Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

281. Nhớ về Thành Cổ Quảng Trị

281.Nhân Ngày hội Thống nhất giang sơn
Nhớ về Thành Cổ Quảng Trị
Như vậy, đến nay cuộc chiến Thành Cổ Quảng Trị trải qua hơn 47 năm (1972-2019). Những ngày này, nhân dân cả nước đều hướng về Ngày Thương binh – liệt sĩ 27 tháng 7.
Vừa qua, trong chuyến về thăm quê Quảng Trị, vợ chồng tôi cùng con gái Nguyễn Thúy Ngọc đã ghé thăm Thành Cổ. Nơi đã xẩy ra cuộc chiến 81 ngày đêm khốc liệt, từ 28 tháng 6 đến 16 tháng 9 năm 1972. Chúng tôi đến nơi đã thấy rất nhiều xe mang biển số các tỉnh. Những cựu chiến binh và bà con nhân dân các tinh từ Hà Giang cho đến Hà Tiên, Hà Tĩnh đến viếng các anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống nơi đây.
Có một bài thơ mà nay đã trở thành giai thoại, bất tử. Đó là bải thơ tứ tuyệt do cựu chiến binh Lê Bá Dương sáng tác:
"Đò lên Thạch Hãn ơi ...chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm"
Và Lê Bá Dương đã có một việc làm lay động lòng người mà cho đến nay nếu ai biết được sẽ không cầm nổi nước mắt. Đó là: Rạng sáng ngày 27 tháng 7 năm 1987, Lê Bá Dương ra chợ tỉnh mua hết hoa rồi thuê người chở xuống bến sông. Tại đây, ông thuê một con đò của một bà mẹ ngư dân với giá 8.000 đồng/giờ để đi thả hoa trên sông. Thả hoa xong, vừa đúng 4 giờ thuê đò, ông lấy tiền trả cho bà mẹ thì bất ngờ mẹ quỳ sụp xuống lạy và khóc: "Mi mần rứa, răng mệ lấy tiền mi...". Rồi hai mẹ con cùng khóc trước sự sững sờ của những người bạn của ông vừa ào ra bến thuyền. Thì ra hôm đó tại hội trường, trong lễ Kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ mọi người bàn nhau đi mua hoa để viếng nghĩa trang. Khi ra chợ thì hoa không còn, hỏi thì mấy chị bán hoa nói có anh bộ đội nào đó đã mua hoa rồi vừa đi vừa khóc ra phía bờ sông, mấy người bạn đoán ngay là Lê Bá Dương liền vội lao ra bờ sông.
Sau chuyện này những người bạn Lê Bá Dương ở Triệu Hải cứ đến dịp 27 tháng 7 năm nào cũng mua hương hoa ra thả. Lâu dần thành tập quán chung của người dân ở hai bên bờ Thạch Hãn và bây giờ là tập quán của mỗi người dân Quảng Trị. Đây là một nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc ta. “Uống nước nhớ nguồn”.
Giờ đây, dòng sông Thạch Hãn linh thiêng đã có thêm một cây cầu mới bắc ngang sang đúng vị trí “bến thả hoa” nối làng Nhan Biều bờ bắc sang thị xã Quảng Trị, tạo thuận lợi cho đồng bào , đồng đội đến viếng Thành Cổ.
Tôi dự cuộc gặp mặt các chiến sĩ Trung đoàn 27 Triệu Hải. Tại đây tôi được Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – người đã tham gia đánh chiếm Thành Cổ năm xưa - tặng sách và may mắn được anh Đoàn Công Tính, phóng viên ảnh chiến trường tặng bộ ảnh Chiến tranh Việt Nam. Trong đó phần lớn là ảnh chiến trường Quảng Trị.(Xem ảnh).
Tôi rất mừng là cô em Nguyễn Thị Trâm, con bà o ruột của tôi được Nhà nước tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kèm món tiền 60 triệu đồng để xây nhà tại quê nhà làng Đại Hào.
Và tôi cũng đã có bài thơ viết về 81 ngày đêm Thành Cổ máu và hoa:
81 tấm lịch đá Thành Cổ
Nơi đây những tấm bia đá
Không còn là vật vô tri
Mỗi tấm lịch đá còn ghi
Đủ 81 ngày đêm khốc liệt
Giữa sự sống và cái chết
Thành Cổ Quảng Trị anh hùng
Mỗi tấc đất đều thấm máu cha ông
Từ thuở Nguyễn Hoàng vào trấn thủ
Đàng Trong – Ái Tử
Thành Cổ vang lên tiếng thét căm hờn
Đây chính là tiếng thét của núi sông
Đã tạc vào lương tâm thời đại
Chiến tranh – nỗi đau lớn nhất của nhân loại
Nơi đây những linh hồn trai trẻ
Nằm xuống để ươm mầm xanh Quảng Trị
Nguyễn Văn Thạc tươi mãi tuổi hai mươi
Tô thắm cho những cuộc đời
Không ai lựa chọn cho mình cái chết
Cũng không ai muốn điều ly biệt
Ai cũng muốn cuộc sống bình yên
Giá trị làm người – giá trị thiêng liêng
Không chiến tranh để người vợ không góa bụa
Để các em thơ vui đùa nhảy múa
81 khối đá hóa thành kim cương
Khóc mãi ngàn năm Thành Cổ đau thương.
Xuân Bảo
Ảnh 1.. Phóng viên chiến trường Đoàn Công Tinh
Ảnh 2. Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành Cổ Quảng Trị,1972
Ảnh 3. Đài Tưởng niệm trong Thành Cổ
Bên bờ Phước Long Giang, Ngày 26/7/2019
Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét