Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

176.B-Nha Trang ơi ! Tạm biệt chim én nhé (Phần 2)

176.B. NHA TRANG ƠI, TẠM BIỆT CHIM ÉN NHÉ! (Phần 2).

          Ngày hôm sau, tôi cùng với anh bạn người Huế tên là Phan Quang lên Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội gặp người chú của anh tên là Nguyễn Minh C. đưa đơn xin chuyển công tác. Ông Minh C., sau khi xem đơn ông phê vào đơn mấy chữ “Đồng ý cho đồng chí Nguyễn Xuân Bảo chuyển công tác về Công ty Bông Vải Sợi – May mặc Hà Nội”.
          Tối hôm đó tôi không đến dự cuộc họp kiểm thảo tôi nữa.  Người lồng lộn hơn ai hết là bí thư Chi đoàn Thanh niên Ng. C. Hai ngày sau thì Phan Quang mang về cho tôi tờ Quyết định chuyển công tác. Tôi đưa ngay cho anh Trợ, bí thư Đảng ủy. Anh nói thêm rằng anh cũng rất không muốn bày cái trò kiểm thảo tôi làm gì. Dự luật “Hôn nhân và gia đình” sắp được Quốc hội thông qua không có điều khoản nào nói về hành vi đính hôn mà chỉ nói về hôn nhân chính thức mà thôi.
          Tôi rời cơ quan và ra ở nhờ nhà người bạn ở ngõ Yên Thái, gần rạp Hồng Hà, đối diện chợ Hàng Da. Hơn vài tháng sau, tôi đang ngồi trong phòng làm việc ở 13 phố Phan Bội Châu thì nàng tới thăm tôi. Đoạn văn sau đây là lúc tôi viết cái bút ký Hà Nội cơn lốc tháng bảy, viết vào mùa EURO 1988, Và hiện tại thời gian này châu Âu cũng đang diễn ra EURO 2016, cách nay đúng 28 năm. Bút ký có đoạn:
…  “Giờ đây, anh đang sống với dĩ vãng. Ký ức anh còn ghi: Sau khi cưới, có một lần em đến thăm anh. Hình như đã qua tuần trăng mật của em thì phải. Em đến đem theo cả một vầng sáng tràn ngập phòng anh. Anh đã phải mất vài giây định thần lại sau một thoáng trời đất quay cuồng để nhìn em, nhìn lại em cho rõ. Có phải là người mà anh hằng yêu dấu đó chăng? Anh hỏi: Em có được hạnh phúc không? Em đáp: Hạnh phúc! Trong hai tiếng ngắn ngủi đó sao anh lại nghe văng vẳng như biết bao lời oán trách, mai mỉa! Và em đã lại ra đi, để lại cho anh biết bao nỗi buồn! Đó là một buổi sáng tháng ba, năm 1960, khi Hà Nội vẫn còn những cơn rét ngọt, buốt thấu xương…”
Anh biết khi ván đã đóng thuyền. Số mệnh là số mệnh, duyên phận là duyên phận. Dù yêu em, thương em đến mấy anh cũng chỉ dồn nén lai trong lòng. Biết làm sao được? Trong thâm tâm anh luôn cầu mong cho em có hạnh phúc. Và em, hãy coi anh như cái bóng thoáng qua đời em. Có gì đâu, những giọt lệ sầu! Dòng đời cứ thế trôi đi, còn gì cho nhau nữa!.

                                                ***
       Mỗi miền đất nước đều có những đặc sản riêng. Hà Nội có cốm vòng khi chớm thu.Và đặc biệt là món Chả cá Lã Vọng, đã đưa vào danh mục ẩm thực thế giới.  Hải Dương, Hải Phòng có món rươi khi thời tiết sang đông “tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”. Huế có bánh khoái quanh năm. Đà Nẵng và Hội An thì có mì Quảng cao lâu. Quảng Ngãi có cá bống Sông Trà. Phú Yên thì có sò huyết Vũng Rô. Nha Trang có món bún sứa. Các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đều có đặc sản riêng.
Tôi nói với chị Băng, sáng nay cả nhà sẽ thưởng thức món bún sứa. Bún sứa Nha Trang ngon nổi tiếng. Tiệm bún sứa ở đường Tô Hiến Thành rất đông thực khách. Dùng xong bữa sáng cả nhà lên xich-lô đi dạo thành phố. Chị Băng và Bích Hạnh ngồi một xe. Vợ chồng Hoàng Châu ngồi một xe. Thúy Bắc ngồi một xe. Tôi ngồi một xe. 4 chiếc xich-lô rồng rắn ra đường Trần Phú. Chúng tôi chọn một nhà hàng cà phê nổi tiếng. Ngồi đây có thể nhìn thấy biển và Hòn Chồng. Nhìn thấy Hòn Chồng, tôi sực nhớ đến nhiều lần dự Trại Sáng tác của Hội Nhà Văn. Tôi đã làm một bài thơ Đường luật có tựa đề: Xứ Hòn Chồng như sau:

          Ta về thăm thú xứ Hòn Chồng
          Bên biển Nha Trang lắm kẻ trông
          Cổ tháp Lin-ga* bày cạnh núi
          Khánh Sơn Yo-ní* trải bên đồng
          Đồi trên mạnh bạo măng trồi mụt
          Vườn dưới xum xuê cải trổ ngồng
          Nữ sĩ Xuân Hương mà sống lại
          Khối tình cọ mãi có mòn không?
                   ---------- 
*Lin-ga, Yo-ni: bộ phận sinh thực khí của con người

Cũng tại Nhà Sáng tác này, mấy năm trước tôi gặp nhà thơ Hải Anh. Nàng nhìn nhầm tôi thành ông trung tá Quân lực Cộng hòa, chỉ huy đồn tại Đồi Charles ở Kon Tum. Tôi chối vì tôi không phải là ông trung tá đó. Hải Anh bảo rằng hồi đó em là phóng viên của tờ Tiền Tuyến do tướng Cao Văn Viên làm chủ bút. Em tới thăm chốt và gặp anh tại nơi đó mà. Nhưng dù sao tôi cũng được hưởng một đêm Nha Trang đầy thơ mộng. Và đây là bài thơ tôi ghi lại cảm xúc đó:

                    NHA TRANG ĐÊM HUYỀN ẢO.
                                                          Gửi Hải Anh
                Đêm tối đen mưa rơi
                Mặt Hằng Nga đẫm lệ
                Những ngọn núi chơi vơi
Bồng bềnh trôi trên biển

Nha Trang em và tôi
Hòa vào đêm tan biến
Cùng những giọt mưa rơi
Ta về miền mộng ảo

Gió không còn mơn man
Ào ào dâng lên bão
Chao đảo giữa mây ngàn *
Đôi cánh chim không mỏi

Mưa rơi, mưa cứ rơi
Tay cầm tay hơi ấm
Truyền vào nhau đêm nay
Nồng nàn trong mưa lạnh
         *Thơ Thiên Thanh

          Bích Hạnh và chị Như Băng ngồi cạnh nhau, nhắc nhiều kỷ niệm về Hà Nội những năm đầu thủ đô mới giải phóng. Tôi và Hoàng Châu đi săn ảnh. Thúy Bắc và Huyền Anh ra ngắm biển. Dùng xong cà phê, Huyền Anh vẫy một chiếc xe điện. Tài xế xe điện là một cô gái rất trẻ, có nụ cười tươi như hoa và khuôn mặt bầu bĩnh, trắng trẻo dễ thương. Cả nhà lên xe. Tôi ngồi ghế cạnh cô tài xế. Chị Băng, Bích Hạnh và Thúy Bắc ngồi hàng ghế thứ hai. Vợ chồng Hoàng Châu và Huyền Anh ngồi băng sau. Xe chạy xuống gần Trung tâm Hải dương học và quành lại, hết đường Trần Phú thì trời cững đã trưa. Hoàng Châu mời cả nhà đi thưởng thức món bò nướng, một nhà hàng có tiếng của Nha Trang. Đang giữa bữa tôi nói với mọi người: Đằng nào thì cũng phải tạm biệt nhau. Gia đình Bích Hạnh trở về Hà Nội. Còn tôi lại phải đi về phương nam. Chị Băng lại sống với thành phố biển xinh đẹp. Huyền Anh gọi điện cho Ga Nha Trang, lấy một vé giường nằm về Biên Hòa. Một lúc sau, nhân viên hoả xa mang vé đến và Huyền Anh lại tranh trả tiền. Như thế, thời gian của tôi còn lại chỉ không đầy bảy tiếng bên những người bạn thân thiết. Tôi tranh thủ thăm người cậu họ đã ở nơi đây gần nửa thế kỷ. Đang ngồi nói chuyện với ông cậu thì Huyền Anh gọi điện thoại mời bác Bảo đến nhà hàng dùng các món đặc sản biển. Tôi tạm biệt gia đình cậu Quýnh ra về. Cậu bảo tôi đừng đi taxi nữa mà để cậu chở bằng xe máy. Tôi không nỡ từ chối nên để cậu chở đi. Đến nơi, tôi mời cậu vào nhà hàng nhưng cậu từ chối. Và hai cậu cháu chia tay.
          Về nhà chị Băng thì đã gần 7 giờ tối. Chị đã làm bếp tự lúc nào không rõ, nhưng trên mâm thì đủ các món hải sản. Đặc biệt, có món cá sòng kho tiêu ớt. Đây là món ăn truyền thống của người Quảng Trị. Những năm còn bé tôi thường được mệ nội đi chợ Thuận mua cá sòng về kho tiêu ớt. Hai mươi năm tập kết ra Bắc, sống giữa lòng thủ đô và bốn mươi năm về sống ở Biên Hòa, tôi chưa bao giờ nhìn thấy con cá sòng quê tôi. Hôm nay lại được người chị đồng hương thết món cá sòng làm tôi bồi hồi xúc động. Dự bữa cơm chia tay này còn có cậu con trai của chị Như Băng nữa. Cơm nước xong, tôi xin phép về khách sạn trả phòng và chuẩn bị ra ga.
                                                   ***
          Con tàu rúc từng hồi còi dài rồi từ từ đi vào bóng đêm, xuôi nam. Ngồi một mình trên tàu, chung quanh đều là người xa lạ. Bây giờ tôi mới thấm hai từ chia ly. Bỗng tôi lại nhớ đến cuốn tiểu thuyết Nước mắt của một loài chim yến của một nhà văn, khi còn tỉnh Phú Khánh (Phú Yên và Khánh Hòa sáp nhập sau ngày đất nước thống nhất). Tác phẩm này cũng có số phận khá long đong.
          Thế là kết thúc chuyến đi Nha Trang với bao nỗi vui buồn lẫn lộn. Tôi muôn ngàn lần cảm ơn Đỗ Huyền Anh, cảm ơn Hoàng Châu, cảm ơn Thúy Bắc và tôi nhẩm đọc mấy câu tứ tuyệt, khi Bích Hạnh ghé thăm tôi đầu năm Bính Thân này:

                              Còn đó chút tình buổi xế tà
                              Vượt ngàn dặm ngái đến cùng ta
                              Hoàng hôn tím đẫm trời Biên Trấn
                                       Vương vấn giọt buồn nỗi cách xa.

                                        (Bên bờ Phước Long Giang, đêm 20 tháng Chạp, năm Bính Thân)

                                                                                    Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét