Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

304. Chúng tôi làm sách Trời Nam thương nhớ

 

 

 

   304, Chúng tôi làm sách Thơ TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ

Hồi ức của Nhà thơ Xuân Bảo  

    Chúng tôi những đứa con của Xứ Huế tìm về Xứ Nông Nại Đại phố để mưu sinh và cũng để làm trọn lời nguyền “ Làm trai cho đáng nên trai/Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.

     Song dù không có cái bùa hộ mệnh đó (LÀ CÁI CHÚNG TÔI MONG MUỐN  CÂU LẠC BỘ TRẤN BIÊN   ĐỒNG NAI ĐƯỢC ĐỨNG TRONG HỘI VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI), thì chúng tôi vẫn tiến hành xuất bản cuốn Thơ mang tên Trấn Biên thi tuyển (Tập I). Tập Thơ đã được công chúng đánh giá cao.

Và số phận nghiệt ngã của CLB này không thể lớn lên được vì vấp phải một trở lực lớn từ người lãnh đạo Hội Văn học -  Nghệ thuật Đồng Nai. Đó là ông Nguyễn Nam Ngữ, một con người bất tài bị đặt nhầm chỗ. (Chúng tôi sẽ có một bài tham luận dành riêng cho mục với tiêu đề: Hãy chăm sóc và bồi dưỡng tài năng văn học từ những CLB Thơ ca quần chúng).

***

     Trước đó 2 năm, năm 2008, khi Trung ương có chủ trương các hoạt động Chào mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long, tôi và Võ Nguyện đã tổ chức, vận động những người yêu thơ trong và ngoài nước tham gia thi tuyển lấy tên là TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ.

    Vì tình yêu thiêng liêng đối với Thủ đô Hà Nội mà chưa đầy một năm chúng tôi đã nhận được hơn 1.000 bài thơ của gần 400 tác giả gửi tham gia Thi tuyển. Chúng tôi đã làm việc cật lực, tận tụy và đầy tinh thần trách nhiệm và đã hoàn thành cuốn sách thơ.

     Buổi lễ ra mắt CLB Thơ Trấn Biên Đồng Nai, cũng đồng thời là Lễ phát hành tập thơ Trời Nam thương nhớ. Trên hai bên cánh gà sân khấu, chúng tôi treo hai câu đối:

Đồng Nai nức tiếng ngàn đời tam gia thi xã

Biên Trấn lưu danh muôn thuở tứ hổ văn đàn

Tôi sáng tác 2 câu đối này là lấy ý tưởng từ Gia Định tam gia, gồm Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh và Lê Quang Định trong nhóm Bình Dương thi xã. Tứ hổ gồm 4 nhà văn, nhà thơ đương đại của đất Đồng Nai, lấy ý từ sách Biên Hòa –Đồng Nai 300 năm Hình thành và Phát triển, gồm 4 ông hùm xứ Đồng Nai thế kỷ 20: Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc -Tô Văn Tuấn, Lý Văn Sâm và Lương Văn Lựu.

Các nghệ sĩ diễn ngâm các bài thơ trong Trời Nam thương nhớ, gồm có Phương Lan, Đông Nhi…

 CLB đã được Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cử tổ Tạp chí Văn nghệ của Đài đến ghi hình và phát sóng. Được sự chỉ đạo của ông Huỳnh Văn Nam, con trai của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, giám đốc Đài, nhà thơ Bùi Thanh Tuấn dẫn đầu, đem theo xe Truyền hình, các biên tập viên, cameraman cùng các nhân viên kỹ thuật đến tận nhà riêng của tôi ( địa điểm ra mắt tập thơ Trời Nam thương nhớ). Các Đài Truyền hình TW cũng phát lại chương trình này nhiều lần.

CLB có mời Hội Văn Nghệ Đồng Nai và các báo, đài địa phương,nhưng không thấy ai đến!?

Sau đó, trên các tờ báo và tạp chí Trung ương liên tục đưa tin và bình luận về Tập thơ Trời Nam thương nhớ. Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, cơ quan của Ủy ban Toàn quốc các Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam dành hẳn một trang giới thiệu Trời Nam thương nhớ. Báo Đại biểu Nhân dân của Quốc hội, báo Du lịch Việt Nam và đặc biệt tờ Người Cao tuổi đã giới thiệu đầy đủ về cuốn sách này.

   Tập thơ Trời Nam thương nhớ là niềm tự hào không những của riêng Đồng Nai mà là của chung cả nước. Song cả nước thì đã biết đến, còn Đồng Nai thì chẳng chút tơ vương. Nghĩ mà buồn như chấu cắn!? Nghĩ mà tiếc hơn chục cuốn sách TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ đã biếu cho Hội Văn học- Nghệ thuật Đồng Nai.!

   Nhưng dù sao Trời Nam thương nhớ cũng được mọi người Việt Nam thông minh, nhân ái, có học biết đến. Thử hỏi Hội Văn Nghệ Đông Nai đã làm gì cho ngày Đại lễ nghìn năm Thăng Long? Trong lúc đó ông Nguyễn Nam Ngữ luôn tự nhận mình là người Hà Nội?

   Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bìa cuốn Trời Nam thương nhớ.

  

Kỳ sau sẽ có bài ngụ ngôn “ Lòng tự hào các vị để đâu ?

                                                                            Nhà thơ Xuân Bảo

(Bài đã đăng trên blog Nguyễn Xuân Bảo,ngày 3 tháng 8 năm 2012)

Trong Lời ngỏ, Ban Biên tập chúng tôi đã nói rõ:

Hơn 60 năm trước, tại chiến khu Đ- miền Đông gian lao mà anh dũng – thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đã viết:

Ai về Bắc ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Bài thơ đã được lưu truyền rộng rãi và sống mãi trong lòng người đọc. Bởi vì tác giả đã nói trúng nỗi niềm của con dân nước Việt, là luôn luôn nhớ về cội nguồn dân tộc, nhớ về thủ đô.

Hôm nay, năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong đoàn quân điệp trùng hướng về thủ đô, có nhiều người đi theo con đường THƠ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Câu lạc bộ Thơ Trấn Biên Đồng Nai đã kịp thời tập hợp bằng thi phẩm TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ.

Đây là một cuộc tập hợp ngẫu nhiên – vừa đi vừa nhập đoàn – của các thi nhân, đủ mọi thành phần ở khắp mọi miền đất nước nên không đưa ra một tiêu chí phân biệt gì. Tất cả đều có chung tấm lòng: “thăm lại non sông giống Lạc Hồng”.

Bởi thế, có giọng thơ sâu sắc, thâm trầm, nhưng cũng có lời thơ  mộc mạc, chân quê lần đầu tiên góp mặt thi đàn. Tất cả là một tràng hoa muôn sắc được kết bằng cỏ nội hương đồng khắp mọi miền đất nước, dâng lên mừng Thăng Long ngàn năm tuổi; dâng lên Thủ đô hòa bình, lương tri phẩm giá của nhân loại.

Ngày đi, tay chắc súng: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.Ngày về, túi đeo thơ ngợi ca sông núi trường tồn. Thật không có hình ảnh nào đẹp đẽ cho bằng.

Hai nhà thơ Xuân Bảo và Võ Nguyện trong Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Trấn Biên – Đồng Nai, đã tự nguyện đứng ra tổ chức tour về nguồn ngàn năm…Mặc dù đã làm việc nghiêm túc hơn một năm trời, nhưng chắc chắn không thể nào tránh được những thiếu sót. Chúng tôi mong được lượng thứ.

Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý Mạnh Thường Quân đã hết lòng ủng hộ tài chính; cảm ơn các thi hữu đã nhiệt tình cộng tác – nhập đoàn và tất cả các cơ quan, các cá nhân đã kịp thời giúp đỡ, động viên để thi tuyển được ra mắt kịp thời, nghìn năm có một.

Xin trân trọng cảm ơn và giới thiệu đến bạn đọc.

BAN BIÊN TẬP.

 

          Chúng tôi bàn với nhau là đất Thần kinh xứ Huế có rất nhiều nhà thơ, cần mời gọi tham gia thi tuyển. Đây là nét đẹp văn hóa không nơi nào có được. Con cháu hậu duệ của vua Tự Đức; các ông hoàng, bà chúa Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Nguyễn  Hàm Ninh, Mai Am, Huệ Phố…

Thuận Hóa tự hào với câu truyền ngôn:

Văn như Siêu , Quát vô Tiền Hán

Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường.

Ngoài Thư mời, chúng tôi gửi cho các thi hữu bản  Thiên đô chiếu của Vua Lý Thái Tổ, cả bản Quốc ngữ và bản phiên âm chữ Hán sang Việt ngữ dài 214 chữ. Ở đây, tôi không đưa bản phiên âm chữ Hán sang Việt ngữ.

Bản chữ Quốc ngữ:

CHIẾU DỜI ĐÔ

Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giầu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tốn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.

Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.

Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà  định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?

______________

Bản dịch sang tiếng Việt của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.

*** 

Những nhà thơ cố đô tham gia rất nhiệt tình và rất đông. Ở Huế chúng tôi mời các nhà thơ Đó là: Nữ sĩ Nguyễn Thanh Song Cầm, Hàn Thi-Nguyễn Thị Mỹ Lý, Trần Như Lộc, Dzạ Lữ Kiều, Quốc Lương, Hoàng Chinh Nhân, Lâm Vũ Nhi, Kiều Trung Phương, Ngô Cang, Tê Hát, Nguyễn Nguyên An, , Hải Thụy, Ngàn Thương, Ngô Đình Tố, Trần Kiêm Đờ - ở Đồng Nai, Trần Hữu Lục, Hoàng Hương Trang, Bảo Cường - ở Sài Gòn,Trần Ngọc Trác - ở Đà Lạt…Nguyễn Tịnh Thọ- ở Đà Nẵng.

Nhà thơ Trần Như Lộc được tuyển chọn 3 bài. Bài 1. lục bát khoán thủ CHÀO MỪNG 1000 NĂM THĂNG LONG – HÀ NỘI. bài 2.  THƯƠNG NHỚ THĂNG LONG (họa bài Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ) có câu đề tặng: Thân tặng nhà thơ Xuân Bảo. Bài 3.NGÀN NĂM THĂNG LONG.

Hàng ngàn bài thơ hưởng ứng tới tấp gửi về cho Ban biên tập. Căn phòng làm việc của tôi trở thành Văn phòng Tòa soạn Trời Nam thương nhớ. Võ Nguyện, ngày ngày đi xe máy từ Sài Gòn lên Biên Hòa. Chúng tôi đọc tất cả bài vở gửi đến và chọn những bài có thể đăng, sửa chữa vài lỗi nhỏ. Võ Nguyện mang về Sài Gòn nhập liệu, in ra tờ A4. Sáng hôm sau thì đưa lại cho tôi, dò lại lần chót và sắp xếp trang mục. Bìa do tôi trình bày. Bìa 1 là tượng đài Đức Lý Thái Tổ, đặt taị vườn hoa Chí Linh, cạnh Hồ Hoàn Kiếm. Tôi đã chọn 2 con rồng thời Lý chầu vào nhau, dưới tên sách TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ. Bìa 4 là biểu tượng Hà Nội với bức vẽ Khuê văn các. Tôi trích bốn câu lời bài hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, được in màu trắng, trên nền màu thiên thanh:

                   Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây

                   Đây lắng hồn núi sông ngàn năm

                   Đây Thăng Long, đây Đông Đô

                   Đây Hà Nội,Hà Nội mến yêu…

          Sau khi tuyển chọn xong, chúng tôi lên maquettte và đưa đến Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, xin giấy phép ấn hành. Lúc này, nhà văn Hoàng Đình Quang làm giám đốc Chi nhánh phía Nam, đóng tại 371/16 đường Hai Bà Trưng, thành phố Hồ Chí Minh.

          Song, còn một vấn đề nan giải là tài chính. Lấy đâu ra một số tiền chi phí lớn cho việc xuất bản? Tự lực cánh sinh là chính. Cũng may là dịp đó, Công ty Du lịch Đồng Nai cần xây dựng khách sạn Sen Vàng Golden Lotus nên đã sang đặt vấn đề mua lại rẻo đất phía sau nhà tôi. Cái rẻo đất này tôi mua của bà chủ hiệu vàng Hồng Thành, tục danh là Nguyễn Thị Lót, vốn là cái ao bèo, với giá không đầy 1 cây vàng.

          Tôi bán cái rẻo đất này, với giá gần 3 tỷ 300 triệu. Tôi giữ lại 250 triệu đồng. Và các khoản cho các con, cháu. Cho cậu con trai cả, luật sư Nguyễn Triệu Quang, gần 2 tỷ 200 triệu đồng, để cậu cả mua nhà và làm văn phòng luật sư (có tên là Phan Nguyễn). Gia đình Nguyễn Triệu Quang đã phải ở nhà thuê gần 10 năm nay.

          Tôi tự nhủ lòng: Gái có công thì chồng nỏ phụ. Tôi cứ xuất tiền túi ra để làm cho tốt việc xuất bản tập thơ. Mà đúng thế thật! Ngoài các thi hữu gửi tiền mua sách, còn kèm tiền hỗ trợ. Và có một vài vị Mạnh Thường Quân giúp đỡ CLB một số tiền kha khá. Số tiền 72 triệu đồng, tôi bỏ ra cho việc in sách và chi phí cho buổi Lễ ra mắt được thu lại gần đủ. Còn số ít thì tôi chịu.

Nhà thơ Võ Nguyện – Tú Thịt Hộp nói: Anh thật là một con người cao thượng!

 

Bên bờ Phước Long Giang, ngày 31 tháng 7 năm 2020.

                                                        Nhà thơ Xuân Bảo

  

 


Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

303. Huế trong tôi (Phần 3)

Ký sự.
Phần III. Chuyến về quê nội 2919
1.Về làng nội.
2. Thăm Cửa Việt
3.  Thắp nhang quê ngoại.
4. Thăm nữ nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm
5. Về nơi tôi cất tiếng khóc chào đời.
6. Tọa đàm về cuốn sách Cánh chim trong bão tố.
  1.Về làng nội
Ngày 18 tháng 4 năm 2019, hai bố con tôi. Tôi và luật sư Nguyễn Triệu Quang bay chuyến bay VN 1370 của Vietnam Airlines xuất phát lúc 6 giờ tại Tân Sơn Nhất và hạ cánh lúc 7 h 06’ xuống sân bay Huế. Sân bay Phú Bài không nhộn nhịp lắm. Ít thấy máy bay của các hãng nước ngoài.
Triệu Quang vào quày mua vé xe buýt về nội thành. Giá một vé là 50 ngàn đồng. Đã ra xe, nhưng bố con tôi chưa lên vội vì còn chụp ảnh. Có một chiếc taxi 7 chỗ đang tìm khách. Tôi hỏi xe về đâu và còn chỗ không. Tài xế trả lời là đi Quảng Trị và còn trống 2 ghế.
- Giá bao nhiêu?
- Cả 2 người chỉ lấy 500 ngàn đồng thôi.
- Đồng ý.
  Thế là chúng tôi bỏ 2 vé xe buýt (100 ngàn đồng) và lên xe. Trên xe có 2 khách về quê ở một làng gần Thành Cổ Quảng Trị. Còn chúng tôi phải đi thêm 7 cây số nữa mới đến làng. Tài xế nói chỉ lấy 100 ngàn đồng. Như vậy chi phí xe cộ tất cả là 700 ngàn đồng cho gần 80 km, từ Phú Bài về làng Đại Hào.


Đứng trước bảng chỉ dẫn địa giới Quảng Trị với Thừa Thiên – Huế
Chúng tôi ghé chợ Quảng Trị mua hương hoa và về đến làng khoảng gần 10 giờ. Đi bộ mấy bước thì vào nhà cô em Nguyễn Thị Túy, con chú ruột liệt sĩ Nguyễn Xuân Tịch của tôi. Cô rất mừng là chúng tôi đã về quê để làm một việc quan trọng. Đó là sẽ xem xét những hạng mục công trình để tu bổ lăng gia đình.
 Nhà cô Túy đang được sửa chữa. Thay mái tôn bằng mái ngói, làm thêm phòng, lát lại sân, sơn lại tường và chuyển bếp vào phía sau.
Tôi hỏi tốn kém bao nhiêu? Cô Túy cho biết là khoảng 40 triệu. May mắn là cô Túy được bà Trần Thị Cẩm, con O ruột tôi - Cụ Nguyễn Thị Chuyển ở Hoa Kỳ gửi về hỗ trợ hơn 30 triệu đồng.
 Nhìn sang bên cạnh, có một ngôi nhà mới, nằm đúng nơi Ông nội tôi cất cái nhà trước đây. Sau 1975, chính quyền mới cấp đất này cho cô em tôi, con O Đạm tên là Nguyễn Thị Trâm. Tôi sang thăm và hỏi nhà này lấy đâu ra tiền để làm? Cô Trâm trả lời là Nhà nước cho trong diện chính sách. Tổng kinh phí là 60 triệu đồng. Trên tường nhà cô Trâm có treo cái bằng Kỷ niệm chương “Vì có thành tích bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972”. Tôi rất mừng là cô Trâm được nhà mới!
Trước khi về làng, tôi gọi điện cho cô Túy bảo ra chợ Đại Hào (trước đây thường gọi là chợ Thuận) mua con gà về và nấu đọi xôi để bố con tôi về cúng tổ tiên ôông mệ.
  Khi hạ cỗ cúng xuống thì cô Túy mời cả 4 ông thợ đang sửa nhà cùng chung vui. Vì lúc này công trình sửa nhà của Túy cũng đã hoàn tất. Nhân đây, chú em Nguyễn Thành Quỳ, con O Đạm tôi mời chủ thầu Nguyễn Ngọc Khương (người trong họ) chiều 3 giờ cùng chúng tôi ra lăng để khảo sát các hạng mục cần sửa chữa.
Trời Quảng Trị vào mùa gió Lào, gió thổi nhiều nhưng nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 40 độ. Nóng dữ!
           Chiều đến, bố con tôi, chú Nguyễn Thành Quỳ, cô Nguyễn Thị Túy và chủ thầu Nguyễn Ngọc Khương cùng đi ra lăng. Sau khi xem xét những chỗ lăng hư hỏng, đi đến nhất trí: tiền vật liệu xây dựng chủ đầu tư tự mua; tiền công tất cả là 9 triệu đồng, Cộng 2 khoản là 18 triệu đồng, chưa kể có thể phát sinh.
          Trong bữa cơm tối, tôi nói: Có mặt mấy anh chị em và cháu Triệu Quang đây, vợ chồng tôi và Triệu Quang gửi lại số tiền 20 triệu đồng nhờ cô Túy giữ và chi cho công trình, nhờ chú Quỳ theo dõi giám sát thi công. Khi nào xong thì gọi điện cho chúng tôi biết để có thể ra làm lễ tạ.
     Ngôi nhà cô em Nguyễn Thị Túy đang được sửa chữa. Nhà nằm trên bức nương của ông bà nội của tôi.
        Đêm hôm đó cha con tôi ngủ lại tại nhà cô Túy. Được nằm trên mảnh đất quê cha đất tổ, tôi bồi hồi nhớ tới những ngày xưa thân ái. Tôi nhớ tới Ông nội – một nhà Nho đáng kính, nhớ tới Mệ nội, được sinh ra trong một gia đình vọng tộc, cháu quan đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôi nhớ tới quê hương trải qua 2 cuộc chiến đánh Pháp và chống Mỹ bị tàn phá gần như không còn một tấc đất nào là không thấm máu của đồng bào, đồng đội; không một nơi nào là không bị bom đạn cày xới.
Năm 1972 , Quảng Trị dược giải phóng, tôi có chuyến về thăm quê và đã viết cái bút ký Đường vào (đã in sách). Tôi trích lại một đoạn:
…Đêm Quảng Trị. Trăng lên cao vòi vọi, tỏa ánh vàng nhạt xuống quê hương trơ trụi, không một bóng cây to! Trằn trọc, thao thức không tài nào nhắm được mắt. Bao nỗi niềm xúc động, thương tâm khi nhìn rõ quê hương bị tàn phá quá ư nặng nề. Giấc ngủ chập chờn, mộng mị. Tiếng dế kêu rả rích như đè nặng lên trái tim người con xa quê đã bao ngày. Giấc ngủ? Không, đây là giấc mơ hai mươi năm – giấc mơ kinh hoàng kéo dài một phần năm thế kỷ!
Có nơi nào như mảnh đất này chăng?!!!
Con đã về với đất Mẹ thương yêu; đã hít thở căng lồng ngực bầu không khí quê Cha; đã ăn hạt gạo từ những thửa ruộng trộn lẫn máu và nước mắt của bà con Quảng Trị làm ra…Đáng lẽ phải vui mừng mới phải, nhưng sao thấy lòng chua xót quá, đắng cay, day dứt quá! Mạ đâu rồi, các em đâu rồi? Còn không cô dì chú bác, anh em họ hàng thân tộc? Còn không nếp nhà xưa, con đường cũ, ? Còn không nương mít, vườn chè? Và sao da diết nhớ con sông đã tắm mát cả quãng đời thơ ấu của ta!
Đâu đây như văng vẳng, mênh mang câu hò mái đẩy hiền hòa, dịu ngọt!
Đêm trầm tư xao xuyến mông lung!

                    Quảng Trị đau thương và oai hùng biết mấy!
 
1.     Thăm Cửa Việt
    Sáng hôm sau, 19/4 tôi muốn thăm lại Cửa Việt – nơi mà năm 1973 khi về Quảng Trị đã giải phóng – tôi có viết cái bút ký “Đường vào”- có nhắc tới câu hát: “ ta nhớ má Năm Căn, ta thương em Cửa Việt”. Tôi bàn với Nguyễn Thành Quỳ đi thăm Cửa Việt.
   Chiếc xe du lịch Hyundai mới cóóng của cháu Nguyễn Ngọc Tuân đến đón chúng tôi. Tuân là cháu nội cụ Nguyễn Ngọc Điệt – người thợ may làng. Hồi đó, trước năm 1945 cụ Điệt có cái quán nhỏ, gần nhà thờ họ Nguyễn 8 phái bên con đường Quảng Trị - Cửa Việt. Tôi thường ra chơi ở tiệm may này và được cụ rất thương.
    Xe qua làng Bồ Bản, làng Lệ Xuyên, bên kia sông là làng An Cư của Mệ nội tôi. Quan phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường là ông cố nội của Mệ nội tôi. Chị ruột Mệ nội tôi được gả cho ông Hường Tường Vân, được phong tước Quận công Hồng lô tự khanh.
             Tôi lại nhớ đến ca sĩ Duy Khánh, sinh năm 1936, tên thật là Nguyễn Văn Diệp tại làng An Cư, huyện Triệu Phong, là con áp út trong một gia đình vọng tộc, gốcũng thuộc dòng dõi quan Phụ chánh đại thần triều Nguyễn Nguyễn Văn Tường.
        Xe qua làng Tường Vân, tôi nhớ lại có một lần trước cách mạng 1945, Mạ tôi cho tôi đi ăn kỵ tại nhà Mệ Hường. Hai mẹ con đi bộ từ làng Đại Hào tới làng Tường Vân mất khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Dinh cơ của ông Hường rất lớn. Tôi được phép lên nhà trên và thấy ở gian nhà giữa, nơi đặt ban thờ có trưng bày một bộ lỗ bộ, chứng tỏ quyền uy của chủ nhân. Sau này, con của O ruột tôi tên là Trần Thị Cẩm được gả cho con bác C. Bác C. là bác sĩ thời Pháp là con của mụ hầu của ngài Quận công.
Trước khi lên cầu, chúng tôi xuống xe đến chiêm ngưỡng công trình Tượng đài Chiến thắng Cửa Việt. Tượng đài bằng đá cao 17m, công viên và các hạng mục phụ trợ khác được xây dựng trên diện tích 8.100m2 tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Kinh phí đầu tư xây dựng 30 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các nguồn huy động tổng hợp khác.
Việc xây dựng Tượng đài chiến thắng Cửa Việt là việc làm mang ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, chính trị và xã hội, là nơi ghi lại chiến công oanh liệt của các lực lượng vũ trang và nhân dân Triệu Phong đã làm nên chiến thắng Cửa Việt vào tháng 7-1973, đập tan âm mưu phá hoại của Mỹ - Ngụy đối với Hiệp định Paris mới được ký kết. Qua đó, thể hiện tấm lòng tri ân của các thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

  Tượng đài chiến thắng Cửa Việt
Bên bờ nam cầu là làng Hà Tây nổi tiếng có nước mắm cá nục và ruốc (một loại mắm tôm làm bằng con khuếc biển) rất ngon. Chúng tôi xuống xe lững thững đi bộ qua cầu.
       Cầu Cửa Việt bắc qua hạ lưu sông Thạch Hãn, dài 806 mét, là cầu bêtông cốt thép vĩnh cửu có 12 nhịp, mặt cầu rộng 12 mét dành cho hai làn xe, khổ thông thuyền rộng 50 mét và cao 7 mét, phần đường 2 đầu cầu dài 1.011 mét, có hệ thống đèn điện chiếu sáng trên cầu. Cầu được khởi công ngày 28/2 năm 2007, sau 30 tháng thi công, ngày 17/7/2010 thì thông xe.
        Việc đưa cầu Cửa Việt - cây cầu lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vào sử dụng sẽ cùng với cầu Cửa Tùng nối liền hệ thống giao thông ven biển dài hơn 73 km của tỉnh Quảng Trị kết nối cùng với Quốc lộ 9 kéo dài tạo thành tuyến đường thông suốt phía Đông từ Bắc vào Nam, nối liền cảng biển Cửa Việt với cảng biển Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng).

Cầu Cửa Việt
      Ông Hoàng Kiều, một doanh nhân nổi tiếng thế giới, là người Mỹ gốc làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Ông Hoàng Kiều đã từng mời Hoa hậu Thế giới về thăm biển Cửa Việt, đã nói giá trị và thương hiệu Cửa Việt là rất nổi tiếng.
      Bích Khê là ngôi làng có nhiều người nổi tiếng: Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thị Ái, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường…
Phía bờ bắc cầu là làng Tân Lợi thuộc xã Do Hải, huyện Do Linh nay thì thuộc thị trấn Cửa Việt.
 
 

Bố con tôi trên cầu Cửa Việt
Thị trấn Cửa Việt được thành lập năm 2005, là trung tâm du lịch - dịch vụ, đánh bắt và chế biến thủy, hải sản của huyện Do Linh, có diện tích tự nhiên 734,28 ha, dân số hơn 4.800 người, được công nhận đô thị loại V.  Thị trấn Cửa Việt đang trên đà đi tới. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư tương đối hoàn chỉnh; hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, văn hóa, thương mại - dịch vụ phát triển và tiếp tục được đầu tư theo quy hoạch chung. Đã có nhiều nhà đầu tư đến đây và có nhiều dự án phát triển du lịch. Nhiều nhà cao tầng đã mọc lên. Tuy nhiên lượng khách còn ít!
Chúng tôi đi thẳng ra phía bắc trên con đường Quốc phòng một đoạn rồi quay lại cầu Cửa Việt rồi về Đại Hào trên con đường tỉnh lộ 64. Nguyễn Thành Quỳ chia tay chúng tôi ngay trước mặt nhà Văn hóa thôn.
 
 
 
 
 
2.     Thắp nhang quê ngoại.
          Bố con tôi về quê ngoại Phường Sãi, vào nhà người anh con ông cậu ruột tôi thắp nhang Nhà thờ Tổ phụ, quê ngoại, rồi ra dự Hội làng nhân Ngày Kỵ của Ngài Khai khẩn và thôn Thượng Phước tổ chức lễ Đón nhận danh hiệu thôn Văn hóa 2014 - 2018.
3

Thắp nhang Nhà thờ Tổ phụ,quê ngoại
Ở đây, tôi gặp cô giáo Lê Thị Trương, con của ông bà Lê Trường Lữ. Ông Lữ là đại đội trưởng đại đội 235, bộ đội địa phương của tôi, hồi năm 1954, khi chúng tôi tập kết ra Bắc. Gặp tôi, cô giáo Trương  khoanh tay : Chào thầy! Tôi thật sự ngỡ ngàng khi có một người tuổi đã cao mà còn giữ được nề nếp gia phong của thời phong kiến.
 Ký ức của tôi hiện về: Vào năm 1951 -1952, tôi không còn đi ở đợ nữa, mà theo yêu cầu của lãnh đạo thôn và nhiều bà con trong làng, muốn con mình đi học chữ. Người đứng ra tổ chức lớp vỡ lòng là Dượng Hứa, chồng Dì Cầm của tôi. Dượng cho mượn địa điểm và sửa soạn bàn ghế cho “lớp”. Gọi lớp cho oai, chứ thật sự ra chỉ có một cái bàn thầy là bàn ăn và một ghế dài bằng bằng tre. Lớp lúc này còn ở trong làng, có các học trò gồm Trần Đình Kế và Trần Đình Thế, anh em con ông Trần Đinh Thứ. Trần Đình Kế, sau vào bộ đội Giải phóng quân và hy sinh, được công nhận là liệt sĩ. Một người con của Dượng Hứa. 2 đứa con của mụ Hoãn. Sau vì Tây thường bắn ca-nông lên làng cho nên lớp được dời vào trong Xóm Mộ. Lớp được đặt tại nhà ông Lê Trường Ngữ, thôn đội trưởng,có con tên là Lê Ngọc Tín, thường gọi là Oạc. Tín tập kết ra Bắc trong diện học sinh miền Nam và đã tốt nghiệp đại học Nông Lâm, Nương phía trên là của gia đình ông Lê Trường Lữ, có 2 người con gửi tới lớp là Lê Thị Trương   ( người ngồi cạnh tôi đó) và Lê Trường Cầu, đi bộ đội và hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Tôi chỉ mới có bằng Sơ học Yếu lược hồi ở Huế, tuy nhiên tôi cũng được tín nhiệm để bà con gửi gắm con em mình vào học. Tôi lại dùng những kiến thức giáo khoa  của thời trước mà tôi đã học ở trường  Pháp. Buổi tối, tôi được lãnh đạo thôn phân công đi dạy “bình dân học vụ” cho những người tuổi cao với cách tập đánh vần rất mới là i tờ, tờ iti…
Sau bao nhiêu năm, giờ đây mới gặp lại Lê Thị Trương, tôi rất mừng và ôn lại vài mẩu chuyện cũ hồi xưa. Trương cũng vô cùng cảm động.

Cô giáo Lê Thị Trương, người mặc áo dài hồng, ngồi cạnh tôi.
 
***
 
13 giờ, bố con tôi trực chỉ thành phố Huế.
Về ngay khách sạn Song Cầm ở số 26 đường Trần Thúc Nhẫn và nghỉ lại.
 
4.Thăm nữ nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm.
Cô tiếp tân đưa cho tôi cái chìa khóa phòng 401 và hướng dẫn bố con tôi vào thang máy. Tắm rửa xong, do đi đường thấm mệt nên hai bố con đi nghỉ. Trời Hương Giang Ngự Bình không nóng lắm và có máy lạnh nên chúng tôi ngủ một giấc dài đến hơn 5 giờ chiều. Thức dậy, tôi sang thăm thân mẫu Song Cầm và các cháu. Mạ Song Cầm nay đã gần tuổi 90, bệnh xương khớp người già luôn hành hạ, nhưng Mệ vẫn giúp Song Cầm bếp núc. Song Cầm thỉ bận bịu suốt ngày lo cho 4 đứa con. Căn nhà nằm trong một kiệt nhỏ, khiêm nhường dù cạnh đó là cái hotel Song Cầm 6 tầng, đủ tiện nghi cho một khách sạn 4 sao.
Tôi hỏi thăm Michimi. Song Cầm nói: 5 hôm nữa Michimi sang Việt Nam.
 Gặp nữ nhà văn, tôi nhắc lại chuyện Song Cầm đưa Shosho – đứa con thứ hai - đi chữa bệnh tự kỷ ở Hà Nội. Shosho nay về nhà có biểu hiện trở lại bình thường. Cháu hỏi:
- Ôông ở mô? Tôi trả lời:
- Ở Biên Hòa, Đồng Nai.
Shosho nói - Ở Biên Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai. Shosho thêm địa danh Xuân Lộc vào câu trả lời.
Song Cầm rất vui thấy con mình biết rõ cả địa danh Xuân Lộc, mặc dầu cháu chưa bao giờ đến đó.

