Trang

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2018

234.3. NGÀY TỔNG KHỞI NGHĨA


234.3.CHÙM THƠ VĂN VIẾT VỀ MÙA THU 2018

13. NGÀY TỔNG KHỞI NGHĨA
.
Hồi ức của nhà thơ Xuân Bảo

Sự thực, sau ngày 23 tháng 8, khi chính phủ Trần Trọng Kim tan rã thì các cơ quan công quyền từ triều đình cho đến làng xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh như rắn mất đầu, không có ai đến nhiệm sở. Hơn nữa, hệ thống thông tin liên lạc, chủ yếu chạy công văn giấy tờ (trát, sức…) đều chạy bằng đôi chân. Từ trên triều đình xuống làng xã hầu như đứt đoạn. Làng Thượng Phước lúc này trên danh nghĩa vẫn còn lý trưởng. Ông tên là Bùi Hữu Đạt, vì kiêng húy nên dân làng thường gọi là ông xạ Đợt (xã: tiếng Quảng Trị nói thành xạ). Tôi còn nhớ rõ hình ảnh mụ Khả, em gái ông Bụi, cầm lá cờ đỏ sao vàng. Cờ được mắc trên một cây hóp dài, dẫn đầu đoàn người trong thôn đi biểu tình, vòng quanh làng qua các kiệt. Bọn trẻ chúng tôi chạy theo đoàn và cũng hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!” Đoàn người theo ông Việt Minh Bùi Hồng Sa đến nhà ông Bùi Hữu Đạt, thường gọi là xạ Đợt. Ông xạ Đợt bình tĩnh giao cái triện lại cho ông Bùi Hồng Sa. Còn các huyện đường, phủ đường thì Việt Minh ung dung vào chiếm giữ. Và quần chúng được huy động tham gia biểu tình thị uy, biểu dương thanh thế cách mạng trong ôn hòa.
Tôi còn nhớ rõ hình ảnh mụ Khả, em ông Bụi cầm lá cờ đỏ sao vàng. Cờ được mắc trên một cây hóp dài, dẫn đầu đoàn người trong thôn đi biểu tình, vòng quanh làng qua các kiệt. Bọn trẻ chúng tôi chạy theo đoàn và cũng hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”
Ba chiến sĩ tiền khởi nghĩa là những người cộng sản đầu tiên gồm Bùi Hồng Sa, Lê Luyện và Nguyễn Minh Tự chính thức ra mắt dân làng. Chính quyền mới do Ban Chủ nhiệm Việt Minh điều hành.

 Vào lúc 9 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, một cuộc mitting lớn được tổ chức trước cổng tòa công sứ Pháp (lúc này do bọn Nhật chiếm đóng). Và sau này là trụ sở của Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị. Thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa, ông Trần Hữu Dực trịnh trọng tuyên bố thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh, xóa bỏ chính quyền cũ. Sự thực thì cái gọi là “chính quyền bù nhìn” của thủ tướng Trần Trọng Kim đã tự xóa tên mình cũng trong ngày 23 tháng 8, chấm dứt Đế quốc Việt Nam, khởi đầu ngày 11 tháng 3 và kết thúc vào ngày 23 tháng 8 năm 1945, sau 5 tháng 6 ngày.
Trong ngày này (23-8-1945), Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị đã ra 2 Quân lệnh. Quân lệnh số 1 phát đi lúc 10 giờ sáng, có nội dung: “Tất cả lực lượng vũ trang chiếm đóng hoặc dự bị, kể cả lực lượng hỗn hợp giữ nguyên tại chỗ. Người và vũ khí không được thay đổi, di chuyển cho đến khi có lệnh mới”. Và sau 2 tiếng, tức lúc 12 giờ trưa, Quân lệnh số 2 đước phát đi với nội dung: “Mở cuộc đăng ký tuyển quân, cấp tốc thành lập Chi đội Giải phóng quân với tổng số 1.500 chiến sĩ, kể cả một số đơn vị trực thuộc như thông tin, quân y, quân nhu”.
Khởi nghĩa thành công không một tiếng súng!
***
Ba tôi là một trong số cán bộ đại đội, tiểu đoàn vốn là cai, đội lính khố xanh, khố đỏ, có tinh thần yêu nước, tự nguyện tham gia vào Chi đội Giải phóng quân. Ngày 9 tháng 9 năm 1945, Chi đội chuyển đổi thành Chi đội Thiện Thuật. Theo Sắc lệnh số 71, ngày 22 tháng 5 năm 1946 của Chính phủ về tổ chức Quân đội Quốc gia Việt Nam, Chi đội Thiện Thuật đổi thành Trung đoàn 95. Trung đoàn có 3 tiểu đoàn 13, 14 và 15 và 1 tiểu đoàn lính nữ. Song song với lực lượng chủ lực, tỉnh chú ý xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, gọi là Tỉnh đội Dân quân.
Buổi sơ khai này Quân đội nhân dân Việt Nam có rất nhiều tên gọi: Giải phóng quân, Vệ quốc quân, Vệ quốc đoàn. Đầu năm 1946, Ba tôi được Ban Chỉ huy Trung đoàn cử về xã Phong Sơn (trước đó có tên là xã Công Ái) với chức danh là Phái viên Quân sự, có nhiệm vụ trực tiếp huấn luyện quân sự cho dân quân và du kích ở các thôn Thượng Phước, An Đôn, Nhan Biều.
Mỗi thôn được thành lập một Ban Dân quân. Thôn Thượng Phước có 2 tiểu đội dân quân. Một tiểu đội nam và một tiểu đội nữ. Trong tiểu đội nữ này có các chị Bùi Thị Thản (con bà Nguyễn Thị Lý, dì ruột của tôi), chị Trần Thị Dàn, chị Lê Thị Phụ và nhiều chị khác.
Tôi thường được ông cho đi theo vào bãi tập, sau mới gọi là thao trường tại nương mít Mụ Hểu. Đây là một cái trảng rất rộng, bằng phẳng. Chữ làng, sau này mới đổi thành thôn. Chương trình huấn luyện bắt đầu từ các động tác tập họp đội hình, nghiêm nghỉ, bước đi một hai, một hai rồi tiến tới lăn lê bò toài. Súng chỉ có hai khẩu: súng trường mút-cờ-tông (mousqueton) và một khẩu tiểu liên mi-tờ-ray-dét (mitraillètte). Dân quân được trang bị quân phục. Áo quần may bằng vải to, một loại vải do người nông dân quê tôi tự trồng lấy cây bông vải, tự kéo thành sợi và dệt trên khung cửi thủ công. Chị Thản tôi là người phụ nữ đầu tiên mặc bộ đồ quân sự cũa người lính Giải phóng quân. Chị mặc áo sơ-mi ngắn tay, hai túi trên có nắp, có cầu vai và quần soóc toàn màu trắng, trông rất đẹp. Vì không có đủ súng nên phải đẽo cây theo hình dạng khẩu súng để tập động tác bồng súng lên và bỏ súng xuống. Có những buổi tối, tôi thấy Ba tôi ngồi giữa sân của Ông Ngoại, trước mặt là một cái nống. Ba tôi tháo rời khẩu súng trường ra và giảng giải cho dân quân nghe: đây là cái cơ bẫm, đây là nòng, đây là đầu ruồi…Ba tôi có một giọng nói rất âm vang, hùng hồn và hấp dẫn. Trong những cuộc mitting, ngoài việc điều khiển hành lễ, ông còn được phân công đọc các bài văn tế làm sục sôi ý chí chiến đấu cho mọi người. Tôi còn nhớ được mấy câu:
“Hỡi ôi!
Hoàng Thiên chốn thấu thương lũ xâm lăng
Tạo hóa vô tình ghét người chí sĩ
Đoàn dân tộc ra tay gầy dựng,
Đem lòng thân ái nâng niu
Lũ dã man lên mặt hung tàn,
Một phút anh em ly dị
Bâng khuâng kẻ mất người còn
Tưởng tượng lòng ghi nghĩa để…”
***
Vai trò phái viên quân sự của Ba tôi chấm dứt khi tiếng súng quân Pháp bắt đầu tấn công nống chiếm Quảng Trị. Tôi còn nhớ rõ, khi Hà Nội bước vào Ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, thì trước đó, quân Pháp được quân Anh Ấn giúp sức đã gây hấn ở Sải Gòn vào ngày 23 tháng 9 năm 1945 và sau đó chúng đổ bộ lên cửa biển Tư Hiền và cửa biển Thuận An, chiếm lại kinh thành Huế.
Ngày 10 tháng 2 năm 1947, chúng chia thành 2 cánh quân, nống ra Quảng Trị. Hướng nam, quân Pháp đã sử dụng 1.500 binh lính, có xe tăng đi cùng và dưới sự yểm trợ của pháo binh và không quân tiến chiếm Mỹ Chánh, Diên Sanh… Cùng ngày, từ hướng tây, chúng xua 500 quân, từ Sa-vằn-na-khẹt (Trung Lào), đánh chiếm Lao Bảo rồi tiến về Đông Hà, hợp quân hướng nam vào thị xã Quảng Trị. Hồi 3 giờ 30 phút sáng ngày 16 tháng 2 năm 1947, quân Pháp chiếm hoàn toàn thị xã.
Ba tôi trở lại Trung đoàn và ông được phân công làm tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn chủ lực của tỉnh. Chú ruột tôi, thầy giáo Nguyễn Xuân Tịch được bố trí làm quản trị trưởng tiểu đoàn 13 và o ruột tôi tên là Nguyễn Thị Nghiễn, bí danh là Thanh Tâm được điều về Ban Chính trị Trung đoàn 95. Chú Tịch của tôi hy sinh năm 1949 và được công nhận là liệt sĩ. O Nghiễn thì bị bệnh cảm nặng khi bơi qua sông tránh giặc và sau đó hy sinh.
Bên bờ Phước Long Giang, chiều ngày 30/8/2018
Nhà thơ Xuân Bảo

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét