Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

281. Nhớ về Thành Cổ Quảng Trị

281.Nhân Ngày hội Thống nhất giang sơn
Nhớ về Thành Cổ Quảng Trị
Như vậy, đến nay cuộc chiến Thành Cổ Quảng Trị trải qua hơn 47 năm (1972-2019). Những ngày này, nhân dân cả nước đều hướng về Ngày Thương binh – liệt sĩ 27 tháng 7.
Vừa qua, trong chuyến về thăm quê Quảng Trị, vợ chồng tôi cùng con gái Nguyễn Thúy Ngọc đã ghé thăm Thành Cổ. Nơi đã xẩy ra cuộc chiến 81 ngày đêm khốc liệt, từ 28 tháng 6 đến 16 tháng 9 năm 1972. Chúng tôi đến nơi đã thấy rất nhiều xe mang biển số các tỉnh. Những cựu chiến binh và bà con nhân dân các tinh từ Hà Giang cho đến Hà Tiên, Hà Tĩnh đến viếng các anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống nơi đây.
Có một bài thơ mà nay đã trở thành giai thoại, bất tử. Đó là bải thơ tứ tuyệt do cựu chiến binh Lê Bá Dương sáng tác:
"Đò lên Thạch Hãn ơi ...chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm"
Và Lê Bá Dương đã có một việc làm lay động lòng người mà cho đến nay nếu ai biết được sẽ không cầm nổi nước mắt. Đó là: Rạng sáng ngày 27 tháng 7 năm 1987, Lê Bá Dương ra chợ tỉnh mua hết hoa rồi thuê người chở xuống bến sông. Tại đây, ông thuê một con đò của một bà mẹ ngư dân với giá 8.000 đồng/giờ để đi thả hoa trên sông. Thả hoa xong, vừa đúng 4 giờ thuê đò, ông lấy tiền trả cho bà mẹ thì bất ngờ mẹ quỳ sụp xuống lạy và khóc: "Mi mần rứa, răng mệ lấy tiền mi...". Rồi hai mẹ con cùng khóc trước sự sững sờ của những người bạn của ông vừa ào ra bến thuyền. Thì ra hôm đó tại hội trường, trong lễ Kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ mọi người bàn nhau đi mua hoa để viếng nghĩa trang. Khi ra chợ thì hoa không còn, hỏi thì mấy chị bán hoa nói có anh bộ đội nào đó đã mua hoa rồi vừa đi vừa khóc ra phía bờ sông, mấy người bạn đoán ngay là Lê Bá Dương liền vội lao ra bờ sông.
Sau chuyện này những người bạn Lê Bá Dương ở Triệu Hải cứ đến dịp 27 tháng 7 năm nào cũng mua hương hoa ra thả. Lâu dần thành tập quán chung của người dân ở hai bên bờ Thạch Hãn và bây giờ là tập quán của mỗi người dân Quảng Trị. Đây là một nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc ta. “Uống nước nhớ nguồn”.
Giờ đây, dòng sông Thạch Hãn linh thiêng đã có thêm một cây cầu mới bắc ngang sang đúng vị trí “bến thả hoa” nối làng Nhan Biều bờ bắc sang thị xã Quảng Trị, tạo thuận lợi cho đồng bào , đồng đội đến viếng Thành Cổ.
Tôi dự cuộc gặp mặt các chiến sĩ Trung đoàn 27 Triệu Hải. Tại đây tôi được Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – người đã tham gia đánh chiếm Thành Cổ năm xưa - tặng sách và may mắn được anh Đoàn Công Tính, phóng viên ảnh chiến trường tặng bộ ảnh Chiến tranh Việt Nam. Trong đó phần lớn là ảnh chiến trường Quảng Trị.(Xem ảnh).
Tôi rất mừng là cô em Nguyễn Thị Trâm, con bà o ruột của tôi được Nhà nước tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kèm món tiền 60 triệu đồng để xây nhà tại quê nhà làng Đại Hào.
Và tôi cũng đã có bài thơ viết về 81 ngày đêm Thành Cổ máu và hoa:
81 tấm lịch đá Thành Cổ
Nơi đây những tấm bia đá
Không còn là vật vô tri
Mỗi tấm lịch đá còn ghi
Đủ 81 ngày đêm khốc liệt
Giữa sự sống và cái chết
Thành Cổ Quảng Trị anh hùng
Mỗi tấc đất đều thấm máu cha ông
Từ thuở Nguyễn Hoàng vào trấn thủ
Đàng Trong – Ái Tử
Thành Cổ vang lên tiếng thét căm hờn
Đây chính là tiếng thét của núi sông
Đã tạc vào lương tâm thời đại
Chiến tranh – nỗi đau lớn nhất của nhân loại
Nơi đây những linh hồn trai trẻ
Nằm xuống để ươm mầm xanh Quảng Trị
Nguyễn Văn Thạc tươi mãi tuổi hai mươi
Tô thắm cho những cuộc đời
Không ai lựa chọn cho mình cái chết
Cũng không ai muốn điều ly biệt
Ai cũng muốn cuộc sống bình yên
Giá trị làm người – giá trị thiêng liêng
Không chiến tranh để người vợ không góa bụa
Để các em thơ vui đùa nhảy múa
81 khối đá hóa thành kim cương
Khóc mãi ngàn năm Thành Cổ đau thương.
Xuân Bảo
Ảnh 1.. Phóng viên chiến trường Đoàn Công Tinh
Ảnh 2. Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành Cổ Quảng Trị,1972
Ảnh 3. Đài Tưởng niệm trong Thành Cổ
Bên bờ Phước Long Giang, Ngày 26/7/2019
Nhà thơ Xuân Bảo

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2019

280. 65 năm Hiệp định Geneve.


KỶ NIỆM 65 NĂM HIỆP NGHỊ GENÈVE.
Hồi ức của nhà thơ Xuân Bảo

TÔI TẬP KẾT RA BẮC

 Ngày 19 tháng 7 năm 1954 về trước quê nhà chúng tôi vẫn còn nằm trong tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, sau thất bại nặng nề ở chiến trường Điện Biên Phủ, bọn Pháp ở chiến trường Bình Trị Thiên co cụm lại, chúng ít đi càn và ruồng bố. Nhân dân thì háo hức chờ nghe kết quả của Hội nghị Genève.
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, mặc dù bên trời Tây, Hội nghị Genève đã kết thúc, nhưng vì phương tiện thông tin lúc đó khó khăn: báo chí không, đài phát thanh không. Nhân dân quê tôi vẫn trong tư thế sẵn sàng chạy giặc.
 Tôi còn nhớ, trưa ngày 21 tháng 7 năm 1954, tiếng mõ báo động Tây lên lùng. Cả làng chạy giặc vào Xóm Mộ, vào hác Sủng Moong, vào rú Cầu Đất. Khoảng một giờ sau thì mõ báo yên. Mọi người trở về nhà và ùa ra bờ sông Thạch Hãn để xem ca nô của Tây lên. Ca nô cắm cờ trắng.
Thôn đội trưởng Lê Văn Ngữ cho liên lạc mang loa chạy từ đầu làng đến cuối làng thông báo hiệp định đình chiến Đông Dương đã được ký kết. Cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp “ba ngàn ngày” tạm thời ngưng tiếng súng! Máu của đồng bào tạm thời ngừng chảy! Mừng ơi là mừng!
Những học sinh cấp 2 chúng tôi đang kỳ nghỉ hè. Nửa tháng sau, xã đội trưởng Lê Trường Lữ cho người mang giấy báo cho tôi tập trung, chuẩn bị đi tập kết. Cái danh từ này hơi lạ tai. Một số ít trong đám học sinh được phiên chế vào hàng ngũ quân đội. Chúng tôi thuộc đại đội bộ đội địa phương huyện Triệu Phong, mang phiên hiệu là đại đội 235.
Bộ đội điạ phương 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên hành quân bộ. Sau 2 tháng kể từ ngày 20/8/1954 là ngày khóa tuyến chúng tôi đến huyện Nghi Xuân (quê hương đại thi hào Nguyễn Du) vào tháng 10  thì dừng lại, thành lập 2 trung đoàn chính quy có phiên hiệu là trung đoàn 271 và trung đoàn 270. Chúng tôi được nghe phổ biến tường tận quá trinh diễn biến của Hội nghị Genève.
 Ngày đó, bộ đội chúng tôi đã được đón tiếp phái đoàn chính phủ về thăm. Tôi nhớ trong đoàn có Bộ trưởng không bộ Bồ Xuân Luật (ministre sans portefeuille), bà Hà Thị Quế, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ông Lê Nam Thắng, tư lệnh Liên Khu IV và vài thành viên khác tôi không nhớ  hết.  Đặc biệt trong đoàn có nhạc sĩ Tô Hải. Đoàn về, nhạc sĩ ở lại dạy chúng tôi bài hát (tôi không nhớ tựa đề) có những câu: Hôm qua thắng trận Điện Biên, chiến hào xuất kích, đồi Him Lam ta tiến vào, đột phá tiên đao ta tiến vào… Đi mở đường thắng lợi, ba tháng đổ mồ hôi, ta tới đây quyết diệt cho hết quân thù…
Những học sinh đang học cấp 2, cấp 3 thì được chọn cho đi học các lớp đào tạo cấp tốc. Sau khi tốt nghiệp, tôi và một số anh chị em được điều về Chi sở Mậu dịch đặc biệt, đóng ở Bái Thượng, Thanh Hóa. Chi sở này giải tán, tôi được điều về Ty Lương thực Thanh Hóa. Đầu năm 1955 tôi được đi học ở Hà Nội. Ra trường, tôi được bổ sung cho Khu Tự trị Thái Mèo, là một trong số 200 cán bộ tăng cường đó.

HIỆP ĐỊNH LẤY SÔNG HIỀN LƯƠNG LÀM GIỚI TUYẾN.





Cầu Hiền Lương cũ và mới

 Theo “Ô Châu cận lục” của Sùng Nham Hầu Dương Văn An thì châu Minh Linh phía tây có núi Cổ Trai, phía đông có ngọn Thần Phù, tức đảo Cồn Cỏ. Giờ đây Cồn Cỏ đã thành một huyện của Quảng Trị. Có cửa biển Tòng Luật, ngày nay thường gọi là Cửa Tùng. Cửa Tùng đón nhận nguồn nước từ hai con sông: sông Hiền Lương chảy từ thượng nguồn về khoảng 60 cây số thì hợp lưu với sông Sa Lung từ hướng tây bắc đổ vào thành ngả ba sông. Đứng trên cầu Hiền Lương nhìn theo hướng tây thấy rất rõ cái bán đảo này. Cả hai con sông này đều chảy qua làng Minh Lương nằm ở bờ bắc và làng Xuân Hòa ở bờ nam. Sông Hiền Lương thực ra có tên là Minh Lương. Thời vua Minh Mạng, do kiêng húy chữ Minh nên cả tên làng, tên sông đều đổi thành Hiền Lương. Sông dài hơn 70 cây số, chỗ rộng nhất 200 mét, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy dọc vĩ tuyến 17 từ tây sang đông, ranh giới giữa 2 huyện Vĩnh Linh và Do Linh rồi đổ ra biển Đông tại cửa Tùng Luật.
Con sông này còn có tên là Bến Hải. Thực ra chữ Bến Hải là do người Pháp đọc chệch ra từ địa danh Bến Hai, bến thứ hai từ thượng nguồn sông. Ngoài ra, sông còn có nhiều tên gọi khác. Đoạn thượng nguồn có tên là Rào Thanh, đoạn cuối có tên là sông Cửa Tùng hay Tùng Luật. Hồi chúng tôi tập kết ra Bắc qua đoạn sông rất hẹp mà ở đó có một cây rừng đổ ngang từ bờ nam sang bắc, bộ đội leo lên thân cây sang sông thì gọi là sông Hói Cụ. Sông còn có tên gọi là sông Hồi. Trong kháng chiến chống Mỹ nhà văn Nguyễn Tuân sáng tạo ra cái tên mới là sông Tuyến khi đất nước bị chia cắt bởi Hiệp định Genève năm 1954.
Những năm mới ra Hà Nội tôi thường được nghe và được hát bài hát “Câu hò bên bến Hiền Lương”. Lời bài hát như cào xé tâm can của những người con miền Nam đang sống trên đất Bắc. Một thời khi mà chúng tôi nghĩ là chỉ xa quê hương trong vòng hai năm để rồi sẽ có ngày tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, sẽ có ngày đoàn tụ gia đình. Bài hát của một thời chia cắt đứt ruột đứt gan. Thời của Bắc di cư Nam tập kết. Mẹ xa con, anh lạc em, vợ lìa chồng. Thời của hận thù nồi da xáo thịt.
Tôi lại hồi tưởng hơn mấy trăm năm trước cũng tại dải đất hẹp Quảng Bình nơi có con sông Gianh đã là nơi chia cách trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Như vậy khúc ruột miền trung này đã hai lần bị xẻ làm đôi. Trước là hận sông Gianh nay là hận sông Hiền Lương.
Đêm đến lòng bồi hồi da diết nhớ quê tôi đã làm bài thơ có nhan đề:
Nhớ nhà
Quạnh quẽ đêm nay ta với bóng
Bồi hồi nhớ mẹ nơi quê nhà
Đầu non sương lạnh trăng mờ khuất
Eo óc thôn xa mấy tiếng gà
Bên bờ Phước Long Giang, sáng 19/7/2019. Còn 1 ngày nữa thì tròn 65 năm nước ta bị xẻ làm đôi: 20/7/1954 – 20/7/2019 bởi Hiệp định Genève.
Nhà thơ Xuân Bảo


Thứ Tư, 17 tháng 7, 2019

279. hUẾ VỚI CON ĐƯỜNG GỖ LIM


279. HUẾ VỚI CON ĐƯỜNG “GỖ LIM”.
Khi viết những dòng này, tôi lại nhớ đến đề thi văn tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay. Ngày xưa gọi là thi tú tài. Đề ra lấy từ tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông Hương” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, quê làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Làng Bích Khê nổi tiếng vì có nhà cách mạng Hoàng Thị Ái, có nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với mối tình đầu nghiệt ngã với ca sĩ Tân Nhân, có doanh nhân giàu có nước Mỹ Hoàng Kiều với cuộc tình ngắn ngủi không lấy gì làm “vinh dự” với người mẫu nội y Ngọc Trinh.



Sông Hương vốn dĩ trời sinh ra đã đẹp. Có dòng nước mát lành và bốn mùa trong xanh. Khi chảy qua kinh thành Phú Xuân còn mang theo nhiều mỹ từ: Hương Giang trầm mặc, trữ tình, lãng mạn và thơ mộng... Và cặp đôi phạm trù: Sông Hương, núi Ngự là niềm vinh hạnh cho người dân cố đô.
Người đời khó ai quên vua Gia Long đã chọn Thuận Hóa làm kinh đô từ khi ngài lên ngôi đầu thế kỷ 19 (1802). Và đã xây dựng kinh thành này với nhiều danh lam thắng cảnh: đền chùa, miếu mạo, lăng tẩm; có chùa Linh Mụ, Từ Đàm…,có Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, có Phu Văn Lâu, bến Thương Bạc, có cửa Ngọ Môn, Thượng Tứ, có cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp do Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer khởi xướng và vân vân…
Hoàng thành Phú Xuân (Huế) đã được tổ chức UNESSCO vinh danh là Di sản Văn hóa của nhân loại.
Không cần thêm một kiến trúc nào làm thêm để cho Huế đẹp, nếu muốn Huế là điểm đến của du khách thì hãy giữ lại những gì gọi là cổ kính. Cái ngôi nhà chọc trời của Vincom như một cái gai đâm vào mắt người Huế, như đâm vào cả khu Thành Nội vốn có rất nhiều danh thắng: cửa Ngọ Môn, điện Cần Chánh và Thái Hòa, có Thế miếu và sân Cửu đỉnh…
Cái “con đường gỗ lim” của Huế với Lời bàn của nhà thơ Xuân Bảo
Đường đi bộ ven sông Hương có lẽ là công trình của Huế tạo nên dư luận nhiều nhất từ vài chục năm trở lại đây. Thực ra con đường đó tạo thành một tuyến đường đi bộ trên mặt nước kéo dài từ bến Tòa Khâm đến cầu Dã Viên dài chưa đầy nửa kilômet (452m, rộng 4 mét), với kinh phí là 64 tỷ VND.



Gỗ lim sẽ khó thích nghi với thời tiết nắng nóng và mưa lũ của Huế, đồng thời chặn dòng chảy của sông sẽ không chịu đựng được sức đẩy của nước lũ.
Tôi lại nhớ cầu Trường Tiền do Pháp xây dựng kiên cố là vậy mà không ngờ chỉ sau 5 năm (năm Nhâm Thìn - 1904), cơn bão lịch sử đã xô đổ cây cầu thép; cầu có 6 vài thì 4 bị hất đổ xuống sông. Năm 1906, cầu được tu sửa lại và mặt cầu đổ bê tông thay vì lót gỗ lim như trước.
Người dân đất Thần kinh đã ba lần chứng kiến cây cầu này đổ sập xuống dòng sông Hương.
Khi mới hoàn thành, là một cây cầu thép vững chắc với kết cấu và kỹ thuật văn minh của phương Tây, do nhà thầu Effel xây dựng - cầu Trường Tiền khiến cho chính quyền và nhà thầu hết sức tự hào.
Ngày 19/12/1946, theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến, cầu Trường Tiền bị giật sập để chặn bước quân Pháp. Lúc 2 giờ sáng, một tiếng nổ lộng óc làm rung chuyển cả thành phố. Chiếc vài cầu Trường Tiền tại vị trí nổ bị nâng lên cao, sau đó sập xuống, lệch với nhịp tiếp giáp đến 3 mét. Cuộc kháng chiến ở Cố đô Huế đã mở màn như vậy đó.
Mãi đến năm 1953, dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại, việc tái thiết nguyên dạng cầu mới được thực hiện.
 13 năm sau, xuân Mậu Thân 1968, cầu Trường Tiền một lần nữa bị giật sập. Đêm 7/2/1968, một tấn thuốc bom đã làm sập nhịp cầu số 4, phá hủy hoàn toàn trụ cầu thứ 3. Sau đó, một chiếc cầu phao lát gỗ theo kiểu dã chiến được dựng lên tại vài cầu số 3 và số 4.
Mùa thu năm 1993, tôi về Huế và được Phó chủ tịch tỉnh Lê Văn Sắc (Ông đã mất) đưa đi thăm công trình khôi phục cầu Trường Tiền. Nghĩa là sau 25 năm, cầu mới được làm lại nguyên dạng như trước đây. Hôm đó chỉ huy trưởng Công trình khôi phục cầu Trường Tiền Trần Thế Thành đã chiêu đãi tôi một chầu Ca Huế trên sông Hương. Nhóm nghệ sĩ do nghệ sĩ ưu tú Châu Dinh chỉ đạo. Tôi có cái bút ký Cầu Trường Tiền sáu vài…
Trải qua những thăng trầm lịch sử, với vẻ duyên dáng của mình, cầu Trường Tiền và dòng sông Hương thơ mộng trở thành cảm hứng vô tận cho giới văn nghệ sĩ. Năm 1941, trong thời gian lưu lạc tới xứ Huế, thi sĩ Nguyễn Bính đã ví nét cong cong của nhịp cầu cùng màu sơn nhũ bạc (nguyên bản) như hình ảnh của chiếc lược ngà:
“…Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài mái tóc cung nga buông hờ…”.
Tôi lại nhớ Sông Hương đẹp là thế, thơ mộng là thế cho nên nếu cần thì ai đó làm cho nó đẹp thêm chứ không nên cái kiểu như cố văn sĩ Nguyễn Tuân đã viết về con sông Đà hung bạo mà trữ tình …“Con Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội vì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy Sông Đà đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây lếu láo, rồi cứ thế mà phết vào bản đồ lai chữ.Tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân – 1960).
Đà Giang thành Rivière noire Sông Đà đen, Pháp dịch và cho vào bản đồ Đông Dương.
Tôi cũng thấy đôi bờ sông Hương không cần phải thêm Con đường gỗ lim để nó “đẹp thêm, thơ mộng thêm” mà chỉ thấy con đường này như cái lược bí (mà không có răng) chải chấy của các cụ ta xưa. Các nhà thiết kế cũng đã đè mái tóc Hương Giang, đẹp như nữ sinh Đồng Khánh ngày nào để giắt cái lược bí chải chấy (chí) vào. Thật đáng buồn!
 Ông thị trưởng thành phố Namyangigu (Hàn Quốc, thành phố hợp tác hữu nghị với Huế) – tặng Huế bức tượng Người đàn ông cúi đầu Greetingman. Tác giả tượng là của điêu khắc gia Yoo Young Ho, làm bằng nhôm, màu xanh da trời, đá machan với kích thức thông thường là 2m x 2,4m x 6m, đường kính giá đỡ 4m. Bức tượng được đúc ở Hàn Quốc và sẽ vận chuyển về Việt Nam. Mọi chi phí vận chuyển sẽ do phía Hàn Quốc chịu.

Bức tượng này sẽ được đặt tại Công viên 3 tháng 2, nhưng phải thu ngắn lại, chứ để cao 6 mét thì không ra thể thống gì! Công viên này nằm ở đường Lê Lợi, trước mặt Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế vốn là Trường Quốc học ngày xưa. Năm 2002, nơi đây là nơi đặt những tác phẩm điêu khắc của các họa sĩ quốc tế tham gia Trại sáng tác điêu khắc được tổ chức nhân Festival Huế .
. Nhưng theo tôi, nếu có đặt thì đặt ngay đầu đường Gỗ lim thì phù hợp và có tính liên hoàn với cái tình hữu nghị giữa ta với Hàn Quốc vì Đường Gỗ lim với tượng Người đàn ông cúi đầu đều do Hàn Quốc tặng Huế ?!!!
Huế đã chọn các nhà quy hoạch Hàn Quốc, và kèm theo là khoản viện trợ hơn 6 triệu USD cho con đường Gỗ lim. Có đôla, thì muốn làm gì thì làm à? Của chùa mà! Trong khi đó đồng bào huyện miền núi A Lưới còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống???
                                      ***
Sáng ngày 4/7, chúng tôi đi thăm sông Hương để chiêm ngưỡng dòng sông trầm mặc thơ mộng mà những năm tuổi thiếu thời tôi đã được đằm mình trong nó. Cả nhà lững thững đi bộ. Đến quán bún bò của O Cương thì vào. Quán này, cách đây hơn 2 tháng, tôi và cậu cả luật sư Nguyễn Triệu Quang đã cùng với nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm vào ăn sáng. Ra đến bờ sông, tôi muốn dùng cà phê nhưng tìm không thấy. Cách đây hơn chục năm, dọc theo bờ sông có rất nhiều quán xá, nay thì nhừơng chỗ cho Công viên. Có một cụm tượng Gà trống to dùng làm từ Tết Đinh Dậu (2017) vẫn còn đứng sừng sững trong công viên. Tôi lại nhớ tới hồi trước 1945, thời thực dân Pháp đô hộ nước ta. Những chiếc ôtô  khách mang nhãn hiệu Renaul thường vẽ hai bên hông hình con gà trống – biểu tượng nòi giống Gauloire của nước Phú-lang-sa.
Khi ngang qua “Đài Chiến sĩ trận vong”. Thúy Ngọc nói với tôi: bố mẹ đứng sát vào để con lấy ảnh Bia Quốc học. Cũng như nhiều người dân, kể cả dân Huế và Thúy Ngọc đã nhầm lẫn. Đây không phải là “bia” cũng không phải là “bình phong” trường Quốc học mà đây là Đài Chiến sĩ trận vong do Pháp xây dựng.
Đài Chiến sĩ trận vong - một kiến trúc có lịch sử rõ ràng. Công trình này nguyên bản là một kiến trúc tưởng niệm, để tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở các tỉnh Trung Kỳ đã tham chiến và tử trận trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918).
Thực chất công trình này không liên quan gì đến trường Quốc học. Bình phong của trường Quốc học thì đã có tấm Bình phong long mã được xây dựng từ năm 1896 từ khi thành lập trường và hiện nay vẫn còn trong khuôn viên của trường..
Đài Chiến sĩ trận vong (tên tiếng Pháp là “Monument aux Morts”) được Toà Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ cho xây dựng vào năm 1920. Đây là một kiến trúc tưởng niệm, cũng là bia ký ghi khắc nội dung liên quan tới công trình. Công trình được triển khai rất nghiêm cẩn và công phu, với việc thành lập một uỷ ban phụ trách việc thực hiện, lựa chọn địa điểm và hình thức xây đài. Uỷ ban đặc trách này gồm 3 quan chức người Pháp và một quan chức của Nam triều là cụ Nguyễn Đình Hòe đương chức là tham tri của Viện Cơ mật.
Tôi nhìn lên bảng Kim khánh thì ôi thôi, không còn một dòng chữ nào. Rất lâu trước đây, ở mặt trước đài là một “kim khánh” bằng đá đề tên và chức vụ trang trọng của 31 tử sĩ người Pháp, ở mặt sau ghi khắc tên họ và quê quán 78 tử sĩ người Việt ở các tỉnh Trung Kỳ (cho tới trước thời điểm trùng tu hiện tại vẫn có thể đọc được một số tên).
Tháng 4/1920, Uỷ ban phụ trách đã mở một cuộc thi thiết kế Đài Chiến sỹ trận vong. Sau một tháng có 4 đồ án gửi đến dự thi. Sau khi xét duyệt kỹ lưỡng, Uỷ ban đã chọn đồ án của hoạ sỹ - thầy giáo Tôn Thất Sa lúc này đang dạy hội hoạ ở trường Bá Công Huế để thi công. Công việc xây dựng kéo dài 4 tháng với kinh phí gần 10.000 đồng do ngân sách Toà Khâm sứ đài thọ.
Đài Chiến sĩ trận vong được khánh thành long trọng vào ngày 23/9/1920, với sự hiện diện của vua Khải Định, toàn quyền Đông Dương Maurice Long, các quan chức cao cấp của Chính phủ bảo hộ và Nam triều, các cựu chiến binh người Việt và nhiều người Pháp ở Huế.
Đài Chiến sĩ trận vong là một kiến trúc có dạng bình phong hình cuốn thư được lồng vào giữa một cửa tam quan. Kiến trúc chính được đặt trên một tầng nền đài rộng có lan can bao quanh và lối lên 4 phía. Lan can được xây kiểu bổ trụ chắp hình hoa sen và viền gạch gốm men trang trí. Phía trước nền đài hai bên có hai trụ biểu cao khoảng 10m nhấn mạnh tính chất của không gian tưởng niệm. Đài được xây bằng bê tông cốt thép và gạch, có 2 tầng đặt trên 1 bệ gồm 7 bậc. Tầng dưới kiểu tam quan, tầng trên thu lại ở giữa như một gác nhỏ. Hai tầng có 12 mái, lớp ngói ống tráng men màu. Các trang trí khá tinh xảo, kết hợp cả tô đắp, khảm sành sứ, vẽ hoa văn màu với nội dung, hình thức đậm phong cách cung đình Huế như hình rồng, sen, chữ thọ, chữ vạn…; đề tài ngũ phúc, tứ thời…Đây là đài tưởng niệm đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam.
Tuy Đài Chiến sĩ trận vong là một sản phẩm của thực dân Pháp; song nhờ giá trị nhân văn và cách thức tổ chức đàng hoàng, chuẩn bị kỹ lưỡng; trân trọng những giá trị cảnh quan và kiến trúc truyền thống, các tác giả đã để lại cho xứ Huế một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị bền vững.
Nhưng, không biết tự khi nào, người ta đã lãng quên hay cố tình lãng quên cái tên và lịch sử của một công trình - tới nay đã ngót trăm năm, làm đẹp cho miền sông Hương núi Ngự, là điểm nhấn đô thị của  Huế.


Hai vợ chồng tôi bên Đài Tưởng niệm Chiến sĩ trận vong Huế.

Cái tên mới lưu truyền trong dân gian đã đành, nhưng cũng có rất nhiều sách vở, tài liệu, văn bản hành chính cũng gọi công trình này là “Bia Quốc học” ???. Mới đây nhất, dự án trùng tu công trình cũng mang tên “Trùng tu và cải tạo Bia Quốc học, công viên Lý Tự Trọng”. Trùng tu - bảo tồn là một ngành khoa học, trong đó có khoa học lịch sử. Sự thay đổi đó đã thể hiện một cách thiếu khoa học của công tác bảo tồn, trùng tu, thiếu tôn trọng lịch sử.
Và cũng không biết tự khi nào, hai mặt trước sau của bia đã bị phá huỷ, trát, quét vôi đè lên những hàng chữ ghi khắc nội dung.  Sau đó lúc thì kẻ khẩu hiệu, khi thì để trống, để người ta băn khoăn tự hỏi: bia này là bia gì? Và không gian tưởng niệm nguyên thuỷ nhiều khi lại trở thành không gian lễ hội vui chơi múa hát, mặt bia lại trở thành nơi trình chiếu, hiển thị thông tin cho sự kiện. Đài không còn ý nghĩa tâm linh của nó. Cũng cần nói thêm rằng công trình này chưa được công nhận là di tích lịch sử.
Theo kiến trúc sư Phùng Phu – nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Đài Chiến sĩ trận vong được trùng tu gần đây nhất là năm 1992. Khi đó ông và nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã nghiên cứu rất kỹ để phục dựng nội dung văn bia. Song khi triển khai thực hiện, có chỉ đạo chỉ trùng tu kiến trúc, không khôi phục nội dung văn bia. Và tấm bia không chữ xuống cấp tồn tại đến này hôm nay.
Hãy trả lại cái tên ban đầu của Đài Chiến sĩ trận vong!
Có thể thông cảm điều này trong những năm tháng qua bởi sự biến động của thời cuộc và chính trị. Nhưng tới thời điểm bây giờ, cần phải sòng phẳng, trả lại những giá trị chân của lịch sử. Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế - người theo dõi rất sát dự án trùng tu hiện tại cho rằng: Đài Chiến sĩ trận vong là công trình mang tính thiêng, cần phải được ứng xử với tinh thần nhân văn và hoà hợp. “Không thể quan niệm đó là sản phẩm thời thực dân phong kiến, lại chưa được công nhận là di tích về mặt hành chính, mà ứng xử tùy tiện!.
Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên - Huế, đây là một công trình kiến trúc - nghệ thuật đặc sắc về sự tiếp biến văn hóa Pháp của người Việt thời kỳ đầu thế kỷ 20. Việc chưa công nhận di tích là sự chậm trễ của cơ quan chức năng. Nhưng dù chưa được công nhận thì giá trị về kiến trúc - mỹ thuật hiển hiện trên công trình cho thấy nó cần phải được bảo tồn.
Theo tôi, cách tốt nhất là trùng tu đúng nguyên trạng ban đầu. Đừng vì e ngại công trình này của Pháp xây dựng nhằm tưởng niệm lính Pháp mà né tránh hoặc phủ nhận. Thời gian gần 100 năm đủ để chúng ta nhìn nhận thực chất và trả công trình này về lại giá trị lịch sử của nó!”.
Viết đến đây tôi lại nhớ đến Đài Kỷ niệm – còn gọi là Đài Chiến sĩ ở Biên Hòa. Công trình này được Pháp xây dựng vào năm 1923 với tên gọi “Đài Kỷ niệm người Việt trận vong”.



Lối kiến trúc của đài mô phỏng theo kiểu Ngọ môn Huế. Đài Kỷ niệm là một công trình đặc sắc, mang màu sắc dân tộc, do hai giáo sư người Pháp là ông Robert Balick và bà Balick – giáo sư chuyên về đồ gốm, thiết kế và trực tiếp hướng dẫn thợ và học sinh trường Bá nghệ Biên Hòa thi công. Từ xa, ta có thể nhìn thấy hai trụ cao của đài được dán bằng gạch gốm men xanh đen với hai câu đối chữ Hán:
“Dũng sĩ tri thân phò tổ quốc danh bi biểu trụ vạn cổ chấn lưu phương.
Chinh hồn toàn tiết phân hương quan thu cúc xuân hoa thiên niên truyền điệt tử”
Mỗi đỉnh trụ đều cẩn búp sen bằng sành với ý nghĩa mong người đã khuất được siêu thăng cõi Phật. Giữa hai búp sen là hình mặt trời, dưới có ba chữ Hán “Chiến sĩ đài”. Tấm bia đặt trong đài khắc bốn chữ Hán sắc sảo “Vị quốc vong khu” để tưởng nhớ người bản xứ bỏ mình vì “Mẫu quốc đại Pháp”!
Năm 1923, sau năm năm kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), khi những nấm mồ nạn nhân chiến tranh phi nghĩa đã xanh cỏ, khi những giọt nước mắt khóc thương của người thân đã khô cạn, chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng đài để làm gì? Những oan hồn mà tên họ được khắc trên bia đá kia là ai? Câu hỏi đó không khỏi làm băn khoăn lòng người khi dừng chân bên Đài Kỷ niệm.
Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp đã vạch rõ sự mị dân một cách lố bịch của chính quyền thuộc địa Pháp về sự kiện “Những ngày hội ở Biên Hòa” khi tổ chức khánh thành “Đài kỷ niệm người Việt trận vong” ngày 21/01/1923. Theo bài diễn văn của công sứ Pháp đọc tại buổi lễ thì tên tuổi những người được tạc trên bia kia là “Những thanh niên bản xứ tình nguyện rời bỏ quê hương lên đường sang Pháp để chiến đấu bảo vệ “mẫu quốc” và hiến thân cho sự nghiệp thiêng liêng cao cả ấy”. Con số thanh niên Việt Nam “tự nguyện hiến thân” ấy là bao nhiêu? Trong chương “Thuế máu” của tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Tổng cộng có bảy mươi vạn người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp; và trong số ấy, tám vạn người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa…” Mỉa mai thay người ta bảo họ tình nguyện, họ tình nguyện trong cảnh bị vây ráp, dồn ép trước những lính Pháp canh gác, lưỡi lê tuốt trần, đạn lên nòng sẵn.
Chúng ta đọc lại phần kết chương Thuế máu của Nguyễn Ái Quốc để hiểu rõ cảnh mị dân lố bịch và phong tục kỳ quái mà chính quyền thuộc địa Pháp tổ chức “Những ngày hội ở Biên Hòa”.
“…Để lấy tiền bỏ vào quỹ xây dựng Đài kỷ niệm người Việt trận vong của tỉnh Biên Hòa, ban tổ chức ngày hội đang tích cực chuẩn bị một chương trình tuyệt diệu. Người ta bàn tán sẽ có nào là yến tiệc giữa vườn theo kiểu Anh, nào là chợ phiên, nào là khiêu vũ ngoài trời…Tóm lại, sẽ có nhiều và đủ thứ trò chơi để ai ai cũng có thể góp phần làm việc nghĩa một cách thú vị nhất đời…Ngày 21 tháng 1 tới, chúng ta hãy đi Biên Hòa, chúng ta sẽ vừa được dự những hội hè linh đình vui tươi, vừa được dịp tỏ cho những gia đình tử sĩ Việt Nam ở Biên Hòa thấy rằng chúng ta tưởng nhớ đến sự hy sinh của con em họ.Thật là thời đại khác, phong tục khác. Những phong tục kỳ quái làm sao!”
Người khẳng định: “Như thế là trong một việc mà chính quyền thuộc địa đã phạm hai tội ác đối với nhân dân”
Đài Kỷ niệm ở Biên Hòa vẫn còn đó, sừng sững giữa không gian và thời gian. Gần nửa thế kỷ khói lửa ngập tràn, những kẻ thù xâm lăng Pháp, Nhật, Mỹ, Pol-pốt, bọn bành trướng bá quyền phương bắc lần lượt bị thất bại nhục nhã ê chề. Đài kỷ niệm ở Biên Hòa không chỉ là tấm bia câm lặng về những người đã chết. Qua Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã biến nó thành bản cáo trạng hùng hồn, lên án chế độ thực dân tàn bạo, chà đạp lên một dân tộc.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày 01/5/1930, bảy năm sau ngày khánh thành Đài Kỷ niệm, một lá cờ đỏ búa liềm xuất hiện ngạo nghễ tung bay ngay tại đây. Rồi mười lăm năm sau, hàng vạn người dân Biên Hòa, đội ngũ chỉnh tề, tầm vong vạt nhọn, cờ đỏ sao vàng đã rầm rập đi ngang qua đài kỷ niệm để đón chào nền độc lập tự do vào mùa thu tháng Tám năm 1945 lịch sử. Mùa xuân năm 1975, Đài Kỷ niệm lại chứng kiến đoàn quân chiến thắng hùng hậu với xe tăng trọng pháo tiến vào Biên Hòa, hoàn thành Chiến dịch Hồ Chí Minh tại đất Đồng Nai.

Đài Kỷ niệm Biên Hòa đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.


Đài Chiến sĩ ở Biên Hòa do Pháp xây dựng năm 1923.
                                      ***
Đi bên bờ nam sông Hương nhìn sang bờ bắc thấy rõ mồn một Phu Văn Lâu, thấy xa xa mờ mờ Cửa Ngọ Môn. Có một người đàn ông tuổi chừng năm mươi đang bó những bó cỏ, cắt từ mép sông đưa lên xe máy. Tôi hỏi: Chừng này cỏ bán được bao nhiêu ? Ông ta trả lời: Bán được 15 ngàn đồng. Làm việc cả gần một buổi sáng mà thu nhập chừng đó! Tôi lại nghĩ đến những “ông đầy tớ dân – công bộc của dân” sống phè phỡn hơn cả ông hoàng bà chúa. Nạn tham nhũng ở ta bao giờ mới triệt bỏ được nhỉ?




Tìm mãi mới thấy một kios cà phê. Cà phê Huế không ngon bằng cà phê Trung Nguyên, nhưng đành phải dùng thôi.
Mệt quá và cũng đã đến giờ hẹn với giáo sư Trần Văn Hối, tôi vẫy taxi Mai Linh để về khách sạn Song Cầm. Sửa soạn xong, chúng tôi định kêu xe, nhưng nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm nói: Để em đưa đi. Chúng tôi đến nhà anh chị Hối ở 264 đường Phan Bội Châu, gần Đàn Nam Giao đúng 10 giờ. Nhà văn còn về lo cho việc con gái đầu Aya tốt nghiệp đại học nên xin kiếu.
Anh chị Hối rất vui khi được gặp lại nhà tôi. Chị Nụ thì khen nức nở: Hơn 40 năm qua rồi mà chị Minh vẫn trẻ đẹp như xưa! Bữa cơm thân mật được chị Nụ chuẩn bị từ sáng sớm. Có đủ các món đặc sản của Huế. Cả gia đình giáo sư có mặt đầy đủ. Anh Hối nhắc lại những kỷ niệm hồi còn chiến tranh chống Mỹ. Mỗi lần anh từ trường Đại học Sư phạm Vinh ra Hà Nội đều có ghé nhà tôi ở 59 phố Hàng Đào. Các thầy Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Duy Bình, Nguyễn Việt Anh…đều có tới thăm gia đình chúng tôi. Thế mà bây giờ đã nhiều người đi xa. Giáo sư Trần Văn Hối cũng đã xấp xỉ cửu tuần rồi. Ôi, Thời gian!
Tạm biệt Huế thân thương. Tạm biệt Mang Cá – Kẻ Trài, Bao Vinh, Thành Nội…Tạm biệt những người bạn rất đỗi yêu thương trìu mến! Chúng tôi lại ra sân bay Phú Bài để về Đồng Nai.
Nơi mà:
 Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày Quốc khánh Pháp -  14 tháng 7 năm 2019, vẫn còn trong Tiết khí Tiểu thử và Đại thử- nồng oi và nóng bức, ngày 12 tháng 6 năm Kỷ Hợi
Nhà thơ Xuân Bảo









Thứ Tư, 10 tháng 7, 2019

278. Về quê Đại Hào làm lễ tạ lăng


VỀ QUÊ ĐẠI HÀO LÀM LỄ TẠ LĂNG.
Hai vợ chồng tôi cùng con gái thứ hai Nguyễn Thúy Ngọc lên chuyến bay HUI – VJ302 của hãng Hàng không Vietjet - Air từ Sài Gòn đi Huế khởi hành lúc 6 giờ sáng ngày 2 tháng 7 năm 2019.

Trong hình ảnh có thể có: Xuan Bao, máy bay, bầu trời và ngoài trời

Chiếc máy bay Airbus 320 này mang tên FlyOne cắm cờ Bỉ (Belgique) do Vietjet thuê. Nhân viên hàng không vừa có Tây lẫn Ta. Phi hành đoàn do Tây lái. Máy bay không có hạng VIP, có 30 hàng ghế, mỗi hàng 6 ghế, vị chi có 180 khách, chỉ có một lối đi giữa khá chật.


Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, máy bay đáp xuống sân bay Phú Bài (Huế). Nhờ có đợt áp thấp nhiệt đới đầu tiên nên trời Huế có mưa và nhiệt độ tứ 40, 41 xuống 26 độ C. Mới hôm qua, cả dải đất miền Trung, nắng nung như chảo lửa. Hết cháy rừng nơi này lại cháy rừng nơi kia!


Thúy Ngọc tranh thủ chụp mấy pô ảnh nhà ga hàng không Phú Bài. Chúng tôi hỏi thuê xe về làng. Mấy chiếc taxi vàng giá rẻ 4 chỗ hét giá 730 ngàn đồng. Có một ông tài xế tên Trần Tuấn nhận ra tôi qua giọng nói của tôi. Tuấn nói rằng để kiếm thêm vài khách chứ nếu chỉ có 3 bà con tôi thì phí vì xe của Tuấn có 7 ghế.  Chiếc Toyota Fortuna này lần trước Tuấn đã chở bố con tôi, tôi và cậu cả - luật sư Nguyễn Triệu Quang về làng hôm 18/4/2019. Đợt đi này tôi đã viết xong cái bút ký Thăm quê.
Thế rồi, Thúy Ngọc quyết định lên xe của Trần Tuấn với giá là 800 ngàn đồng. Chỉ thêm 70 ngàn đồng so với taxi vàng nhưng chỗ ngồi thì rộng thênh thang.
Đã gần 9 giờ.  Vội ra sân bay nên chưa ai ăn sáng nên nhà tôi bảo lái xe kiếm hiệu bún bò Huế ngon để điểm tâm. Tuấn đưa chúng tôi đến một cửa hiệu bên bờ sông An Cựu. Khách rất đông. Thúy Ngọc kêu 3 tô bún thập cẩm đặc biệt, Tuấn chỉ ăn tô thường. Đúng là đặc sản bún bò Huế. Ngon thiệt!


Trong hình ảnh có thể có: Xuan Bao và Nguyen Thuy Ngoc, mọi người đang cười, ngoài trời

Xe lên cầu Bạch Hổ rồi trực chỉ Quảng Trị trên con đường thiên lý bắc nam, vốn xưa kia thường gọi là “Rút oong- Route No 1”, hay còn gọi là đường Cái Quan hay là Quốc lộ 1.  Hơn 10 giờ thì về đến Đại Hào, Tuấn cho xe chạy thẳng đến trước cổng nhà cô Nguyễn Thị Túy, con chú ruột tôi.


                                         ***
Đây là lần thứ hai, nhà tôi về thăm quê chồng. Bà con họ tộc của tôi rất đỗi tự hào có người con dâu là người Hà Nội chính kinh. Hai chị em tay bắt mặt mừng. Cô Túy và mấy chị trong phái đang chuẩn bị nấu cỗ cúng tạ lăng. Thúy Ngọc xuống bếp giúp cô Túy.
Cạnh đó là nhà cô Nguyễn Thị Trâm, con bà cô ruột của tôi - chiến sĩ “Bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị” cũng đang làm giỗ, nên cho con sang mời chúng tôi dự đám giỗ. Ngôi nhà của Trâm được dựng lên trên hố bom B52 thời gian 1972, trên nền cũ của ngôi nhà ông bà nội của tôi. Nhà mới được xây thêm nối vào nhà cũ do tiền trợ giúp của nhà nước cho đối tượng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị với kinh phí là 60 triệu đồng.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, bao gồm Xuan Bao, mọi người đang cười, ngoài trời

Tôi nhớ lại: Năm 1973, sau khi Hiệp nghị Paris được ký kết, tôi về Quảng Trị và đã về thăm quê. Tôi đã viết tác phẩm Đường vào (Thư gửi vợ) có đoạn: “Anh về ngôi nhà cũ của ông mệ nội. Cả nhà trên và nhà dưới biến đi đâu rồi, chỉ còn trơ lại một cái hố bom khổng lồ, đường kính có tới mười mét. Anh đau lòng nhìn ngôi nhà đã từng là nơi sinh ra bố anh và các chú các o; là nơi mà những tháng nghỉ hè hay những ngày Tết, ngày kỵ giỗ, việc chi, việc họ, anh được cha mẹ cho về thăm quê. Nén đau thương, anh châm một bó nhang và khấn: Xin ông bà tổ tiên và những người khuất mặt khuất mày về chứng giám cho tấm lòng thành của đứa con xa quê biền biệt nay mới có dịp về thăm nhà”.

Trong hình ảnh có thể có: Xuan Bao, đang cười, đang đứng và ngoài trời

Trời vẫn mưa. Chú em Nguyễn Thành Quỳ bàn cách cúng tạ lăng chiều nay. Nếu mưa quá to thì chỉ mang hương hoa, trái cây ra mộ. Nếu ngớt mưa thì chở tất cả đồ cúng ra lăng.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, bao gồm Xuan Bao, mọi người đang cười, bầu trời và ngoài trời



Thế nhưng trời cũng chiều lòng người. Ngớt mưa, chúng tôi ra lăng không phải mang áo mưa. Tới nơi đã thấy tấm bạt che trùm lên lăng. Đó là do công của anh Nguyễn Ngọc Lèo và chú em Nguyễn Ngọc Bình, người bà con gần trong họ Nguyễn Ngọc.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người đang ngồi, bàn, mũ, món ăn và ngoài trời

Mâm lễ bày biện khá tươm tất (xem ảnh). Nhà tôi và cháu Ngọc dâng hương. Sau đó những người có mặt ở lăng đều khấn vái, cầu cho chúng tôi được vạn sự bình an.

Tôi ghé thăm ông chú Nguyễn Ngọc Hoát. Ông Hoát cùng tuổi Ất Hợi (1935) với tôi. Bây giờ ông vùa là trưởng chi, đồng thời là trưởng tộc Nguyễn Ngọc bát phái. Ông bị đau nên không đến dự bữa cơm thân mật với chúng tôi được.



Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mũ

Đêm hôm đó, chúng tôi nghỉ lại tại nhà cô Nguyễn Thị Túy. Sáng hôm sau, chúng tôi về quê ngoại Phường Sãi, nay thuộc thôn Thượng Phước. Chúng tôi thắp hương bàn thờ họ ngoại.


 Sau đó đến viếng tang Trần Đình Việt, con cụ Trần Đình Thứ - người chồng không chính thức của Mạ tôi - cha đẻ của Nguyễn Xuân Đức và Nguyễn Thị Kim Oanh, em cùng mẹ khác cha với tôi - vừa quá cố.

Áp thấp nhiệt đới qua đi. Cái nóng lại tràn về. Tôi nhớ bài học thuộc lòng năm nao:

Ai xui con cuốc gọi vào hè
Cái nóng nung người nóng nóng ghê.

Bên bờ Phước Long Giang.
 những ngày Tiết khí Tiểu thử (nắng oi) 
và Đại thử (nóng nực) tháng 6 Kỷ Hợi,
 nhằm ngày 10/7/2019.

Nhà thơ Xuân Bảo