Trang

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

360. Tưởng nhớ nhà văn NGuyễn Duy Thinh

 

 

360. TƯỚNG NHỚ NHÀ VĂN NGUYỄN DUY THINH

 

 TƯỞNG NHỚ NHÀ VĂN NGUYỄN DUY THINH

Nhà văn Nguyễn Duy Thinh sinh năm Canh Thìn (1940) tại xã Yên  Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Tốt nghiệp lớp 10,phổ thông trung học, anh lên Hà Nội học Đại học Bách khoa, Khoa Mỏ -Địa chất. Vào những năm đầu khi Hòa bình năm 1954 mới được lập lại ta chưa tách bạch các khoa mà gộp chung vào bách khoa. Anh ra trường, lăn lộn với núi rừng Việt Bắc rồi Tây Bắc – Nơi nào có quặng, có mỏ là anh tìm đến – Vì vậy tuổi nghề địa chất của anh cũng kha khá, ngót nghét 16 năm. Qua thực tế, anh tích lũy vốn sống và đã viết thành công một số truyện ngắn. Khi thành lập Hội Văn nghệ Đồng Nai (22-12-1979) và sau đó mấy tháng Nguyễn Duy Thinh được in chung cùng nhà văn Lý Văn Sâm, Chủ tịch Hội trong cuốn sách đầu tay của hội, cuốn Bến Xuân. Thấy anh có triển vọng nghề cầm bút nên anh Hai Lý đã gửi anh vào trường Viết văn Nguyễn Du. Đây là khóa đầu tiên của hội Nhà Văn Việt Nam. Cùng học khóa đó có nhà văn Lý Biên Cương, sau được phản công về Vùng Mỏ ( Quảng Ninh ).Tôi cũng xin nói rõ về ngôi trường này. Trường Viết văn Nguyễn Du được thành lập năm 1979. Đối tượng chiêu sinh là những ai đã có tác phẩm xuất bản. Bất kể người đó là giáo sư, tiến sĩ hay chỉ mới học đến lớp 7, lớp 8 phổ thông với 4 tiêu chí quy định rõ:1) có năng khiếu văn chương,2) có ý thức về số phận của đất nước, của dân tộc, 3) có ý thức về số phận con người và 4) có kiến thức toàn diện. Mỗi lớp cũng chỉ thu hút được khoảng ba bốn chục người và cũng chỉ tập trung tại trường khoảng từ 3 đến 6 tháng. Tháng 7 năm 2004 thì trường tạm ngưng. Năm 2006 tái lập. Trường hiện nay đã được xây dựng khang trang có 6 tầng tọa lạc ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Hiệu trưởng là giáo sư Phan Hồng Giang và 2 hiệu phó là nhà văn Ma Văn Kháng và nhà thơ Vũ Quần Phương. Khóa K14 sẽ tuyển sinh vào đầu năm 2013.

                  Đất nước hoàn toàn giải phóng. Nguyễn Duy Thinh rẽ ngang sang lối khác. Anh về Đồng Nai, nơi có ông chú ruột là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Trọng Tâm được cử sang nắm giữ ngành thương nghiệp. Anh về Sở Thương nghiệp Miền Đông, sau này là Ty Thương nghiệp Đồng Nai, với chức vụ Trưởng phòng Tổ chức – Cán bộ.

                 Trong những ngày đầu vận động thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai. Tôi và Nguyễn Duy Thinh được nhà văn Lý Văn Sâm ủy thác làm rất nhiều việc, từ khâu nội dung, khánh tiết đến khâu nội cần. Tôi đã viết những kỷ niệm ngày đầu thành lập Hội trong ký ức Nhớ gì ghi nấy, với tựa đề là Những ngày đầu ở Hội Văn Nghệ Đồng Nai.

                  Hôm nay tôi cho đăng lên trang mạng của tôi một thiên truyện ngắn, có nhan đề là Hoa pensée, chiều mưa Đà Lạt- đây là nén hương tôi thắp cho người bạn chí cốt đã từng gắn bó nhiều năm trong Hội Văn Nghệ cũng như trên mảnh đất Đồng Nai yêu thương này.

***

                     HOA PENSÉE, CHIỀU MƯA ĐÀ LẠT

                                         Truyện ngắn của Nguyễn Duy Thinh

"Hoa pensée nghĩa là hoa nhớ nhung "...                                                                             "Nổi lên trên tất cả là màu tím thủy chung.(Thơ Xuân Bình)                                                                                                                                                                        

Nhà văn Nguyễn Ngữ không còn trẻ nữa và ông đến Đà Lạt không phải lần đầu.Nhưng với thành phố kiêu sa đầy thơ mộng này, ông có một mối đa cảm huyền diệu đến kỳ lạ. Ông dị ứng với tất cả những thói giao du ồn ào, xô bồ huênh hoang hoặc lập dị của mấy cha không phân biệt nổi hai khái niệm: Nhà văn và hội viên Hội Nhà văn.

Khi xe dừng lại trước cổng Nhà Sáng tác, ông là người xuống xe sau cùng, hít căng lồng ngực không khí mát lạnh thơm nức bụi vàng hương cúc dã quỳ, rồi chậm chạp leo lên triền dốc nghiêng nghiêng. Ở quầy lễ tân, ông nhận chìa khóa phòng số 16 quen thuộc, lên ngay phòng như ma đuổi và đóng cửa lại.

Trời lạnh hơn khi ông tỉnh dậy, hé cửa đón tiếng reo quý phái khó nhận ra của cây thông già đơn côi đã đứng đó từ nhiều thế kỷ. Có tiếng gõ cửa, một gã lạ hoắc đến đưa ông tờ cạc vi-dít “Nguyễn Văn Y- nhà văn”, khi anh ta vừa được kết nạp vào hội. Ông khẽ gật đầu, cặp mắt không cảm xúc. Y làm ra vẻ hiểu biết: Làm gì có tiếng thông reo, ngoài tiếng phi lao gầm rít!

Ông không muốn những tranh cãi vô bổ, vì lẽ thông và phi lao cùng một họ, nhưng tiếng hát và tiếng hú khác nhau, tựa như nhà văn ở trong hội Nhà văn, nhưng không phải ai ở trong hội thì đương nhiên cũng là nhà văn! May quá ! Một tấm pa-nô chưa kịp gỡ ngoài hàng thông còn nhắc ông tới Lễ hội 115 năm của thành phố này.  Ông đóng chặt cửa để khỏi nghe tiếng thông reo và quyết định phải gặp V, để hỏi, với tư cách  nhà văn ngồi ở ghế cao  nhất trong Hội,tại sao V chỉ in được mấy trăm cuốn sách nói về Đà Lạt 115 năm?  Đã nghĩ là phải làm bằng được. Nhà văn dậy sớm. Ông bỏ ăn sáng, đội mưa bụi và gió lạnh đi bộ đến trụ sở của Hội Văn học - Nghệ thuật. Một cô ở Văn phòng hội đến làm việc sớm nói trong hơi nước bốc khói:

-Nhà văn V đang chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng. Ông vui lòng chờ đợi có lẽ không thể sớm hơn một giờ.

-Tôi sẵn sàng, nhà văn trả lời. Tôi đã đi hàng mấy trăm cây số tới đây, dĩ nhiên tôi có thể chờ.

Nhà văn lặng lẽ đi lại trong phòng khách. Ông đặc biệt chú ý tới một tượng gỗ phụ nữ bán thân, đẽo bằng rìu với cách điệu bộ ngực đồ sộ đang đòi quyền làm mẹ.

- Thưa ông. Cô văn phòng lại nhả khói hơi lạnh- để Bạch Dương đưa ông lên gặp ông chủ tịch.

       \ - Không cần, tôi tự đi một mình.

Nhà văn đặt những bước chân lên thang gác bằng gỗ chật hẹp chiều ngang và dốc đứng. Tiếng vang và rung nhẹ như đánh thức quá khứ. Đúng lúc đó, một cháu gái đã nhảy từng bước hai bậc thang, lách ngang qua, vượt lên trước nhà văn.

-Cháu xin lỗi, cháu vội quá, cháu phải lên trước để dẫn đường!

Nhà văn đỡ và giữ lại đôi vai chưa kịp tròn, bé nhỏ trong chiếc áo măng-tô của cô gái.

-Cháu đẹp quá. Bác đã gặp đôi vai bé nhỏ trong chiếc áo măng-tô màu xám lông chuột này ở đâu?

            Cô gái cúi đầu biết ơn, vượt lên trước, lát sau quay lại:

 -Thưa, nhà văn V đang đợi bác.

 -Tội nghiệp, bác đã làm hỏng chiến công đầu giờ làm việc của cháu. Bây giờ thì không cần nữa. Cháu hãy xin lỗi nhà văn V cho bác…Bạch Dương, có phải tên con không. Con đã cho ta niềm hạnh phúc bất ngờ mà ta đã chờ đợi suốt hai mươi năm trời đằng đẳng.

Bạch Dương tiễn nhà văn ra cổng.

 -Thưa bác, cháu hy vọng có ngày gặp lại.

 -Khoan đã, búp bê Bạch Dương…cháu nói như người Nga nói…Đôi vai

nhỏ trong áo măng-tô san…vai áo ướt, tóc ướt sáng lên của cháu là những bông tuyết đầu mùa mới tan!

-Thưa, có lẽ bác nói về một kỷ niệm!

 - Hãy chỉ cho bác một đường phố đẹp nhất của Đà Lạt, có nhiều góc quanh co và có tiếng vó ngựa gõ buồn như đồng hồ đếm thời gian.

          - Bạch Dương nép sát đầu vào vai áo cũng đầm mưa bụi của nhà văn.

          - Ôi! Bác cứ như là “Bình minh mưa” của nhà văn Pau-tốp-ski ấy bác nhỉ!

          -Tại sao cháu biết “Bình minh mưa”. Nước Nga xa lắm!

- Cháu sinh ra ở nước Nga và “Bình minh mưa” là một truyện ngắn mẹ cháu đã dịch trong một đêm lạnh, tuyết bay đầy trời.

                                             ***

Bạch Dương về nhà sớm hơn mọi ngày. Ánh nắng ấm áp làm những bông cúc dã quỳ ngoài tường vi càng vàng hơn. Bạch Dương ríu rít như chim:

          -Mẹ, hôm nay con gặp một người Nga…

          -Các chú ở Vietso-pêtrô chứ gì.

-Không mẹ ạ, một người Nga thực sự. Bác ấy muốn nghe tiếng vó ngựa Đà

Lạt gõ móng trên đường phố lạnh như trong truyện “Bình minh mưa”, mẹ đã dịch ở Nga.

-Giời ơi! Bạch Dương của mẹ. Mẹ muốn trốn trong im lặng mà cũng không được nữa…con đã nói những gì?

-Mẹ, con thương mẹ, không muốn mẹ cô đơn trong tiếng vó ngựa bước một của “Bình minh mưa”…vì vậy con đã nói hơi nhiều.

-Bạch Dương vào bếp giúp mẹ, tự nhiên tay mẹ lạnh buốt. Mẹ lên phòng nghỉ một chút nhé!

          -Con hy vọng không làm mẹ buồn

           -Đấy, con lại nói một câu rất Nga.

Chị Quỳnh Hương ôm chiếc gối ấm áp nằm xuống nệm mà vẫn lạnh. Cái lạnh của nước Nga hồi chị du học bên đó. Chị nhớ lại.

-Tú Lệ, người bạn trai đồng hương mình đem đến đêm trước đâu rồi, anh ta tên là gì.

-Đi rồi, dĩ nhiên hắn qua đêm ở đây. Còn tên nó là Đurắc (tiếng Nga: thằng ngu)

-Mày vẫn không bỏ lối nói dấm dẳng và thiếu chủ từ của dân xứ Nghệ nhà mày. Hôm đó con Onga có nhà không? -Onga đi chơi với thằng ria mép, mình tao sở hữu chàng trai.

Hương giận dữ ra khỏi phòng, gót dày gõ rất mạnh ngoài hành lang. Lần sau Hương lại tới.

          -Onga, thằng bạn Việt Nam tao dẫn tới hôm trước, nó tên gì?

Mày hỏi con Tú Lệ rõ hơn, tao đọc tên phiên âm ra tiếng Nga là ngu.

Hương lại thất vọng đi xuống, nghĩ ngợi, ngu theo phiên âm tiếng Nga, không có dấu, có thể tên bạn ấy là Ngư hoặc Ngữ. Hương sang khoa Địa chất tìm kiếm. Ở đây các bạn Nga cho biết nhóm sinh viên Việt Nam mới đến đã đi Bacu học hóa dầu. Hương điện xuống Bacu, được trả lời chi tiết hơn. Mười hai bạn đi Xibêri nghiên cứu nham tương các tầng chứa quặng nhiệt dịch. Nước Nga rộng lớn và xa lạ tìm làm sao được bạn ấy nữa, phải chi hôm đó Hương rộng mở cửa phòng cho bạn ăn một chút gì đó nong nóng rồi gà gật ngủ qua đêm bên lò sưởi.

Từ một học sinh giỏi con nhà nghèo, ở thôn quê, ít giao tiếp, nơi xa nhất, đẹp nhất, Hương đã đến là thành phố Nam Định quê hương. Lời “ong bướm” lần đầu tiên được nghe từ một gã giáo vụ nơi Hương học tiếng Nga trước khi sang Nga là: “Chem bôn se chen lút se” ( tiếng Nga là càng lớn càng tốt) khi y sỗ sàng đặt tay lên ngực Hương. Hương ghê tởm run sợ bỏ chạy. Lần thứ hai gần bạn trai là ở thang gác trường Đại học Tổng hợp Matxcơva. Xin cho phép mình hỏi phòng 137 tầng thứ 5, mình là người Việt, hãy nói tiếng quê mẹ, bạn đẹp quá, nhất là cái áo măng-tô màu lông chuột rất hợp với  nước da của bạn. Khi chia tay : Tay bạn lạnh quá, mình muốn nắm tay bạn cho tay bạn ấm lại. Cảm ơn Bạn giữ găng tay của mình mà dung, con gái không nên để tay mình lạnh, mình ở nước Nga trước bạn một năm, đã quen. Cũng có thể người Nga có câu: Ai tay lạnh người đó có tâm hồn nồng cháy. Đó là một lời nói hay. Lẽ ra bạn phải học khoa ngôn ngữ như mình. Bộ Đại học đã phân mình học địa chất. Tạm biệt, hẹn gặp lại. Nhất định, dù phải đi cùng trời cuối đất mình sẽ tìm thấy bạn. Mình hôn bạn nhé! Một nụ hôn lướt nhẹ trên môi. Bạn đi rồi Quỳnh Hương khóc một mình. Những bông tuyết trắng vô tình bay ngang hờ hững đậu lại trên bàn tay Hương.

          -  Bạch Dương, cái gì khét trong bếp đó con?

          - Trứng chiên mẹ ạ. Thôi mẹ đừng mắng, con sẽ làm lại.

           - Cảm ơn con gái yêu của mẹ. Mẹ biết con rất giỏi luộc trứng, hãy làm đi!

Có tiếng cười của Bạch Dương từ trong bếp vọng lên, nhưng mẹ Hương thì không cười được. Quá khứ lại ập về với mùi khét khê nồng.

-Mày tên là Hương mà chẳng hương chút nào. Răng mà mi đeo bám Tú Lệ này mãi vậy? Nước mắt tao không chảy xuôi đâu! Mày hãy quên cái thằng Đurắc của mày đi. Tao yêu nó … và đã có một em bé trong bụng tao. Đây này. Mày không tin hả? Tao chỉ không tin là mày lại làm điều tội lỗi ấy ngay trong ký túc xá này. Mày quê quá, yêu và thương con là quyền thượng đế ban cho người phụ nữ.Tao không cùng thượng đế với mày. Cút đi, đồ nhà quê!

Mấy tháng sau. Tú Lệ cho người gọi Hương đến bệnh viện: Thằng Đurắc nó quất ngựa truy phong.Tao nỏ cần. Tao bỏ đứa bé gái này cho tuyết lạnh nước Nga. Mày còn yêu thằng Đurắc của mày thì hãy giữ lấy con vịt giời côi cút này. Đứa bé sẽ gọi thằng Đurắc về với mày.Nếu cần tao sẽ đi khắp thế gian này đi tìm anh Ngư của tao. Tao thừa biết mày vu  cáo anh Ngư của tao nhưng tao sẽ đem bé gái này về ký túc xá. Bé chính là thiên thần của tao. Hương bế đứa bé ra tới cổng bệnh viện thì xe hơi của mẹ con Onga đã tới đón. Bà Ôlêva mẹ Onga nói:

-Nào cháu ngoại của bà đâu, con chuột con của bà đâu? Con đặt tên cho con đi!

           Quỳnh Hương thưa:

          -Mẹ hãy gọi cháu là Bạch Dương

          Lại trở về với gió lạnh Đà Lạt, Quỳnh Hương gọi con:

          -Bạch Dương luộc trứng xong chưa?

-Mẹ, hơn cả tuyệt vời, tiếng Nga nói là gì nhỉ. Át-lit-snơ. Con mời mẹ

xuống xơi cơm.

                    Mẹ Hương ôm hôn con gái:

                    -Con có nhớ bà Ôlêva không?

                    -Đa, ban-saia mama !(thưa có, bà ngoại của con)

                                                  ***

Bốn năm sau Quỳnh Hương tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, dắt theo Bạch Dương về nước. Các viện, các nhà xuất bản ở Hà Nội không còn một chỗ trống dành cho mẹ con Bạch Dương. Ban Tổ chức Trung ương gợi ý chị vô Đà Lạt và chị đã có việc làm tại Ban Đối ngoại của thành phố. Vốn tiếng Nga của chị có thể dùng để giao tiếp, đọc và dịch cho các nước Đông Âu thuộc dòng ngôn ngữ Slave.

Mẹ con Bạch Dương đã có một căn nhà nhỏ, hàng rào vàng rực hoa cúc dã quỳ. Trong cuộc sống hạnh phúc đơn sơ, Bạch Dương đã có lúc lỡ lời: Cha con ở đâu?

Chị Quỳnh Hương không thể nói dối và cũng không thể nói thật, chỉ biết ôm con để nước mắt mặn chát rơi đầy mái tóc Bạch Dương.

Mùa thu năm 2000, chị Hương đi Vũng Tàu rồi ra Hà Nội. Tại Vũng Tàu các kỹ sư dầu khí nói tên người chị tìm kiếm là kỹ sư địa chất Nguyễn Ngữ. Anh là một chàng trai hào hoa phong nhã và kín đáo. Anh quan tâm tới số phận, tình cảm của con người hơn là kết quả công việc của họ. Bởi vậy sự thành đạt đến rất chậm. Cái gì đến đã phải đến. Anh bỏ nghề địa chất sau 16 năm làm việc rồi đi theo nghiệp văn chương nghiệt ngã. Bây giờ khó mà tìm thấy anh…

Ở Hà Nội, có người đã gặp anh đi cùng với nhà thơ Xuân Bình vô Hội Văn học-Nghệ thuật. Từ đây, chị Hương tìm thấy số nhà 59 Hàng Đào, nơi ở của nhà thơ. Chị Hương đã bật khóc trước mặt người lạ khi nghe tin cả gia đình nhà thơ đã vô miền nam từ nhiều năm nay, chỉ còn bà Nguyên Hạnh, người đã rất quý nhà thơ còn ở lại, nhưng mãi trên Hồ Tây kia. Chị Hương đến quận Tây Hồ, gặp một phụ nữ trung niên người hơi cao, gọn gàng quý phái, rất Hà Nội. Và có thể nói là rất đẹp và rất duyên dáng. Duy chỉ có đôi mắt là hơi buồn. Tóc chị buộc cao kiểu đuôi sơ-van để cho gió và nắng Tây Hồ được phép hôn nhẹ lên cái gáy trắng ngần của chị. Khi biết rõ nguyện vọng của người tìm gặp, chị Nguyên Hạnh đã ôm vai người bạn gái trẻ đi dọc hàng rào thấp ven hồ. Đường Thanh Niên trước là đường Cổ Ngư phân chia giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, sau đó đổi tên thành đường Thanh Niên. Nhưng với Nguyên Hạnh –Xuân Bình thì đây là nơi hò hẹn và gặp gỡ của tình yêu. Chị đã đón nhận nụ hôn đầu đời đẹp nhất, sâu nhất, vụng về nhất trên con đường này…nhưng hình như tình yêu và số phận không chung một con đường. Anh chị buộc phải xa nhau.

-Cái đêm ấy, em ạ, cách đây bốn mươi năm. Anh chị định đi đến một quán cà phê quen thuộc, thì kịp dừng lại, từ trong quán vọng ra một bài hát thời tiền chiến: Đời con gái

Ước mơ đã nhiều

Đời không cho được mấy

Đến khi lấy chồng chỉ còn mối tình mang theo.

-Chị không bi lụy như thế đâu. Những gì đã đến và đã có với anh chị là tồn tại mãi mãi. Đà Lạt của em là thành phố ngàn hoa. Em có biết hoa pensée không? Không có hả ? Trong từ điển họ diễn giải đặc kín cả trang giấy. Pensée nghĩa là ý tưởng lớn, tư tưởng lớn… là bạn đồng hành của tình yêu. Hoa pensée có bảy màu nhưng đẹp nhất là màu tím. Anh Xuân Bình đã tình cờ nhìn thấy hoa pensée bên bờ Hồ Hoàn Kiếm và từ đó, tình yêu của anh chỉ trong hoa pensée và pensée trong tình yêu trai gái đất Hà Thành. Anh Xuân Bình, nhà thơ Xuân Bình đã viết: Hoa pensée nghĩa là hoa nhớ nhung. Nổi lên trên tất cả các màu là màu tím thủy chung.Tặng Nguyên Hạnh đầu năm, lòng cũng lên nguyên đán. Hoa sẽ thành đôi khi ta ghép lại sau cùng. (Hà Nội, mùa đông 1959).

Bảy sắc cầu vồng hiện lên bảy màu như hoa pensée bắc trong mưa giữa Hồ Tây. Hương nép vào vai chị Nguyên Hạnh: Chị hạnh phúc quá, nhà thơ Xuân Bình của chị hơn cả “tuyệt vời”. Chị có tình yêu cụ thể, con người cụ thể. Em thì như người xưa yêu người trong tranh tố nữ. Suốt hai chục năm em chỉ gặp anh ấy một lần, nắm tay nhau một lần. Cả nụ hôn trong trắng đầu đời cũng chỉ vội vã lướt qua. Chị ơi! Ngay đến tên anh ấy em mới biết cách đây hai tháng khi gặp các anh địa chất dầu khí ở Vũng Tàu. Chị, chị giúp em đi, làm sao tìm được anh ấy!

-Tình yêu của em với nhà văn Nguyễn Ngữ cũng như sắc màu tím trong bảy sắc màu yêu thương của hoa pensée. Chị sẽ kéo người của chị, nhà thơ Xuân Bình vào cuộc tìm kiếm này.

-Em cảm ơn chị. Em và Bạch Dương của em muốn nhận một lời khuyên của chị. Chị cho mẹ con em đi, một lời đe nẹt, mắng mỏ cũng được.

-Chị sẽ cho em hạt hoa pensée về Đà Lạt. Hoa pensée sẽ nở trong những chiều mưa Đà Lạt. Chị biết trước đây hai người ấy, anh Xuân Bình và anh Nguyễn Ngữ rất yêu hoa pensée. Chính pensée và Bạch Dương sẽ gọi Nguyễn Ngữ trở về.

Chị Quỳnh Hương và bảy sắc hoa pensée đã trở về Đà Lạt mộng mơ. Chị nói với Bạch Dương:

-Hãy hy vọng và chờ đợi con ạ. Con thử nghĩ mà xem người ta không thể sống mà không biết hy vọng và chờ đợi.

Hoa pensée đã nở đầy trên cái đĩa nông trong phòng khách và cả trên những luống đất nhỏ ngoài vườn.

                              Bạch Dương đi làm về khoe với mẹ:

-Bác nhà văn lại tới tìm con mẹ ạ. Bác ấy bảo sẽ dẫn con đi xem một luống hoa Tình yêu. Bác đã trồng trong lần về dự Trại mấy tháng nay. Mà nếu con không từ chối và cũng không nên từ chối, bác sẽ mời con một ly rượu vang Đà Lạt.

Linh tính giác quan thứ bảy của người mẹ mách bảo điều gì như gà mẹ xù lông bảo vệ đàn con trước con quạ dữ. Chị Hương la:

                              -Bác ấy tên là gì?

                     -Con đâu dám hỏi.

                    -Con đi ngay, gặp bác ấy và nói: Mẹ cháu mời bác đi ngay. Nếu có lòng tự trọng thì đừng trở lại Đà Lạt. Mẹ con cháu biết cách sống và đã từng sống hạnh phúc, không cần ai ban phát!

Bạch Dương đã 19 tuổi. Cô bé đủ lớn để hiểu rằng mẹ mình vô lý, nhưng cũng chưa thật lớn để biết rằng đó là sự tự vệ của người mẹ.

Bạch Dương ra đi. Khoảng một giờ sau cô gái trở về với bông hoa pensée màu tím và một bức thư. Người mẹ không nhận, không đọc. Bức thư để trên bậu cửa sổ và gió lạnh Đà Lạt đã cuốn đi mất. Đóa hoa pensée, Bạch Dương cắm vào cái cốc nhỏ đặt trên mặt đàn pianô.

Chiều sập tối rất nhanh và lạnh. Có tiếng xe gắn máy chạy vào sân, đèn pha lấp loáng. Chị Hương vấn vội đầu ra tiếp khách.

-Chào anh V, cháu Bạch Dương không làm tròn công việc ở Hội, thưa anh?

-Chị yên tâm, cháu đã dịch một bài thơ tình của Puskin rất tốt.

-Bác quá khen, con chỉ dịch nghĩa. Còn chuyển ngữ điệu sang thơ Việt Nam là của bác nhà văn. Con đọc mẹ nghe nhé!

“..Một chút tên tôi đối với nàng

Sẽ chìm như tiếng sóng buồn lan

Âm thầm mòn mỏi bên bờ vắng

Như tiếng đêm thâu lạc giữa ngàn”

- Phải để mẹ Quỳnh Hương của cháu biên tập lại.Thế còn bác nhà văn đâu?

-Thưa, mẹ cháu đuổi bác ấy đi rồi! Đóa hoa pensée màu tím đang trên mặt đàn của cháu. Còn bức thư cháu đặt ở bậu cửa sổ, mẹ không đọc, gió bay mất rồi.

                    Nhà văn V nói trong nuối tiếc:

         -Từ sau ngày cô xin nghỉ cơ quan về biên dịch tại nhà, tính tình cô lạ ắm. Cô đuổi ai, cô biết không? Đó là nhà văn Nguyễn Ngữ. Suốt ba tháng trời hắn vùi đầu vào viết và trồng hoa pensée ở Nhà Sáng tác. Cháu Bạch Dương thường ghé thăm. Hai bác cháu rất hợp tính nhau. Sao cô xử tệ đến thế, cô Quỳnh Hương?

           -Thưa anh, ông ấy là nhà văn Nguyễn Ngữ?  Giời hại em rồi. Chính em đã đi tìm và chờ đợi anh ấy suốt hai mươi năm trời nay. Em đang định au Tết này sẽ bay sang Nga, tìm anh ấy lần nữa.

-Bạch Dương tha lỗi cho mẹ! Nhà văn Nguyễn Ngữ là cha của con đó, mà mẹ con mình đã bao nhiêu lần hy vọng kiếm tìm.

Hai chiếc xe gắn máy lao ra khỏi cổng, tìm đến bến xe. Tới gần đài phun nước, trước chợ Đà Lạt, Bạch Dương dừng xe lại.

-Bình tĩnh nghe mẹ, bác nhà văn đó, à mà không, cha con ngồi đó, dưới mưa, bên luống hoa pensée.

                    Chị Quỳnh Hương vội vã đi tới. Họ nói với nhau bằng tiếng Nga

                    -Chào anh! Em và con gái Bạch Dương đến đón anh về!

          -Thật vậy sao? Hai mươi năm trước, tuyết Matxcơva gieo trên tóc em, còn bây giờ là mưa cuối năm Đà Lạt.

-Ôi! Pensée của anh, pensée trong mưa Đà Lạt! Tay em vẫn lạnh. Anh hôn em nhé

                    -Vâng, vẫn còn đó nguyên vẹn chờ anh

          Hai người hôn nhau bên đài phun nước thành phố. Những giọt nứơc mưa trên cánh hoa pensée, sáng lóe lên dưới ánh điện.            

                                                     Nhà Sáng tác Bộ Văn hóa-Thông tin

                                                    Phòng 16, số 2 Đường Yên Thế.Đà Lạt.

Vĩ thanh.Truyện ngắn này tôi viết để tặng nhà thơ Xuân Bảo và chị Bích Hạnh. Tôi đã xin phép họ cho thay tên để mang dáng vẻ của một câu chuyện hư cấu. Nhưng đó là một phần sự thật của cuộc đời.

Tôi yêu mến tặng các bạn trẻ truyện ngắn này và cầu mong hoa pensée trong mùa mưa Đà Lạt sẽ là hoa Pensée của Tình Yêu!

                                                                         Nguyễn Duy Thinh

Bên bờ Phước Long Giang, ngảy13/11/2021.

Phần 2 nói về Những kỷ niệm của tôi với nhà văn Nguyễn Duy Thinh.

Nhà thơ Xuân Bảo.

 

________________________________________

 

 

 

 

 

 

 

MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN NGUYỄN DUY THINH

 

1.    Cùng nhau làm việc để cho ngày thành lập hội được thành công

                                                                               

Các anh phân công cho tôi và nhà văn Nguyễn Duy Thinh (đã quá cố) làm  hai viêc. Một là, chuẩn bị văn kiện, hai là, chuẩn bị hậu cần.Tại nhà riêng của tôi,   (100/23 Quốc lộ 1, khu phố 1, phường Quyết Thắng, Biên Hòa mà sau này đổi tên lại là đường Hà Huy Giáp), hằng ngày chúng tôi  hội ý, hội báo và cùng nhau hoạch định những công việc cần làm. Lúc này Ban Vận động chưa có trụ sở  Có lần nhà văn Nguyễn Duy Thinh nói vui : Đây như là cái Trung tâm Văn bút của Đồng Nai.

Anh Nguyễn Duy Thinh có trong tay hai bằng đại học, Đại học Mỏ và đại học Thương nghiệp.Anh có thêm một cái bằng quý giá nữa là tốt nghiệp Khóa đầu tiên của Trường Viết văn Nguyễn Du . Những truyện ngắn của anh đã được đăng trên nhiều báo và tạp chí ở Hà Nội trước ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Và sau này tác phẩm của anh vinh dự được in chung cùng nhà văn Lý Văn Sâm trong tập sách Bến Xuân. Tác phẩm đầu tay của Hội Văn Nghệ Đồng Nai khi Hội vừa tròn tuổi thôi nôi.  Lúc bấy giờ anh đang là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Ty Thương nghiệp Đồng Nai, nơi người chú ruột của anh – Anh hùng quân đội Nguyễn Trọng Tâm – làm Trưởng ty.

Nguyễn Duy Thinh có lợi thế là anh có tiêu chuẩn đi xe con.Và anh cũng tự lái được. Chiếc xe du lịch nhỏ, mang nhãn hiệu Citroen của Pháp, mui bằng vải bạt cũng là thứ chiến lợi phẩm ta thu được trong những ngày chiến thắng 30-4 .Chúng tôi vạch kế hoạch: Văn kiện thì viết tại nhà tôi. Hậu cần thì tôi và anh sẽ đi đến những cơ quan hữu quan như gạo thì sang anh Ba Kích, giám đốc Công ty Lương thực tỉnh. Heo thì đến Trại Chăn nuôi heo Phú Sơn. Trại này của Ông Đặng Văn Cân bỏ lại để di tản. Trưởng trại, sau này mới có chính danh là giám đốc xí nghiệp chăn nuôi do ông Trần Bửu Hiền làm giám đốc mà sau này ông thăng tiến đến chức phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.  Giấy thì ra nhà máy COGIDO do anh Lương Trọng Ngộ - tôi quen biết từ hồi anh làm giám đốc Nhà máy Giấy Việt Trì - khi tôi làm ở báo Công nghiệp Hóa chất. Hồi đó tôi có viết về nhà máy Giấy Việt Trì, bài Công trình bóc vỏ gỗ bồ đề do nữ kỹ sư Nguyễn Thị Thanh làm chủ đề tài. Tôi cũng đã gặp anh Phan Long, phó giám đốc- người quen cũ từ khi ở Hà Nội.

          Chúng tôi xin được ba tạ gạo. Sau khi Đại hội thành lập xong số gạo còn lại thì đưa về Văn phòng Hội đóng tại số 1 đường Võ Thị Sáu, giao cho cô Đào Minh. Bốn con heo loại thải, mỗi con trên dưới một tạ. Tôi còn nhớ một kỷ niệm buồn: Đã là loại thải thì chúng không mắc bệnh này cũng mắc bệnh khác.Nếu để cho các văn nghệ sĩ và quý khách xơi nhỡ xảy ra ngộ độc thì nguy to. Khi đã nắm trong tay giấy duyệt rồi, tôi mua hai bao thuốc lá Samit. loại thuốc lá sang của Thái Lan sản xuất đang được tiêu thụ tràn lan.Tôi biếu cậu thủ kho và dặn cậu ta chọn cho những con heo không bệnh. Có thể coi đây là một hành vi hối lộ?!  Sau này tôi được biết, cậu thủ kho này đã đập què chân mấy con heo đang khỏe mạnh để xuất cho chúng tôi. Thật là môt tội lỗi đáng thương! Mười ram giấy pơ-luya đủ cho công việc giấy má. Còn tiền? Tôi không rõ tỉnh cho được bao nhiêu, nhưng trên tinh thần tự lực cánh sinh thì chúng tôi phải chủ động lo liệu sao cho được chu toàn. Anh Nguyễn Tám, giám đốc Xí nghiệp Trụ điện bê-tông Biên Hòa cho một cái trụ bê-tông loại 12 mét. Tôi nói đùa với anh rằng: Hội chưa có trụ sở nên không thể đem cái trụ bê-tông đó về làm cột cờ được. Chúng tôi xin được biến ra thành tiền. Thế là Phòng Tài vụ ghi vào tài khoản tài sản bán hộ được 300 đồng. Anh Mười , giám đốc nhà máy Bột Giặt Net biếu hai tạ bột giặt và chúng tôi giao cho cậu Lân mang ra Chợ Sặt (Hố Nai) bán. Bán được bao nhiêu chúng tôi mang về nộp đầy đủ, không thiếu một xu. Nghe đâu Quản lý thị trường có hỏi thăm, nhưng Lân đã nói thật là quà biếu không thể dùng hết cho mấy con người ở Hội cho nên họ cũng thông cảm tha cho.

Còn cái việc đi xin xe con. Có một buổi tối, tôi chở anh Hai Lý đến Công an Đồng Nai trên chiếc xe Vespa standard cũ kỹ mà gia đình tôi vừa bán lứa heo nuôi hợp đồng cho Công ty Thực phẩm Đồng Nai được hơn nghìn đồng. Tất nhiên là chúng tôi đã gọi điện cho ông Mười Vân, tên thật là Nguyễn Hữu Giộc, giám đốc công an tỉnh trước đó và ông ta đồng ý tiếp. Tôi còn nhớ như in: khi tôi và anh Hai Lý được một người mặc thường phục dẫn vào phòng làm việc của Mười Vân. Tôi có cảm giác như đi vào sào huyệt của tên trùm phát-xít Gơ-ben, thời Đức quốc xã. Căn phòng mờ mờ tranh tối tranh sáng. Hai con bec-giê nằm chinh ình hai bên cái bàn làm việc to đùng. Mười Vân đứng dậy bắt tay chúng tôi. Bàn tay không ấm cũng không đến nỗi lạnh. Anh Hai Lý nêu việc Hội cần một chiếc xe con để đi lại. Giám đôc Mười Vân vui vẻ chấp nhận và lấy ra một mảnh giấy gằng bàn tay viết mấy chữ:  Hậu cần xuất cho Ban Vận động Hội Văn Nghệ 1 (một) chiếc xe con. Ký tên 10 Vân. Mấy hôm sau cậu Lân mang về môt chiếc xe du lịch hiệu Volkswagen còn khá tốt. 

Lại còn phải lo các món thức uống. Bia và nước ngọt thì chạy sang anh Tám Soái, chủ nhiệm Công ty Ăn uống. Anh sẵn sàng cung ứng đủ cho nhu cầu đại hội. Chúng tôi xuống Công ty Thương nghiệp Biên Hòa, gặp anh Ngô Trung Quốc, chủ nhiệm, đặt vấn đề xin lụa để may cờ phướn và trang trí sân khấu. Anh nói: Cần bao nhiêu cứ cho người sang lấy. Công ty anh cũng đang kinh doanh thuốc lá cho nên tôi đặt vấn đề luôn.Tính ra mỗi người hút hết 2 bao trong những ngày đại hội thì số thuốc cần lên tới 20 tút.Thời đó người ta hút thuốc nhiều lắm chứ không như bây giờ hút thuốc là có hại cho sức khỏe.

Hậu cần như thế là tạm ổn. Bây giờ thì yên tâm ngồi lại cùng nhau soạn văn kiện.Anh Hai Lý chỉ đạo. Chương trình nghị sự có những văn bản sau đây : Tuyên bố lý do (Xuân Bảo viết, anh Chín Thức đọc), Diễn văn khai mạc (Xuân Bảo và Duy Thinh cùng soạn, chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết - ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy  đọc). Lời bế mạc và cảm ơn (Xuân Bảo viết, anh Lý Văn Sâm đọc).Tôi còn được phân công thảo Giấy mời và trực tiếp đi mời các văn nghê sĩ và các báo, đài. Tôi đã lên một cái danh sách khách mời khá chỉn chu.

Hồi đó Duy Thinh cũng nhận được thư anh Lý Văn Sâm. Anh nhắc chúng tôi bố trí cho anh em đi thực tế và chọn một sồ bài để in chung với anh trong tập Bến Xuân.

Có lần giữa hội nghị anh Lý Văn Sâm cự tôi (Nguyễn Duy Thinh): Tại sao báo lần này không có bài ký nào cả? Tôi thưa không có ai gửi, đặt bài gấp quá họ không viết kịp. Anh bảo: Cậu có cái nào đưa đây. Tôi nói có. Nhưng tôi là biên tập lại biên tập cho chính mình, hơi kỳ. Anh lại la, thì cứ đưa đây, mình chịu trách nhiệm. Tôi đưa anh bài ký “Những tín hiệu từ ven sông Đồng Nai” viết về một nhóm phóng viên Thông tấn xã thường trú ở Đồng Nai.

 Xong hội nghị, anh trả lại bản thảo với bút phê: Được, đưa Hiền An Giang lên ma-két. Cái măng-sét Xuân Bảo thiết kế vẫn dùng. (1)

***

Năm 1999 – năm cuối của Thế kỷ XX và cũng là năm cuối Thiên niên kỷ I. Đồng thời là năm kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai, (22/12/1979 – 22/12/1999). Nhà văn Hoàng Văn Bổn, Chủ tịch Hội cho mời tôi và Nguyễn Duy Thinh tới Văn phòng. Anh Chín Bổn nói: “Hai ông là những người đầu tiên có mặt trong những ngày đầu thành lập Hội. Hãy viết những kỷ niệm về ngày Hội chúng ta mới ra đời.”

Tôi và Duy Thinh nhận lời viết cái hồi ức nho nhỏ này. Và giờ đây Duy Thinh đã đi xa. Tôi cho vào sách này toàn văn bài viết CHUYỆN NHỎ NHỮNG NGÀY ĐẦU LÀM BÁO VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI. Đây cũng là nén hương tôi thắp lên để tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Duy Thinh – người đã gắn bó với Hội nhiều năm – và là người bạn chí cốt của tôi. Viết nhân ngày giỗ của nhà văn Nguyễn Duy Thinh.

  (In lại nguyên văn toàn bài đã đăng trên Tạp chí Sông Phố số 55, số Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội 1979 – 1999.)

                                                                  ***

Mới đó, mà hai chục năm đã đi qua. Những thành quả đã gặt hái bây giờ, làm chúng tôi bồi hồi nhớ lại những trăn trở quên mình “điếc không sợ súng” ngày đó.

       NHỮNG BÀI BÁO ĐẦU TIÊN KHÔNG IN TRÊN BÁO.

 

Chiều tối, trước khi về Sài Gòn, anh Lý Văn Sâm còn ngoắc tôi lại bảo: “Cậu và Xuân Bảo ráng làm xong cái đó đi nhé”. Được anh Hai Lý cưng, tôi giỡn: “Cái đó là cái gì, thưa anh?”.  “Là cái đó đó”. Anh Hai Lý cũng nói vui lại.

          Thưa bạn đọc, “cái đó” mà nhà văn Lý Văn Sâm căn dặn chúng tôi là chuẩn bị toàn bộ các văn kiện cho việc thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai. Hai ngày sau, anh Lý Văn Sâm lại nhắc: “Nè, không có đứa nào giúp việc cho các cậu đâu. Làm cho ngon nghe!” Xuân Bảo tính ưa vui, bỗ bã quyết liệt: “Tự chúng tôi biết cách giúp việc cho chúng tôi! Thưa anh Hai”.

          Trong thời kỳ Ban Vận động, trụ sở của Hội đang ở nhờ nhà số 1 Võ Thị Sáu. Nhưng ít khi anh Hai Lý, anh Chín Thức (Huỳnh Công Thức) và anh Tô Văn Của đến. Chỉ có một mình cô Đào Minh giữ “gôn”! Xe cộ không, thiết bị văn phòng không. Chỗ chúng tôi giúp việc lẫn nhau là ngay phòng khách tư gia của Xuân Bảo. Một cái bàn sắt lớn và một bộ sa-lông nan. Cũng may mà mặt bàn khá rộng tha hồ cho chúng tôi trải bản thảo. Có một cái ghế mềm xoay 360o giống như ghế của bác phó cạo, thì Xuân Bảo và tôi thay nhau ngồi “cạo giấy”.Còn cái máy chữ thì vui hết nói, mổ xuống một ngón thì nhảy lên dính chùm đến ba chữ. Vui nhất là kẹt chữ T. Tôi bàn với Xuân Bảo lấy chữ L thay chữ T, trông cũng khá giống. Xuân Bảo phì cười: “Cái thằng kỹ sư địa chất, nhà văn cấp phường này, vậy khi đánh tới…”Chúng tôi ôm nhau cười.

 

CHÚNG TÔI ĐI THỰC TẾ VỚI NHỮNG NGƯỜI LÁI MÁY BAY.

 

Khi Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai đã ra báo đến số thứ tư, nhà văn Lý Văn Sâm bảo chúng tôi: “Chúng ta (Đồng Nai) có may mắn ở gần sân bay. Vừa qua những người lái máy bay của sân bay Biên Hòa đã hỗ trợ tốt cho chiến trường bạn. Các cậu bố trí anh em đi viết về Không quân”.

Chúng tôi lại hứa với anh như lần trước. Tuần lễ sau, đã làm việc xong với anh hùng Nguyễn Văn Bảy, Tư lệnh của binh chủng Phòng không – Không quân. Anh Bảy giới thiệu chúng tôi với chủ nhiệm chính trị sư đoàn Không quân phía Nam. Đoàn nhà văn Đồng Nai có Xuân Bào, Nguyễn Duy Thinh và Hiền An Giang. Chúng tôi được xe quân sự của Bộ Tư lệnh về đón tận sân bay Biên Hòa để lên sân bay Tân Sơn Nhất. Ở đây chúng tôi được tiếp đón như những người thân mới đi xa trở về. Chúng tôi từ chối phòng khách và xin được nghỉ cùng cùng với phòng các sĩ quan kỹ thuật.

Ngày đi nghe báo cáo, xuống phân xưởng sửa chữa, lên đài chỉ huy, ra phòng trực chiến. Lúc về phải đi qua dãy nhà sĩ quan dẫn đường (bay). Các chàng sĩ quan có bằng kỹ sư và hàm cấp tá nhưng còn rất trẻ, ưa hài hước. Họ nuôi một chú khỉ rất “ranh ma”. Các chiến sĩ nữ đi qua hãy coi chừng, nó phóng ngay lên vai, gở mũ và tháo dây nơ, kẹp tóc. Còn cánh đàn ông chúng tôi, nó cũng làm vậy và lấy thứ khác. Chúng tôi đi ngang qua và Xuân Bảo lãnh ngay cú “cẩu đầu vân” của chú khỉ. Xuân Bảo chỉ kịp kêu lên ối một tiếng thì “hậu duệ” của Tôn Ngộ Không đã ở trên ngọn cây và khoe cây viết vừa cướp được. Một sĩ quan dẫn đường bay vừa đi tới, huýt gió nghe chói tai và nói: “Thằng trời đánh sống 500 tuổi kia, trả ngay bút cho nhà văn”. Có thể đó lời nói của Đường Tăng, con khỉ ngoan ngoãn leo xuống trả bút cho Xuân Bảo.

Ngày hôm sau chúng tôi được anh Tám Đức (Mai Văn Đức, chỉ huy trưởng Đoàn bay lên thẳng (917) chiến đấu phía nam bố trí cho “bay thực tế” với các chiến sĩ lái. Vào ga-ra máy bay chúng tôi thấy hai người lái đang đẩy chiếc OV10, nhỏ như đồ chơi trẻ con. Chúng tôi nói cho bọn mình bay cái này cũng được. Hiền An Giang vốn yếu đuối nói thêm: “Có lẽ bay cái này an toàn hơn”. Những người lái trả lời chúng tôi là người lính chấp hành theo quân lệnh nên không thể chiều các đồng chí, vả lại cái này không có đủ chỗ ngồi.

Xuân Bảo cười vui: “Không sao. Vậy cho phỏng vấn nhanh. Các cậu có tham gia chiến trường bạn vừa qua không?” Người lái khoát tay nói giọng rất lính: “Suýt chết đấy “các cụ ạ”! Bọn mình chỉ điểm cho pháo cối bắn vào đội hình quân tháo chạy của địch, nhìn thấy cả đạn cối bay qua đầu, nói dại nó mà rớt trúng đầu thì tiêu. Còn lần khác đi thả truyền đơn ở Niết Lương, máy bay tự nhiên mất độ cao. Đành phải hạ cánh bắt buộc. Chúng tôi nhảy ra, tay lăm lăm khẩu K54 vừa tự bảo vệ vừa tìm sự cố kỹ thuật. Hú hồn, hóa ra có một tập truyền đơn kẹt vào cáp lái…Cái thứ này có lẽ cho các cháu ở vườn trẻ rồi!

Trước khi bay, chúng tôi được ăn sáng bếp tiểu táo của người lái: bánh mì patê gan, một quả trứng gà luộc, một ly càphê sữa nóng và mỗi người được trang bị một mũ chống tiếng ồn. Người lái chính bảo chúng tôi, lát nữa các anh sẽ được hưởng cái thú rơi tự do! Hiền An Giang mặt mày xanh lét ôm lấy tôi, bảo: “Cho tao xuống ngay”. Chúng tôi đành phải thả Hiền An Giang xuống giữa cánh đồng Củ Chi để anh ngồi đó. Hai mươi ba phút sau máy bay lại đỗ xuống đón Hiền An Giang.

Sau chuyến bay có một trong đời trên chiếc HU1A của Mỹ, chúng tôi về phòng chỉ huy của Đoàn trưởng Tám Đức. Anh kể cho chúng tôi nghe chuyện tập bay, chuyện anh cùng đồng đội bay cho Dầu khí và chuyện năm 1975 anh bay về thăm cha mẹ ở Cà Mau, quần đảo trên rừng dừa và tràm chim quê mình mà thấy lạ hoắc vì chiến tranh tàn phá!

                                                                   ***

Chúng tôi trở vế báo cáo với anh Lý Văn Sâm là sẽ có bài cho những số sau. Thế còn bây giờ, Tết đến nơi không có cánh bay trong báo như là Tết không có bánh tét.

Và chuyến đi thực tế xuống Hố Nai cũng đầy kỷ niệm. Tôi và Nguyễn Duy Thinh xuống đó vì nghiệp vụ cần phải viết một điển hình. Giáo xứ Ngọc Đồng tổ chức thu mua heo vượt kế hoạch. Cùng đi có nhà văn Nguyễn Khải và nhà thơ Nguyễn Duy. Cha xứ Ngọc Đồng tiếp chúng tôi như một lão nông tiếp bạn cũ về quê. Ông hút thuốc lào với cái thú ngâm nga của người biết quý cái hương vị dân dã. Nhà thơ Nguyễn Duy cũng bắn điếu cày liên tục với phong cách rất lính. Hôm ấy Cha xứ nói trước đây đọc tiểu thuyết của Nguyễn Khải “Cha và con và…” cứ tưởng ông Nguyễn Khải là người có đẳng cấp trong Giáo hội. Sau này nhà văn nói với chúng tôi: “Nói thật với các cậu, mình có thể làm lễ như một cha xứ có nghề”.Thế mới biết nhà văn Nguyễn Khải đã sống như thế nào để viết những trang viết được mọi độc giả ưu ái đến như vậy.

Nhà văn Lý Văn Sâm dặn chúng tôi biên tập kỹ và trao lại bài vở cho anh mang lên để duyệt in. Cuối thư, nhà văn còn bảo cho anh Chín Thức thuốc nhức đầu. “ảnh sụm rồi” (nguyên văn anh Lý Văn Sâm viết).

 

Nhân viết đến anh Lý Văn Sâm, xin Ban biên tập cho tôi viết thêm vài dòng nữa về nhà văn. Năm nay anh đã cao tuổi và còn sống với chúng ta. Trong bức thư nói ở trên kia, cuối thư anh viết: “…mình sẽ nghĩ lại, một kiểng đôi quê cực quá (vừa ở Hội Văn Nghệ Giải phóng, vừa ở Hội Văn Nghệ Đồng Nai). Nay vỏ xe Honda hư rồi…”  Hồi đó tôi đã kiếm cho anh vỏ xe để có phương tiện đi lại. Nhưng tôi còn nợ anh, chưa viết xong bài ký anh vượt ngục ở Tân Hiệp – Biên Hòa tháng 12 năm 1956 cùng với nhà báo Dương Tử Giang, với tựa đề dự kiến “Cùng vượt ngục với những người anh hùng”.                                                 

Hai mươi năm đã đi qua, tôi luôn luôn nói với chúng tôi: “Đã đành tre già măng mọc, nhưng măng có mọc thẳng hay không cần phải dựa vào tre già”. Riêng ở Đồng Nai, anh Lý Văn Sâm, anh Hoàng Văn Bổn chính là những cây tre già, “có mảnh áo cũng nhường cho con”, như Nguyễn Duy đã viết.

                                                                                                         X.B – D.T

TÔI VẼ MĂNG-SET TỜ VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI

 

          Anh Hai Lý phân công Xuân Bảo vẽ cái măng-set tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai. (Tôi có đoạn Hồi ký “Tôi vẽ măng – set tờ Văn Nghệ Đồng Nai”, đã in vào sách Truyện ngắn và Ký sự 1).

Ban Chấp hành phân công anh Hai Lý giữ chức chủ tịch, anh Chín Thức giữ chức Phó chủ tịch. Tôi còn nhớ mấy anh chị trong Ban Chấp hành mới gồm có anh Nguyễn Văn Sâm (Tám Sâm), Trưởng ty Văn hóa – Thông tin, anh Phạm Minh, Phó trưởng ty và một số người khác mà giờ đây tôi không nhớ rõ. Trụ sở Văn phòng đặt tại nhà số 1 dường Võ Thị Sáu (tên cũ là đường Công Lý), phường Quyết Thằng, đối diện khách sạn Hòa Bình. Cán bộ, nhân viên văn phòng chỉ có 3 người. Đó là cô Đào Minh, cậu Đào Thanh Chương và cậu Lân lái xe.

Sau Đại hội vài tuần, tôi được anh Chín Thức bảo sang Văn phòng bàn việc ra tờ báo của Hội. Tôi đề nghị 2 anh mời Nguyễn Duy Thinh cùng dự bàn. Trong cuộc họp này còn có anh Tám Sâm và anh Nguyễn Hiệp, cán bộ Ban biên tập tạp chí Văn hóa Đồng Nai. Mở đầu cuộc họp, anh Hai Lý nói rõ mục đích, ý nghĩa của việc xuất bản tờ báo. Báo Văn Nghệ Đồng Nai là cơ quan ngôn luận, là diễn đàn nghiên cứu lý luận, phê bình, sáng tác của Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai. Tên tờ báo là Văn Nghệ Đồng Nai. Báo đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên huấn Tỉnh , ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Trưởng ban Tuyên huấn lúc này là ông Lê Quang Thành, tên thật là Đoàn Hồng Đoàn và ông Lê Tư Huyền, tên thật là Từ Đình Phiến là Phó trưởng ban, thường gọi là Tư Huyền. Tổng biên tập là nhà văn Lý Văn Sâm. Báo xuất bản nửa tháng một kỳ mà chúng ta thường gọi là bán nguyệt san. Tôi và Nguyễn DuyThinh được phân công tổ chức bài vở và lo việc in ấn. Trước mắt tôi được giao nhiệm vụ vẽ măng-sét báo. Tôi đã vẽ 3 phác thảo. Sau đó tại cuộc họp của Thường trực Hội để bàn bạc nhất trí thông qua. Lần họp này có thêm 2 họa sĩ là anh Đặng Sĩ Nguyên và anh Thanh Thanh. Một phác thảo của tôi được chọn thông qua và bắt tay vào việc xuất bản. Nhà in được chọn là Xí nghiệp In của Ty Văn hóa – Thông tin do anh Ba Nhỏ làm giám đốc. Bài vở do tôi và Nguyễn Duy Thinh chọn và biên tập trước. Thường anh em tôi làm việc ngay tại nhà riêng của tôi, số nhà 100/23 Quốc lộ 1, nay là đường Hà Huy Giáp với số nhà là 134/1/1.

Bên bờ Phước Long Giang, ngày 14/11/2021

Nhà thơ Xuân Bảo.

Còn tiếp kỳ sau: Một tài năng văn học đáng trân trọng

                    __________________________________________________

 

MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN NGUYỄN DUY THINH

2.Mt tài năng văn học đáng trân trọng

               Sau khi ổn định, chúng tôi tập trung cho sáng tác để kịp đăng trên tờ Văn Nghệ Đồng Nai. Tôi đã đưa Nguyễn Duy Thinh đến gặp nhà tư sản Trần Xuân Roanh tại biệt xá Duyên Anh Đào, dưới chân cầu Rạch Cát. Ông Trần Xuân Roanh là một tín đồ của Kitô giáo, người Thái Bình, di cư vào Nam khi Hiệp nghị Genève được ký kết. Ông bà đến Biên Hòa và đã xây dựng nên; nhà máy SATICO S.A chuyên chế biến tinh bột khoai mì (sắn) và một trại chăn nuôi heo lớn. Ngoài ra, ông bà còn xây dựng được một Trung tâm Bách khoa Bình dân đặt tại thị xã Biên Hòa. Và ông còn đảm nhiệm chức Chủ tịch Liên hiệp xã Nông Súc miền Đông.

Nguyễn Duy Thinh đã làm việc cật lực sau nhiều năm đi lại với ông Trần Xuân Roanh, nhà văn cho ra đời tác phẩm: Định hướng của một nhà tư sản công giáo dân tộc.

Ta hãy nghe lời bình của Đức Giám mục Giáo phận Xuân Lộc Phao  lồ Maria Nguyễn Minh Nhật: “Tôi hy vọng đọc trong tập Hồi ký này, qua cách thực hiện khéo léo của ông NGUYỄN DUY THINH chúng ta sẽ gặp được ông sống động và rõ ràng hơn.

          Xuân Lộc, ngày 26 tháng 10 năm 1998”.

***

Nguyễn Duy Thinh đã về Đồng Nai là đi theo “tình yêu của nắng”. Cũng trong tác phẩm này, anh đã viết: “Như hoa phong lan phải bám vào cây gốc để tồn tại và tỏa hương cho đời. Tôi cũng vậy, cũng phải có một nghề trong đời thường...Ở Đồng Nai, tôi được giao làm nhiều việc khác nhau: Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Sở Thương nghiệp, Hiệu trưởng trường Dạy nghề Nội thương, phó giám đốc Công ty Thương nghiệp khu Công nghiệp Biên Hòa, trợ lý giám đốc xí nghiệp Dịch vụ số 2 bộ Xây dựng...và sau hết là phó giám Chi nhánh Vũng Tàu của Trung tâm Thương mại quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng làm gì đối với tôi cũng đều là những chuyến đi thực tế để viết văn, chứ không phải để lám giàu !Bởi thế tôi mới được gặp nhà văn Lý Văn Sâm, nhà báo Xuân Bảo và cùng với hai ông đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Hội Văn học-Nghệ thuật Đồng Nai.

Nhà văn Nguyễn Duy Thinh đã có những tác phẩm đã xuất bản

-                  Trận địa im lặng, giải 2 tạp chí Văn nghệ  Quân đội 1961.

-                  Một đứa trẻ ra đời, NXB Thanh niên 1963.

-                  Lan Dung, giải 3 Hội Văn nghệ Hà Nội

-                  Dặm đường đất nước, NXB Tác phẩm mới 1975

-                   Bến Xuân, Tập truyện NXB Đồng Nai 1978.

Và nhiều tác phẩm khác đăng trên các báo và tạp chí Trung ương và địa phương, trong đó có truyện ngắn Hoa pensee – mùa mưa Đà Lạt do tạp chí Văn nghệ Hòa Bình in. Chủ tịch kiêm Tổng biên tập là nhà văn Nguyễn Anh Viên, bạn học của Nguyễn Duy Thinh.

Bên bờ Phước Long Giang, ngày 16/11/2021.

Nhà thơ Xuân Bảo.

Còn tiếp. 3. Số phận long đong của một nhà văn.

 

 

 

MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN NGUYỄN DUY THINH.

3. Số phận long đong của một nhà văn.

Tôi không rõ trong 16 năm gắn bó với ngành địa chất, nhà văn Nguyễn Duy Thinh đã có bao nhiêu cuộc tình thời trai trẻ? Từ khi tôi quen biết và trở nên thân thiết, tôi đã biết nhà văn tài ba này có số đào hoa. Cái ký “Tín hiệu ven sông Đồng Nai” mà điện báo viên (hồi đó chưa có FAX) là nhân vật chính. Anh đã có mối tình chớp nhoáng với D. nhưng chưa kịp để lại dấu ấn thì D. bị chuyển công tác ra Tổng xã TTXVN ở Hà Nội!

 

 

 

Tôi còn biết anh có mối tình nồng thắm với cô gái người Xứ Nghệ, tên X. nhân viên dưới quyền của ông Phó giám đốc Công ty Thương nghiệp Khu Công nghiệp Biên Hòa Nguyễn Duy Thinh. Họ ăn ở với nhau như vợ chồng và có với nhau 2 người con gái. Cô X. đi Hoa Kỳ định cư cùng với 2 cô con gái. Không biết nhà văn có buồn không? Thời gian này, anh không may bị tai nạn giao thông, để lại vết lõm trên trán?

Và như tự sự của Nguyễn Duy Thinh, anh rời Khu Công nghiệp Biên Hòa để về công tác ở xí nghiệp Dịch  vụ 2 của Bộ Xây dựng. Chẳng bao lâu sau, nhà văn ra Vũng Tàu làm phó giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu của Trung tâm Thương mại quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tôi chẳng hiểu vì lý do gì, anh rời Vũng Tàu?

Tôi thấy thương anh, nhưng không biết cách nào để xoay xở. Thời gian này, tôi về cộng tác với tạp chí Người Đại biểu Nhân dân của Quốc hội. Tôi có điều kiện đi về các địa phương. Đi nơi đâu tôi cũng mời Nguyễn Duy Thinh đi cùng. Có lần, anh Võ Ký, phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sông Bé ( lúc này chưa tách tỉnh thành Bình Dương và Bình Phước) gọi điện cho tôi sang dự cuộc họp Hội đồng Nhân dân. Tôi mời nhà văn đi cùng. Sau hội nghị, tôi và anh được dự bữa cơm thân mật. Tại nhà hàng nổi trên sông, chúng tôi vinh dự được ngồi cùng mâm với ông Sáu Phong, tên thật là Nguyễn Minh Triết, bí thư kiêm chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Thời gian sau, anh về làm bảo vệ cho cơ quan Văn phòng Hội. Từ một nhà văn, một công chức của Nhà nước, Nguyễn Duy Thinh trở về đời thường và làm công ăn lương, rất ít ỏi như nhiều thường dân khác!

Công ty Donavic ra đời, ông Giang Thanh Trà làm giám đốc, cựu Chính ủy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác Lê Bá Ước làm phó giám đốc. Lúc này anh Bảy Ước chưa gia nhập Hội Văn Nghệ Đồng Nai, nhưng với tôi anh là người bạn đáng kính của tôi ở cùng phường. Anh đã cho tôi đi theo anh những chuyến về Rừng Sác, về đơn vị BB 10, lớp hậu bối của Đoàn 10 Rừng Sác, về Nghĩa trang Đoàn 10...Do mối quan hệ này mà tôi mạnh dạn đề nghị anh Bảy Rừng Sác thâu nạp Nguyễn Duy Thinh về làm việc cho Donavic. Nhà văn về đó trong thời gian mà Donavic liên doanh với nhà tư sản Trần Vinh để thực hiện trồng chuối xuất khẩu. Nguyễn Duy Thinh được phân công làm các công trình nước ngầm để tưới tiêu cho chuối. Anh được nghỉ lại ở biệt thự của ông Trần Vinh, bên bờ hồ Trị An. Ở đây, nhà văn đã được người giúp việc tên A. rất thương. Và họ đã cùng chung sống như vợ chồng.

Chương trình “chuối xuất khẩu” thất bại, Nguyễn Duy Thinh cùng A. phải ra đi. Lúc này, A. đã mang thai đứa con của hai người. Anh về thuê nhà trọ ở Hố Nai và anh sang giúp việc cho cụ Nguyễn M. Công việc hàng ngày của nhà văn là đi chăn dê. Đã có lần tôi đến thăm anh. Và phải đợi khi dê về chuồng, chúng tôi mới gặp nhau. Tôi thấy anh đi đôi dép đã toác mõm. Thương tình tôi mua cho anh đôi dép mới !

Túng bấn, bần cùng đến tột độ! Tính sao đây?! Cũng may, là một cán bộ dưới quyền anh lúc trước, cho anh và A. cùng ba cháu nhỏ về tá túc tại một căn nhà tại phường Trảng Dài,Biên Hòa.

Đận này, nhà văn không còn sáng tác nữa vì đã lâm bệnh nặng. Anh nằm nhiều bệnh viện. Sau cùng, cũng chẳng biết vì sao anh được đưa về điều trị tại một nơi – mà trước đây, thời Việt Nam Cộng hòa, được gọi Trại Tế bần. Nơi mà nhân vật thiếu úy tình báo Lê Thị Lụa, biệt danh là Nhung gấu được trại nuôi dưỡng cho tới năm 18 tuổi thì được tuyển vào binh chủng Thiên nga.  Trong truyện ngắn của tôi “Con thiên nga lạc loài” có nhân vật thật này.

Thế là hết! Anh trút hơi thở cuối cùng trong cái nhà thương không tên, để lại cho đời những tác phẩm hay đã in và chưa in. Buồn thay !

Bên bờ Phước Long Giang, sáng ngày 23/11/2021.

Nhà thơ Xuân Bảo.