Trang

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

179. TÂN NIÊN KHAI BÚT.

179. TÂN NIÊN KHAI BÚT.

                                                             Xuân Bảo

Nguyên đán lên tím ngắt hoa chiều tím
Da diết lòng ta một “Nụ Tình Xuân”
Em nhẹ bước vào phòng văn rồi đó
Hạt sương gieo bịn rịn ánh chiêu dương.
                             Bên bờ Phước Long Giang, đêm giao thừa Tết Đinh Dậu 2017.
                        ----------------------------------------------------------------------------------------

VMt đôi câu đi ca n sĩ H Xuân Hương
Văn hóa Việt Nam, cho đến ngày nay vẫn còn giữ được vẻ đẹp trong ba ngày tết. Đó là những câu đối Tết.
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
            Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

          Nhà thơ Vườn Bùi Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến, khi tuổi đã cao, mắt bị lòa, không trông thấy được mọi vật quanh mình, cụ chỉ còn trông cậy vào hai cơ quan xúc giác và thính giác còn tinh nhạy của mình để nhận biết thế giới xung quanh. “Cành Nêu” và “Tiếng pháo” là 2 tín hiệu đặc trưng thông báo về Tết và Xuân, nên khi “chạm” vào “cành Nêu”, cụ biết “Tết” đến, “nghe” “tiếng pháo” nổ “đùng”, cụ biết “Xuân” về:
        “Tối ba mươi ra chạm cành Nêu, ấy Tết
Sáng mồng một, nghe đùng tiếng pháo, à Xuân”


                                                       ***

Cụ Tú Vị Xuyên Trần Tế Xương nghe tiếng pháo nổ ngày Tết mà thêm ngao ngán trước việc đầy rẫy rối ren, thế mà người đời lại không biết cái nhục,cái nhục mất nước vào tay bọn Phú-lang-sa mà còn “đốt pháo” làm gì cho cái cảnh đời vốn đã tan như “xác” pháo càng thêm xơ xác! Và ông thấy thiên hạ vẽ hình này nọ bằng vôi trắng lốp trên sân nhà trong ngày Tết mà ngán ngẩm: Tình đời đã “bạc” lắm rồi còn “bôi vôi” làm chi cho thêm “bạc”?!:
                                                “Thế sự xác rồi còn đốt phá
                                                  Nhân tình bạc thế lại bôi vôi”

Với lối chơi chữ rất Tú Xương, cụ Tú Vị Xuyên đã cười cợt đấy mà cũng thật chua cay! Cụ lại nghĩ Xuân đến với mọi nhà thì cũng đến với nhà mình. Ngạn ngữ đã chẳng nói “Trời không đóng cửa ai” đó sao?! Nhà thơ hy vọng rằng đầu Xuân trời mở cửa cho mình một điều may mắn để bù lại bao điều bất như ý mà mình đã phải trải qua. Đây là nụ cười lạc quan của một nhà thơ có nụ cười nhiều cay đắng:

Không dưng xuân đến chi nhà tớ
  Có nhẽ trời mà đóng cửa ai”

***
       
 Bà chúa thơ Nôm - Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã có đôi câu đối Tết tặng người đời, tràn đầy Xuân tứ, còn truyền tụng đến ngày nay, chúng ta không ai không biết:
“Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới
Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào”
                                               
***


                             LỜI TÁN CỦA NHÀ THƠ TÚ SỪNG.
                                               
          Xã hội thời nữ sĩ sống vốn nhiễu nhương, nhà Lê tàn,đất nước lâm vào tình trạng chiến tranh, Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài gần 150 năm, đời sống người dân rất khổ cực.Là người cầm bút và với tâm hồn cao thượng của kẻ sĩ trước thời cuộc, Hồ Xuân Hương đã đi vào mọi ngóc ngách cuộc sống của nhân dân để có những tác phẩm trác tuyệt, độc đáo, kỳ lạ…Nữ sĩ để lại cho chúng ta một kho tàng thơ ca tuy không nhiều nhưng là một kiệt tác văn chương thuộc hạng kỳ tài.
 Như trên tôi đã dẫn, hai nhà thơ lớn của chúng ta là Cụ Nguyễn Khuyến và Cụ Tú Xương có những câu đối Tết thật hay, thật xúc động. Tuy nhiên câu đối Tết của nữ sĩ họ Hồ được rất nhiều người dân biết đến.
Về câu đối Tết của nữ sĩ: Lời văn tinh nghịch, đâu có dừng lại ở nghĩa đen, câu chuyện “khép cánh càn khôn, ních chặt lại” để tránh cái xấu. Cái xấu được nhân cách hóa bằng hình tượng “ma vương đưa quỷ tới”. Và xã hội hiện đại, mỗi lần Tết đến, Xuân sang người dân vẫn rất cảnh giác với cái đêm giao thừa, cái đêm được mọi người gọi là đêm trừ tịch của tháng củ mật. Bọn trộm cướp vẫn rình mò để làm nhiều việc xấu: đào tường khoét ngạch, cướp của giết người…Ma vương và quỷ sứ còn là những tên tham quan ô lại, những tên cậy quyền cậy thế đàn áp nhân dân.
Vế đối “lỏng then tạo hóa, mở toang ra”. Tiễn năm cũ đi rồi và đón năm mới, đón mùa xuân về. Nữ sĩ lại dùng hình tượng người thiếu nữ, đại diện cho sức sống thanh xuân, tràn đầy nhựa sống của Mùa Xuân – mùa nguyên đán, tinh khôi của vũ trụ.  Đây còn là một tiếng cười hóm hỉnh, đa tình, đong đưa, vui đời, tươi trẻ và khao khát yêu đương rất Xuân Hương. Và chỉ có thể là Bà Chúa Thơ Nôm mới có thể dùng từ ngữ mạnh bạo đến vậy. “Mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào”.
Một đôi câu đối ngày Tết của nữ sĩ Hồ Xuân Hương sẽ sống mãi trong lòng con dân đất Việt.


        Vài nét về Nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Sinh (giả thiết) 1772 tại hương Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An, xứ Bắc Hà. Mất (giả thiết) 1822 tại Hà Nội, nội trấn Bắc Thành. Quốc gia: Personal Flag of Emperor Minh Mang. An Nam. Dân tộc Kinh Việt.
Gia thế:  Học giới nhất quán rằng Hồ Xuân Hương sinh vào năm 1772, theo học giả John Balaban thì bà cất tiếng khóc chào đời ở phường Khán Xuân (nay thuộc địa phận Bách Thảo viên Hà Nội). Cứ theo Giai nhân dị mặc, Hồ Xuân Hương là ái nữ của Sinh đồ Hồ Phi Diễn (1703 - 1786), người hương Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An. Còn theo học giả Trần Thanh Mại, thân phụ của Hồ Xuân Hương là ông Hồ Sĩ Danh (1706 - 1783) cũng người Quỳnh Đôi, Hồ Sĩ Danh là em cùng cha khác mẹ của Kinh Dương hầu Hồ Sĩ Ðống (1739 - 1785). Thân mẫu của Hồ Xuân Hương là bà lẽ tên Hà Thị ( ? - 1814) người trấn Hải Dương. Học giả Phạm Trọng Chánh dựa vào tục xướng danh cổ điển và câu tựa Phi mai xuân sắc nhất kinh thành của Tốn Phong Phan Huy Huân để khẳng định: Hồ Phi Mai là nguyên danh, Xuân Hương là biểu tự và Cổ Nguyệt Đường là bút hiệu.
Trong thế cuộc xoay vần đầy nhiễu nhương cuối thế kỷ XVIII, Hồ Xuân Hương vẫn được hưởng những năm tháng ấu thơ êm đềm ở một dinh thự lớn tên Cổ Nguyệt đường, ven hồ Tây, bấy giờ là chốn phồn hoa đô hội bậc nhất xứ Đàng Ngoài. Sau khi mãn tang cha, mẹ bà tái hôn với người khác. Dù ít phải ràng buộc trong gia giáo nghiêm khắc như mọi nữ lưu cùng thời, Hồ Xuân Hương vẫn hội tụ được tư chất thông minh và hiếu học.
Hôn nhân: chồng đầu Nguyễn Bình Kình, Tổng Cóc. Chồng kế Phạm Viết Ngạn, Ông phủ Vĩnh Tường.
Hồ Xuân Hương cũng được cưới gả từ rất sớm như mọi con cái trâm anh thế phiệt bấy giờ, nhưng dẫu qua hai lần đò đều không viên mãn. Ban sơ, bà làm lẽ của một hào phú có biệt hiệu Tổng Cóc. Tổng Cóc vốn là biệt hiệu mà người quen biết đặt cho Chánh tổng Nguyễn Bình Kình, tự Công Hòa. Nguyên quán của ông ở làng Gáp, xã Tứ (nay thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Ông là cháu của quan nghè Nguyễn Quang Thành, bản thân cũng một lần đi thi Hương nhưng không đỗ đạt. Sau Tổng Cóc đăng trình, lên đến chức cai cơ nên thường được gọi là Đội Kình. Kết quả của hôn sự này được cho ra đời một đứa trẻ vắn số. Vào ngày Hồ Xuân Hương trở dạ, Tổng Cóc đến đòi đón con về, nhưng người nhà họ Phạm nói lại là đứa bé đã mất khi vừa lọt lòng.
Tuy chỉ là cai lính nhưng Tổng Cóc vốn thuộc dòng dõi văn nhân, ông rất chuộng ca ngâm và mến luôn cái tài làm thơ của người vợ lẽ. Để chiều lòng bà, Tổng Cóc đã cất một thủy tạ rất lớn cho Hồ Xuân Hương ở, vừa tránh phiền lụy với vợ cả vừa thỏa thưởng thi phú. Chung sống với Tổng Cóc được một thời gian khá lâu thì Hồ Xuân Hương dứt áo ra đi với một cái thai. Có thuyết cho rằng, bà bỏ đi sau khi Tổng Cóc đã đột ngột từ trần; nhưng cũng có thuyết cho rằng bà không chịu được điều tiếng dị nghị của vợ con Tổng Cóc và người làng; lại có thuyết nói bản tính phóng đãng khiến Hồ Xuân Hương khó ngồi yên một chỗ, bà trốn đi cùng tình quân là Phạm Viết Ngạn.
Theo Phạm gia tộc phả và Triệu tông phả, ông phủ Vĩnh Tường tức là Tú tài Phạm Viết Ngạn (khi thăng chức Đồng tri phủ Phân phủ Vĩnh Tường thì cải thành Viết Lập), tên cúng cơm là Đại, tự Thành Phủ. Nguyên quán của ông ở hương Trà Lũ, xã Xuân Trung, phủ Xuân Trường, trấn Sơn Nam Hạ. Các tư liệu này cũng cho biết, Hồ Xuân Hương sinh cho ông một người con tên Phạm Viết Thiệu. Trong hôn sự lần này, Hồ Xuân Hương làm lẽ của Tú tài Phạm Viết Ngạn, bấy giờ tại nhiệm tri phủ Vĩnh Tường. Nhưng duyên phận chỉ được 27 tháng thì ông phủ Vĩnh Tường tạ thế.
Có nhiều thuyết về quãng đời sau đó của Hồ Xuân Hương, như việc bà cưới thêm vài người chồng nữa, việc bà hỏi mượn tiền thi hữu để mở hàng bán giấy bút mực, hoặc giai thoại về các mối tình trăng hoa và văn chương, nhưng mức độ khả tín chưa được xác định rõ ràng. Hồ Xuân Hương được cho là mất vào năm 1822.
Ngoài ra, có nhiều giai thoại truyền khẩu về lối sống phong lưu của nữ sĩ họ Hồ, như việc bà là một hoa nương thanh sắc vẹn toàn, và những mối tình bên thơ rượu với Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, Nguyễn Du, Phạm Quý Thích, Nguyễn Hầu, Trần Ngọc Quán, Trần Quang Tĩnh, Phan Huy Huân, Mai Sơn Phủ, Thạch Đình, Cự Đình, Thanh Liên...
          Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) là một thi sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, mà hành trạng hiện vẫn khiến nhiều học giả tranh cãi. Di tác của bà hoàn toàn là thơ, trong đó mảng Nôm có nhiều phẩm chất tốt cần sự khảo cứu lâu, nhưng hậu thế có thi sĩ Xuân Diệu đã mạo muội tôn Hồ Xuân Hương làm Bà chúa thơ Nôm. Hầu hết thi ca Hồ Xuân Hương theo dòng chảy chung đã thoát được các quan niệm sáng tác cố hữu vốn đề cao niêm luật chặt chẽ để bộc lộ được tiếng nói của thời đại mình, có nhiều người cho rằng đặc sắc của thơ bà là "thanh thanh tục tục".
Không có bất cứ tư liệu cổ điển nào chép về lai lịch và hành trạng của Hồ Xuân Hương, bà chỉ thực sự được hậu thế biết đến qua sách Giai nhân dị mặc của học giả Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, ấn hành tại Hà Nội năm 1916. Cũng vì cớ đó, việc có hay không một nhân vật tên Hồ Xuân Hương hiện còn là câu hỏi ngỏ.
Một ấn bản thơ Hồ Xuân Hương bằng Pháp văn của Viễn Đông Bác Cổ năm 1968. Văn bản được nhận diện cổ nhất có chép thơ Hồ Xuân Hương là Quốc văn tùng ký do Hải Châu Tử Nguyễn Văn San (1808 - 1883) soạn năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), nhưng chỉ vài bài. Hầu hết di tác của nữ sĩ họ Hồ được gom trong cuốn Xuân Hương thi tập, Phúc Văn Đường tàng bản ấn hành tại Hà Nội năm 1930. Trong sách có khoảng 60 bài nhưng lẫn cả thơ của nhiều tác giả khác, nay chưa truy nguyên được tất cả. Tuy nhiên, văn bản đáng quý nhất là Lưu hương ký với bài tựa của Phan Huy Huân, được học giả Trần Thanh Mại phát kiến và công bố trên thi đàn vào năm 1964. Trước đó không lâu, năm 1962, đã có học giả Trần Văn Giáp đăng trên báo Văn Nghệ (Hà Nội) 5 thi phẩm chữ Hán được cho là của Hồ Xuân Hương. Nhưng mãi đến năm 1984, học giả Hoàng Xuân Hãn mới dịch nghĩa và đăng trên tập san Khoa Học Xã Hội (Paris), lại đặt nhan đề lần lượt là Độ hoa phong, Hải ốc trù, Nhãn phóng thanh, Trạo ca thanh, Thủy vân hương.
Thơ Hồ Xuân Hương luôn được trình bày theo phong cách thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt, bút pháp được nhận định là điêu luyện nhưng phần chữ Nôm nhiều phần đặc sắc hơn chữ Hán. Ý tưởng trong thơ cũng rất táo bạo, dù là điều cấm kị đối với lễ giáo đương thời. Cho nên, Hồ Xuân Hương được xem như hiện tượng kỳ thú của dòng thi ca cổ điển Việt Nam khi tích cực đưa ra cái nhìn đối lập với truyền thống đạo đức, nhưng không vì thế mà tự trở nên suy đồi. Tựu trung, các di tác phần nào cho phép hậu thế thấy thực trạng tang thương ở thời đại bà sống và cả quá trình mục rữa của xã hội cũ.
Tập thơ "Lưu hương ký" mang bút danh của nữ sĩ do ông Trần Thanh Mại phát hiện vào năm 1964 gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ Nôm. Với một nghệ thuật điêu luyện, nhà thơ viết về tâm sự và những mối tình của mình với những người bạn trai. Đọc kỹ người ta thấy có một khoảng cách khá xa giữa tập thơ Nôm của Xuân Hương và "Lưu hương ký", chủ yếu là về phong cách biểu hiện. Trong "Lưu hương ký" có cả thơ chữ Hán lẫn thơ chữ Nôm. Riêng phần thơ chữ Nôm trong "Lưu hương ký" nếu so sánh với thơ lâu nay được coi là của Xuân Hương thì hai bên vẫn có sự khác nhau. Thơ chữ Nôm trong "Lưu hương ký" có rất nhiều từ Hán Việt, giọng thơ lại hiền lành chứ không góc cạnh, gân guốc như ở "Xuân Hương thi tập". Vì lý do trên, để bảo đảm tính khoa học, các nhà nghiên cứu chủ yếu chỉ dừng lại ở tập thơ Nôm còn "Lưu hương ký" được coi là một tập thơ để tham khảo.
         
                                                Nhà thơ Tú Sừng phiếm đàm,
            (Bên bờ Phước Long Giang vào đêm giao thừa Têt năm Con Gà- 2017)



Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

177.MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN LÝ VĂN SÂM.


              177. MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN LÝ VĂN SÂM.
Hồi ức

         L.N.Đ.- Năm 1999 – năm cuối của Thế kỷ XX và cũng là năm cuối Thiên niên kỷ I. Đồng thời là năm kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai, (22/12/1979 – 22/12/1999). Nhà văn Hoàng Văn Bổn, Chủ tịch Hội cho mời tôi và Nguyễn Duy Thinh tới Văn phòng. Anh Chín Bổn nói: “Hai ông là những người đầu tiên có mặt trong những ngày đầu thành lập Hội. Hãy viết những kỷ niệm về ngày Hội chúng ta mới ra đời.”
Tôi và Duy Thinh nhận lời viết cái hồi ức nho nhỏ này. Và giờ đây Duy Thinh đã đi xa. Tôi cho vào sách này toàn văn bài viết CHUYỆN NHỎ NHỮNG NGÀY ĐẦU LÀM BÁO VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI. Đây cũng là nén hương tôi thắp lên để tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Duy Thinh – người đã gắn bó với Hội nhiều năm – và là người bạn chí cốt của tôi. Viết nhân ngày giỗ của nhà văn Nguyễn Duy Thinh.
  (In lại nguyên văn toàn bài đã đăng trên Tạp chí Sông Phố số 55, số Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội 1979 – 1999.)
                                                                   ***


    CHUYỆN NHỎ NHỮNG NGÀY ĐẦU LÀM BÁO VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI   
 Xuân Bảo – Duy Thinh.
                                                                                   
Mới đó, mà hai chục năm đã đi qua. Những thành quả đã gặt hái bây giờ, làm chúng tôi bồi hồi nhớ lại những trăn trở quên mình “điếc không sợ súng” ngày đó.
       NHỮNG BÀI BÁO ĐẦU TIÊN KHÔNG IN TRÊN BÁO.
Chiều tối, trước khi về Sài Gòn, anh Lý Văn Sâm còn ngoắc tôi lại bảo: “Cậu và Xuân Bảo ráng làm xong cái đó đi nhé”. Được anh Hai Lý cưng, tôi giỡn: “Cái đó là cái gì, thưa anh?”.  “Là cái đó đó”.Anh Hai Lý cũng nói vui lại.
          Thưa bạn đọc, “cái đó” mà nhà văn Lý Văn Sâm căn dặn chúng tôi là chuẩn bị toàn bộ các văn kiện cho việc thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai.
Hai ngày sau, anh Lý Văn Sâm lại nhắc: “Nè, không có đứa nào giúp việc cho các cậu đâu. Làm cho ngon nghe!” Xuân Bảo tính ưa vui, bỗ bã quyết liệt: “Tự chúng tôi biết cách giúp việc cho chúng tôi! Thưa anh Hai”.
          Trong thời kỳ Ban Vận động, trụ sở của Hội đang ở nhờ nhà số 1 Võ Thị Sáu. Nhưng ít khi anh Hai Lý, anh Chín Thức (Huỳnh Công Thức) và anh Tô Văn Của đến. Chỉ có một mình cô Đào Minh giữ “gôn”! Xe cộ không, thiết bị văn phòng không. Chỗ chúng tôi giúp việc lẫn nhau là ngay phòng khách tư gia của Xuân Bảo. Một cái bàn sắt lớn và một bộ sa-lông nan. Cũng may mà mặt bàn khá rộng tha hồ cho chúng tôi trải bản thảo. Có một cái ghế mềm xoay 360o giống như ghế của bác phó cạo, thì Xuân Bảo và tôi thay nhau ngồi “cạo giấy”.Còn cái máy chữ thì vui hết nói, mổ xuống một ngón thì nhảy lên dính chùm đến ba chữ. Vui nhất là kẹt chữ T. Tôi bàn với Xuân Bảo lấy chữ L thay chữ T, trông cũng khá giống. Xuân Bảo phì cười: “Cái thằng kỹ sư địa chất, nhà văn cấp phường này, vậy khi đánh tới…”Chúng tôi ôm nhau cười.
CHÚNG TÔI ĐI THỰC TẾ VỚI NHỮNG NGƯỜI LÁI MÁY BAY.
Khi Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai đã ra báo đến số thứ tư, nhà văn Lý Văn Sâm bảo chúng tôi: “Chúng ta (Đồng Nai) có may mắn ở gần sân bay. Vừa qua những người lái máy bay của sân bay Biên Hòa đã hỗ trợ tốt cho chiến trường bạn. Các cậu bố trí anh em đi viết về Không quân”.
Chúng tôi lại hứa với anh như lần trước. Tuần lễ sau, đã làm việc xong với anh hùng Nguyễn Văn Bảy, Tư lệnh của binh chủng Phòng không – Không quân. Anh Bảy giới thiệu chúng tôi với chủ nhiệm chính trị sư đoàn Không quân phía Nam. Chúng tôi được xe quân sự của Bộ Tư lệnh về đón tận sân bay Biên Hòa để lên sân bay Tân Sơn Nhất. Ở đây chúng tôi được tiếp đón như những người thân mới đi xa trở về. Chúng tôi từ chối phòng khách và xin được nghỉ cùng cùng với phòng các sĩ quan kỹ thuật.
Ngày đi nghe báo cáo, xuống phân xưởng sửa chữa, lên đài chỉ huy, ra phòng trực chiến. Lúc về phải đi qua dãy nhà sĩ quan dẫn đường (bay). Các chàng sĩ quan  có bằng kỹ sư và hàm cấp tá nhưng còn rất trẻ, ưa hài hước. Họ nuôi một chú khỉ rất “ranh ma”. Các chiến sĩ nữ đi qua hãy coi chừng, nó phóng ngay lên vai, gở mũ và tháo dây nơ, kẹp tóc. Còn cánh đàn ông chúng tôi, nó cũng làm vậy và lấy thứ khác. Chúng tôi đi ngang qua và Xuân Bảo lãnh ngay cú “cẩu đầu vân” của chú khỉ. Xuân Bảo chỉ kịp kêu lên ối một tiếng thì “hậu duệ” của Tôn Ngộ Không đã ở trên ngọn cây và khoe cây viết vừa cướp được. Một sĩ quan dẫn đường bay vừa đi tới, huýt gió nghe chói tai và nói: “Thằng trời đánh sống 500 tuổi kia, trả ngay bút cho nhà văn”. Có thể đó lời nói của Đường Tăng, con khỉ ngoan ngoãn leo xuống trả bút cho Xuân Bảo.
Ngày hôm sau chúng tôi được anh Tám Đức (Mai Văn Đức, chỉ huy trưởng Đoàn bay lên thẳng (917) chiến đấu phía nam bố trí cho “bay thực tế” với các chiến sĩ lái. Vào ga-ra máy bay chúng tôi thấy hai người lái đang đẩy chiếc OV10, nhỏ như đồ chơi trẻ con. Chúng tôi nói cho bọn mình bay cái này cũng được. Hiền An Giang vốn yếu đuối nói thêm: “Có lẽ bay cái này an toàn hơn”. Những người lái trả lời chúng tôi là người lính chấp hành theo quân lệnh nên không thể chiều các đồng chí, vả lại cái này không có đủ chỗ ngồi.
Xuân Bảo cười vui: “Không sao. Vậy cho phỏng vấn nhanh. Các cậu có tham gia chiến trường bạn vừa qua không?” Người lái khoát tay nói giọng rất lính: “Suýt chết đấy “các cụ ạ”! Bọn mình chỉ điểm cho pháo cối bắn vào đội hình quân tháo chạy của địch, nhìn thấy cả đạn cối bay qua đầu, nói dại nó mà rớt trúng đầu thì tiêu. Còn lần khác đi thả truyền đơn ở Niết Lương, máy bay tự nhiên mất độ cao. Đành phải hạ cánh bắt buộc. Chúng tôi nhảy ra, tay lăm lăm khẩu K54 vừa tự bảo vệ vừa tìm sự cố kỹ thuật. Hú hồn, hóa ra có một tập truyền đơn kẹt vào cáp lái…Cái thứ này có lẽ cho các cháu ở vườn trẻ rồi!
Trước khi bay, chúng tôi được ăn sáng bếp tiểu táo của người lái: bánh mì patê gan, một quả trứng gà luộc, một ly càphê sữa nóng và mỗi người được trang bị một mũ chống tiếng ồn. Người lái chính bảo chúng tôi, lát nữa các anh sẽ được hưởng cái thú rơi tự do! Hiền An Giang mặt mày xanh lét ôm lấy tôi, bảo: “Cho tao xuống ngay”. Chúng tôi đành phải thả Hiền An Giang xuống giữa cánh đồng Củ Chi để anh ngồi đó. Hai mươi ba phút sau máy bay lại đỗ xuống đón Hiền An Giang.
Sau chuyến bay có một trong đời trên chiếc HU1A của Mỹ, chúng tôi về phòng chỉ huy của Đoàn trưởng Tám Đức. Anh kể cho chúng tôi nghe chuyện tập bay, chuyện anh cùng đồng đội bay cho Dầu khí và chuyện năm 1975 anh bay về thăm cha mẹ ở Cà Mau, quần đảo trên rừng dừa và tràm chim quê mình mà thấy lạ hoắc vì chiến tranh tàn phá!
                                                                   ***
Chúng tôi trở vế báo cáo với anh Lý Văn Sâm là sẽ có bài cho những số sau. Thế còn bây giờ, Tết đến nơi không có cánh bay trong báo như là Tết không có bánh tét.
Và chuyến đi thực tế xuống Hố Nai cũng đầy kỷ niệm. Chúng tôi xuống đó vì nghiệp vụ cần phải viết một điển hình. Giáo xứ Ngọc Đồng tổ chức thu mua heo vượt kế hoạch. Cùng đi có nhà văn Nguyễn Khải và nhà thơ Nguyễn Duy. Cha xứ Ngọc Đồng tiếp chúng tôi như một lão nông tiếp bạn cũ về quê. Ông hút thuốc lào với cái thú ngâm nga của người biết quý cái hương vị dân dã. Nhà thơ Nguyễn Duy cũng bắn điếu cày liên tục với phong cách rất lính. Hôm ấy Cha xứ nói trước đây đọc tiểu thuyết của Nguyễn Khải “Cha và con…” cứ tưởng ông Nguyễn Khải là người có đẳng cấp trong Giáo hội. Sau này nhà văn nói với chúng tôi: “Nói thật với các cậu, mình có thể làm lễ như một cha xứ có nghề”.Thế mới biết nhà văn Nguyễn Khải đã sống như thế nào để viết những trang viết được mọi độc giả ưu ái đến như vậy.
Nhà văn Lý Văn Sâm dặn chúng tôi biên tập kỹ và trao lại bài vở cho anh mang lên duyệt. Cuối thư, nhà văn còn bảo cho anh Chín Thức thuốc nhức đầu. “ảnh sụn rồi” (nguyên văn anh Lý Văn Sâm viết).
Hồi đó Duy Thinh cũng nhận được thư anh Lý Văn Sâm. Anh nhắc chúng tôi bố trí cho anh em đi thực tế và chọn một sồ bài để in chung với anh trong tập Bến Xuân.
Có lần giữa hội nghị anh Lý Văn Sâm cự tôi (Nguyễn Duy Thinh): Tại sao báo lần này không có bài ký nào cả? Tôi thưa không có ai gửi, đặt bài gấp quá họ không viết kịp. Anh bảo: Cậu có cái nào đưa đây. Tôi nói có. Nhưng tôi là biên tập lại biên tập cho chính mình, hơi kỳ. Anh lại la, thì cứ đưa đây, mình chịu trách nhiệm. Tôi đưa anh bài ký “Những tín hiệu từ ven sông Đồng Nai” viết về một nhóm phóng viên Thông tấn xã thường trú ở Đồng Nai. Xong hội nghị, anh trả lại bản thảo với bút phê: Được, đưa Hiền An Giang lên ma-két. Cái măng-sét Xuân Bảo thiết kế vẫn dùng.(1)
Nhân viết đến anh Lý Văn Sâm, xin Ban biên tập cho tôi viết thêm vài dòng nữa về nhà văn. Năm nay anh đã cao tuổi và còn sống với chúng ta. Trong bức thư nói ở trên kia, cuối thư anh viết: “…mình sẽ nghĩ lại, một kiểng đôi quê cực quá (vừa ở Hội Văn Nghệ Giải phóng, vừa ở Hội Văn Nghệ Đồng Nai). Nay vỏ xe Honda hư rồi…”  Hồi đó tôi đã kiếm cho anh vỏ xe để có phương tiện đi lại. Nhưng tôi còn nợ anh, chưa viết xong bài ký anh vượt ngục ở Tân Hiệp – Biên Hòa tháng 12 năm 1956, với tựa đề dự kiến “Cùng vượt ngục với những người anh hùng”.

                                                                ***
Hai mươi năm đã đi qua, tôi luôn luôn nói với chúng tôi: “Đã đành tre già măng mọc, nhưng măng có mọc thẳng hay không cần phải dựa vào tre già”. Riêng ở Đồng Nai, anh Lý Văn Sâm, anh Hoàng Văn Bổn chính là những cây tre già, “có mảnh áo cũng nhường cho con”, như Nguyễn Duy đã viết.
                                                                                                   Thu 1999
                                                                                                   X.B – D.T
(1). Anh Hai Lý phân công Xuân Bảo vẽ cái măng-set báo Văn Nghệ Đồng Nai. Tôi có đoạn Hồi ký Tôi vẽ măng – set tờ Văn Nghệ Đồng Nai, đã in vào sách Truyện ngắn và Ký sự 1.Giờ đây, tôi đăng lại đoạn này để hầu bạn đọc:
TÔI VẼ MĂNG-SET TỜ VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI.
Ban Chấp hành phân công anh Hai Lý giữ chức chủ tịch, anh Chín Thức giữ chức phó chủ tịch. Tôi còn nhớ mấy anh chị trong Ban Chấp hành mới gồm anh Nguyễn Văn Sâm (tức Tám Sâm), trưởng ty Văn hóa – Thông tin, anh Phạm Minh, phó trưởng ty và một số người khác mà giờ đây tôi không còn nhớ rõ. Trụ sở Văn phỏng Hội đóng tại nhà số 1, đường Võ Thị Sáu, (tên cũ là đường Công Lý), phường Quyết Thắng, đối diện khách sạn Hòa Bình. Cán bộ, nhân viên văn phòng chỉ có 3 người. Đó là cô Đào Minh, cậu Đào Thanh Chương và cậu Lân lái xe.
Sau đại hội vài tuần, tôi được anh Chín Thức bảo sang Văn phòng bàn việc ra tờ báo của Hội. Tôi đề nghị hai anh cho mời Nguyễn Duy Thinh cùng dự bàn. Trong cuộc họp này có anh Tám Sâm và anh Nguyễn Hiệp, cán bộ biên tập của tạp chí Văn hóa Đồng Nai cùng dự. Mở đầu cuộc họp anh Hai Lý nói rõ mục đích ý nghĩa của việc xuất bản tờ báo. Báo Văn nghệ Đồng Nai là cơ quan ngôn luận, là diễn đàn nghiên cứu lý luận, phê bình, sáng tác của Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai. Tên tờ báo là Văn nghệ Đồng Nai. Báo đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, trưởng ban là ông Lê Quang Thành, ủy viên Thường vụ Tinh ủy và phó trưởng ban là ông Lê Tư Huyền, tên thật là Từ Đình Phiến, thường gọi là ông Tư Huyền. Chủ tịch Hội kiêm tổng biên tập là nhà văn Lý Văn Sâm. Báo xuất bản nửa tháng một kỳ mà hồi đó chúng ta thường gọi là bán nguyệt san. Tôi và Nguyễn Duy Thinh được phân công tổ chức bài vở và tổ chức in ấn. Trước mắt tôi được giao nhiệm vụ vẽ măng-set báo. Tôi đã vẽ 3 phác thảo. Sau đó lại có một cuộc họp của Thường trực Hội để bàn bạc nhất trí thông qua. Lần họp này có thêm hai họa sĩ là anh Đặng Sĩ Nguyên và anh Thanh Thanh. Một phác thảo của tôi được thông qua và bắt tay vào việc xuất bản. Nhà in được chọn là Xí nghiệp In của Ty Văn hóa – Thông tin do anh Ba Nhỏ làm giám đốc. Bài vở do tôi và Nguyễn Duy Thinh chọn và biên tập trước. Thường anh em tôi làm việc ngay tại nhà riêng của tôi, số nhà 100/23, Quốc lộ 1, nay là đường Hà Huy Giáp với số nhà mới là 134/1/1.
Bài vở lúc này chủ yếu là những cây bút phần đông là giáo viên của Ty Giáo dục và các trường học trong tỉnh. Lớp người đầu tiên  có tác phẩm đăng trên Văn nghệ Đồng Nai là Nguyễn Sĩ Bá, Hoàng Trung Thủy, Trần Trung Phụng, Búi Quang Tú, Tiêu Thanh Giang…Bên Bộ chỉ huy Quân sự có Đỗ Tiến Khải, NGuyễn Sĩ Trung Kỳ…Sư đoàn Không quân có Trần Hồng Thái, bút danh Thiên Hương và một vài người nữa tôi không nhớ tên. Tôi đặt bài cho Trần Gia Minh, phóng viên báo Đồng Nai và sau đó 2 tác phẩm đầu tay của Trần Gia Minh được chọn đăng là Bạn của đất (Ký chân dung) và Người trở về (Truyện ngắn).
Báo Văn nghệ Đồng Nai hồi đó in typo. Công nhân xí nghiệp in gắp từng con chữ cho vào khuôn, sau đó đúc chữ chì. Bản in thử được dập ra 2 bản. Tôi 1 bản và Duy Thinh 1 bản. Chúng tôi sửa lỗi chính tả (morasse) và trình anh Hai Lý duyệt lần cuối rồi chuyển lại cho nhà in.
(Biên Hòa, Tháng 12 năm 2014 – Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội Văn Nghệ Đồng Nai 22/12/1979 – 22/12/2014).

                                                                   Nhà thơ Xuân Bảo.

178. HÀ NỘI NỖI NHỚ

HÀ NỘI NỖI NHỚ
        
  Tết Đinh Dậu năm nay, nhân kỷ niệm 228 năm Chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa, (1789 – 2017, mùa Xuân năm Kỷ Dậu), tôi cho đăng lại đoạn Hồi ức này để tỏ lòng biết ơn các bậc tiên hiền, tiên liệt đã làm nên những chiến công hiển hách, đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi, giành lại non sông, cứu giang sơn Đại Việt ra khỏi vòng kiềm tỏa của lũ giặc Bắc phương.
Ngày 10/10/1954. Hành quân bộ suốt 1 tháng 20 ngày,sau ngày khóa tuyến (20 -8- 1954),  Trung đoàn 271 của Quảng Trị về đến địa điểm tập kết tại làng Tiên Điền, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, bên hữu ngạn Sông Lam, Cửa Hội.
Phái đoàn Chính phủ gồm các ông Bồ Xuân Luật, bộ trưởng không bộ (ministre sans portefeuille), ông Lê Nam Thắng, tư lệnh Liên khu IV, bà Lê Thị Xuyến, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một vài thành viên khác, trong đó có nhạc sĩ Tô Hải về thăm Trung đoàn.
Vài hôm sau, một số chiến sĩ Trung đoàn  có trình độ văn hóa cấp 2 trở lên được triệu tập cho đi học, trong đó có tôi. Lớp kế toán cấp tốc chỉ có học trong thời gian 3 tháng (từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 12 thì bế giảng).Lớp học được tổ chức tại Chợ Liệu, Kim Liên, Nam Đàn, quê của Bác Hồ. Chúng tôi được phân công về công tác tại Chi sở Mậu dịch đặc biệt tỉnh Thanh Hóa, lúc này đóng ở Bái Thượng, huyện Thọ Xuân. Đây là nơi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa Lam Sơn. Sau 10 năm nằm gai nếm mật ông cùng với các chiến hữu và nhân dân Đại Việt đuổi hết giặc Minh ra khỏi bờ cõi, dựng nên nhà Hậu Lê. Lê Thái Tổ mang gươm về kinh đô Thăng Long trả gươm báu lại cho Thần Kim Quy tại hồ Lục Thủy. Từ đây Thăng Long có Hồ Hoàn Kiếm hay  còn gọi là Hồ Gươm.
Ông Hà Uyên là Chi sở trưởng, sau này ông ra Hà Nội giữ chức thứ trưởng Bộ Nội Thương. Thời kỳ ông Đỗ Mười làm bộ trưởng và ông Hoàng Quốc Thịnh làm thứ trưởng thường trực. Khoảng mùa hè năm 1955 (lúc này bọn Pháp vẫn còn đóng tại Hải Phòng, theo Hiệp nghị Genève còn được ở lại miền bắc 300 ngày), Đến ngày 15 tháng 5 thì tên thực dân cuối cùng rút khỏi miền bắc. Chúng tôi lại được chọn đi học ở Trường Trung cấp Thương nghiệp Hà Nội.Trường dựng vội bằng tranh tre nứa lá đặt tại 66 đường Hoàng Hoa Thám. Phía trước là làng hoa Ngọc Hà, có nhà máy bia Ô-mèn của Pháp, sau đổi tên là nhà máy Bia Hà Nội, phía sau là Xí nghiệp Tàu điện, nhà máy thuộc da Thụy Khuê.
Thế là từ đó, tôi trở thành công dân Thủ đô cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền nam Việt Nam (1955 – 1975) mới về Đồng Nai công tác.
                                                ***
Hà Nội đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.Tôi lấy vợ là người Hà Nội chính kinh tên là Nguyễn Thúy Minh, con của nhà tư sản dân tộc Nguyễn Viết Điền. Ông bà Nguyễn Viết Điền vốn người làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai ra làm ăn ở Hà Nội từ mấy đời trước. Ông bà có cửa hiệu Cơm tám giò chả Tân Việt nổi tiếng ở ngôi nhà 60A, phố Huế (xế Chợ Hôm) và được đưa vào diện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Người con gái cả của ông bà tên là Nguyễn Thị Ngọc Bích - hoa khôi Hà thành một thời - kết hôn với "cậu ấm kháng chiến" Cao Minh Thanh từ núi rừng Yên Bái về tiếp quản Thủ đô. Cuộc tình này chỉ kéo dài được 18 ngày, hết tuần trăng mật. Cậu bị bắt vì tội biển lận. Tờ báo tư nhân Thời Mới của ông chủ bút Hiền Nhân đăng feuilleton (bài đăng nhiều kỳ) “Đám cưới 20 triệu” và nhà viết kịch Trần Huyền Trân có kịch bản Ngược chiều.Vợ chồng chúng tôi sinh được ba đứa con.
Tôi sống, học tập, trưởng thành và trở thành nhà báo, nhà thơ của Hà Nội với nhiều bút danh: Xuân Bảo, Trực Ngôn, Tú Sừng…Hà Nội trong tôi mang đậm dấu ấn của một thời khốc liệt và hào hùng của những năm đánh Mỹ. Vì vậy, khi Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, tôi và nhà thơ Võ Nguyện đã hoàn thành công trình Thơ mang tựa đề là  Trời Nam thương nhớ, lấy ý từ bài thơ Nhớ Bắc của nhà thơ-chiến sĩ (còn được tôn vinh là Thi tướng) để dâng lên Đức Lý Thái Tổ.
Thế mà đã bốn năm trôi qua, nay Hà Nội lại bước vào kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Là giai tế Hà Nội tôi nghĩ mãi không có món quà nào dâng tặng Hà Nội thân yêu nên viết bài Tản văn này, coi đó là chút tình nhớ và thương gửi về nơi mà đã cưu mang tôi suốt một thời trai trẻ.
Ngàn lần yêu thương nhớ về Hà Nội!
 Dưới đây là bài viết:
           LÝ CÔNG UẨN – MỘT KIẾN TRÚC SƯ ĐÔ THỊ VĨ ĐẠI
Lý Công Uẩn quê ở châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, (nay thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh). Mẹ là họ Phạm, đi chơi chùa Tiên Sơn, cùng với người thần giao cấu rồi có chửa, sinh ra vua vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình, nhà Đinh năm thứ 5 (974). Ông làm quan nhà Lê được thăng dần lên chức Điện tiền chỉ huy sứ. Đến khi Ngọa triều Lê Long Đĩnh băng hà. Lý Công Uẩn tự lên ngôi vua, đóng đô ở Thăng Long, ở ngôi 18 năm, thọ 55 tuổi, băng ở Điện Long An, chôn ở Thọ lăng”. (Đại Việt sử ký toàn thư – Kỷ nhà Lý – trang 257).
Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đại xá thiên hạ. Đó là việc làm thuận ý trời, hợp lòng người, biểu hiện lòng nhân nghĩa của một  đấng minh quân. Với tầm nhìn của một bậc cao minh, vua thấy đất Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác nên đã xuống chiếu nói rằng: ( Đời sau thường gọi là Thiên đô chiếu).
Nguyên văn chữ Hán.
                                        
THIÊN ĐÔ CHIẾU *
Tích Thương gia chỉ Bàn Canh ngũ thiên. Chu Thương đãi Thành Vương tam tỉ. Khởi Tam đại chỉ số quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cấu hữu tiện triếp cái. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, trí thế đại bất trường, toán số đoản xúc, bách tính hao tổn,vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chí, bất đắc bất tỉ.
Huống Cao Vương cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc  Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hưởng bối chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thân bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khổn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô.
Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà ?



Bản dịch quốc ngữ:
                                         CHIẾU DỜI ĐÔ
Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giầu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tốn hao, muôn vật không hợp, Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực của trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?

*-Thiên đô chiếu – Chiếu dời đô dài 214 chữ, do vua Lý Thái Tổ tự tay viết và ban chiếu vào mùa xuân năm 1010 để chuyển kinh đô Đại Cồ Việt từ Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ra thành Đại La, Hà Nội ngày nay.Bản dịch sang tiếng Việt là của Viện Khoa học – Xã hội Việt Nam in trong Đại Việt sử ký toàn thư.NXB Khoa học – Xã hội ,Hà Nội – 1993.
Thiên đô chiếu vỏn vẹn 214 từ nhưng đã toát lên một yếu tố hết sức quan trọng. Đó là thành Đại La ở giữa khu vực trời đất, là nơi thắng địa của nước Việt ta. Thật đáng tự hào cho một thủ đô có sức sống lâu bền mà không phải nước nào trên thế giới đều có sức sống đó.
1000 năm! Phải, 1000 năm oai hùng và bi thương, thăng trầm để chúng ta có ngày hôm nay! Hà Nội, thủ đô hòa bình, tượng trưng cho lương tri và phẩm giá con người!
Lý Công Uẩn đã có một tầm nhìn của một kiến trúc sư đô thị vĩ đại.Một đô thị với 36 phố phường sầm uất, có nền văn hiến đã in dấu ấn lên mọi thời đại.Nơi đây có Bút Tháp, Đài Nghiên, có trường đại học đầu tiên (1070) do nhà Lý sáng lập. Văn miếu Quốc tử giám thờ Đức Vạn thế sư biểu Khổng Tử và thờ người thầy dạy học Chu Văn An của dân tộc Việt Nam. Nơi đây là nơi đã đào tạo ra hàng trăm, hàng trăm bậc hiền tài. Thân Nhân Trung đã đề bia:
Hiền tài quốc gia chi nguyên khí
Nguyên khí thịnh tác quốc thể cường dĩ
                                                          ***

Hoàng thành Thăng Long vừa được khai quật mấy năm vừa qua đã chứng minh rằng. Nước Việt đã từng có một kinh đô với kiến trúc cổ, có Điện Kính Thiên, Thái Hòa…Hoàng thành là nơi vua và triều  đình làm chốn triều nghi. Những mảnh gốm xưa, gạch cổ, rồng đá (thời Lý) còn lại là vật chứng cho một thời hoàng kim của các vua chúa.
Nơi đây có thế rồng chầu hổ phục, đất đai bằng phẳng dựa vào thế núi hình sông. Có địa hình chiến lược phòng thủ khi có giặc ngoại xâm. Bởi thế, ba lần chiến thắng Nguyên-Mông, bao lần đối mặt với quân thù Bắc phương thì có bấy nhiêu lần vua tôi rút khỏi Thăng Long, nhưng rồi “giặc đến Bồ Đề, giặc lại tan”.
Chiến công hiển hách  của vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan hai mươi chín vạn quân Thanh xẩy ra ngày 30 tháng 1 năm  1789 (năm Kỷ Dậu). Xác giặc chất thành đống gò Đống Đa. Tôn Sĩ Nghị  chui ống đồng trốn về nước.
Cành đào báo tiệp của Quang Trung từ Thăng Long gửi gấp về Phú Xuân cho Ngọc Hân trong ngày Tết Kỷ Dậu  là ca khúc khải hoàn của một nước Việt Nam thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Sau gần hai trăm năm chiến thắng Ngọc Hồi, ngày 19 tháng 12 năm 1946 Hà Nội lại vang lên lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.Người Hà Nội tạm xa thủ đô yêu dấu để cùng với cả nước làm nên cuộc trường kỳ kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ. Để rồi có ngày mùng mười tháng mười, Hà Nội sạch bóng thực dân Pháp xâm lăng:
Rầm rập quân reo năm cửa ô
          Từ đây Hà Nội sạch quân thù…
(Thơ Xuân Bảo)
Nhân kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô, xin gửi về Hà Nội thân yêu bài thơ:

          THẾ ĐẤT RỒNG BAY
           Đại La thế đất dáng rồng bay
Hạo khí non sông tụ xứ này
Hổ phục oai phong nơi núi Tản
Rồng chầu lẫm liệt chốn hồ Tây
Xuất quân Kỷ Dậu, Tàu tan tác
Chiến thắng Năm Tư Pháp chạy dài
Giấc mộng Thăng Long rồng gặp nước
Diệu kỳ Hà Nội chính là đây.

VĂN HIẾN THĂNG LONG
Nghìn năm văn hiến chính là đay
Hoàn trả Linh Quy kiếm báu này
Lục Thủy Đài Nghiên soi sóng nước
Thanh Thiên Tháp Bút lộng trời mây
Quang Trung báo tiệp cành đào thắm
Lê Lợi bình Ngô vía giặc bay
Còn mãi Ba Đình lờii Bác vọng
Thăng Long cất cánh vẻ vang thay
                                                  Biên Hòa, ngày 9 tháng 10 năm 2014
                                                                 Nhà thơ Xuân Bảo



Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

176.B-Nha Trang ơi ! Tạm biệt chim én nhé (Phần 2)

176.B. NHA TRANG ƠI, TẠM BIỆT CHIM ÉN NHÉ! (Phần 2).

          Ngày hôm sau, tôi cùng với anh bạn người Huế tên là Phan Quang lên Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội gặp người chú của anh tên là Nguyễn Minh C. đưa đơn xin chuyển công tác. Ông Minh C., sau khi xem đơn ông phê vào đơn mấy chữ “Đồng ý cho đồng chí Nguyễn Xuân Bảo chuyển công tác về Công ty Bông Vải Sợi – May mặc Hà Nội”.
          Tối hôm đó tôi không đến dự cuộc họp kiểm thảo tôi nữa.  Người lồng lộn hơn ai hết là bí thư Chi đoàn Thanh niên Ng. C. Hai ngày sau thì Phan Quang mang về cho tôi tờ Quyết định chuyển công tác. Tôi đưa ngay cho anh Trợ, bí thư Đảng ủy. Anh nói thêm rằng anh cũng rất không muốn bày cái trò kiểm thảo tôi làm gì. Dự luật “Hôn nhân và gia đình” sắp được Quốc hội thông qua không có điều khoản nào nói về hành vi đính hôn mà chỉ nói về hôn nhân chính thức mà thôi.
          Tôi rời cơ quan và ra ở nhờ nhà người bạn ở ngõ Yên Thái, gần rạp Hồng Hà, đối diện chợ Hàng Da. Hơn vài tháng sau, tôi đang ngồi trong phòng làm việc ở 13 phố Phan Bội Châu thì nàng tới thăm tôi. Đoạn văn sau đây là lúc tôi viết cái bút ký Hà Nội cơn lốc tháng bảy, viết vào mùa EURO 1988, Và hiện tại thời gian này châu Âu cũng đang diễn ra EURO 2016, cách nay đúng 28 năm. Bút ký có đoạn:
…  “Giờ đây, anh đang sống với dĩ vãng. Ký ức anh còn ghi: Sau khi cưới, có một lần em đến thăm anh. Hình như đã qua tuần trăng mật của em thì phải. Em đến đem theo cả một vầng sáng tràn ngập phòng anh. Anh đã phải mất vài giây định thần lại sau một thoáng trời đất quay cuồng để nhìn em, nhìn lại em cho rõ. Có phải là người mà anh hằng yêu dấu đó chăng? Anh hỏi: Em có được hạnh phúc không? Em đáp: Hạnh phúc! Trong hai tiếng ngắn ngủi đó sao anh lại nghe văng vẳng như biết bao lời oán trách, mai mỉa! Và em đã lại ra đi, để lại cho anh biết bao nỗi buồn! Đó là một buổi sáng tháng ba, năm 1960, khi Hà Nội vẫn còn những cơn rét ngọt, buốt thấu xương…”
Anh biết khi ván đã đóng thuyền. Số mệnh là số mệnh, duyên phận là duyên phận. Dù yêu em, thương em đến mấy anh cũng chỉ dồn nén lai trong lòng. Biết làm sao được? Trong thâm tâm anh luôn cầu mong cho em có hạnh phúc. Và em, hãy coi anh như cái bóng thoáng qua đời em. Có gì đâu, những giọt lệ sầu! Dòng đời cứ thế trôi đi, còn gì cho nhau nữa!.

                                                ***
       Mỗi miền đất nước đều có những đặc sản riêng. Hà Nội có cốm vòng khi chớm thu.Và đặc biệt là món Chả cá Lã Vọng, đã đưa vào danh mục ẩm thực thế giới.  Hải Dương, Hải Phòng có món rươi khi thời tiết sang đông “tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”. Huế có bánh khoái quanh năm. Đà Nẵng và Hội An thì có mì Quảng cao lâu. Quảng Ngãi có cá bống Sông Trà. Phú Yên thì có sò huyết Vũng Rô. Nha Trang có món bún sứa. Các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đều có đặc sản riêng.
Tôi nói với chị Băng, sáng nay cả nhà sẽ thưởng thức món bún sứa. Bún sứa Nha Trang ngon nổi tiếng. Tiệm bún sứa ở đường Tô Hiến Thành rất đông thực khách. Dùng xong bữa sáng cả nhà lên xich-lô đi dạo thành phố. Chị Băng và Bích Hạnh ngồi một xe. Vợ chồng Hoàng Châu ngồi một xe. Thúy Bắc ngồi một xe. Tôi ngồi một xe. 4 chiếc xich-lô rồng rắn ra đường Trần Phú. Chúng tôi chọn một nhà hàng cà phê nổi tiếng. Ngồi đây có thể nhìn thấy biển và Hòn Chồng. Nhìn thấy Hòn Chồng, tôi sực nhớ đến nhiều lần dự Trại Sáng tác của Hội Nhà Văn. Tôi đã làm một bài thơ Đường luật có tựa đề: Xứ Hòn Chồng như sau:

          Ta về thăm thú xứ Hòn Chồng
          Bên biển Nha Trang lắm kẻ trông
          Cổ tháp Lin-ga* bày cạnh núi
          Khánh Sơn Yo-ní* trải bên đồng
          Đồi trên mạnh bạo măng trồi mụt
          Vườn dưới xum xuê cải trổ ngồng
          Nữ sĩ Xuân Hương mà sống lại
          Khối tình cọ mãi có mòn không?
                   ---------- 
*Lin-ga, Yo-ni: bộ phận sinh thực khí của con người

Cũng tại Nhà Sáng tác này, mấy năm trước tôi gặp nhà thơ Hải Anh. Nàng nhìn nhầm tôi thành ông trung tá Quân lực Cộng hòa, chỉ huy đồn tại Đồi Charles ở Kon Tum. Tôi chối vì tôi không phải là ông trung tá đó. Hải Anh bảo rằng hồi đó em là phóng viên của tờ Tiền Tuyến do tướng Cao Văn Viên làm chủ bút. Em tới thăm chốt và gặp anh tại nơi đó mà. Nhưng dù sao tôi cũng được hưởng một đêm Nha Trang đầy thơ mộng. Và đây là bài thơ tôi ghi lại cảm xúc đó:

                    NHA TRANG ĐÊM HUYỀN ẢO.
                                                          Gửi Hải Anh
                Đêm tối đen mưa rơi
                Mặt Hằng Nga đẫm lệ
                Những ngọn núi chơi vơi
Bồng bềnh trôi trên biển

Nha Trang em và tôi
Hòa vào đêm tan biến
Cùng những giọt mưa rơi
Ta về miền mộng ảo

Gió không còn mơn man
Ào ào dâng lên bão
Chao đảo giữa mây ngàn *
Đôi cánh chim không mỏi

Mưa rơi, mưa cứ rơi
Tay cầm tay hơi ấm
Truyền vào nhau đêm nay
Nồng nàn trong mưa lạnh
         *Thơ Thiên Thanh

          Bích Hạnh và chị Như Băng ngồi cạnh nhau, nhắc nhiều kỷ niệm về Hà Nội những năm đầu thủ đô mới giải phóng. Tôi và Hoàng Châu đi săn ảnh. Thúy Bắc và Huyền Anh ra ngắm biển. Dùng xong cà phê, Huyền Anh vẫy một chiếc xe điện. Tài xế xe điện là một cô gái rất trẻ, có nụ cười tươi như hoa và khuôn mặt bầu bĩnh, trắng trẻo dễ thương. Cả nhà lên xe. Tôi ngồi ghế cạnh cô tài xế. Chị Băng, Bích Hạnh và Thúy Bắc ngồi hàng ghế thứ hai. Vợ chồng Hoàng Châu và Huyền Anh ngồi băng sau. Xe chạy xuống gần Trung tâm Hải dương học và quành lại, hết đường Trần Phú thì trời cững đã trưa. Hoàng Châu mời cả nhà đi thưởng thức món bò nướng, một nhà hàng có tiếng của Nha Trang. Đang giữa bữa tôi nói với mọi người: Đằng nào thì cũng phải tạm biệt nhau. Gia đình Bích Hạnh trở về Hà Nội. Còn tôi lại phải đi về phương nam. Chị Băng lại sống với thành phố biển xinh đẹp. Huyền Anh gọi điện cho Ga Nha Trang, lấy một vé giường nằm về Biên Hòa. Một lúc sau, nhân viên hoả xa mang vé đến và Huyền Anh lại tranh trả tiền. Như thế, thời gian của tôi còn lại chỉ không đầy bảy tiếng bên những người bạn thân thiết. Tôi tranh thủ thăm người cậu họ đã ở nơi đây gần nửa thế kỷ. Đang ngồi nói chuyện với ông cậu thì Huyền Anh gọi điện thoại mời bác Bảo đến nhà hàng dùng các món đặc sản biển. Tôi tạm biệt gia đình cậu Quýnh ra về. Cậu bảo tôi đừng đi taxi nữa mà để cậu chở bằng xe máy. Tôi không nỡ từ chối nên để cậu chở đi. Đến nơi, tôi mời cậu vào nhà hàng nhưng cậu từ chối. Và hai cậu cháu chia tay.
          Về nhà chị Băng thì đã gần 7 giờ tối. Chị đã làm bếp tự lúc nào không rõ, nhưng trên mâm thì đủ các món hải sản. Đặc biệt, có món cá sòng kho tiêu ớt. Đây là món ăn truyền thống của người Quảng Trị. Những năm còn bé tôi thường được mệ nội đi chợ Thuận mua cá sòng về kho tiêu ớt. Hai mươi năm tập kết ra Bắc, sống giữa lòng thủ đô và bốn mươi năm về sống ở Biên Hòa, tôi chưa bao giờ nhìn thấy con cá sòng quê tôi. Hôm nay lại được người chị đồng hương thết món cá sòng làm tôi bồi hồi xúc động. Dự bữa cơm chia tay này còn có cậu con trai của chị Như Băng nữa. Cơm nước xong, tôi xin phép về khách sạn trả phòng và chuẩn bị ra ga.
                                                   ***
          Con tàu rúc từng hồi còi dài rồi từ từ đi vào bóng đêm, xuôi nam. Ngồi một mình trên tàu, chung quanh đều là người xa lạ. Bây giờ tôi mới thấm hai từ chia ly. Bỗng tôi lại nhớ đến cuốn tiểu thuyết Nước mắt của một loài chim yến của một nhà văn, khi còn tỉnh Phú Khánh (Phú Yên và Khánh Hòa sáp nhập sau ngày đất nước thống nhất). Tác phẩm này cũng có số phận khá long đong.
          Thế là kết thúc chuyến đi Nha Trang với bao nỗi vui buồn lẫn lộn. Tôi muôn ngàn lần cảm ơn Đỗ Huyền Anh, cảm ơn Hoàng Châu, cảm ơn Thúy Bắc và tôi nhẩm đọc mấy câu tứ tuyệt, khi Bích Hạnh ghé thăm tôi đầu năm Bính Thân này:

                              Còn đó chút tình buổi xế tà
                              Vượt ngàn dặm ngái đến cùng ta
                              Hoàng hôn tím đẫm trời Biên Trấn
                                       Vương vấn giọt buồn nỗi cách xa.

                                        (Bên bờ Phước Long Giang, đêm 20 tháng Chạp, năm Bính Thân)

                                                                                    Nhà thơ Xuân Bảo