Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

248. lỜI TỰA CUỐN TIẾNG lÒNG II


248.Lời Tựa cho Tập Thơ Tiếng Lòng II.
Nhà thơ lương y Võ Đình Đức, bút hiệu Hoài Sơn N.C vừa có một cái tang lớn. Thân mẫu nhà thơ từ trần ở tuổi 97. Tôi có lời chia buồn cùng gia đình tang quyến bằng Lời tựa cho tập thơ Tiếng Lòng II của nhà thơ. Sau đây là bài Lời tựa đó.
LỜI TỰA
Sinh thành nghĩa trọng Thái Sơn cao
Cúc dục ân thâm Thương đại hải
Năm 2005, nhà thơ lương y Võ Đình Đức bút hiệu Hoài Sơn N.C cho ra đời tập thơ Tiếng Lòng I để tưởng nhớ thân phụ quá cố Võ Đình Lang, từ trần ngày 27/11/2004 nhằm ngấy tháng 10 năm Giáp thân, hưởng thọ 92 tuổi.
Để lưu lại những kỷ niệm về người cha, Hoài Sơn đã gửi thơ mời họa cho các thi hữu. Trong một thời gian chưa đầy vài tháng, nhà thơ đã nhận được bài họa và thơ phân ưu của hơn 30 tác giả. Và tập Tiếng Lòng I được xuất bản.
Năm nay, sau gần 15 năm, người mẹ kính yêu của nhà thơ tên là Cụ Bà Nguyễn Thị Ba, tự là Nguyễn Thị Gặp, pháp danh Nguyên Hạnh lại ra đi theo về với Cụ Ông Võ Đình Lang tới cõi Niết bàn, ngày mùng 3 tháng 6 năm Mậu Tuất, hưởng thiên ân 97 mùa thu.
Để tưởng nhớ người Mẹ vô vàn kính yêu đã không quản ngại tuổi già, sức yếu, tập trung trí tuệ cùng với nhiều thi hữu khác cho ra đời tập thơ Tiếng Lòng II. Nhà thơ Võ Đình Đức lại Khóc Mẹ đến 23 bài thơ tự làm trong những ngày đêm túc trực bên linh cữu và tang lễ của Cụ Bà. Đây là tiếng khóc bi thiết của người con hiếu thảo!
Mở đầu tập thơ là 4 bài thơ Đường luật Khóc Mẹ với những câu đau buồn xé ruột:
Mẹ bỏ con đi xa thật rồi
Bầu trời u ám chạnh đơn côi
(Bài 1)
Cụ Bà được hưởng ân phúc trời cho thọ gần thế kỷ. Tuy nhiên, nhà thơ vẫn cảm thấy đau lòng khi người Mẹ về miền cực lạc:
Mẹ ơi! Chín bảy viễn du tiên
Đau xót lòng con giọt lệ phiền
(Bài 2)
…Mẹ đi để lại nỗi u buồn
Đêm ngày ray rứt lệ trào tuôn…
(Bài Nhớ Mẹ)
Bốn bài thơ Đường luật của ông là bài xướng để mời thi huynh, thi hữu họa lại trong nỗi đau mất mát to lớn của mình. Đã có 28 nhà thơ chia sẻ, trong đó có 21 thi hữu họa trọn vẹn 4 bài xướng, 4 thi hữu họa 2 bài, 3 thi hữu họa 1 bài. Tổng số là 95 bài họa. Các bài họa đều hướng về nỗi tiếc thương Cụ Bà Nguyễn Thị Ba.
Nhà Thơ Hoài Điệp Bảo ở Lâm Đồng chia sẻ:
Ơn sâu cúc dục trả chưa rồi
Con trẻ cam đành phận cút côi…

Chín chữ cù lao ơn nghĩa nặng
Muôn đời nhớ mẹ mãi khôn thôi.
Nữ thi sĩ Hoài Tới ở Đồng Nai dâng Cụ Bà bát cơm cúng:
Bát cơm dâng mẹ lệ tuôn dài
Cầu nguyện vong về chốn bồng lai…
Thấm đẫm lòng thương nhớ trong suốt 95 thi phẩm là:
Đức cù lao ấy lấy lượng nào đong
Thờ cha mẹ ở hết lòng
Đó là chữ hiếu dạy trong luân thường
***
Kinh Thi viết: Ai ai phụ mẫu. Dục báo chí đức.Hạo thiên vọng cực.
Ý là: Sinh - Cha ta sinh ra ta; Cúc – Mẹ ta nâng đỡ ta từ trong bụng; Phủ - Vuốt ve, âu yếm ta; Dưỡng – Vỗ về, nuôi nấng, cho ta bú mớm; Trưởng – Bồi bổ cho ta khôn lớn; Dục – Dạy dỗ ta điều phải; Cô – Lo lắng, săn sóc, chăm nom ta; Phục – Dựa theo tính tình ta mà uốn nắn, khuyên răn ta; Phúc – Che chở cho ta.
Chín chữ cù lao là như vậy cho nên ta phải báo đền ơn đức – ơn đức như trời không có giới hạn.
Bài họa của thi hữu Nguyễn Văn Nốt chú trọng chữ cù lao bằng những câu:
…Cù lao đạo trọng lòng thương mãi
Cúc dục ân thâm dạ cảm hoài…
Nhà thơ Lê Hữu Đức thì ngậm ngùi:
…Công ơn trời biển con chưa trả
Nợ nghĩa cù lao mãi vẫn hoài…
***
Tập thơ Tiếng Lòng II của nhà thơ lương y Võ Đình Đức Hoài Sơn N.C là tiếng khóc lâm ly của một người con hiếu thảo, là tấm lòng mãi mãi thấm sâu: Đức cù lao ấy lấy lượng nào đong. Đồng thời cũng là nỗi niềm chia xớt, thương cảm của bạn bè thân hữu nhà thơ.
Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Bên bờ Phước Long Giang, tiết Thu phân, Mậu Tuất.
Nhà thơ Xuân Bảo
Bình luận
Bay Hoang Nhà thơ Xuân Bảo có một lời tựa rất hay cho tập thơ Tiếng Lòng II của nhà thơ Võ đình Đức. Tôi chưa đọc hết tập thơ nhưng những câu dòng mà nhà thơ trích dẫn thì thật đúng là tâm trạng của những người con hiếu nghĩa với mẹ mình, rất cảm động khi nhà thơ dẫn giải chín đức cù lao của cha mẹ với con cái, thời nay không phải ai cũng hiểu và biết...

247. CHÙM THƠ VĂN VIẾT VỀ MÙA THU 2018




247.    CHÙM THƠ VĂN VIẾT VỀ MÙA THU -2018.

    MỘT KỶ NIỆM THỜI THƠ ẤU
Nhàn đàm “Cái danh” của những nhà văn hóa, học giả, danh sĩ, viện sĩ, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư…Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật thì có họa sĩ, thi sĩ (nhà thơ), văn sĩ (nhà văn), nhạc sĩ (bao gồm cả sáng tác ca khúc và giao hưởng), đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn…
Hôm nay, Tú Sừng tôi bàn đến cái danh “nhạc sĩ”.

Trong hồi ức “Quê Mạ Phường Sãi” của tôi, chương nói về “Những ngày ở cố đô Huế” có đoạn viết:
 Bọn học trò chúng tôi mỗi khi đến trường thì phải làm các nghi lễ chào cờ, hô khẩu hiệu…Cả trường hát quốc ca Pháp, bài Marseillaise (có nghĩa là bài ca của người Marseille). Bài ca này do Claude Joseph Rouget de Lisle – một sĩ quan trẻ thuộc Quân đoàn công binh sáng tác đêm 25 rạng 26 tháng 4 năm 1792 tại Strasbourg. Lúc đầu nó mang tên Chant de guerre pour l’armée du Rhin (Hành khúc quân sông Rhein). Tôi còn nhớ được một đoạn: Allons enfants de la Patrie/Le jour de gloire est arrivé! / Contre nous de la tyrannie,/L’entendard sanglant est levé…
Và điệp khúc: Aux armes citoyens! / Formez vos bataillons! Marchons! Marchons! / Qu’un sang impur/ Abreuve nos sillons!
Dịch ra Việt ngữ:
Hãy tiến lên! Những người con Tổ quốc/ Ngày vinh quang đã đến rồi! / Chống lại chúng ta, bọn bạo tàn/ Đã được giương lên lá cờ vấy máu…
Và điệp khúc:
 Hãy cầm lấy vũ khí, hỡi những công dân! / Hãy lập nên những đội quân! /Tiến lên! Tiến lên! / Hãy để cho dòng máu nhơ bẩn/ Tưới đẫm những luống cày của chúng ta!…
Và quốc ca An Nam: Kìa núi vàng bể bạc/ Có sách trời sách trời định phần…. Theo Tạp chí Sông Hương số Đặc biệt ra tháng 4 năm 2012, trang 48 có bài Âm nhạc Việt Nam và riêng ở Huế - giai đoạn 1930-1975 của nhạc sĩ Bửu Ý có đoạn viết: “Một trong những bài ca đầu tiên của nước ta là bài Kìa núi vàng bể bạc của Bửu Bác được dùng làm quốc ca thời Bảo Đại...Nó theo điệu “Đăng đàn cung” của nhạc phủ: Kìa núi vàng bể bạc /Sách trên trời định phần/…Bửu Bác còn là tác giả của bài “Mừng Phật đản”, cũng theo điệu “Đăng đàn cung”.
Bọn học trò chúng tôi còn phải hát bài suy tôn Thống chế Pétain. Mở đầu bài hát là câu: Maréchal nous voilà devant toi, le sauveur de la Patrie…Hát xong hai bài quốc ca thì cả trường lại vang lên cái câu: Vive La France! Vive L’ Annam! (Nước Pháp muôn năm! Nước An Nam muôn năm!). Tôi còn nhớ khi hô các câu này thì tay phải úp vào ngực trái rồi đưa cả bàn tay ra phía trước hơi chếch bên phải, ngang tầm mắt. Kiểu này hơi giống kiểu lính phát xít Đức khi chào nhau: Hailo Hitler!

                                                ***
Tôi hân hạnh được đi dự Trại viết nhiều lần ở cùng phòng với nhiều nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ. Đôi lúc tôi cắc cớ hỏi các nhạc sĩ này có biết nước An Nam có một thời gian ngắn là nước Đế quốc Việt Nam không, có biết bài quốc ca có tên Việt Nam minh châu trời Đông không? Họ ngớ người ra vặc lai tôi: “Làm cóc gì có nước Đế quốc Việt Nam và quốc ca của nó”
.Nhạc sĩ Hùng Lân, tác giả của Việt Nam minh châu trời Đông.

QUỐC CA VÀ QUỐC KỲ ĐẾ QUỐC VIỆT NAM

Ngày 2 tháng 6 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim vừa thu hồi độc lập ấn định quốc kỳ và quốc ca của Đế Quốc Việt Nam là lá cờ Quẻ Ly và bài Đăng Đàn Cung (ĐĐC). Kể từ đó bản ĐĐC có danh nghĩa chính thức Quốc ca đầu tiên của nước Đế quốc Việt Nam. Bản ĐĐC rất xưa nên khắp nước đều biết đặc biệt tại miền Trung bài này rất phổ biến. Các tác giả như Lê Xuân Nhuận (1930 - ?), Lê Văn Lân (1931-2013), Thái Công Tụng, Bửu Ý (1937 -)… sống tại Huế đều kể lại trong thời chiến tranh 1939-1945, ở Huế  bài ĐĐC thường được nghe lũ trẻ hát mãi trong dân gian – thời đó các bài hát tiếng Việt chẳng có bao nhiêu – tại các lễ chào cờ,  lễ phát phần thưởng cuối niên khóa … chủ nhật được ban nhạc lính trình diễn ở nhà Kèn trước tòa Khâm, đối diện bên kia sông là chợ Đông Ba.
Song thực tế đặt ra là chúng ta có 2 nhạc khúc rất khác biệt cùng mang một tên Đăng Đàn Cung. Sự kiện này là nguyên nhân thường xuyên gây nhầm lẫn giữa hai ca khúc này với nhau, tình trạng đem “râu ông nọ cắm cằm bà kia” tồn tại cho đến nay:
ĐĐC nào mới thực là quốc ca. Hoặc cả hai đều là quốc ca chăng? Tuy hai mà một? – Không thể! Để tôn trọng sự thật chúng ta hãy gọi 2 khúc nhạc ấy với các tên riêng rẽ: Điệu ĐĐC và Bài ĐĐC, phân biệt rõ ràng, xét nội dung, nguồn gốc, ý nghĩa, tránh nhập nhằng lẫn lộn.
Nhân ngày tựu trường năm học 2018 – 2019, tôi nhắc lại một đoạn đường thơ ấu khi những học trò đến trường. Và cũng muốn nhắc nhở những tay được gọi là “nhạc sỉ” thời nay, gắng mà học lịch sử âm nhạc nước nhà để khỏi mang danh là nhạc sĩ mà mù tịt!

Bên bờ Phước Long Giang, tiết thu phân Mậu Tuất, nhằm ngày 23/9 2018.

Nhà thơ Xuân Bảo

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

246. TUỔI GIÀ HOÀI CỔ


246. TUỔI GIÀ HOÀI CỔ
Ở vào cái tuổi trên 83, bỗng nhiên tôi nhớ về tuổi thơ. Tôi đã sống hơn 10 năm dưới chế độ thực dân phong kiến (1935-1945). Tôi được cắp sách đến trường học cả chữ ta (Quốc ngữ) và chữ Tây (Francaise). Mấy tháng nghỉ vacance, tôi về quê lại được ông nội dạy cho chữ Hán. Và ông cũng giảng giải những bộ sách Tứ thư, Ngũ kinh cho tôi hiểu đạo lý làm người.
    Nay, tôi muốn truyền lại cho con cháu những điều tốt đẹp trong những cuốn sách này.
I.Cuốn Tứ thư.
Tứ Thư (四書) là bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, được Chu Hy thời nhà Tống lựa chọn. Chúng bao gồm:
Đại Học(大學)Trung Dung (中庸)Luận Ngữ (論語). MạnhTử (孟子).
Thông thường người ta hay nói là: Tứ Thư Ngũ Kinh. Tứ Thư và Ngũ Kinh hợp lại làm 9 bộ sách chủ yếu của Nho giáo. Các sách này còn là những tác phẩm văn chương cổ điển của Trung Quốc.
Sự học của Nho giáo có nhiều lý tưởng cao siêu, nhưng có thể nói một cách vắn tắt là: sự học chú trọng ở luân thường đạo lý, chủ trương biến hóa tùy thời, sự vụ thực tế nên không bàn đến những cái viển vông ngoài sinh hoạt của con người nơi trần thế.
Đại Học
Đại học là một trong những kinh điển trọng yếu của nho gia. Xưa, người đến tuổi 15 thì vào học bậc đại học và được học sách này. Hai chữ "đại học" được nhà nho giải thích là "đại nhân chi học", hiểu theo 2 nghĩa, là cái học của bậc đại nhân, và là cái học để trở thành bậc đại nhân. Cách giải thích ấy phần nào hé lộ về nội dung, mục đích của bộ sách. Đại học vốn chỉ là một thiên trong sách Lễ ký (Kinh Lễ sau này), được Tăng Sâm - một học trò hạng trung của Khổng Tử chế hóa thành. Tuy nhiên, nó chỉ thuộc bộ Tứ thư vào thời Tống, với sự xuất hiện cuốn Tứ thư tập chú của Chu Hi. Trên đại quan, sách Đại học gồm 2 phần: Phần đầu có một thiên gọi là Kinh, chép lại các lời nói của Khổng Tử. Phần sau là giảng giải của Tăng Tử, gọi là Truyện, gồm 9 thiên.
Đại học đưa ra ba cương lĩnh (gọi là tam cương lĩnh), bao gồm: Minh minh đức (làm sáng cái đức sáng của chính mình), Tân dân (làm mới cho dân, ngụ ý sau khi tự sửa mình thành tựu lại đứng ra giúp người cải cách, bỏ xấu theo tốt) và Chỉ ư chí thiện (an trụ ở nơi chí thiện). Ba cương lĩnh này được cụ thể hóa bằng 8 điều mục nhỏ (gọi là bát điều mục), bao gồm: cách vật (tiếp cận và nhận thức sự vật), trí tri (đạt tri thức về sự vật), thành ý (làm cho ý của mình thành thực), chính tâm (làm cho tâm của mình được trung chính), tu thân (tu sửa thân mình), tề gia (xếp đặt mọi việc cho gia đình hài hòa), trị quốc (khiến cho nước được an trị), bình thiên hạ (khiến cho thiên hạ được yên bình).
Minh minh đức ứng với cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm và tu thân trong bát điều mục. Tân dân ứng với tề gia và trị quốc. Chỉ ư chí thiện tương ứng với bình thiên hạ. Bắt đầu từ chỗ làm sáng cái đức vốn sáng, vì có gốc gác tiên thiên của bản thân mình, lấy đó làm khởi điểm cho sự tu đức. Kết quả cuối cùng của quá trình này là làm cho tòa bộ thiên hạ được an trị, đó là cứu cánh của nó. Sự tu đức, được coi là phổ dụng cho tất cả mọi người.Đó là cái gọi là: "Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản" (Nghĩa là: "từ vua cho đến thường dân, ai ai cũng đều lấy sự sửa mình làm gốc"). Sách Đại học dạy người ta cách tu thân và cai trị thiên hạ theo chủ trương "vi chính dĩ đức" của nho gia.
Trung Dung
Sách Trung Dung do Tử Tư làm ra cũng trên cơ sở một thiên trong Kinh Lễ. Tử Tư là học trò của Tăng Tử, cháu nội của Khổng Tử, thọ được cái học tâm truyền của Tăng Tử.
Trong sách Trung Dung, Tử Tư dẫn những lời của Khổng Tử nói về đạo "trung dung", tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho thành người quân tử, để cuối cùng thành thánh nhân. Sách Trung Dung chia làm hai phần:
Phần 1: từ chương 1 đến chương 20, là phần chính, gồm những lời của Khổng Tử dạy các học trò về đạo lý trung dung, phải làm sao cho tâm được: tồn, dưỡng, tĩnh, sát; mức ở được gồm đủ: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín cho hòa với muôn vật, hợp với lòng Trời để thành người tài giỏi.
Phần 2: từ chương 21 đến chương 33, là phần phụ, gồm những ý kiến của Tử Tư giảng giải thêm cho rõ ràng ý nghĩa và giá trị của hai chữ trung dung.
Cả hai quyển sách Đại Học và Trung Dung trước đây là những thiên trong Kinh Lễ, sau các Nho gia đời Tống tách riêng ra làm hai quyển để hợp với sách Luận Ngữ và Mạnh Tử thành bộ Tứ Thư.
Luận Ngữ
Luận Ngữ là sách sưu tập ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử và những lời nói của người đương thời. Sách Luận Ngữ gồm 20 thiên, mỗi thiên đều lấy chữ đầu mà đặt tên, và các thiên không có liên hệ với nhau.
Đọc sách này, người ta hiểu được phẩm chất tư cách và tính tình của Khổng Tử, nhất là về giáo dục, ông tỏ ra là người thấu hiểu tâm lý của từng học trò, khéo đem lời giảng dạy thích hợp với từng trình độ, từng hoàn cảnh của mỗi người. Như có khi cùng một câu hỏi mà ông trả lời cho mỗi người một cách.
Trình Y Xuyên, một nhà Nho đời Tống nói: Có người đọc xong Luận Ngữ mà không thấy gì cả, có người đọc xong lại thấy thích thú một vài câu, có người đọc xong thì rất thích thú đến độ múa tay múa chân mà không hay biết.
Bởi vậy, khi đọc Luận Ngữ, phải đọc chậm rãi, suy nghĩ tường tận, càng suy nghĩ càng phát hiện được nhiều điều hay.
Trình Y Xuyên lại nói: Ai đọc xong Luận Ngữ mà vẫn còn những tính nết như trước khi chưa đọc thì người ấy chưa hiểu được sách Luận Ngữ vậy.
Tóm lại sách Luận Ngữ dạy đạo quân tử một cách thực tiễn, miêu tả tính tình đức độ của Khổng Tử để làm mẫu mực cho người đời sau noi theo.
Mạnh Tử
Sách Mạnh Tử là bộ sách làm ra bởi Mạnh Tử và các môn đệ của ông như: Nhạc Chính Khắc, Công Tôn Sửu, Vạn Chương v.v. ghi chép lại những điều đối đáp của Mạnh Tử với các vua chư hầu, giữa Mạnh Tử và các học trò cùng với những lời phê bình của Mạnh Tử về các học thuyết khác như: học thuyết của Mặc Tử, Dương Chu.
Sách Mạnh Tử gồm 7 thiên, chia làm 2 phần: Tâm học và Chính trị học.
Tâm học: Từ thời Mạnh tử, ông cảm nhận được một đấng vô hình nên hay nhắc đến Trời. Mạnh Tử cho rằng mỗi người đều có tính thiện do Trời phú cho. Sự giáo dục phải lấy tính thiện đó làm cơ bản, giữ cho nó không mờ tối, trau dồi nó để phát triển thành người lương thiện. Tâm là cái thần minh của Trời ban cho người. Như vậy, tâm của ta với tâm của Trời đều cùng một thể. Học là để giữ cái Tâm, nuôi cái Tính, biết rõ lẽ Trời mà theo chính mệnh.
Nhân và nghĩa vốn có sẵn trong lương tâm của người. Chỉ vì ta đắm đuối vào vòng vật dục nên lương tâm bị mờ tối, thành ra bỏ mất nhân nghĩa. Mạnh Tử đề cập đến khí Hạo nhiên, cho rằng nó là cái tinh thần của người đã hợp nhất với Trời.
Phần Tâm học của Mạnh Tử rất sâu xa, khiến học giả dù ở địa vị hay cảnh ngộ nào cũng giữ được phẩm giá tôn quý.
Chính trị học: Mạnh Tử chủ trương: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Đây là một tư tưởng rất mới và rất táo bạo trong thời quân chủ chuyên chế đang thịnh hành.
Mạnh Tử nhìn nhận chế độ quân chủ, nhưng vua không có quyền lấy dân làm của riêng cho mình. Phải duy dân và vì dân. Muốn vậy, phải có luật pháp công bằng, dẫu vua quan cũng không được vượt ra ngoài pháp luật đó. Người trị dân, trị nước phải chăm lo việc dân việc nước, làm cho đời sống của dân được sung túc, phải lo giáo dục dân để hiểu rõ luật pháp mà tuân theo, lấy nhân nghĩa làm cơ bản để thi hành.
Chủ trương về chính trị của Mạnh Tử thật vô cùng mới mẻ và táo bạo, nhưng rất hợp lý, làm cho những người chủ trương quân chủ thời đó không thể nào bắt bẻ được. Có thể đây là lý thuyết khởi đầu để hình thành chế độ quân chủ lập hiến sau này.
Tóm lại, bộ sách Mạnh Tử rất có giá trị với Nho giáo. Phần Tâm học trong sách là đỉnh cao nhất trong học thuyết Nho giáo.
Trình Y Xuyên nói: Kẻ đi học nên lấy hai quyển sách: Luận Ngữ và Mạnh Tử làm cốt. Đã học được hai bộ sách này rồi thì không cần học Ngũ Kinh cũng rõ thông được cái đạo của Thánh hiền.
Bộ sách Tứ Thư của Nho giáo ra đời cách nay khoảng hơn 2.000 năm, đã trải qua bao sóng gió theo những giai đoạn thăng trầm của lịch sử Trung Hoa. Lần thì bị Tần Thủy Hoàng đốt, lần thì bị tiêu tan trong các cuộc nội chiến triền miên của Trung Hoa. Do vậy khó tránh được nạn "tam sao thất bản". Đến đời nhà Tống, bộ sách này mới được các danh Nho tu chỉnh. Đầu tiên là hai anh em họ Trình: Trình Hạo (1032-1085) và Trình Di (1033-1107) hiệu là Y Xuyên, nghiên cứu, soạn tập và chú giải Tứ Thư và Ngũ Kinh. Sau đó Chu Hy (1130-1200) hiệu là Hối Am, bổ cứu và sắp đặt thành chương cú cho có thứ tự phân minh.
Ngày nay, có những bản sách Tứ Thư và Ngũ Kinh là do công lao của hai anh em Trình Hạo, Trình Di và của Chu Hy thời nhà Tống.

II. Ngũ kinh
Ngũ Kinh còn là cách gọi khác của Ngũ Thư
Ngũ Kinh (五經) là năm quyển kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo. Theo truyền thuyết, năm quyển này đều được Khổng Tử soạn thảo hay hiệu đính. Sách kinh điển gồm hai bộ: Ngũ Kinh và Tứ Thư. Năm quyển Ngũ Kinh gồm có:
Kinh Thi (詩經): sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ. Khổng Tử san định thành 300 thiên nhằm giáo dục mọi người tình cảm trong sáng lành mạnh và cách thức diễn đạt rõ ràng và trong sáng. Một lần, Khổng Tử hỏi con trai "học Kinh Thi chưa?", người con trả lời "chưa". Khổng Tử nói "Không học Kinh Thi thì không biết nói năng ra sao" (sách Luận ngữ).
Kinh Thư (書經): ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử. Khổng Tử san định lại để các ông vua đời sau nên theo gương các minh quân như Nghiêu, Thuấn chứ đừng tàn bạo như Kiệt, Trụ.
Kinh Lễ (禮記): ghi chép các lễ nghi thời trước. Khổng Tử hiệu đính lại mong dùng làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự. Khổng Tử nói: "Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời" (sách Luận Ngữ).
Kinh Dịch (易經): nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái,... Đời Chu, Chu Văn Vương đặt tên và giải thích các quẻ của bát quái gọi là Thoán từ. Chu Công Đán giải thích chi tiết nghĩa của từng hào trong mỗi quẻ gọi là Hào từ. Kinh Dịch thời Chu gọi là Chu Dịch. Khổng Tử giảng giải rộng thêm Thoán từ và Hào từ cho dễ hiểu hơn và gọi là Thoán truyện và Hào truyện.
Kinh Xuân Thu (春秋): ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê của Khổng Tử. Khổng Tử không chỉ ghi chép như một sử gia mà theo đuổi mục đích trị nước nên ông chọn lọc các sự kiện, ghi kèm các lời bình, sáng tác thêm lời thoại để giáo dục các bậc vua chúa. Ông nói: "Thiên hạ biết đến ta bởi kinh Xuân Thu, thiên hạ trách ta cũng sẽ ở kinh Xuân Thu này". Đây là cuốn kinh Khổng Tử tâm đắc nhất, xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc xảy ra.
Ngoài ra còn có Kinh Nhạc do Khổng Tử hiệu đính nhưng về sau bị Tần Thủy Hoàng đốt mất, chỉ còn lại một ít làm thành một thiên trong Kinh Lễ gọi là Nhạc ký. Như vậy Lục kinh chỉ còn có Ngũ kinh.
III.Tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc nổi tiếng
Tứ thư gồm: Đại Học, Trung Dung, Luận ngữ và Mạnh Tử
Ngũ kinh          gồm: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu
Tứ sử gồm: Sử ký, Hán thư, Hậu Hán thư và Tam quốc chí
Tứ đại danh tác         gồm: Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký và Hồng lâu mộng
Tứ đại kỳ thư gồm: Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký và Kim Bình Mai
Ngũ đại truyền kỳ gồm: Kinh thoa ký, Bạch thố ký, Bái nguyệt đình, Sát cẩu ký và Tì bà ký
Lục tài tử thư gồm: Nam Hoa kinh, Ly tao, Thủy hử, Sử ký, Đỗ thi và Tây sương ký
Sách khác có Tam tự kinh, Nhị thập tứ sử, Nho lâm ngoại sử và Liêu trai chí dị.
Bên bờ Phước Long Giang, tiết thu phân (14 tháng 8 Mậu Tuất), nhằm ngày 23 tháng 9 năm 2018.
                                                                        Nhà thơ Xuân Bảo

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

245. KẾT THÚC ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN


 245.  NGÀY KẾT THÚC ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN.

Cách đây 73 năm, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Ngoại trưởng Nhật Namoru Shigemitsu ký văn kiện Nhật Bản đầu hàng trên tàu USS Missouri với sự giám sát Cách đây 73 năm, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Ngoại trưởng Nhật Bản Mamoru của tướng Richard K. Sutherland.
Sự đầu hàng của Đế quốc Nhật vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã kết thúc chiến tranh Thế giới thứ hai. Tính đến cuối tháng bảy 1945, Hải quân Đế quốc Nhật Bản không còn khả năng thực hiện các chiến dịch và một cuộc xâm lược của Đồng Minh vào Nhật Bản sắp sửa diễn ra. Trong khi công khai tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi kết thúc cay đắng, giới lãnh đạo Nhật Bản (tức Hội đồng Chiến tranh Tối cao) đã bí mật cầu khẩn Liên Xô (đã ký hiệp ước trung lập với Nhật) làm trung gian hòa giải để cho Nhật được hưởng những điều kiện có lợi cho mình. Tuy nhiên, Liên Xô khi đó đang muốn tấn công Nhật Bản để thực hiện lời hứa của họ với Mỹ và Anh như đã tuyên bố trong Hội nghị Teheran và Yalta.
Ngày 6 tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ đã ném một quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima. Vào tối muộn ngày 8 tháng 8 năm 1945, chiểu theo thỏa thuận Yalta nhưng vi phạm Hiệp ước Trung lập Nhật-Xô, Liên Xô đã tuyên chiến với Nhật Bản và ngay sau lúc nửa đêm vào ngày 9 tháng 8 năm 1945 Liên Xô đã tấn công chính quyền bù nhìn của Nhật ở Mãn Châu. Sau đó vào cùng ngày, Hoa Kỳ ném quả bom nguyên tử thứ hai, lần này là xuống thành phố Nagasaki. Cú sốc cộng hưởng của những sự kiện này đã khiến Nhật hoàng Hirohito phải can thiệp và ra lệnh cho Hội đồng Chiến tranh Tối cao chấp nhận những điều kiện kết thúc chiến tranh mà Khối Đồng Minh đã soạn thảo trong Tuyên bố Potsdam. Thêm vài ngày nữa với những cuộc đàm phán ở hậu trường và một cuộc đảo chính thất bại, Nhật hoàng Hirohito đã đọc bài diễn văn Gyokuon-hōsō trên đài phát thanh vào ngày 15 tháng 8 để tuyên bố Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh. Bài diễn văn được phát đi trên khắp Đế quốc.
Ngày 28 tháng 8, chỉ huy Tối cao Lực lượng Đồng Minh bắt đầu chiếm đóng Nhật Bản. Nghi lễ đầu hàng đã được thực hiện trên chiến hạm USS Missouri (BB-63) của Hải quân Hoa Kỳ ngày 2 tháng 9, tại đó các quan chức của chính phủ Nhật Bản đã ký văn kiện Nhật Bản đầu hàng, theo đó kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhân dân thế giới cũng như quân nhân các nước Đồng Minh đã hân hoan kỷ niệm Ngày Chiến thắng Nhật Bản (V-J Day), đánh dấu sự chấm dứt chiến sự.
Chiến tranh chấm dứt, tạo điều kiện cho một loạt nước đứng lên giành độc lập. Việt Nam khởi nghĩa ngày 19/8, và tuyên bố độc lập vào ngày 2/9, Indonésia tuyên bố độc lập ngày 17/8. Các nước Đông Âu đứng lên. Hệ thống xã hội chủ nghĩa ra đời. Cục diện thế giới thay đổi. Nhân loại thoát khỏi chiến tranh toàn cầu, nhưng đó đây vẫn còn những cuộc nội chiến, nồi da xáo thịt. Đặc biệt Việt Nam có 4 cuộc chiến kéo dài: Chống Pháp 9 năm, chống Mỹ 20 năm, chống bè lũ diệt chủng Pol Pốt và chống Trung Quốc 10 năm.
Nguyện vọng của chúng ta là luôn luôn mong muốn nhân loại được sống trong hòa bình!
Bên bờ Phước Long Giang, sáng ngày 15/8/2018.

Nhà thơ Xuân Bảo


Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

244. Ngày Giỗ Nguyễn Du là ngày nào?

 244. Tiến tới Kỷ niệm Ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du

NGÀY GIỖ CHÍNH THỨC CỦA NGUYỄN DU LÀ NGÀY NÀO?

Mấy hôm nay trên trang Fb của tôi thường viết là Kỷ niệm Ngày Giỗ lần thứ 198 của Đại thi hào Nguyễn Du là ngày 16 tháng 9 năm 2018. Tôi hơi ngờ ngợ cho nên phải sưu tầm tư liệu để viết cho chính xác như sau:
. “Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu, nhằm ngày 3 tháng 1 năm 1766 ở phường Bích Câu, Thăng Long (nay thuộc Hà Nội là con thứ 7 trong gia đình...
Năm Canh Thìn (1820) Gia Long qua đời Minh Mạng nối ngôi.
Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng bị bệnh dịch mất ngày 10 tháng 8 ( 16- 9) thọ 54 tuổi”.
An táng tại xã An Ninh, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế
Năm Giáp Thân (1824) cải táng đưa về quê nhà Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh”.

Tôi dẫn theo sách Nguyễn Du về Tác gia và Tác phẩm của Nhà Xuất bản Giáo dục – 1988 do Trịnh Bá Đĩnh với sự cộng tác của Nguyễn Hữu Sơn – Vũ Thanh tuyển chọn và giới thiệu ở các trang 27, 28, 29 và 30 về Niên biểu Nguyễn Du. 
Như vậy, tôi xin đính chính lại cho đúng Ngày Giỗ của Đại thi hào chính xác là ngày 16 tháng 9 âm lịch chứ không phải là 16 tháng 9 dương lịch.

Thành thật xin cáo lỗi cùng bạn đọc
Bên bờ Phước Long Giang, ngày mùng 2 tháng tám, năm Mậu Tuất, túc ngày 11 tháng 9 năm 2018
Nhà thơ Xuân Bảo

243. Nguyễn Du viếng Khuất Nguyên

243. Tiến tới Kỷ niệm Ngày Giỗ Đại thi hào Nguyễn Du

NGUYỄN DU VIẾNG KHUẤT NGUYÊN.

Có lẽ, từ xưa đến nay, ở Việt Nam ta chưa có nhà thơ nào có nỗi đồng cảm day dứt, đau đáu với Khuất Bình như đại thi hào Nguyễn Du. Chính vì vậy, mỗi năm khi tiết Đoan Dương, còn gọi là Đoan Ngọ, nhằm ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch về tôi cũng không nén nỗi niềm tiếc thương đối với Khuất Nguyên.
Đại thi hào Nguyễn Du đã để lại cho chúng ta khối lượng tác phẩm đồ sộ viết bằng văn Nôm: Kim Vân Kiều truyện, thể lục bát gồm 3254 câu.Văn tế thập loại chúng sinh, thể song thất lục bát. Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, 98 câu.Thác lời trai phường nón, 48 câu. Và 3 tập thơ chữ Hán là Thanh hiên thi tập, 78 bài. Nam trung tạp ngâm, 40 bài và Bắc hành tạp lục, 131 bài.

Bắc hành tạp lục (Ghi chép tản mạn trên đường đi sứ phương Bắc) là tập thơ bao gồm 131 bài thơ chữ Hán do Nguyễn Du sáng tác trong khoảng thời gian ông dẫn đầu đoàn sứ bộ nhà Nguyễn sang Trung Quốc từ đầu năm Quý Dậu 1813 đến đầu năm Giáp Tuất 1814. Đây là một tập thơ nói lên lòng thương cảm sâu xa những người trung nghĩa bị hãm hại, những người tài hoa bị vùi dập, những người lao động cùng khổ bị đói rét cùng nỗi khinh ghét giới thống trị kiêu căng và tàn bạo, được Nguyễn Du nói lên bằng những vần thơ hết sức sâu sắc . Phần lớn trong Bắc hành tạp lục là thơ luật, gồm 76 bài thất ngôn bát cú, 11 bài ngũ ngôn bát cú, 18 bài thất ngôn tứ tuyệt; chỉ có 8 bài thất ngôn cổ phong, ngũ ngôn cổ phong và 18 bài trường thiên (thất ngôn, ngũ ngôn hoặc trường đoản cú) theo thể ca và hành.

Đề tài "vịnh sử" gồm khoảng 50 tác phẩm, trình bày cảm xúc và suy nghĩ về một loạt nhân vật lịch sử Trung Quốc, nhân đi qua các di tích của họ, như Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu (Qua Tương Đàm viếng Tam Lư đại phu, 2 bài), Dự Nhượng chùy thủ hành (Bài hành về cái dao găm của Dự Nhượng), Sở Bá vương mộ (Mộ Sở Bá vương), Độ Hoài hữu cảm Hoài Âm hầu tác (Qua sông Hoài, cảm nhớ Hoài Âm hầu) v.v...Ở nhóm thơ này có khá nhiều bài hay và nổi trội hơn cả là bài thơ Phản chiêu hồn.
Trong Bắc hành tạp lục, những điểm đặc sắc tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Du được thể hiện rõ ràng hơn. Có ba nhóm đáng chú ý: Một là ca ngợi, đồng cảm với các nhân cách cao thượng và phê phán những nhân vật phản diện. Hai là phê phán xã hội phong kiến chà đạp quyền sống con người. Ba là cảm thông với những thân phận nhỏ bé dưới đáy xã hội, bị đọa đày hắt hủi.

Nguyễn Du đã có thể đã tìm thấy ở Khuất Nguyên những điểm tương đồng với chính mình khi ông đã dành sáu bài thơ nhắc đến Khuất Nguyên. Đó là các bài Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu (Qua Tương Đàm viếng Tam Lư đại phu, nhị thủ, 2 bài), Biện Giả Nghị (Bác Giả Nghị), Trường Sa Giả thái phó (Giả thái phó đất Trường Sa), Ngũ nguyệt quan cạnh độ (Tháng 5 xem đua chải), Phản chiêu hồn (Chống bài Chiêu hồn).

Tương Đàm điếu Tam lư Đại Phu
(Nhị thủ)
Qua Tương Đàm viếng Tam Lư Đại Phu
Bài I
Người hiếu tu sống cách hai nghìn năm
Ngày nay đất còn thơm mùi hoa chỉ, hoa lan
Xa quê ba năm buồn phiền vì bị tống xuất
Nghìn đời sau thơ của ông vẫn hay nhất
Rồng cá đầy sông cốt tìm chẳng thấy
Bên bờ Đỗ nhược có giống cỏ thơm
Nhướng mắt đau lòng không biết là đâu
Gió thu lá rụng khi qua vùng Nguyên,Tương.
Qua Tương Đàm viếng Tam lư Đại Phu.
Bài II
Người nước Sở oan hồn chôn nơi đây,
Khói sóng mênh mông cứ nhìn hoài không cùng.
Hiến lệnh đó nếu đã được ban ra khắp mọi nơi,
Thì làm gì có Ly tao kế với Quốc phong?
Ngàn năm trước ai hiểu người tỉnh một mình,
Bốn phương lòng trung biết gửi nơi nào?
Thời này quần áo mặc sao là lạ,
Hoa tiêu lan nay cũng chẳng giống của ông.
Phản Chiêu hồn
Chống Bài Chiêu hồn
Hồn ơi! Hồn ơi! sao chẳng về?
Đông tây nam bắc không tựa kề
Lên trời xuống đất đều không ổn
Đất Yên đất Dĩnh về làm chi?
Thành quách xưa nhưng lòng dân đổi
Nhuốm bụi nhiều quần áo bẩn dơ
Đi ra xe ngựa, nhà vênh váo
Ngồi bàn tán chuyện ông Quì, Cao
Không hề để lộ nanh độc ác .
Nhưng cắn xé người ngọt biết bao!
Có thấy chăng cả trăm vùng Hồ
Toàn người gầy ốm, béo có đâu
Hồn ơi! Hồn hỡi! theo đường đó,
Thì sau Tam Hoàng đà lỗi thờị
Sao bằng tìm về cõi hư vô
Về đây chi để người mai mỉa
Đời sau ai ai cũng Thượng quan
Mặt đất đó đây đều sông Mịch
Cá rồng không ăn, beo cũng nuốt
Hồn ơi! Hồn ơi! biết làm sao?
Ở bài Phản Chiêu hồn này, ta thấy Nguyễn Du cảm phục và coi Khuất Nguyên như một người tài hoa nhưng gặp toàn bất hạnh. Khuất Nguyên lúc sinh thời thường đeo bên mình một giỏ hoa lan, hoa chi, làm bạn đồng hành, một loại cỏ thơm cũng thanh cao như tấm lòng Khuất Nguyên. Nghĩ đến Khuất Nguyên với một cái nhìn khác lạ với dân gian hay với Tống Ngọc. Trong khi Tống Ngọc cho rằng hồn phách Khuất Nguyên sắp tiêu tan nên gọi hồn Khuất Nguyên về để có nơi nương tựa, thì Nguyễn Du cho rằng khắp mặt đất đâu đâu cũng là Mịch La, ai ai cũng là Thượng quan thì làm gì có chỗ trong sáng đủ để cái tâm thanh khiết của Khuất Nguyên có chỗ nương tựa. Phản đối việc gọi hồn, Nguyễn Du lại muốn hồn Khuất Nguyên mau mau về cõi hư vô.
Chiêu hồn là một bài từ của Tống Ngọc, người cùng thời với Khuất-Nguyên. Trong bài có nói Tống Ngọc thương Khuất Nguyên hồn phách sắp tiêu tan nên làm bài từ để gọi hồn cho sống lâu hơn. Nguyễn Du phản lại ý đó, ý muốn nói hồn không nên trở lại cõi trần gian có đầy những kẻ gian ác thâm hiểm.
Đúng như nhà thơ Xuân Diệu đã viết: bài thơ Phản Chiêu hồn trong Bắc hành tạp ngâm, là một tiếng kêu của Nguyễn Du đột ngột bật lên giữa cả một chuỗi suy nghĩ trầm trầm trong thơ chữ Hán. Đây quả là cao độ của một tiếng nấc, của một bế tắc, của một bi kịch và chưa ở đâu sự bi phẫn và đau thương dồn lên cao vút như ở bài Phản chiêu hồn.

Biện Giả Nghị
Bác Giả-Nghị
Không qua đường Hồ Nam
Sao biết sông Tương sâu ?
Không đọc "Hoài sa phú "
Sao biết lòng Khuất Nguyên?
Lòng Khuất Nguyên, nước sông Tương,
Ngàn vạn thu lòng vẫn trong suốt.
Cổ kim khó gặp bạn đồng tâm
.
Trong bài thơ này Nguyễn Du bày tỏ ý kiến bênh vực Khuất Nguyên đối với bài phú Viếng Khuất Nguyên của Giả Nghị. Giả Nghị, (201-169 TCN) một vị quan đời Hán, vì bị quan thần bài xích nên bị đổi đi làm thái phó ở Trường sa. Khi đi qua sông Tương, Giả Nghị làm bài phú Viếng Khuất Nguyên, ngụ ý than thở cảnh ngộ mình, đồng thời có ý thắc mắc sao Khuất Nguyên không đi tìm vua khác mà thờ, mà phải ôm lấy cố đô làm chi ?
Hoài sa phú: là một trong chín bài đề "Cửu chương" của Khuất Nguyên, tỏ ý Khuất Nguyên không muồn nhìn cảnh quốc gia bị mất nên quyết định tự tử ở sông Tương. Trong bài phú Viếng Khuất Nguyên của Giả Nghị có câu có nghĩa đi tìm vua khác mà thờ, sao phải ôm lấy cố đô làm chi. Nguyễn Du bác bỏ ý này của Giả Nghị.

Trường sa Giả Thái Phó
Giả Thái Phó đất Trường Sa
Giáng, Quán quan võ không hiểu nhiều,
Vua Hiếu đạm bạc ngại đổi thaỵ
Bàn sơ khó thấu tài uyên bác,
Trọn nghĩa chức vụ, chết vì buồn
Trời cho tài mà không đất dụng,
Một chiều chim lạ báo điềm xuị
Tương Đàm gần gũi trong gang tấc,
Ngàn năm gặp gỡ chung tấm lòng.
Ngũ nguyệt quan cạnh độ.
Tháng năm xem đua chải
Sở vương cốt đã rước, Trương đã chết,
Một văn nhân nước Sở với chùm lan
Ngàn năm gọi hồn, hồn vẫn ẩn,
Đầy sông thuyền chải, nghĩa gì đâu
Mịt mờ khói sóng thương xót hão,
Chiêng trống hàng năm vẫn bày trò
Hồn kia có về nương đâu nhỉ ?
Rắn rồng quỉ quái đầy thế gian.
Bài thơ này Nguyễn Du làm khi có dịp xem đua chải trên sông Tương Đàm vào ngày giỗ Khuất Nguyên (ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch). Hội đua thuyền này tượng trưng cho việc tìm thi thể nhà thơ, mà theo Nguyễn Du thì không thích hợp. Hai câu chót trong bài thơ đã được nhiều người cho rằng có ý ký thác tâm sự của chính Nguyễn Du trong bài thơ này.
Bên bờ Phước Long Giang, những ngày sắp tới Ngày Giỗ Đại thi hào Nguyễn Du 16/9/Mậu Tuất

242. Tố Như xúc phạm vương triều ở câu thơ nào?

242. TỐ NHƯ XÚC PHẠM VƯƠNG TRIỀU Ở ĐOẠN NÀO TRONG TRUYỆN KIỀU?
Nhàn đàm của nhà thơ Xuân Bảo
Nguyễn Du ra đời ở vào thời Lê mạt Nguyễn sơ, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ, Nam Hải điếu đồ. Ông sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766, tức 23 tháng 11 năm Ất Dậu, tại phường Bích Câu, Thăng Long thành, nay là Hà Nội. Tổ tiên đại thi hào quê gốc làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Thân phụ Nguyễn Du là tể tướng Nguyễn Nghiễm di cư vào Hà Tĩnh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Danh xưng Nguyễn Tiên Điền tên của Nguyễn Du chính là nơi này.
Năm 1820, vua Gia Long qua đời, vua Minh Mạng nối ngôi. Thời điểm này, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong. Ông bị bệnh mất ngày 10 tháng 8 năm 1820, tức ngày 16 tháng 9 năm Canh Thìn, tạ thế lúc 54 tuổi.

Tố Như đã để lại cho đời những tác phẩm bất hủ: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục (thơ chữ Hán), Văn Chiêu hồn tức Văn tế thập loại chúng sinh, Thác lời trai phường nón, Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ (văn Nôm), Nhưng phải tới Kim Vân Kiều truyện mới là đỉnh cao tuyệt tác của Nguyễn Tiên sinh. Đây là một kiệt tác – niềm tự hào của dân tộc Việt Nam – mà trước và sau Truyện Kiều chưa có một tác phẩm nào sánh kịp.

Đại thi hào Nguyễn Du đã được UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới.
Việt Nam ta tự hào biết mấy!
***
Tự Đức, con vua Thiệu Trị, sinh năm 1829, mất năm 1883 làm vua từ tháng 10 năm 1848, nghĩa là sau ngày Nguyễn Tiên sinh mất đến 28 năm. Vua Tự Đức khi đọc Kim Vân Kiều truyện đến đoạn:

“…Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi
Sao bằng riêng một biên thùy
Sức này, đã dễ làm gì được nhau
Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai…”

Vua Tự Đức nổi cơn lôi đình, quát tên quan hầu:
- Hãy lôi ngay Nguyễn Du vào đây và quất cho hai mươi roi để hắn biết “trên đầu còn có ai” nữa không? Quan hầu thưa:
- Muôn tâu bệ hạ! Nguyễn Tiên sinh tịch đã lâu, trước khi hoàng thượng lên ngôi kia. Lời của thiên tử ban ra không dễ gì rút lại được, nên Tự Đức phán:
- Treo cái án hai mươi roi lên giữa trời để làm gương cho bọn văn nhân thi sĩ, để chúng liều liệu cái thần hồn, viết lách cho cẩn thận, lễ độ.

Từ Hải, lãnh tụ nghĩa quân bị Nhà nước phong kiến gọi là giặc nhưng lại được Nguyễn Du gọi là anh hùng. Nguyễn Du không tiếc lời ca ngợi Từ Hải. Chính Từ Hải mới là người đứng ra bênh vực Kiều chứ không phải bọn vua quan phong kiến vốn đã mục ruỗng tới tận xuơng tủy! Hiện tượng Từ Hải, người đã làm rung chuyển ngai vàng “Thiên tử” được Nguyễn Du phác họa với nhiều thiện cảm do đó khi đọc đến đoạn này Tự Đức nổi xung là phải.

Tuy nhiên vì Truyện Kiều quá hay nên tự tay nhà vua cũng góp phần hiệu đính. Và sau này Kim Vân Kiều truyện có tên gọi là Bản Kinh hay Bản Kiều Huế là như thế.
Tự Đức là một ông vua nổi tiếng trên thi đàn, đã từng:

“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi…*
(Khóc Bằng Phi)
Nhà vua không cho đốt Truyện Kiều như tên hôn quân Tần Thủy Hoàng đã từng đốt hết sách!
May thay! Nguyễn Du không bị hai mươi roi và cũng may thay cho số phận Kim Vân Kiều truyện còn mãi với non sông đất Việt ngàn đời sau mãi mãi là áng thi bất tuyệt.
*Tôi chép ra đây nguyên bản Khóc Bằng Phi *

Ới thị Bằng ơi đã hết rồi,
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ơi.
Trưa hè nắng chái oanh ăn nói,
Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài chứ chẳng thôi.
*Có ý kiến cho rằng bài thơ này của Nguyễn Gia Thiều khóc nàng Bằng Cơ.
BẢN KHÁC
Khóc Bằng Phi
Ới thị Bằng ơi đã hết rồi,
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ơi.
Trưa hè nắng chái oanh ăn nói,
Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài chứ chẳng thôi.

Xem lại trong cuốn Thi văn bình chú của tác giả Ngô Tất Tố, trang 91 chép như sau :
Ới Thị Bằng ơi! đã mất rồi !
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ơi !
Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói,
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi .
Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại, để dành hơi .
Mối tình muốn dứt, càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài, chứ chẳng thôi
.
Thấy rằng, so với bản này thì có khác đôi chút, bên dưới tác giả chú thích như sau :
“Bài này nhiều người bảo là của vua Tự Đức. Nhưng các vị cố lão thì nói là của ông Nguyễn Gia Thiều khóc nàng Bằng Cơ, một người vợ lẽ của ông.
Xét ra vua Tự Đức cũng ít khi làm thơ quốc âm. Coi tập Việt sử tổng vịnh và những nhời phê của ngài ở bộ Việt sử Khâm Định, thì biết tính ngài rất bệ vệ, lúc nào cũng muốn tỏ mình là đấng anh quân. Với cái tính kiểu sức ấy, chắc không khi nào ngài chịu dùng những chữ tình chữ duyên để khóc một người đàn bà. Huống chi thơ vua Tự Đức rất dở, cả tập Việt sử tổng vịnh không được mấy bài nghe được. Vậy mà bài này lại là một bài rất hay, có lẽ sức ngài không thể làm nổi".
...
Theo tôi, để đính chính những thiếu sót và ngộ nhận, tôi viết lên những điều mà tôi cho rằng những nhà nghiên cứu, nhất là những nhà văn, nhà thơ nên có những nghiên cứu biên khảo lại cho thật chính xác về thơ của một ông vua nổi tiếng trên thi đàn.
Thực hư thế nào, xin mời các bạn thảo luận thêm.
Bên bờ Phước Long Giang, sắp tới ngày Giỗ Đại thi hào Nguyễn Du 16/9/Mậu Tuất
Ngày mùng 1 tháng 8 Mậu Tuất nhằm ngày 10/9/2018
Nhà thơ Xuân Bảo

241. Mồ hoang Thơ Xuân Bảo viết về Nguyễn Du 2

241. MỒ HOANG


                 Thơ của Xuân Bảo


Lối cũ vườn xưa cỏ mọc đầy


Mồ hoang lạnh lẽo của ai đây?

-Đạm Tiên chủ hội Đoạn trường đó

Phận bạc hồng nhan, đau đớn thay!


*Lời bàn. Trong Truyện Kiều từ câu 53 đến câu 66 Nguyễn Tiên sinh cho ta biết có một cái mồ vô chủ trong tiết Thanh minh, tức là trong ngày tảo mộ. Người người nhà nhà đều ra nghĩa địa làm cỏ dọn rác, bồi đắp mộ, trồng hoặc cắm thêm hoa để tưởng nhớ người đã khuất. Tiết Thanh minh thường diễn ra trong những ngày xuân cho nên cũng trở thành một ngày hội.


Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp thanh


Đạp thanh có nghĩa đen là giẫm lên cỏ xanh và nghĩa bóng là ngày hội chơi xuân. Thế mà, có một ngôi mộ không ra mộ chỉ là Sè sè nắm đất bên đường/Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh! Buồn lắm chứ, thương lắm chứ! Nguyễn Tiên sinh đã đặc tả ngôi mộ và để Vương Quan dẫn giải người nằm dưới mộ là một ca nhi tài sắc vẹn toàn, một cành thiên hương (hương thơm của trời). Đạm Tiên xấu số. Đạm Tiên có tên trong Sổ đoạn trường. Sổ ghi tên những người phụ nữ bạc mệnh. Tôi viết bài thơ Mồ hoang là nhân khi đọc Truyện Kiều tháy xót thương cho số phận Đạm Tiên từ đoạn thơ:


Bước lần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang

Sè sè nắm đất bên đàng

Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh

-Rằng: “Sao trong tiết Thanh minh

Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”

Vương Quan mới dẫn gần xa:

-“Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi

Nổi danh tài sắc một thì

Xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến anh

Kiếp hồng nhan có mong manh

Nửa chừng xuân thoắt gảy cành thiên hương".

Chú thêm về hai chữ Đoạn trường.

Truyện Kiều lúc đầu được Nguyễn Du đặt tên là Đoạn trường tân thanh, nghĩa là: Tiếng nói mới đứt ruột. Được viết dựa vào một tác phẩm cổ của Thanh Tâm Tài Nhân, một tác giả sống vào đời nhà Thanh. Nội dung của Kim Vân Kiều truyện bắt nguồn từ một câu chuyện có thật xảy ra từ thời nhà Minh. Tại vùng quê phía Đông Trung Quốc, một toán cướp biển do Từ Hải cầm đầu thường xuyên đánh phá vùng Giang Đông. Triều đình cử quan Tổng Đốc Hồ Tôn Hiến cầm quân đánh dẹp toán giặc biển này. Câu chuyện được Mao Khôn, một người trong quân đội Hồ Tôn Hiến ghi lại trong sách: Ký tiểu trừ Từ Hải bản mật. Câu chuyện này về sau được nhiều người viết đi viết lại. Đới Sĩ Lâm viết: Lý Thuý Kiều truyện; Dư Hoài viết: Vương Thuý Kiều truyện; Trần Thụ Cơ viết: Hồ Thiếu Bảo bình nguy tấu tích; Mộng Giác Đạo Nhân viết: Từ tạ Từ Hải Nghĩa.


Bên bờ Phước Long Giang,  sắp tới Ngày giỗ của Đại thi hào Nguyễn Du – 16/9/Mậu Tuất
Nhà thơ Xuân Bảo

240. Thơ của Xuân Bảo viết về Nguyễn Du

240 VỚI NGUYỄN DU
Thơ của Xuân Bảo
Lên Ngàn Sâu lại nhớ trăng Ngàn Hống
Xuống sông La vương vấn sóng sông Lam
Nhớ Tiền Đường vùi dập nỗi hàm oan
Ghê gớm thay cái hồng nhan bạc phận
Mười lăm năm một kiếp người lận đận
Vì hiếu trung mà mang hận phụ tình
Vẫn còn đây nguyên vẹn nét tuyết trinh
Dù gặp lại có mong chi tái hợp
Chiều Tiên Điền mây trắng đùn lớp lớp
Chờ nghe Thơ cho vợi nỗi đau đời
Tài với tâm, tương đố Tố Như ơi!
Lòng đã tỏ, vẫn “bất tri tam bách”?*
Tượng đài uy nghi thi nhân trầm mặc
Giọng đò đưa man mác giữa dòng trôi
“Cõi người ta” còn đó, Nguyễn Du ơi!
Tha thiết quá bên trời – ai ví dặm?
______
*Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Thơ Nguyễn Du