Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

284. Lung linh hạt ngọc thơ Đường luật



  284. LUNG LINH HẠT NGỌC THƠ ĐƯỜNG LUẬT
 (Trích Tùy bút: Tôi đi nhặt bụi vàng)

      Ngày 27 – 1 - 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Tiếng súng trên chiến trường miền Nam tạm ngưng. Ở miền Bắc, giặc Mỹ thôi leo thang chiến tranh phá hoại.
Trong năm đó, nhân dân ta lo khắc phục hậu quả chiến tranh. Cuối năm, ngày 24 – 12 – 1973 là ngày Giỗ đầu của đồng bào ta tử nạn trong cuộc ném bom rải thảm vào khu phố Khâm Thiên. Đây là tội ác của Không lực Hoa Kỳ, một tội ác trời không dung đất không tha.
Mười hai ngày đêm trên bầu trời Hà Nội năm 1972 đã thể hiện ý chí kiên cường của cả một dân tộc: “Thà chết chứ không chịu làm nô lệ”. Trận Điện Biên Phủ trên không này càng tô thắm thêm ngọn cờ Quyết chiến, quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Năm 1974, Henri Kissinger, một người Mỹ gốc Do Thái, nguyên Ngoại trưởng Hoa Kỳ và là Cố vấn an ninh Nhà Trắng đến Việt Nam. Ông ta được thăm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội. Ngay phòng đầu vừa ở cửa bước vào, một khung sơn son thếp vàng treo trang trọng là bài thơ của Lý Thường Kiệt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Các nhà báo trong và ngoài nước, những người cùng đi hôm đó đã rất ngạc nhiên khi Kissinger đưa bàn tay chỉ vào bài thơ và nói: “Đây là Điều I, Chương đầu của Hiệp định Paris”. (Hiệp định khẳng định chủ quyền của nước Việt Nam!). Lúc đầu chúng tôi cũng hơi ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì một tên trùm thực dân kiểu mới mà cũng hiểu thơ Việt Nam đến tận ngọn nguồn như vậy là một điều lạ.
Bài thơ thể Đường luật này lung linh tỏa sáng suốt cả một chặng đường dài lịch sử của dân tộc. Cuối năm 2003, tôi nhận được (qua Bưu điện) cuốn sách Bút Xưa V do chủ nhiệm Chiếu Thơ Đường Hà Tây Hoài Yên gửi tặng. Đây là một thi phẩm dày 740 trang, khổ 13 x 19, in trên giấy tốt, bìa cứng rất đẹp. Ở trang 53 có in bài thơ Hà Nội – nỗi nhớ của tôi.
Phần giới thiệu nhân thân vỏn vẹn chỉ có 2 dòng: Xuân Bảo/ Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai, một ảnh chân dung khổ 4 x 6 in ở góc trang. Tôi thật sự xúc động vì bài thơ này đã được đăng trên Tạp chí Sông Phố (bấy giờ là tạp chí Văn nghệ của Hội VHNT Đồng Nai). Bài thơ này cũng được tuyển vào tập Gặp gỡ Đất Phương Nam (NXB TP. Hồ Chí Minh) của Thành ủy thành phố chào đón giao thừa giữa hai Thiên niên kỷ, Xuân Canh Thìn năm 2.000, đồng thời kỷ niệm 900 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Tập sách chỉ chọn có 4 bài thơ.
Với tôi, đây là bài thơ đầu tiên viết theo thể luật Đường để nhớ về Hà Nội một thời trai trẻ và là nỗi nhớ da diết. Cảm xúc làm bài thơ này xuất phát từ đáy lòng, sau 20 năm sống giữa trái tim thân yêu của Tổ quốc:
Nhớ lắm Hồ Gươm, nhớ thiết tha
Nhớ đền Trấn Quốc, sóng Hồng Hà
Nhớ làng Võng Thị lung linh nguyệt
Nhớ trại Ngọc Hà rực rỡ hoa
Nhớ sáng Ba Đình cờ lộng gió
Nhớ chiều Bách Thảo nhạc hoan ca
Nhớ người yêu cũ ngày xưa ấy
Nhớ mối tình đầu dạ xót xa
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Bính phổ nhạc, ca sĩ Hà My trình diễn, in đĩa và phát hành. Xuân Giáp Thân, tôi nhận được giấy mời của nhà thơ Hoài Yên đề nghị gửi bài cho Bút Xưa VI, với chủ đề “Ngàn năm Thăng Long”, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì được góp tiếng lòng của mình về với Thăng Long – nơi mà những năm tuổi trẻ của tôi có nhiều gắn bó. Tôi là anh bộ đội miền Nam tập kết, được học hành, trưởng thành, lấy vợ và sinh con ở Hà Nội. Chỉ đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi mới rời thủ đô thân yêu để trở về phương Nam.
Tôi làm được 2 bài thất ngôn bát cú. Bài Hà Nội ngày về ghi lại kỷ niệm không phai mờ của anh lính Cụ Hồ tiến vào tiếp quản thủ đô (10/10/1954):

Rầm rập quân reo năm cửa ô
Từ đây xóa sạch bóng quân thù
Trường chinh nếm trải mờ hoa áo
Chiến tích bồi tô thắm sắc cờ…

Bài thơ Vẳng nghe trống trận Ngọc Hồi Là để nhớ lại những năm tháng ở Hà Nội thường cùng bạn bè, vợ con đi giỗ trận Đống Đa vào ngày mùng 5 Tết. Có những lúc thắp nhang lên đền thờ vua Quang Trung, từ trong sâu thẳm ký ức tâm hồn nghe giục giã tiếng trống trận vọng về.

Chuông chùa Trấn Võ luôn vang vọng
Trống trận Ngọc Hồi mãi vọng về
Rồng hiện trời Nam từ độ ấy
Thăng Long thành rộn khải hoàn ca
Hai bài này tôi gửi ra Phan Rang nhờ thi huynh Hoài Thu nhuận sắc và Hoài Thu  sẽ chuyển về Hà Nội cho nhà thơ Hoài Yên.

                               ***

Tôi cứ tưởng Mùa Cổ điển của Trường Xuyên Quách Tấn là bản cáo chung của thơ Đường luật  nước ta. Ông là một thi nhân trong Đồ Bàn tứ hữu (bốn người bạn thơ ở thành Đồ Bàn). Quách Tấn biểu tượng là Quy, sinh năm 1910, Hàn Mặc Tử, hiệu Lệ Thanh, biểu tượng là Long, sinh năm 1912, Yến Lan, biểu tượng là Lân, sinh năm 1914, còn Chế Lan Viên, biểu tượng là Phụng, sinh năm 1920. Long-Lân-Quy-Phụng là 4 linh vật được thờ phụng ở những nơi tôn nghiêm. Ngoại trừ Quách Tấn ra, còn 3 nhà thơ sau là những cây bút kiệt xuất trong phong trào thơ mới, tung hoành một thưở trên thi đàn Việt Nam. Riêng Quách tiên sinh thì vẫn chầm chậm, mải miết với thơ Đường luật. Thơ Trường Xuyên tinh xảo, hàm súc và khá cầu kỳ. Tuy nhiên, điều làm cho ông nổi tiếng là thể thơ thì cổ nhưng tình lại rất mới. Tập thơ Một tấm lòng của ông do Hàn Mặc Tử đề tựa, Quách tiên sinh có cái nhìn hết sức táo bạo, phóng túng trong cảm
hứng, rất mới, ngay cả lúc lạc hồn vào cõi xưa, đầy chất lãng mạn.

Giấc mộng ngàn xưa đang mải mê
Vùng nghe cảm hứng báo thơ về
Năm 1992, Trường Xuyên ra đi vào cõi vĩnh hằng để lại cho đời hơn ngàn bài thơ, kể cả thơ dịch; để lại nỗi buồn tê tái cho các thi hữu làm thơ Đường luật và những người yêu mến ngưỡng mộ thơ ông.
Những năm cuối Thiên niên kỳ II, thơ Đường luật Việt Nam bỗng hồi sinh và khởi sắc. Công đầu của việc sơ tuyển 10 năm thơ Đường luật (1990-2000) và những năm đầu thế kỷ XXI là thuộc về nhà thơ Hoài Yên. Ông lặng lẽ làm việc một cách nghiêm túc và khoa học để cho ra mắt độc giả cả nước 5 tập thơ Đường luật Bút Xưa và đang chuẩn bị cho xuất bản Bút Xưa VI. Một mình ông đọc, hiệu đính và nhuận sắc hàng vạn bài thơ của hàng nghìn tác giả trong cả nước, dấy lên một phong trào làm thơ Đường luật lan rộng từ thành thị đến thôn quê. Hàng chục, hàng trăm chiếu Thơ Đường, câu lạc bộ, nhóm Thơ Đường luật ra đời. làm tươi mới một dòng thơ tưởng chừng đã đi vào hoài niệm, đi vào dĩ vãng.
Các tập thơ Bút Xưa, tập nào cũng dày dặn trên sáu bảy trăm trang. Các tập Những nẻo tình thơ I và II, Sông Tiền quê mẹ (đã xuất bản đến tập XII) làn lượt ra mắt bạn đọc. Hội VHNT tỉnh Ninh Thuận trình làng 2 tập Khỏang trời quê hương, trong đó có một phần đáng kể là thơ Đường luật. Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản các tập thơ Đường luật: Màu nhớ, Tiếng lòng, Ngọt ngào quê hương. NXB Giao thông ấn hành các tập Ai nhớ tình ai, Hà Nội trong tim, Chưa nhấp đã say và đang chuẩn bị ra tiếp những tập thơ Đường luật khác nữa.
Nét độc đáo là các tập thơ Đường luật này có cách làm chung: ở mỗi trang tác giả đều có đăng sơ yếu lý lịch và ảnh chân dung. Khi phát hành rộng rãi các thi hữu được biết nhau qua những dòng ngắn ngủi nhân thân tác giả được in trong tập thơ. Dù chưa hề biết mặt nhau, nhưng họ cứ gửi thơ mời họa hoặc thơ để đăng. Tôi nghĩ rằng chỉ có thơ Đường luật mới có sự giao lưu rộng lớn như vậy. Cũng chính vì vậy mà:

Ngọn bút hết tình vì Tổ quốc
Trang thơ trọn nghĩa với Con người
                                   (Nhớ anh – Phan Ái)
Các nhà xuất bản cũng rất nhạy bén với thơ Đường luật. Họ thi nhau xuất bản những cuốn sách dạy làm thơ Đường luật. Có thể kể những cuốn nhập môn như Thi pháp thơ Đường của Quách Tấn (25 bức thư gửi bạn ham làm thơ Đường luật). Cuốn thơ Đường luật
tiếng Việt của Nguyễn Quang Toản, cuốn Đường thi tuyển dịch của Trương Đình Tín.
Đặc biệt có 2 cuộc Hội thảo tầm cỡ quốc gia đã được tổ chức. Vì sao 2 cuộc Hội thảo này đều được tổ chức một cách long trọng và nghiêm túc tại Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội? Đó chính là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với thơ Đường luật Việt Nam đương đại. Một lần nữa khẳng định thơ Đường luật Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời trong toàn bộ nền thi ca Việt Nam. Cuộc Hội thao lần thứ nhất diễn ra vào ngày 02-04-2000 (lúc mới có Bút Xưa I), với chủ đề Bút Xưa và thơ Đường luật trong thời kỳ đổi mới. Cuộc Hội thảo lần thứ 2 được tổ chức sau đó 2 năm 25 ngày, tức vào ngày 27-04-2002. Lúc này đã có tới Bút Xưa III, với chủ đề Bút Xưa và thơ Đường luật Việt Nam đương đại. Cuộc Hội thảo lần này, một lần nữa chứng minh một cách hùng hồn rằng Đảng ta luôn coi trọng mảng thơ Đường luật Việt Nam. Cuộc Hội thảo đã thu hút hơn 400 vị tham gia, có đủ thành phần: các nhà nghiên cứu Hán Nôm, các nhà ngôn ngữ học, các giáo sư, tiến sĩ ngữ văn, các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Điều đáng mừng là các nhà ấy đều có chung một tiếng nói, một ý nguyện “Giữ gìn, phát huy và đổi mới thơ Đường luật Việt Nam”. Tôi chăm chú đọc gần 20 bài phát biểu tham luận (kỷ yếu Hội thảo) và những
bài nghiên cứu khảo luận của nhà thơ Hoài Yên đăng trong các tập thơ Bút Xưa. Tôi ngộ ra một điều: Thơ Đường luật Việt Nam không thể chết mà nó mà nó còn lung linh khoe sắc với thời gian.
Đầu năm nay, vào dịp Tết Giáp Thân, Đài Tiếng nói Việt Nam – một cơ quan truyền thong đại chúng đã phát động cuộc thi họa thơ Đường luật do giáo sư – anh hùng lao động Vũ Khiêu xướng xuất với chủ đề ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Cuộc “chơi thơ” này sau một thời gian ngắn đã thu về được 3445 bài thơ họa (theo tổng kết của Ban Tổ chức). Mới hay, sức sống của thơ Đường luật Việt Nam quả là rất phi thường.

                                   ***
Có lẽ, qua Bút Xưa V, các thi hữu trong nước đã đọc thấy tên tôi nên có nhiều người gửi thơ mời tham gia Chiếu thơ Đường luật của họ và mời họa thơ như Cũ Ngọc Tế ở Hải Phòng, Hoài Thu, Đăng Tâm ở Ninh Thuận, Long Giang ở Vĩnh Long, Hạnh Phương ở Đồng Nai. Tôi cũng đã họa được ba, bốn bài và được đăng vào các tập thơ mà người mời họa xuất xướng.
Tôi tìm về quá khứ của thơ dân tộc Việt Nam và rất sảng khoái ngâm to lên bài thơ Tuyên ngôn Độc lập thứ nhất:
          Nam quốc sơn hà, Nam đế cư
Tôi đọc Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đặng Dung… rồi đến Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương. Khi đọc đến các nữ sĩ này, tôi có một băn khoăn là giờ đây tất cả các công trình nghiên cứu về thân thế tác giả chưa thấy đề cập đến. Đó là, không hiểu ai là người thầy đã dạy cho các bà làm thơ? Trong khi, thời đó phụ nữ đâu có được cắp sách tới trường? Dạy chữ Nho còn có nơi mà học, còn dạy cách làm thơ thì là ai? Trường nào mà đào luyện nên các thiên tài thi ca của đất nước lừng lẫy đến thế?!
Hai câu thơ nổi tiếng của vua Tự Đức lưu truyền cho đến nay khi so sánh các tài thơ:
Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường
Tôi tìm đọc Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát và Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương. Nhưng in sâu vào tâm hồn tôi là thơ của một ông vua: Lê Thánh Tông. Đọc Lê Thánh Tông và Tao đàn nhị thập bát tú mới sung sướng làm sao! Một ông vua, đời sau, đã xuống chiếu giải oan cho đại thi hào Nguyễn Trãi, phong tặng cho Ức Trai tiên sinh là Sao Khuê. Hai mươi tám nhà thơ quây quần chung quanh chủ soái Tao đàn làm nên một nền thơ rực rỡ của thi ca Việt Nam. Một ông vua làm thơ đã biết thương xót đến những nhân vật nghèo
hèn nhất. Ông làm thơ nói lên số phận của những người đánh cá, hái củi, chăn trâu, đi cày (trong chùm Vịnh tứ thú). Ông vua nhà thơ này vi hành khắp đất nước để thấu hiểu đời sống của thần dân. Ông biết đến nỗi oan của vợ chàng Trương:

Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ
Cung nước chi cho lụy đến nàng

 Hoặc như:

Thấy dân rét mướt nghĩ mà thương
Vậy phải lên ngôi gỡ mối giường

Ông vua hiền triết này, có cái nhìn “vạn sự nhất thể, thấy được cái vĩ đại trong cái bình thường, cái may trong cái rủi, cái đẹp trong cái xấu. Lê Thánh Tông là một thi nhân hội đủ 3 yếu tố: trí tuệ phong phú, tài sáng tạo thơ ca và tính lảng tử trong tâm hồn. Ai bảo thơ Đường luật chỉ dành cho những gì cao xa, bác học. Thơ Lê Thánh Tông rõ rang đã phản bác lại cách nghĩ đó.
Bất giác, tôi nghĩ rằng: sao những bài thơ Nôm Đường luật ấy có sức sống bền bỉ trong nhân dân đến thế. Mỗi người Việt Nam, ít nhất cũng thuộc được
 vài ba câu thơ hoặc một vài bài của nữ sĩ Xuân Hương. Ai mà không nhớ bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Chỉ một  từ “Rợ” hay “Chợ” trong câu “Lác đác bên sông rợ mấy nhà” thôi mà tờ Văn nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam tốn không biết bao nhiêu là giấy mực để tranh luận. Tôi nghĩ: Giá mà để diện tích mặt báo đó đăng tải những bài thơ Đường luật có hơn không?
Tôi đã có một một baì phát biểu về Vài suy nghĩ về thơ Đường luật Việt Nam hôm nay. Các cơ quan văn học như Ủy ban Toàn quốc Các hội văn học-nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà Văn Việt Nam, Viện Văn học, Viện Hán Nôm và cả Hội đồng Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nên chú ý đến dòng thơ Đường luật Việt Nam đương đại, phải coi đó là một bộ phận của nền thi ca Việt Nam trước đây, hiện nay và cả sau này nữa. Cơ quan ngôn luận của các cơ quan nói trên như tờ Văn nghệ, Diễn đàn Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn…nên giành một tỷ lệ thích đáng  để đăng thơ Đường luật cùa các nhà thơ hiện đại; có cả phần lý luận, phê bình, không nên để mảng thơ Đường luật Việt Nam nằm vẻn vẹn chưa đầy một cột báo trong mục Thơ vui, Thơ châm, Thơ trào phúng…Thơ Đường luật Việt Nam đương đại đâu chỉ có mấy ông Tú Sụn, Tú Sừng, Tú Sót…Tôi hoan nghênh các tờ báo Đại Đoàn Kết, Người Cao Tuổi, Văn Nghệ thành
phố Hồ Chí Minh và báo điện tử Quê Hương có trang thơ Đường luật. Tôi cũng rất mừng các hội VHNT địa phương đã thành lập các câu lạc bộ, chiếu thơ Đường và đã xuất bản những tập thơ Đường luật khá công phu.
Để có nhiều người tham gia làm thơ Đường luật, hiểu nhanh và làm được kỹ. Tôi có bàn với nhà thơ Hoài Yên soạn cuốn  Thi pháp thơ Đường luật toát yếu, chừng non trăm trang cung cấp cho bạn làm thơ nắm những điều cơ bản về niêm luật, đối ngẫu, từng bước nâng dần  trình độ thưởng thức và sáng tác thơ Đường luật.
Hiện nay, các nhà thơ tự bỏ tiền ra in thơ khá phổ biến. Mỗi người Việt Nam là một nhà thơ. Đó là cách nói để tôn vinh một nền thi ca 4000 năm văn hiến của dân tộc. Thực ra, để vươn tới “Ngôi đền thi ca” và khẳng định được “thơ ra thơ” là vô cùng khó khăn. Tôi rất buồn khi đọc những vần thơ sau đây của một hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam:

Tay em mềm mại cầm panh
Cầm dao mổ xẻ tan tành vết thương

(Hỡi người chiến sĩ của H.T.H. trong tập thơ Giải phóng – NXB Đà Nẵng .2001)
Chao ôi, kinh quá!
Hoặc:
Máu các anh sáng trên đầu mẹ
Vuông vắn năm khung trời nhỏ bé
Mẹ soi đời mình qua xương thịt các con
(Nén nhang trong của P.T.Q.)
Thật tôi không sao hiểu nổi! Máu và máu!

                                   ***

Nhà thơ Phạm Vũ, tên thật là Phạm Vũ Thuộc, nguyên là phóng viên chiến trường của báo Quân đội Nhân dân. Sau giải phóng ông về làm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng.  Ông là người viết Lời bình cho đêm sân khấu Lễ hội Hoa Đà Lạt 110 năm hình thành và phát triển vô cùng hoành tráng, có tới 5 chương với những lòi thơ rất đẹp, rất trau chuốt. Ông có một ước vọng thành lập riêng một giải văn chương chỉ lấy phần Thơ, có tên là Giải Hồ Xuân Hương. Hàng năm đều có xét giải và số tiền thưởng sẽ lên tới mấy trăm triệu đồng lấy từ lợi nhuận của công ty TNHH của ông. Ông nói với tôi rằng: Mình sẽ thuê hai người đọc hết cả số sách thơ (anh phân biệt sách thơ khác với thi tập) xuất bản trong năm, chọn ra tác phẩm xứng đáng để trao giải.
Tôi hỏi vì sao anh không lấy tên một nhà thơ nổi tiếng đương đại mà đặt tên giải?
Anh trả lời: Hồ Xuân Hương là Bà Chúa thơ Nôm, dân gian nhiều người biết tới. Còn thơ của tôi (tức nhà thơ Phạm Vũ) và của ông 9 tức nhà thơ Xuân Bảo), hỏi có mấy ai thuộc, nếu không đưa vào sách giáo khoa?  Mà có đưa vào thì chưa chắc mấy triệu học sinh phổ thông có bao em thuộc? Bài thơ Thiếu nữ ngủ ngày có khác chi bức tranh khỏa thân của một danh họa Ý-Đại-Lợi thời Phục hưng!

Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch dào nguyên suối chửa thong

Tôi cầu chúc cho Giải Thơ Hồ Xuân Hương của nhà thơ Phạm Vũ mau chóng thành hiện thực, Và tôi sẽ xin “làm thuê” cho anh để được đọc sách thơ cả nước.
 Bên bờ Phước Long Giang, ngày 20 tháng 9 năm 2019
(Sao lại từ sách Bút Xưa, Tuyển tập Thơ Đường luật Việt Nam    20 năm hồi phục.1990-2010, có sửa chữa bổ sung).

Nhà thơ Xuân Bảo
















































        Phần thứ hai.

NHỮNG BÀI THƠ ĐƯỜNG HAY

CỦA THI SĨ VIỆT NAM.

Trước khi bàn về các bài thơ thất ngôn bát cú đường luật ta phải hiểu được đó là gì. Thơ đường luật xuất hiện từ đời nhà Đường của Trung Quốc, thơ đường luật có các dạng như thất ngôn bát cú (8 câu, mỗi câu 7 chữ), thất ngôn tứ tuyệt (4 câu, mỗi câu 7 chữ), ngũ ngôn bát cú (8 câu, mỗi câu 5 chữ) hay ngũ ngôn tứ tuyệt (4 câu, mỗi câu 5 chữ). Nhìn vào độ đa dạng của thơ Đường luật đã thấy được nền văn học Trung hoa lớn mạnh thế nào, các quy tắc chung đó được người dân Việt Nam tuân theo và cho ra khá nhiều tác phẩm hay, nổi tiếng.
Và cũng đã biến thể ra thêm nhiều thể như: trong 1 bài thất ngôn bát cú lại có những  câu chỉ có 6 chữ (thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm…) Lại có những bài trường thiên, có đến 20 câu như bài Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang.
Đặc biệt, nhà thơ Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên) đã sáng tạo ra loại hình thơ Đường luật nhưng mang
đặc điểm hoàn toàn của văn Nôm Việt Nam nên được gọi là thơ Hàn luật.







1.     NAM QUỐC SƠN HÀ*

         Phiên âm Hán Việt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

                            Dịch thơ

Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

__________
*Từ xưa, nhân dân ta coi đây là Bản Tuyên ngôn Độc lập thứ nhất của Lý Thường Kiệt. Tuy nhiên bài thơ này còn xuất hiện trước đó. Do vậy vẫn tồn nghi.










2. THƠ HỒ CHÍ MINH

                CHƠI TRĂNG
                                       Nhị thủ
Gặp tuần trăng sáng dạo chơi trăng
Sẵn nhắn vài câu hỏi chị Hằng:
“Non nước tơi bời sao vậy nhỉ?
Nhân dân cực khổ biết hay chăng?
Khi nào kéo được quân anh dũng
Để dẹp cho tan bọn nhố nhăng
Đất Việt bao giờ thì giải phóng?
Nói cho nghe thử hỡi cô Hằng”.

*
Nguyệt rằng: “Tôi kính trả lời ông
Tôi đã từng soi khắp núi sông
Muốn biết tự do chầy hay chóng
Thì xem tổ chức khắp hay không?
Nước nhà giành lại bằng tài sắt
Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng
Tổ chức tuyên truyền càng rộng rãi
Tức là cách mạng chóng thành công”.











3.     BÀ HUYỆN THANH QUAN

           Qua Đèo Ngang

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta

.















4.     ĐẶNG DUNG

                         
   Thuật hoài (Cảm hoài)

Việc đời man mác, tuổi già thôi!
Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi
Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
Tan tành sự thế luống cay ai!
Phò vua bụng những mong xoay đất,
Gột giáp sông kia khó vạch trời.
Đầu bạc giang san thù chưa trả,
Long Tuyền mấy độ bóng trăng soi.

 (Bản dịch Thơ của Tản Đà)













5.     TRẦN TẾ XƯƠNG

Thương vợ

    Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!
Có chồng hờ hững cũng như không!


















6.     VUA TRẦN MINH TÔNG

        Bạch Đằng Giang

Giáo gươm lởm chởm núi non dày
Mặt bể rung rinh sóng tuyết bay
Đất ráo mùa xuân hoa dệt gấm
Thông reo gió tối lá khua mây
Giang sơn sau trước hai phen rạng
Hồ Việt hơn thua một chớp bày
Đỏ rực ráng chiều in đáy nước
Ngỡ rằng máu giặc hãy còn đây.


                         (Hoàng Việt Thi Văn Tuyển)













7.     NGUYỄN KHUYẾN

Bạn đến chơi nhà

Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ;
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
















8.     LƯƠNG THẾ VINH

     Theo vua đi đánh miền Tây
                                           
      Kính họa bài thơ TƯỚNG SĨ NHỚ NHÀ
                   của Vua Lê Thánh Tông.

Nghĩa nước tình nhà muốn vẹn hai
Non quê mây trắng ngóng xa vời
Trống canh lặng đếm, hồn mơ mẩn
Quán khách nằm suông, dạ ái hoài
Rầu rĩ ngựa kêu muôn dặm đất
Mịt mù nhạn vắng một phương trời
Treo cung chí quyết y kỳ hẹn
Trở lại kinh đô gió thảnh thơi.

                (Hoàng Việt Thi Văn Tuyển)












9.     NGUYỄN CÔNG TRỨ

          Thú điền viên
                
 Mãi thế rồi ta sẽ tính đây
Ðiền viên thú nọ vẫn xưa nay
Giang hồ bạn lứa câu tan hợp
Tùng cúc anh em cuộc tỉnh say
Tòa đá Khương công đôi khóm trúc
Áo xuân Nghiêm tử một vai cầy
Thái bình vũ trụ càng thong thả
Chẳng lợi danh chi lại hóa hay.

















10.                     QUÁCH TẤN

Đá Vọng phu

Chồng đi biệt tích tự bao giờ
Một góc trời riêng một dạ chờ
Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ
Non chồng nghĩa nặng cao vòi vọi
Nước vướng tình sâu chảy lững lờ
Dâu bể đã bao đời kiếp trải
Lòng son một tấm mãi trơ trơ.















11.                     NGUYỄN BỈNH KHIÊM

 Nhân Tình Thế Thái

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
















         12.  HỒ XUÂN HƯƠNG

Đề tranh tố nữ

Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Ðôi lứa như in tờ giấy trắng.
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.
Xiếu mai chi dám tình trăng gió,
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh,
Còn thú vui kia sao chẳng vẽ,
Trách người thợ vẽ khéo vô tình.









Tranh minh họa bài  Đề tranh Tố nữ






13. NGUYỄN TRÃI

Góc Thành Nam

                Thủ vĩ ngâm

Góc thành Nam, lều một gian,
No nước uống, thiếu cơm ăn.
Con đòi trốn, dường ai quyến,
Bà ngựa gầy, thiếu kẻ chăn.
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá,
Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn.
Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải,
Góc thành Nam, lều một gian.
______________
*Đây là bài thơ Đường luật phá cách, viết theo âm Hán Nôm. Người mở đầu là Nguyễn Thuyên, còn gọi là Hàn Thuyên và thơ làm theo thể Đường luật được gọi là thể thớ Hàn luật.









   14.NGUYỄN THUYÊN –HÀN THUYÊN*

Xuân
Hoa nở, lộc hường, xuân lại xuân,
Cỏ cây mơn mởn đón đông quân.
Bướm ong bay rộn. Trời đang ấm
Mừng mảng trăng xuân sáng bội phần
Gió nồm
Ra tết hây hây gặp gió nồm
Cỏ loang mặt đất. Lúa xanh om
Người hòa tươi tốt. Cảnh hòa lạ
Biếc một ngàn xa. Biếc núi non...

* Chú giải.Nguyễn Thuyên và Văn học Nôm.
Trên chặng đường phát triển văn Nôm một cái tên được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến là Hàn Thuyên. Ông vốn họ Nguyễn, người Thanh Lâm (nay là phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương), đậu Thái học sinh, làm quan đời vua Trần Thái Tôn, không rõ năm sinh và năm mất. Dương Quảng Hàm, trong Việt Nam văn học sử yếu, cho rằng: "Ông là người đầu tiên biết làm thơ phú bằng quốc âm, nên ông có thể coi là ông tổ của văn nôm”.
Phi sa giản tập là tập thơ được nhiều người khen ngợi. Phi sa giản tập viết về làng cảnh, thiên nhiên, đa phần là thơ cách luật. Thơ nôm theo kiểu Đường luật từ Nguyễn Thuyên, về sau được nhiều người hưởng ứng làm theo như Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, Hồ Quý Ly... Và vì ông là người đầu tiên dùng luật thơ Đường làm thơ Nôm nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là Hàn luật (Hàn: Hàn Thuyên) là để ghi lại công trạng này.






15. PHAN BỘI CHÂU

Xuất dương ly biệt

Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai ?
Non sông đã mất, sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài
Muốn vượt bể Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

                       Bản dịch Thơ của Tôn Quang Phiệt














16. NGUYỄN DU

Xuân dạ

Đêm xuân nào thấy ánh dương trong,
Hàng liễu âm u đứng trước song.
Ốm liệt, giang hồ bao tháng trải,
Xuân về, mưa gió suốt đêm ròng.
Lâu năm đất khách đèn chong lệ,
Ngàn dặm quê hương nguyệt dãi lòng.
Ngoài xóm Nam Đài, Long Thuỷ chảy.
Trôi hoài kim cổ một dòng không.

















         17. CỤ ĐỒ CHIỂU

        Từ biệt cố nhân

Vì câu danh nghĩa phải đi ra,
Day mũi thuyền nan dạ xót xa.
Người dễ muốn chi nương đất khách,
Trời đà khiến vậy mến vua ta.
Một phương thà tránh đường gai gốc,
Trăm tuổi cho tròn phận tóc da.
Chén rượu ấm lòng xin cạn chén,
Nhớ nhau ngày khác biết sao mà.
















18.VUA LÊ THÁNH TÔNG

Vịnh Thằng Mõ

Mõ này cả tiếng lại dài hơi
Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi
Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi
Kim thanh chuyển động khắp đôi nơi
Trẻ già chốn chốn đều nghe hiệu
Làng nước ai ai cũng cứ lời
Thứ bậc dưới trên quyền cắt đặt
Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi.




















19.VUA TRẦN NHÂN TÔNG




Cảnh xuân

Véo von chim hót, liễu đầy hoa
Thềm vẽ mây in bóng xế tà
Khách đến chẳng bàn chi thế sự
Lan can cùng tựa ngắm trời xa.

















20.HUỲNH THÚC KHÁNG

      Lộc Khê Đào Duy Từ

Bể dâu thay đổi mấy triều cương
Lũy cũ xanh xanh một giải trường
Rêu đá lờ mờ kinh Hổ trướng
Gió lau leo lắt phú Long Cương
Non sông trơ đó, Thầy đâu vắng?
Con cháu còn đây, giống vẫn cường
Công đức miệng người ghi tạc mãi
Ngàn thu mấy kẻ biết trông gương!

















21. VUA TỰ ĐỨC

Khóc Bằng Phi*


 Ới Thị Bằng ơi! Đã mất rồi,
 Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ơi!
  Mưa hè nắng chái oanh ăn nói,
  Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồị
  Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
  Xếp tàn y lại để dành hơị
  Mối tình muốn dứt càng thêm bân,
  Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi
_________
  *Có giả thuyết cho rằng bài thơ này của Nguyễn Gia Thiề


















22. TUY LÝ VƯƠNG MIÊN TRINH

Khốc Thương Sơn Tiên sinh
                                         Lương An dịch thơ

Đạo tánh nguồn xa riêng hiểu thông
Cửa thầy còn thẹn thuở ngồi chung
Một dòng lệ máu tràn trang biểu
Ngàn khúc thơ ca dội núi sông
Đầu bạc bơ vơ thêm khổ kiếp
Suối vàng chơi nhởi hẳn cam lòng
Tình thâm há chỉ nồng như lửa
Vì cả làng nho xót chẳng cùng.















         
23. MÃN GIÁC THIỀN SƯ

Cáo thật thị chúng

Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết;
Đêm qua, sân trước, một cành mai.

Ngô Tất Tố dịch thơ











24 .NỮ SĨ NGÂN GIANG – ĐỖ THỊ QUẾ

     Trưng Nữ Vương

Thù hận đôi lần chau khoé hạnh
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi

Ngang dọc non sông đuờng kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai
Bốn phương gió bão dồn chân ngựa
Tám nẻo mưa ngàn táp đoá mai

Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi

Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non hồng quét sạch bụi trần ai
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời...

Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi
                                                1939

Lời bình. Thơ Đừơng luật đến Việt Nam đã biến hóa vô cùng phong phú. Bài Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang là một ví dụ. Đây là bài thơ Đường luật viết theo thể trường thiên, trừ hai cặp đầu và cuối, còn lại 16 câu tạo thành 8 liên đối ngẫu hết sức chỉnh tề.

                  Bên bờ Phước Long Giang, ngày 10/9/2019

                                Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét