Trang

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

175. Chúc mừng năm mới 2017.

175. Chúc mừng năm mới  2017
                      Nhân năm mới 2017, tôi có mấy bài văn tế và ca trù viết về dòng sông oai hùng, nơi tôi và gia đình đã sống hơn 40 năm nay. Viết để cảm ơn Dòng Đồng Nai đã cho tôi cảm hứng viết bản trường ca Âm vang một dòng sông, viết để ghi nhớ cái bút ký Dòng sông ký ức mãi mãi chảy xiết trong ngòi bút của  tôi.

DÒNG ĐỒNG NAI GHI DẤU OAI HÙNG
           
                                                                              Văn tế 
Hùng vĩ thay !

“Ngựa tế Đồng Nai…
 Rồng chầu ngoài Huế”

Người Miền Đông, tiếng hát vang lừng;
 Điện Trị An,  nước trào mạnh mẽ

Hào kiệt in dấu truyện Đường Rừng- văn nhân Lý Văn Sâm;
Dũng khí lưu danh thơ Nhớ Bắc – thi tướng Huỳnh Văn Nghệ

Trận La Ngà cắt đứt giao thông; 
Cửa Xuân Lộc mở toang trận thế  
         
Đồng Nai ta,

Gái Tân Phú làm giàu Tân Phú, hòn Đá Chồng gió nựng mây hôn;
 Trai Biên Hòa nổi tiếng Biên Hòa, trận Long Bình ngói tan trúc chẻ

Mênh mông Rừng Sác, sông Lòng Tàu thắm máu hùng binh;
 Lừng lẫy Khu Đ suối Bà Hào vang lời quốc thệ

Chôm chôm chín đỏ, lộng gió núi, lúc sớm nắng lên;
   Sầu riêng nây vàng, trĩu cành sương, trong chiều bóng xế

Nhơn Trạch, Long Thành, còi tầm  nhà máy vang khắp quê cha;
 Bình Sơn,Cẩm Mỹ lá non cao su xanh ngời đất mẹ

Phước Long Giang còn ghi dấu Vi tướng Thượng Xuyên;
Cù lao Phố mãi ngời công Thành Hầu Nguyễn Lễ

Mượn giấy trời cao viết bản trường ca;
Vay mực sông dài soạn  bài văn tế

Ý trào bút múa, lưu hậu thế lịch sử muôn đời;
Trông nguyệt ngắm hoa, niệm tiền nhân lòng người vạn tuế

Trống đại tri ân vẫn rung trong Hội Tân Lân;
Bát nước chiêu hùng còn vang giữa dòng Bến Nghé

Cầu Ghềnh nối mộng vàng cho quê hương mở mặt năm châu;            
Bến Cá tụ nghĩa lớn vì nước nhà vang danh bốn bể

Phước Long Giang trĩu nặng tình quê

 Con sông Đạ Đờng- dòng nước mát chẳng hề cạn khô, tưới tắm xứ Lộc Dã bao thế kỷ tràn đầy;
 Thi xã Bình Dương-  nguồn văn chương không ngừng bồi đắp, điểm tô đất Đồng Nai ba trăm năm có lẻ

Khơi đèn cho sáng, đọc lại cổ thư
Đốt trầm  cho thơm, ngắm vòng nguyệt quế

Yêu quý vô ngần, Trường ca dào dạt vượt qua ghềnh thác, Trấn Biên vững bền
Nâng niu quả ngọt, dòng sông lung linh sóng sánh muôn hoa, Đồng Nai diễmlệ!
Cẩn bút
Mai Lĩnh Sơn Xuân Bảo.
---------------------------------------------------------------------------------------------
     
         


 ĐỐI THOẠI VỚI THỦY THẦN SÔNG ĐỒNG NAI
  (Phỏng theo ý bài thơ Ngư phủ của Khuất Nguyên)

Thi nhân ngao ngán       
Đứng trên bờ sông
Ngắm dòng Phước Long
Con sông thân thiết
Chảy qua chín bậc [1]
Chảy trong ta oai hùng một bản trường ca

                                         ***
Thủy thần nhìn thấy liền hỏi:
-Nhà thơ Xuân Bảo đấy phải không?
-Có chi mà buồn chán, có chi mà tiếc nuối?
Thi nhân đáp lại thong dong :
Ta nghĩ về lòng người u tối
Gạt phắt Trường ca một cách vô lối
 “Âm vang một dòng sông”
Ta viết trong mười năm với bao tâm huyết
Thiên hạ cho đây là Đồng Nai sử lược
Một dòng sông rất đỗi tự hào
Của Miền Đông gian lao! 

                                              ***
Thủy thần nói :
-Thi nhân đừng câu nệ
Lũ ngu dốt như rác rưởi
Dòng sông này sẽ cuốn phăng
Đừng như Khuất Nguyên viết:
“Cử thế giai trọc ngã độc thanh
Chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh”(2) 
Trường ca của thi nhân ta biết
Cả đất trời và người dân này biết
Tác phẩm Âm vang một dòng sông
Mãi mãi trường tồn như Phước Long giang thao thiết
Chở nặng phù sa cho đôi bờ xanh biếc

                                                    ***
Tạm biệt thủy thần 
Sang sảng tiếng Thơ ngân:
Nước sông Đồng Nai trong a
Ta ngàn lần yêu mến
Nước sông Đồng Nai đục a
Sẽ có ngày trong lại   
                                                Bửu Cự Uyên Thi
 ......................................................
(1) Sông Đồng Nai phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên chảy qua 9 bậc. Bậc cuối là thác Trị An, nay thành thủy điện.
(2) Thế kỷ trước, nhà thơ Đào Duy Anh đã dịch 2 câu này trong bài thơ Ngư phủ của Khuất Nguyên" Khắp đời đều đục mình ta trong. Mọi người đều say mình ta tỉnh”.

                                      --------------------------------------------------

                                    



                                      ĐAU ĐÁU MỘT DÒNG SÔNG
                                                                             Ca trù
Lời dẫn: Trong Thay lời tựa,của cuốn sách Âm vang một dòng sông ,Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn cấp phép ấn hành năm 2009, nhà thơ Xuân Bảo đã viết: Tôi viết Trường ca này năm 1998 nhân kỷ niệm 300 năm Biên Hòa- Đồng Nai và sau gần 10 năm (1998-2008) mới hoàn chỉnh bước đầu.
           Trường ca này để tỏ lòng biết ơn các đấng tiền nhân một thời “mang gươm đi mở cõi” và những đồng bảo, đồng đội, đồng chí đã ngã xuống cho Đồng Nai đứng dậy !
           Đây là tấm lòng để tri ân một miền đất đã nuôi dưỡng một hồn thơ, một cõi thơ.
           Cũng như trên khắp mọi miền đất nước,hai chữ “giang sơn”dược mô tả rất rõ ràng trong những cặp phạm trù như Núi Nùng-Sông Nhĩ.Sông Lam-Núi Hồng, Non Mai –Sông Hãn, Núi Ngự – Sông Hương, Núi Ấn-Sông Trà…
           Tôi muốn nói lên những gì mà gần 40 năm qua tôi đã gắn bó với dòng sông Đồng Nai.
.
                             ĐAU ĐÁU VỚI MỘT DÒNG SÔNG
                                                                                               Ca trù
                        

Mưỡu :
Tấc lòng trút hết cho Thơ
Ba trăm năm cũ bây giờ là đây
Trường ca viết ba ngàn ngày *
Con sông thương nhớ đong đầy nỗi đau !
Hát nói :
Quê hương mới vì đâu ta chọn
Đất Đồng Nai sống trọn tình người
Nghiệp văn chương dẫu khó vẫn chưa thôi
Viết những điều mà trái tim mình mách bảo
Sách có câu “Văn dĩ tải đạo…”
Thơ có vần “ Đâm mấy thằng gian…”
Bước chân lưu lạc dặm đàng
Cận bát tuần vẫn sung bút lực
Chắp đôi cánh thần tiên giúp sức
Viết và viết là thiên chức trời cho
Dòng sông đau đáu lời Thơ
Mai Lĩnh Sơn Xuân Bảo


·       *Trường ca Âm Vang Một Dòng Sông tác già viết trong gần 10 năm (1998 – 2008 )


Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

174 B, Đọc sách Mưa nắng Đồng Nai của nhà văn Võ Nguyện

174 B Đọc sách Mưa nắng Đồng Nai của nhà văn Võ Nguyện·

Nhân ngày giỗ lần thứ 3 của Võ Nguyện (07/12/2013 – 07/12/2016) tôi cho poste lên blog của tôi bài viết:
Đọc sách:
Mưa nắng Đồng Nai của nhà văn Võ Nguyện- lời cảnh báo môi trường
NGUYỄN XUÂN BẢO
Tác phẩm Mưa nắng Đồng Nai của Võ Nguyện do nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản năm 2006 thật sự là lời cảnh báo về sự hủy hoại môi trường không những đối với Đồng Nai mà còn là cả nước. Nhớ lại khi mới ra đời có không ít người cho là “vạch áo xem lưng”. Nhưng dần dần thực tế khách quan đã chứng minh lời cảnh báo đó là đúng đắn, nhiều vấn đề đến bây giờ vẫn đang còn nóng hổi. Đã có không ít bài báo đề nghị tặng giải cho tác giả.
Mưa nắng Đồng Nai là tập hợp những bài viết đã đăng trên các báo Lao Động, Kiến thức Ngày nay, Thế Giới mới, Thanh niên, Đồng Nai, Lao động Đồng nai... theo thể hồi ký người thật việc thật nhưng lại có tính nghệ thuật đậm đặc. Đọc lại nội dung chúng ta thấy rất rõ vấn đề này.
Bài “Chuột ở bãi vàng Hiếu Liêm” ( trang7-17), có thể nói là điển hình về hủy hoại môi trường. Hai trăm hec ta rừng bị đào bới tan hoang. Mặt đất nham nhở a xít, thủy ngân và cả chất độc cyanua lan ra sông suối. Thân phận con người ở chốn luật rừng sao mà giống thân phận chuột! “Cả hai đều bị vàng nghiền nát”, mà hình ảnh rùng rợn là những lu xương người sắp lớp trong Tổng Kho… Môi trường đất như vậy, còn môi trường nước cũng không kém. Nhà máy Men Mauri La ngà- ngoài việc xả thải làm cá bè chết hàng loạt lên tới 70 tấn vào các ngày 26/2- 10/5/2000 thì: “Ở khu vực cống xả của nhà máy còn tồn đọng một lượng mùn hữu cơ kết tủa từ chất độc chiếm từ vài chục đến cả trăm hecta. Có chỗ ghe máy vào không quay chân vịt được. Múc nước này lên thả cá vào thì chết ngay…”. Bãi vàng Hiếu Liêm đã được UBND tỉnh cương quyết dẹp bỏ không để kéo dài như đá đỏ Quỳnh Lưu. Nhưng cá chết do nước thải Mauri thì vẫn còn kéo dài tận hôm nay, dân chúng vô cùng búc xúc…
Phá rừng là hiện tượng phổ biến của cả nước. Rừng ở tả ngạn sông Đồng Nai “không biết tự bao giờ đã hoàn thành công việc xóa sạch”. Gỗ rừng biến thành gỗ lậu. Càng bắt được nhiều gỗ lậu thì thành tích của Kiểm lâm càng cao. Vậy Kiểm lâm phải cám ơn lâm tặc bởi lâm tặc làm ra gỗ lậu…Quả là vòng lẩn quẩn lạ lung. Bài Voi đi đâu (trang 26-31),Lên rừng ăn ong (trang 32-37),Đôi chuyện về rắn (trang 38-44),Nhộn nhịp thịt rừng (trang 45-50) là hệ lụy nhãn tiền “ai độc hơn ai”?của sự vô tâm này. Cây ươi ở rừng Đồng Nai và Miền Đông Nam Bộ đã bị tàn sát cách đây gần chục năm để lấy trái bán cho tàu nước ngoài.Thế mà nay tỉnh Thừa thiên Huế mới la làng lên về vấn nạn chặt ươi ở địa phương mình. Kể là quá lạ!
Môi trường lịch sử đã bị bỏ quên cho thời gian xâm hại. Bài “Địa Đạo Chiến khu D” (trang18-25) đã góp phần đánh động dư luận . “Mưa rừng ập đổ. Không gian mù mịt. Nước sông Bé lại sôi réo hơn xưa bởi nạn phá rừng…Tôi, một lần nữa nhìn lại cửa hầm số 11, chẳng thấy bóng dáng người xưa đào đắp mà chỉ thấy hiu quạnh. Có chăng mấy vỏ lon nước ngọt nước suối ai đó mới ghé thăm vứt bỏ đã đầy ắp nước mưa, nằm buồn bã trên thảm lá mục!”.Và tác giả đã bỏ công tìm về cội nguồn :“Ít ai ngờ rằng vào năm 1963 một góc nhỏ địa đạo gồm 2 hướng với 15 miệng hầm liên hoàn lại được một tiểu đội nữ chiến sĩ trẻ do Mười Hạnh phụ trách bổ nhát cuốc đầu tiên… tạc vào đất tấm lòng yêu nước tuyệt vời...”. từ đó Địa đạo được bảo tồn.
Trong không gian mờ mịt của mưa lại xuất hiện những vệt sáng của nắng ở cuối chân trời. Đó là những nhân tố tích cực trong cuộc vận động đi lên. Các bài Hoa phượng sắc xanh (trang79-83), Thơ mộng suối Tre(123-126),Võ thuật Cổ truyền Đồng Nai một thời trăn trở (trang 83-87),Rùa thần Đồng Nai( trang88-96) Tất cả vì Long Khánh…(trang 105-111) với tấm gương của anh Nguyễn Ngọc Bích đã khẳng định điều này. Đặc biệt là các quyết sách của tỉnh Đồng nai đã làm thay đổi cục diện. Có lúc Thủ tướng cũng ra tay uốn nắn và để lại ấn tượng. Bài Sự tích một ngôi trường (trang 97-104) là một ví dụ.
Năm 1995 tiêu cực ở các công trình lớn còn đang ít được phanh phui, chúng hiếm như là nhật thực. Ngôi nhà lớn nhất của Thủy Điện Trị An bị đập bỏ để bán phế liệu trong khi cơ sở hạ tầng của địa phương này còn rất yếu kém. Sau hai bài viết của Võ Nguyện đăng trên báo Lao động Đồng Nai (ngày27/10/1995) và báo Thanh niên (ngày2/12/1995) thì hàng loạt bài rộ lên. Anh Mai Sông Bé với bài “Những nhát búa đánh vào lòng dân”đăng ở Lao Động Đồng Nai. Cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa báo Thanh Niên với bài “Những khuất tất đằng sau ngôi nhà bị đập bỏ”. Các báo Tuổi trẻ, Lao Động cũng có bài liên tục. Đài truyền hình Đồng nai phát hình căn nhà bị đập phá. Đài Tiếng nói Việt nam phỏng vấn vài vị lãnh đạo cấp trung ương. ai cũng lên án cả…Trong khi những đầu óc hẹp hòi bảo thủ lại cố phản công. Họ gọi điện về tòa soạn, hăm dọa ngươi viết bài khiến nhiều người hoang mang. May mắn thay Thủ Tướng đã vào cuộc, lệnh trong vòng 10 ngày tỉnh Đồng nai phải giải trình sự viêc…
Ba tháng sau một ngôi trường bề thế được hoàn thành trên nền đổ nát của căn nhà bị đập phá. Đây là ngôi trường đặc biệt ở Đồng Nai được xây dựng bởi dư luận đúng đắn của báo chí và sự uốn nắn kịp thời của lãnh đạo”…
***
Tác phẩm Mưa nắng Đồng nai ra đời đã góp một phần trong tiến trình đổi mới. Dư luận trong và ngoài nước hết sức hoan nghênh. Bác sĩ Bùi Minh Đức Hội viên hội Giáo sư Đại học Hoa kỳ AAUP khi về nước đã vô cùng ngạc nhiên về tính thông thoáng thông tin môi trường của Việt nam. Ông đã gọi điện tới tác giả đề nghị được dịch tác phẩm ra tiếng Anh và tiếng Đức để đưa ra Liên hiệp quốc thay đổi cách nhìn. Nhà sử học Đồng nai Yên Tri- Trọng Phú sau khi đọc kỷ đã có bài phân tích trên tạp chí Nhớ Huế số 31 “Nếu tôi là…”( trang146-149): ... “Nếu tôi là Giám đốc sở Tài nguyên môi trường Đồng nai thì Võ Nguyện sẽ được tặng một giải nhất về đề tài bảo vệ môi trường…Nếu tôi là Giám đốc sở Giáo Dục Đào tạo tôi sẽ ghi vào tấm bia hoa cương đỏ gắn ở trường Hiếu liêm tên anh cùng những nhà báo nhà đài đã có công lên tiếng đòi cho trẻ thơ Hiếu Liêm ngôi trường…”
Tóm lại, tác phẩm Mưa nắng Đồng Nai là tác phẩm tốt, không những về lượng thông tin mà còn có tính văn học nghệ thuật xuất sắc. Nó cũng xứng đáng là biên niên sử của Đồng Nai sau này. Dư luận cho rằng tác phẩm sẽ được giải Trịnh Hoài Đức (5 năm một lần),là lẽ đương nhiên. Chúng ta tôn vinh tác phẩm cũng chính là là góp phần bảo vệ môi trường của chúng ta vậy.
                                                                          NGUYỄN XUÂN BẢO


174. Nhớ nhà thơ trào phúng Võ Nguyện

174.NHỚ NHÀ THƠ TRÀO PHÚNG VÕ NGUYỆN.

       Viết kỷ niệm ngày Giỗ lần thứ 3 của Võ Nguyện (07/12/2013-07/12/2016)

Võ Nguyện là bút danh chính thống. Ngoài ra còn có nhiều bút danh khác như  Cá ngạnh,Lê Thị Cá Ngạnh, Dã Quỳ…Nhưng nổi bật nhất là bút danh Tú Thịt Hộp. Và càng đình đám hơn là cái blog Vanbienhoa mà Võ Nguyện là chủ với cái tên khá hiện đại: Tú Thịt Hộp. 
Nhà thơ trào phúng Võ Nguyện sinh năm 1957 tại làng Văn Xá, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông đã có các tác phẩm được in. Đó là Một và Hai (Thơ), Mưa nắng Đồng Nai (), Tình Huế với Đồng Nai ( Sách văn xuôithơ và tản văn, đồng chủ biên với nhà thơ Xuân Bảo), Trấn Biên thi tuyển (Thơ Đường luật, Đồng chủ biên với nhà thơ Xuân Bảo). Trời Nam Thương Nhớ (Thơ nhiều tác giả. Đồng chủ biên với nhà thơ Xuân Bảo), Bưởi Biên Hòa (Thơ luật Đường). 
Và những tác phẩm đã hoàn chỉnh bản thảo nhưng chưa có điều kiện in. Đó là Lòng quê (Thơ), Đất rang (Tập truyện ngắn), Cách phá Tam Giang (Truyện dài), Thâu tóm và chuyển giao quyền lực của vua chúa Việt Nam (Ký lịch sử).
Nhà thơ Võ Nguyện ra đi khi tuổi đời sắp trọn một hoa giáp. Ông bị đột quỵ lúc o giờ 55 phút khuya ngày 7 tháng 12 năm 2013, khi ông vừa viết xong tác phẩm Con lừa và bầy cừu. Tác phẩm cuối cùng của blog vanbienhoa. Lúc sinh thời, nhà thơ muốn nay mai khi có thời cơ thuận lợi sẽ cho xuất bản toàn bộ các tác phẩm đã poste lên mạng vanbienhoa, để ghi lại một thời không lấy gì làm vui của Hội VHNT Đồng Nai.


Hôm nay kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 3 của Võ Nguyện,( 07/12/2013 – 07/12/2016) tôi xin mạn phép nhà thơ – một người em, người bạn vong niên –  đưa lên Fb một bài viết của tôi giới thiệu tập thơ Bưởi Biên Hòa (thơ Đường) của Võ Nguyện. Tôi coi đây là nén hương thắp cho nhà thơ.

THƠ VÕ NGUYỆN, CHUYỆN XUÂN HƯƠNG

   (Cảm nghĩ của người Biên Trấn. Bài viết cho lần xuất bản đầu tiên tập thơ Bưởi Biên Hòa của Võ Nguyện. Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn- năm 2012)

                   Thơ luật Đường du nhập vào Việt Nam khá lâu, sau này dù đã Việt hóa bằng chữ Nôm nhưng vẫn là một thể thơ trang trọng.Tuyết-Nguyệt-Phong-Hoa kinh điển.
          Đến cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 xuất hiện một hiện tượng văn học lạ: Thơ Hồ Xuân Hương
        Chỉ với khoảng 50 bài thơ được lưu truyền, nhưng đó lại là môt di sản vô cùng quý báu của văn học cổ điển Việt Nam. Hồ Xuân Hương xứng đáng được hậu thế phong tặng danh hiệu: Bà Chúa Thơ Nôm.
        Bà Chúa Thơ Nôm đã vô cùng táo bạo và độc đáo – khi đầu tiên – dùng những hình ảnh phồn thực dân dã, kể cả chuyện riêng tư của mình  để đả kích châm biếm những thói hư tật xấu của xã hội. Thơ Bà thường có hai nghĩa, nghĩa nổi và nghĩa chìm theo kiểu đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục của dân gian. Trước đây nhiều người cho thơ Hồ Xuân Hương là “dâm thi”, chỉ gây cười.Nhưng rồi dần dần người ta mới hiểu ra “nghĩa chìm” và thấy Hồ nữ sĩ là nhà thơ tiên phong đổi mới nội dung thơ Đường. Rõ ràng thơ Hồ Xuân Hương vừa có tính trữ tình vừa có tính châm biếm phê phán sâu sắc. Bà đã xắn váy quai cồng lội qua chỗ các vị đại diện cho một trật tự xóm làng, trật tự xã hội đang ngồi và phán truyền những lời giáo huấn sáo rỗng, giả nhân giả nghĩa và lừa lọc.

                                                        ***
        Những năm cuối thế kỷ 20, thơ luật Đường sống lại và trỗi dậy. Hàng ngàn tác giả thơ luật Đường xuất hiện, trong đó có vài người làm theo giọng điệu của Hồ nữ sĩ. Võ Nguyện là một trong số đã đi theo lối thơ Hồ Xuân Hương. Võ Nguyện là một trong những nhà thơ ít ỏi đó.
        Tập thơ luật Đường Bưởi Biên Hòa, Võ Nguyện đã sử dụng hình ảnh phồn thực của những Đá Chồng, Cồn Hến, Cái Vồn, Bưởi Biên Hòa…để nói lên cảm nhận về quê hương xinh đẹp và những vấn đề của nó trong xã hội hiện thời. Đặc biệt phần “nghĩa nổi” và “nghĩa chìm” lại hòa quyện bổ sung cho nhau rất đa dạng, bất ngờ và thú vị. Một ví dụ nhỏ là vấn đề quy hoạch treo, ai cũng sợ:

        Cồn Hến của em nép dưới hà
        Lạy ông quy hoạch hãy rời xa.../
(Đừng quy Cồn Hến)
Hay ở một bài khác:
        Xin hỏi ai quy hoạch Cái Vồn
        Mà nay hoang phế cái lò tôn?/
(Đập Cái Vồn)

        Thật nực cười cho cái quy hoạch lung tung theo tùy hứng phong trào. Đến nỗi “chỗ ấy” cũng không tha, gây ra không biết bao nhiêu chuyện oái oăm ta thán và mong mỏi:
        Ai người xả cảng cho thông nước
        Để ứ lâu ngày chịu nổi hôn?
        Đến nỗi có lúc cô gái Huế vốn dịu dàng thùy mị mà cũng phải chỉ tay vào “cồn hến của em” mà la lên:
        “Sơn hà cẩm tú”…dành anh đó
        Nỏ biết yêu thì hãy tránh ra./
(Cồn Hến)
          Một đặc tính rất mở của thơ Đường là xướng họa. Đặc tính này đã cho phép độc giả “giao lưu trực tuyến”, bày tỏ chính kiến với tác giả, hết sức bình đẳng. Bưởi Biên Hòa đã dành trang để đăng phần họa thơ làm cho tác phẩm vô cùng phong phú. Hầu như bài nào cũng có người họa mà họa lại thường có ý tưởng trái chiều. Trong bài Đá Chồng, tác giả chỉ nhắc nhở việc bỏ phí danh lam thắng cảnh:

          Nha Trang hòn ấy làm du lịch
          Thu được bộn tiền có biết không?

Thì ngay tức khắc nhiều người lên tiếng. Hạnh Phương ở Đồng Nai “đóng vai bảo thủ”:
          Nha Trang có biển, so chi rứa
          Thủ phận Đồng Nai có khỏe không?

          Nguyễn Hữu Cần thì mỉa mai:

          Thời nay hốt bạc nhờ trò ấy
          Dựng đá tạo hình bán sướng không?
          .
          Nguyễn Văn Thâu và Lý Thế Bằng thì đồng tình:

          Trần gian cảnh ấy ai không thích
          Quý khách bỏ tiền chẳng mất không
Sầm Sơn  chưa ngắm đời thua thiệt
Dẫu cổ đầy vàng thế cũng không!

Còn Kiều Văn Phẩm thì thật thà phân vân:

Du khách tham quan thường thắc mắc
Tích xưa huyền thoại có hay không?

Và Xuân Bảo thì lo lắng:

Nữ sĩ Xuân Hương mà sống lại
Khối tình cọ mãi có mòn không?

Hay chỉ là hình ảnh “chiếc xe cũ” mà lại nhiều ý kiến khác nhau. Hạnh Phương yên tâm nhưng hơi quá đáng:

Mép đường dựng tạm không lo lắng
Góc chợ quẳng bừa chẳng ngai e.

Huỳnh Tấn Cường lại thú thật lòng mình mà không nói ra thì không ai biết:

Nghĩ mình phận hẩm chơi xe cũ
Giấu diếm chi rồi nhớt cũng le

Nguyễn Văn Thâu thì vẫn chung thủy để còn:

          Cao hứng trèo lên khum cẳng đạp
          Tàn hơi tụt xuống bỏ tay đè

Thanh Trúc thì có vẻ già kinh nghiệm đã lên tiếng cảnh báo:

          Bảo dưỡng định kỳ máy khó rè
          Ngày đêm xả láng ắt hư xe

Và Lý Thế Bằng thì xứng đáng là tay thợ sửa chữa biết tiếp thị để thu hút khách hàng:

          Máy cũ về ta chắc hết rè
          Xoa mông nắn yếm đại tu xe

Và còn nhiều nữa, nhưng xin để độc giả tự khám phá những điều lý thú.

                                                ***
          Nói tóm lại Bưởi Biên Hòa đã góp phần làm cho mảnh đất Đồng Nai cây lành trái ngọt trở nên thêm nổi tiếng. Đó phải chăng là phần nghĩa chìm trong thơ Võ Nguyện viết theo lối Hồ Xuân Hương mà tác giả không nói ra.
          “Thơ Võ Nguyện, chuyện Xuân Hương” là rất có tác dụng.

                                                                             Nhà thơ Xuân Bảo
(Bên bờ Phước Long Giang những ngày cuối năm 2016)