Trang

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2018

234.2. VỀ QUÊ QUẢNG TRỊ


234.2. CHÙM THƠ VĂN VIẾT VỀ MÙA THU 2018
12. VỀ QUÊ QUẢNG TRỊ
Hồi ức của nhà thơ Xuân Bảo
Năm 1944, Ba tôi mãn hạn lính. Hai căn nhà trong Trại Con Gái (Camp Mariée) phải trả lại cho đồn Mang Cá. Ba Mạ tôi dắt díu đàn em tôi trở về Quảng Trị. Vì là đang trong thời kỳ Thề chiến thứ II, đường bộ bị phong tỏa do “phòng thủ thụ động”, nên gia đình Ba Mạ tôi phải đi đò dọc, từ bến Bao Vinh, qua phá Tam Giang, lên sông Ô Lâu rồi ra sông đào Vĩnh Định, tới ngã ba chợ Sãi mới ngược rào (rào tiếng Pháp là rivière, còn sông là fleuve) Thạch Hãn về Phường Sãi, quê của Mạ tôi.
Tôi được Ba Mạ gửi cho gia đình bà sếp Thông, vẫn ở trong Trại Con Gái Mang Cá để tiếp tục đi học. Tôi đã đỗ Sơ học Yếu lược nên được lên lớp Nhì nhất niên (cours Moyen 1), và học tại Trường Queignec, gần cầu Thanh Long. Trường nhà binh đồn Mang Cá chỉ có đến lớp 3 (cours élémentaire). Tôi học được hơn nửa niên khóa 1944-1945 thì ngưng. Bởi vì Nhật đảo chính Pháp. Tôi được Mạ tôi vào Huế đón về.
Ngày mùng 9 tháng 3 năm 1945, kinh thành Huế rền vang tiếng súng. Nhưng chỉ đến quá ngọ thì im bặt và toàn cõi Đông Dương rơi vào tay bọn Nhật lùn. Lá cờ nền trắng, ở giữa có ông mặt trời đỏ lòm được treo lên khắp mọi nơi, thay cho lá cờ tam tài xanh trắng đỏ – biểu trưng cho Tự do, Bình đẳng, Bác Ái – của “Mẫu quốc Đại Pháp”. Lá cờ này đã từng ngạo nghễ tung bay trên cột cờ Thủ Ngữ, cột cờ Hà Nội và các dinh thự của những tên toàn quyền, thống sứ, công sứ khắp 3 nước Việt Nam, Lào, Cambodia trong hơn 80 năm, kể từ tiếng súng xâm lăng nổ phát đầu tiên trên bờ biển Đà Nẵng, năm 1858 cho đến ngày 9 tháng 3 năm 1945. Nhật đảo chính, kết thúc gần trăm năm đô hộ của Pháp.
Như thế, trên thực tế nhân dân Việt Nam đã thôi là đất thuộc địa của thực dân Pháp từ ngày này. Và lá cờ của đất nước mặt trời mọc cũng chỉ tồn tại ở Việt Nam đúng 160 ngày. Sau khi Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima ngày 6 tháng 8 và Nakasaki ngày 9 tháng 8. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, chấm dứt Đệ nhị Thế chiến.
***
Dân tộc Việt Nam có một khoảng thời gian rất ngắn để tuyên bố là nước độc lập và thống nhất. Dù là độc lập giả hiệu dưới sự bảo trợ của đế quốc Nhật Bản. Sau khi Nhật Bản tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn tuyên bố xóa bỏ Hiệp ước Patenôtre. Vua Bảo Đại ra Dụ số 1 ngày 17 tháng 3 giải tán nội các. Các thượng thư lục bộ đồng loạt từ chức. Thày giáo, nhà sử học Lệ Thần Trần Trọng Kim được giao thành lập nội các mới. Nội các này có 17 thành viên, gồm những nhân sĩ trí thức nổi tiếng, trong đó có những người sau này tham gia Chính phủ của Cụ Hồ Chí Minh như luật sư Phan Anh, khâm sai đại thần Phan Kế Toại, bác sĩ Trần Văn Lai, phó bảng Đặng Văn Hướng, luật sư Vũ Trọng Khánh, kỹ sư Kha Vạn Cân…
Tên nước được đặt là Đế quốc Việt Nam, là thành viên Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á. Bảo Đại làm vua. Tổng lý đại thần Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Quốc kỳ vẫn giữ lá cờ quẻ ly ba sọc đỏ trên nền vàng. Quốc ca là bài Việt Nam minh châu trời Đông. Thủ đô là Hà Nội và Đế đô là Huế. Đế quốc Việt Nam không có bộ Quốc phòng. Đế quốc Việt Nam chính thức tồn tại trong lịch sử Việt Nam đúng 5 tháng 6 ngày, từ ngày 17 tháng 3 đến ngày 23 tháng 8 năm 1945.
Tuy nhiên, trong giai đoạn chấp chính ngắn ngủi đó, chính phủ Trần Trọng Kim đã làm được một số việc mà lịch sử ghi nhận. Đó là, thu hồi xứ Nam Kỳ thuộc địa; thu hồi 3 nhượng địa cũ là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng (vốn bị người Pháp chia cắt và áp dụng quy chế trực trị); Thả tù chính trị, trong đó có nhiều đảng viên cộng sản; Sơ thảo Hiến pháp. Hội đồng Sơ thảo Hiến pháp có 14 thành viên gồm các ông: luật sư Phan Anh, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng, nhà văn Đặng Thai Mai…; Tổ chức cứu đói”.
Nạn đói năm Ất Dậu (1945) đã cướp đi hơn 2 triệu đồng bào ta!
Non sông Việt Nam được thu về một mối!
Bên bờ Phước Long Giang, 10 giờ ngày 30/8/2018
Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét