Trang

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

233. NGÀY THU BUỒN 2

10. CHÙM THƠ VĂN VIẾT VỀ MÙA THU 2018

 NGÀY THU BUỒN 2. NHỚ LƯU QUANG VŨ – XUÂN QUỲNH…

Hôm nay 29/8 cách đây đúng 30 năm gia đình nhỏ của Lưu Quang Vũ bị tai nạn giao thông thảm khốc tại chân cầu Phú Lương, Hải Dương. Tôi viết những dòng này để tưởng niệm:
-         Nhà viết kịch tài hoa của đất nước Lưu Quang Vũ, đa tài đoản mệnh.
-         Nhà thơ Xuân Quỳnh- người phụ nữ đa đoan và bạc phận.
-         Cháu Lưu Quỳnh Thơ, tuổi thiên thần và vô tội.
                                                              Nhà thơ Xuân Bảo
                                                ***
Hà Nội tháng 8 năm 1988.
Tôi lưu lại thủ đô gần 1 tháng và viết thêm được cái bút ký Hà Nội cơn lốc tháng bảy. Trong tác phẩm  có những đoạn:…Kỳ lạ thay. Đôi mắt em vẫn đượm nét u sầu, ủ dột. Và vầng trán ấy nặng trĩu ưu tư. Và với anh, em rất gần lại rất xa. Chúng ta lại sóng bước trên từng viên đá lát của đường phố Hà Nội. Chúng ta lại vào Nhà hát Lớn, vào rạp Công Nhân, Hồng Hà. Những vở kịch không vui sao lắm thế? “Đêm mùa hạ cay đắng”, “Những đứa con oan nghiệt”, “15 ngày kháng án”, “Mảnh đời ngộ nhận” và “Ông không phải là bố tôi”. “Nhân danh công lý”, “Sống mãi tuổi 17”, “Nàng Sita”, “Hẹn ngày trở lại”, “Nếu anh không đốt lửa”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Lời thề thứ 9”, “Khoảnh khắc và vô tận”, “Bệnh sĩ”…
          Tôi còn nhớ một buổi sáng hạ tuần tháng 8 năm 1988, nhận lời mời của Vũ tôi cùng Thanh Hà vào Nhà hát Lớn xem tổng duyệt vở Bệnh sĩ.
Tôi ở cùng phố Huế với Lưu Quang Vũ và quen biết Lưu Quang Vũ khi ông kết hôn với Tố Uyên và về ở ngôi nhà 96 phố Huế - nơi trước giải phóng thủ đô là khách sạn Lục Quốc – sau này chính quyền Hà Nội tịch thu. Phần phía dưới làm cửa hàng mậu dịch quốc doanh bán bách hóa tổng hợp. Các tầng trên bố trí nhà tập thể cho các văn nghệ sĩ, trong đó có gia đình nhà biên kịch Lưu Quang Thuận, thân phụ của Vũ; có gia đình nhà văn Hà Mậu Nhai và Ngô Thị Thái và nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ khác.
Tôi cũng quen biết với gia đình Tố Uyên khi đang ở tại số nhà 67 Huyền Trân công chúa (sau giải phóng thủ đô đổi thành phố Bùi Thị Xuân). Tố Uyên là con của một gia đình trí thức. Bố là giáo sư. Tôi đã học tiếng Anh với thầy khi ông phải dạy thêm vào buổi tối để kiếm sống. Tố Uyên có người chị tên là Tố Uyển, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, được phân công về dạy bên Đông Anh. Tố Uyển là vợ của nhà báo Hoàng Dương, phó trưởng ban Ban Công Thương của Việt Nam Thông tấn xã. Tôi được Hoàng Dương nhờ xin Sở Giáo dục Hà Nội (hồi này chưa có chữ Đào tạo đi kèm) cho Tố Uyển chuyển về dạy trong nội thành để được cùng chồng chăm nom gia đình.
 Các tác phẩm của Lưu Quang Vũ đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng. Tác phẩm ông nổi bật lên từ những năm sau chiến tranh, đặc biệt là những năm 1980. Ông đã từng sống những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh, vào bộ đội chiến đấu và trở về sống trong một thời kỳ khó khăn của nước nhà. Các vở kịch, thơ, truyện ngắn của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn và in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Mới 40 tuổi, Lưu Quang Vũ đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng. Các tác phẩm của ông đã làm sôi động sân khấu Việt nam và dậy sóng trong lòng nhân dân thời kỳ đó.
Lưu Quang Vũ không chỉ viết kịch mà còn làm thơ và viết truyện ngắn. Thơ Lưu Quang Vũ bay bổng, tài hoa, giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao. Rất nhiều bài thơ được bạn đọc yêu thích như: Và anh tồn tại, Tiếng Việt, Vườn trong phố, Bầy ong trong đêm sâu.... Truyện ngắn của Lưu Quang Vũ mang đậm phong cách riêng.
Lưu Quang Vũ là một nghệ sĩ đa tài nhưng đoản mệnh! Và ứng theo câu truyền ngôn “sinh nghề, tử nghiệp”!
                                                ***
Sau ngày Quốc khánh 2/9/1988, tôi về Biên Hòa được mấy hôm thì nghe tin gia đình nhà viết kịch tài ba bị tai nạn giao thông khủng khiếp tại đầu cầu Phú Lương (Hải Dương). Đau đớn và tiếc thương, tôi không muốn nhắc đến nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc này.
 Như vậy tính đến hôm nay (29/8/1988 – 29/8/2018) vừa tròn 30 năm, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và cháu Lưu Quỳnh Thơ mãi mãi ra đi không về! Tôi viết những dòng này để bày tỏ niềm thương xót cho một “tài hoa của đất nước” – người đã để lại cho hậu thế một gia tài kịch bản đồ sộ - làm rung động day dứt lòng người; để lại niềm ái mộ đối với môt tài thơ đa đoan và bạc mệnh Xuân Quỳnh và oán giận con tạo sao nỡ đang tay cướp đi một sinh linh bé bỏng Lưu Quỳnh Thơ, không làm gì nên tội!
Bên bờ Phước Long Giang, một ngày thu buồn – ngày giỗ lần thứ 30 của gia đình nhỏ Lưu Quang Vũ
.
8 GIỜ SÁNG NGÀY 29/8/2018

Nhà thơ Xuân Bảo







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét