quyển Truyện Kiều không xuất thế, quyển Truyện Kiều có xuất thế mà vì cớ gì không lưu truyền, thời tình cảnh tiếng An Nam đến thế nào, tình cảnh dân tộc ta đến thế nào?
Văn chương người ta thiên kinh vạn quyển, dẫu có thiếu mất một quyển cũng chẳng hại gì. Văn chương mình chỉ độc có một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc, ví lại khuyết nốt thì dân tộc ấy đến thế nào?
Than ôi! Mỗi lần nghĩ tới mà không khỏi rùng mình, chột dạ, sửng sốt, rụng rời, tưởng như hòn ngọc ở trên tay bỗng rơi xuống vỡ tan tành vậy. Rồi mới tỉnh ra, sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ dịp rung đùi, lên giọng cao ngâm:
Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai.
Hay là:
Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm sá gì.
bỗng thấy trong lòng vui vẻ, trong dạ vững vàng, muốn nhảy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!…
Có nghĩ cho xa xôi, cho thấm thía, mới hiểu rằng, Truyện Kiều đối với vận mệnh nước ta có một cái quý giá vô ngần.
Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc túy, Truyện Kiều là quốc túy của ta; một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta. Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này. Trong mấy nghìn năm ta chôn rau cắt rốn, gửi thịt gửi xương ở cõi đất này, mà ta vẫn hình như một giống ăn trọ ở nhờ, đối với đất nước non sông vẫn chưa từng có một cái văn tự văn khế phân minh, chứng nhận cho ta có cái quyền sở hữu chính đáng. Mãi đến thế kỷ mới rồi mới có một đấng quốc sĩ, vì nòi giống, vì đồng bào, vì tổ tiên, vì hậu thế, rỏ máu làm mực, “tá tả” một thiên văn khế tuyệt bút, khiến cho giống An Nam được công nhiên, nghiễm nhiên, rõ ràng, đích đáng làm chủ nhân một cõi sơn hà gấm vóc.
Đấng quốc sĩ ấy là ai? Là cụ Tiên Điền ta vậy. Thiên văn khế ấy là gì? Là quyển Truyện Kiều ta vậy:
Gẫm âu người ấy báu này,
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm!
Báu ấy là lọt đến tay ta, thật cũng là một cái phúc duyên cho ta, nhưng báu ấy ở trong tay Cụ lại chính là một cái túc duyên của Cụ. Thiên văn tự tuyệt bút kia là gồm bao nhiêu giọt máu, bao nhiêu giọt lệ kết tinh lại mà thành ra, những khi đêm khuya thanh vắng vẫn thường tỉ tê thánh thót trong lòng ta, như: Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà vậy.
Cái áng văn chương tuyệt tác cho người đời đó, ai tri lại không phải là một thiên lịch sử thống thiết của tác giả?
Truyện Kiều quan hệ với thân thế cụ Tiên Điền thế nào, lát nữa ông Trần Trọng Kim sẽ diễn thuyết tường tận để các ngài nghe.
Nay tôi chỉ muốn biểu dương cái giá trị của Truyện Kiều đối với văn hóa nước ta, đối với văn học thế giới, để trong buổi kỷ niệm này đồng nhân cảm biết cái công nghiệp của bậc thi bá nước ta lớn lao to tát là dường nào.
Đối với văn hóa nước nhà, cái địa vị Truyện Kiều đã cao quý như thế; đối với văn học thế giới, cái địa vị Truyện Kiều thế nào?
Không thể so sánh với văn chương khắp các nước, ta hẵng so sánh với văn chương hai nước có liên tiếp quan hệ với ta, là văn chương Tàu và văn chương Pháp. Văn chương Tàu thật là mênh mông bát ngát, như bể như rừng. Nhưng trong rừng văn bể sách đó, tưởng cũng ít quyển sánh được với Truyện Kiều, mà xét cho kỹ có lẽ không có sách nào giống như Truyện Kiều. Gốc truyện tuy do một bộ tiểu thuyết Tàu mà ra, nhưng vào tay cụ Tiên Điền ta biến hóa hẳn, siêu việt ra cả lề lối văn chương Tàu, đột ngột như một ngọn cô phong ở giữa đám quần sơn vạn hác vậy. Có người sánh Truyện Kiều với Ly tao, nhưng Ly tao là một bài than, từ đầu đến cuối toàn một giọng bi đát thảm thương, so với Cung oán của ta có lẽ đúng hơn. Có người lại sánh với Tây sương, nhưng Tây sương là một bản hát, từ điệu có véo von, thanh âm réo rắt, nhưng chẳng qua là một mớ ca từ cho bọn con hát, không phải là một nền văn chương chân chính. Cứ thực thì Truyện Kiều dẫu là đằm thắm cái tinh thần của văn hóa Tàu, dẫu là dung hòa những tài liệu của văn chương Tàu, mà có một cái đặc sắc văn chương Tàu không có. Cái đặc sắc ấy là sự “kết cấu”. Nhà văn, nhà thơ Tàu, ngoài những bài thơ văn nho nhỏ, ngăn ngắn, phàm làm sách chỉ biết cách biên tập, không sành cách kết cấu. Biên tập là cóp nhặt mà đặt liền lại; kết cấu là thu xếp mà gây dựng nên, thế nào cho thành một cái toàn bức các bộ phận điều hòa thích hợp với nhau, không thêm bớt được chút nào. Truyện Kiều là một cái toàn bức như thế, mà là một bức tranh thế thái nhân tình vẽ sự đời như cái gương tày liếp vậy.
Xét về cách kết cấu thì văn chương nước Pháp lại là sở trường lắm. Cho nên Truyện Kiều có thể sánh với những áng thi văn kiệt tác của quý quốc, như một bài bi kịch của Racine hay một bài văn tế của Bossuet vậy. Đó là nói về cái thể tài văn chương. Còn về đường tinh thần thời trong văn học Pháp có hai cái tinh thần khác nhau, là tinh thần cổ điển và tinh thần lãng mạn. Tinh thần cổ điển là trọng sự lề lối, sự phép tắc; tinh thần lãng mạn là trọng sự khoáng đãng, sự ly kỳ. Truyện Kiều gồm được cả hai cái tinh thần ấy, vì vừa có cái đạo vị thâm trầm của Phật học, vừa có cái nghĩa lý sáng sủa của Nho học, vừa có cái phong phú tiêu dao của Trang, Lão, lấy lẽ phải ông Khổng mà chế lại sự thần bí của nhà chùa, sự khoáng dật của hai họ. Nhưng mà ngay trong văn chương nước Pháp tưởng cũng không có sách nào giống hẳn như Truyện Kiều, vì Truyện Kiều có những cái đặc sắc mà những nền kiệt tác trong văn chương Pháp không có. Đặc sắc ấy là sự “phổ thông”. Phàm đại văn chương, không những ở nước Pháp, ở nước nào cũng vậy, chỉ có những người thượng lưu học thức mới thưởng giám được, kẻ bình dân không biết tới. Người Pháp không phải là ai ai cũng biết đọc kịch Racine hay là đọc văn Bossuet. Người Nam thời ai ai cũng biết ngâm Kiều, kể Kiều, “lẩy” Kiều để ứng dụng trong sự ngôn ngữ thường, kẻ thông minh hiểu cách thâm trầm, kẻ tầm thường hiểu cách thô thiển, nhưng ngâm nga lên thảy đều thấy làm vui tai, sướng miệng, khoái chí, tỉnh hồn.
Thử hỏi cổ kim Đông Tây đã có một áng văn chương nào cảm người được sâu và được rộng như thế chưa? Tưởng dễ chỉ có một Truyện Kiều ta là có thể tự cao với thế giới là văn chương chung của cả một dân tộc mười tám, hai mươi triệu người già, trẻ, lớn, bé, giỏi, dốt, sang, hèn, đều thuộc lòng và đều hay cả.
Như vậy thì Truyện Kiều không những đối với văn hóa nước nhà, mà đối với văn học thế giới cũng chiếm được một địa vị cao quý.
Văn chương ta chỉ có một quyển sách mà sách ấy đủ làm cho ta vẻ vang với thiên hạ, tưởng cũng là một cái kỳ công có một trong cõi văn thế giới vậy.
Cái kỳ công ấy lại dũ kỳ nữa là ngẫu nhiên mà dựng ra, đột nhiên mà khởi lên, trước không có người khai đường mở lối, sau không có kẻ nối gót theo chân, đột ngột giữa trời Nam như cái đồng trụ để tiêu biểu tinh hoa của cả một dân tộc. Phàm văn chương các nước, cho gây nên một nền thi văn kiệt tác, phải bao nhiêu nhà thơ, bao nhiêu nhà văn, trong bao nhiêu năm lao công lục lực, vun trồng bón xới mới thành được. Nay bậc thi bá nước ta, đem cái tài ít có trong trời đất, đúc cái khí thiêng bàng bạc trong non sông, một mình làm nên cái thiên cổ kỳ công đó, dẫu khách thế giới cũng phải bình tình mà cảm phục, huống người nước Nam được trực tiếp hưởng thụ cái ơn huệ ấy lại chẳng nên ghi tạc trong lòng mà thành tâm thờ kính hay sao.
Cuộc kỷ niệm hôm nay là chủ ý tỏ lòng quốc dân sùng bái cảnh mộ cụ Tiên Điền ta; lại có các quý hội viên Tây và các quý quan đến dự cuộc là để chứng kiến cho tấm lòng thành thực đó. Nhưng còn có một cái ý nghĩa nữa, là nhân ngày giỗ này, đốt lò hương, so phím đàn, chiêu hồn quốc sĩ, Thác là thể phách, còn là tinh anh, áng tinh trung thấp thoáng dưới bóng đèn, chập chừng trên ngọn khói, xin chứng nhận cho lời thề của đồng nhân đây. Thề rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin dầu lòng dốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh táo, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của tiên sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây!”.
Bài này đã in tạp chí Nam Phong, số 86, tháng 8-1924
Và đã In trong Tranh luận về Truyện Kiều, Nguyễn Ngọc Thiện và Cao Kim Lan sưu tầm. NXB Văn học. H.2014. Từ trg.11.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày mùng 8 tháng 8 Canh Tý, còn 2 hôm nữa đến ngày Giỗ chính thức của Đại thi hào 10/8/ Canh Tý, nhằm ngày 26/9/2020.
Nhà thơ Xuân Bảo
Anh Tai Ho, 박인만 và 1 người khác
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

