Trang

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

151.VỀ MIỀN SONG NƯỚC CỬU LONG.


151.VỀ MIỀN SÔNG NƯỚC CỬU LONG

Ký sự

7. LỊCH SỬ MỘT MIỀN ĐẤT TẬN CÙNG TỔ QUÔC.

 

Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức có chép "Thời Gia Long,những giồng đất cao ráo ở ven sông Ông Đốc, sông Gành Hào, sông Bảy Háp và một vài phụ lưu mới có người khai khẩn, lập thành xóm,ấp.Tuy vậy, đến thời Tự Đức, Cà Mau vẫn là vùng rừng đước,vẹt, tràm,không mấy ai đến lập nghiệp vì thiếu nước ngọt và ruộng quá nhiều phèn".
Tên gọi Cà Mau (chính tả cũ: Cà-mâu) được hình thành do người Khmer gọi tên vùng đất này là "Tưk Kha-mau" (tiếng Khmer:), có nghĩa là nước đen. Nước đen là màu nước đặc trưng do lá  của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước.Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã.Chính vì lẽ đó từ thuở xưa đã có câu ca dao.
          Cà Mau là xứ quê mùa
          Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu
Vào năm 1808, năm Gia Long thứ 7, đổi tên đạo Long Xuyên thành huyện Long Xuyên,thuộc trấn  Tiên.Năm 1825, năm Minh Mạng thứ 6, nhà Nguyễn đã đặt ra một quan tri huyện để cai trị.
Năm 1867, thực dân Pháp thành lập hạt Cà Mau gồm  huyện Long Xuyên cũ. Sau đó, ngày 1 tháng 8 năm 1877, Pháp lại giải thể hạt Cà Mau, nhập vào  hạt Rạch Giá.Cà Mau gồm 2 tổng Quảng Xuyên, Quảng Long và các làng Tân Lộc, Tân Lợi, Tân Phú, Thới Bình của tổng Long Thủy.
          Năm 1882,chính quyền Pháp lấy một phần đất Bạc Liêu thuộc tỉnh Sóc Trăng, một phần đất Cà Mau thuộc Rạch Giá hợp thành tỉnh Bạc Liêu. Cà Mau là một quận của tỉnh Bạc Liêu, quận lỵ đặt tại làng An Xuyên thuộc tổng Quảng Long.
 Năm 1903, Pháp lập đại lý hành chính Cà Mau gồm 3 tổng Quảng Long, Quảng Xuyên, Long Thủy. Năm 1911,Toàn quyền Đông Dương quyết định đưa thành quận Cà Mau thuộc Bạc Liêu.
Năm 1956,chính quyền Ngô Đình Diệm lấy quận Cà Mau và 4 xã của quận Giá Rai thành tỉnh Cà Mau, tỉnh lỵ ban đầu có tên là Cà Mau..Tỉnh Cà Mau được đặt tên mới là tỉnh An Xuyên, còn tỉnh lỵ đổi tên là Quảng Long. An Xuyên chính là tên của làng sở tại trước kia thuộc tổng Quảng Long, vốn là nơi đặt quận lỵ quận Cà Mau trước năm 1956. Lúc này, xã An Xuyên cũng được đổi tên thành xã Tân Xuyên thuộc quận Quảng Long và là nơi đặt tỉnh lỵ Quảng Long của tỉnh An Xuyên.
       Tỉnh An Xuyên khi đó gồm 6 quận: Quảng Long,Thới Bình, Sông Ông Đốc, Cái Nước, Đầm Dơi và Năm Căn.
 Tuy nhiên,phía ta không công nhận tên gọi tỉnh An Xuyên mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Cà Mau.
      Tỉnh Cà Mau, có 12 tôn giáo khác nhau.Đứng đầu là đạo Cao Đài, thứ nhì Công giáo, Thứ ba là Phật giáo. Các tôn giáo khác có từ vài chục người đến ngàn người như Tin lành, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Minh Sư Đạo,  Đặc biệt đạo Bửu Sơn KHương chỉ có 3 người,đạo Bahá'í chỉ có 2 người.
      Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975,thời kỳ quân quản vẫn duy trì tên tỉnh Cà Mau cho đến đầu năm 1976. Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu  hợp nhất  với tên gọi ban đầu là tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu.
Ngày 10 tháng 3 năm 1976, tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu được đổi tên thành tỉnh Minh Hải, thị xã Bạc Liêu đổi là thị xã Minh Hải.Tỉnh Minh Hải có hai thị xã Minh Hải thị xã Cà Mau
***
8. TRÊN CON ĐƯỜNG MỚI QUỐC LỘ IA.

Toàn cho xe chạy ra con đường chính băng ngang qua thành phố.Đó chính là con đường số 1 ngày trước, nối liền Tổ quốc Việt Nam từ Mục Nam Quan (sau này đổi là Hữu Nghị Quan) đến mũi Cà Mau.Xe chạy lên một cây cầu lớn. Bất giác tôi nhớ về một chuyện: Hồi đó, cách đây hơn 20 năm, khi xe đến giữa cầu tôi bảo cậu Phạm Hoàng Thanh, cho xe dừng lại để tôi chụp ảnh. Mấy chú công an giao thông thỏi còi lỗi vi phạm luật giao thông vì xe dừng lại giữa cầu.Anh Út Nghệ xuống xe và nói gì đó với công an. Thế là hai chú chia ra đứng hai đầu mũi xe của chúng tôi, chỉ huy luồng xe và người qua lại trên cầu. Tôi chụp ảnh xong đến cảm ơn hai chú công an.Rồi xe tiếp tục chạy ra bến tàu đò Minh Hải. Chúng tôi xuống tàu và Thanh lái xe trở về nhà khách Tỉnh ủy.
Trần Chí Thiết hướng dẫn Toàn cho xe chạy vào đúng con đường Quốc lộ IA, phía tay trái có cột cây số đề NĂM CĂN-52 KM. Như vậy lần đi này chúng tôi không phải đi tàu đò nữa mà đi thẳng một mạch trên con đường thiên lý Bắc Nam.
Quốc lộ IA này chạy song song với sông đào Cà Mau – Năm Căn.Trần Chí Thiết nói rằng dân hai bên đường rất biết ơn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – người đã có công rất lớn trong việc chỉ đạo và thúc giục Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương làm con đường này.Họ còn có nguyện vọng muốn dựng đền thờ để thờ hay chí ít cũng xây nhà bia tưởng niệm cố Thủ tướng.

                                              
Trước Tết Ất Mùi vừa qua, ngày 7 tháng 2 năm 2015, một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với người dân nơi cuối trời phương Nam.Đó là Lễ khánh thành cầu Năm Căn, cầu Kênh Cái Tắt, cầu Sáu Nạn, cầu Trại Lưới và thông xe kỹ thuật đoạn từ thị trấn Năm Căn đến đầu cầu Năm Căn.
Cầu Năm Căn có chiều dài 800m, có bề rộng 12m với tổng mức đầu tư gần 650 tỷ đồng và được thi công trong 18 tháng.Cầu Kênh Cái Tắt có chiều dài 440m, bề rộng 12m và thời gian thi công là 24 tháng.Cầu Sáu Nạn có chiều dài 175m, bề rộng 12m, thi công trong 8 tháng.Cầu Trại Lưới có chiều dài 240m,bề rộng 12mét.           
Đoạn đường bộ từ thị trấn Năm Căn đến đầu cầu Năm Căn có chiều dài 8,1 km với tốc độ thiết kế 80 km/h trong thời gian 20 tháng (mới thi công 10 tháng, cơ bản xong nền hạ, hiện đang trong giai đoạn gia tải chờ lún theo quy trình thiết kế).     
Tất cả các cầu nằm trên đoạn tuyến từ thị trấn Năm Căn đến cầu Năm Căn  được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Dự án đoạn đường bộ Năm Căn - Đất Mũi và dự án cầu Năm Căn là công trình trọng điểm giai đoạn 2 của đường Hồ Chí Minh, giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của 2 huyện Năm Căn, Ngọc Hiển.
 9. PHAN NGỌC HIỂN – NHÀ CHÍ SĨ CÁCH MẠNG
 Những lần tôi về Minh Hải trước đây chưa có tên huyện Năm Căn.Ngày 17 tháng 11 năm 2003, huyện Ngọc Hiển được tách ra thành lập thêm huyện mới Năm Căn.Huyện Ngọc Hiển mang tên người thày giáo anh hùng thời chống Pháp tên là Phan Ngọc Hiển –Nhớ về Phan Ngọc Hiển là nhớ về Khởi nghĩa Hòn Khoai cùng thời điểm với Nam Kỳ khởi nghĩa đã bị thực dân Pháp nhấn chìm trong biển máu.Phan Ngọc Hiển sinh năm 1910 tại Cần Thơ,là con út trong gia đình, cha là Phan Văn Vinh và mẹ là Trương Thị Cự,anh là Phan Văn Thới và chị là Phan Kim Sa. Cha mẹ mất lúc Phan Ngọc Hiển mới 10 tuổi và được người cậu ruột Trương Quang Đẩu nuôi nấng dạy dỗ.Năm 1931,Phan Ngọc Hiển tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm,rời Cần Thơ ông về Rạch Gốc (giờ đây Rạch Gốc là thị trần huyện lỵ của huyện Ngọc Hiển), mở trường dạy học.Cuối năm 1935, Phan Ngọc Hiển làm phóng viên cho tờ Tân Tiến. Đến cuối năm 1937, Xứ ủy Nam Kỳ điều ông về Sài Gòn, bổ nhiệm vào ban biên tập tờ Liên đoàn Lao động của Công hội Đỏ Nam kỳ. Thời kỳ Mặt trận Bình dân Pháp thắng thế ở nước Pháp cũng là lúc ông được tổ chức đảng điều về lại Rạch Gốc, trực tiếp lãnh đạo và tổ chức cuộc nổi dậy ở Hòn Khoai vào ngày 13 tháng 12 năm 1940.Cuộc khởi nghĩa thất bại,”10 chiến sĩ Hòn Khoai” trong đó có ông bị xử bắn tại sân vận động thị trấn Cà Mau vào ngày 12 tháng 7 năm 1941.
Ngọn Hải đăng Hòn Khoai
Phan Ngọc Hiển, vừa là nhà giáo vừa là nhà văn kiêm nhà báo cách mạng xuất sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên cường đã lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai ngày 13 tháng 12 năm 1940.Ông hy sinh vì nền độc lập của dân tộc lúc 31 tuổi. Ngày 13 Tháng 12 đã trở thành Ngày Truyền thống của quân và dân Minh Hải, nay là Cà Mau.
  Tên tuổi của người chiến sĩ cộng sản kiên cường sống mãi với non sông đất nước, với biển trời bao la của đất mũi Cà Mau và của Hòn Khoai!

Đứng trên Vọng Hải Đài nhìn về phía Biển Đông chúng ta thấy rất rõ hòn đảo này.Hòn Khoai (tên cũ là Đảo Giáng Hương, Ile Independence, Poulo Obi).Đảo cách đất liền 14, 6 km.Quần đảo bao gồm 5 hòn đảo nằm kề nhau: Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ, Hòn Tương với tổng diện tích 4 km2. Đảo cao nhất có độ cao 318m. Hòn Khoai là đảo đá, đồi và rừng nguyên sinh còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, nhiều nhất là gỗ sao và một quần thể động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã.Trên đảo có một ngọn tháp hải đăng. Cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá.
Hiện đang có dự án du lịch sinh thái đảo Hòn Khoai, rộng 700 hecta do nước ngoài tài trợ.Và tỉnh đã trình Chính phủ Dự án Siêu cảng tổng hợp Hòn Khoai với mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD.
***

10. NĂM CĂN LÀ 5 CÁI TRẠI ĐÁY CỦA CHỆT HỘT.
     Còn cái tên Năm Căn là xuất phát từ câu truyền miệng trong dân gian: Cách đây hơn 200 năm có một người Hoa tên là Chệt Hột đến đây dựng lên 5 căn trại đáy,trên bờ thì làm rẫy.Công việc làm ăn phát đạt.Người Hoa và người Việt tụ về đây, lâu dần trởi nên đông đúc,trù phú.Vì có vị trí thuận lợi về đường sông nên ghe xuồng thường xuyên qua lại nơi này và người ta căn cứ vào dấu hiệu đây là dãy 5 căn xuất hiện đầu tiên để gọi tên, lâu ngày thành địa danh “Năm Căn”. 
        Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu cắt băng khánh thành cầu và
  thông xe kỹ thuật đoạn đường từ thị trấn Năm Căn đến cầu Năm Căn.
       Việc các công trình cầu, đường vượt sông ngòi, kênh rạch này được khánh thành và đưa vào khai thác sẽ nối thông đường Hồ Chí Minh đoạn từ thị trấn Năm Căn đến Đất Mũi.Riêng đối với cầu Năm Căn - cây cầu lớn nhất, được xây dựng bằng công nghệ hiện đại nhất,có ý nghĩa vô cùng lớn lao, đó là cây cầu vượt sông Cửa Lớn, nối đôi bờ của 2 huyện Năm Căn - Ngọc Hiển, đồng thời là một điểm nhấn đưa đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ đầu tiên đến trung tâm huyện Ngọc Hiển và không xa nữa, đến cuối năm 2015 sẽ thông xe đến Đất Mũi.
     Như vậy, thời xa xưa khi ông cha ta đi mở đất về phương Nam, con đường thiên lý này mang tên là đường cái quan chỉ dùng cho người đi bộ và ngựa trạm. Thời Pháp thuộc đường này mang tên Con dường số 1,gọi theo tiếng Tây, là “Rút oong”,  (Route  N01), xuất phát từ Mục Nam Quan ở kilômet 00 nằm trên biên giới Việt Trung tại xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn và chỉ đến thị trấn Năm Căn ở kilômet 2301 +340 là kết thúc.Và nếu như tính theo kiểu đo bằng Google Maps thì chỉ có 2283 km. Con đường này đi qua 31 tỉnh và thành phố.Bình Thuận là tỉnh có độ dài nhất Quốc lộ 1A đi qua là 178,km5, tỉnh ít nhất là Bình Dương chỉ có 4,8 km. Giờ đây ta sẽ nối con đường thiên lý này dài ra đến Đất Mũi, điểm tận cùng của đất nước. Trước mắt là phải hoàn thiện đoạn đường 8 km + 100 từ thị trấn Năm Căn ra đầu cầu Năm Căn. Con số độ dài Quốc lộ 1A sẽ là 2309 km +440. Hiện tại,trên toàn bộ tuyến Quốc lộ 1A có 874 chiếc cầu lớn nhỏ, tải trọng từ 25 đến 30 tấn, thảm nhựa bê-tông áp-phan, mặt đường rộng 10 – 12 mét. Quốc lộ 1A đang được làm mới theo hướng nâng cấp các đoạn xa đô thị, làm đường tránh tại các đô thị, làm mới trên một số tuyến có nhiều đô thị liên tiếp. Những đoạn này được gọi tạm là Quốc lộ 1A mới.
     Và còn kéo dài thêm nữa khi con đường này ra tận cùng đất Mũi, trên bờ Biển Đông.Sẽ là bao nhiêu cây số nữa?
                                                    ***
        Theo hướng dẫn của Thiết, xe chúng tôi chạy thẳng vào sân khách sạn Du lịch Công đoàn tại Năm Căn. Khách sạn này cũng thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, nằm trên bờ sông Cửa Lớn. Trong lúc chờ ca-nô ra Mũi, tôi rủ Toàn ra thăm tượng đài Hòn Khoai – nơi hơn 20 năm trước tôi đã đến dâng hương tưởng niệm người anh hùng Phan Ngọc Hiển.

   
Nhà thơ Xuân Bảo trước tượng đài Khởi nghĩa
  Hòn Khoai tại thị xã Năm Căn.
        Chiêc ca-nô 9 chỗ ngồi làm bằng chất liệu composite, lắp máy Yamaha do tài công Quách Phú Thanh lái. Khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, Thanh khởi động máy.Phía sau ca-nô gần như chìm một nửa xuống nước rồi bay vọt lên không trung trong nháy mắt. Ca-nô trở lại bình yên trên sóng nước sông Cửa Lớn.Tôi nhắc nhà tôi lấy khăn bịt mặt kẻo chiều về da mặt sẽ bị bong tróc (như hồi anh Trần Mộng Cẩn ra Mũi về thì da mặt bong từng mảng).Ca-nô chạy theo bờ phải, chui qua bụng cầu Năm Căn vừa mới đưa vào sử dụng đầu năm Con Dê này.Từ đây ra Mũi chừng hơn 60 km.
         Sông Cửa Lớn dài 58 km nối từ cửa Bồ Đề ở phía Biển Đông với cửa Ông Trang ở vịnh Thái Lan.Trên sông Cửa Lớn có rất nhiều đáy của bà con ngư dân…
             Toàn ngồi băng ghế đầu và trong tay sẵn sàng máy ảnh. Cháu Linh Đan cùng với dì Ngọc ngồi băng thứ hai. Tôi với nhà tôi ngồi băng cuối. Ca-nô chạy với tốc độ gần 100 km/giờ. Giữa khoảng mênh mông trời và nước cho ta cái cảm giác con người thấy mình nhỏ bé quá trước thiên nhiên bao la hùng vĩ. Tôi bảo tài công Quách Phú Thanh ghé lại Viên An. Viên An đã để lại trong tôi và các anh Út Nghệ, Trần Mộng Cẩn nhiều kỷ niệm trong lần đi trước. Hồi đó vùng đất này có câu khẩu hiệu “Con tôm ôm cây đước” nghe hay hay.Và chính những vuông tôm quảng canh ấy đã cho người dân nhiều tiện nghi cuộc sống:nhà cửa, tàu bè (nhà nào cũng có ít nhất là một cài vỏ lãi đề làm phương tiện đi chuyển trên sông nước), ngư cụ và đồ dùng trong nhà. Xã Viên An có 2 ông cán bộ xã họ Tạ (lâu ngày tôi quên mất tên) cũng nhờ vào “con tôm ôm cây đước” mà họ sắm được cả xe con. Nhưng vì chưa có đường nhựa nên hai ông này sắm ôtô gửi nhà bà con ở thị xã Cà Mau, khi nào cần đi công chuyện hay thăm thú Sài Gòn thì họ đi tàu đò lên Cà Mau rồi mới lấy ôtô đi tiếp.
       Viên An là xã đầu tiên ở nơi đầu sóng ngọn gió lập đền thờ Bác Hồ ngay mấy ngày sau khi Bác mất. Đó là ngày 10 tháng 9 năm 1969, nhân dân Viên An lập đền thờ thờ Bác. Đền được dựng lên trong rừng đước tại ngã tư Ông Bọng, ấp Ông Trang bằng cây lá địa phương, sàn lót ván đước, có bục thờ và ảnh Hồ Chủ tịch. Việc xây dựng và bảo vệ Đền thờ Bác Hồ trên quê hương trong lúc Mỹ-ngụy còn chiếm đóng là một sự dũng cảm, là sự hy sinh kể cả đến tính mạng của người dân Viên An. Sau ngày thống nhất đất nước, ngày 10 tháng 5 năm 1975, chính quyền và người dân Viên An tổ chức dời Đền thờ Bác từ ngã tư Ông Bọng về vàm Ông Trang. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo đến nay Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành khu Di tích lịch sử -văn hóa cấp tỉnh.















Chúng tôi tiếp tục hành trình sông nước ra tận chót mũi Cà Mau.Ca-nô chạy len lỏi trong rừng đước quanh co.Những chùm rễ đước như những cọng nơm bao trùm gốc cây.Những con thòi lòi, con còng… chạy trốn gấp gáp khi bị sóng do ca-nô tạt vào bờ.Một lúc sau thì cập bến Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.Vùng đất tận cùng này, một bên là Biển Đông và một bên là vịnh Thái Lan. Khu Ramsa thứ 5 này của Việt Nam (theo Công ước Ramsa) và cũng là thứ 2088 của Thế giới.Nơi đây có cột mốc quốc gia khẳng định chủ quyền của nước ta..Trên cột mốc xây bằng đá nâu đề dòng chữ: ĐẤT MŨI CÀ MAU.GPS 0001.MỐC TỌA ĐỘ QUỐC GIA.Khách du lịch về đây rất đông.Ai cũng muốn chụp cho mình tấm ảnh kỷ niệm cho nên phải xếp hàng thứ tự, lần lượt.
           Lần trước,cách đây hơn 20 năm, đoàn nhà báo chúng tôi ra đây thì khu vực này còn hoang sơ lắm.Hồi đó,anh Út Nghệ bảo cậu Cường cho ôbo chay ra biển chừng cây số và tắt máy để chúng tôi chụp ảnh.Từ biển khơi nhìn vào từng từng lớp lớp cây mắm cây đước mọc theo thứ lớp, giống như những ruộng bậc thang nơi núi rừng Tây Bắc.Bởi vì, mỗi năm phù sa bồi lắng và lấn ra biển khoảng từ 80 đến 100 mét.Tôi lại nghĩ tới những cái đập thủy điện trên sông Mê-kông sẽ gây tác hại không nhỏ cho lưu vực của phía cuối sông là 2 con sông Tiền và sông Hậu của chúng ta.

Mũi Cà Mau nhìn từ ngoài biển
     Ở đây, nhân dân Minh Hải (bây giờ là Cà Mau) đã có những việc làm đáng quý. Tỉnh đã cho xây Khu Du lịch Cộng đồng, có nhà hàng khách sạn, có nơi vui chơi giải trí. Du khách sẽ tham gia câu cua, câu cá, giăng lưới, xổ vuông tôm…Để tiện cho du khách được nhìn thấy cả hai bờ biển đông và tây của Tổ quốc, tỉnh đã cho xây một cái Vọng Hải đài cao hơn hai chục mét. Đứng trên Vọng Hải đài có thể nhìn thấy Hòn Khoai. Tại khu vực này có rất nhiều quày hàng bày bán các thứ đặc sản. Nhiều nhất là khô các loài hải sản. Các loại đũa lớn nhỏ làm bằng gỗ đước, gỗ dà… Nhà tôi mua một hộp, có 30 đôi đũa bằng gỗ cây dà, giá gần trăm ngàn đồng, để kỷ niệm chuyến đi.
             Tại Công viên lớn, Cà Mau dựng một tượng đài khá hoành tráng.Vẫn là ý tưởng của một con thuyền. Trên đó có ghi chú các con số tọa độ vĩ tuyến từ 8034’ đến 9033’ vĩ bắc và 104043 đến 105025 kinh tuyến đông.




    
   
                                           Vợ chồng tôi chụp ảnh tại Mốc tọa độ quốc gia.GPS 0001.

      Tôi chợt nhớ về bài thơ Mũi Cà Mau của Xuân Diệu. Ông viết bài thơ này vào tháng 10 năm 1960, khi đất nước còn bị chia cắt:
                       Mũi Cà Mau, mầm đất tươi non
                       Mấy trăm đời lấn luôn ra biển
                       Phù sa vạn dặm tới đây tuôn
                       Lắng lại và chân người bước đến…
           Chỉ bằng một khổ thơ đầu, Xuân Diệu đã vẽ nên bức tranh Cà Mau xinh đẹp, tràn trề sức sống. Cà Mau của ta đó kiên cường, hiên ngang chống chọi với ba bề sóng gió biển khơi mà vẫn xanh tươi, trùng điệp một màu đước. Tình yêu tha thiết của Xuân Diệu đã dành cho Cà Mau thể hiện bằng hai câu:
                       Tổ quốc tôi như một con tàu
                       Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau…
          Nếu đất nước mang dáng hình một con tàu thì Cà Mau chính là mũi con tàu ấy. Mũi tàu luôn xông pha, rẽ sóng đi về phía trước bất chấp mọi bão tố, mọi gian lao thử thách.Tôi nghĩ rằng từ trước tới nay chưa có một nhà thơ nào viết về Cà Mau hay đến như thế. Giá như ở cái tượng đài này 2 câu thơ trên của Xuân Diệu được trang trọng khắc vào thì sẽ tăng phần tự hào cho Cà Mau và cho cả nước biết mấy!
       Dạo một vòng quanh chót mũi, leo lên 4 tầng Vọng Hải Đài, chúng tôi đã thấy thấm mệt. Tôi bảo cả nhà đi ăn trưa. Trần Chí Thiết hướng dẫn vào một nhà hàng lớn trong rừng. Đây là Nhà hàng của ông Nguyễn Văn Nhuần – một người dân từ xa đến lập nghiệp. Dưới bến, có rất nhiều tàu và ca-nô đậu. Ngồi trong phòng ăn thấy rõ những cây đước “rễ ngang mình, trổ xuống nghìn tay, ôm đất nước”.Tôi hỏi ông Nhuần: Nhà hàng có đắt khách không? Ông Nhuần hồ hởi: Từ khi tỉnh cho xây Vọng Hải đài và mở khu du lịch Đất Mũi, khách về đây rất nhiều, không lúc nào ngớt. Vì thế, mới chỉ sau 3 năm, gia đình chúng tôi đã ổn định cuộc sống. Ngoài khuôn viên nhà hàng, chúng tôi đã sắm được ca-nô, vỏ lãi và các tiện nghi gia đình. Các cháu đều được đến trường. Chúng tôi chúc ông làm ăn phát đạt và chia tay, mong muốn về sau có lần gặp lại.
       Quách Phú Thanh cho ca-nô quay trở về Năm Căn chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ. Toàn vào khách sạn lấy ôtô và thẳng tiến về thành phố Cà Mau. Trời lắc rắc mưa. Xe qua thành phố một đoạn thì rẽ trái trên con đướng đang thi công dang dở. Trần Chí Thiết nói rằng đây là con đường lớn, đoạn trong nội ô mang tên người anh hùng giải phóng dân tộc Ngô Quyền - người đã mang lại chiến công hiển hách với chiến thắng Bạch Đằng Giang - đem lại kỷ nguyên độc lập cho Tổ quốc, chấm dứt một ngàn năm Bắc thuộc. Tôi lại nhớ hai câu thơ trong Bạch Đằng Giang phú của Trương Hán Siêu:…
"Đây là chiến địa buổi trùng hưng nhị thánh bắt Ô Mã, 
Cũng là bãi đất xưa thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao…"
      Đoạn từ phía ngoại ô thì mang tên Đường tinh 961C, mở ra tuyến du lịch về mạn Hòn Đá Bạc và quê hương bác Ba Phi.

                            12. THĂM NGHỆ NHÂN DÂN GIAN, BÁC BA PHI.

           Những lần về Minh Hải trước đây, tôi muốn đi thăm Bác Ba Phi, nhưng chưa có dịp, nay thì nhân chuyến đi viết ký sự Miền Tây, tôi quyết định phải ghé lại thăm Bác Ba Phi.Vì đây là nhân vật nổi tiếng: không là hội viên của một hội đoàn nào cả, không là Tự lực văn đoàn, không là hội viên Hội  nhà văn Việt Nam. Thậm chí, không là gì cả đối với Cà Mau! Nhưng đối với người dân thì Bác Ba Phi là một nhân tài, một người con thân yêu của họ, là niềm tự hào của nhân dân miệt rừng U Minh.Tôi lại nghĩ lẫn thẫn: Các trường đại học hiện nay (có đến gần một nghìn trường), khoa ngữ văn dạy sinh viên viết văn. Viết văn hay là mài bút để kiếm sống. Có lần Nguyễn Tuân đã phải thốt lên trong Tùy bút Tình Rừng: “Trước đây khoảng một góc tư thế kỷ, ai không định làm chủ hiệu, làm nhà thầu, làm ký, làm quan, làm vua, làm giặc thì nhảy ra làm báo, làm thơ, làm truyện. Hồi ấy ít có cây bút nào nghĩ tới chuyện trồng cây gây rừng trong thế giới văn và nghệ. Hồi viết lách hoàn toàn cá lẻ ấy, mạnh ai nấy làm, cái cây nào không mọc được thì rồi cứ lụn úa đi mà chết còn cây bút nào đã sống được thì cứ thế mà bạnh gốc và lao ngọn lên phía trên một cái rừng văn “Giời sinh”ấy. Ngày nay lớp người viết văn xem như sướng hơn lớp trước. Nếu lớp trước tự mò lấy mà làm nghề, thì nay đã có hẳn sự giúp đỡ, nâng niu, hướng dẫn, bồi dưỡng, người có thực chất, có chân tài không còn phải lo cái nỗi không bắt được rễ, không nảy được chồi, không ngậm được quả. Trông những khu rừng chính tay con người trồng lấy cây ngắn ngày, dài ngày,càng ngong ngóng những cây to cây cao vươn ngọn lên nữa trong rừng văn chúng ta…”
     Bây giờ có cả trường viết văn mang tên Nguyễn Du, có bộ môn ngữ văn trong trường đại học tổng hợp Hà Nội.Thế nhưng mấy ai đã để lại cho đời những áng văn bất hủ?! Nguyễn Trãi,Lê Thánh Tông, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương…đâu có phải là hội viên hội nhà văn Việt Nam. Trong bản góp ý văn kiện đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, tôi đã thẳng thắn chỉ ra rằng: trách nhiệm nghệ sĩ là những gì khi các hội địa phương và các hội chuyên ngành trung ương, ăn lương từ nguồn thuế từ người dân nộp vào ngân sách, họ đã mang lại những tác phẩm nào có giá trị để đời cho con cháu mai sau?
                                                    ***
     Nghệ nhân Nguyễn Long Phi là hậu duệ của lớp người đi khai hoang, lập ấp ở miệt rừng U Minh nguyên sinh, vốn rất hào phóng mà cũng vô cùng khắc nghiệt. Bác Ba Phi là một nhân vật trong văn học dân gian, là nhân vật chính trong những câu chuyện kể về cuộc sống sinh hoạt thường ngày, nhưng được cường điệu quá đáng như các mẩu chuyện (đã in thành sách): Rắn tát cá, Cọp xay lúa, Heo đi cày, Gác kèo lấy mật ong, Nếp dẻo, Chọi đá làm rơi trực thăng Mỹ…
          Những câu chuyện của Bác Ba Phi, chuyện nào cũng mang lại cho người nghe trước nhất là tiếng cười sảng khoái, mượt mà âm sắc trào lộng, rất đặc hiệu Ba Phi, đồng thời nó còn ẩn chứa tính hào hùng của lớp người đi mở đất,ctính cách đặc trưng Nam Bộ, tình yêu thiên nhiên và con ngườI
               Nguyễn Long Phi được sinh ra tại Đồng Tháp vào năm 1884,là con trai trưởng trong gia đình có năm anh em. Nếu gọi đúng thứ thì phải là Hai Phi. Cũng vì loạn lạc nên gia đình bỏ xứ về vùng đất giáp biển Cà Mau. Khi 15 tuổi mẹ ông qua đời. Ông trở thành lao động chính trong gia đình. Năm 18 tuổi, ông bị Pháp bắt đi phu,rồi đưa ra nước ngoài làm lính lê dương.Được mấy năm thì ông trốn sang Xiêm La, rồi về Lung Tràm cho đến cuối đời.
           Bác Ba Phi làm tá điền cho Hương quản Tề, một địa chủ giàu có vùng Bảy Ghe. Hương quản Tề hứa gả con gái là Ba Lữ cho Bác Ba Phi với điều kiện là phải làm công trong 3 năm. Sau 3 năm thì Bác Ba Phi cưới được Ba Lữ. Cha vợ rất thương chú rể vì tính tình vui vẻ, bộc trực, khẳng khái và chịu thương chịu khó làm ăn nên Hương quản cho vợ chồng Bác Ba Phi rất nhiều đất điền. Bác rất thương bác gái nên lấy thứ của vợ đặt cho mình. Hai Phi trở thành Ba Phi và chết danh cho đến sau này. Bác Ba Lữ không sinh con nên bà đã đứng ra hỏi cưới vợ hai cho chồng. Bà vợ hai sinh được một con trai là Nguyễn Tứ Hải. Không rõ vì lý do gì mà Hải mới được 3 tuổi, bà gửi con lại cho Bác Ba Phi rồi về quê Mỹ Tho và mất ở đó. Nguyễn Tứ Hải lớn lên, lập gia đình với Nguyễn Thị Anh và sinh được một con trai, đặt tên là Nguyễn Quốc Trị. Trong những chuyện kể của Bác Ba Phi thì đây chính là nhân vật Thằng Đậu nổi tiếng. Và thành ngữ “Tệ như vợ (thằng) Đậu” được dùng để chỉ những người vụng về. Bác Ba Phi còn lấy thêm người vợ thứ ba, dân tộc Khmer, tên là Chăm và sinh được 2 người con gái.
             Chúng tôi vào Kênh Ngang, ấp Lung Tràm thăm Bác Ba Phi chỉ nhìn thấy ba ngôi mộ nằm kề nhau. Ở giũa là mộ Bác Ba Phi, hai ngôi hai bên là hai bà vợ của Bác. Phía sau thấp thoáng mấy hàng dừa. Thấy mà cám cảnh!
        Năm 2003, Bác Ba Phi được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Huy chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian. Mãi tới gần đây, ngày 10 tháng 9 năm 2015, khu lưu niệm Bác Ba Phi mới được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Tại buổi lễ này,ông Dương Huỳnh Khải, tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Cà Mau nhấn mạnh: “Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh là niềm vui lớn của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Trần Văn Thời nói chung và của xã Khánh Hải nói riêng”. Ông Khải còn hứa tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để thực hiện đề án nâng cấp, chỉnh trang diện mạo khu lưu niệm trở thành Khu di tích lịch sử cấp tỉnh đạt chuẩn, xem đây là nơi giáo dục thế hệ trẻ kiến thức về giá trị văn hóa dân gian, trở thành một trong những điểm thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.
                Tôi nghĩ: Giờ này mới công nhận và có hướng nâng cấp chỉnh trang nơi khởi nguyên một loại hình văn học độc đáo không riêng gì của bà con Cà Mau mà là niềm tự hào chung của nhân dân Việt Nam là hơi muộn!
           Tôi in ra đây một chuyện của Bác Ba Phi để mọi người cùng thưởng lãm. Chuyện có nhan đề là Cọp xay lúa. “Đêm hôm đó, lúc tôi đang xay lúa, bỗng nghe hơi cọp, liền biết “ông thầy”đang rình bên ngoài. Nhờ biết trước, tôi vừa xay lúa vừa thủ thế. Quả nhiên,trong chớp mắt cọp nhào vô chụp tôi. Tôi liền né sang bên. Cọp lỡ đà vướng hai chân trước vào giàng xay. Thế là nó sa đà theo vòng quay của cái cối đang quay. Thấy vậy, tôi hối bà nhà tôi xúc lúa đổ vào cối. Đợi cho lúc cọp xay hết 20 giạ lúa, tôi liền hét lên một tiếng thật to: “Cọp”! Nó hoảng quá, đâm đầu chạy tuốt vào rừng. Từ đó về sau cọp “bỏ tật”bắt người ăn thịt”.
      Sau khi rời Lung Tràm, dọc theo con đường liên huyện, chúng tôi đi thăm Hòn Đá Bạc, nơi có chiến công đã trở thành huyền thoại của lực lượng công an nhân dân Việt Nam.

                        13. HÒN ĐÁ BẠC VỚI CHIẾN DỊCH CM12.

             Trời càng về chiều càng mưa nặng hạt.Toàn đưa xe vảo gửi nhà xe. Nhân viên tiếp tân điều cho chúng tôi một chuyến xe điện đủ chỗ cho 6 người. Xe chạy qua một con đường đê biển ra Hòn Đá Bạc. Cổng chào là hai con rồng làm bằng xi-măng cốt thép, trông khá hoành tráng.
                Đây là một cụm hòn lớn, nhỏ nằm liền kề nhau, với diện tích khoảng gần 7 ha, bao gồm: Hòn Ông NgộHòn Đá Lẻ và Hòn Đá Bạc. Hòn Đá Bạc chỉ cao khoảng 50 mét so với mực nước biển, có niên đại khoảng 180 triệu năm (thuộc kỷ Jura giữa - Trung sinh).
         Xuống xe, điều dễ nhận ra là nơi đây có rất nhiều những viên đá hoa cương, xếp chồng lên nhau, với những hình thù hết sức độc đáo. Các mảng rừng và thảm thực vật nguyên sinh gần như nguyên vẹn. Nơi đây, có trưng bày và thờ bộ xương cá voi, thường hay gọi là cá Ông, dài khoảng 13 m. Con cá voi này đã bị dạt vào Kinh Chùa ngày 20 tháng 5 năm 1995. Ba ngày sau, cá voi lụy (chết), người dân đã làm lễ táng đem chôn. Đến năm 1996, thì đưa bộ xương về Hòn Đá Bạc và xây đền để thờ, gọi là Lăng Ông Nam Hải. Hằng năm, lễ Nghinh Ông được tổ chức long trọng vào ngày 23 tháng 5 âm lịch..
   Theo những bậc đá tam cấp, chúng tôi lên Tượng đài và Nhà trưng bày “Chiến thắng Kế hoạch CM12.
         Kế hoạch CM-12 là tên của một chiến dịch phản gián của Công an Nhân dân Việt Nam. Chiến dịch này kéo dài từ năm 1981 đến năm 1988 để đập tan âm mưu của tổ chức Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam do Lê Quốc Túy  Mai Văn Hạnh cầm đầu. Tổ chức này chuyển gián điệp, biệt kích, vũ khí  tiền giả vào Việt Nam với mục đích phá hoại an ninh quốc gia và lật đổ chính quyền Việt Nam.
          Hai chữ cái CM lấy hai chữ cái đầu của Cà Mau, còn con số 12 là ngày xuất phát của tổ chức phản động nói trên: Ngày 12 tháng 5 năm 1981. CM còn là tên của phần cốt lõi nhất trong chiến dịch, đó là kế hoạch đón lõng và bắt giữ tổ chức này cùng khối lượng lớn vũ khí và tiền giả của tổ chức trên thâm nhập Việt Nam từ vùng bờ biển tỉnh Cà Mau trong các năm 1981-1984. Công an Việt Nam giả làm lực lượng biệt kích đã thâm nhập để liên lạc với Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh nhằm tiếp tục phát hiện lực lượng cũng như vũ khí và tiền của tổ chức này, đồng thời ngăn chặn các kế hoạch phá hoại an ninh quốc gia mà tổ chức này định thực hiện.
                Cuối năm 1983, Lực lượng An ninh thực hiện kế hoạch CM12 đã buộc đối phương xâm nhập theo kế hoạch của Ban chuyên án, với 15 chuyến bằng đường biển 30 lượt tàu vào vùng biển Cà Mau, bắt toàn bộ 126 gián điệp, biệt kích từ nước ngoài về, thu 132.278 kg (số tròn hơn 132 tấn) vũ khí 299.750.000 đồng tiền giả. (số tròn gần 300 triệu đồng). Bọn này đã bị buộc phải bộc lộ 10 tổ chức và một số đầu mối trong nội địa.
          Ngày 9 tháng 9 năm 1984, hai con tàu thâm nhập cuối cùng đổ bộ vào Việt Nam đã bị bắt giữ cùng Mai Văn Hạnh  Trần Văn Bá. Lê Quốc Túy do bị bệnh nặng nên đã không đi cùng chuyến này. Kế hoạch CM12 kết thúc.
              Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 14 đến 18 tháng 12 năm 1984, Tòa án Nhân dân Tối cao đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt tử hình 5 tên, tù chung thân 3 tên, tù từ 8 đến 20 năm 13 tên.
    Trong ba năm tiếp theo, giai đoạn tiếp nối của CM12 - kế hoạch ĐN-10 được thực hiện, phối hợp với lực lượng an ninh Campuchia, buộc Lê Quốc Túy đưa hết quân đã huấn luyện ở Thái Lan về Việt Nam.. Gần cuối năm 1987, các toán xâm nhập cuối cùng qua đường Campuchia về Kiên Giang đã bị bắt.
    Ngày 30 tháng 1 năm 1988, đại diện của Lê Quốc Túy tại Pháp gửi cho các toán của ĐN-10 bức điện báo tin Lê Quốc Túy đã chết ngày 25 tháng 1 năm 1988. Ngày 4 tháng 3 năm 1988, bức điện cuối cùng được gửi về cho các toán ở trong nước với thông báo giải tán toàn bộ tổ chức "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam".
    Kế hoạch CM12 là một chiến công xuất sắc của Công an Việt Nam.Tham gia trực tiếp chỉ đạo chiến dịch là thứ trưởng Cao Đăng Chiếm.Thời kỳ này ông Phạm Hùng là Bộ trưởng Bộ Nội Vụ (chức năng,quyền hạn giống Bộ Công an). Đại tướng Văn Tiến Dũng là Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng và Thủ tướng là ông Phạm Văn Đồng…Đây là những vị lãnh đạo cực kỳ tài ba của nước ta.Những năm cam go đó, nếu không có các vị thì không hiểu con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ đi về đâu?
  Nhân sự kiện này,trong văn học nghệ thuật đã xuất hiện các tác phẩm:Tiểu thuyết Đêm yên tĩnh của nhà văn Hữu Mai,Hồi ký Kế hoạch CM-12 của Nguyễn Phước Tân.(nguyên cán bộ chỉ đạo Kế hoạch CM12). Phim truyền hình dài tập Trò chơi sinh tử của hãng phim TFS.

