Trang

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

288. Ngày giỗ thứ 71 của Cha tôi


288.Nhân ngày Giỗ thứ 71 của Ba tôi - Cụ Nguyễn Xuân Tập - 
12 / 9 Mậu Tý – 12 / 9 Kỷ Hợi, nhằm ngày 10/10/1948 – 10/10/2019.
        Sau 71 năm, ngày kỵ của Ba tôi 12 tháng 9 Mậu Tý, nhằm ngày 10/10/1948 lại đúng vào ngày 10/10/2019, cũng đúng vào ngày 12 tháng 9 âm lịch năm nay.
        Năm 2018, tôi đã hoàn thành tác phẩm “Đi tìm mộ Cha”. Sách kể lại chặng đường tôi đi tìm mộ Người, thất lạc từ năm 1948 cho đến ngày tìm được di cốt cha tôi, đưa về an táng tại lăng gia đình ở làng Đại Hào, tổng An Cư, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Trong Lễ Truy điệu, tôi có bài Văn điếu:
VĂN ĐIẾU
Lễ Tưởng niệm ông Nguyễn Xuân Tập
Ngày 10 tháng 7 năm Nhâm Ngọ - 18/8/2002.
Sau 54 năm thất lạc, nay đã tìm thấy hài cốt của chồng, cha, ông chúng tôi là ông Nguyễn Xuân Tập, sinh năm 1908 (Mậu Thân). Quê quán: làng Đại Hào, tổng An Cư, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nay là thôn Đại Hào, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Đó là một hạnh phúc lớn của gia đình chúng tôi!
Tháng 8 năm 1945, ông Nguyễn Xuân Tập tham gia thành lập chính quyền tại phủ Triệu Phong. Ngay từ những ngày đầu cách mạng thành công, ông gia nhập Vệ Quốc đoàn, vào Chi đội Nguyễn Thiện Thuật, tiền thân của Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 của Bình Trị Thiên. Ông đã kinh qua các chức vụ: Phái viên quân sự phụ trách huấn luyện dân quân du kích; tiểu đoàn trưởng; tổng đội ban trưởng và trưởng phòng quân nhu Trung đoàn.
Trong suốt những năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, nhất là từ năm 1948 đến ngày ký Hiệp định Genève (1954), gia đình chúng tôi không nhận được tin tức gì về ông. Chỉ biết rằng ông từ giã gia đình vào ngày 10/10/1948 (nhằm ngày 12 tháng 9 âm lịch). Sau này gia đình chúng tôi lấy ngày ra đi đó của ông làm ngày Kỵ (Giỗ). Cái chết của ông được coi là mất tích trong chiến tranh.
Nhiều năm qua, gia đình chúng tôi đã ra sức dò hỏi, tìm kiếm nhưng đều vô vọng!
Năm 2002 này gia đình chúng tôi may mắn được người mách bảo chỉ dẫn và tìm được mộ phần của ông và biết được một số thông tin về ông. Ông Nguyễn Xuân Tập đã từng đóng quân ở huyện Tuyên Hóa. Ông bị bệnh mà chết và được đồng đội chôn cất tại thôn Minh Cầm Ngoại, xã Phong Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Ngày 14 /8/2002, gia đình chúng tôi đã tổ chức di dời hài cốt ông về làng Đại Hào, cát táng trong lăng cùng những người thân quá cố.
Ngày 18/8/2002, gia đình chúng tôi mời chính quyền địa phương và bà con thân tộc nội ngoại và bạn bè gần xa đến dự lễ Tưởng niệm ông Nguyễn Xuân Tập tại nhà thờ tổ tiên, vốn là nơi đã sinh ra ông.
Trưởng nam Nguyễn Xuân Bảo - Kính cáo      .                           
***
       Năm 1948 là năm kinh hoàng nhất của gia đình chúng tôi. Trong bài Văn ai khóc mẹ,  khi Mẹ tôi từ giã cõi trần để về tổ tiên – ngày 22 tháng Giêng,  năm Mậu Tý, nhằm ngày 28 tháng 2 năm 2008, tôi đã viết:
“… Có ngờ đâu
Độc lập chưa được bao ngày
Giặc Pháp mưu đồ gây hấn…
Đất nước muôn người như một, đứng lên kháng chiến trường kỳ
Trị Thiên một khối trường thành, lao vào mịt mù khói lửa
Ba ra đi theo bước trung đoàn
Mẹ ở nhà tảo tần lam lũ
…Xót thay!
Năm (19)48 bao nỗi kinh hoàng
Tháng 11 dập dồn tin dữ
Ông Nội bị Tây bắn thả xác xuống ao
Chú Tịch hy sinh gần làng Da Độ
Còn Ba, trung đoàn báo tử
Xuân Lộc em con thiếu thuốc đói cơm
Giã từ dương thế lúc tuổi còn nhỏ
Năm này Mẹ đẻ song sinh
Tháng ấy vào tuần ở cữ
Nguyễn Vô Danh “tử tại phúc trung”*…
_______________
          *Tử tại phúc trung là chết từ trong bụng mẹ.
                  
          Như vậy, Mạ tôi trở thành góa phụ năm 32 tuổi. 5 người con của Ba Mạ tôi thành những đứa trẻ mồ côi cha. Năm đó, tôi 13 tuổi, em Xuân Lộc 11 tuổi, em Xuân Bổng 9 tuổi, em Hương Mai 5 tuổi. 2 em Kim Cúc và Vô danh ra đời không được nhìn thấy mặt cha! Tội nghiệp lắm!
          Trong một năm, năm 1948, gia đình tôi chịu đến 5 cái tang: tang ông Nội, tang Cha, tang Chú, tang em Xuân Lộc và tang em Vô danh! Đau buồn biết mấy!
***
        Trong tác phẩm Quê Mạ Phường Sãi, tôi có ghi lại đoạn đường khổ ải từ khi rời cố đô Huế về quê hương Quảng Trị.
“Ba Mạ tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi rời Huế về Quảng Trị. Lương hưu của Ba tôi bị cắt từ hôm Nhật đảo chính Pháp. Mạ tôi đã xa rời cuộc sống nông thôn trên 10 năm, một nách bốn đứa con dại. Đồng bằng Triệu Phong  là một vùng thuần nông. Làng Đại Hào quê nội cũng đói nghèo như nhiều nơi khác trong tỉnh. Ba Mạ tôi xin Ông Mệ nội được đem đàn con về quê ngoại Phường Sãi. Dù sao ở đây vẫn có nhiều đất đai chưa khai thác hết. Rừng rú, khe suối thì sẵn sản vật có thể nuôi sống con người.
           Về quê ngoại vốn liếng của Ba Mạ tôi chỉ đủ mua bức nương của cậu Diêu Khuê mà thôi. Để làm được cái nhà tranh tre, Ba Mạ tôi phải tự đi vào Dốc Son cắt tranh về làm mái lợp. Tre thì đã có xung quanh nương mới mua. Bà con xúm lại giúp đỡ chỉ trong vòng tháng trời nhà đã dựng xong. Tôi lại được cắp sách tới trường. Trường công chưa có thì học trường tư tại thôn Thượng Phước.
        Để kiếm sống Ba tôi phải vào rú (động) đốn củi gánh về chợ tỉnh Quảng Trị bán. Hình ảnh người cha còng lưng gánh gánh củi sim (củi chặt ra từ những cây sim có độ dài không tới một mét, được bó lại bằng những sợi dây chìu và dùng đòn xóc nhọn hai đầu xỏ xuyên qua lưng chừng bó củi), gánh bộ từ Phường Sãi đến chợ tỉnh dài hơn 5 cây số còn đọng mãi trong tâm trí tôi. Đâu rồi những ngày tháng sống trong sự sung túc ở Huế?!  Đâu rồi một bước đi chỉ có lên xe xuống ngựa?!
 Mạ tôi bắt đầu trở lại với công việc ruộng nương. Bức nương của Ba Mạ tôi có các loại cây lưu niên như mít, bồ quân, dâu gia, chè, chanh, cam, quýt, bưởi, thơm. Những thứ trái cây này khi vào mùa thu hoạch, Mạ tôi hái đem về chợ tỉnh bán. Phía góc nương gần Khúc Mưng có một cây dầu lai cổ thụ, năm nào cũng ra rất nhiều trái. Trái cây dầu lai này khi chín thì bóc tách bỏ lớp vỏ ngoài, lấy hạt (nhân) dùng để làm món muối trộn thay muối mè (vừng) hay muối đậu phụng (lạc) ăn với cơm hàng ngày. Chung quanh ba phía là lũy tre. Giữa nương có chừng hơn hai sào đất trống, Mạ tôi đã xuống giống trống khoai lang, môn và sắn. Gần nhà thì dựng mấy cây tre làm giàn trồng bầu, bí, mướp theo mùa nào thức ấy.
        Tôi chép ra đây một đoạn trong Chúc thư của Mạ tôi viết ngày 2 tháng 2 năm 2004, khi Mạ tôi đã 89 tuổi để nói lên tình trạng bi đát của gia đình tôi lúc bấy giờ. Mạ tôi đã viết như sau:
“…Mạ nói cho các con biết: Lúc Ông Bà ngoại còn sống, Ông Bà đã cho Ba Mạ 2 mẫu ruộng, 5 sào đất vườn. Ông nói: Cha mẹ cho hai con chừng đó, đừng có tửu điếm trà đình, lo làm lo ăn. Cho các cháu học hành tới nơi tới chốn. Nay mai Ba nó hưu trí về phụ thêm làm ăn, không đại gia chứ cũng tiểu phú, con không lo cực đâu, bổn mạng con tốt lắm!
“Các con ơi, thân Mạ khổ lắm, Ông Bà ngoại mất rồi, ba đi công tác không thấy về, một mình Mạ ôm đàn con dại biết cậy nhờ ai đây, nghĩ mình như chàng Thúc bó tay… tứ cố vô thân, biết nhờ ai đây? Mạ như cờ túng nước. Thôi, mai đi tìm việc làm đã. Mới nói thì cậu Diêu (tức ông Nguyễn Văn Xuân) ra nói: O còn nhớ cấy lúa không? – Còn nhớ chứ, cơm ăn bữa mà không nhớ sao được. – Mai vô sớm nghe! Mạ hỏi: Cấy ở đâu anh? Anh nói: Phúc Trèn. Các con ơi! Mạ gánh một gánh mạ, chân không có dép, sỏi đá chông gai. Lên tới đồng ruộng, Mạ bước chân xuống bùn lầy, giá lạnh. Phúc Trèn hiu hắt đưa vào lòng Mạ quá chua cay. Nước mắt, nước mưa trộn một, Mạ tính bỏ ra về. Mà một mặt thì sợ cọp, một mặt sợ tối về không có chi cho các con ăn nên Mạ cố làm cho tối ngày. Lúc về tới nhà thì đàn con đứa ngủ, đứa đang khóc, đứa thì trông mẹ về…”
        Bản Chúc thư này tôi đã cho đánh máy vi tính và in ra nhiều bản phân phát cho các em mỗi người giữ một bản vừa để làm tài liệu lưu trữ vừa để làm kỷ niệm.
                                                ***
      Ngày 10 tháng 2 năm 1947, Pháp chiếm Quảng Trị. Thế là, Mạ tôi vừa đi làm thuê, làm mướn để nuôi chúng tôi và tham gia kháng chiến chống Pháp (Mạ tôi được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, thời 9 năm).Việc học hành của những trẻ nhỏ bị gián đoạn. Tôi đi ở chăn trâu cho một nhà giàu, để phụ giúp Mạ tôi nuôi các em.
        Bên bờ Phước Long Giang, ngày Giải phóng thủ đô 10/10/1954 – 10/10/2019
                                                                                             Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét