Trang

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

172.4. NHA TRANG ƠI, TẠM BIỆT CHIM ÉN NHÉ!

172.  4. NHA TRANG ƠI, TẠM BIỆT CHIM ÉN NHÉ!
          Chiều hôm đó chị Băng nhất quyết mời cho bằng được cả nhà dự bữa cơm tối. Sau bữa ăn sẽ đến thăm vợ chồng anh Trợ.  Anh Trợ là người bí thư đảng ủy hồi năm 1959, 1960 của chúng tôi -  người chủ trì cuộc họp kiểm thảo Xuân Bảo vì tội dám yêu một người con gái đã có cuộc đính hôn (?!) từ những năm đầu Kháng chiến toàn quốc (1946), tức là năm Bích Hạnh mới có 6 tuổi. Năm đó, hai gia đình ở gần nhau, là láng giềng của nhau, nên có những lời hẹn ước (nhất định đây không phải là lễ đính hôn), nếu kháng chiến thành công, khi trở về thành thì sẽ cho hai trẻ nên vợ nên chồng. Ở đây, cần nói rõ thêm vai trò của người bí thư Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh, có tên là Nguyễn Ch., người được sinh ra tại phố Chùa Vua, còn có tên là Chợ Giời Hà Nội. Như trên tôi đã nhắc đến hồi chúng tôi xem vở kịch Liuba-Liubôv ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Tên Ch. này cũng rất láu cá, khi lấy vé xem hát, hắn cố tình bố trí cho tôi và Bích Hạnh ngồi hàng ghế trên, trước hàng ghế của Ch. để tiện theo rõi chúng tôi. Và khi sau, hắn không thấy chúng tôi vào xem tiếp kịch thì hắn cũng bỏ dở vở kịch, chạy bộ đến phố Hàm Long, giả vờ hỏi gia đình Bích Hạnh đi đâu. Các cụ thật thà trả lời hắn: Em đi xem kịch Nhà hát lớn. Hắn bảo: đâu có! Rồi hắn lại chạy về cơ quan nói với cậu Gi., nhân viên thường trực gác cổng: Nếu Xuân Bảo về gọi cửa thì đừng mở? Đến khuya về, tôi gọi cửa mãi mà Gi. không mở, tôi đành leo cột điện vào phòng mình ở gác 2.
Nghỉ giải lao giữa giờ chúng tôi không xem kịch nữa mà cùng nhau ra lấy xe đạp (đã gửi vào bãi giữ xe). Không lấy được xe nên đành bách bộ ra đê sông Hồng, chờ tan kịch mới lấy xe về. Hồi đó, lớp người trẻ tuổi chúng tôi được Đoàn Thanh niên giáo dục rất tốt. Các tối trong tuần được bố trí lịch rất chặt chẽ. Tối thứ hai và thứ năm học văn hóa. Tối thứ ba học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Nga – tiếng của quê hương Vladimir Ilich   Lénin, tiếng của đất nước Liên Xô vĩ đại. Đất nước mà nhà báo Mỹ John Red đã mô tả đầy đủ trong thiên ký sự “Mười ngày rung chuyển thế giới”, đem lại cho giai cấp cần lao thế giới niềm tin: chủ nghĩa xã hội nhất định thắng! Tối thứ tư đi nghe thời sự do ban Tuyên huấn Thành đoàn thuyết minh, giới thiệu. Tối thứ sáu sinh hoạt chi đoàn. Tối thứ bảy và tối chủ nhật được tự do!
          Trong guồng quay của cuộc sống thời đó, lớp thanh niên của chúng tôi được đào luyện hết sức bài bản, khắt khe. Đoàn Thanh niên còn hướng cho đoàn viên của mình cần và phải, trước hết là kiên định lập trường giai cấp, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật. Đoàn có nhiều hình thức giáo dục khá phổ biến là phải đọc sách. Hai cuốn sách được ooi là sách cẩm nang gối đầu giường và là kim chỉ nam cho chúng tôi là cuốn Thép đã tôi thế đấy (Et l ‘acier fut trempée) của nhà văn Nga Nhi-ca-lai Otstrovski, cuốn thứ hai là cuốn Lưu Hồ Lan của Trung Quốc. Tôi còn nhớ câu đầu sách: “Ce que l’homme possède de plus précieux c’est la vie. Elle ne lui est donnée qu’une fois…” ( Con người ta sinh ra ở trên đời, cái quý nhất là sự sống. Song ai cũng chỉ sống được một lần. Bởi vậy phải sống sao cho ra sống…”
Chi đoàn còn vận động đoàn viên mua sách tháng của 2 cửa hiệu sách quốc doanh lớn tại phố Tràng Tiển. Hiệu sách Quốc văn và hiệu sách Ngoại văn. Thẻ mua sách quy định một tháng phải mua sách với mức bắt buộc là 1 đồng 2 hào. 1 đồng bằng 4 bát phở bò chín. Còn phở bò tái thì 3 hào một bát, hoặc có thể mua được 4 vại bia hơi. Nhưng Mậu dịch quốc doanh quy định mỗi người chỉ được mua 3 vại. Vậy thì còn 1 hào, đành mua 1 gói lạc rang sâu kèn. Anh Quý là công chức lưu dung của Hà Nội Pháp thuộc. Giờ hành chính, anh đến cơ quan làm việc rất cần mẫn. Tôi còn nhớ hai tay áo của anh còn đeo thêm ống tay áo dự phòng kẻo ngồi bàn giấy lâu, hai đầu cùi chỏ tay mải miết xuống bàn giấy và mau rách, xong giờ làm việc anh tháo đôi ống tay áo giả cho vào cạc – táp. Ngoài giờ, anh làm thêm nghề bán phá-xa (tức là lạc rang húng lìu mà anh đặt mua ở hiệu bà Xẩm, người Tàu, ở phố Hàng Buồm) rồi mang ra quán bia. Anh ngồi trên chiếc ghế xếp bằng ba sợi dây da đóng chằng vào 4 thanh gỗ nho nhỏ, khi di chuyển chỉ cần xách ghế lên, kẹp vào nách và trước mặt là hòm đựng lạc rang Anh nói, nghề này hơi chai mặt với bạn bẻ, nhưng biết làm sao được, còn hơn đi móc túi ?! Bọn tôi thường ủng hộ anh mỗi lần ghé hiệu bia bằng cách mua cho anh 4, 5 gói lạc rang! Bây giờ nhắc lại sao thấy lòng buồn tê tái!
          Thẻ mua sách của tôi thường vượt định mức, có tháng lên tới 5 đồng, Do vậy, sách của tôi nhiều lắm, thường là những tác phẩm của các nhà văn Liên Xô. Hồi đó, người ta ít nhắc đến từ Nga, mà cái gì từ vật nhỏ như cái quạt bàn tai voi, cái cùi dây mai-xo nấu nước trực tiếp…cho đến chiếc xe tăng T54 hoặc tàu bay TU, đều nói là của Liên Xô – người anh cả của phe xã hội chủ nghĩa. Tôi mua gần như hầu hết các tác phẩm của Lev.- Tôlstôi, Marxim - Gorki, Pautovski, Dotstoievski, Ylia - Êrenburg, Fadeev, Alexi - Tôlstôi, Gôgôn, Sôlôkhov, Aimatov, Puskin, Lermantov, Maiakovski…Về văn học Pháp, Viện Văn học chủ trương cho in lại những tác phẩm đã dịch thời gian trước 1945. Và tiếp tục là các bản dịch của Nhóm Lê Quý Đôn. Những tác giả nổi tiếng như Victor – Hugo, Alerxendre – Dumas, Anaton – France, Baudelaire, Honôrée de Balzak…Văn học Trung Hoa hầu như các tiểu thuyết chương hồi cổ điển đều được dịch như Tam Quốc chí, Hồng Lâu mộng, Thủy Hử, Đông Chu liệt quốc…Văn học cận đại Trung quốc có các tác phẩm của Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Đinh Linh, Ngụy Nguy…

          Tôi tìm mua cả sách văn học của Ấn Độ, của Mỹ la tinh và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, của Anh quốc, của Đức. Và đặc biệt tôi mua được trọn bộ Nghìn lẻ một đêm, tác phẩm vĩ đại nhất của nền văn học Ả-rập và của nhân loại. Tôi có được trọn bộ Thần thoại Hy –Lạp và nhiều tác phẩm danh tiếng của Ý Đại Lợi…Tủ sách của tôi ngày càng chất đầy những tác phẩm bất hủ của thế giới. Tôi rất đỗi tư hào về nó!