321. Hà NỘi nỗi nhớ.2

 

HÀ NỘI NỖI NHỚ.2.

                            Viết nhân Kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng thủ đô, ngày 10 tháng 10 năm 1954 – 10 tháng 10 năm 2020.

Ngày 10/10/1954, hành quân bộ suốt 1 tháng 20 ngày,sau ngày khóa tuyến (20 -8),  Bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị về đến địa điểm tập kết tại làng Tiên Điền,quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, bên hữu ngạn Sông Lam, Cửa Hội. Nơi đây, đơn vị phiên chế thành Trung đoàn 271 của Quảng Trị.

Phái đoàn Chính phủ gồm các ông Bồ Xuân Luật, bộ trưởng không bộ (ministre sans portefeuille), ông Lê Nam Thắng, tư lệnh Liên khu IV, bà Lê Thị Xuyến, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một vài thành viên khác, trong đó có nhạc sĩ Tô Hải về thăm Trung đoàn.

Vài hôm sau, một số chiến sĩ Trung đoàn  có trình độ văn hóa cấp 2 trở lên được triệu tập cho đi học, trong đó có tôi. Lớp kế toán cấp tốc chỉ có học trong thời gian 3 tháng (từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 12 thì bế giảng).Lớp học được tổ chức tại Chợ Liệu, Kim Liên, Nam Đàn, quê của Bác Hồ.

Chúng tôi được phân công về công tác tại Chi sở Mậu dịch đặc biệt tỉnh Thanh Hóa, lúc này đóng ở Bái Thượng, huyện Thọ Xuân. Đây là nơi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa Lam Sơn. Sau 10 năm nằm gai nếm mật ông cùng với các chiến hữu và nhân dân Đại Việt đuổi hết giặc Minh ra khỏi bờ cõi, dựng nên nhà Hậu Lê. Lê Thái Tổ mang gươm về kinh đô Thăng Long trả gươm báu lại cho Thần Kim Quy tại hồ Lục Thủy. Từ đây Thăng Long có Hồ Hoàn kiếm hay còn gọi là Hồ Gươm.

Ông Hà Uyên là Chi sở trưởng, sau này ông ra Hà Nội giữ chức thứ trưởng Bộ Nội Thương. Thời kỳ ông Đỗ Mười làm bộ trưởng và ông Hoàng Quốc Thịnh làm thứ trưởng thường trực. Khoảng mùa hè năm 1955 (lúc này bọn Pháp vẫn còn đóng tại Hải Phòng,  theo Hiệp nghị Genève còn được ở lại miền bắc 300 ngày), Đến ngày 15 tháng 5 thì tên thực dân cuối cùng rút khỏi miền bắc.

Chúng tôi lại được chọn đi học ở Trường Trung cấp Thương nghiệp Hà Nội.Trường dựng vội bằng tranh tre nứa lá đặt tại 66 đường Hoàng Hoa Thám.Phía trước là làng hoa Ngọc Hà, có nhà máy bia Ô-mèn của Pháp, sau đổi tên là nhà máy Bia Hà Nội, phía sau là Xí nghiệp Tàu điện, nhà máy thuộc da Thụy Khuê.

Thế là từ đó, tôi trở thành công dân Thủ đô cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền nam Việt Nam.Năm 1975 tôi mới về Đồng Nai công tác.

***

Hà Nội đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.Tôi lấy vợ là người Hà Nội chính kinh tên là Nguyễn Thúy Minh, con của nhà tư sản dân tộc Nguyễn Viết Điền. Ông bà Nguyễn Viết Điền vốn người làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai ra làm ăn ở Hà Nội từ mấy đời trước. Ông bà có cửa hiệu Cơm tám giò chả Tân Việt nổi tiếng ở ngôi nhà 60A phố Huế (xế Chợ Hôm) và được đưa vào diện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Người con gái cả của ông bà tên là Nguyễn Thị Ngọc Bích - hoa khôi Hà thành một thời - kết hôn với "cậu ấm kháng chiến" Cao Minh Thanh từ núi rừng Yên Bái về tiếp quản thủ đô. Cuộc tình này chỉ kéo dài dược 18 ngày, hết tuần trăng mật. Cậu bị bắt vì tội biển lận. Tờ báo tư nhân Thời Mới của ông chủ bút Hiền Nhân đăng feuilleton (bài đăng nhiều kỳ): Đám cưới 20 triệu đồng và nhà viết kịch Trần Huyền Trân có kịch bản Ngược chiều.

Vợ chồng chúng tôi sinh được ba người con.

             Tôi sống, học tập, trưởng thành và trở thành nhà báo, nhà thơ của Hà Nội với nhiều bút danh: Xuân Bảo, Trực Ngôn, Tú Sừng…Hà Nội trong tôi mang đậm dấu ấn của một thời khốc liệt và hào hùng của những năm đánh Mỹ. Vì vậy, khi Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, tôi và nhà thơ Võ Nguyện đã hoàn thành công trình Thơ mang tựa đề Trời Nam thương nhớ, lấy ý từ bài thơ Nhớ Bắc của nhà thơ-chiến sĩ (còn được tôn vinh là Thi tướng) để dâng lên Đức Lý Thái Tổ.

Thế mà đã mười năm trôi qua, nay Hà Nội lại bước vào kỷ niệm 66 năm Ngày giải phóng Thủ đô -10/10/1954 – 10/10/2020.  Là giai tế Hà Nội tôi nghĩ mãi không có món quà nào dâng tặng Hà Nội thân yêu nên viết bài Tản văn này, coi đó là chút tình nhớ và thương gửi về nơi mà đã cưu mang tôi suốt một thời trai trẻ.

Ngàn lần yêu thương nhớ về Hà Nội!

 Dưới đây là bài viết:

LÝ CÔNG UẨN – MỘT KIẾN TRÚC SƯ ĐÔ THỊ VĨ ĐẠI

“Lý Công Uẩn quê ở châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, (nay thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh). Mẹ là họ Phạm, đi chơi chùa Tiên Sơn, cùng với người thần giao cấu rồi có chửa, sinh ra vua vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình, nhà Đinh năm thứ 5 (974).Làm quan nhà Lê được thăng dần lên chức Điện tiền chỉ huy sứ. Đến khi Ngọa triều Lê Long Đĩnh băng hà.Lý Công Uẩn tự lên ngôi vua, đóng đô ở Thăng Long, ở ngôi 18 năm, thọ 55 tuổi, băng ở Điện Long An, chôn ở Thọ lăng”. (Đại Việt sử ký toàn thư – Kỷ nhà Lý – trang 257).

Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đại xá thiên hạ. Đó là việc làm thuận ý trời, hợp lòng người, biểu hiện lòng nhân nghĩa của một  đấng minh quân. Với tầm nhìn của một bậc cao minh, vua thấy đất Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác nên đã xuống chiếu nói rằng ( Đời sau thường gọi là Thiên đô chiếu).

Nguyên văn chữ Hán.

                                        THIÊN ĐÔ CHIẾU *

Tích Thương gia chỉ Bàn Canh ngũ thiên.Chu Thương đãi Thành Vương tam tỉ.Khởi Tam đại chỉ số quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cấu hữu tiện triếp cái. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, trí thế đại bất trường, toán số đoản xúc, bách tính hao tổn,vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chí, bất đắc bất tỉ.

Huống Cao Vương cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc  Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hưởng bối chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thân bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khổn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô.

Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà ?

 

Bản dịch Quốc ngữ:

                                         CHIẾU DỜI ĐÔ

Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa,làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giầu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tốn hao, muôn vật không hợp, Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.

Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực của trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.

Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?