 Shosho, con trai của nữ nhà văn Song Cầm
         Đã nhiều lần Song Cầm gọi điện cho tôi, nói:
         - Khi nào về Quảng Trị nhớ ghé Huế để Song Cầm cùng đi cho vui. Tôi cảm ơn và lần này tôi muốn đi thăm nơi tôi khóc tiếng khóc chào đời. Song Cầm bảo:
- Ngày mai, 8 giờ em sẽ đưa bố con anh đi. Lịch trình đi gồm thăm lại Mang Cá Kẻ Trài, Bao Vinh; quay lại vào cửa Chính Bắc rồi sang An Hòa về cửa Thượng Tứ rồi lên thăm Huyền Trân công chúa.
5. Nơi tôi cất tiếng khóc chào đời
Sáng hôm sau 20/4, đúng 8 giờ. Song Cầm sang khách sạn chuẩn bị khởi động xe. Tôi bảo để Triệu Quang lái xe. Song Cầm nói: Em quen đường sá, để em lái.
Chưa ai ăn sáng cả. Tôi bảo Song Cầm tìm hiệu bún bò ngon. Đi đến một đoạn, Cầm ghé xe vào quán O Cương nằm sâu trong kiệt. Qua nơi này, tôi nhớ có lần tôi với nhà thơ Ngô Minh, nhà văn Vĩnh Nguyên đã từng ngồi uống cà phê với nhau. Ngô Minh nhờ tôi xin giấy phép xuất bản cuốn sách Vượt Trường Sơn. Trong sách có nhắc tới một đoạn nói về cải cách ruộng đất. Gia đình nhà thơ cũng bị đấu tố và xử trí. Tôi đã cố gắng liên hệ hai ba nhà xuất bản nhưng họ đều không cấp giấy phép. Thôi đành lỗi hẹn với Ngô Minh vậy!
Xe qua đầu phía nam cầu Tràng Tiền, nơi có cái khách sạn Morin của Tây. Nơi đây ngày 9 tháng 3 năm 1945. Nhật đảo chính Pháp, chúng đã nhốt một lũ quan quân Phú-lang-sa, sau đó chúng giết hết. Tôi còn nhớ hồi đó ở đầu cầu phía bắc có gắn tấm biển tên toàn quyền Đông Dương: Paul Bert.
Tôi nói với Song Cầm và luật sư Triệu Quang, những năm ở Huế, tôi được Ba Mạ nhiều lần đi qua chiếc cầu này.
Năm 1993, tôi về Huế được phó Chủ tịch tỉnh Lê Văn Sắc cho đến thăm công trình khôi phục cầu Tràng Tiền. Tôi đã có cái bút ký Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp.  Chỉ huy trưởng công trường Trần Thế Thành đã chiêu đãi tôi một chầu ca Huế. Nhóm dân ca Huế có 9 nghệ sĩ do nữ nghệ sĩ ưu tú Châu Dinh chỉ đạo. Hai giờ đồng hồ ngồi trong chiếc thuyền rồng, bập bềnh trên sông nước tôi đã được nghe lại nhiều bản ca Huế, đậm đà tình nghĩa núi Ngự sông Hương.
Xe qua chợ Đông Ba rồi đến cầu Gia Hội, không lên cầu mà rẽ trái đi xuống con đường dọc sông Ba Loan về Mang Cá. Ký ức tôi còn ghi đậm những điều sau đây:
 Mạ tôi kể: Năm 1934, Ôông Mệ nội tôi làm lễ cưới cho Ba tôi. Trước đó, gia đình Ôông Mệ tôi đã dạm ngõ một người con gái họ Phạm, người làng. Chẳng hiểu vì lý do gì mà sau khi Ba tôi ở Côn Minh về thì ông xin từ hôn và Ôông Mệ tôi lại đi hỏi cưới Mạ cho Ba tôi. Mệ ngoại tôi là người làng Đại Hào. Đám cưới Ba Mạ tôi tổ chức đi rước dâu bằng thuyền. Đi từ con hói chợ Thuận, ra sông Thạch Hãn rồi ngược lên Phường Sãi. Cả đoạn đường sông này dài gần hai chục cây số, đi về mất hẳn một ngày trời, kể cả thời gian làm lễ nghi đám cưới. Cưới xong Ba Mạ tôi vào Huế.
Mạ tôi là một người đàn bà được nuôi dạy tốt trong một gia đình gia giáo. Cũng như những người con khác trong gia đình, Bà được ông bà ngoại cho đến trường học chữ. Học xong lớp Sơ đẳng thì ở nhà để lo chuẩn bị vào đời, tức là những bước chuẩn bị đi lấy chồng. Ngày đó những gia đình quyền quý có con gái thường được những gia đình môn đăng hộ đối để ý tới. Và đến tuổi cài trâm, thì có người mai mối tới nói chuyện hôn nhân.
Tính từ năm Bính Thìn (1916) đến năm Giáp Tuất (1934) Mạ tôi bước lên thuyền hoa về nhà chồng vừa đúng 18 tuổi. Công việc chính của Mạ tôi là lo tề gia nội trợ và chăm sóc nuôi dạy con cái. Người vợ lính không lo đến cơm áo vì lương chồng cũng đủ sống. Không những thế, Mạ tôi còn nuôi người giúp việc và ẵm bồng con nhỏ. Lúc tôi biết đi, Mạ thường cho tôi theo bà đi vãn cảnh chùa, thường thì hay đi chùa Từ Đàm hoặc chùa Thiên Mụ. Hai mạ con đi xe tay, một loại xe hai bánh có người kéo. Cái xe tay này cũng đã đi vào văn học sử với truyện ngắn Ngựa người và người ngựa của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Đặc biệt hơn, cái xe tay này được Nguyễn Ái Quốc vẽ minh họa cho bài viết tố cáo thực dân Pháp thời chúng đô hộ nước ta.
Và ngày mười sáu tháng giêng năm Ất Hợi tôi chào đời. Theo lịch Vạn Niên thì ứng với thứ 2 ngày 18 tháng 2 năm 1935. Bây giờ lý lịch và các loại giấy tờ đều ghi ngày sinh của tôi là ngày 16 tháng 1 năm 1935. Ghi như vậy là không đúng với thực tế. Nhưng mà thôi, gần tám mươi năm qua, tôi đã mang ngày sinh như thế thì cứ để thế. Có gì tuyệt đối đâu. Tôi nghĩ rằng nhiều, rất nhiều người cũng có ngày sinh không đúng vì qua hai cuộc chiến tranh, nhiều giấy tờ bị thất lạc.
 Khi tôi lên năm, đến tuổi đi học, vào lớp Đồng Ấu tương tự lớp Một bây giờ. Tôi được Ba tôi dắt đến trường. Trường cũng nằm trong khuôn viên Trại Con gái Mang Cá. Tên Tây là Camp mariée.
 Vào lớp, những học trò chúng tôi không hề mang sách vở. Khi ngồi vào chỗ ngồi thì trên mặt bàn đã để sẵn đó một cái tráp bằng gỗ mỏng, trong đó có mấy cuốn sách và mấy cuốn vở tập, một cây bút chì, một cây bút mực, một cục gôm (tẩy), một tờ giấy thấm, một cái thước kẻ. Cái gô-đê mực tím đặt lọt xuống lỗ hõm mặt bàn.
Trại Con gái Mang Cá có nhiều dãy nhà. Mỗi dãy có tới mấy chục căn hộ. Căn hộ hai đầu dãy thì thông nhau, nhìn ra hai phía, dùng bố trí cho cấp bậc đội (sergent) và đội sếp (sergent chef). Còn từ cai (caporal) trở xuống thì chỉ ở những căn giữa. Ông Lê Bá Vận, có bà con với ông Tổng bí thư Lê Duẩn, người Bích La, Triệu Phong, Quảng Trị hồi này mới có chức cai sếp (caporal chef) ở căn giữa. Sau này ông Vận làm trung đoàn trưởng trung đoàn 95 Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Căn hộ Ba Mạ tôi ở gần sân vận động. Trước mặt nhà về phía tây là nhà của ông đội sếp Nguyễn Văn Hinh. Ông này đặt tên con theo cái giờ nó được sinh ra. Còn tên thật theo giấy khai sinh thì khác. Thằng đầu cùng tuổi với tôi tên là À dix heures, tức Mười giờ. Bọn học trò chúng tôi thường chọc ghẹo nó, gọi nó là Thằng đít giơ theo tiếng Việt là thằng đít nhớp (bẩn). Thằng em nó được đặt tên là À onze heures dix minutes, tức Mười một giờ mười phút. Chúng tôi lại gọi tên nó bằng tiếng Việt: Thằng ông giơ đít mi nút. Ông Nguyễn Văn Hinh, sau Hiệp định Genève lãnh đạo phe chống Ngô Đình Diệm và bị Diệm tiêu diệt nặng nề.
Trong Trại này có một cái biệt thự riêng biệt, được đặt sau ngôi đền, từ ngoài cổng vào. Cụ quản Vương Đình Khoan (adjudant chef) ở cả gia đình từ Nghệ An vào. Thỉnh thoảng thấy cụ xuất hiện, đi xuống các dãy nhà, trong tay cụ lúc nào cũng có cây roi cặc bò. Lính tráng gặp cụ thì phải giơ tay chào kiểu nhà binh. Còn lũ trẻ chúng tôi gặp cụ thì phải đứng lại, vòng tay ra trước ngực “bẩm cụ”. Năm 1944, cụ quản Khoan mãn hạn lính. Người thay thế là cụ quản Trang vào ở ngôi biệt thự đó.
Cách cổng Trại Con gái chưa đầy ba trăm mét, phía tay phải là cổng đồn Mang Cá. Ngoài cổng có một dãy nhà của ông cai Thuyết cho thuê, kiểu như nhà trọ bây giờ. Nghe nói ông cai Thuyết khởi nghiệp chỉ có trong tay 5 xu tiền Đông Dương lúc bấy giờ. Thế mà 10 năm sau ông đã trở nên giàu sụ, có của ăn của để. Vào khỏi cổng phía tay phải có cái bót gác, vào bên trong chừng mươi mét có một tiệm cắt tóc cho lính. Tiệm cắt tóc có ba chiếc ghế cho khách ngồi. Trên trần nhà có ba cái quạt kéo bằng vải, giống như cái quạt giê lúa của nông dân. Khi có khách cắt tóc thì có một chú nhỏ khoảng trên 10 tuổi kéo dây cho quạt đung đưa qua lại trên chỗ khách ngồi cho mát.
Vào một đoạn nữa là kho gạo. Cứ đến đầu tháng Mạ tôi đem “bông”- một loại tem phiếu phát cho vợ lính - để lĩnh gạo mang về. Tiền mua gạo này được Trésorier (kho bạc) chiết trừ vào tiền lương hàng tháng của Ba tôi. Đối diện với kho gạo là một cái nhà bàn rất to, (tức là nhà ăn tập thể), đủ chỗ ngồi cho cả một tiểu đoàn lúc tới giờ ăn.
Muốn đi vào trong thành phải đi qua một cái cầu xi-măng hình bán nguyệt, bắc qua hào rồi đi qua cái cổng thành có cánh cửa gỗ to đùng ngày mở đêm đóng, có lính canh thường trực. Đây là cổng thành được gọi là Cửa Đông Bắc Kẻ Trài. Phía trong thành là nơi đóng quân của binh lính và sĩ quan. Có phòng làm việc, nơi ở, có câu lạc bộ, sân vận động bóng đá, sân bóng chuyền, bãi tập quân sự (thao trường). Đặc biệt có kermesse (theo nghĩa là chợ phiên), nhưng thực tế chỉ là cái cantine bán tạp hóa và thực phẩm cho binh lính. Mạ tôi thường hay được các chú lính mua giúp bia, nước ngọt và các thứ thực phẩm về dùng.
 Những ngày lễ lớn như Quốc khánh Pháp (14 tháng 7), Noel, Tết Tây (nouvel an), Tết Nguyên đán, Bộ Chỉ huy thường tổ chức ngày hội gồm nhiều trò chơi như leo cột mỡ, thi nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập om (một loại nồi đất) và nhiều trò chơi khác. Có lần tôi đập trúng cái om đựng đầy nước, nước bắn tung tóe, ướt hết mặt mũi quần áo. Vợ con binh lính được vào vui chơi trong thời gian mở hội.
 Kết thúc niên khóa 1943-1944, trường chúng tôi tổ chức cho học trò lớp sơ đẳng đi thi Sơ học yếu lược. Học trò phải có cái certifica d’identité (thẻ căn cước). Mạ tôi dẫn tôi lên hiệu ảnh gần chợ Đông Ba. Tôi được mặc áo lương đen và đội khăn đóng (khăn xếp) chụp hình để dán vào hồ sơ và sau này tôi thấy trong tấm bằng Yếu lược của tôi cũng dán bức hình này. Địa điểm thi là tại trường huyện, thị trấn Bao Vinh, huyện lỵ huyện Hương Trà. Từ sáng sớm, một chiếc xe nhà binh của đồn Mang Cá tới rước học trò đi thi. Cha mẹ học trò thì hoặc là đi bộ (từ Mang Cá xuống Bao Vinh cũng không xa lắm) hoặc là đi xe tay xuống nơi thi để động viên con em mình. Lớp chúng tôi được phân ra thi ở nhiều phòng thi khác nhau. Tôi để ý thấy trong phòng thi của tôi có cả những ông có râu và tuổi cũng cao như Ba tôi. Sau này tôi mới được biết các ông này đi thi để lấy cái bằng Sơ học Yếu lược thì sẽ có nhiều quyền lợi như được triều đình ban phẩm trật, thường là cửu phẩm văn giai. Khi ra việc làng được ngồi chiếu trên, khi chia ruộng công thì được chia loại nhất hoặc nhị đẳng điền, khỏi đi phu phen phục dịch, không phải làm thằng mõ.
Phía ngoài phòng thi có mấy ông cảnh sát (police) mặc quần áo màu vàng, cầm roi cặc bò đi lui đi tới. Sau phần thi buổi sáng gồm 2 môn ám tả và toán. Buổi chiều thi phần tiếng Pháp, có thi viết một đoạn văn ngắn (dictée francaise) và thi oral (vấn đáp). Tôi làm bài thi khá nhanh. Khi đang học ở trường, tôi thường được xếp hạng nhất nhì của lớp. Hàng tháng trên bảng Danh dự (tableau d’honneur) của lớp tên tôi luôn được xếp đầu tiên. Nộp bài thi xong thì được phép ra khỏi phòng thi để gặp thầy giáo và cha mẹ, nhưng không được làm ồn và đi lại lộn xộn.
Cuộc thi kết thúc chúng tôi lại lên xe nhà binh trở lại Trại Con gái Mang Cá. Khoảng hai tháng sau thì có kết quả. Tôi được xếp thứ 11 trong tổng số thí sinh dự thí. Bằng được gửi theo đường dây thép (bưu điện) về quê nội làng Đại Hào, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông nội tôi cho mổ bò khao làng. Thế mới biết việc khuyến học thời đó mới quý làm sao.
Tôi còn nhớ những kỷ niệm thân thương về người cha của mình. Ông có dáng người cao lớn, khuôn mặt thông minh và nụ cười rạng rỡ. Hồi ở Huế, trong trang phục nhà binh trông ông oai vệ không kém những tên quan Pháp. Những ngày nghỉ, Ba tôi thường cho Mạ, tôi và các em đi thăm thú các danh lam thắng cảnh của cố đô. Có những đêm trăng đẹp, Ba Mạ và tôi được lên đò nghe ca Huế. Tôi còn nhớ cho tới bây giờ các điệu Nam ai, Nam bằng. Có những câu nghe ai oán: “Nước non ngàn dặm ra đi, mối tình chi?” Và những câu hò mái nhì nghe thống thiết làm sao! “Chiều chiều ra trước Phu Văn Lâu. Ai ngồi ai câu, ai sầu, ai thảm, ai cảm, ai nhớ, ai thương. Thuyền ai thấp thoáng bên sông. Giọng hò mái đẩy chạnh lòng nước non.”
 
 

Sông Hương trầm mặc
Trên sông Hương có rất nhiều đò cho khách thuê để dạo chơi và nghe ca Huế. Có những chiếc đò nhỏ bán chè đậu xanh, đậu ván, bán trứng vịt lộn và nhiều món ăn đêm khác. Họ chèo quẩn quanh các đò hát và cất tiếng rao lanh lảnh ngập tràn cả khúc sông. Trên bờ, đoạn trước cửa Ngọ Môn có một vườn hoa mang tên nhà vua Bảo Đại. Đêm đêm nơi đây có tổ chức nhảy đầm, có quán xá. Khách đến đây thường là các quan chức người Pháp và công chức, tư chức người Việt. Tuyệt nhiên không có khách là người nghèo hoặc thậm chí các ông xã xệ lý toét cũng không hề bén mảng.
 

Cửa Ngọ Môn .Huế
Tôi còn nhớ ngày đó ở chân cầu Thanh Long có một người ăn mày tên là Cụ Trâu. Mùa hè cũng như mùa đông, Cụ Trâu chỉ mặc độc chiếc quần đùi. Người cụ láng mượt một màu da nâu, đặc biệt tấm lưng trần như được bôi mỡ. Cụ nói lời ăn xin mà nghe như hát: “Lạy ông đi qua lạy bà đi lại…” Và cũng trên đoạn đường này có một tiệm hút thuốc phiện, ngoài cửa có treo tấm biển đề chữ OPIUM. Tôi nghe Mạ tôi nói Ba tôi thỉnh thoảng cùng những người bạn trong đồn đến nơi đây để hút thuốc phiện. Thuốc phiện được mở tiệm công khai. Các nhà cách mạng thì coi đây là một trong nhiều chính sách ngu dân của thực dân Pháp! Trên con đường này còn có rạp hát Tân Tân. Gia đình tôi thường đi xem cinéma, xem hát ở rạp này, có imprimerie (nhà in) Ngô Tử Hạ.
 Cũng gần cầu Thanh Long, ở cận chân thành có một cái abattage  (lò mổ súc vật). Mỗi lần tôi đi học trường Queignec qua đây thường nghe thấy tiếng heo kêu eng éc.
***
Năm 1944, đang trong Thế chiến thứ II nên việc đi lại bằng đường bộ hết sức nguy hiểm do Đồng minh thường xuyên ném bom đường giao thông. Ba Mạ tôi rời khỏi Huế từ đầu năm 1944 vì Ba tôi mãn hạn lính.
Tôi được Ba Mạ cho ở lại, ở nhờ nhà bà sếp Thông chờ thi Yếu lược nên về sau. Và sau khi thi đậu, tôi được lên lớp nhì nhất niên (cours moyen un) học ở trường Queignec cho đến ngày Nhật đảo chính thì thôi học về quê. Mạ tôi vô Huế đón tôi. Đây là lần đầu tiên tôi được đi đò dọc từ Huế ra Quảng Trị. Bao Vinh là một bến thuyền sầm uất. Tôi đứng nhìn các chiếc ghe bầu từ xứ Quảng ra buôn bán các loại hàng hóa, trong đó đường Quảng Nghĩa nổi tiếng. Họ có lối đếm rất độc đáo. “Một đưa, hưa đéng, boa thình, chính cheng, chẻng chục”. Diễn dịch ra là “Một đôi, hai đắng, ba thìn, chín chăn, chẵn chục”. Thế là đủ một chục cái bánh đường.
 

Tác giả và nữ nhà văn tại  Bao Vinh
Song Cầm cho xe chạy thẳng xuống Bao Vinh. Hai bên đường nhà cửa san sát. Nhà dân còn lấn chiếm ra cả mép sông, thành ra con đường bị nhỏ hẹp lại. Qua khỏi huyện lỵ, Song Cầm cho xe quay trở lại và chúng tôi chụp ảnh trước chùa Thiên Giang cùng với một bến thuyền Bao Vinh bây giờ không còn sầm uất như trước nữa!
 
 
 

Tác giả và nữ nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm trước cửa Chính Bắc hoàng thành.
Đến Mang Cá, tôi nói: Chúng ta đi vào cửa Chính Bắc luôn. Xe dừng lại đầu cầu. Tôi chỉ vào móng cầu và hỏi Song Cầm có biết con cá bống thệ hay không? Cầm bảo biết. Nơi móng cầu này ngày xưa, cách đây 75 năm (năm 1944) tôi đã ngồi câu cá bóng thệ. Nhìn xuống hào chỉ thấy bèo, cơ man nào là bèo, lấp kín không còn thấy mặt nước. Tôi chỉ cho Triệu Quang biết là trước đây, nơi mặt thành đối diện với cái trường nhà binh đồn Mang Cá là nhà của “me xừ” (lieutenant) quan hai Le Bourg, trưởng phòng tham mưu 5è Brigate. Chiều xuống, khi hết giờ làm việc, quan hai xuống thành đem theo chiếc périsoire (thuyền thể thao một người) thả xuống hào và bơi dọc đến lối ra sông Hương, tối mới về.
Chúng tôi chụp ảnh ngay đầu cầu bên này. Nhìn vào cái cổng thành ngày trước, tôi lại nhớ đến những buổi nghỉ học được Ba tôi dắt vào chơi nơi cơ quan tham mưu đóng. Và nhớ tới ngày Ba tôi mãn hạn lính, Le Bourg đã tặng Ba tôi cái sừng tê ngu (tê giác) để làm kỷ niệm.
Bây giờ cổng thành không còn cánh cửa bằng những tấm gỗ lim nặng chình chịch nữa.  Mỗi lần mở đóng phải 2 người lính đẩy cật lực. Toàn bộ dãy nhà Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 5 thời Pháp gồm cơ quan tham mưu (État Major), Sở Mộ lính, Câu lạc bộ Sĩ quan và Lính, Trésorier… được thay thế làm nơi làm việc của các cơ quan thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đến Cửa Tây, tôi muốn thăm nghĩa địa Tây Lộc – nơi có mộ em trai tôi Nguyễn Xuân Thưởng chết lúc được một tháng tuổi. Song Cầm nói rằng bây giờ nơi đó đã thành phố xá hết rồi!
Thành nội giờ đây cũng lộn xộn, ngổn ngang nhà cửa. Vỉa hè bị chiếm làm nơi bán hàng và chứa chất vật liệu. Xe ra cửa Thượng Tứ rồi qua cầu Phú Xuân để về thăm Huyền Trân công chúa.
Song Cầm cho xe chạy thẳng lên núi Ngũ Phong, cách trung tâm Huế 7 cây số. Đền thờ Huyền Trân bây giờ có tên gọi là Trung tâm văn hóa Huyền Trân tọa lạc tại đường Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế, có không gian rộng đến 28ha, nằm dưới chân núi Ngũ Phong trước đây thuộc thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thủy An. Khu vực này có đồi núi thoai thoải, rừng thông xung quanh. Không gian thâm nghiêm, kỳ vĩ. Từ ngoài dẫn vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có nghê đá phục chầu, tiếp đến là ba bậc sân rất rộng lát gạch Bát Tràng, có hồ nước và cầu bắc qua; tiếp nữa là tam quan, trong cùng là đền thờ Huyền Trân Công chúa.


Đền thờ Huyền Trân công chúa
 
Tượng Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng, cao 2,37m, do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của phường Đúc, Huế cẩn tác. Hậu điện thiết án thờ Đoàn Nhữ Hài, người tương truyền đã soạn biểu giúp gỡ tội cho vua Trần Anh Tông thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thượng hoàng Nhân Tông; ông còn là vị quan người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào trấn giữ và yên dân 2 châu Ô, Lý khi 2 châu này về với Đại Việt…Tháp chuông Hòa bình cao 7m được dựng trên đỉnh Ngũ Phong với chuông đồng nặng 1,6 tấn cũng do các nghệ nhân phường Đúc thực hiện. Trên đường dẫn lên Tháp chuông Hòa Bình, có bức tượng Phật Di Lặc khổng lồ với nụ cười viên mãn thường trực trên môi.
Huế cũng đã khởi công xây dựng đền thờ Trần Nhân Tông nhân kỷ niệm 750 năm ngày sinh của đức Phật hoàng. Trần Nhân Tông là phụ hoàng của Công chúa Huyền Trân, là vị vua anh minh, có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, hai lần đánh thắng Nguyên Mông, là vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Tượng vua Trần Nhân Tông bằng đồng đỏ nguyên chất, cao 3m, nặng 2 tấn được đúc theo phiên bản lấy từ đền thờ các vua Trần tại Nam Định.
Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời của vua Chiêm Thành Chế Mân và được tiếp đãi nồng hậu. Trần Nhân Tông lưu lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng. Khi ra về, Trần Nhân Tông hứa gả con gái là Huyền Trân cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người Java. Sau đó nhiều lần Chế Mân sai sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhưng triều thần nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung tán thành.?!
Năm 1306, Chế Mân dâng châu Ô, châu Rý làm sính lễ hồi môn, Huyền Trân về Chiêm Thành, được phong làm hoàng hậu Paramecvari.  Một năm sau đó, khi hoàng hậu vừa sinh xong hoàng tử Chế Đa Đa, thì tháng 5 năm 1307, Chế Mân băng hà. Theo tục nước Chiêm, khi vua chết hoàng hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn tang. Vua Trần Anh Tông biết tin, sai Trần Khắc Chung sang viếng tang và tìm cách cứu Huyền Trân. Trần Khắc Chung bày kế thành công, cứu được Huyền Trân đưa xuống thuyền, về Đại Việt bằng đường biển. Cuộc hải hành này kéo dài tới một năm? Sao đi lâu vậy???
Tháng 8 năm Mậu Thân tức 1308, Huyền Trân về đến Thăng Long. Theo di mệnh của Thượng hoàng Nhân Tông, công chúa đầu gia Phật giáo ở núi Trâu Sơn - nay thuộc Bắc Ninh. Vào năm 1309, dưới sự ấn chứng của quốc sư Bảo Phát. Công chúa thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh Hương Tràng.
Cuối năm Tân Hợi tức 1311, Hương Tràng cùng một thị nữ trước đây, lập am dưới chân núi Hỗ để tu hành. Sau đó, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Nộn Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự.
Huyền Trân công chúa sinh vào năm 1287 và mất ngày mồng 9 tháng Giêng năm Canh Thìn (1340). Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là "Thần Mẫu" và lập đền thờ cạnh chùa Nộn Sơn.
Các triều đại sau đều sắc phong bà Huyền Trân là thần hộ quốc. Vua triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần". Để ghi nhớ công ơn của Huyền Trân, triều đình nhà Nguyễn đã lập miếu Đại Đế Vương ở làng Lịch Đợi, phường Đúc, Huế, đồng thời các vị khai quốc công thần. Tiếc là miếu thờ này ngày nay không còn.
Đầu năm 2006, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân được khởi công xây dựng. Một năm sau đó, ngày 26 tháng 3 năm 2007, công trình khánh thành nhân kỷ niệm tròn 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân. Ngày mất của Huyền Trân công chúa, ngày 9 tháng Giêng âm lịch trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân.
Năm này tôi về Huế dự lễ kỷ niệm và có bài thơ:
 
Giọt lệ Huyền Trân
“Nước non ngàn dặm ra đi. Mối tình chi”
Cung vàng Chiêm quốc tím chiều hoang
Vẳng khúc Nam ai quá bẽ bàng
Tình nghĩa trăm năm người cách trở
Nước non ngàn dặm lệ tuôn tràn
Phụ hoàng… còn xót con lưu lạc
Trần Khắc… thấu chăng thiếp lỡ làng?
Chín vạn bông trời sao sáng nở
Thôi đành bội ước với tình lang!
 
Huế, kỷ niệm 700 năm ngày Huyền Trân về Chiêm quốc 1307-2007.
 
Nhà thơ Nguyễn Đức Hùng có bài họa
 
Nỗi lòng Huyền Trân
(họa y đề bài Giọt lệ Huyền Trân của Xuân Bảo)
Trời Chiêm lồng lộng gió đi hoang
Xót phận Huyền Trân chịu bẽ bàng
Núi thẳm chắn đường mây phủ kín
Sông sâu bít lối nước dâng tràn
Hai châu sum họp chàng thương nhớ
Vạn lý rời xa thiếp lỡ làng
Vì Nước đành chôn dòng lệ ứa
Thôi đành lỗi nhịp khúc hoài lang
 
Song Cầm dừng xe trước cổng đền. Hai bố con tôi vào thăm Huyền Trân công chúa. Có một cái trạm bán vé tham quan. Người lớn vé 30 ngàn đồng. Tôi hỏi cô nhân viên – Có nhiều khách đến nơi đây không?
- Ít, chỉ vào mùa lễ hội thì đông khách.
Song Cầm đưa xe tới một chỗ có bóng râm đỗ lại.  Có người ra đòi 10 ngàn đồng tiền gửi xe. Song Cầm không trả tiền vì xe có gửi đâu mà trả. Lạ thật, cái kiểu làm du lịch mất khách của Huế!


Trước cổng Đền thờ Huyền Trân công chúa
 
Tạm biệt người con gái họ Trần đã vì nước mà hy sinh mối tình đầu đẹp như mộng. Huyền Trân công chúa xứng đáng là thành hoàng của dải đất Ô châu!
Trên đường trở lại nội ô, tôi nói với nhà thơ ghé thăm nơi ở của Cậu Cẩn, còn có hỗn danh là Út Trầu, con út của gia đình họ Ngô.  Ngô Đình Cẩn, lãnh chúa Cao nguyên Trung phần thời ông Diệm. Lối vào “dinh” lá rụng lấp đầy, mấp mô sỏi đá khó đi. Ngôi nhà 2 tầng, mỗi tầng 5 phòng rêu phong loang lỗ. Trong sân có cái lều nghinh phong đã không còn hình dáng ngày xưa!
 

“Dinh” cậu Út Trầu Ngô Đình Cẩn đã trở thành phế tích.
Tôi lại nhớ đến cậu Ngô Xuân Toàn của tôi, lúc còn nhỏ có tên là Tuy, con mụ O ruột Ba tôi – thường gọi là Mụ Cửu – đồng tuế và đồng môn với ông Nguyễn Duy Gia, người làng Lệ Xuyên đã từng là Thống đốc Ngân hàng. Thời Ngô Đình Cẩn đương nhiệm, cậu Toàn đã vào tận nơi làm việc của Lãnh chúa Cao nguyên Trung phần để xin tha tội cho một ông Việt Cộng đang bị giam giữ tại ngục Chín Hầm. Ông Việt Cộng này được tha và “lên xanh” tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng. Gặp lại nhau ở Đà Nẵng, ông Việt Cộng lúc này đã là đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chứng nhận thành tích của cậu Toàn là người có công với cách mạng. Cậu Toàn được thưởng huân chương và được hưởng lương hưu.
Xe qua ngục Chín Hầm và nhà lao Thừa Phủ. Lao Thừa Phủ là nơi Song Cầm bị bắt ngày 17 tháng 1 năm 1984, lúc nhà văn mới trên 20 tuổi, do can tội “phản cách mạng”? Và sau gần 8 tháng thì được tha vì chẳng có tội?!!!
Chúng tôi không ghé lại hai nơi này mà đi thẳng. Đến một đoạn nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm dừng xe, chỉ cho bố con tôi xem cái nơi “tưởng niệm những người bị chết trong tết Mậu Thân 1968”. Dấu vết còn lại chỉ mấy bậc tam cấp và một cái lư hương nhỏ, trên đó loe ngoe mấy chân nhang.


Nữ nhà văn với luật sư Nguyễn Triệu Quang trước tượng đài Quang Trung
Chúng tôi dừng xe trước tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ. Một khuôn viên hoành tráng và tượng đài cao vút giũa trời xanh, xứng tầm với chiến công của người anh hùng áo vải Tây Sơn.

Trước Tượng đài Quang Trung.
 
Hơn 10 giờ, Song Cầm ghé lại nhà giáo sư Ngữ văn Trần Văn Hối, người làng Thượng Phước, có quan hệ bà con với cậu ruột tôi, ông Nguyễn Văn Xuân. Ông cậu tôi là rể họ Trần làng Thượng Phước.
Chiều, Song Cầm có giờ lên lớp nên chúng tôi chia tay nhau lúc này. Tôi cảm ơn nhà văn đã nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm lại nơi tôi cất tiếng khóc chào đời và thăm nhiều nơi ở Cố đô Huế. Đặc biệt là thăm nàng công chúa họ Trần đã có công mở cõi, nới rộng cương vực Đại Việt tới Phương trời nam!
 
1.     Toạ đàm về cuốn sách Cánh chim trong bão tố
 
Song Cầm là khách sạn mang tên nữ nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm. Nhà văn có cuốn tiểu thuyết tự truyện Cánh chim trong bão tố đã được Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam cấp phép ấn hành năm 2009 và được tái bản vào năm 2011.. Phó giáo sư Tiến sĩ Khoa Ngôn ngữ - Văn học, Đại học Khoa học Huế Hồ Thế Hà viết Lời giới thiệu.Tôi viết Lời tựa.
Lời Tựa cuốn tự truyện CÁNH CHIM KHÔNG MỎI
“Cánh chim trong bão tố” là một cuốn tự truyện, viết dưới dạng hồi ức. Trong đó có ba nhân vật chính là tác giả, người Mẹ và người chồng.
Xuyên suốt cuốn tự truyện là những tháng ngày vất vả, lận đận của Mẹ với quyết tâm nuôi các con khôn lớn, được cắp sách tới trường, học hành đến nơi đến chốn. Đời mẹ là một chuỗi năm tháng lam lũ, làm đủ các nghề cơ cực: chèo đò, buôn chuyến, mổ heo … Mẹ có người chồng đầu đi Vệ quốc đoàn và mất tích. Mối tình son trẻ này đã để lại cho Mẹ một đứa con trai. Với người chồng sau Mẹ đã cho ra đời hai cô con gái. Điều bất hạnh lớn lao của đời Mẹ là chịu cảnh hai lần góa bụa. Có phải là hồng nhan bạc phận hay không? Chỉ biết rằng Mẹ là một con người rất nhân hậu, sẵn sàng chịu mọi thiệt thòi, hi sinh cả đời xuâncủa mình để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Tình Mẹ thật bao la như biển cả trời cao.
Nhân vật thứ hai là tác giả Nguyễn Thanh Song Cầm: Chị viết hồi ức đời mình, từ khi lọt lòng Mẹ cho tới lúc thành đạt. Tự truyện của chị như một cuốn phim quay chậm để cho người đọc cảm nhận được bao nỗi khổ đau trên từng chặng đường đời. Chị viết chân thực như sự thực cuộc đời chị. Giọng văn bình thản đều đều, không cường điệu, không tô hồng cũng như không bóp méo sự thật. Có sao nói vậy, lúc vui thì vui rạng rỡ đất trời, lúc buồn thì buồn đến tận tâm can, xé ruột, xé gan. Tình thương của chị với người Mẹ thật không bút nào tả xiết, không ngôn từ nào viết hết đủ. Với người anh cùng Mẹ, chị quý trọng và kính yêu vô vàn. Bởi vì người anh trai đó đã cùng Mẹ sớm khuya tảo tần kiếm sống để nuôi các em. Anh xứng đáng được nêu tấm gương tình cảm phương Đông: “Quyền huynh thế phụ”.
Cuộc đời chẳng hề bằng phẳng đối với một con người tràn đầy nghị lực. Song Cầm hội đủ các yếu tố của một phụ nữ thời đại. Chị biết vượt qua phong ba bão tố cuộc đời để vươn lên. Nghèo không cản nổi ý chí, tự lực, tự cường. Mồ côi cha không đánh gục được ý thức tự lập trong người phụ nữ kiên nghị ấy. Những oan trái phũ phàng chụp lên trái tim non nớt và tâm hồn ngây thơ của cô gái hai mươi tuổi chỉ nung nấu thêm lòng quyết tâm vượt khó, đã không làm nhụt ý chí của chị. Chị không oán trách cuộc sống, không oán trách ai, mà chỉ coi đó là những rủi ro và sự thử thách của số phận mà thôi. Đó là một người phụ nữ bản lĩnh, đẹp trong sáng từ tâm hồn đẹp ra. Đối với bạn bè, chị sống trung thực, gắn bó yêu thương như tình thâm máu mủ. Chị không phản phúc, ganh tỵ với họ mà chỉ muốn vui cùng hưởng, buồn cùng chia. Đối với đồng nghiệp (Chị giảng dạy ở Trường Đại học Ngoại Ngữ Huế) chị luôn cởi mở, hòa đồng và tôn trọng. Ở trong chị chẳng vẩn lên một chút nào lòng đố kỵ mà chỉ có lòng vị tha. Đối với chồng, con chị là một người vợ đảm đang, chung thủy và là một người mẹ rất mực hiền dịu, hi sinh tất cả vì con. Có thể nói một nửa cuộc đời của Song Cầm là nhờ Mẹ cùng sự phấn đấu tôi luyện của bản thân và nửa còn lại chính là nhờ người chồng, Michimi, điểm tựa cho những năm tháng về sau của cuộc đời chị.
Nhân vật thứ ba là Muranushi Michimi: Anh sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu, trí thức ở Nhật Bản. Khác với Song Cầm, con đường học hành, thành đạt của anh bằng phẳng như trời yên biển lặng. Tư duy độc lập và bản lĩnh độc đáo của anh đó là sẵn sàng chấp nhận mọi thiệt thòi từ sự khác biệt ở phía Song Cầm. Dòng họ Muranushi là một dòng tộc quý phái nổi tiếng danh giá và giàu có nhất ở thành phố Shiogama miền Bắc Nhật Bản. Anh theo học và làm nghiên cứu ở Hoa Kỳ chuyên ngành Luật Quan hệ Quốc tế (Đại học Havard và Yale) và đỗ Tiến sĩ (loại ưu tú) với đề tài “Các chính sách Ngoại giao của các nước Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”. Về nước anh làm công tác nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành Ngoại giao và Chính trị Quốc tế ở Học Viện Gakushuin, một trong hai Viện Đại học nổi tiếng nhất ở Tokyo - Nhật Bản và được phong học hàm Phó Giáo sư. Năm 38 tuổi anh được phong học hàm Giáo sư. Anh được đánh giá là một học giả trẻ, có tài đức ở Nhật Bản, và có uy tín đối với bạn bè trên trường quốc tế... Nhưng trước hết là tấm lòng của chàng trai Nhật Bản đối với người con gái Việt Nam nghèo khó: Song Cầm. Anh đã yêu Song Cầm với trái tim nồng cháy, một thứ tình yêu đích thực, không hề gợn đục toan tính. Michimi không nề hà và ngần ngại khi tận mắt nhìn thấy gia cảnh quá bần hàn của người yêu. Anh đã vượt qua nhiều trở ngại cả không gian, thời gian, sự trù dập và định kiến xã hội áp đặt nặng nề lên người vợ tương lai để trở thành một người đàn ông bản lĩnh nhất trong cuộc đời Song Cầm. Song Cầm càng vững vàng hơn nữa trong cuộc sống, và đã vượt qua cơn cuồng phong của cuộc đời để có được niềm hạnh phúc rạng rỡ hôm nay chính là nhờ vào tình yêu trong sáng mãnh liệt, niềm tin yêu bất diệt, lòng bao dung đức độ và kiến thức bác học của Michimi để rồi chị tự trang bị cho mình những hành trang bước vào đời một cách vững chãi và đầy tự tin...
“Cánh chim trong bão tố” là nỗi đau và cũng là niềm tin. Song Cầm đã trải rộng lòng mình với những ai yêu chân lý và cùng mọi người vươn lên chân trời Chân - Thiện - Mỹ. Những chân dung và sự kiện trong tự truyện này đều là sự thật trăm phần trăm. Dù cuộc đời này có những giai đoạn, những tháng ngày nghiệt ngã đối với Song Cầm, nhưng chị đã hóa giải được tất cả để vươn lên với một nghị lực phi thường, một bản lĩnh tuyệt vời trước mọi nghiệt ngã và tai ương.
Cánh chim vượt bão tố đã trở về trong muôn hồng ngàn tía của ánh bình minh huy hoàng!
Huế có một ngày mưa như thế!
Nhà thơ Xuân Bảo.
 Sách đã được dịch ra tiếng Anh, xuất bản ở Mỹ do dịch giả Ton That Dzien chuyển ngữ. Sách có tên là WINGS THE STORM. Ngoài phần nguyên bản có thêm bài viết của ông Hồ Lưu với nhan đề là The storm is being pushed back toward. Sách xuất bản lần thứ nhất, dày 476 trang, có phụ bản in ở trang bìa 2 là ảnh 1: Chân dung của Mạ và Song Cầm và ảnh 2: là 2 vợ chồng Song Cầm Michimi và 4 người con. Phụ bản cuối sách là 4 tác phẩm hội họa đặc sắc (trong hơn 2000 tác phẩm) của Bé Lưu, con út của Song Cầm vẽ từ năm lên 7 tuổi.
Tham luận của nhà thơ Xuân Bảo trong cuộc Tọa đàm
Kính thưa quý vị,
Trước tiên, tôi xin trân trọng cảm ơn Hội Nhà văn Thừa Thiên – Huế đã cho phép tôi phát biểu tại diễn đàn này nhân Hội thảo văn chương về cuốn sách Cánh chim trong bão tố của nữ nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm.
Tôi kính cẩn lạy Mạ, Cụ bà Lê Thị Thới – đã sinh cho quê hương một nhà văn dích thực! Bà là người Mẹ vĩ đại, hội đủ các yếu tố của một người phụ nữ Việt Nam: nhân hậu, đảm đang…Bà đã vượt qua muôn vàn thử thách của cuộc sống để nuôi dạy bé Cam – Nguyễn Thanh Song Cầm thành một người có ích cho xã hội, thành một nhà văn.
Tôi cũng xin kính cẩn nghiêng mình trước Sông Hương và Núi Ngự - mảnh đất thần kinh mà hơn 700 năm trước có người con gái đất Bắc Hà đã phải “nước non ngàn dặm ra đi”. Để  hôm nay có Châu Ô, Châu Rý, từ Hoành sơn nhất đái cho tới Hải Vân đệ nhất hùng quan. Huyền Trân công chúa xứng đáng được sắc phong ngôi Thượng đẳng Thần – Thành hoàng của cả 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.
 

Nhà thơ Xuân Bảo tham luận tại Tọa đàm
 
 
Xứ Thuận Hóa tự hào có những danh sĩ, thi sĩ nổi tiếng. Họ Nguyễn từ Gia Miêu ngoại trang vô đây và đã để lại cho dời những áng thơ văn tuyệt bút. Chúng ta cảm ơn vua Tự Đức đã “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để giành hơi”…(Khóc Bằng phi). Và câu truyền ngôn bất hủ:
Văn  như Siêu, Quát vô Tiền Hán
Thi đào Tùng Tuy thất Thịnh Đường
Đó là những nhà thơ Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương…và phái nữ thì có Mai Am, Huệ Phố…
Huế rất đỗi tự hào có nhiều nhà thơ cách mạng như Tố Hữu, Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Phùng Quán…Và nhà văn Đặng Thanh, Hồng Nhu…
Trong môi trường thấm đẫm văn chương đó, Cố đô đã sinh thêm một Nguyễn Thanh Song Cầm là điều đương nhiên. Khi chị viết Cánh chim trong bão tố, chị đâu có nghĩ mình trở thành một nhà văn. Chị viết vì trái tim thúc giục. Chị trải lòng mình trên trang giấy, kể lại một chặng đường đời với bao gian truân, song gió, giông tố, bão bùng để rồi có những ngày vui.
Cánh chim trong bão tố ra đời năm 2009 và đã có tiếng vang rất xa. Chín người phụ nữ Nam Bộ, bạn tôi, khi đọc xong cuốn sách này đã khóc! Có người, như nhà văn Kim Chi (cũng là người Huế) đã phải thốt lên rằng: Song Cầm tự truyện làm cho tôi ngậm ngùi, thương cảm theo từng chữ, từng câu và từng cảm xúc, ý nghĩ của nhân vật bằng giọng văn chân thật, hồn nhiên được xây dựng trong một hồi ký tự truyện văn học. Và Bùi Kim Chi đã trao cuốn sách này  cho con gái với lời nhắn nhủ thương yêu: Hay lắm, con hãy đọc để tự khẳng định mình.
Giờ phút này đây thì nhân vật Cầm trong cuốn sách đã và đang tự đứng lên đôi chân ngọc của mình, rất rạng rỡ và sang trọng với đời.
Những gì để nói về cuốn sách này thí Giáo sư, tiến sĩ văn học Hồ Thế Hà đã nói kỹ trong lời giới thiệu cuối sách.  Nhà văn Hồng Nhu đã có một bài viết tâm huyết đăng trên Tạp chí Sông Hương vừa rồi, bình về cuốn sách này. Còn tôi, tôi đã nén cảm xúc đến nghẹn ngào khi đọc bản thảo và đã viết Lời bạt với tất cả tấm lòng dào dạt yêu thương với các nhân vật trong Tự truyện, nhất là với Mạ, với Song Cầm.
Xin trân trọng cảm ơn quý vị đã chú ý theo dõi bài phát biểu của tôi.
Cuối cùng,xin chúc nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm dồi dào sức khỏe và bút lực, có những sáng tác mới, góp mặt với Hội Nhà văn Huế, đưa nền văn học tỉnh nhà lên một tầm cao mới !
                                      Nhà thơ Xuân Bảo
 

Bìa cuốn Cánh chim trong bão tố
    Cuốn Cánh chim trong bão tố đã được Hội Nhà Văn Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo ngày 26/6/2011. Có nhiều bản tham luận của các nhà văn lớn tuổi như Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê…Tôi và nhà thơ Võ Nguyện có tham luận.
 
 

Nhà thơ Võ Nguyện (Tú Thịt Hộp) đọc tham luận trong Tọa đàm.
Các nhà văn, nhà thơ từ Hà Nội, Bắc Ninh, Sài Gòn, Quảng Trị về tham dự hội thảo.  Tất cả tham luận đều ngợi khen tác phẩm đầu tay của nữ nhà văn Song Cầm có lối viết chân thực, gây nhiều xúc động cho người đọc.
Nhân nhắc tới Võ Nguyện, tôi in lại những dòng này để nhớ về một người con của Huế:
    “NHỚ NHÀ THƠ TÚ THỊT HỘP VÕ NGUYỆN.
Võ Nguyện là bút danh chính thống. Ngoài ra còn có nhiều bút danh khác như  Cá ngạnh, Lê Thị Cá Ngạnh, Dã Quỳ…Nhưng nổi bật nhất là bút danh Tú Thịt Hộp. Và càng đình đám hơn là cái blog Vanbienhoa mà Võ Nguyện là chủ với cái tên khá hiện đại: Tú Thịt Hộp.
Nhà thơ trào phúng Võ Nguyện sinh năm 1957 tại làng Văn Xá, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông đã có các tác phẩm được in. Đó là Một và Hai (Thơ), Mưa nắng Đồng Nai (Ký), Tình Huế với Đồng Nai ( Sách văn xuôi, thơ và tản văn, đồng chủ biên với nhà thơ Xuân Bảo), Trấn Biên thi tuyển (Thơ Đường luật, Đồng chủ biên với nhà thơ Xuân Bảo). Trời Nam Thương Nhớ (Thơ nhiều tác giả. Đồng chủ biên với nhà thơ Xuân Bảo), Bưởi Biên Hòa (Thơ luật Đường).
Và những tác phẩm đã hoàn chỉnh bản thảo nhưng chưa có điều kiện in. Đó là Lòng quê (Thơ), Đất rang (Tập truyện ngắn), Cách phá Tam Giang (Truyện dài), Thâu tóm và chuyển giao quyền lực của vua chúa Việt Nam (Ký lịch sử).
Nhà thơ Võ Nguyện ra đi khi tuổi đời sắp trọn một hoa giáp. Ông bị đột quỵ lúc o giờ 55 phút khuya ngày 7 tháng 12 năm 2013, khi ông vừa viết xong tác phẩm Con lừa và bầy cừu (sẽ đăng tiếp theo trong loạt bài này). Tác phẩm cuối cùng của blog vanbienhoa. Lúc sinh thời, nhà thơ muốn nay mai khi có thời cơ thuận lợi sẽ cho xuất bản toàn bộ các tác phẩm đã poste lên mạng vanbienhoa, để ghi lại một thời không lấy gì làm vui của Hội VHNT Đồng Nai…”
Bài tham luận của nhà thơ Võ Nguyện tại cuộc Tọa đàm.
Thưa quý vị,
Vì thời gian không cho phép được phân tích những mặt mạnh, mặt yếu của tác phẩm. Ở đây, tôi chỉ khẳng định một điều là tác phẩm đã có nhiều người đọc đồng điệu, nhiều phận đời cảm thấy quang vinh vì nhờ có Song Cầm nói hộ những oan nghiệt tương đồng trong cuộc sống chìm khuất của họ.
Song Cầm có thế mạnh về thể loại Tự truyện. Đây không phải tự truyện thô thiển thường thấy mà là tự truyện nâng cao về thế giới hình tượng, rõ ràng tao5cho tác phẩm nhiều tầng ý nghĩa.
 Phó giáo sư, tiến sĩ Khoa Ngôn ngữ trường Đại học Khoa học Huế Hồ Thế Hà đã viết: “Tự truyện của Song Cầm hoàn toàn có một phẩm chất của một hồi ký tự truyện văn học. Nó đa dạng về chủ đề, về quan hệ, về không gian và thời gian, về thế giới hình tượng cũng như sự đa dạng về giọng điệu, về trạng thái cảm xúc, tâm trạng…”
Còn nhớ, từ Cầu Lòn xuôi nam, khoảng non cây số là nơi dế quốc Pháp “an trí” chí sĩ Phan Bội Châu – người có tư tưởng Đông Du, mở mang kiến th7c1 cho dân tộc khi đang còn lầm than nô lệ. Con đường đó, các thế hệ “bé Cam” và chúng tôi thường đi lạị “lắm lần” để đến trường Quốc học danh tiếng. Hẳn những ngày giông bão, bé Cam chẳng mơ chuyện Đông Du phù phiếm. Thế mà bây giờ là thật, dù là thật trong thế giới hình tượng thì cũng quá trọn vẹn cho bao người. Xin cảm ơn thế giới văn minh vẫn còn tình người đã đến chia sẻ khổ đau với người con gái Cầu Lòn dũng cảm. Xin cầu mong mối tình Nguyễn Thanh Song Cầm – Muranushi Michimi (Việt Nhật) trăm năm bền vững và thăng hoa như Hội An phố cổ. Mong Song Cầm mãi nhớ “đường xưa” mà năng trở về cho trọn vẹn nghĩ tình!
Huế đã qua rồi những ngày đông tháng giá. Mùa hè rực rỡ hoa phượng đỏ tươi đang hiện dần. Chiếc Cầu Lòn nhỏ bé ngày xưa sẽ chìm khuất dưới bóng Cầu Mới đang xây. Đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập đầy khó khăn và thách thức. Hãy rút kinh nghiệm và bỏ qua những điều ấu trĩ non dại của một thời để cùng nhau xây dựng và bảo vệ quê hương yêu dấu!
Cuối cùng, xin kết thúc bài tham luận ngắn này bằng 2 bài thơ tặng “bé Cam – Nguyen64Thanh Song Cầm”:
Bài thứ nhất.
Cầu Lòn
                             Tặng Cánh chim trong bão tố
 
Tự dưng nhớ chiếc Cầu Lòn
Sông Hương mùa lụt bãi cồn lao đao
Củi rều tấp kín bờ lau
Em thui thủi vớt bên cầu tử sinh
 
Cầu Lòn một thuở rung rinh
Con tầu Thống nhất gập ghềnh vào ra
Cầu Lòn một thuở đôi ta
Tìm trường đi học lại qua con đường
 
Lạ lùng là dòng sông Huong
Qua mùa nước nậy* lại càng xanh trong
Thế rồi em đi lấy chồng
Cánh chim bạt gió xa trông mỏi mỏn
 
Cầu mà phải đi Lòn
Quê mình là vậy, em còn nhớ không?
Em đi để lại dòng sông
Mầy mùa nắng đục mưa trong đợi người
 
 
 
Bài thứ 2.
Sông Hương
 
(Đã đăng trong tác phẩm 600 năm Thơ Huế)
 
Trở về bên bến Kim Long
Dừng chân rửa mặt hôn dòng sông Hương
Mười lăm năm bước tha phương
Mà sông vẫn giữ nguồn thương ngọt ngào
Bãi cồn đã hóa cù lao
Mà sông vẫn vậy thuở  nào mát trong
Muốn ôm sông hết vào lòng
Sợ bờ bãi lạ(!) – buồn không hỡi người?
 
______
*Nước nậy là nước lớn
 

**Lòn , (tiếng địa phương) nghĩ là Luồn, chui xuống phía dưới gầm cầu