Đôi rồng cảnh làm cổng vào Khu du lịch Hòn Đá Bạc/
           Tôi vào thăm Nhà Trưng bày và ghi vào Sổ Cảm tưởng những dòng: “Tôi hết sức khâm phục trí tuệ và tài năng của Công an Nhân dân Việt Nam. Chúc Công an Việt Nam thu nhiều thành tích mới trong sự nghiệp giữ gìn an ninh chính trị và bảo vệ an toàn nền độc lập của đất nước ta!
           Trước Khu Du lịch Hòn Đá Bạc có một cái chợ nhỏ bán đồ lưu niệm và đặc sản, có mật ong rừng chính hiệu U Minh,có các loại hải sản tôm khô, mực khô. cá khô… Và có một loài tép nhỏ phơi khô, (dân Trung gọi là con khuyếc dùng để chế biến món mắm tôm hay ruốc tôm) giá rất rẻ, chỉ có 4 chục ngàn đồng/kg. Cậu Thiết mua đến mấy ký.Nhà tôi cũng mua vài ký và mua mấy lít mật ong tràm, không biết thật hay giả mà giá chỉ có 170 ngàn đồng/chai 700 mililít.
           Chúng tôi trờ lại thành phố Cà Mau, kịp thăm những đàn chim cả ngày đi kiếm ăn tận đẩu tận đâu. Gần chạng vạng thì chúng quay về tổ ấm. Đây là nét dộc đáo của Cà Mau. Trong thành phố dân cư đông đúc, xe cộ ầm ầm và rất nhiều tiếng động ồn ào khác mà sao những con chim này không hề sợ. Những bức ảnh chúng tôi chụp đều không đạt, vì trời đã nhá nhem và bọn chim thì bay trên cao. Chung quanh “Vườn chim” đều rào bằng lưới sắt và mỗi đoạn đều có biển  “Cấm vào”.
            Cà Mau có rất nhiều sân chim, với hàng trăm loài chim, có nhiều loài thuộc dạng quý hiếm cần được bảo tồn, quần tụ dưới tán rừng ngập mặn (rừng đước) và rừng ngập lợ (rừng tràm). Trong đó, có một sân chim rất đặc biệt – sân chim giữa lòng thành phố Cà Mau. Đây là sân chim nằm trong Khu tưởng niệm Bác Hồ, tọa lạc tại khóm 1, phường 1, thành phố Cà Mau. Sân chim có diện tích gần  5 hecta.
 
Đàn chim như múa lượn trên bầu trời thành phố khi hoàng hôn buông xuống.
          Tại đây, có hơn 10.000 cá thể chim muông đến làm tổ, sinh con, đẻ cái rồi định cư ở đây. Trong đó, có rất nhiều loài cò, vạc, còng cọc, điên điển… Buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc đàn chim ríu rít tìm về tổ ấm. Tiếng  hót của chúng như một bản hợp ca của đất trời ban tặng cho con người Cà Mau. Hàng ngàn đôi cò rượt đuổi nhau, chim non nhốn nháo gọi mẹ, chú chim trống cất tiếng gọi bạn tình… giữa chốn phồn hoa phố thị.
            Các chuyên gia về môi trường thế giới khi đến đây vừa ngạc nhiên, vừa thích thú trước cảnh tượng hấp dẫn, lạ mắt: con bay, con đậu trên cành, con lò dò dưới đất, với những bộ lông muôn màu, muôn sắc.  
           Cạnh bờ một con mương có một bầy vịt lông màu nâu sáng, thân hình chỉ to hơn nắm tay người lớn một chút. Có mấy người đang tranh cãi về tên của những chú vịt này. Người thì bảo là vịt giời, người thì bảo là vịt kiểng, người thì bảo đó là một loài chim. Chẳng biết ai là người nói đúng tên cả. Chỉ mong có một nhân viên quản lý sân chim để hỏi cho ra nhẽ, nhưng chẳng gặp được nên cuộc thảo luận cũng chấm dứt.
           Chúng tôi mời Trần Chí Thiết đi dùng bữa tối.Anh nhận lời và trở vào khách sạn lấy xe máy cùng đến hiệu ăn “Vịt Cà Mau”.Chúng tôi chạm cốc với nhau mấy li rượu “Giác”, đặc sản của miệt Sông Đốc, rối chia tay,kết thúc 1 ngày thăm thú  mảnh đất cuối trời phương nam.
      Kết thúc một ngày đi chơi với dì Ngọc, Linh Đan nói rằng tuy ở Bạc Liêu, rất gần với Đất Mũi nhưng chưa bao giờ cháu được đi và được biết về mũi Cà Mau. Ngày hôm nay, đối với cháu là một ngày đặc biệt đáng nhớ. Cháu cảm ơn ông bà Bảo, dì Ngọc và bác Toàn nhiều lắm! Đã 19 giờ, chúng tôi đưa Linh Đan về Bạc Liêu và tiếp tục hành trình đi Long Xuyên.

                                                          ***
Từ Đất Mũi trở về lại Cà Mau,
        Như vậy là chì trong vòng 3 tháng, từ sau Nguyên Tiêu Ất Mùi (5 tháng 3 năm 2015 đến Tết Đoan Ngọ 20 tháng 6 năm 2015), hai cụ già 81 tuổi và 75 tuổi chúng tôi đã “lên nơi chót vót non thiêng Yên Tử rồi về biển rộng đất Mũi Cà Mau”- Hai chuyến đi, chuyến nào cũng đầy nguy hiểm đối với sức khỏe của người già. Song ơn Trời, vợ chồng chúng tôi vẫn đi đến nơi về đến chốn an toàn, khỏe mạnh. Các con cháu tôi vẫn lấy làm hãnh diện là nhờ phúc tổ nhà mình đầy đặn lắm mới được như thế.
Tôi lại nhớ đến câu thơ: “Ta đi lên non cao, ta đi về biển rộng” và lời bài hát “Biển của ta đâu có phải là ao nhà của chúng!”. Ngoài trùng khơi kia “họ” đang lấn biển trời của chúng ta! Lại thôi thúc tâm can của những con dân nước Việt phải ra sức bảo vệ biên cương biển đảo của Tổ quốc mình!