______________________

*-Thiên đô chiếu – Chiếu dời đô dài 214 chữ, do vua Lý Thái Tổ tự tay viết và ban chiếu vào mùa xuân năm 1010 để chuyển kinh đô Đại Cồ Việt từ Hoa Lư tỉnh Ninh Bình ra thành Đại La, Hà Nội ngày nay.

Bản dịch sang tiếng Việt là của Viện Khoa học – Xã hội Việt Nam in trong Đại Việt sử ký toàn thư.NXB Khoa học – Xã hội,Hà Nội – 1993.

Thiên đô chiếu vỏn vẹn 214 từ nhưng đã toát lên một yếu tố hết sức quan trọng. Đó là thành Đại La ở giữa khu vực trời đất, là nơi thắng địa của nước Việt ta. Thật đáng tự hào cho một thủ đô có sức sống lâu bền mà không phải nước nào trên thế giới đều có sức sống đó.

1010 năm! Phải, 1010 năm oai hùng và bi thương, thăng trầm để chúng ta có ngày hôm nay! Hà Nội, thủ đô hòa bình, tượng trưng cho lương tri và phẩm giá con người!

***

Lý Công Uẩn đã có một tầm nhìn của một kiến trúc sư đô thị vĩ đại.Một đô thị với 36 phố phường sầm uất, có nền văn hiến đã in dấu ấn lên mọi thời đại.Nơi đây có Bút Tháp, Đài Nghiên, có trường đại học đầu tiên (1070) do nhà Lý sáng lập. Văn miếu Quốc tử giám thờ Đức Vạn thế sư biểu Khổng Tử và thờ người thầy dạy học Chu Văn An của dân tộc Việt Nam. Nơi đây là nơi đã đào tạo ra hàng trăm, hàng trăm bậc hiền tài. Thân Nhân Trung đã đề bia:

Hiền tài quốc gia chi nguyên khí

.Nguyên khí thịnh tác quốc thể cường dĩ

 

Hoàng thành Thăng Long vừa được khai quật mấy năm vừa qua đã chứng minh rằng. Nước Việt đã từng có một kinh đô với kiến trúc cổ, có Điện Kính Thiên, Thái Hòa…Hoàng thành là nơi vua và triều  đình làm chốn triều nghi. Những mảnh gốm xưa, gạch cổ, rồng đá (thời Lý) còn lại là vật chứng cho một thời hoàng kim của các vua chúa.

Nơi đây có thế rồng chầu hổ phục, đất đai bằng phẳng dựa vào thế núi hình sông. Có địa hình chiến lược phòng thủ khi có giặc ngoại xâm. Bởi thế, ba lần chiến thắng Nguyên-Mông, bao lần đối mặt với quân thù Bắc phương thì có bấy nhiêu lần vua tôi rút khỏi Thăng Long, nhưng rồi “giặc đến Bồ Đề, giặc lại tan”.

Chiến công hiển hách của vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan hai mươi vạn quân Thanh xẩy ra ngày 30 tháng 1 năm 1789. Xác giặc chất thành đống gò Đống Đa. Tôn Sĩ Nghị  chui ống đồng trốn về nước.

Cành đào báo tiệp của Quang Trung từ Thăng Long gửi gấp về Phú Xuân cho Ngọc Hân công chúa trong ngày Tết Kỷ Dậu  là ca khúc khải hoàn của một nước Việt Nam thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

***

Sau gần hai trăm năm chiến thắng Ngọc Hồi, ngày 19 tháng 12 năm 1946 Hà Nội lại vang lên lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.Người Hà Nội tạm xa thủ đô yêu dấu để cùng với cả nước làm nên cuộc trường kỳ kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ. Để rồi có ngày mùng mười tháng mười, Hà Nội sạch bóng thực dân Pháp xâm lăng:

Rầm rập quân reo năm cửa ô

Từ đây Hà Nội sạch quân thù…

                                                             Thơ Xuân Bảo

Nhân kỷ niệm 66 năm giải phóng thủ đô, xin gửi về Hà Nội thân yêu bài thơ:

 THẾ ĐẤT RỒNG BAY

Đại La thế đất dáng rồng bay

Hạo khí non sông tụ xứ này

Hổ phục oai phong nơi núi Tản

Rồng chầu lẫm liệt chốn hồ Tây

Xuất quân Kỷ Dậu, Tàu tan tác

Chiến thắng Điện Biên, Pháp chạy dài

Giấc mộng Thăng Long rồng gặp nước

Diệu kỳ Hà Nội chính là đây.

                                                  Bên bờ Phước Long Giang, ngày 10 tháng 10 năm 2020

                                                                 Nhà thơ Xuân Bảo