Trang

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

106.TÍNH TRÀO LỘNG TRONG THƠ MINH TUẤN NGÔ ĐÌNH THUẬN

        TÍNH TRÀO LỘNG TRONG THƠ MINH TUẤN NGÔ ĐÌNH THUẬN
Tập Thơ trào phúng của nhà thơ Minh Tuấn Ngô Đinh Thuận có trên 100 bài. Ông muốn tôi viết Lời giới thiệu chuyển đến bạn đọc. Đây là tác phẩm sẽ được Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn cấp phép ấn hành. Dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng chắc chắn không tránh khỏi những bất cập, khiếm khuyết, vậy tôi mong quý bạn đọc lượng thứ.
Nhà thơ Minh Tuấn Ngô Đình Thuận sinh ngày 31 tháng 10 năm 1939 tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, hiện sinh sống và viết tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Ông nguyên là thành viên Bút nhóm Hoa xứ bưởi  và đã cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí văn học tại Sài Gòn và Biên Hòa trong những năm thập kỷ 60 thế kỷ trước. Ông đã cho xuất bản các tập thơ Đỉnh sầu, Trên đỉnh bình yên, Nửa nụ hôn đầu và một cuốn Truyện đường rừng. Ngoài hoạt động thơ văn, ông còn tham gia Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Việt Mỹ.
Nay dù tuổi đã nghiêng về phía hoàng hôn, ông vẫn hăng say sáng tác. Và đây, tập Thơ Trào phúng của ông sẽ ra mắt bạn đọc một ngày gần đây. Nhà thơ ngỏ Lời tri ân thay cho Lời tựa:
       …Bài thơ là chút lòng thành
          Xin người thể nhận, chân thành cảm ơn…
Và,    Giờ đây đền đáp ơn người
          Đôi vần mộc mạc, xin người nhận cho
                                                  ( Tôi yêu )
Nhà thơ có cái nhìn về Thơ trào phúng:
          Trào phúng còn gọi thơ chua
          Lỡm lờ, bật bưỡng, bông đùa trêu ngươi
          Thơ chua thích tạo tiếng cười
          Trêu mình trêu cả những người chung quanh…
                                                            ( Thơ chua )
Minh Tuấn Ngô Đình Thuận bày tỏ sự phẫn nộ trong loạt bài nói về chống tham nhũng: Cái lý có chân, Bảng phong thần…Với những đồng tiền nhơ bẩn tước đoạt từ mồ hôi, nước mắt của người dân để vinh thân phì gia của những quan tham thời đại. Ông đau đớn hỏi các vị, tiền ở đâu ra, khi các vị khai lý lịch thành phần bần cố nông hoặc thuộc tầng lớp dân nghèo thành thị, thậm chí đề được đứng vào thành phần cốt cán, các vị khai thành phần xuất thân là giai cấp công nhân. Thế mà giờ đây các quan tham ăn ở, đi lại và các món chơi bời khác chẳng khác gì bạo chúa:
          Đi xe ba, bốn tỷ đồng
          Ở nhà biệt thự mấy tầng thì sao
          Có sân quần vợt hồ ao
          Thể dục tại chỗ, đỡ hao…xăng chùa
Hoặc:
          Xin điểm danh phó quan tham nhũng
          Để phong thần, ca tụng tuyên công
          Trước tiên phải kể giao thông
          Quan nhiều mánh khóe, đứng không ăn tiền
Ngoài những bài thơ trên, nhà thơ còn đề cập đến những hiện tượng tiêu cực trên nhiều lĩnh vực xã hội. Ông cũng nhạy bén với thời cuộc. Bài Bột ngọt Véđan một thí dụ:
          Bột ngọt Védan nổi tiếng mà
          Bỗng dưng lại hóa cái mặt…ma…
                              ***
Ngoài tiếng cười chua cay, nhà thơ cũng không quên đem vào thơ nhừng bài trào lộng quen thuộc của lớp những nhà thơ trào phúng tiền bối;
          Cô bán bầu ơi, có quả nào
          Còn non nắn thử chút xem sao
          Cần da láng mượt, cơm dầy tốt
          Già bóc ra phơi, nõn tớ…xào
                                        ( Ghẹo cô bán bầu )
                                                  ***
          Để thay cho Lời giới thiệu này tôi xin trích mấy câu của Nhà thơ Minh Tuấn Ngô Đình Thuận đã có nhời thưa:
          Kính thưa bạn đọc yêu thơ
          Xin cho mỗ được gửi nhờ chút thôi
          Tập thơ đọc hết xong rồi
          Vui lòng cho được đôi lời khen, chê
          Ưng thì cho chữ OK
          Không ưng cũng ráng xin đề: chưa hay
          Mỗ xin cố chỉnh sửa ngay
          Để thơ trào phúng ngày càng…phúng hơn.
                                                 
                                                  Biên Hòa, những ngày đầu mùa khô 2013
                    Mừng sinh nhật nhà thơ Minh Tuấn Ngô Đình Thuận tròn 74 Xuân
                                                  31- 10 – 1939 = 31 -10 – 2013
                                                            Nhà thơ Xuân Bảo



105.DÒNG SÔNG KÝ ÚC

Tác phẩm dự Trại viết Đà lạt 2013 của Xuân Bảo
                                   DÒNG  SÔNG  KÝ  ỨC
                                                                     Bút ký của Xuân Bảo
Khúc dạo đầu  -     Chuyện tình bên thác Đá Hàn
Chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, Nguyễn Việt Kinh – chàng trai miệt dưới –vùng gần biển vào rừng để diệt thú dữ, bảo vệ dân làng. Trong lúc mải miết theo dấu chân con cọp ba móng, chàng trai đi lạc vào lãnh thổ của bộ tộc người miền thượng ở khúc sông có những phiến đá khổng lồ nằm ngang chặn dòng. Nước cuộn lên ào ào thành thác dữ. Chàng trai bị bắt làm tù binh. Những ngày tháng bị giữ chân, chàng trai đã tỏ rõ thiện chí của mình.Anh giúp dân bản nhiều việc: dựng lán, trồng lúa nước,săn bắt thú rừng…Chính lòng dũng cảm và tài năng của mình nên được già làng và dân bản cho chàng trú ngụ và coi như người của núi rừng. Chàng được đóng khố và tham gia mọi sinh hoạt của dân bản.Chàng học hát những bài dân ca do Ka Rỉn hướng dẫn. Đặc biệt là những bài hát Kinh Tơ Lơ Thoang (Trống chiêng cầu thần),Vơn Ngoăn Trôp Mi (Hát múa cầu mưa)…Việt Kinh thuộc rất nhanh và lúc vào mùa lễ hội cúng mừng lúa mới Sa Yang Va.Việt Kinh cũng là một chàng trai sáng ý,anh học và sử dụng được các  nhạc cụ như đàn tre, kèn môi, kèn lá, kèn bầu và tham gia nhóm cồng chiêng khá thành thạo. Việt Kinh là một chàng trai khỏe mạnh,vóc người tráng kiện, khuôn mặt dễ mến và nụ cười cởi mở, thân thiện. Ka Rỉn, con gái già làng vừa đến tuổi trăng tròn lẻ, nàng đẹp như bông hoa rừng, đem lòng yêu thương Kinh.
Có nhiều đêm hai người đưa nhau ra bờ sông, cùng ngồi trên những bậc đá hàn,lắng nghe thác réo như một bản nhạc trầm hùng của núi rừng.Bầu trời trên cao dường như rộng hơn,xanh trong hơn.Gió mơn man ve vuốt khuôn mặt non tơ của nàng.Chàng kể cho nàng nghe về quê hương xứ sở của chàng.Nơi đó có biển cả mênh mông, ngày đêm rì rào sóng vỗ.Nơi đó có đồng ruộng trồng lúa nước và kênh rạch chằng chịt lắm tôm, nhiều cá.Chàng nói rằng xa cha mẹ đã ba mùa rẫy. Chàng nhớ lắm! Ka Rỉn nghe chàng nói càng thương người con trai vốn xa lạ trước đây nay đã thành người của bản làng, thành người của Ka Rỉn và chỉ còn chờ già làng cho làm lễ đâm trâu để Kinh mãi mãi là của Ka Rỉn.
Bất giác Ka Rỉn ngả đầu vào lòng chàng.Hai bầu vú tròn căng của nàng rung lên dưới ánh trăng bàng bạc theo tiếng nấc.Đêm đến sức mạnh của tâm hồn trỗi dậy.Bản năng gốc của con người cũng không thể kìm chế.Rừng đại ngàn vẫn rì rào hát những lời ca sinh sôi muôn thuở.Thác vẫn gầm réo, sôi trào. Việt Kinh và Ka Rỉn cuộn vào nhau như hai con trăn.Trong hỗn mang vũ trụ đó có cái gì như là sự sống trỗi dậy chân thực và cao cả.Hai giọt sáng của vầng trăng trên cao phản chiếu đọng lại trong đôi mắt Ka Rỉn long lanh, khi nàng ngước nhìn lên trời.Con chim rừng quên hót.Những chú nai ngơ ngác.Đêm thanh cao tĩnh mịch làm sao!Họ đã cho nhau tất cả trong tận cùng yêu thương.
 Ka Rỉn biết rằng nếu Kinh quá nhớ quê, nhớ cha mẹ mà ra đi thì không thể nào thoát chết.Luật tục quy định người nơi khác đến sinh sống tại vùng đất thiêng của Giàng thì không ai được đi khỏi bản.Và cái việc Việt Kinh và Ka Rỉn trở thành vợ chồng rất khó thành.Mãi mãi không bao có chuyện “chọc gậy” từ phía dưới sàn nhà nơi buồng ngủ của Ka Rỉn để Ka Rỉn lén cha mẹ cho Việt Kinh vào ngủ chung. Theo luật tục hôn nhân ngàn đời nay, Ka Rỉn biết rằng chẳng bao giờ nàng bắt chồng Việt Kinh được. Tuy nhiên nàng vẫn yêu chàng tha thiết, mãnh liệt. Rồi có một đêm ông trăng mải chơi quên tỏa sáng cho núi rừng, chàng ôm chặt Ka Rỉn vào lòng và nói lời giã biệt. Những chòm sao trên cao thôi nhấp nháy.Gió núi ngưng thổi.Trời buồn. Đất cũng buồn lây theo những giọt nước mắt của Ka Rỉn trong lúc họ sắp chia tay.
 Người dân tộc canh giữ bản làng rất kỹ.Khi Kinh vừa bước lên cây cầu độc đạo do một cây cổ thụ nằm đổ ngang sông thì hai bên bờ sông hàng loạt tên từ những chiếc nỏ bắn ra tua tủa. Chàng trai ngã xuống dòng sông định mệnh. Ka Rỉn nhảy từng bước một trên dãy đá hàn và nàng chọn chỗ nước sâu nhất trầm mình theo người yêu. Đôi trai tài gái sắc biến thành hai tượng đá ngày đêm khóc than cho mối tình tuyệt vọng của mình. Dãy đá đó được mang tên là Đá Hàn Kinh Rỉn.Và đó chính là nơi mà sau này thường gọi là thác Trị An.
Thác Trị An là bậc thang thứ chín của dòng Đồng Nai, nơi có chiếc cầu thiêng mà chàng trai Nguyễn Việt Kinh cố công vượt qua để tìm về cố hương. Nơi đó cũng từng chứng kiến một mối tình đẹp giữa đôi lứa không phân biệt nòi giống dân tộc. Người thiếu nữ chết theo người mình yêu. Nước mắt của nàng chảy thành dòng nước gầm réo suốt ngày đêm giữa đại ngàn hoang sơ. Sức mạnh của tình yêu lứa đôi là bất tử!
Ngày nay, khi thác Trị An đã chìm vào bể nước mênh mang của hồ thủy điện, khi đêm về, giữa một vùng trời êm ả, người ta lại nghe giai điệu buồn của một bài dân ca:
“Nhớ lắm, ngày ấy chúng mình lúc mới gặp nhau
Kỷ niệm còn đó, những ngày ta là một đôi
Đẹp như đôi cánh diều/Trâm cài trên làn tóc dài
Tình mình đẹp, đẹp lắm như cây rừng mãi mãi tươi xanh
Này người yêu ơi! Lâu chẳng thấy nhau/Em nhớ nhớ anh nhiều
…Này người yêu ơi! Sao mãi không về?
                                               
 Có ai đó đã từng ví von hình ảnh sống động của dòng Đồng Nai phía trên thác Trị An như một sơn nữ kiều diễm, hồn nhiên, đầy sức sống. Chảy đến thác này dòng sông bỗng hóa thân làm người thiếu nữ hiền hòa, êm dịu đổ vào vùng bình nguyên với dòng nước bao dung ôm lấy những cù lao Thạnh Hội, cù lao Nông Nại Đại Phố,êm xuôi trôi về biển cả.
Nơi đó, chính là nơi dòng Đồng Nai bị chặn đứng để đắp đập ngăn sông và đập tràn.Đập ngăn sông được đắp bằng đất đá hỗn hợp, dài 420 mét, cao 40 mét, đỉnh đập rộng 10 mét. Đập tràn xả lũ dài 150 mét, có 8 khoang tràn, mỗi khoang rộng 15 mét với 8 cửa van, được đóng mở bằng cẩu chân dê nặng 125 tấn nhân đôi. Công trình thủy điện này được coi là “công trình thế kỷ” của thế kỷ 20, khi Việt Nam ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ.Chúng ta sắp xếp lại giang sơn, “đàng hoàng hơn,to đẹp hơn”.
Dòng Đồng Nai bị đánh thức.Dòng sông biến thành một biển hồ rộng tới 323 kilômet  vuông với dung tích tổng cộng là 2 tỷ 760 triệu mét khối, dung tích hữu ích là 2 tỷ 540 triệu mét khối. Có 4 tổ máy với tổng công suất thiết kế 400 MW cho sản lượng điện trung bình hàng năm là 1,7 tỷ KWh. Công trình Thủy điện Trị An có ý nghĩa kinh tế tổng hợp.
Tôi có một ý tưởng ngộ nghĩnh là vào thời điểm những năm cuối Thế kỷ 20 và sắp bước sang Thiên niên kỷ thứ III bỗng nhiên sông Đồng Nai mang thai và sản sinh ra những đứa con thủy điện, đem lại biết bao điều mới mẻ cho một vùng đất màu mỡ này.Tôi có bài thơ Trị An đây, trong đó có mấy câu:
“Dòng sông ngăn bước nước dâng tràn
Thủy điện sôi trào thác Trị An
Động Ó tưng bừng vùng sinh thái
Đồng Trường rộn rã chốn tham quan…”
           Phía dưới đập tràn chừng non nửa cây số, một chiếc cầu bê-tông nằm vắt ngang.Năm 1991, khi khánh thành công trình thủy điện Trị An, cầu mang tên là cầu Cứng sau đó đổi lại  tên là cầu Đồng Nai.Đứng trên chiếc cầu này nhìn xuống lòng sông nay chỉ còn trơ lại những bãi đá hàn với nhiều hình thù quái dị.Có hai tảng đá trồi lên từ một dòng nước trong mát. Tảng lớn như một chàng trai lực lưỡng ôm lấy tảng nhỏ như vuốt ve, che chở.Lòng ta bỗng thấy xốn xang, có phải đây chính là nơi Việt Kinh đã bước qua chiếc cầu tự nhiên bằng một cây cổ thụ đổ ngả ngang sông thuở nào? Bóng dáng Ka Rỉn và Việt Kinh ngày nào đã hiện hình trên hai tảng đá trong bãi đá hàn này chăng?
                                                            ***
     Hai chữ Đất và Nước bao giờ cũng đi liền nhau.Với nghĩa rộng Đất Nước chính là Tổ Quốc. Và ở bất kỳ nơi nào trên dải đất hình chữ S thân yêu này đều có những con sông đem lại sự sống cho con người. Mỗi con sông đều có sự tích của nó, có những huyền thoại sống mãi trong lòng mọi người, từ đời này sang đời khác.
Sông Đồng Nai là một trong hai con sông dài nhất của Việt Nam. Sông bắt nguồn từ vùng núi phía bắc thuộc cao nguyên Lang Biang, nam dãy Trường Sơn ở độ cao 1770 mét. Cao nguyên Lang Biang có nhiều ngọn núi đỉnh tròn. Nhất là đỉnh Lâm Viên cao tới 2167 mét, đỉnh Bi Đúp cao 2287 mét.Thung lũng phần nhiều là rừng cây thưa,mặt dốc.Độ dốc sườn núi thường là 20-25%.Hướng chảy chính của sông là đông bắc – tây nam và bắc-nam.Sau khi hợp lưu với hai nhánh Đa Nhim và Đa Dung,sông Đồng Nai chảy vòng bao lưu vực sông La Ngà là 4100 kilômet vuông, hợp lưu với con sông này để rồi chảy qua nhiều thác ghềnh mà thác cuối cùng là thác Trị An. Tại hạ lưu thác không xa, sông lại nhận thêm dòng chảy của Sông Bé tai ngã ba Hiếu Liêm,có diện tích lưu vực lên tới 8200 kilômet vuông.Đại bộ phận các lưu vực này là đất phong hóa từ đá bazan, có độ phì cao và có khả năng giữ ẩm cho cây trồng trong mùa khô.Sau khi qua thác Trị An, sông Đồng Nai đi vào đỉnh tam giác châu và trở nên rất thuận lợi cho giao thông thủy. Từ thượng nguồn đến hợp lưu với sông Sài Gòn,dòng Đồng Nai chính dài khoảng 530 km.Đoạn sông Đồng Nai tiếp theo từ đó tới chỗ gặp sông Vàm Cỏ có tên là sông Nhà Bè dài 34 km.Toàn bộ chiều dài sông Đồng Nai đến cửa Soài Rạp ước khoảng 586 km.
 Sông Đồng Nai là chứng tích của những người đi mở đất cách nay hơn 300 năm trước.Sĩ phu yêu nước Nguyễn Thông (1826-1891)- quan Dinh điền sứ Bình Thuận -  là người đầu tiên tổ chức thám hiểm vùng đất giữa ba con sông La Ngà, Đạ Huoai và Đồng Nai với ý định khai khẩn vùng thượng du. Ông phái Nguyễn Văn Trị, Sĩ Văn Long, Hoàng Phú và Dương Văn Long đến sông Đạ Đờng (tên sông Đồng Nai phía thượng lưu) xem xét thực trạng.Ngày 11 tháng 8 năm Tự Đức thứ 30, tức ngày 17 tháng 9 năm 1877, Nguyễn Thông dâng sớ lên Triều đình. Sớ tâu:
“Ngày mùng 8 tháng 6 thì đến sông lớn Đạ Đưng, rộng khoảng năm sáu mươi trượng, nước đục ngầu, giữa có đảo dài. Người Man gọi nước là Đạ, lớn là Đưng, cũng như người Việt nói là “Sông Lớn”.Đạ Đưng, người Việt gọi là Dã Dương, hạ lưu thì gọi là sông lớn Thần Quy. Từ Man Mê Pu đi đến sông Tô Sạ, dọc đường phần nhiều là núi cao, từ Cồn Hiên đến sông Đạ Đưng đều là đất bằng, địa thế rộng rãi khoáng khoát, có thể khám xét để lập đồn điền khẩn hoang”.
Đó là hành trình thứ nhất và Đoàn của ông dừng lại ở Cồn Hiên, tức Bảo Lộc hay còn gọi là B’ Lao bây giờ.Bốn năm sau hành trình thám hiểm lần thứ nhất của ngài Nguyễn Thông, khi cuộc thôn tính Nam Kỳ của thực dân Pháp đã vào thế ổn định, bác sĩ hải quân Pháp tên là Paul Neis dẫn đoàn của mình khởi hành ngày 11 tháng 2 năm 1881 theo lộ trình được ghi lại trong báo cáo gửi Toàn quyền Đông Dương và Thống đốc Nam Kỳ như sau:
“…Ngày 20 tháng 2 năm 1881 Đoàn đến Damré (Đạ M’ri, nay thuộc huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng).Ngày 3 tháng 3 Đoàn đến Conhein (tên cũ của Bảo Lộc).Ngày 5 tháng 3 Đoàn đến Cayon (K’Don nay thuộc huyện Đức Trọng). Ngày 11 tháng 3 Đoàn đến Crang (K’răng).Cùng ngày Đoàn đến Diom. (K’răng và Đi ôm nay thuộc huyện Đơn Dương). Ngày 15 tháng 3 Đoàn đến Melone (M’ Lon nay là thị trấn Thạnh Mỹ-Đơn Dương).Ngày 16 tháng 3 Đoàn đến Late (Đà Lạt hiện nay), rồi Đoàn đến thẳng Pateing (Păng-tê-iêng nay thuộc huyện Lạc Dương) và ngày 7 tháng 4 năm 1881, Đoàn trở về Late…”
 Như thế Paul Neis đã đi theo dòng sông Đồng Nai từ hạ nguồn cho tới Đồng Nai Thượng mất gần ba tháng, nhưng chỉ ghi được các số đo về khí tượng và nhân trắc học (Mesures anthropométriques) của bản địa mà thôi. Báo cáo không hề đề cập đến con sông mà đoàn của Neis dã đi qua (?)
Chiến công lớn nhất để khai phá ra miền đất có những ngọn núi đỉnh tròn hình vú chuông này- nơi những con suối tụ về để hình thành con sông Đồng Nai- trước hết thuộc về bác sĩ Alexandre John Emile Yersin.Trong hồi ký “Khảo sát đầu tiên cao nguyên Lang Biang”của mình, Yersin đã ghi những lời có cánh:
 “…Vừa ra khỏi rừng thông, ấn tượng của tôi thật sâu sắc khi đứng trước một vùng cao nguyên mênh mông, hoang vắng và trơ trọi, gợi nhớ lại cảnh biển đông vì một đợt sóng khổng lồ màu xanh dâng lên, núi Lang Biang sừng sững ở chân trời phía tây bắc cao nguyên, làm tăng thêm vẻ đẹp của cảnh quan và tạo nên một hậu cảnh tuyệt mỹ…”
Và cũng phải công bằng mà nói thì những người tiếp tục khám phá, nghiên cứu về dòng Đồng Nai kỳ vĩ là những cán bộ địa chất Việt Nam.Họ đã vất vả lội suối, băng ngàn tìm về ngọn nguồn của dòng sông để đưa vào bản đồ sông ngòi Việt Nam.Từ đó chúng ta càng hiểu hơn về non sông gấm vóc của mình, để càng yêu đất nước mình hơn.
Trên con sông Đồng Nai, từ xa xưa cho tới bây giờ, hai bên bờ ghi đậm những chiến tích của tiền nhân và cả thời cận đại trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc đánh Pháp và đuổi Mỹ.Lũy cản dòng của Nguyễn Tri Phương còn đó mà  dấu tích chỉ còn lại là ngôi đền ở làng Mỹ Khánh,bên hữu ngạn sông Đồng Nai.Còn đó, gần bến đò An Hảo có Nhà bia Tưởng niệm Đại đội Lam Sơn.Và đây, Tượng đài Chiến thắng La Ngà,ghi lại chiến tích của trận đánh giao thông chiến trên quốc lộ 20.Lừng lẫy nhất là chiến công của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác – nơi đoạn cuối của dòng Đồng Nai – đổ về Cần Giờ để vào biển Đông.Và còn nhiều địa danh lịch sử khác mà số phận gắn liền với dòng sông yêu thương của cái xứ “miền đông gian lao mà anh dũng” này.
Khúc thứ hai bi tráng   -.    Xô đá xuống sông cản tàu giặc
An Hảo là một trong những ngôi làng cổ xưa. Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì cuối thế kỷ XIX, Xã Bình An là của hai làng An Hảo và Bình Đa hợp thành, thuộc tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Nay An Hảo thuộc phường An Bình.Nơi đây có bến đò An Hảo nối phía tả ngạn sông Đồng Nai sang Cù lao Phố, nay là xã Hiệp Hòa.
Trong kháng chiến 9 năm,bến đò An Hảo là đầu mối liên lạc của những người lãnh đạo kháng chiến. Vùng này đã ra đời một đơn vị vũ trang nổi tiếng đánh giặc giỏi.Đó là Đại đội vinh dự mang tên cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: Đại đội Lam Sơn, có phiên hiệu là Đại đội 926, thuộc Chi đội 10 Biên Hòa.Để tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, nhân dân Biên Hòa đã xây lên ở đây một ngôi nhà Bia Tưởng niệm Đại đội Lam Sơn ngay trên mảnh đất của làng An Hảo. Đại đội Lam Sơn đã ngoan cường bám trụ, mở rộng chiến khu Bình Đa, đã tham gia 50 trận chống càn, tấn công 10 đồn bốt, phá hủy 15 đầu máy xe lửa và 7 toa xe, đốt cháy 3 xe thiết giáp, 15 xe quân sư, tiêu diệt 500 tên địch. Hàng trăm chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh.Trong nhà Bia Tưởng niệm ghi chỉ mới tìm được 80 liệt sĩ.Nhưng dù có nằm lại bất kỳ nơi đâu trên mảnh đất này thì các anh hùng liệt sĩ vẫn là những người con yêu của đất Mẹ Việt Nam.
Các anh,các chị có nghe tiếng sóng rì rào vỗ nhẹ vào bờ Đồng Nai. Sông ca bài ca bất tử về những người con thân yêu đã oanh liệt ngả xuống cho một nước Việt Nam độc lập.
Chiến khu Bình Đa nằm bên bờ sông Đồng Nai.Vào thời điểm này hai bên bờ lau lách mọc đầy.Nơi đây,có dòng sông bảo bọc, có tấm lòng của đồng bào che chở để các lực lượng vũ trang của ta chiến đấu với quân thù.Cũng tại nơi đây, trong kháng chiến chống Pháp Ủy ban Cách mạng tỉnh Biên Hòa đã xây dựng Trại Huấn luyện du kích.Năm 1947, Bình Đa là căn cứ kháng chiến của Biên Hòa.Trại Huấn luyện du kích này khai giảng ngày 26 tháng 9 năm 1945.Học viên đa số là công nhân của nhà máy BIF, còn gọi là nhà máy Cưa, (sau này là khu vực nhà máy Gỗ Tân Mai và nhà máy Giấy Tân Mai), một số thanh niên các xã, một số công chức…Các vị giáo viên giảng dạy ban đầu có giáo sư Phạm Thiều, Nguyễn Xuân Diệu, Thanh Sơn…Chỉ trong vòng hai tháng, Trại đã đào tạo được hơn trăm cán bộ bổ sung cho các đơn vị vũ trang địa phương và miền Đông Nam Bộ. Những người này đã trở thành những cán bộ chủ chốt của Chi đội 10,Trung đòan 310 Biên Hòa, Trung đoàn 812 Bình Thuận, Chi đội 16, Trung đoàn 307 Bà Rịa…
Ở tỉnh Biên Hòa, lực lượng quân đội Pháp chính thức có hai Trung đoàn 11 và Trung đoàn 22 thuộc địa.Chúng đóng quân ở Thành Kèn (Ngã Ba Thành), ở Trại Kỵ binh (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Du) và một số yếu địa khác. Tuy nhiên, vùng ven thị xã Biên Hòa lại hình thành được một cái chiến khu của cách mạng khá vững chãi.Đó là Chiến khu Bình Đa, nằm ngay trong vùng ven tỉnh lỵ Biên Hòa.Bọn Pháp coi đây như một cái gai chọc vào mắt nên cố công tìm mọi cách để nhổ đi. Thế nhưng lực lượng vũ trang cách mạng lại nhanh chóng trưởng thành để giáng cho chúng những đòn trí mạng.Cùng với những trận đánh giao thông đường sắt khác tại Bảo Chánh, Trảng Táo, Gia Huynh, trận đánh thắng ở Bàu Cá chứng tỏ sự lớn mạnh nhanh chóng của Chi đội 10. Đúng 12 giờ ngày 14 tháng 7 năm 1947 – ngày này cũng chính là ngày Quốc khánh Pháp – khi đoàn tàu thứ nhất của địch lọt vào ổ phục kích, quân ta cho nổ địa lôi phá hủy đầu tàu. Nhất loạt, bộ đội ta xung phong tiêu diệt 200 tên giặc, thu nhiều vũ khí.Đoàn tàu thứ hai bỏ chạy về hướng Trảng Bom. Đây là trận thắng giòn giã nhất, mở ra một giai đoạn mới cho cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch.
Có ai đó đặt câu hỏi: Vì sao An Hảo và Bình Đa cách trung tâm tỉnh lỵ Biên Hòa không tới mười cây số mà quân cách mạng trụ lại được? Ngay như người viết bút ký này cũng lấy làm ngạc nhiên về điều đó.Quân đội Pháp hùng mạnh là thế.Chúng có cả một đội quân lê dương thiện chiến, có đủ máy bay, xà lúc, tàu bò và vũ khí tối tân.Chúng lại có một đội quân tay sai bản xứ, trang bị vũ khí tận chân răng.Trong khi lực lượng vũ trang của ta chỉ có súng kíp và gậy tầm vông lại dám đương đầu? Vũ khí tối tân nhất của chúng ta là lòng yêu nước.
Bọn thực dân Pháp đã cố tình chia để trị.Nam Bộ trở thành Nam Kỳ quốc-một colonial cochinchine thuộc địa- thuộc bộ Hải ngoại Pháp.Bắc Bộ thành xứ Tonkin Bắc Kỳ tự trị, nhưng cũng có một tên Thống sứ người Pháp cai quản. Còn cái tên An Nam, nơi có triều đình Huế với 9 đời chúa và 13 đời vua trị vì thì được đặt cái tên đáng xấu hổ là xứ bảo hộ Trung Kỳ An Nam. Phía bắc sông Hương là Nam triều, còn phía nam sông Hương là Tòa Khâm sứ của bọn Pha-lang-sa ngày đêm giương cặp mắt cú vọ rình mò động tĩnh xem có còn những Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường…và cả ông vua Hàm Nghi đứng lên chống lại chúng hay không?
 Năm 1832, vua Minh Mạng cho đổi trấn thành tỉnh.Tỉnh Biên Hòa có phủ Phước Long và 4 huyện gổm huyện Phước Chánh, Bình An, Long Thành và Phước An. Ngày 18 tháng 12 năm 1861 liên quân Pháp-Tây Ban Nha tiến chiếm thành Biên Hòa.Bọn thực dân Pháp vẫn giữ nguyên địa giới hành chính như của triều Nguyễn trước đây.Hòa ước Nhâm Tuất (ký ngày 9 tháng 5 năm 1862) các tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường là thuộc địa của Pháp, thường gọi là ba tỉnh Miền đông trong Nam kỳ Lục tỉnh.Năm 1901,tỉnh lỵ Biên Hòa đặt tại xã Bình Trước quận Châu Thành (nay là thành phố Biên Hòa).
                                            ***
Ngày 26 tháng 8 năm 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa thành công.Ngày hôm sau nhân dân Biên Hòa đã tổ chức một cuộc mit-ting trọng thể tại Quảng trường Sông Phố để biểu dương lực lượng và chào mừng Chính quyền cách mạng lâm thời.Chính quyền lâm thời gồm có các ông Hoàng Minh Châu làm chủ tịch, ông Huỳnh Văn Hớn làm phó chủ tịch, ông Nguyễn Văn Long phụ trách cảnh sát, ông Ngô Hà Thành phụ trách Quốc gia Tự vệ cuộc.
Ngày 23 tháng 9 năm 1945, được sự tiếp tay của liên quân Anh-Ấn, bọn Pháp nổ súng gây hấn ờ Sài Gòn.Ngày này được coi là Ngày Nam Bộ kháng chiến và cũng là ngày mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ, để có:
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng
Ngày 25 tháng 10 năm 1945, thị xã Biên Hòa và sau đó là cả tỉnh rơi vào tay bọn thực dân Pháp.Nhân dân Biên Hòa hưởng độc lập vừa tròn 2 tháng, lại tiếp tục cầm vũ khí chống lại bọn xâm lăng.
Tỉnh lỵ Biên Hòa nằm cặp theo hai bên bờ sông Đồng Nai.Theo nhà văn Lý Văn Sâm, trong tác phẩm “Chuyện người thổi sáo ở Bến Xuân” thì “khúc sông Đồng Nai dài bốn cây số chảy ngang qua thành phố Biên Hòa được người địa phương đặt tên là Sông Phố.Khúc sông khởi đầu từ cái đuôi Cồn Gáo thoai thoải và chấm dứt ở cái mỏm Cù lao Phố”.Đoạn sông này còn có tên gọi khác là Phước Long Giang.
 Tiếng súng chống Pháp đã nổ. Lực lượng kháng chiến phải rút vào các căn cứ.
Chúng ta trở lại với những ký ức của dòng sông này: Năm 1858, Pháp nổ phát súng đầu tiên vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu xâm lược nước ta, Tổng quân vụ đại thần Lê Đình Lý tử trận. Ngày 17 tháng 2 năm 1859, bọn Pháp đánh chiếm Cần Giờ và tiến đánh Gia Định.Năm 1860, Nguyễn Tri Phương được cử vào Gia Định. Ông đã nhận lãnh trách nhiệm chống giặc và viết hịch kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp, đẩy lùi bước tiến của quân thù.
Ngày 7 tháng 2 năm 1861,Charner dẫn 3000 quân thủy và lính lê dương Âu Phi với 70 tàu chiến, 470 đại bác tấn công Sài Gòn.Ngày 25 tháng 2 năm đó, đại đồn Chí Hòa thất thủ.Nguyễn Tri Phương bị thương rút quân về Biên Hòa.Với Hòa ước Nhâm Tuất,triều đình Nhà Nguyễn đã cam nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp nhưng Trương Công Định không tuân lệnh vua là phải bãi binh.Ông giương cao ngọn cờ Bình Tây đại nguyên soái, tập hợp dân chúng tiếp tục chiến đấu, đánh đồn Rạch Tra, đồn Long Thành…Cuộc chiến không cân sức vẫn tiếp tục cho đến khi các phong trào kháng chiến vũ trang bị dìm trong biển máu.
 Nguyễn Tri Phương là danh tướng của Nhà Nguyễn,sinh năm 1800 trong một gia đình làm ruộng và làm thợ mộc,quê làng Đường Long (Chí Long) tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.Ông tên thật là Nguyễn Văn Chương.Là bậc tài trí, mưu lược  nên ông được triều đình trọng dụng.Năm 1850 khi ông tròn 50 tuổi vua Tự Đức cải tên ông là Nguyễn Tri Phương, lấy ý câu “Dõng thả tri phương” nghĩa là dũng mãnh và lắm mưu trí để khen tặng, sung chức Khâm sai đại thần Tổng thống quân vụ kiêm Tổng đốc các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên…Năm 1853, ông được thăng Điện hàm Đông các đại học sĩ và lãnh chức Kinh lược sứ Nam Kỳ.Trong thời gian này,ông có công lập nhiều đồn điền,khai hoang lập ấp ở các tỉnh Nam Bộ.
Thành Gia Định bị Pháp tiến đánh, vua Tự Đức phái Nguyễn Duy cùng với Tôn Thất Cáp và Phan Tịnh vào ứng cứu cho Nguyễn Tri Phương. Ông đã cùng quân dân tổ chức đắp lũy đóng đồn Chí Hòa (Kỳ Hòa) để phòng thủ thành Gia Định. Năm 1861 ông bị thương nặng, phải rút về lập đồn cản phá ở sông Đồng Nai.Nguyễn Tri Phương cho đắp “cản” bằng đá ong để ngăn tàu thủy của địch, hễ dưới sông có đá cản thì trên bờ có đồn lũy, đại bác của quân ta trấn giữ, đánh Pháp. Xứ Biên Hòa vinh dự đón Nguyễn Tri Phương vào tháng 2 năm 1862.Quân Nhà Nguyễn rút về lập tuyến phòng thủ tại Biên Hòa.Trong khi lập “cản” trên sông đang vào giai đoạn khẩn trương thì có lệnh của triều đình triệu hồi ông. Tương truyền, người dân Biên Hòa thương kính, tin yêu đã cản đầu ngựa, khẩn cầu ông ở lại đánh giặc cho tới cùng.
Nguyễn Tri Phương ra Bắc làm Tổng thống Hải An quân vụ. Năm 1873, Pháp đánh úp thành Hà Nội, ông bị thương nặng và bị giặc bắt. Nguyễn Lâm con trai ông tử trận. Dù bị giặc mua chuộc, nhưng ông đã tỏ rõ khí phách của người sĩ phu anh hùng, chối bỏ mọi sự cứu chữa và tuyệt thực suốt gần một tháng và mất ngày 20 tháng 12 năm 1873 (tức ngày 1 tháng 11 âm lịch) thọ 73 tuổi.
 Khi được tin ông hy sinh, nhân dân Biên Hòa đã tạc tượng và thờ ông tại đình Mỹ Khánh (nay thuộc phường Bửu Hòa). Đình Mỹ Khánh còn có tên là đền thờ Nguyễn Tri Phương. Đền nằm trên bờ sông Đồng Nai, ghi dấu những chiến công đầu giết giặc của một vị tướng tài ba. Truyền thống đó được tô đậm trong những năm tháng tiếp theo của quân và dân Biên Hòa. Nguyễn Tri Phương đã làm trọn sứ mệnh của một trung thần và xứng danh với câu ca: “Làm trai cho đáng nên trai/Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng”. Và câu truyền ngôn hình thành cũng bởi sự tích “Rồng chầu Xứ Huế, ngựa tế Đồng Nai”.
Ý chí bất khuất chống Pháp của người Biên Hòa âm ỉ kéo dài cho đến một ngày khi ngọn cờ búa liềm được giương cao tại đồn điền cao su Phú Riềng vào năm 1929 và đến năm 1935 thì Chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Biên Hòa tiếp bước.
Khúc thứ ba bi tráng   -   Đốm lửa nhỏ đốt cháy cánh rừng lớn
Trong Bút ký “Về Làng bưởi Tân Triều”  của một nhà văn có đoạn viết:
“Tân Triều thuộc loại làng cổ xưa của đất Nam Kỳ. Đây là một cù lao mà dòng chảy một nửa do sông Đồng Nai khoét ôm vào đất liền, còn nửa kia là một con rạch do bàn tay con người kiến tạo qua bao năm tháng miệt mài khai hoang lập ấp làm nên quê mới.
Tân Triều nằm trong chiếc nôi cách mạng. Ngay từ những năm 1933, tại Bến Cá thuộc xã Tân Bình ngày nay, người con ưu tú của quê hương Lưu Văn Viết (Tư Chà) đã sớm giác ngộ và vận động những thanh niên cùng chí hướng vào tổ chức Đảng.Và cũng chính tại nơi này, năm 1935, Hoàng Minh Châu (Tư Vỹ) cùng Lưu Văn Viết, Lưu Văn Văn, Quách Tỷ, Quách Sanh Huỳnh Văn Lũy (sau này Huỳnh Văn Lũy là Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa) và một số đồng chí khác đứng ra thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên, lấy tên là chi bộ Bình Phước-Tân Triều…”
“Phải chăng phù sa của dòng Đồng Nai thân yêu đã hóa thân vào trái bưởi Tân Triều hay tình người mặn nồng gắn bó với đất hay là những giọt mồ hôi của người nông dân từ đời này sang đời khác không ngừng bồi đắp cho ruộng vườn nơi đây, để ngày nay có những vườn bưởi sum suê cây lá và trái ngọt cho đời…”
Năm 1935, Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập tại nhà ông Huỳnh Văn Ngọc (còn gọi là Năm Ông). Hạt giống đỏ đầu tiên Bình Phước – Tân Triều là hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng và là nòng cốt cho việc thành lập Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa hai năm sau đó.Cái cù lao bé nhỏ này từng là nơi nuôi dấu cán bộ hoạt động bí mật, có Trạm Giao liên đầu tiên của huyện Vĩnh Cửu.  
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì chợ Bình Thảo, thôn Bình Thảo, huyện Phước Chánh còn có tên là chợ Ngư Tân, tức Bến Cá, nay thuộc ấp Bình Lục, xã Tân Bình. Chi bộ Bình Phước-Tân Triều ra đời nơi đây, là tổ chức đảng đầu tiên của Biên Hòa, là đốm lửa nhỏ le lói trong cánh rừng nô lệ của Biên Hòa.Và từ đốm lửa nhỏ này theo hành trình phi mã, Biên Hòa xuất hiện hàng trăm, hàng ngàn dũng sĩ đứng lên theo Lời Kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Mười năm sau đốm lửa đó cháy lên thành cơn bão lửa của cách mạng Việt Nam. Năm 1945,Hoàng Minh Châu- người bí thư chi bộ đầu tiên -và những đồng chí khác đã lãnh đạo nhân dân Biên Hòa đứng lên đạp đổ chế độ thực dân và phong kiến, lập nên chính quyền cách mạng.xóa bỏ gông cùm nô lệ. Một chính thể mới ra đời: chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!
Sau 60 ngày độc lập ngắn ngủi, quân và dân Biên Hòa lại cùng cả nước đứng lên làm cuộc kháng chiến thần thánh đánh bọn thực dân Pháp âm mưu quay đầu lại với dã tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa.
 Và một lần nữa dòng Đồng Nai linh thiêng lại nổi sóng.
                                                 ***
Trong dịp Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thơ Trấn Biên và mừng phát hành thi phẩm “Trời Nam Thương Nhớ” nhân Đại lễ Nghìn năm Thăng Long.Tác phẩm Trời Nam Thương Nhớ là một công trình văn hóa dâng lên Đức Lý Thái Tổ. Trong Lời ngỏ có đoạn viết:
“…Hôm nay,năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.Trong đoàn quân điệp trùng hướng về thủ đô có nhiều người đi theo con đường THƠ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, mà Câu lạc bộ Thơ Trấn Biên đã kịp thời tập hợp bằng thi phẩm “Trời Nam Thương Nhớ”.Đây là một cuộc tập hợp ngẫu nhiên – vừa đi vừa nhập đoàn – của các thi nhân đủ mọi thành phần ở khắp mọi nơi trên quê hương Việt Nam thân yêu…Tất cả đều có chung một tấm lòng: “Thăm lại non sông giống Lạc Hồng”…Tất cả là một tràng hoa muôn sắc được kết bằng cỏ nội hương đồng khắp mọi miền đất nước, dâng lên Thăng Long ngàn năm tuổi; dâng lên Thủ đô hòa bình, lương tri phẩm giá của nhân loại. Ngày đi, tay chắc súng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ngày về, túi đeo thơ ngợi ca sông núi trường tồn. Thật không có hình ảnh nào đẹp đẽ cho bắng…”
Trong buổi Lễ long trọng đó Ban Tổ chức cho treo hai câu thơ trong bài Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ:
“…Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…”
Dù không làm tướng bao giờ nhưng vì lòng yêu mến và ngưỡng mộ tài năng của ông nên nhân dân đã tôn xưng ông là một thi tướng.Chỉ một bài thơ Nhớ Bắc như là một Tuyên ngôn của lòng người dân Nam Bộ luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Bài thơ là tiếng kèn xung trận của quân dân Biên Hòa và cả của Nam Bộ trong những ngày đầu Việt Nam mới giành được độc lập, mới thoát khỏi gông cùm nô lệ trong gần suốt tám mươi năm.Chính quyền Cách mạng trong thời kỳ trứng nước, ngàn cân treo sợi tóc.
Trên hai bên bờ sông Đồng Nai có nhiều làng mạc trù phú.Miền đất địa linh nhân kiệt này đã sinh ra cho quê hương những nhà quân sự, nhà văn hóa, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng.
Huỳnh Văn Nghệ sinh ngày 2 tháng 2 năm 1914 tại làng Tân Tịch, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, nay là xã Thường Tân, huyện Tân Uyên,tỉnh Bình Dương.Năm 1945 ông trực tiếp tham gia cướp chính quyền  ở Biên Hòa.Ông được giao các chức vụ: Cố vấn cho Ủy ban Kháng chiến-Hành chính miền Đông (Nam Bộ), Chỉ huy trưởng Giải phóng quân Biên Hòa,Khu trưởng Khu 7,Phó Tư lệnh rồi Tư lệnh Bộ Tư lệnh Khu 7,Tỉnh đội trưởng tỉnh Thủ Biên.Ông là một trong những người thành lập và lãnh đạo lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên ở Biên Hòa. Tên tuổi của ông gắn liền với Chiến khu Đ-căn cứ cách mạng nổi tiếng trên vùng đất miền Đông Nam Bộ- lực lượng vũ trang Chi đội 10 mà người dân thường gọi với cái tên thân thương là “Bộ đội Tám Nghệ”.Ngoài tài năng là một nhà quân sự tài ba, ông còn biết đến với tư cách là một nhà thơ đích thực.Năm 21 tuổi,ông đã có những bài thơ viết về thân phận của người dân trong cảnh sống lầm than, nỗi nhục của con người trong cuộc đời nước mất nhà tan.Trong thời ký chống Pháp,tác phẩm của Huỳnh Văn Nghệ phản ánh, miêu tả sinh động về đời sống,về đồng đội, về người mẹ,về quá trình trưởng thành của lực lượng cách mạng,về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.Hình ảnh hùng tráng nhất của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ là tay gươm, tay bút hiên ngang trên lưng ngựa, xông xáo trên chiến trường mà nay còn đọng lại trên bìa một tập sách viết về ông.Bộ phim Vó ngựa Trời Nam khắc họa chân dung nhà thơ-chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ là bài ca bi tráng của một con người đã đem mọi tâm huyết dâng trọn cho quê hương.
Nhà văn “đường rừng” Lý Văn Sâm cất tiếng khóc chào đời ngày 17 tháng 2 năm 1921, nhằm ngày 10 tháng Giêng năm Tân Dậu, tại một ngôi làng ở quê ngoại trên bờ sông Đồng Nai.Đó là xóm Ông Linh, làng Tân Nhuận, quận Tân Uyên, trước thuộc tỉnh Biên Hòa, nay thuộc Bình Dương.Còn quê nội của nhà văn cũng ở bên này bờ sông Đồng Nai. Đó là ấp Bình Ninh, làng Bình Long, tổng Phước Vĩnh Hạ, tỉnh Biên Hòa, nay là xã Bình Long huyện Vĩnh Cửu,tỉnh Đồng Nai.Nhà văn Lý Văn Sâm xuất hiện trên văn đàn từ rất sớm, khi ông mới tròn 20 tuổi.Năm 1941, ông đã có truyện ngắn đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy. Các tác phẩm Kòn Trô, Chi Mô Phây và Sương gió biên thùy đã đưa tên tuổi của ông thành “nhà văn truyện đường rừng” độc đáo.
Cũng như nhiều trí thức yêu nước của Nam Bộ, tháng 8 năm 1945 Lý Văn Sâm gia nhập Thanh niên Tiền phong và tham gia cướp chính quyền ở địa phương.Năm 1946, ông bị Pháp bắt (lần thứ nhất).Giặc thả ông ra, ông lại tiếp tục chiến đấu trên cả hai mặt trận văn và võ. Vừa viết báo, làm văn ông vừa làm việc cho Công an Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1949, ông bị giặc bắt lần thứ hai.Ra tù, ông vào chiến khu, công tác tại Ban Sưu tập Phân liên khu miền Đông. Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết ông về thành hoạt động hợp pháp trên lĩnh vực báo chí văn nghệ. Tháng 11 năm 1955, khi Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam,ông lại bị kẻ thù bắt giam tại nhà tù Tân Hiệp (Biên Hòa) cùng với nhà báo Dương Tử Giang và nhiều đồng chí khác.Ngày 2 tháng 12 năm 1956, cuộc phá khám thành công.Lý Văn Sâm về làm Chánh văn phòng Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một, Trường đoàn Văn công Miền Nam, Chủ bút báo Chiến Thắng của Quân Giải phóng.Rồi tiếp  là Thư ký tòa soạn báo Văn Nghệ Giải phóng và nhiều chức vụ khác.Năm 1979, nhà văn Lý Văn Sâm được Ủy ban Toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà Văn Việt Nam cử về Đồng Nai -quê hương ông- giữ chức Chủ tịch Hội Văn Nghệ Đồng Nai cho đến lúc mất (năm 2000).Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007.
Cũng trên đoạn sông Đồng Nai này, có một nhà văn vừa được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Nhà nước.Đó là nhà văn quân đội Hoàng Văn Bổn.Ông sinh ngày 7 tháng 5 năm 1930 tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu,tham gia cách mạng từ ngày đầu, giữ chức Trưởng ban Giáo dục huyện Tân Uyên.Sau Hòa bình 1954,ông tập kết ra Bắc,công tác ở Xưởng Phim Tài liệu và đã có 25 kịch bản phim được dàn dựng và công chiếu.Trong sự nghiệp văn học ông để lại cho đời một khối lượng đồ sộ gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, hồi ký.Khi ra quân,ông về nối tiếp sự nghiệp văn học tại quê nhà.Ông được bầu làm chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.Hoàng Văn Bổn sống những ngày cuối đời tại một ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Đồng Nai và tạ thế năm 2006.
Bình Nguyên Lộc được diễn dịch ra: Bình Nguyên là Đồng,cánh đồng.Lộc từ nguyên là Lộc Dã, tức con Nai. Bình Nguyên Lộc là bút danh của nhà nghiên cứu, nhà văn Tô Văn Tuấn.Ông sinh ngày 7 tháng 3 năm 1914 tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Mỹ Trung, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, cùng tuổi và cùng huyện với thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Tác phẩm văn học đầu tay của ông là Hương gió Đồng Nai.Truyện ngắn đầu tiên của ông có tên Phù Sa được đăng trên tạp chí Thanh Niên của Huỳnh Tấn Phát.Sau này kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là phó Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam,người cùng thời với luật sư Nguyễn Hữu Thọ.Ngoài ra, Bình Nguyên Lộc còn có các công trình nghiên cứu như: Lột trần Việt ngữ, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt và chú giải nhiều tác phẩm văn chương cổ điển (Chiêu hồn,Tự tình khúc,Thu dạ lữ hoài ngâm,Tỳ bà hành, Trường hận ca…). Về thơ, ông có hai tập Thơ tay trái và Việt sử trường ca, một tiểu thuyết thơ, Thơ Ba Mén
Trên mảnh đất này có một nhà biên khảo lịch sử nổi tiếng.Đó là Lương Văn Lựu, sinh ngày 22 tháng 12 năm 1916 tại làng Tân Thành, xã Bình Trước (nay là phường Bửu Long, Biên Hòa). Năm 1935, ông tốt nghiệp Trung học Pháp-Việt với vốn ngoại ngữ loại giỏi. Trước 1945 ông là bạn thân của Lý Văn Sâm, Bùi Nhựng…cùng viết báo, dịch thơ đăng trên các báo đương thời.Lương Văn Lựu là Chủ bút báo Biên Hùng. Người đời biết đến Lương Văn Lựu là biết tới một nhà khảo cứu lịch sử.Ông đã giành trọn tâm huyết để viết bộ sách “Biên Hòa sử lược toàn biên”, gồm 5 tập: Trấn Biên cổ kính, Biên Hòa oai dũng, Đồng Nai thơ mộng, Biên Hòa tân tiến và Ba trăm năm người Việt gốc Hoa.Đây là một trong những nguồn tư liệu quý giá viết khá đầy đủ về một miền đất mới.
                                           ***.
Ngay tại thành phố Biên Hòa, bên bờ Phước Long Giang có danh thắng Văn Miếu Trấn Biên- thờ Vạn thế sư biểu Khổng Tử  và Chủ tịch Hồ Chí Minh – Và theo truyền thống “Tôn sư trọng đạo”,nơi đây thờ Chu Văn An, người thầy giáo đầu tiên của nước Đại Việt, và  thờ các danh nhân văn hóa của dân tộc: Ức Trai Nguyễn Trãi, Bạch Vân Cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quế Đường Lê Quý  Đôn,Thanh Hiên Nguyễn Du (tự Tố Như), Trọng Phủ Nguyễn Đình Chiểu (sau khi mù đổi hiệu là Hối Trai), Sùng Đức Võ Trường Toản, Cửu Tư Đặng Đức  Thuật,  Bùi Hữu Nghĩa và ba vị trong Gia Định Tam gia của Bình Dương thi xã gồm Cấn Trai Trịnh Hoài Đức, Nhữ Sơn Ngô Nhơn Tĩnh và Tấn Trai Lê Quang Định.
Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng năm 1715, nằm ở địa phận thôn Bình Thành và thôn Tân Lại.Di tích được khảo tả: “Phía nam hướng đến sông Phước (Phước Long Giang), phía bắc dựa theo núi rừng (Núi Long Ẩn), núi sông thanh tú, cỏ cây tươi tốt”. Văn miếu Trấn Biên, biểu tượng văn hóa đầu tiên của Nam Bộ bị giặc Pháp tàn phá khi chúng đánh chiếm Biên Hòa. Kỷ niệm 300 năm Biên Hòa-Đồng Nai hình thành và phát triển, thành phố Biên Hòa đã khởi công xây dựng lại và khánh thành vào ngày mùng ba Tết Nhâm Ngọ nhằm ngày 14 tháng 2 năm 2002.
Tôi xin trích bốn câu Bia ký do Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu chấp bút, khắc ở Văn miếu Trấn Biên:
“…Đạo làm người: tích trí, tu nhân
Phép giữ nước: sùng văn, trọng võ
Tinh thần Đại Việt tỏa sáng nơi đây
Hào khí Đồng Nai dâng cao từ đó…”
 Hào khí Đồng Nai!
 Vâng, chính là được hun đúc nên từ một miền đất “Địa linh nhân kiệt” mà dòng sông Đồng Nai vừa là chứng tích vừa là động lực.Tôi tâm đắc với Cụ Vũ Khiêu ở hai câu: “Đạo làm người: tích trí, tu nhân/Phép giữ nước: sùng văn, trọng võ”.
                                                          -----------
                                     Viết tại Biên Hòa đêm 19 Tháng Tám 2013 và hoàn   thành  9 giờ sáng ngày 2-9 Tết Độc lập lần thứ 68.Sửa chữa hoàn chỉnh tại Trại Sánh tác Đà Lạt ngày 13 tháng 10 năm 2013.
                                                                  XUÂN BẢO




Tác phẩm Dự Trại sáng tác Đà Lạt năm 2013.
Của Xuân Bảo, Ban Văn – Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai.










Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

ANH CẢ ƠI

                                                    ANH CẢ ƠI!
Anh ra đi khi trời vừa hửng nắng
Sau cơn bão số mười chà nát quê hương
Hai lần nước mắt đong đầy Lệ Thủy
Dòng Kiến Giang đau đớn nỗi buồn thương.

Đây là nén hương tôi thắp lên để tưởng niệm người Anh cả của lực lượng vũ trang Võ Nguyên Giáp. Những điều nói về vị tướng huyền thoại đã được mọi người trên khắp thế gian này hết lời ca tụng. Những lời thơ này cũng chứa đầy nước măt của một con người từng được làm anh lính Bộ đội Cụ Hồ.
       Đà Lạt, một chiều buồn Quốc tang Võ Đại tướng
                        Ngày 13 tháng 10 năm 2013

          Cựu chiến binh – nhà thơ Xuân Bảo