Trang

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

289. Đồng Nai nhìn từ Mã Pì Lèng


ĐỒNG NAI NHÌN TỪ MÃ PÍ LÈNG
                                Mấy hôm nay, trên mạng xã hội nổi bật lên sự kiện bà Vũ thị Ánh ngang nhiên trèo lên đỉnh cao nguyên Đồng Văn, tự mình xây lên cái nhà hàng khách sạn 7 tầng, ngự trị trên đỉnh Mã Pí Lèng.
Những ai còn có lương tâm ái quốc, nhìn  vào bản dư đồ nước Đại Nam ta đều rất đau lòng khi thấy Bà Nà, Tam Đảo 2, Vân Đồn, Bái Đính, Tam Chúc và vân vân được các ông Sun, ông Xuân Tr., ông Vin…cậy có của (mà chưa chắc đã là của sạch?!) và cậy có người chống lưng để rồi ngang nhiên biến những danh lam thắng cảnh của Tổ quốc để sản ra tiền bạc, châu báu; để rồi cùng các quan tham “sống như chúa tể rừng xanh” (lời của ông nghị Lưu Bình Nhưỡng).
Năm 1956, khi tôi là 1 trong 200 cán bộ được điều về tăng cường cho Khu Tự trị Thái Mèo. Tôi đã có dịp tham quan cao nguyên Đá Đồng Văn

Cách đây 50 năm, tuy đã gần cuối thế kỷ XX nhưng phía sau “cổng trời” hơn 8 vạn đồng bào vẫn trong đói nghèo và lạc hậu, mênh mông vẫn chưa có đường cho xe ôtô, xe máy chạy, nên trung ương quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Đường được đặt tên là “Con dường Hạnh Phúc” dài gần 200km; chạy xuyên qua cao nguyên đá Đồng Văn, qua đỉnh Mã Pì Lèng. Con đường được khởi công ngày 10/9/1959, hoàn thành ngày 10/3/1965.
 Đây không chỉ là con đường giao thông huyết mạch, mà còn là hình ảnh, là biểu tượng tinh thần cách mạng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Ngày nay, con đường này được coi là con đường kỳ vĩ nhất Việt Nam.  Con đường của gian khổ, hy sinh, của cả máu và hoa để có được cái tên tuyệt đẹp là Con đường Hạnh Phúc.
Con đường là huyền thoại về sức trẻ của thanh niên 16 dân tộc thuộc 8 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Nam Định và Hải Dương trong suốt 8 năm lao động thủ công quên mình với trên 2 triệu ngày công. Riêng ở dốc Mã Pì Lèng - nóc nhà của vùng cao nguyên đá (hôm nay, là một trong "tứ đại đỉnh đèo" của miền núi phía bắc), công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường.

 
Bản đồ con đường Hạnh Phúc


Tượng đài TNXP ở chân Mã Pí Lèng





   
Một kiệt tác xuyên lòng đá - Con đường Hạnh Phúc.
Ý kiến cá nhân tôi:
“Xin Nhà nước sớm đập bỏ cái gai bẩn này, trả lại nguyên    dạng cho Vườn Quốc gia Đá Đồng Văn”.

Tôi có hai bài thơ viết vể Hà Giang.
Bài thứ nhất.
ĐỒNG NAI, NHÌN TỪ MÃ PÌ LÈNG.
Tôi đứng đây, đỉnh Mã Pí Lèng cao vút
Nơi bao đời thấm máu cha ông.
Gìn giữ biên cương, giữ từng tấc đất
Lẫy lừng ngọn giáo vang dội chiến công

Tôi đứng đây, Mã Pì Léng địa đầu Tổ quốc.
Nhìn về Đồng Nai, phía cuối chân trời
Mênh mang Trị An, biển hồ nước bạc
Xua tan màn đêm, điện sáng ngời ngời

Tôi đứng đây ngắm nhìn đất nước
Mù sương tháng tám trùm ngọn Chứa Chan
Lòng bỗng nhớ những người đi trước
Ngã xuống đất này để lộc biếc trời xuân

Để cao su sau mùa thay lá
Vươn hình hài lớn dậy búp tươi non
Đồng Nai ơi, những nhà máy mới
Khói tỏa Biên Hòa, vẽ những nét son

Từ trên Mã Pí Lèng ta suy ngẫm
Đất nước mình đâu cũng đẹp như tranh
Rừng vàng biển bạc, non sông hoa gấm
Bốn mùa như xanh mãi mầu xanh.

Và bài thứ hai.

ĐI CHỢ TÌNH KHÂU VAI

Anh tìm em tròn một vòng thương nhớ
Hết mùa lanh lại thêm một mùa đào
Đỉnh Mã Pì Lèng gió rít lao xao
Ta đi tìm em tận cao nguyên đá

Tiếng khèn Lô Lô trầm buồn giục giã
Tâm nguyện dâng hương miếu Ông, miếu Bà
Mong tìm lại bóng dáng người xưa
Anh đợi em bên đường lên Mèo Vạc

Trùng điệp bốn bề núi cao chót vót
Túi thổ cẩm còn đây mảnh hương tình
Em dặn đừng quên mùa đào, mùa lanh
Ngày này năm sau cùng nhau trở lại

Thung lung Khau Vai chợ tình huyền thoại
Được nắm tay nhau dù chỉ một lần
Gửi lại cho em trọn vẹn trời xuân
Không gặp lại em, tim anh hóa đá!

Bên bờ Phước Long giang, ngày mùng mười tháng tám, cuối thu hàn lộ, nắng nhạt, sương giăng.nhằm ngày 8/10/2019.
                                Nhà thơ Xuân Bảo


288. Ngày giỗ thứ 71 của Cha tôi


288.Nhân ngày Giỗ thứ 71 của Ba tôi - Cụ Nguyễn Xuân Tập - 
12 / 9 Mậu Tý – 12 / 9 Kỷ Hợi, nhằm ngày 10/10/1948 – 10/10/2019.
        Sau 71 năm, ngày kỵ của Ba tôi 12 tháng 9 Mậu Tý, nhằm ngày 10/10/1948 lại đúng vào ngày 10/10/2019, cũng đúng vào ngày 12 tháng 9 âm lịch năm nay.
        Năm 2018, tôi đã hoàn thành tác phẩm “Đi tìm mộ Cha”. Sách kể lại chặng đường tôi đi tìm mộ Người, thất lạc từ năm 1948 cho đến ngày tìm được di cốt cha tôi, đưa về an táng tại lăng gia đình ở làng Đại Hào, tổng An Cư, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Trong Lễ Truy điệu, tôi có bài Văn điếu:
VĂN ĐIẾU
Lễ Tưởng niệm ông Nguyễn Xuân Tập
Ngày 10 tháng 7 năm Nhâm Ngọ - 18/8/2002.
Sau 54 năm thất lạc, nay đã tìm thấy hài cốt của chồng, cha, ông chúng tôi là ông Nguyễn Xuân Tập, sinh năm 1908 (Mậu Thân). Quê quán: làng Đại Hào, tổng An Cư, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nay là thôn Đại Hào, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Đó là một hạnh phúc lớn của gia đình chúng tôi!
Tháng 8 năm 1945, ông Nguyễn Xuân Tập tham gia thành lập chính quyền tại phủ Triệu Phong. Ngay từ những ngày đầu cách mạng thành công, ông gia nhập Vệ Quốc đoàn, vào Chi đội Nguyễn Thiện Thuật, tiền thân của Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 của Bình Trị Thiên. Ông đã kinh qua các chức vụ: Phái viên quân sự phụ trách huấn luyện dân quân du kích; tiểu đoàn trưởng; tổng đội ban trưởng và trưởng phòng quân nhu Trung đoàn.
Trong suốt những năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, nhất là từ năm 1948 đến ngày ký Hiệp định Genève (1954), gia đình chúng tôi không nhận được tin tức gì về ông. Chỉ biết rằng ông từ giã gia đình vào ngày 10/10/1948 (nhằm ngày 12 tháng 9 âm lịch). Sau này gia đình chúng tôi lấy ngày ra đi đó của ông làm ngày Kỵ (Giỗ). Cái chết của ông được coi là mất tích trong chiến tranh.
Nhiều năm qua, gia đình chúng tôi đã ra sức dò hỏi, tìm kiếm nhưng đều vô vọng!
Năm 2002 này gia đình chúng tôi may mắn được người mách bảo chỉ dẫn và tìm được mộ phần của ông và biết được một số thông tin về ông. Ông Nguyễn Xuân Tập đã từng đóng quân ở huyện Tuyên Hóa. Ông bị bệnh mà chết và được đồng đội chôn cất tại thôn Minh Cầm Ngoại, xã Phong Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Ngày 14 /8/2002, gia đình chúng tôi đã tổ chức di dời hài cốt ông về làng Đại Hào, cát táng trong lăng cùng những người thân quá cố.
Ngày 18/8/2002, gia đình chúng tôi mời chính quyền địa phương và bà con thân tộc nội ngoại và bạn bè gần xa đến dự lễ Tưởng niệm ông Nguyễn Xuân Tập tại nhà thờ tổ tiên, vốn là nơi đã sinh ra ông.
Trưởng nam Nguyễn Xuân Bảo - Kính cáo      .                           
***
       Năm 1948 là năm kinh hoàng nhất của gia đình chúng tôi. Trong bài Văn ai khóc mẹ,  khi Mẹ tôi từ giã cõi trần để về tổ tiên – ngày 22 tháng Giêng,  năm Mậu Tý, nhằm ngày 28 tháng 2 năm 2008, tôi đã viết:
“… Có ngờ đâu
Độc lập chưa được bao ngày
Giặc Pháp mưu đồ gây hấn…
Đất nước muôn người như một, đứng lên kháng chiến trường kỳ
Trị Thiên một khối trường thành, lao vào mịt mù khói lửa
Ba ra đi theo bước trung đoàn
Mẹ ở nhà tảo tần lam lũ
…Xót thay!
Năm (19)48 bao nỗi kinh hoàng
Tháng 11 dập dồn tin dữ
Ông Nội bị Tây bắn thả xác xuống ao
Chú Tịch hy sinh gần làng Da Độ
Còn Ba, trung đoàn báo tử
Xuân Lộc em con thiếu thuốc đói cơm
Giã từ dương thế lúc tuổi còn nhỏ
Năm này Mẹ đẻ song sinh
Tháng ấy vào tuần ở cữ
Nguyễn Vô Danh “tử tại phúc trung”*…
_______________
          *Tử tại phúc trung là chết từ trong bụng mẹ.
                  
          Như vậy, Mạ tôi trở thành góa phụ năm 32 tuổi. 5 người con của Ba Mạ tôi thành những đứa trẻ mồ côi cha. Năm đó, tôi 13 tuổi, em Xuân Lộc 11 tuổi, em Xuân Bổng 9 tuổi, em Hương Mai 5 tuổi. 2 em Kim Cúc và Vô danh ra đời không được nhìn thấy mặt cha! Tội nghiệp lắm!
          Trong một năm, năm 1948, gia đình tôi chịu đến 5 cái tang: tang ông Nội, tang Cha, tang Chú, tang em Xuân Lộc và tang em Vô danh! Đau buồn biết mấy!
***
        Trong tác phẩm Quê Mạ Phường Sãi, tôi có ghi lại đoạn đường khổ ải từ khi rời cố đô Huế về quê hương Quảng Trị.
“Ba Mạ tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi rời Huế về Quảng Trị. Lương hưu của Ba tôi bị cắt từ hôm Nhật đảo chính Pháp. Mạ tôi đã xa rời cuộc sống nông thôn trên 10 năm, một nách bốn đứa con dại. Đồng bằng Triệu Phong  là một vùng thuần nông. Làng Đại Hào quê nội cũng đói nghèo như nhiều nơi khác trong tỉnh. Ba Mạ tôi xin Ông Mệ nội được đem đàn con về quê ngoại Phường Sãi. Dù sao ở đây vẫn có nhiều đất đai chưa khai thác hết. Rừng rú, khe suối thì sẵn sản vật có thể nuôi sống con người.
           Về quê ngoại vốn liếng của Ba Mạ tôi chỉ đủ mua bức nương của cậu Diêu Khuê mà thôi. Để làm được cái nhà tranh tre, Ba Mạ tôi phải tự đi vào Dốc Son cắt tranh về làm mái lợp. Tre thì đã có xung quanh nương mới mua. Bà con xúm lại giúp đỡ chỉ trong vòng tháng trời nhà đã dựng xong. Tôi lại được cắp sách tới trường. Trường công chưa có thì học trường tư tại thôn Thượng Phước.
        Để kiếm sống Ba tôi phải vào rú (động) đốn củi gánh về chợ tỉnh Quảng Trị bán. Hình ảnh người cha còng lưng gánh gánh củi sim (củi chặt ra từ những cây sim có độ dài không tới một mét, được bó lại bằng những sợi dây chìu và dùng đòn xóc nhọn hai đầu xỏ xuyên qua lưng chừng bó củi), gánh bộ từ Phường Sãi đến chợ tỉnh dài hơn 5 cây số còn đọng mãi trong tâm trí tôi. Đâu rồi những ngày tháng sống trong sự sung túc ở Huế?!  Đâu rồi một bước đi chỉ có lên xe xuống ngựa?!
 Mạ tôi bắt đầu trở lại với công việc ruộng nương. Bức nương của Ba Mạ tôi có các loại cây lưu niên như mít, bồ quân, dâu gia, chè, chanh, cam, quýt, bưởi, thơm. Những thứ trái cây này khi vào mùa thu hoạch, Mạ tôi hái đem về chợ tỉnh bán. Phía góc nương gần Khúc Mưng có một cây dầu lai cổ thụ, năm nào cũng ra rất nhiều trái. Trái cây dầu lai này khi chín thì bóc tách bỏ lớp vỏ ngoài, lấy hạt (nhân) dùng để làm món muối trộn thay muối mè (vừng) hay muối đậu phụng (lạc) ăn với cơm hàng ngày. Chung quanh ba phía là lũy tre. Giữa nương có chừng hơn hai sào đất trống, Mạ tôi đã xuống giống trống khoai lang, môn và sắn. Gần nhà thì dựng mấy cây tre làm giàn trồng bầu, bí, mướp theo mùa nào thức ấy.
        Tôi chép ra đây một đoạn trong Chúc thư của Mạ tôi viết ngày 2 tháng 2 năm 2004, khi Mạ tôi đã 89 tuổi để nói lên tình trạng bi đát của gia đình tôi lúc bấy giờ. Mạ tôi đã viết như sau:
“…Mạ nói cho các con biết: Lúc Ông Bà ngoại còn sống, Ông Bà đã cho Ba Mạ 2 mẫu ruộng, 5 sào đất vườn. Ông nói: Cha mẹ cho hai con chừng đó, đừng có tửu điếm trà đình, lo làm lo ăn. Cho các cháu học hành tới nơi tới chốn. Nay mai Ba nó hưu trí về phụ thêm làm ăn, không đại gia chứ cũng tiểu phú, con không lo cực đâu, bổn mạng con tốt lắm!
“Các con ơi, thân Mạ khổ lắm, Ông Bà ngoại mất rồi, ba đi công tác không thấy về, một mình Mạ ôm đàn con dại biết cậy nhờ ai đây, nghĩ mình như chàng Thúc bó tay… tứ cố vô thân, biết nhờ ai đây? Mạ như cờ túng nước. Thôi, mai đi tìm việc làm đã. Mới nói thì cậu Diêu (tức ông Nguyễn Văn Xuân) ra nói: O còn nhớ cấy lúa không? – Còn nhớ chứ, cơm ăn bữa mà không nhớ sao được. – Mai vô sớm nghe! Mạ hỏi: Cấy ở đâu anh? Anh nói: Phúc Trèn. Các con ơi! Mạ gánh một gánh mạ, chân không có dép, sỏi đá chông gai. Lên tới đồng ruộng, Mạ bước chân xuống bùn lầy, giá lạnh. Phúc Trèn hiu hắt đưa vào lòng Mạ quá chua cay. Nước mắt, nước mưa trộn một, Mạ tính bỏ ra về. Mà một mặt thì sợ cọp, một mặt sợ tối về không có chi cho các con ăn nên Mạ cố làm cho tối ngày. Lúc về tới nhà thì đàn con đứa ngủ, đứa đang khóc, đứa thì trông mẹ về…”
        Bản Chúc thư này tôi đã cho đánh máy vi tính và in ra nhiều bản phân phát cho các em mỗi người giữ một bản vừa để làm tài liệu lưu trữ vừa để làm kỷ niệm.
                                                ***
      Ngày 10 tháng 2 năm 1947, Pháp chiếm Quảng Trị. Thế là, Mạ tôi vừa đi làm thuê, làm mướn để nuôi chúng tôi và tham gia kháng chiến chống Pháp (Mạ tôi được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, thời 9 năm).Việc học hành của những trẻ nhỏ bị gián đoạn. Tôi đi ở chăn trâu cho một nhà giàu, để phụ giúp Mạ tôi nuôi các em.
        Bên bờ Phước Long Giang, ngày Giải phóng thủ đô 10/10/1954 – 10/10/2019
                                                                                             Nhà thơ Xuân Bảo

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

287. Thơ xướng và Họa thơ.


           287. THƠ XƯỚNG VÀ HỌA THƠ

                                     Thơ Đường luật có thế mạnh là phần Họa thơ. Các thi nhân từ xưa đã
 có                        có những bài thơ họa, có khi gây nên những tranh luận để đời như bài
                             của  Chủ tịch Hồ Chí Minh họa thơ Nguyễn Hải Thần

        Ông biết phần ông, tôi biết tôi,
        Quyết giành thắng lợi, chẳng chia đôi.
        Ðã sinh đầu óc, sinh tai mắt,
        Nỡ bỏ ông cha, bỏ giống nòi.
        Họ trót sa chân vào miệng cọp,
       Tôi đành ghé đít cưỡi đầu voi.
        Cờ tàn mới biết tay cao thấp,
        Há phải như ai cá đớp mồi.

5-1946
        
    Ðể thực hiện sách lược tạm hoà hoãn với quân Tưởng nhằm tập trung lực              lượng kháng chiến ở Nam Bộ, ngày 1-1-1946 Nguyễn Hải Thần được cử giữ 
chức Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và            sau đó được bổ sung vào Quốc hội không qua bầu cử và giữ chức Phó Chủ tịch          Chính phủ Liên hiệp.
     Dịp này, Nguyễn Hải Thần đã làm thơ tặng Hồ Chủ tịch như sau:

      Gánh vác việc đời ông với tôi
      Con đường gai góc xẻ làm đôi
      Cùng chung đất nước, chung bờ cõi
      Cũng một ông cha, một giống nòi
      Ðành chịu nước cờ thua nửa ngựa
      Còn hơn miệng thế chế mười voi*
      Mấy lời nhắn nhủ cùng ông biết
      Nước ngược buông câu phải lựa mồi.
________
* ý nói: Mười voi không được bát nước xáo.

                                ***
           Hồ chủ tịch đã hoạ lại bằng bài thơ trên. Bài thơ hoạ lại lời lẽ đanh
 thép,thể hiện rõ tinh thần quyết vượt mọi hiểm nguy giành thắng lợi, phê 
phán thái độ hèn hạ ôm chân bọn Quốc dân Ðảng Trung Quốc, bỏ ông cha,
 bỏ giống nòi.

***



       Hay là cuộc đấu thơ giữa Tôn Thọ Tường với Phan Văn Trị. Phan Văn Trị 
là người có công đầu trong cuộc bút chiến chống Tôn Thọ Tường – người bạn             thơ của Ông trong nhóm Bạch Mai thi xã – sau qua cộng tác với giặc. Tôn Thọ             Tường làm 10 bài thơ liên hoàn có tựa đề là Giang san ba tỉnh. Nội dung tự                    thuật, tán dương sức mạnh vật chất của bọn Tây Dương, cho rằng nhân dân ta             không địch nổi quân thù cho nên khuyên mọi người hãy biết “tùy thời”. Ở bài 1           – 2 câu kết:

… “Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc
                  Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay…”
     Phan Văn Trị đã họa lại 2 câu này:
                 … “Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ
                        Lòng ta sắt đá há lung lay…”

  Ngoài 10 bài xướng và họa về Giang san ba tỉnh, Tôn Thọ Tường còn có hai             bài bài thơ Tôn phu nhơn quy Thục và Từ Thứ quy Tào để ngụy biện. Phan Văn           Trị công kích luận điệu của Tường bằng thơ Hát Bội. Cuộc bút dưới hình thức                họa thơ nổ ra từ đó.
    Có thể nói Phan Văn Trị là người đã nối chí nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu                   “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

             Ở bài 2 câu 4, Ông đã mắng Tôn Thọ Tường là “đứa ngu”:

                Đường xa, ngày tối, tuổi không chờ
             Họa:   Đứa ngu mới sợ tuổi không chờ.

           Ở bài 4 câu 1:

                           Kể chi danh phận lúc tan hoang.
                 Họa:    Thân danh chẳng kể, thiệt thằng hoang.

          Ở bài 6 câu 7:

                             Ở đời há dễ quên đời được…
                 Họa:       Đáy giếng trông trời trơ mắt ếch,

          Ở bài 8 câu 7:

                          …Khó lòng mình biết lòng mình khó…
                  Họa:      Đứa dại trót đời,già cũng dại…

               Bằng những lập luận sắc sảo, sáng ngời chính nghĩa và rất đĩnh đạc,
           hiên ngang, Ông đã giáng cho Tường những cái tát điếng người. Tôi trích
           ra đây 2 bài thơ xướng họa của Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị.

                     Bài xướng của Tôn Thọ Tường              Bài họa của Phan Văn Trị

                             Tôn phu nhơn quy Thục                       Tôn phu nhơn quy Thục

Cậ                       Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng              Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
N                         Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông               Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông
                            Lìa Ngô, bịn rịn chòm mây bạc                     Ngút tỏa đồi Ngô ùn sắc trắng
                            Về Hán, trau tria mảnh má hồng                   Duyên về đất Thục đượm màu hồng
                            Son phấn thà cam dày gió bụi                        Hai vai tơ tóc bền trời đất
Đá                       Đá vàng chi để thẹn núi sông                         Một gánh cang thường nâng núi sông
Ai                        Ai về nhắn với Châu Công Cẩn:                     Anh hỡi! Tôn Quyền, anh có biết?
                            Thà  mất lòng anh, đặng bụng chồng.            Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng.

                                    ___________________                                  
      
B                                 Bài xướng của Tôn Thọ Tường               Bài họa của Phan Văn Trị

                              Từ Thứ quy Tào                                         Từ Thứ quy Tào

                            Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi                         Quá bị trên đầu nhát búa voi
                            Muối xát lòng ai nấy mặn mòi                          Kinh luân đâu nữa để khoe mòi
Ở                          Ở Hán hãy còn nhiều cột cả                             Xăn văn ruổi Ngụy mây ùn đám
V                          Về Tào chi sá một cây còi                                 Dáo dác xa Lưu, gió thổi còi
B                          Bâng khuâng nhớ mẹ khôn nâng chén              Đất Hứa nhớ thân sa giọt tủi
Bị                         Bịn rịn trông vua biếng giở roi                         Thành Tương mến chúa nhẹ tay roi
Ch                        Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy              Về Tào miệng ngậm như bình kín
                             Thân này xin gác ngoài vòng thoi                    Trân trọng lời vàng được mấy thoi?

                __         ________                                                           ________
 

                           Cuộc bút chiến này có một giá trị đặc biệt. Thơ của Ông cũng chính là 
                  lời phát ngôn của phong trào chống Pháp rộng lớn của sĩ phu và nhân dân
                  Nam Kỳ.   Ông đã lôi cuốn được đông đảo sĩ phu yêu nước vào cuộc bút 
                  chiến như Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt…, cảm hóa được những người
                  lầm đường lạc lối như Lê Quang Chiểu về với chính nghĩa dân tộc.

        Phan Văn Trị xứng đáng đứng trong hàng ngũ những nhà thơ tiêu biểu 
   cho khuynh hướng văn học yêu nước thời cận đại bên cạnh Nguyễn Đình                       Chiểu, Nguyễn Thông, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích. Ở Bến Tre,                   Ông là ngọn cờ tiêu biểu thứ hai của văn chương yêu nước sau Cụ Đồ Chiểu.

       ***





                Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã rất am hiểu về Thơ Đường.
          Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh- Người đã trích câu thứ 4 của bài                     Khúc Nhị Giang (bài 2) này của Thi Thánh Đỗ Phủ “Nhân sinh thất thập 
           cổ lai hy, nghĩa là Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm”.

           KHÚC GIANG NHỊ THỦ - KỲ NHỊ
                          
                          Nguyên bản Hán tự

           Triều hồi nhật nhật điển xuân y,
   Mỗi nhật giang đầu tận tuý quy.
   Tửu trai tầm thường hành xứ hữu,
           Nhân sinh thất thập cổ lai hy.
   Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện,
   Điểm thuỷ thanh đình khoản khoản phi.
   Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển,
   Tạm thời tương thưởng mạc tương vi.

           Dịch nghĩa:

 SÔNG KHÚC (BÀI 2)

   Ngày ngày bãi triều về đem cầm  áo xuân,
   Mỗi ngày trên sông  uống rượu say đến hết ngày.
   Nợ rượu bình thường nơi nào cũng có,
   Người đời thọ bảy mươi tuổi xưa nay hiếm.
   Bươm bướm luồn hoa thấp thoáng hiện,
   Chuồn chuồn chấm nước dập dờn bay.
   Nhắn với mọi người thời gian cảnh vật đều thay đổi,
   Hãy tạm vui đi chớ có trái với đời.

Dịch Thơ của Tản Đà

            BẾN SÔNG II

         Khởi bệ vua ra, cố áo hoài
         Bến sông say khướt tối lần mai
         Nợ tiền mua rượu đâu không thế?
         Sống bảy mươi năm đã mấy người?
         Bươm bướm luồn hoa phơ phất lượn
         Chuồn chuồn giỡn nước lững lờ chơi
         Nhắn cho quang cảnh thường thay đổi
         Tạm chút chơi xuân kẻo nữa hoài.

                 
           ***


                   THI HỮU HỌA THƠ CỦA XUÂN BẢO

Bài họa thì nhiều, tôi chỉ trích đăng mỗi nhà thơ một bài:
(xem bài xướng ở các trang thơ của tác giả Xuân Bảo trong sách này)

                  NGUYỄN THANH BÁ
                   họa bài Mưa Trấn Biên

                        Điện Biên lịch sử.

Lịch sử oai hùng một Điện Biên
Núi sông khắc dấu vạn lời nguyền
Súng gươm rèn chí bao quân giỏi
Bút sách lưu danh lắm tướng hiền
Uy thế vang lừng trong bốn hướng
Chiến công rung chuyển cả đôi miền
Thực dân cuốn vội cờ xâm lược
Đất nước bừng soi ngọn đuốc thiêng


                 NGUYỄN THANH BÌNH
                  họa bài Mưa Trấn Biên (y đề)

Mưa tới đầu mùa, mát Trấn Biên
Thoảng nghe trong gió vọng tâm nguyền
Nhà Bia vẫn đó trang hồng sử
Đại Bái còn đây tượng thánh hiền
Chí khí hào hùng vang khắp chốn
Anh hào tỏa rạng dội bao miền
Ơn Người gầy dựng cơ đồ vững
Mãi mãi nơi này rực khí thiêng.


                         LÊ CÔNG CÁT
                    họa bài Mưa Trấn Biên (y đề)

Giữ yên Ải Bắc giữ Nam Biên
Vua chúa thần dân đạt ước nguyền
Quyết chí Nam chinh nhờ tướng giỏi
Ra tay Bắc phạt cậy tôi hiền
Đất đai mở rộng thêm bờ cõi
Sông núi an vui khắp mọi miền
Quốc sử lưu truyền công đức ấy
Đền đài tưởng niệm chốn linh thiêng


                    NGUYỄN HỮU CẦN
         họa bài Văn miếu Trấn Biên,

              Giữ mãi quê mình.

Xin giữ quê mình mãi thắm xanh
Biên Hòa lẫm liệt mãi tôn vinh
La Ngà, Định Quán đây anh dung
Phú Lý, Long Bình đấy địa linh
Công Tổ khai thiên lưu sử tích
Ơn Người lập địa tỏa nhơn tình
Đồng Nai mảnh đất phương nam ấy
Lắm bậc hiền tài rạng rỡ danh


            PHẠM SINH CHÂU
                  họa bài Thăm đình Tân lân

               Người đi mở cõi.

Thượng Xuyên đình cổ rợp cành đa
Bóng mát nức lòng khách xứ xa
Tưởng vọng tướng công cành là thắm
Khai nguyên nguồn cội gốc tài hoa
Ngàn xưa rạng rỡ lưu thành kính
Muôn thuở trang nghiêm gót thái hòa
Nghi ngút trầm hương chung tấc dạ
Công ơn trời biển khó phai nhòa


                     VÕ CHINH
                   họa bài Văn miếu Trấn Biên

            Trấn Biên xưa và nay.

Trời Nam một cõi nước non xanh
Biên Trấn từng phen trải nhục vinh
Vững chí nêu gương trang tuấn kiệt
Bền gan tiếp bước bậc hiển linh
Luân thướng Nho Giáo ngời Văn Miếu
Hào khí Thăng Long đượm nghĩa tình
Khoa học, công thương đều tiến bộ
Đồng Nai ngày một rạng thanh danh



              HUỲNH TẤN CƯỜNG
         họa bài Thăm đình Tân Lân

                              Biên địa thiêng

Nguyễn Lễ thành hầu lập Trấn Biên
Đồng Nai muôn thuở khắc tâm nguyền
Đền thiêng lưu tiếng tài danh tướng
Văn Các ghi công đức thánh hiền
Tưởng niệm anh hùng riêng một cõi
Suy tôn liệt sĩ khắp ba miền
Con Hồng cháu Lạc ngời trang sử
Gia Định, Phước Long biên địa thiêng


                PHAN NỀ
     họa bài Văn Miếu Trấn Biên.

            Trấn Biên danh

Miền Đông thuở trước cỏ, rừng xanh
Nhờ đức tiền nhân nay hiển vinh
Đại Phố hùng thiêng phù bản xứ
Đồng Nai phong thủy trợ sanh linh
Tân Lân liễn đối gìn công đức
Văn Miếu khói hương ấm vạn tình
Một dải sơn hà linh địa cuộc
Ngàn sau còn mãi Trấn Biên danh

Bên bờ Phước Long Giang, ngày 7/9/2019.
           Nhà thơ Xuân Bảo