Trang

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

178. HÀ NỘI NỖI NHỚ

HÀ NỘI NỖI NHỚ
        
  Tết Đinh Dậu năm nay, nhân kỷ niệm 228 năm Chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa, (1789 – 2017, mùa Xuân năm Kỷ Dậu), tôi cho đăng lại đoạn Hồi ức này để tỏ lòng biết ơn các bậc tiên hiền, tiên liệt đã làm nên những chiến công hiển hách, đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi, giành lại non sông, cứu giang sơn Đại Việt ra khỏi vòng kiềm tỏa của lũ giặc Bắc phương.
Ngày 10/10/1954. Hành quân bộ suốt 1 tháng 20 ngày,sau ngày khóa tuyến (20 -8- 1954),  Trung đoàn 271 của Quảng Trị về đến địa điểm tập kết tại làng Tiên Điền, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, bên hữu ngạn Sông Lam, Cửa Hội.
Phái đoàn Chính phủ gồm các ông Bồ Xuân Luật, bộ trưởng không bộ (ministre sans portefeuille), ông Lê Nam Thắng, tư lệnh Liên khu IV, bà Lê Thị Xuyến, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một vài thành viên khác, trong đó có nhạc sĩ Tô Hải về thăm Trung đoàn.
Vài hôm sau, một số chiến sĩ Trung đoàn  có trình độ văn hóa cấp 2 trở lên được triệu tập cho đi học, trong đó có tôi. Lớp kế toán cấp tốc chỉ có học trong thời gian 3 tháng (từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 12 thì bế giảng).Lớp học được tổ chức tại Chợ Liệu, Kim Liên, Nam Đàn, quê của Bác Hồ. Chúng tôi được phân công về công tác tại Chi sở Mậu dịch đặc biệt tỉnh Thanh Hóa, lúc này đóng ở Bái Thượng, huyện Thọ Xuân. Đây là nơi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa Lam Sơn. Sau 10 năm nằm gai nếm mật ông cùng với các chiến hữu và nhân dân Đại Việt đuổi hết giặc Minh ra khỏi bờ cõi, dựng nên nhà Hậu Lê. Lê Thái Tổ mang gươm về kinh đô Thăng Long trả gươm báu lại cho Thần Kim Quy tại hồ Lục Thủy. Từ đây Thăng Long có Hồ Hoàn Kiếm hay  còn gọi là Hồ Gươm.
Ông Hà Uyên là Chi sở trưởng, sau này ông ra Hà Nội giữ chức thứ trưởng Bộ Nội Thương. Thời kỳ ông Đỗ Mười làm bộ trưởng và ông Hoàng Quốc Thịnh làm thứ trưởng thường trực. Khoảng mùa hè năm 1955 (lúc này bọn Pháp vẫn còn đóng tại Hải Phòng, theo Hiệp nghị Genève còn được ở lại miền bắc 300 ngày), Đến ngày 15 tháng 5 thì tên thực dân cuối cùng rút khỏi miền bắc. Chúng tôi lại được chọn đi học ở Trường Trung cấp Thương nghiệp Hà Nội.Trường dựng vội bằng tranh tre nứa lá đặt tại 66 đường Hoàng Hoa Thám. Phía trước là làng hoa Ngọc Hà, có nhà máy bia Ô-mèn của Pháp, sau đổi tên là nhà máy Bia Hà Nội, phía sau là Xí nghiệp Tàu điện, nhà máy thuộc da Thụy Khuê.
Thế là từ đó, tôi trở thành công dân Thủ đô cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền nam Việt Nam (1955 – 1975) mới về Đồng Nai công tác.
                                                ***
Hà Nội đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.Tôi lấy vợ là người Hà Nội chính kinh tên là Nguyễn Thúy Minh, con của nhà tư sản dân tộc Nguyễn Viết Điền. Ông bà Nguyễn Viết Điền vốn người làng Ước Lễ, huyện Thanh Oai ra làm ăn ở Hà Nội từ mấy đời trước. Ông bà có cửa hiệu Cơm tám giò chả Tân Việt nổi tiếng ở ngôi nhà 60A, phố Huế (xế Chợ Hôm) và được đưa vào diện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Người con gái cả của ông bà tên là Nguyễn Thị Ngọc Bích - hoa khôi Hà thành một thời - kết hôn với "cậu ấm kháng chiến" Cao Minh Thanh từ núi rừng Yên Bái về tiếp quản Thủ đô. Cuộc tình này chỉ kéo dài được 18 ngày, hết tuần trăng mật. Cậu bị bắt vì tội biển lận. Tờ báo tư nhân Thời Mới của ông chủ bút Hiền Nhân đăng feuilleton (bài đăng nhiều kỳ) “Đám cưới 20 triệu” và nhà viết kịch Trần Huyền Trân có kịch bản Ngược chiều.Vợ chồng chúng tôi sinh được ba đứa con.
Tôi sống, học tập, trưởng thành và trở thành nhà báo, nhà thơ của Hà Nội với nhiều bút danh: Xuân Bảo, Trực Ngôn, Tú Sừng…Hà Nội trong tôi mang đậm dấu ấn của một thời khốc liệt và hào hùng của những năm đánh Mỹ. Vì vậy, khi Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, tôi và nhà thơ Võ Nguyện đã hoàn thành công trình Thơ mang tựa đề là  Trời Nam thương nhớ, lấy ý từ bài thơ Nhớ Bắc của nhà thơ-chiến sĩ (còn được tôn vinh là Thi tướng) để dâng lên Đức Lý Thái Tổ.
Thế mà đã bốn năm trôi qua, nay Hà Nội lại bước vào kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Là giai tế Hà Nội tôi nghĩ mãi không có món quà nào dâng tặng Hà Nội thân yêu nên viết bài Tản văn này, coi đó là chút tình nhớ và thương gửi về nơi mà đã cưu mang tôi suốt một thời trai trẻ.
Ngàn lần yêu thương nhớ về Hà Nội!
 Dưới đây là bài viết:
           LÝ CÔNG UẨN – MỘT KIẾN TRÚC SƯ ĐÔ THỊ VĨ ĐẠI
Lý Công Uẩn quê ở châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, (nay thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh). Mẹ là họ Phạm, đi chơi chùa Tiên Sơn, cùng với người thần giao cấu rồi có chửa, sinh ra vua vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình, nhà Đinh năm thứ 5 (974). Ông làm quan nhà Lê được thăng dần lên chức Điện tiền chỉ huy sứ. Đến khi Ngọa triều Lê Long Đĩnh băng hà. Lý Công Uẩn tự lên ngôi vua, đóng đô ở Thăng Long, ở ngôi 18 năm, thọ 55 tuổi, băng ở Điện Long An, chôn ở Thọ lăng”. (Đại Việt sử ký toàn thư – Kỷ nhà Lý – trang 257).
Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đại xá thiên hạ. Đó là việc làm thuận ý trời, hợp lòng người, biểu hiện lòng nhân nghĩa của một  đấng minh quân. Với tầm nhìn của một bậc cao minh, vua thấy đất Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác nên đã xuống chiếu nói rằng: ( Đời sau thường gọi là Thiên đô chiếu).
Nguyên văn chữ Hán.
                                        
THIÊN ĐÔ CHIẾU *
Tích Thương gia chỉ Bàn Canh ngũ thiên. Chu Thương đãi Thành Vương tam tỉ. Khởi Tam đại chỉ số quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cấu hữu tiện triếp cái. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, trí thế đại bất trường, toán số đoản xúc, bách tính hao tổn,vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chí, bất đắc bất tỉ.
Huống Cao Vương cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc  Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hưởng bối chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thân bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khổn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô.
Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà ?



Bản dịch quốc ngữ:
                                         CHIẾU DỜI ĐÔ
Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giầu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tốn hao, muôn vật không hợp, Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực của trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?

*-Thiên đô chiếu – Chiếu dời đô dài 214 chữ, do vua Lý Thái Tổ tự tay viết và ban chiếu vào mùa xuân năm 1010 để chuyển kinh đô Đại Cồ Việt từ Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ra thành Đại La, Hà Nội ngày nay.Bản dịch sang tiếng Việt là của Viện Khoa học – Xã hội Việt Nam in trong Đại Việt sử ký toàn thư.NXB Khoa học – Xã hội ,Hà Nội – 1993.
Thiên đô chiếu vỏn vẹn 214 từ nhưng đã toát lên một yếu tố hết sức quan trọng. Đó là thành Đại La ở giữa khu vực trời đất, là nơi thắng địa của nước Việt ta. Thật đáng tự hào cho một thủ đô có sức sống lâu bền mà không phải nước nào trên thế giới đều có sức sống đó.
1000 năm! Phải, 1000 năm oai hùng và bi thương, thăng trầm để chúng ta có ngày hôm nay! Hà Nội, thủ đô hòa bình, tượng trưng cho lương tri và phẩm giá con người!
Lý Công Uẩn đã có một tầm nhìn của một kiến trúc sư đô thị vĩ đại.Một đô thị với 36 phố phường sầm uất, có nền văn hiến đã in dấu ấn lên mọi thời đại.Nơi đây có Bút Tháp, Đài Nghiên, có trường đại học đầu tiên (1070) do nhà Lý sáng lập. Văn miếu Quốc tử giám thờ Đức Vạn thế sư biểu Khổng Tử và thờ người thầy dạy học Chu Văn An của dân tộc Việt Nam. Nơi đây là nơi đã đào tạo ra hàng trăm, hàng trăm bậc hiền tài. Thân Nhân Trung đã đề bia:
Hiền tài quốc gia chi nguyên khí
Nguyên khí thịnh tác quốc thể cường dĩ
                                                          ***

Hoàng thành Thăng Long vừa được khai quật mấy năm vừa qua đã chứng minh rằng. Nước Việt đã từng có một kinh đô với kiến trúc cổ, có Điện Kính Thiên, Thái Hòa…Hoàng thành là nơi vua và triều  đình làm chốn triều nghi. Những mảnh gốm xưa, gạch cổ, rồng đá (thời Lý) còn lại là vật chứng cho một thời hoàng kim của các vua chúa.
Nơi đây có thế rồng chầu hổ phục, đất đai bằng phẳng dựa vào thế núi hình sông. Có địa hình chiến lược phòng thủ khi có giặc ngoại xâm. Bởi thế, ba lần chiến thắng Nguyên-Mông, bao lần đối mặt với quân thù Bắc phương thì có bấy nhiêu lần vua tôi rút khỏi Thăng Long, nhưng rồi “giặc đến Bồ Đề, giặc lại tan”.
Chiến công hiển hách  của vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan hai mươi chín vạn quân Thanh xẩy ra ngày 30 tháng 1 năm  1789 (năm Kỷ Dậu). Xác giặc chất thành đống gò Đống Đa. Tôn Sĩ Nghị  chui ống đồng trốn về nước.
Cành đào báo tiệp của Quang Trung từ Thăng Long gửi gấp về Phú Xuân cho Ngọc Hân trong ngày Tết Kỷ Dậu  là ca khúc khải hoàn của một nước Việt Nam thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Sau gần hai trăm năm chiến thắng Ngọc Hồi, ngày 19 tháng 12 năm 1946 Hà Nội lại vang lên lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.Người Hà Nội tạm xa thủ đô yêu dấu để cùng với cả nước làm nên cuộc trường kỳ kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ. Để rồi có ngày mùng mười tháng mười, Hà Nội sạch bóng thực dân Pháp xâm lăng:
Rầm rập quân reo năm cửa ô
          Từ đây Hà Nội sạch quân thù…
(Thơ Xuân Bảo)
Nhân kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô, xin gửi về Hà Nội thân yêu bài thơ:

          THẾ ĐẤT RỒNG BAY
           Đại La thế đất dáng rồng bay
Hạo khí non sông tụ xứ này
Hổ phục oai phong nơi núi Tản
Rồng chầu lẫm liệt chốn hồ Tây
Xuất quân Kỷ Dậu, Tàu tan tác
Chiến thắng Năm Tư Pháp chạy dài
Giấc mộng Thăng Long rồng gặp nước
Diệu kỳ Hà Nội chính là đây.

VĂN HIẾN THĂNG LONG
Nghìn năm văn hiến chính là đay
Hoàn trả Linh Quy kiếm báu này
Lục Thủy Đài Nghiên soi sóng nước
Thanh Thiên Tháp Bút lộng trời mây
Quang Trung báo tiệp cành đào thắm
Lê Lợi bình Ngô vía giặc bay
Còn mãi Ba Đình lờii Bác vọng
Thăng Long cất cánh vẻ vang thay
                                                  Biên Hòa, ngày 9 tháng 10 năm 2014
                                                                 Nhà thơ Xuân Bảo



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét