Trang

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

239. chuyện nhỏ làng quê 5

239. Chuyện nhỏ làng quê. 5

 Câu chuyện thứ 5. Chuyện ông Hoàn hoạn heo ( lợn.)

 Để hạn chế nạn nhân mãn, bùng nổ dân số, con người được nhà nước quan tâm dùng nhiều biện pháp để hạn chế sinh đẻ như đàn ông thì thắt ống dẫn tinh, đàn bà thì đặt vòng, thắt hoặc cắt bỏ buồng trứng, uống thuốc ngừa thai… Riêng việc triệt sản cho các loài gia súc, gia cầm như chó, mèo, lợn, bò, gà đã có cán bộ thú y đảm nhiệm. Ngày nay, người làm nghề thiến và hoạn còn lại rất ít. Thường thường, những nhà có nuôi gia cầm, gia súc thì tự làm lấy việc thiến, còn việc hoạn thì hầu như không có. Ngày trước, quê ngoại của tôi có ông Hoàn ở xóm dưới làm nghề này. Dân làng thường gọi ông là “quan Hoàn hoạn heo”. Trong làng và những làng lận cận nếu gia đình nào cần thì gọi ông Hoàn. Bọn trẻ chúng tôi hay theo ông để nhìn tận mắt việc làm này. Dụng cụ ông Hoàn mang theo gồm một cái thang tre ngắn, chiều dài khoảng hai mét, hai sợi dây thừng bằng sợi vải, một con dao nhíp, một cái móc, mây cuộn chỉ, một ít muội bếp, (quê tôi gọi là lọ nghẹ), một cái chai nhỏ đựng dầu hôi. Ông Hoàn đến nhà (người có con vật cần thiến là con đực hay hoạn là con cái). Ông buộc cái thang tre cố định cho chắc vào gốc cây mít hay bất kỳ cây nào khác. Ông tóm gọn hai chân sau con vật treo ngược vào thang, mặc cho nó kêu rồi ông lấy dầu hôi bôi vào chỗ cần cắt. Ông lấy dao nhíp sắc khía vào hòn dái con đực một lát ngắn rồi ông nặn hột dái ra, lấy dao cắt rời, lấy chỉ vuốt qua lọ nghẹ và khâu lại. Hết hòn dái bên này, ông lai làm sang hòn dái bên kia, bôi dầu hôi lên vết cắt rồi tháo dây thừng thả con vật vào chuồng. Con đực thì gọi là thiến. Còn nếu là con cái thì gọi là hoạn. Thực ra hai từ này không khác nhau là mấy. Tháng 2 năm 1947, Pháp nống ra Quảng Trị, ông Hoàn lên chiến khu Ba Lòng. Từ đó, dân làng hầu như quên hẳn ông. 

 Tôi lại nhớ đến mấy vị hoạn quan cuả nước An Nam ta. Trong đó có quan hoạn thứ nhất nổi danh trong lịch sử Việt Nam là Lý Thường Kiệt đời nhà Lý với chiến công "phá Tống bình Chiêm". Người hoạn quan thứ hai cũng rất nổi tiếng là Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc làm quan dưới đời vua Lê Hiển Tông, đã cùng Phạm Đình Trọng dẹp yên hai cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu và Nguyễn Danh Phương, khi về hưu được phong làm Quốc lão. Về sau ông đem đại quân đánh vào Phú Xuân, bắt được Trương Phúc Loan rồi trấn thủ Thuận Hóa, chấm dứt một giai đoạn Nam – Bắc phân tranh kéo dài hơn 200 năm. Người thứ ba là Tả quân Lê Văn Duyệt khai quốc công thần triều Nguyễn. Lê Văn Duyệt tuy cũng xuất thân hoạn quan nhưng ông bản chất là người “ái nam, ái nữ” chứ không phải tự thiến để thành quan thị như Việt Quốc công Lý Thường Kiệt hay Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc. Ở Việt Nam, hoạn quan được ghi nhận là có từ thời nhà Lý, đến triều Nguyễn, hoạn quan được chia làm năm trật: 1. Quản vụ Thái giám và Điển sự Thái giám. 2.Kiểm sự Thái giám và Phụng nghi Thái giám. 3.Thừa vụ và Điển nô Thái giám. 4.Cung sự và Hộ nô Thái giám. 5.Cung phụng và Thừa biện Thái giám. Việc kén chọn hoạn quan ưu tiên tuyển những trẻ em "ái nam con gái" do lệnh của triều đình. Người dân nào sinh con có khuyết tật đó được quan sở tại tới khám xét rồi làm sớ tâu lên. Cha mẹ đứa bé sẽ nuôi con đến lúc 13 tuổi, sau đó Bộ Lễ sẽ đưa vào cung tập sự hoạn quan. Làng nào có hoạn quan tiến cử được miễn binh lính, phu phen tạp dịch và cả sưu thuế. Nếu không có đủ số trẻ ái nam con gái, thanh niên nào tự nguyện thiến bộ phận sinh dục sẽ được tuyển chọn. Tuy nhiên, thái giám Việt Nam chỉ là một số nhỏ không được trọng vọng lại chỉ được làm những việc lặt vặt chưa thành hẳn một tầng lớp có ảnh hưởng như Trung Hoa. Theo chỉ dụ của vua Minh Mạng, thái giám không được dự vào phẩm hàm hay quan chức triều đình và chỉ được hầu hạ trong cung mà thôi, cũng có thể nhà vua không muốn xảy ra việc hoạn quan chuyên quyền như Trung Hoa hay vì đố kỵ với Tả quân Lê Văn Duyệt trong vụ nổi loạn thành Phiên An. Tấm bia khắc là toàn văn bản dụ này nay vẫn còn trong Văn Miếu, Huế. Thái giám cũng có riêng một nghĩa trang trong khuôn viên chùa Từ Hiếu, cách Huế khoảng 1 km theo hướng tây nam và vì thế chùa này còn được gọi là chùa Thái Giám. Trong một số thời kỳ, nước Việt phải đem cống sang Tàu một số người tài giỏi, sau đó bị trở thành hoạn quan. Theo Hoàng Minh thông ký, một hoạn quan người Việt là Nguyễn An đã vẽ kiểu tu tạo thành Bắc Kinh bao gồm 9 cửa, 2 cung, 3 điện, 5 phủ, công đường, nha môn 6 bộ và các trường xưởng nhà trạm. Ông làm quan trải năm đời vua triều Minh là: Thành Tổ, Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông, và Cảnh Tông, tính tình liêm khiết rất đáng kính trọng. Bên bờ Phước Long Giang, ngày 16/8/2018. Xuân Bảo 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét