Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

152A (Tiếp theo) Về với dòng sông quê hương, dòng sông đau thương


         152 A. Về với dòng sông quê hương-dòng sông đau thương.

         Tôi được ông bà Vũ Văn Thư ở 20 ngõ Yên Ninh (Hà Nội) nhận làm con nuôi. Ông bà có người bà con ở thành phố Toulouse (Pháp). Tôi được bố Thư cho địa chỉ và được phép gửi thư qua Pháp nhờ họ chuyển về cho mẹ, nhưng vẫn khống có tin tức gì. Tôi đâu có biết sự nguy hiểm của những gia đình có người tập kết. Bọn ngụy chú ý theo dõi các thư từ từ nước ngoài về. Sau này khi đất nước hoàn toàn giải phóng, năm 1975 tôi gặp lại mẹ tôi và có hỏi về 2 cái bưu thiếp và cái thư từ Pháp gửi về cho mẹ.Mẹ tôi cho biết là không nhận được. Năm 1964, khi quê ngoại (Phường Sãi, làng Thượng Phước) về tay Quân Giải phóng tôi có nhận được thư và ảnh của mẹ tôi gửi ra Hà Nội do một cán bộ, người cùng làng tên là Hỷ chuyển trực tiếp. Rồi từ đó lại biệt vô âm tín!
           Và thế là mẹ con xa nhau đằng đảng hai mươi năm trời. Tháng 5 năm 1975 mới được đoàn tụ.


***
        Năm 1969 có những sự kiện lớn: Kỷ niệm 15 năm ngày ký Hiệp nghị Genève – Tổng tuyển cử Thống nhất đất nước 20 – 7, Chủ tịch Hò Chí Minh ra Lời Kêu gọi kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược: “Không có gì quý hơn độc lập tự do…”
Công đoàn thủ đô tổ chức Liên hoan Nghệ thuật quấn chúng, phát động công nhân viên chức lao động sáng tác ca khúc, thơ ca hò vè phục vụ cho việc đấu tranh đòi thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Genève.
Tôi tham gia 2 bài thơ. Bài Cồn Cỏ anh hùng và bài Gửi cánh chim xa. Tôi nhớ đêm sơ khảo tại hội trường Nhà máy Đèn (cạnh Hồ Gươm), bài thơ Gửi cánh chim xa của tôi được chọn để trình diễn trong đêm chung kết tại Nhà hát lớn.
Và đây là bài thơ đó. 

         Gửi cánh chim xa,

                             Kính dâng Mẹ

Một cánh chim xa giữa gió chiều
Về đâu chim hỡi bến thương yêu
Mười lăm năm ấy xa biết mấy
Thân con như hiện một thân Kiều

Con vẫn nghe tiếng mẹ à ơi
Ngọt ngào trong mỗi điệu ru hời
Bóng chim dạo ấy vào giấc ngủ
Và theo con đi suốt dặm đời

Giá con có cánh được như chim
Về bên nôi cũ đến con tìm
Lời mẹ ngày xưa ru con ngủ       
Ầu ơi! Giấc ngủ nhẹ êm êm

Con chưa về được với quê hương
Nỗi nhớ nhà trăm mối yêu thương
Thương mẹ giờ đây tóc đã bạc
Ai người nâng giấc lúc sớm hôm


Hỡi mây chiều nâng cánh chim xa
Về qua quê mẹ nhắn giùm ta
Lòng con luôn hướng về bên mẹ
Muôn ngàn thương nhớ - đứa con xa.
----------------------------------------------
*Bài thơ này được nhạc sĩ Trần Viết Bính, tác giả bài Hạt gạo làng ta, (thơ của Trần Đăng Khoa) phổ nhạc và ca sĩ Cẩm Hường thể hiện và thu vào đĩa.
                                                               Nhà thơ Xuân Bảo,
 Trấn Biên, viết xong ngày 7 tháng 11 năm 2015-

 Kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng 10 Nga (7/11/1917).

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

153. VỀ MIỀN SÔNG NƯỚC CƯU LONG (Tiếp theo)

153. về miền sông nước Cửu Long (Tiếp theo)

1.     THÚY NGỌC RA THĂM MỘ NGƯỜI BẠN ĐỒNG HỌC.
        Toàn có cuộc họp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cả buổi sáng. Toàn nhờ cậu Tuấn, một Đại lý của công ty lái xe giúp đưa vợ chồng tôi và Thúy Ngọc đi thăm mộ Nguyễn Hoàng Tuấn. Nguyễn Hoàng Tuấn, quê ở Long Xuyên, bố là bộ đội tập kết ra Bắc năm 1955 trên con tàu Stravôpôn (Liên Xô) tại Năm Căn và sau đó ít lâu thì lấy vợ Bắc. Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Tuấn được 9 tuổi. Gia đình hồi cư về quê. Tuấn học Đại học Tài chính – Kế toán, là bạn học cùng khóa với Thúy Ngọc.
Nguyễn Hoàng Tuấn làm việc tại Công ty Cổ phần Nam Việt (NAVICO). Công ty đóng tại 19 D, đường Trần Hưng Đạo. phường Mỹ Quý, thành phố Long Xuyên, Navi group là một tập đoàn lớn, có 2 công ty là Công ty Ấn Độ Dương với 6 nhà máy chế biến thủy sản, chủ yếu là cá tra vá cá basa, nhà máy sản xuất bao bì...  Và Công ty Cromit Nam Việt, có nhà máy Ferrochrom đóng tại huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa chuyên sản xuất các sản phẩm chrom, carbon, lưu huỳnh, silic, photpho. Ferrochrom là thành phần chính trong sản xuất vật liệu công nghệ cao thép không ri, công nghệ sản xuất công cụ y tế, công nghiệp thực phẩm. Navi group có gần 1 vạn công nhân làm việc.
Những ngày sau Tết Át Mùi, Nguyễn Hoàng Tuấn từ Long Xuyên ra, biết Thúy Ngọc và vợ chồng tôi đang ở Hà Nội. Tuấn mời chúng tôi lên nhà hàng Sen Tây Hồ chơi và thưởng thức những món đặc sản của Hà Thành, trong đó phải kể đến món chim sâm cầm hầm thuốc bắc. Giá một cặp sâm cầm lên tới 5 triệu đồng. Khi dùng món này, tôi bất giác nhớ đến tiểu thuyết “Cái chết của con chim sâm cầm” của nữ nhà văn Dương Thu Hương. Và năm 2009 tôi xuất bản Trường ca “Âm vang một dòng sông”,để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Trong phần thơ Đường luật có bài thơ Sâm cầm Hồ Tây. Hôm đó tôi đã đọc lại cho Nguyễn Hoàng Tuấn nghe. Thật vô cùng bất ngờ và đau xót chỉ các 2 tháng sau, chúng tôi nhận được hung tin Nguyễn Hoàng Tuấn mất. Anh ra đi khi tuổi đời mới 49! Thi hài được chuyển bằng máy bay từ Hà Nội vào sân bay Cần Thơ. Sau đó di quan vế Long Xuyên. Tang lễ được tổ chức rất trọng thể tại quê nhà. Hôm đó, Thúy Ngọc về Long Xuyên, đưa người bạn thân thiết cùng trường, cùng khóa tới nơi an nghỉ cuối cùng.
 Và giờ đây, tôi in lại bài thơ này coi là một kỷ niệm với người đi xa!
Hồ Tây thăm thẳm nước xanh mơ
Thấp thoáng hồn ai bóng tỏ mờ
Thị Lộ hàm oan tình chẳng rõ
Ức Trai hứng chịu nạn không ngờ
Chuông chùa Trấn Quốc vang từ đấy
Mõ điện Ngọc Hoa vọng đến giờ
Đêm xuống sâm cầm kêu thống thiết
Chạnh lòng liễu rủ đứng chơ vơ

(Sâm cầm Hồ Tây)



Tác giả và N. Hoàng Tuấn tại khuôn viên Sen Hồ Tây Hà Nội sau Tết Ất Mùi 2015..
                             Thúy Ngọc gọi điện cho Anh Chung (cấp phó của Nguyễn Hoàng Tuấn) để cùng ra thăm mộ. Nghĩa trang thành phố Long Xuyên nằm trên địa bàn huyện Châu Thành (nay đã sáp nhập vào thành phố), cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng gần 10 cây số. Tuấn Đại lý Nông cơ biết rõ nghĩa trang này nên đưa chúng tôi ra trước. Chừng mươi phút sau thì Anh Chung cũng vừa tới. Chúng tôi vào thắp nhang mộ Nguyễn Hoàng Tuấn. Mộ mới xây bằng đá hoa cương. Chúng tôi thắp nhang lên mộ Tuấn mà lòng nặng trĩu ưu tư.
                             Anh Chung cùng chúng tôi sang cù lao Ông Hổ.                                           

2.     ĐẾN CÙ LAO ÔNG HỔ, VIẾNG BÁC TÔN.

Dù ai xuôi ngược bộn bề
Chưa đén Ông Hổ, chưa về An Giang
                                              `                                     (Ca dao)
           Chúng tôi đưa cả hai ôtô lên phà Ô Môi để sang cù lao Ông Hổ, chỉ mất chừng không đầy hai mươi phút. Ngay trước cổng lảng có hai bức tượng toàn thân hai Ông Hổ to đùng, được tạc bằng đá uy nghi canh giữ làng quê. Một làng quê đã hình thành hơn 300 năm qua. Cù lao nằm bên dòng Hậu Giang, giữa hai bờ, một bên là thành phố Long Xuyên và một bên là xã Mỹ Hòa Hưng, huyện Chợ Mới (nay đã sáp nhập vào thành phố).
          Cái tên Ô Môi gắn liền với cù lao này. Ngoài màu xanh quen thuộc của bóng tre và những loài cây ăn trái là màu xanh của những cành lá ô môi và màu hồng của hoa ô môi. Cái tên Ô Môi là biểu trưng của làng Mỹ Hòa Hưng.
          Bí thư Đảng ủy xã Trần Công Tươi dẫn chúng tôi vào thăm Bác Tôn. Anh cho biết, xã Mỹ Hòa Hưng có đến ba hòn cù lao nằm liền kề nhau. Toàn xã hiện có 22.000 hecta với 23 ngàn dân. Hiện nay, phù sa vẫn ngày đêm bồi đắp cho vùng đất này ngày càng rộng ra. Đây là vùng trắng trước ngày 30 tháng tư năm 1975, không có một đảng viên. Nay thì toàn đảng bộ Mỹ Hòa Hưng đã có tới 230 đảng viên. Đảng bộ chúng tôi nhiều năm liền đạt danh hiệu “trong sạch – vững mạnh”.
        Chúng tôi vào viếng Bác Tôn.Toàn khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng nằm trên một mảnh đất rộng bên bờ sông Hậu, rất thoáng mát nhờ có nhiều cây xanh và những làn gió mát rượi từ sông thổi vào. Khu lưu niệm gồm có ngôi nhà gỗ thời niên thiếu, đền thờ và nhà trưng bày về thân thế và sự nghiệp của Người. Ngoài sân có chiếc máy bay Yak 40 còn nguyên  của Liên Xô tặng, là phương tiện chuyên cơ chở Bác Tôn từ Hà Nội vào để chỉ đạo Lễ mừng Chiến thắng toàn vẹn non sông được tổ chức vô cùng trọng thể và hoành tráng ngày 15 tháng 5 năm 1975 tại Sài Gòn. Trong gian trưng bày hiện vật cạnh đó có chiếc xe con hiệu Peugeot 404, chiếc xe này Bác Tôn thường dùng dể đi công tác trong thời gian ở Hà Nội.
  
  Ngôi nhà nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra và lớn lên nằm trong một vườn cây xanh mát, làm theo kiểu nhà sàn truyền thống ở nông thôn Nam bộ. 
Bên trong ngôi nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc quý hiếm như tủ thờ, các cặp liễn đối, ảnh bán thân của song thân Chủ tịch, bộ bàn ghế cổ, ván ngựa, lu nước… 


Tác giả đứng trước chiếc YAK trong Khu lưu niệm Bác Tôn.

     Đối diện với ngôi nhà thời niên thiếu của Bác Tôn là khu lưu niệm. Bước vào cổng, phía bên phải ta sẽ thấy những tấm bảng dán những hình ảnh hoạt động của Chủ tịch lúc sinh thời. Phía bên trái là một đầm sen nhỏ xanh non. Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một công trình có kiến trúc cổ lầu tam cấp, các chi tiết bằng gỗ đều là gỗ quý.
       Nhà trưng bày về thân thế và sự nghiệp Chủ tịch nằm đối diện với đền thờ. Bên trong trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật, các tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Nơi đây còn lưu giữ những vật dụng mà Bác Tôn từng sử dụng như chiếc xe đạp, cái quạt, cây bút, bộ đồ nghề sửa xe… Tất cả đều gợi lên hình ảnh về một vị chủ tịch giản dị của nước nhà.
          Chủ tịch Tôn Đức Thắng, bí danh Thoại Sơn  Chủ tịch nước thứ hai và cuối cùng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là Chủ tịch nước đầu tiên của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

          Bác Tôn sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 tại Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hoà Hưng, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên (nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Là con đầu của Cụ ông Tôn Văn Đề, và Cụ  Nguyễn Thị Di. Gia đình đông con, Bác là con đầu nên được gọi là Hai Thắng.

Gia đình Bác thuộc hạng nông dân khá giả nên từ nhỏ đã được học hành đàng hoàng. Năm 1906, sau khi tốt nghiệp Sơ cấp tiểu học Đông Dương (Certificat d'Etudes Primaires Complémentaires Indochinoises - CEPCI) tại Long Xuyên, Bác rời quê lên Sài Gòn học nghề thợ máy tại Trường Cơ khí Á Châu (L’école des Mécaniciens Asiatiques), thường gọi là Trường Bá Nghệ. Tốt nghiệp hạng ưu, Bác được nhận vào làm công nhân ở Nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp tại Sài Gòn.

 Năm 1912, Tôn Đức Thắng tham gia tổ chức công nhân bãi công đòi quyền lợi, vì vậy bị sa thải. Năm 1913, Bác sang Pháp làm công nhân ở Toulon. Năm 1914, được tuyển mộ làm lính thợ cho một đơn vị Hải quân Pháp. Bác đã tham gia phản chiến chống lại cuộc can thiệp của Đế quốc Pháp vào nước Nga Xô Viết non trẻ tại Hắc Hải vào ngày 20 tháng 4 năm 1919,  kéo cờ đỏ lên một thiết giáp hạm của Pháp để ủng hộ Cách mạng Nga.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi có “Bài thơ Hắc Hải” nhắc đến sự kiện này. Năm 1977, hồi tôi ra Côn Đảo để viết cái bút ký Tiếng hát vẫn còn vang, tôi đã đến thăm nơi Bác Tôn ngồi đập vỏ dừa. Tôi trích lại một đoạn nói về Bác Tôn:

 “…Hàng bàng, phượng vĩ do chính bàn tay người tù trồng hàng trăm năm nay đã có cây khoảng một vòng tay ôm. Đây rồi gốc cây đa - nơi Bác Tôn đã ngồi đập vỏ dừa bện thừng thuở trước. Hôm nay vẫn còn đó sừng sững hiên ngang tỏa bóng xum xuê. Tôi nhớ tới nước Nga, xứ sở của Lê-nin. Phải chăng có một sự gắn bó nào đó của 60 năm về trước, người thủy thủ Việt Nam trên hạm đội thực dân Pháp ở biển Hắc Hải đã không nghe theo lệnh của người chỉ huy mà anh dũng kéo lá cờ búa liềm lên đỉnh cột cờ để chào mừng Cách mạng Tháng Mười, chào mừng chính quyền vô sản đầu tiên trên thế giới – một biểu hiện cao đẹp của mối tình quốc tế vô sản”…

Năm 1920, Tôn Đức Thắng về nước, xây dựng cơ sở Công hội (tiền thân của Công đoàn Việt Nam), vận động công nhân đấu tranh, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1925, quyết tâm trì hoãn việc sửa chữa chiếc Đô đốc hạm Jules Michelet trong đoàn tàu chiến Pháp. Năm 1927, Bác tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam Kỳ.

Năm 1928 Bác bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn. Thực dân Pháp gán cho Bác tội chủ mưu giết người trong vụ ám sát tên Phát Việt gian do các đồng chí của Bác thực hiện tại đường Barbier, nay là đường Thạch Thị Thanh. Nhờ có một đồng chí trẻ tự nhận là chủ mưu, cùng với sự vận động của một số nhân sĩ trí thức người Việt như bà Trần Thị Cừu, Đốc học Nguyễn Văn Bá, luật sư Trịnh Đình Thảo, nên Bác chỉ bị chính quyền thuộc địa tuyên án chung thân khổ sai, đày ra Côn Lôn. Có tổng cộng hơn 60 người bị bắt trong vụ án này, theo hồi ký Passion, Betrayal, and Revolution in Colonial Saigon: The Memoirs of Bao Luong, của bà Nguyễn Trung Nguyệt (Bảo Lương).

Bác Tôn là người tù khổ sai ở tù ròng rã 17 năm trời trong ngục tù Côn Đảo, với bao cực hình vô cùng dã man của bọn thực dân Pháp nhưng không lay chuyển được ý chí kiên trung, bất khuất của người cộng sản Tôn Đức Thắng. Bác Tôn là người đã tham gia thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở nơi này. Năm 1930, Tôn Đức Thắng gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Côn Đảo.

 Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Bác trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến, giữ chức Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1945). Bác Tôn đã kinh qua các chức vụ: Phó ban Thường trực Quốc hội (1946-1955), Quyền Trưởng ban (1948-1955) rồi Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1955-1960), (tương đương Chủ tịch Quốc hội sau này). Tôn Đức Thắng  là Đại biểu Quốc hội liên tục các khóa, từ khóa 1 đến khóa VI. 

Sau khi Bác Hồ từ trần, ngày 22 tháng 9 năm 1969, Quốc hội đã bầu Bác Tôn giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhiệm kỳ từ 22/9/1969 – 2/7/1976),với thời gian là 6 năm, 284 ngày. Sau khi thống nhất đất nước, Quốc hội tiếp tục bầu Bác Tôn giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969-1976) và sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam  từ 2/7/1976 tới lúc  Bác  từ trần ngày 30/3/1980. Thời gian này là 3 năm 272 ngày. Như vậy, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là vị Chủ tịch nước thứ 2 kể từ ngày Bác Hồ qua đời, có thời gian đương nhiệm tất cả là 10 năm vá 191 ngày.

Bác Tôn là nhân vật tiêu biểu cho khối Đại đoàn kết dân tộc.  

 Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời ngày 30 tháng 3 năm 1980 tại Hà Nội, hưởng thọ 91 tuổi. Thi hài của Bác được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.

           Bác Tôn là người đầu tiên được tặng Huân chương Sao Vàng, là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lenin do Chính phủ Liên bang Xô viết trao tặng và Nhà nước Mông Cổ tặng thưởng Huân chương Xukhê Bato, huân chương cao quý nhất của Mông Cổ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi Bác Tôn với những dòng chữ vàng: "gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân."

Bac_Ho_voi_Bac_Ton_1960psdjpg


Hình ảnh thân thương giữa Bác Hồ với Bác Tôn
          Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng  (20/8/1888 - 20/8/1988),Chính phủ  cho thành lập một bảo tàng với tên gọi ban đầu là "Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng" tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó được đổi tên thành Bảo tàng Tôn Đức Thắng.

5.     THĂM CỤ NGUYỄN SINH SẮC, THÂN PHỤ CỦA BÁC HỒ.
Gần trưa, trở lại Long Xuyên và Tuấn Đại lý cho xe đến đón Phạm Toàn và mời chúng tôi dùng bữa tại một cái quán đặc sản “Thịt trâu chấm mẻ”. Tôi lại nhớ ngày trước về dự họp Hội đồng Nhân dân xã Ba Thê thuộc huyện Thoại Sơn. Các vị Hội đồng đã chiêu đãi đoàn chúng tôi một bữa tiệc mà thực phẩm nấu, xào, lẩu duy nhất một món là thịt và lòng trâu chấm mẻ tuyệt ngon. Và có lần tôi ra Hà Nội được chàng rể quý là Phạm Đình Vũ, giám đốc Công ty Quảng cáo Trẻ Hà Nội, đưa sang xã Nam Hồng, tận Đông Anh để thưởng thức món thịt trâu chấm mẻ, lấy từ mô hình Nam Bộ này. Phạm Đình Vũ là bố của cháu Phạm Đình Long hiện đang học ở học viện Asenal JMG – Hoàng Anh Gia Lai.
Chúng tôi chia tay thày trò Anh Chung và đi qua phà An Hòa thẳng vế thành phố Cao Lãnh. Nơi đây tôi đã nhiều lần đến. Đây là một vùng sông nước có rất nhiều đặc sản: rắn, rùa, các loài cá da trơn như chình, basa…Đặc biệt có món chuột đồng hấp lá chanh rất thơm ngon. Tôi có một kỷ niệm với nhà báo Trần Mộng Cẩn khi về đây. Anh không xơi được thịt chuột mà chỉ dùng các món khác. Mặc dù quê Thái Bình của anh, thịt chuột đồng cũng là món nhắm nhiều người ưa thích. Tôi lại nhớ cách đây ba năm về dự Hội Thơ Đường luật Phương Nam do Unesco Việt Nam tổ chức. Tôi được quen biết với nhiều nhà thơ cổ điển Việt Nam, trong đó có nữ sĩ Hoài Như, người gốc Quảng Bình, cùng quê với Hàn Mặc Tử, lấy chồng cố đô Huế và hiện sống và viết tại Sài Gòn. Trong một đêm trăng huyền diệu của xứ sở Tháp 10 tầng mà nhà thơ Bảo Định Giang đã đưa vào ca dao, trở thành bất hủ:
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ.

Đến phần II, phần giải lao của đêm hội, tôi hơi bị đau đầu muốn về sớm, nữ sĩ Hoài Như nói: “Để em đưa anh về”. Tôi bảo không cần và chúng tôi ra ngồi ở ghế đá công viên Cao Lãnh. Tôi hỏi: “Em thấy bài thơ lúc nãy anh đọc trên diễn đàn thế nào?” 


                                Vợ chồng tôi trước mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc (Cao Lãnh).

Hoài Như nói: “Đó là bài thơ anh viết riêng cho em. Hay lắm, cảm động lắm! Em xin cảm ơn anh nhiều”! Và đây là bài thơ đó:


Kỳ diệu đêm Cao Lãnh
Gửi Hoài Như,
Trăng hạ huyền mềm mại như lá liễu
Đêm kỳ diệu Cao Lãnh dát ánh vàng.
Sông Tiền man mác câu hò mênh mang
Ta cùng em đi vào miền ký ức

Quá khứ hiện về hai trăm năm trước(*)
Ở nơi đây chưa có dấu chân người
Sao lại có tên gọi Đồng Tháp Mười
Ai đã trồng những đầm sen bát ngát?

Trời đất nồng nàn tỏa hương ngào ngạt
Tiếng trống Hội Đường Thi Đất Phương Nam
Nhắc nhở công lao ơn đức tiền nhân
Tay cuốc tay dao gian lao khai phá

Đi bên em nàng Hương Giang sương phụ
Da diết nhớ thi sĩ Bảo Định Giang
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ”.
Cao Lãnh, ngày Giỗ Cụ Nguyễn Sinh Sắc
          cùng ngày Hội Đường Thi Đất Phương Nam 13/12/2009.
          ------- (*) Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp sắp kỷ niệm 190 năm hình thành.
          Chúng tôi vào thắp nhang Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc nằm ở đường Phạm Hữu Lầu, thành phố Cao Lãnh. Đây là nơi an nghỉ của một nhà Nho yêu nước, và là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 Theo sử liệu: Sau khi bị cách chức tri huyện Bình Khê, Cụ vào Nam kỳ làm thày thuốc giúp dân nghèo, sống cuộc đời thanh bạch tại làng Hòa An cho đến khi qua đời vào ngày 27 tháng 10 năm Kỷ Tỵ, nhằm ngày 26 tháng 11 năm 1929. Người dân Cao Lãnh đã chung tay góp sức mua đất và tổ chức an táng Cụ tại vùng miễu Trời Sanh, cạnh chùa Hòa Long và gìn giữ cho đến ngày Toàn thắng 30-4-1975.
          Trên khuôn viên rộng gần 10 hecta, nhiều công trình vừa mang tính dân tộc vừa mang tính hiện đại được xây dựng sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Đặc biệt ngôi mộ Cụ được ốp bằng đá hoa cương. Núm mộ hình chữ nhật màu xám. Nền mộ bằng đá mài trắng hình lục giác không đều nhau mở rộng dần ra phía trước. Vòm mộ hướng về phía mặt trời mọc, là một cành hoa sen cách điệu, có dáng dấp hình bàn tay xòe úp xuống, trên là chin con rồng cách tân đậm nét dân gian vươn ra thành chin đầu hồi, tượng trưng cho hình ảnh người dân vùng đồng bằng Cửu Long Giang chở che, ôm ấp ngôi mộ. Cũng như ở miền sơn cước Tây Sơn, thường thường bên cạnh mộ bao giờ cũng có trồng cây khế để thờ. Ở đây, phía trái mộ có một cây khề 300 năm tuổi và một cây sộp cũng ở độ tuổi ba thế kỷ được trồng phía tay phải mộ. Phía trước vòm mộ là một hồ sen hình ngôi sao năm cánh. Giữa hồ là một đài sen sừng sững cao 6, mét 50. Tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch của Cụ, đồng thời là biểu trưng của quê hương Tháp Mười.
          Sáng ngày 2 tháng 12 năm 2010, nhân ngày giỗ lần thứ 81 của Cụ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp  đã long trọng khánh thành Khu di tích mộ Nguyễn Sinh Sắc. Ngày giỗ thường niên được long trọng tổ chức vào ngày 27 tháng 10 Âm lịch. Và nơi đây đã trở thành một điểm hành hương của người dân Việt Nam.
          Chúng tôi đi tham quan một vòng quanh Khu di tích và lòng cảm thấy tự hào về quê hương xứ Nghệ đã sinh ra cho dân tộc một con người mà người đó đã sinh ra cho đất nước một vị cứu tinh. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, một anh hùng giải phóng dân tộc và là danh nhân văn hóa thế giới!

3.     KẾT THÚC MỘT CHUYẾN ĐI ĐẤY THÚ VỊ.
          Lần đi này tôi không phải phụ thuộc vào một sự phân công trách nhiệm nào của công việc mà đi để viết những gì thấy cần thiết cho cuộc sống. Tôi đi và viết với chức phận của người cầm bút, của người nghệ sĩ, viết vì dân và vì nước. Tôi đi và viết vì lương tâm của kẻ sĩ trước thời cuộc! Chương trình sáng tác năm nay của tôi là hoàn thành tác phẩm HÀNH TRÌNH THIÊN LÝ KÝ SỰ, trong đó có những phần: Bắc Hà ký sự, Về miền sông nước Cửu Long, Thăm lại dòng sông Hiền Lương – dòng sông đau thương và Một thoáng vùng đất Hoàng Triều cương thổ. Tôi cũng dự định cho xuất bản vào năm 2015 này.
          Trời chuyển hoàng hôn, tạm biệt Cao Lãnh, tạm biệt vùng đất có tháp cổ 10 tầng, tạm biệt những địa danh mà những năm làm báo tôi đã từng đặt chân tới. Những Tràm chim Tam Nông, những con kênh Hồng Ngự, Thanh Bình…Xe chúng tôi đi qua thành phố Cao Lãnh, khi đến gần tượng đài liệt sĩ tỉnh Đồng Tháp thì rẽ phải theo Quốc lộ 30 để ra ngả ba An Hữu về lại Cái Bè và dừng chân trước một nhà hàng chuyên đặc sản “thịt heo quay” nổi tiêng Cai Lậy.
          Đây rồi ánh đèn Khu Công nghiệp Biên Hòa! Đây rồi Cù lao Phố thân thương! Đây rồi dòng Phước Long Giang cuộn sóng! Và ngôi nhà 100/23 đường Hà Huy Giáp, phường Quyết Thắng – nơi vợ chồng tôi tạm biệt Hà Nội yêu thương – để vế với Mẹ tôi do Mỹ Thiệu xúc tát vào Nam trong “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972 đang ở tại Xuân Đà (sau này là Xuân Tâm). Cây xoài cát Lộc Hà mọc tự nhiên, lớn lên từ hột trong sân nhà tôi thế mà đã gần 40 năm tuổi đang vào mùa thay lá. Những chùm lá xanh màu nâu non dường như thắm lại hứa hẹn một mùa hoa trái mới!
         Về đến nhà thì đã gần 12 giờ đêm. Tôi kết thúc chặng đường “ Về với miên Tây sông nước Cửu Long” để chuẩn bị lên vùng đất Hoàng triều cương thổ viết tiếp Ký sự.

          Trấn Biên, những ngày Tháng Tám lịch sử
           và Tết Độc lập mùng 2 Tháng 9 năm 2015