Trang

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

142.Một mũi chủ công tiến công Sài Gòn

142.MỘT MŨI CHỦ CÔNG TIẾN CÔNG VỀ SÀI GÒN

Xuân Bảo

Mãi mãi ngày 30 – 4 – 1975 đi vào lịch sử Việt Nam như một bài ca hào hùng bất tử. Chẳng có nơi nào trên trái đất này lại có một cuộc chiến kéo dài đến 30 năm, hết chống Pháp lại đuổi Mỹ. Đúng như lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Đánh cho Mỹ cút ngụy nhào/Bắc Nam sum họp  xuân nào vui hơn!
Mỹ cút và ngụy nhào đúng vào ngày cuối xuân năm Ất Mão.


                                                          1

Chiều 28 – 4 trong phòng Vàng (Dinh Độc lập), một cuộc lễ chuyển giao chức vụ  tổng thống của Trần Văn Hương (tổng thống một tuần lễ) cho Dương Văn Minh. Trước đó Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngày 21 -4 khi “cánh cửa thép đông bắc Sài Gòn” bị Quân giải phóng phá toang và Xuân Lộc – Long Khánh đã về tay cách mạng. Ngày này cũng là ngày chuẩn tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh sư 18 của ngụy được đề bạt lên thiếu tướng (qua lệnh điện thoại của tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên) để tử thủ Xuân Lộc.
 Hương chống ba-toong lê những bước chân mệt mỏi đến bục diễn đàn và nói như mếu. Minh thì ủ rũ như gà toi. Vừa dứt lời, Minh xây xẩm mặt mày khi nghe ngoài trời sấm dậy vang trời, chớp giật loằng ngoằng và có vái tiếng sét rất to. Trời Sài Gòn đổ mưa. Cơn mưa đầu mùa, báo hiệu điềm xấu cho ngụy Sài Gòn.
42 giờ sau khi Minh nhậm chức  (tổng thống 42 giờ), một trong năm cánh quân bộ đội ta khép lại vòng vây như những chiếc kìm sắt chẹn họng Quân lực cọng hòa (mà báo chí phương Tây gọi một cách văn hoa là năm cánh sen tiến về giải phóng Thành đô).
 Mũi đông bắc do Quân đoàn 2 phụ trách. 12 giờ ngày 29-4 quân ta đã chiếm gọn Căn cứ Nước Trong, Long Thành. Bọn địch vẫn ngoan cố chống cự nhưng rồi cuối cùng cũng phải tháo chạy trước sức mạnh vũ bão của quân giải phóng.
 Một đội xe tăng T54 có 7 chiếc, mang các số hiệu 843,872,380,389, 390,918,988. Đây là mũi nhọn đột kích rất sắc, đâm thẳng vào hang ổ đầu não cuối cùng của quân ngụy và chính quyền Sài Gòn.
Chiếc xe tăng T54 mang số 843 do đại đội trưởng C4, D4 thuộc Lữ đoàn xe tăng 203  Bùi Quang Thận chỉ huy là chiếc đầu tiên xông  vào cổng dinh Độc lập.
Đây có thể nói là giây phút thiêng liêng nhất của những người con chân trần chí thép, mang tất cả niềm tin và lòng căm thù của các chiến sĩ xe tăng – những người lính của “Bộ đội Cụ Hồ”tiến thẳng vào dinh lũy cuối cùng của chế độ Sài Gòn. Cách cổng khoảng một trăm mét,cổng đóng, Thận ra lệnh cho lái xe Lữ Văn Hỏa: Tăng tốc độ, không dừng lại,cứ húc cổng mà vào! Vướng vào trụ sắt xe lùi lại một chút  rồi húc thẳng vào cổng.Cổng sập,Thận ra lệnh cho pháo thủ Thái Bá Minh: Khoan bắn, sẵn sàng. Nó chống cự thì bắn ngay! Ngay lúc đó chiếc T54 mang số 390 của đồng chí  Toàn, chính trị viên C4 cũng vào cổng bên phải. Chiếc xe này do Nguyễn Văn Tập lái, xạ thủ pháo là Ngô Sĩ Nguyên.
Thận tháo ăng-ten cắm cờ băng qua bãi cỏ chạy bộ vào dinh. Anh hỏi những người đang đứng lố nhố ở bậc thềm:Lên nóc cắm cờ đi lối nào? Họ chỉ cầu thang lên tầng hai. Thận gặp chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh và nói: Quân Giải phóng đây. Lên cột cờ đi đường nào? Hạnh gọi Vũ Quang Chiêm, chánh văn phòng tổng thống ngụy và bảo Chiêm đưa Thận vào thang máy. Cán cờ bằng cần ăng-ten dài quá, Thận phải uốn cong lại mới vào được. Cửa thang máy khép lại. Chiêm bấm nút. Đến nơi, thang máy mở cửa,Thận chạy ra sân thượng. Lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn còn đó.Cờ ngụy có nẹp vải trắng với hàng chục nút dây thép buộc vào dây kéo cờ.Để cho nhanh, Thận không tháo các nút buộc mà xé phăng lá cờ ngụy ra, vứt xuống sàn. Thận tháo lá cờ của quân ta ra khỏi cần ăng-ten và buộc vào dây, kéo cờ lên cao.Sau lá cờ của Thận là hàng chục lá cờ khác của các quân đoàn, sư đoàn, các lữ đoàn, trung đoàn bạn. Cờ được cắm thêm bên cạnh lá cờ đầu tiên của Thận ở ban công tầng hai.Cờ các đơn vị bạn được buộc vào cần tre và cắm vào bất kỳ nơi nào trong dinh: cắm ở cổng, cắm ở hàng rào sắt. Khuôn viên dinh Độc lập rực lên màu cờ xanh đỏ sao vàng và cả màu cờ Tổ quốc Việt Nam anh hùng.
Trời tạnh mưa. Nắng vàng trải khắp Sài Gòn – thành phố mang tên Bác Hồ - rực rỡ cờ hoa va tràn ngập nụ cười!

                                                          2

 Đơn vị bộ binh đầu tiên vào chiếm lĩnh dinh tổng thống ngụy là tiểu đoàn 7,trung đoàn 66, sư đoàn 304 thuộc Quân đoàn 2.Và chúng ta không quên chiến công đánh chiếm dinh Độc lập ngụy  của sư đoàn 367 bộ đội Đặc công mà người chỉ huy dũng cảm là anh hùng Tống Viết Dương. Đây là những phút giây lịch sử của anh hùng Tống Viết Dương trong khoảnh khắc đáng nhớ của ngày Đại thắng 30 Tháng Tư năm 1975.
 Trong tình hình nước sôi lửa bỏng của chiến dịch Hồ Chí Minh, Tống Viết Dương không may phải đi quân y viện để mổ bướu cổ. Từ đầu tháng 3 đến ngày 9 tháng 4 năm 1975 là thời gian mà Đoàn trưởng Đoàn 116 dặc công Tống Viết Dương bồn chồn, nóng ruột hơn lúc nào hết. Đại quân ta tiến về Nam như thế chẻ tre mà mình lại phải nằm một chỗ! Anh Ba Trần (Trần Văn Danh) đích thân cho xe đón Tống Viết Dương về Bộ Tham mưu Miền. Nhìn Dương còn quấn băng , người xanh xao do mất máu và sức còn quá yếu, anh Ba Trần hỏi: Bộ Tư lệnh giao cho đồng chí chỉ huy trưởng cánh Đông Sài Gòn, chuẩn bị vào sào huyệt cuối cùng của Mỹ ngụy, liệu anh có làm nổi không? Tống Viết Dương đáp: Tôi xin hoàn thành nhiệm vụ!
 Sáng ngày 10 tháng 4 năm 1975, nhóm 3 người gồm chỉ huy trưởng cánh Đông Sài Gòn Tống Viết Dương ( lực lượng này gồm 3 trung đoàn 113,  116 và 10 của sư đoàn 2, tiểu đoàn 81 Đoàn Z22, 23 của sư đoàn 316 và tiểu đoàn 4 của Thành đội đang ở Thủ Đức), một đồng chí quân y sĩ và  một đồng chí cần vụ chạy xe Honda từ Dầu Tiếng đến Cây Gáo, bên bờ sông Đồng Nai. Trong lúc chạy từng chặng quá mệt, phải dừng lại để truyền huyết thanh cho Dương rồi lại tiếp tục chạy xe. Đêm 11 tháng 4 năm 1975 vượt qua Quốc lộ I, sáng ngày 12 đến trung đoàn 116 đang đóng tại Bình Sơn, huyện Long Thành.
Sáu ngày sau, đồng chí cùng đơn vị 367 vượt Quốc lộ 15 (nay là 51) qua khu vực Tam An, Tam Phước sát hạ lưu sông Đồng Nai. Đây là hướng chính cần phải đánh chiếm. Cánh này phối thuộc với Quân đoàn 2 của ta có nhiệm vụ chiếm giữ đầu cầu từ 1 đến 3 ngày để đại quân và xe tăng tiến vào phía trong. Ngày 26 tháng 4 năm 1975, Quân đoàn nổ súng chiếm được thị trấn Long Thành. Tối hôm đó, Trung đoàn 116 đánh chiếm khu vực Bến Gỗ và đầu cầu xa lộ Đồng Nai. Bến Gỗ được giải phóng. Trung đoàn 116 thu 80 súng các loại, bắt hàng chục tên địch, tiêu diệt 5 tên.
Mặc dù vết thương chưa khỏi hẳn, Tống Viết Dương vẫn kiên trì chỉ huy các lực lượng của mỉnh phối hợp tác chiến. 3 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 xe tăng lữ đoàn 203 của Quân đoàn 2 tới. Khi đã bắt được liên lạc, đến 6 giờ sáng Tống Viết Dương cho toàn bộ trung đoàn tiến về Sài Gòn, trừ đại đội 3 ở lại giữ cầu. Đồng chí lên xe tăng dẫn đường, đánh từng chặng một. Đến 11 giờ 15 phút chiếc xe tăng đi đầu đã húc đổ cổng sắt dinh Độc lập, Khi xe vào bãi cỏ, chiến sĩ xe tăng và chiến sĩ đặc công vác cờ chạy lên nóc dinh, vứt cờ ba que ngụy xuống, cắm cờ đỏ anh sao vàng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng  lên. Lúc này là 11 giờ 30 phút.Thời  khắc lịch sử đã ghi.
17 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, đồng chí Tống Viết Dương thu quân, tạm biệt đồng chí Tài lữ đoàn trưởng. đồng chí Minh chủ nhiệm chính trị,Lữ xe tăng 203, hành quân ngược về xa lộ Biên Hòa để làm nhiệm vụ quân quản.
Nhớ lại khi ngồi trong dinh Độc lập rồi mà vẫn như mơ. Tống Viết Dương sờ tay lên cổ, da non ở vết mổ đang kín dần.”
Xuân Bảo

Biên Hòa 28/4/2015

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

141.C.Bắc Hà ký sự (Phần 3)

141C.BẮC HÀ KÝ SỰ (Phần 3)  
                                                                                       Xuân Bảo
1.ĐƯỜNG VỀ ĐÔNG TRIẾU UÔNG BÍ.

Sáng chủ nhật, 8 tháng 3 chúng tôi thuê xe du lịch 7 chỗ đi thăm Non thiêng Yên Tử.Chuyến đi này có thêm Nguyễn Viết Thọ, người con thứ 6 của ông bà Tân Việt, em trai vợ tôi.Cậu Thọ được ông bà cho theo nghiệp nhà.Học hết phổ thông Thọ được vào học trường trung cấp ngành ăn uống của Sở Thương nghiệp Hà Nội, môn nấu nướng, tức là đầu bếp.Tốt nghiệp, Thọ được bố trí làm đầu bếp ở khách sạn Phú Gia.Và chẳng bao lâu Thọ trở thành đầu bếp giỏi, nhiều lần được cử đi nấu cho các hội nghị quan trọng của Trung ương và được bầu chọn đi dự Đại hội Thi đua của thành phố Hà Nội.Để tranh thủ thời gian, nhà tôi mua sẵn mấy gói xôi xéo đủ dùng điểm tâm cho tất cả những người trên xe. Xe xuất phát từ đầu Ô Quan Chưởng, chạy dọc theo phố Trần Nhật Duật.Đoạn lên cầu Chương Dương, đến đây tôi sực nhớ cái nhà tắm công cộng ở phố Chợ Gạo, thời Pháp thuộc và cả sau giải phóng thủ đô 10-10-1954 vẫn còn hoạt động.Mùa đông thì có thêm vòi nước nóng.Khách đến tắm rất đông nên phải xếp hàng thứ tự, có khi chờ cả tiếng đồng hồ mới đến lượt. Giá vé người lớn là 1 hào, vé trẻ em 5 xu.Nay cái nhà tắm này được thay thế bằng một ngôi nhà to đẹp, khang trang của một doanh nghiệp nào đó.
Xe qua giữa cầu, nhìn những thanh cầu to lớn kiểu “nồi đồng cối đá”, tôi hỏi kỹ sư Phạm Toàn: “Cậu có biết cái cầu này do nước nào viện trợ xây dựng không?” Toàn bảo không biết vì hồi đó còn nhỏ tuổi quá.Tôi bèn giải thích: Vật liệu làm cầu này là những thứ “đầu thừa đuôi thẹo” của cầu Thăng Long đấy.
Cầu Thăng Long được “anh Hai” Trung Quốc thực hiện từ năm 1974 cho tới năm 1977 thì bỏ dở. “Anh Cả” Liên Xô tiếp tục làm từ năm 1978.Ngày 9 tháng 5 năm 1985 thì khánh thành. Đây là chiếc cầu có thời gian thi công lâu nhất: 11 năm. Cầu được thiết kế na ná như cầu Trường Giang ở Trung Quốc.Vật liệu chủ yếu là thép và bê-tông. Cầu dài 3250 mét, 2 tầng, 25 nhịp cầu chính và 46 nhịp cầu dẫn, giàn thép.Tầng 1, ở giữa là đường xe lửa, nối từ ga Văn Điển sang ga Bắc Hồng dài 11 km.Hai bên là hai làn đường cho các loại xe thô sơ.Tầng 2 rộng 21 mét có 2 làn xe cho các loại xe ôtô, cơ giới và 2 làn cho khách bộ hành và khách tham quan.
Nguyễn Thúy Ngọc, con gái tôi khen: “Trí nhớ của Bố tốt thật đấy”! Còn Toàn thì nóng lòng muốn biết những thứ “đầu thừa đuôi thẹo” làm nên chiếc cầu chúng tôi đang đi. Tôi lại moi cái mémoire của tôi ra.Thời gian này tôi là cộng tác viên chính của báo Giao thông vận tải.Anh Ngô Đức Nguyên làm tổng biên tập và anh Bùi Hữu Tiếu – người Huế, bạn tôi làm phó tổng biên tập, phụ trách phía nam.
Cái chuyện “đầu thừa đuôi thẹo” là thế này: Anh Bùi Danh Lưu, tân thứ trưởng Bộ Giao thông –Vận tải và các đồng chí lãnh đạo Bộ lúc bấy giờ đã cố thuyết phục Chính phủ làm thêm cầu, bắc qua sông Hồng để giảm tải vì lúc này các loại phương tiện qua lại Hà Nội đã lên cao.Anh Lưu đã đứng ra chỉ đạo trực tiếp công trình này. Để có đủ sắt thép, anh cho thu gom thép của những cầu đường sắt do bom Mỹ phá hoại, chế sửa lại.Công trình cầu Chương Dương là niềm tự hào chính đáng của những kiến trúc sư, kỹ sư và công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công! Cầu được khởi công vào đúng ngày kỷ niệm Giải phóng thủ đô ,10 tháng 10 năm 1983 và đưa vào sử dụng ngày 30 tháng 6 năm 1985, vượt trước kế hoạch đúng 1 năm. Tự hào biết mấy! Sau này, giáo sư Bùi Danh Lưu thay anh Đào Đình Bình làm bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Xe qua cầu rẽ phải,theo đường đê Gia Lâm xưa, nay là con đường trải nhựa rộng thênh thang. Đến chân cầu Vĩnh Tuy thì rẽ trái băng qua Quốc lộ 5 và nhằm hướng Bắc Ninh thẳng tiến.Xe lên cầu Phù Đổng. Đây là chiếc cầu mới bắc qua sông Đuống, (sông Đuống tên chính là sông Thiên Đức), cách cầu Đuống cũ chừng hơn cây số. Chẳng mấy chốc xe chúng tôi qua thị xã Từ Sơn – nơi có làng Đình Bảng, quê hương phát tích của vua Lý Thái Tổ, mở đầu Triều Lý .Còn đó khu Đền Đô thờ Lý Bát đế. Những tên làng Đông Ngàn, Nội Duệ, Cầu Lim… một vùng dân ca quan họ nổi tiếng Kinh Bắc mà những năm tuổi trẻ tôi có dịp về dự Hội Lim và hát đúm, hát đối với các liền anh, liền chị trong những đêm trăng thanh gió mát.Xe qua thành phố Bắc Ninh, lượn vòng  xoay rẽ phải đi lên Quốc lộ 18.
 Quốc lộ 18 này được người dân mệnh danh là“con đường tai tiếng” từ cái đận PMU 18 ( PMU là từ viết tắt bắng tiếng Anh của Project Management Unit,dịch ra tiếng Việt là Đơn vị quản lý dự án)làm đình làm đám rút ruột công trình.
Nói “con đường tai tiếng” bởi vì rằng những năm 2005, 2006, thập kỷ thứ nhất, thế kỷ 21, những quan tham của PMU 18 như Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng và em gái Bùi Thị Hạnh cùng một lô một lốc dưới quyền đã tham ô công quỹ đến nổi phải vào nhà đá.Nguyễn Việt Tiến  sau này được trắng án. Chất lượng PMU 18 còn đó những hạng mục cọc tiêu làm bằng cốt tre và mặt đường giòn tan như cái bánh xốp?và vân vân…  Tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng (Dũng tổng) đã nướng hơn 1 triệu 800 nghìn đô-la Mỹ vào cá độ bóng đá!?

2.UÔNG BÍ-THÀNH PHỐ MỚI.

Khoảng 9 giờ sáng thì chúng tôi vào thành phố Uông Bí. Uông Bí là   thành phố  mới được nâng lên thành đô thị loại 2 với diện tích là 256 kilômet vuông, có số dân hơn 174 ngàn người, nằm dưới chân dãy núi Yên Tử và giáp sông Đá Bạc, cách thủ đô Hà Nội 130 km,cách Hải Phòng gần 30 km, và cách thành phố Hạ Long 45 km. Uông Bí có 3 con sông chính là sông Sinh, sông Tiên Yên và sông Uông.Những sông này chạy theo hướng bắc nam.Các điểm du lịch và văn hóa chính  Hang Son, Động Bảo Phúc, Núi Yên Tử, Khu di tích Yên Tử, Hồ Yên Trung, Lựng Xanh, Chùa Ba Vàng...Thành phố đã xây dựng nhà hát ở trung tâm.Uông Bí trở thành thành phố du lch trng điểm của Quảng Ninh.
Do thời gian có hạn nên chúng tôi chọn 2 nơi để tham quan. Trước hết là chùa Ba Vàng.Tôi hỏi mọi người trên xe: Vì sao lại gọi chùa có tên là Ba Vàng? Không ai trả lời được.Có một giả thuyết tưởng tượng là ở triền núi này có người nhặt được một lúc ba khối vàng to, sau đó trở thành đại gia giàu nhất Quảng Ninh?! Không chính xác.Chính xác là, theo thư tịch cổ thì được giải thích như sau:
Chùa Ba Vàng có tên cổ là Bảo Quang Tự (nghĩa là “ánh sáng quý”) được xây dựng vào năm Ất Dậu, (năm 1676). Chùa toạ lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, ở độ cao 340 mét so với mặt nước biển.Chùa nằm trên một vị trí rất đẹp ở phía tây thành phố Uông Bí, phía trước là sông, phía sau tựa lưng vào núi, hai bên là rừng thông xanh ngắt. Chùa Ba Vàng có mạch phong thủy bắt nguồn từ chùa Đồng (Yên Tử) với địa hình hạ đoạn tạo thành thế thanh long trùng điệp chầu về bên trái, bạch hổ hùng vĩ phục xuống bên   phải.
  
Đêm ở chùa Ba Vàng (Bảo Quang Tự)

Chùa Ba Vàng là sơn môn thuộc Trúc Lâm Yên Tử. Ngôi chùa ngày nay được khang trang, có chính điện tráng lệ nguy nga như hiện tại là đã trải qua 4 lần trùng tu, tôn tạo và gắn liền với nhiều câu chuyện kỳ lạ, khá huyền bí mang cả yếu tố tâm linh. Cách nay chỉ khoảng hơn 20 năm, trải qua thời gian và các cuộc chiến tranh tàn phá, chùa Bảo Quang chỉ còn là phế tích với một số di vật cổ bằng đá còn sót lại như: một số bia đá, rùa đá, chân cột và cây hương bằng đá trên có khắc 4 chữ “Thiên Bảo thạch trụ”.
Trước sự xuống cấp của ngôi cổ tự quý chính quyền và nhân dân địa phương đồng lòng tìm cách trùng tu, tôn tạo để gìn giữ giá trị của ngôi chùa. Lần thứ tư trùng tu, xây dựng di tích chùa Ba Vàng vào năm 2010 có quy mô, hiện đại, được chia ra làm nhiều giai đoạn.Lần này,Quảng Ninh với thành ý muốn xây dựng nơi đây làm trung tâm hoằng pháp của tỉnh; là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa Phật giáo nói chung và văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói riêng.Theo quy hoạch, công trình chùa được xây dựng trên diện tích khoảng 22,00 hecta, trong đó đất dành cho cây xanh cảnh quan chiếm hơn nửa.Tổng mức đầu tư của công trình khoảng 280 tỷ đồng. Nguồn vốn này có được nhờ quá trình huy động, đóng góp công đức của tăng ni, Phật tử, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm khắp nơi.
Chùa mới có đặc trưng của các ngôi chùa Bắc Bộ, gồm 3 gian bái đường, 1 gian hậu cung, gồm có các ban thờ Phật, thờ Mẫu và Đức Ông. Toà “Đại hùng bảo điện” (chùa chính) có quy mô nhất với kiến trúc 2 tầng. Chùa Ba Vàng có nơi thờ Tam bảo và trống độc mộc được công nhận là lớn nhất Việt Nam. Hệ thống tượng pháp trong chùa làm bằng gỗ có cũng có kích thước lớn như tượng Tam thế, Quan âm, ông Thiện, ông Ác… đều cao từ trên 2m trở lên.Trong đó, pho tượng A Di Đà là một trong những tượng Phật bằng gỗ vào loại lớn nhất miền Bắc.
Kế tiếp chùa chính là các công trình như khu giảng đạo, trai phòng, thư viện, lầu chuông… được thiết kế hài hoà, liên hoàn, tạo thuận lợi cho các nhà sư hành đạo cũng như Phật tử đến chùa lễ Phật.Trước cổng chùa có xây một ngôi chùa có tên là chùa Một cột. Đây là phiên bản giống hệt chùa Diên Hựu ở Ba Đình Hà Nội.
Trong chùa còn có một giếng cổ nước không bao giờ cạn. Tương truyền, ai mà uống được nước lấy từ giếng sẽ khỏe mạnh và khỏi bách bệnh. Bởi vậy, nhiều Phật tử, du khách thập phương tới đây đều muốn được uống nước lấy từ giếng lên.
Du khách, Phật tử dù chỉ một lần chiêm bái chùa Ba Vàng sẽ được đắm chìm trong khung cảnh nên thơ, trữ tình mà vẫn cảm nhận được không khí linh thiêng của chốn đạo thiền nhà Phật. Đây không chỉ là nơi để tu tập cho những người đến để học Phật, hiểu Phật và tu Phật, chùa Ba Vàng còn hội đủ các yếu tố của một điểm du lịch sinh thái, văn hoá -lịch sử và là điểm đến của tăng ni, Phật tử, khách thập phương trong và ngoài nước.
                                                ***
Cả buổi sáng trời nắng nhẹ.Từ trên cao có thể nhìn suốt ra biển.Biển Hạ Long đẹp lắm. Cả nhà ghé vào dùng bữa trưa ở một quán ăn. Chẳng hiểu vì lý do gì mà nơi đây, hầu hết những tên quán đều dùng biển hiệu là Phở Nam Định? Trong đầu tôi lại hiển hiện cái sự phát tích của nhà Trần.

3.ĐÔNG TRIỀU-TRIỀU ĐÌNH PHÍA ĐÔNG.

Ở Đông Triều, Quảng Ninh hiện có quần thể khu di tích nhà Trẩn thuộc địa bàn các xã An Sinh,Bình Khê,Thủy An và Tràng An.An Sinh vốn là quê gốc của nhà Trần trước khi dời đến Thái Bình và Nam Định.Ở đây có 14 cụm di tích là đền An Sinh, đền Thái, lăng Tư Phúc, Ngải Sơn Lăng, Thái Lăng, Mục Lăng, Phụ Sơn Lăng, Nguyên Lăng, Đồng Hỷ Lăng,chùa Ngọc Thanh, chùa Ngọa Vân, chùa Tuyết, chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên.
Bộ máy nhà nước Đại Việt lúc bấy giờ đặt ở 3 nơi: Thăng Long là kinh đô chính.Kinh đô chính trị thứ 2 đặt tại Phủ Thiên Trường là nơi Thái Thượng hoàng giám sát vua và cùng điều hành đất nước.Thứ 3 là Đông Triều, nơi hiện nay có khu lăng mộ các vua nhà Trần, Trung tâm văn hóa tiêu biểu của nước Đại Việt thời bấy giờ.
Đông Triều có hệ thống di tích chùa tháp, đền đài, lăng mộ dày đặc, góp phần phát triển Tông phái Trúc Lâm.Phái Trúc Lâm đã hình thành tuyến Phật giáo chủ đạo từ Thăng Long tới Yên Tử mà chùa Quỳnh Lâm là cơ sở chính.Cũng chính nơi này – nơi được coi là Triều đình phía đông của nhà Trần – khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con Trần Anh Tông để xuất gia tu hành.Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo đặc trưng của nước Đại Việt.Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử với vị Tổ thứ nhất là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) , Trong 19 năm tu hành nơi đây đã soạn ra bộ sách Thạch Thất Mỵ Ngữ  và cho xây dựng 800 ngôi chùa, am, tháp lớn nhỏ trên toàn quốc với hàng nghìn pho tượng có giá trị.Sau khi Ngài viên tịch, người kế tục là Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284-1330). Tổ thứ ba là Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254-1334).
 Trần Nhân Tông là vị vua sáng lập ra dòng Việt Phật Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài là vị vua Phật đầu tiên ở thế gian với tôn hiệu “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”.
                                                ***
Nhà Trần tồn tại được 175 năm (1225-1400) qua 13 đời vua, 8 thế hệ.Nhà Trần có rất nhiều ông vua là nhà thơ lớn của nước Đại Việt.Có thể nói, sau nhà Lý là nhà Trần đã làm rạng rỡ cho nền thi ca nước ta.Ngày nay, khi nói đến thơ văn thì người ta thường nhắc đến Thơ Văn Lý Trần là như vậy.Hịch tướng sĩ (Dụ chư tỳ tướng hịch văn) của Trần Hưng Đạo là bản “thiên cổ hùng văn” có thể coi là giai đoạn mở đầu cho dòng văn học này.Tiết chế quốc công Trần Quốc Tuấn-Trần Hưng Đạo là một danh nhân kiệt xuất của Việt Nam,đồng thời là danh nhân cổ kim của nhân loại.Ngài đã được Hội đồng các nhà bác học và quân sự thế giới do Hoàng gia Anh chủ trì đã công nhận là 1 trong 10 đại nguyên soái - tướng tài của nhân loại.Đây là một vương triều lừng lẫy chiến công: ba lần chiến thắng Nguyên – Mông. Sau khi quét sạch lũ giặc ra khỏi bờ cõi, ngày 18 tháng 4 năm 1288, hai vị vua anh minh: Thái thượng hoàngTrần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã đưa số tù binh, trong đó có những tên trùm sỏ Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ…về Phủ Long Hưng ở Thái Bình làm lễ “hiến phù”, mừng dâng chiến thắng lên vua Trần Thái Tông.Tại buổi lễ long trọng này, vua Trần Nhân Tông đã đọc hai câu thơ hào sảng nói lên hào khí Đông A mà cho đến nay, chúng ta vẫn luôn luôn cảm thấy hết sức tự hào:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
Dịch ra quốc âm:
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.
Hai câu thơ đã nói lên ý chí gang thép của quân dân Đại Việt kiên quyết giữ vững nền độc lập cho nước Việt thân yêu.
                                                          ***

4.THĂM NON THIÊNG YÊN TỬ
.
Trời bắt đầu mưa.Trời nồm gió bấc mưa phùn.Nhiệt độ trung bình 25,26 độ, không lạnh nhưng cảm thấy nhớp nháp khó chịu vì độ ẩm cao.Cậu Thọ là người đã nhiều lần về Yên Tử cho nên làm người dẫn đường tốt.Xe chúng tôi chạy ngược từ trong thành phố Uông Bí trở lại một quảng trên Quốc lộ 18A, đến ngã ba chùa Bí Thượng, rẽ tay phải,đi qua chùa Suối Tắm, chùa Cẩm Thực. Đến ngã ba đường ra Vàng Danh đã thấy phía tay phải trụ sở Ủy ban xã Thượng Yên Công.Tuy là một cơ quan hành chính cấp xã nhưng trụ sở được xây dựng khá khang trang.Đi một đoạn nữa thì gặp chùa Lân (Trúc Lâm Thiền Viện) rồi đến Bến xe trung tâm, người ở đây thường gọi là bến xe Giải Oan.Phía tay trái là trụ sở Ban Quản lý Yên Tử.
Khách đến đây có thể lên chùa Đồng bằng hai cách.Cách thứ nhất khi chưa có cáp treo là đi bộ.Hiện nay vẫn giữ lối đi bộ này nếu du khách muốn.Chặng đường này dài khoảng 6 cây số, len lỏi qua bạt ngàn cây cối, dưới tán rừng trúc, rừng thông với hàng ngàn bậc đá.Điểm gặp đầu tiên là chùa Giải Oan. Vì sao nơi đây lại là chùa Giải Oan và có cả suối Giải Oan.Bắc qua suối là một chiếc cầu bằng đá xanh, dài khoảng 10 mét,cấu trúc bình dị nhưng cũng toát lên vẻ đẹp cổ kính, vững chãi.Có một truyền thuyết: vua Trần Nhân Tông có rất nhiều cung tần mỹ nữ.Họ đã khuyên vua không nên từ bỏ cõi trần (để đi tu).Vua không nghe nên họ đến nơi này gieo mình xuống suối tự vẫn.Vua thương cảm cho xây một ngôi chùa siêu độ để giải oan cho các cung tần.Chùa, suối cho đến bến xe cũng mang tên Giải Oan là như vậy.Qua khỏi chùa Giải Oan, theo đường tung gặp ngay Tháp Tổ.Và cứ thế ta bước vào khu vực chùa Hoa Yên.Nơi đây, chung quanh chùa có 6 ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông.Hai bên tháp mộ này là tháp mộ sư Pháp Loa và sư Huyền Quang.Chùa Hoa Yên còn có những tên gọi khác là chùa Cả, chùa Phù Vân, chùa Vân Yên. Nhạc sĩ Phú Quang viết ca khúc “Trên đỉnh Phù Vân” chính là nói về nơi đây.Chùa có hàng tùng cổ được cho là vua Trần Nhân Tông trồng khi lên đây tu hành.Đi tiếp du khách được trông thấy ngôi chùa có tên là chùa Một Mái.Tiếp đến là chùa Bảo Sái phía bên phải và chùa Vân Tiêu phía bên trái. Đi tiếp nữa ta sẽ gặp tượng đá An Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn Cờ Tiên.Tột cùng là Chùa Đồng.Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử, khởi dựng vào thời Hậu Lê với tên gọi là Thiên Trúc Tự. Đầu năm 2007, chùa mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất, cao 3 mét, rộng 16 mét, nặng 60 tấn.
Để rút ngắn lộ trình,Quảng Ninh đã đầu tư hai nhà ga cáp treo.Ga thứ nhất từ chùa Trình lên gần thác Ngự Đội rồi theo các bậc đá lên chùa Hoa Yên.Sau đó lại tiếp tục leo núi qua ga cáp treo thứ hai lên chùa Vân Tiêu rồi đi bộ lên đỉnh Yên Tử (Chùa Đồng)
Con đường thứ hai là đi cáp treo.Chúng tôi vào quày mua vé tham quan và vé đi cáp treo. Cô bán vé hỏi: Hai bác được bao nhiêu tuổi? Tôi và nhà tôi xuất trình Thẻ hội viên Hội Người cao tuổi Việt Nam.Thẻ ghi tôi 81 tuổi và nhà tôi 75 tuổi. Cô bán vé nói: Hai bác được miễn phí.Vé có mệnh giá là 140 nghìn đồng.Từ quày vé vào sân ga cáp treo 1 có thể đi bộ và cũng có thể đi bằng ôtô chạy điện. Mỗi xe chở được 10 người.Gíá vé là 10 nghìn đồng.Tôi hỏi một người lái xe.Xe điện này giá bao nhiêu? Trả lời: -300 triệu đồng. Trong bao lâu thì thu hồi được vốn?-Một mùa lễ hội Yên Tử.Lễ hội được mở từ ngày 10 tháng Giêng (Âm lịch) và kéo dài đến hết tháng Ba.Tuy nhiên, trong suốt cả năm,khách hành hương về Yên Tử không lúc nào ngớt.
Tôi đi lên nơi có đặt cái chuông đồng lớn. Chuông lớn phải dùng dùi lớn buộc dây thúc vào thành chuông.Tôi gióng ba tiếng.Bù…rù rù ù ù…ngân vang rất xa.Tất cả chúng tôi có 6 người vừa đủ cho một chuyến cáp treo. Ca-bin cáp mỗi lần chở đúng 6 người.Ngồi trong ca-bin nhìn ra ngoài chỉ thấy tuyền một màu xanh cây rừng.Một vùng Hòn Ngọc chìm trong mưa bay.Thoáng chốc đã tới bến đỗ.Đoạn cáp treo này dài 1200 mét.Mọi người xuống đi bộ qua chùa Hoa Yên. Chùa Hoa Yên nằm ở độ cao 543 mét so với mực nước biển.Lại len lỏi theo những bậc đá đã được Ban Quản lý chỉnh trang cho dễ đi.
                                                          ***
Lên đến đây, trong vời vợi núi non Yên Tử tôi sực nhớ cuộc hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” do Tạp chí Nhà văn – Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào ngày 8/8/2012.Một cuộc hội thảo gây không ít dư luận xấu trên thi đàn.
Trong Lời đề dẫn, nhà thơ Hữu Việt đã có những câu có cánh: Yên Từ là một địa chỉ tâm linh quá lớn, một vùng đất thiêng, mà từ lâu đã trở thành miền hành hương của hàng triệu người Việt vào tất cả các mùa trong năm, đặc biệt là vào mùa xuân.Mang trong lòng mình cả thực thuyết lẫn truyền thuyết.Yên Tử quyến rũ không chỉ bởi mây biếc non bồng mà còn chinh phục khách hành hương bằng hào khí của một vương triều quật cường và trí tuệ, nhân văn và kiêu hãnh; nơi một vị vua anh minh đã khai mở thiền phái riêng của người Việt, mang tên Rừng trúc (Trúc Lâm) được ví như cốt cách của người quân tử bao phủ khắp núi non Yên Tử!
 Cách đây đúng 15 năm, có một người đầu tiên đến Yên Tử, đã bất ngờ được Yên Tử “khai tâm”.(Nếu không được non thiêng Yên Tử “khai tâm” thì làm sao một đêm làm được những hàng trăm bài thơ?!.NV).Đó là Hoàng Quang Thuận…Với những ngẫu nhiên lạ lùng mang hơi hướng tâm linh giữa mênh mang Yên Tử,chỉ trong vòng 3 ngày đêm lưu lại ở vùng non thiêng,anh đã viết một mạch 63 bài thơ (?) in thành tập “Thi vân Yên Tử”.Sau đó 3 năm , Hoàng Quang Thuận công bố tiếp “Ngọa vân Yên Tử” với 80 bài…Đến năm 2010,hai tập này được gộp chung thành Thi Vân Yên Tử có 163 bài tất cả. Theo DKA, cùng năm ấy (2010) Hoàng Quang Thuận in tập thơ mới Hoa Lư thi tập, gồm 121 bài.Trong đúng một đêm, như có ai đọc cho Hoàng Quang Thuận nghe và anh chỉ việc chép lại lời thì thầm đó.???Có 72 phép thần thông như Tôn Ngộ Không cũng không thể nào chép ra giấy từ 12 giờ khuya đến 4 giờ sáng được 121 bài thơ.Tính ra cứ 2 phút thì chép được 1 bài.Một sự ngạo nghễ khinh mạn bạn đọc hết chỗ nói!!!
.Trong 21 bản tham luận, có những lời lẽ vượt quá lời bình thơ. Đây là lời bình của DKA: “Những câu thơ hay đến lạnh người, trong tôi bỗng ngân lên:…Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc/Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm/Tiếng sáo thiền ca vui bất tận/Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng…” Giáo sư Hoàng Quang Thuận được sự cổ vũ của bạn bè đã gửi 2 tập thơ này tự ứng cử tham dự xét giải Nobel văn học năm 2012. Hội đồng Hoàng gia Thụy Điển Nobel xét thế nào mà giải lại thuộc về nhà văn Mạc Ngôn?
Mà thôi! Xin miễn bàn về nhà thơ HQT để khỏi mất hứng viết cái Bắc Hà ký sự này.
                                                ***
Sang ga cáp treo thứ hai.Cáp treo này dài 860 mét.Trời bắt đầu mưa nặng hạt.Đường trơn, dễ trượt chân.Tôi nhặt chiếc gậy trúc bên đường.Tới ga thì phải nộp gậy lại.Lên tới bến đỗ lại phải đi bộ một quãng nữa mới lên được Tượng đá An Kỳ Sinh.Do thấm mệt nên tôi ngồi lại quán ăn và mua một lon bia Hà Nội (giá 30 nghìn đồng/lon) và một thỏi xúc xích 20 nghìn đồng để lấy lại sức.Nhà tôi và cậu Thọ, Ngọc và Toàn cùng cháu Hà tiếp tục đi lên chùa Đồng.
Thế rồi, có một cặp tình nhân còn rất trẻ dìu tôi qua những bậc đá lên tiếp.Tại nơi này tôi nhờ cháu trai chụp cho bức ảnh.Vì trời mưa và mây mù dày đặc nên không thấy rõ tượng.Bức tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông được khởi công đúc và khánh thành từ năm 2010.Tượng được đặt trên bệ làm bằng bê-tông cốt thép, ốp đá điêu khắc.Thân tượng đồng cao 9,9 mét.Đài sen cao hơn 2 mét, được dựng trên khu đất rộng 2200 mét vuông gồm các công trình sân hành lễ, sân tập kết, không gian tượng An Kỳ Sinh…
Còn dăm chục bậc đá nữa thì tới chùa Đồng. Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử ở độ cao 1068 mét, khởi dựng vào thời Hậu Lê với tên gọi là Thiên Trúc Tự.Đỉnh Yên Tử là ngọn núi thuộc dãy cánh cung Đông Triều.Trên núi thường có mây bao phủ cho nên còn được gọi là Bạch Vân Sơn.Còn ở phía tây dãy núi này lại nằm ở tỉnh Bắc Giang.Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử nằm trên địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Nam (Bắc Giang).Nơi này cũng có nhiều thắng cảnh có thể khai thác du lịch tốt.
Đứng ở độ cao hơn nghìn mét này ta có thể chiêm ngưỡng một bức tranh sơn thủy bao quát cả một vùng đông bắc rộng lớn của Tổ quốc thân yêu.Phóng tầm mắt về phía mặt trời mọc có thể nhìn thấy những hòn đảo nhô lên trên vịnh Hạ Long.  Đầu năm 2007, chùa Đồng mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất, cao 3 mét, rộng 16 mét, nặng 60 tấn.
Yên Tử  trở thành Trung tâm Phật giáo Việt Nam, có tên gọi là Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.Nơi đây vua Trần Nhân Tông đã nghiên cứu kết hợp giáo lý nhà Phật, gắn kết với triết lý nhân sinh dân tộc để hình thành  giáo phái đặc trưng hoàn toàn Việt Nam. Với tư tưởng “nhập thế”, “tu tại tâm” mà ở đó, không tách biệt đạo và đời.Đó là sự hòa hợp tuyệt vời giữa tinh thần dân tộc với tôn giáo, giữa tư tưởng và đạo đức.Thiền phái Trúc Lâm không chỉ thu hút người Việt mà còn được nhiều người nước ngoài quan tâm theo học và tu hành.
                                                          ***
5. XUỐNG NÚI.

Trời đã về chiều.Mưa nặng hạt hơn.Không dù, không mũ che mưa, tôi đội cái mùi-xoa lên đầu cho đỡ ướt tóc.Cả nhà chúng tôi đi vế phía có những bậc đá xây.Còn tôi theo lối cũ có những phiến đá tự nhiên to nhỏ khác nhau, xuống núi.Đường gập ghềnh rất khó đi.Tôi được hai cháu thanh niên cầm tay dắt đi.Vui chuyện, tôi hỏi các cháu ở đâu mà hành hương về đây? Cháu gái nhanh nhảu trả lời: -Con ở Bắc Ninh. -Thế cháu có biết nghệ sĩ Thúy Cải không? Cháu trai nói: -Nghệ sĩ Thúy Cải là bà   của chúng cháu đó!
Bất giác trong tôi nhớ về Kinh Bắc một vài kỷ niệm và kể cho hai cháu này nghe.Số là, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Hóa, tôi được bố trí về nhà máy xay Đáp Cầu để thực tập.Mấy tháng ở đây, cứ chiều chiều - những thực tập sinh chúng tôi – tản bộ dọc bờ sông Như Nguyệt,thường gọi là sông Cầu, thăm thú những làng quê yên bình.Có đôi khi leo lên quả đồi Thị Cầu, nơi có ngôi nhà thờ Thiên Chúa bị bom Pháp tàn phá.Và phía trong thung xa là ngôi trường cấp 3 mang tên Hàn Thuyên.Tôi và Vũ Sơn quá bước vào nơi trường này.Chúng tôi quen biết nhiều học sinh lớp 10 (năm học cuối cấp 3), trong đó có nữ sinh tên thường gọi là Tiểu Đính. Tiểu Đính là một cô gái nông thôn mang đậm nét vùng Kinh Bắc, người dong dỏng cao, gương mặt thanh tú, đôi mắt lá răm đen lay láy, sống mũi dọc dừa và đôi má luôn ửng hồng như thoa son.Vũ Sơn đặc biệt có thiện cảm với Tiểu Đính và họ cũng đã đôi lần đèo nhau bằng xe đạp lên tận Sen Hồ hoặc ra Phả Lại trong những ngày chủ nhật.Không hiểu tại sao, sau đó vài tháng thì Vũ Sơn tự sát bằng một viên đạn các-bin?
Đến ga cuối thì tôi mới gặp lại chú Thọ.Gọi điện cho nhà tôi, cho Thúy Ngọc và Phạm Toàn rồi gọi cho cháu Thúy Hà nhưng không thấy trả lời.Trời nhá nhem tối, tôi và Thọ bàn nhau xuống trước.Đến chợ trước bến xe Giải Oan chúng tôi cảm thấy “kiến bò bụng” nên vào quán xơi một lúc 2 đĩa bánh cuốn.Một lúc sau thấy cháu Thúy Hà hớt hải chạy vào quán.Cháu kể lại đoạn đường từ chùa Hoa Yên xuống, cháu không đi cáp treo mà chạy bộ theo con đường cũ, khoảng 6 cây số.Cháu nói rằng rất sợ và rất mệt nhưng vì sợ tối nên phải liều đi.Nửa tiếng sau thì nhà tôi và Thúy Ngọc cùng Phạm Toàn xuống.Cả nhà gặp lại nhau vui mừng khôn xiết.Đến lúc này tôi mới thở phào, hết lo.Tôi nghĩ, nếu tôi 81 tuổi và nhà tôi 75 tuổi,tuổi cao sức yếu, nếu xẩy ra sự cố về sức khỏe thì biết tính làm sao? Trong hàng vạn khách hành hương về non thiêng Yên Tử chỉ có hai cụ già này trên tuổi thất thập!Nhà tôi lại đang còn mang trong mình bệnh tim, nếu chẳng may đột quỵ vào lưng chừng núi thì sẽ giải quyết như thế nào đây?! Trên đường lên xuống Yên Tử có nhiều người bảo chúng tôi là liều mạng.Già mà không liệu sức mình! May mà an toàn.Tôi thầm nghĩ: Chắc Phật hoàng Trần Nhân Tông phù hộ cho chúng tôi nên mới được bình an vô sự như vầy!
Trên đường trở về Hà Nội,chúng tôi ghé lại dùng bữa tối tại một nhà hàng ở thị trấn Quế Võ.Nhà hàng này có món “Thịt trâu đặc sản”.Và có loại rượu “ba kích” ngon nổi tiếng.Tôi nhớ lại lúc chiều khi đi ngang qua các quày hàng ở Ban Quản lý Yên Tử thấy họ bày bán rất nhiều loại cây thuốc nam, thuốc bắc, trong đó rễ cây ba kích là nhiều nhất.Tôi lại nhớ cái Tùy bút Tình Rừng của Nguyễn Tuân.Ông đả phá những tên “đốt rừng” Đốt rừng, chúng đốt cả những cây thuốc quý của núi rừng mà người dân đất Việt rất cần để trị bệnh?!
Tới khuya mới về tới thủ đô. Tôi trằn trọc mãi và vùng dậy lúc gần 2 giờ sáng.Tôi ghi lại cảm xúc của mình qua bài thơ Đường luật như sau”:

                                MINH QUÂN – THÁNH CHÚA
Tìm về Yên Tử chốn quan san
Lập phái Trúc Lâm giữa đại ngàn
Trước diệt Nguyên Mông yên xã tắc
Sau xây Đại Việt vững âu vàng
Cửu trùng phổ độ rời ngôi báu
Vạn tuế chuyên tâm hướng Niết bàn
Điều ngự giác hoàng ngời chánh pháp
                              “Cư trần lạc đạo” sáng trời nam
                 
                           

                            
·       *Cư Trân Lạc Đạo Phú của vua Trần Nhân Tông.Đây là một sáng tác bằng chữ Nôm đấu tiên trong văn chương Việt., là cơ sở lý luận hình thành chủ thuyết "Cư Trần Lạc Đạo" cuả Thiền Phái Trúc Lâm. Toàn bài có 10 hội, mỗi hội gieo một vần. Thứ tự từ vấn bằng ở hội đầu, vần trắc ở hội thứ hai và kết thúc bàng một bài Kệ thất ngôn tứ tuyệt.

Biên Hòa, ngày 16/4/2015

                                                                             Xuân Bảo