Trang

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

316. Chuyện nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 18. Chúng tôi làm báo

 

 

316. Chuyện nhỏ làng quê.Câu chuyện thứ 18, Chúng tôi làm báo

  Lúc này xã Triệu Sơn đã có trường cấp II. Tổ học sinh Thượng Phước gồm có tôi, Trần Đức Long, Trần Đức Dục, Bùi Hữu Tưởng, Trần Trọng Chấm. Lê Ngọc Châu, Trần Thị Hồng. Lại có thêm trò Phan Hiền người làng Nhan Biều, ở trong vùng tạm chiếm của Pháp, gia đình tản cư, ở tại xóm Mộ được ghép vào tổ học sinh Thượng Phước.

Trường cấp II Triệu Sơn được đặt tại Khe Bội (sau này có tên là Phúc Khê). Đầu niên khóa 1951-1952, thầy Du, người Hà Tĩnh được Sở Giáo dục Khu Bốn điều vào làm hiệu trưởng. Tôi còn nhớ, tiếp theo là thầy Triết. Đến năm 1953 thì thầy Đặng Bá Đệ về làm hiệu trưởng. Thời gian này, ngành giáo dục nước ta đã đi vào thế ổn định. Hệ phổ thông gồm có 9 lớp. Cấp I có 4 lớp (1, 2, 3 và 4), Cấp II có 3 lớp (5, 6 và 7) và cấp III có 2 lớp (8 và 9). Tiếp theo là 2 năm Dự bị đại học, rồi vào đại học. Không có thi lấy bằng như thời Pháp thuộc. Nhà trường căn cứ điểm 2 học kỳ và điểm cuối cấp để xét cho học sinh lên cấp, không như thời Pháp thuộc, hệ thống giáo dục chia làm 3 cấp học. Học 3 năm đầu từ lớp 1 đến lớp 3, gồm lớp 1 là lớp Đồng ấu, lớp 2 là lớp Dự bị, lớp 3 là lớp Sơ đẳng, rồi thi Sơ học yếu lược. Tiếp đến là vào học lớp nhì nhất niên, rồi lên lớp nhì nhị niên. Rồi đến lớp nhất. Cuối cấp này thì thi Primaire. Như thế trong khoảng 6 năm, học trò thời đó đã phải học 6 năm mới tốt nghiệp cấp II. Tiếp theo là 4 năm học lên các lớp: Première année (đệ nhất niên), rồi Deuxième année (đệ nhị niên), Troixième année (đệ tam niên), Quatrième année (đệ tứ niên) rồi đi thi lấy bằng Thành chung, tiếng Tây thì gọi là Diplôme de bachelier (bằng tú tài).

Trường có Hiệu đoàn học sinh, sinh hoạt từng tổ theo địa dư thôn. Hiệu đoàn trường hoạt động theo ngành dọc, có cấp trên là Hiệu đoàn tỉnh Quảng Trị chỉ đạo và lãnh đạo theo tôn chỉ, mục đích chung. Quy chế và kỷ luật của Hiệu đoàn học sinh khá nghiêm và chặt chẽ.

Tôi còn nhớ hè 1953, Hiệu đoàn học sinh cấp II Triệu Sơn chúng tôi ra tờ Đặc san mang tên Ngày Mùa. Khổ tờ đặc san na ná như những tờ báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên ngày nay (28x41cm). Tôi được phân công làm chủ bút. Trần Đức Long và Trần Trọng Chấm làm biên tập. Bài vở thì do các đoàn viên của toàn Hiệu đoàn góp bút. Tôi đã viết một bài xã luận cho Đặc san. Bài này được ông Lê Đình Hiên, phó Trưởng ty Giáo dục tỉnh khen một câu làm tôi rất phấn khởi. Ông xem xong bài xã luận rồi nói: Hồ Chí Minh con! Hồ Chí Minh con! Khi tập kết ra Hà Nội, ông tham gia vào Hội Nhà văn Việt Nam với bút danh là nhà thơ Tân Trà. Tờ Đặc san Ngày Mùa, in tại nhà in VIETBANGTAY”, tức là Viết bằng tay, chứ không phải là báo in typo hay offset như sau này. Viết bài thì dùng mực tím hàng ngày, đựng trong cái lọ thường mang theo đến trường. Tờ báo cũng có tranh vẽ nhiều màu: màu vàng là củ nghệ, màu tím là hột mùng tơi chín, màu xanh là lá trầu xanh, màu đỏ và màu xanh nước biển thì dùng cây bút chì xanh đỏ hai đầu (nhờ mua từ trong thị xã). Trần Đức Long còn nhớ bức tranh của đặc san vẽ một người cầm cái dao phay rượt đuổi một người với câu chú thích: Liệu mà cao chạy xa bay/ Thịt xương chỉ có ngần này mà thôi. Câu lẩy Kiều này vốn dĩ 2 chữ đầu câu 8 là Ái ân. Và Trần Trọng Chấm có bài thơ chân dung nói về Xuân Bảo. Tôi không nhớ và cả Chấm cũng không nhớ toàn bài, chỉ nhớ vài câu “Đôi má phinh phính chứa đầy xã giao”.

Tổ học sinh Thượng Phước hoạt động rất xôm tụ. Mỗi chúng tôi đều được phân công công tác. Nhóm Thông tin - tuyên truyền, nhóm dạy Binh dân học vụ, nhóm Canh gác báo động khi có Tây lên càn. Tôi được phân công vào nhóm Thông tin tuyên truyền và dạy Bình dân học vụ. Ít lâu sau, dượng Hứa bố trí cho tôi được làm gia sư. Lớp được đặt tại nhà dượng Hứa và học trò là các con của dượng và con ông Trần Đình Thứ, có Kế và Thế. Kế đã hy sinh trong chống Mỹ. Thế hiện sống cùng vợ con, con cháu tại quê nhà và vài đứa nữa. Sau, lớp học này dời vào nhà thôn đội trưởng Lê Văn Ngữ tại xóm Mộ. Ở đây, có thêm 3 học trò nữa là Lê Duy Tính, thường gọi tục danh là Oạc, con ông Ngữ và 2 người con của xã đội trưởng Lê Trường Lữ là Lê Thị Trương và Lê Trường Cầu. Tôi được dạy nửa ngày còn nửa ngày đi học. Gia đình có con học đã cùng nhau góp lúa trả công cho “thầy”. Tôi còn được phân công sáng tác thơ ca, hò vè phục vụ cho Đội Tuyên truyền Địch vận làm nhiệm vụ vận động binh lính ngụy phản chiến. Có một lần, tôi được o Trần Thị Quy, tổ trưởng tổ Địch vận cho đi theo xuống bốt Cầu Bàu Vịt để hò. Du kích đi theo bảo vệ và có nhiệm vụ đào hầm để người hò nấp. O Quy mang theo chiếc loa tay làm bằng thiếc (chế từ thùng sắt tây đựng dầu hỏa). Câu đầu tiên, nói: Hỡi anh em binh lính! Trên chòi cao lô-cốt (hồi này bọn Pháp chưa xây lô-cốt ngầm), chúng bắn một băng tiểu liên vào tổ hò. Chiếc loa bị vài lỗ thủng, nhưng người thì không sao. Chỉ huy ra lệnh rút. Đêm hò này coi như thất bại. Khác với những lần hò trước, lính trong bốt yên lặng lắng nghe. Và sau đó, có một lính mang súng lên chiến khu. Anh ta nói rằng nghe hò thì lòng xốn xang lắm, gợi nhớ đến mẹ già, vợ dại với con thơ và da diết nhớ quê nhà. Sau này, tôi có viết một hồi ức có nhan đề là Nhớ giọng hò o Quý đăng trên tạp chí Văn nghệ Cửa Việt là để nhớ một giọng hò thướt tha, trữ tình của người con gái làng Thượng Phước. Tên o Quy được thêm dấu sắc thành Quý.

Có thể nói tổ học sinh Thượng Phước có nhiều hoạt động xã hội được nhà trường nhiều lần biểu dương và dân làng yêu mến. Tổ phân chia ra nhiều nhóm và hoạt động có hiệu quả, Những học sinh có tuổi đời từ 17, 18 như tôi và Trần Đức Long, Bùi Hữu Tưởng được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc, tiền thân của Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh, sau đổi là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Chúng tôi tham gia vào dân quân du kích. Bùi Hữu Tưởng xung phong đi bộ đội. Chừng 6 tháng sau thì Tưởng hy sinh trong trận đánh Chợ Cạn. Tuy mới chỉ 17, 18 tuổi nhưng Tưởng đã biết yêu. Tưởng đã viết một cuốn sách nhỏ nói về tình yêu của mình với o Vẹ, người con gái họ Trần, có mái tóc quăn rất đẹp.

Mấy đứa chúng tôi được lên lớp 7. Nhưng phải lên trường Lê Thế Hiếu ở Cùa để học. Tổ học sinh Thượng Phước chỉ có mình tôi được học bổng. Học bổng mổi suất là 27 ký lúa. Tôi phải lên Trấm (Kho lúa của huyện Triệu Phong) để lĩnh. Trấm là nơi có bến đò dọc để chở người lên Bơng, lên Chả Cá và chiến khu Ba Lòng. Nhà thơ Lương An có bài thơ Chị lái đò, được đưa vào sách giáo khoa.

Đò em lên xuống Ba Lòng

Chở người cán bộ qua vùng chiến khu”…

Có một lần, chúng tôi gánh lúa về đến xóm Chuối thì nghe tiếng máy bay. Chúng tôi nhìn thấy một chiếc B26 đang bay theo dọc đường số 1 bỗng nhiên quay ngoắt 90 độ lên Trấm, Chiếc máy bay này chỉ thả bom ở Trấm rồi quay về. Nhưng chẳng có ai thương tích gì.

Bên bờ Phước Long Giang, ngày 30/9/2020

Nhà thơ Xuân Bảo

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

315. Chuyệ nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 16. Thanh niên hy vọng tương lai đạo

       315. Chuyện nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 16.

Thanh niên hy vọng tương lai đạo

Đến khi chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời thì Phường Sãi được sát nhập với thôn Thượng Phước. Mọi sinh hoạt của người dân và các đoàn thế đều được tham gia một cách bình đẳng. Đã hết rồi cái “thời phân biệt ngụ cư”. Người Thượng Phước coi người Phường Sãi bằng nửa con mắt? Cách mạng về xóa đi cái ranh giới giàu nghèo và người ngụ cư.
Trong ba chiến sĩ cộng sản Tiền khởi nghĩa ở đây gồm các ông Lê Luyện, Bùi Hồng Sa, Nguyễn Minh Tự thì ông Tự là người Phường Sãi, làng Xuân An. Ông Nguyễn Minh Tự là con trai trưởng của Cụ Nguyễn Văn Xuân, cháu đích tôn của Cụ Nguyễn Văn Cảm. Ông tham gia Việt Minh, cướp chính quyền tại phủ Triệu Phong và đi suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp. Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, ông được bố trí ở lại miền Nam để tổ chức lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ ở quê nhà. Khi mất, ông đang giữ chức vụ Chánh văn phòng Khu ủy Miền Tây Trị Thiên.
Vợ ông Tự, người làng Nhan Biều, nhưng gốc lại là làng Tân Phổ, sinh sống tại phường Tân Phổ, tên là Hồ Thị Thí cũng là một chiến sĩ cách mạng, tham gia khởi nghĩa và xây dựng chính quyền từ những ngày đầu. Họ Hồ có nhiều chiến sĩ cộng sản hoạt động thời kỳ bí mật. Bà Hồ Thị Thí sau này sống với con gái Nguyễn Thị Minh Hiền tại Huế (đã mất).
Người con thứ hai của Cụ Nguyễn Văn Xuân tên là Nguyễn Tính, sau đổi thành Nguyễn Chẩm được ông Bùi Hồng Sa, dìu dắt vào nhóm Thiếu niên Cách mạng.
Ông Bùi Hồng Sa muốn lấy ý tưởng của tổ chức Hướng Đạo Sinh –một tổ chức do Huân tước R.B. Powell sáng lập năm 1907 ở Anh. Ngày 7 tháng 2 năm 1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép Hội này hoạt động theo quy định mới. Ngày 31-5-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm Hội trưởng danh dự Hội Hướng Đạo Việt Nam.
Nhóm Tương lai đạo này tuổi từ 15 -16 và được huấn luyện làm các việc nhỏ như tuyên truyền phổ biến chủ trương của Việt Minh, canh gác cho các cuộc họp, học hát, học ngâm thơ, độc tấu, học võ, biểu diễn văn nghệ, trang trí địa điểm bầu cử và cổ động cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa I (tháng 1 năm 1946).
Nhóm này có các ông Lê Hoa, Lê Ngọc Quỳnh, Trần Văn Hối, Nguyễn Chẩm, Trần Trọng Tư, Lê Ngọc Bích và Trần Đức Đệ và được ông Bùi Hồng Sa đặt tên theo lời một bài diễn ca yêu nước thời bấy giờ. Câu ca đó như sau: “Thanh niên hy vọng tương lai/ Đạo làm trai gánh nặng hai vai…”
Nhóm Tương lai đạo này có bảy người được đặt tên theo 7 chữ: Thanh niên hy vọng tương lai đạo. Thanh là mật danh của Lê Hoa, sau này là đại tá, bí thư riêng của Đại tướng Văn Tiến Dũng.Niên là mật danh của Lê Ngọc Quỳnh, sau này là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp). Hy là mật danh của Trần Văn Hối, sau này là nhà giáo,giáo sư Chủ nhiệm Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Vinh trong những năm chống Mỹ và khi nước nhà thống nhất ông được điều về giảng dạy ở Đại học Sư phạm Huế, hiện còn sống ở cùng vợ con tại thành phố Huế. Vọng là mật danh của Nguyễn Chẩm, ( vừa mất năm 2018) sau này là kỹ sư lâm nghiệp. Ông đã từng là giảng viên Trường Trung cấp Lâm nghiệp Nghệ An và sau này về công tác ở Sở Lâm nghiệp Lâm Đồng, hiện sống cùng vợ con tại thành phố Biên Hòa. Tương là mật danh của Trần Trọng Tư, ( đã mất) sau này là cán bộ Cục Điện ảnh, sống cùng vợ con tại thành phố Hải Dương. Lai là mật danh của Lê Ngọc Bích, sau này là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện sinh sống tại Hà Nội. Đạo là mật danh của Trần Đức Đệ, đã nghỉ hưu và mới mất tại Hà Nội.
Những thiếu niên đó, sau này đều trưởng thành và có nhiều đóng góp cho cách mạng.
Bên bờ Phước Long Giang, sáng ngày 24 tháng 8 năm 2020.
Nhà thơ Xuân Bảo

Bình luận

314. Kỷ niệm ngày mất của Hồ Chủ tịch

             314. KỶ NIỆM NGÀY MẤT CỦA HỒ CHỦ TỊCH.

Năm 1969, Hà Nội đang trong tình trạng chống “chiến tranh phá hoại” của Mỹ. Nhân dân ta chịu biết bao khó khăn. Hạt gạo làm ra phải xẻ làm tư, một cho chiến trường miền Nam, thường gọi là chiến trường B, một cho chiến trường C (Lào), một cho chiến trường K (Campuchia). Phần ít ỏi còn lại cho miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hà Nội lúc này chưa có truyền hình (TV). Đài Truyền thanh Hà Nội chỉ phát thanh bằng đường dây trực tiếp. Nơi công cộng thì có loa, công suất lớn, vừa để nghe tiếp âm của Đài Tiếng nói Việt Nam, vừa thông tin tin tức thời sự của thủ đô, vừa làm nhiệm vụ thông báo khi có máy bay địch xâm phạm bầu trời Hà Nội. Mỗi hộ dân đều được gắn một cái loa ga-len không có nút tắt mở. Đến giờ thì tự động phát, hết giờ thì tự động tắt. Thường ngày, nhạc hiệu của Đài Truyền thanh là bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi.
Sau lễ mừng Quốc khánh, tôi không nhớ rõ là ngày 3 hay 4 tháng 9 thì từ buổi phát thanh buổi sáng phát đi bản tin. Nhưng lạ thay, không phát bài Người Hà Nội mà mở đầu bằng bài Chiêu hồn tử sĩ. Bài hát này có từ hồi năm 1945, sau này lấy làm nhạc hiệu cho những buổi lễ long trọng trong phần nghi thức. Đầu lễ là Quốc ca, thứ đến là bài Ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh rồi đến phút mặc niệm thì tấu lên bản nhạc Chiêu hồn tử sĩ.
Tiếng người phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam dường như bị đứt quãng, nghẹn ngào. Sau nhạc hiệu của Đài là đến bản Chiêu hồn tử sĩ. Phát thanh viên đọc bản Thông cáo đặc biệt.
Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vô cùng đau đớn báo tin để toàn Đảng và toàn thể nhân dân Việt Nam biết: đồng chí Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã từ trần hồi 9 giờ 47 phút ngày 3-9 năm 1969, sau một cơn đau tim đột ngột rất nặng, thọ 79 tuổi.
Tôi xúc động nói với nhà tôi: Thế là Bác Hồ đã ra đi. Hai cháu Triệu Quang và Thúy Ngọc cùng thức dậy và cùng khóc. Mấy gia đình cán bộ bên cạnh cũng khóc. Không khí tang thương bao trùm ngôi nhà 59 Hàng Đào. Trên đường tới cơ quan, khi ngang qua bờ hồ Hoàn Kiếm tôi thấy rất đông đồng bào ta tụ tập quanh những chiếc loa công cộng để theo dõi tin tức Hồ Chủ tịch từ trần.
Nhiều tiếng khóc! Nhiều dòng nước mắt tuôn chảy, trong khi trời vẫn mưa.
***
Sau ngày tang lễ 9/9/1979, các báo đăng nhiều bài thơ tưởng nhớ Người. Đặc biệt, hầu như những tờ báo lớn như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới đều đăng bài thơ Bác ơi của Tố Hữu. Bài thơ mở đầu bằng những câu:
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…
Nhà thơ Thu Bồn ở tận trong Nam cũng khóc Bác:
Có người thợ dựng Thành Đồng
Đã yên nghỉ tận sông Hồng mẹ ơi!…
Bài thơ của tôi Để Người đi cho lòng được thảnh thơi cũng được đăng báo ngày ấy và sau này được đưa vào sách Khúc hát những dặm đường do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành:
Đại bác nổ từng hồi đưa tiễn Bác
Tiếng súng rền như xé ruột xé gan
Bác đi rồi ơi nửa nước miền Nam
Hai mươi năm trời chỉ lo đánh giặc
Quét sạch thù cho chóng ngày gặp mặt
Nỗi nhớ mong đếm từng phút từng giây!
Đau thương nào sánh được nổi đau này
Ta không khóc mà lòng đầy nước mắt
Ngọn cờ Bác trao cùng nhau giữ chặt
Để Bác đi cho lòng được thảnh thơi
Người đi rồi cả thế giới buồn đau
Bầu bạn tiếc thương, quân thù kính phục
Hỡi những ai còn kiếp đời tủi nhục
Đưa tiễn Người chớ để lệ tràn mi
Ơi anh em Âu – Á – Mỹ - Úc – Phi
Giờ phút này xiết chặt thêm đội ngũ
Trước mặt ta bao mưu thù còn đó
Đoàn kết lại cả bốn biển năm châu
Để Người đi cho lòng nhẹ nỗi đau
Đại bác nổ từng hồi đưa tiễn Bác.
Hà Nội 9-1969
Bên bờ Phước Long Giang, 9 giờ 47 phút ngày 2/9/2018.
Đăng lại vào sáng hôm nay, ngày 3 tháng 9 năm 2020
Nhà thơ Xuân Bảo.
Phap Nguyen, Phạm Đình Long và 4 người khác

313. Chuyện nhỏ làng quê. Câu chuyện thứ 17. Hai người đàn bà....

  Chuyện nhỏ làng quê, Câu chuyện thứ 17,

Hai người đàn bà kỳ lạ của làng Thượng Phước
Chuyến đi lần này, lúc đầu tôi chỉ định viết về Lễ hội làng Thượng Phước – Lễ hội săn bắt thú rừng truyền thống để nhớ về Ngài Tiền khai Võ Nguyên Hùng Dõng tặng Hùng Quốc Công – người đã có công truyền nghề săn bắt thú rừng để bảo vệ mùa màng, thể hiện sức mạnh đoàn kết của cộng đồng. Tương truyền Ngài là vị tướng võ nghệ cao cường, một người thân tín của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Khi Nguyễn Hoàng vào Nam, Ngài đã cầm quân dẹp giặc và lập được nhiều công lớn. Do có nhiều chiến tích trong trận mạc nên Ngài đã được Chúa ban tặng cho khai khẩn vùng đất bên sông Thạch Hãn, tạo ra làng Thượng Phước quanh năm phù sa màu mỡ bãi bồi.
Nhưng khi bắt tay vào viết thì ký ức tràn về như một dòng thác.Vì nơi đây đã để lại trong tâm khảm tôi một thời thơ ấu mà mãi mãi không bao giờ mờ phai. Do vậy, KÝ ỨC VỀ MỘT LÀNG QUÊ YÊN Ả ra đời đề nhớ về quê Mẹ.
***
1. Mụ Thơ tiên đao.
Làng Thượng Phước có Lễ hội săn bắt thú rừng, Lễ hội kết hợp với ngày kỵ của Ngài khai khẩn vào ngày rằm tháng ba âm lịch hàng năm (còn gọi là ngày Việc làng). Trước đây, ông tổ làng là người miền ngoài được chúa Nguyễn cho theo vào để khai khẩn vùng Thuận Quảng. Ông chia 3 anh em về ba nơi và đặt các nơi ấy mang tên làng là Thượng Phứớc, Thượng Nghĩa và Thượng Trạch. Đã có hương ước định lệ: Các làng thay nhau làm Lễ Giỗ Ngài Khai khẩn.
Trước kia thì tôi không biết. Sau 1945, Thượng Phước không có Phường Săn thú rừng. Chỉ có vài người làm bẫy bắt chim cu đất, cu gáy, bìm bịp, cuốc nghịch, gà rừng… Mà người say mê nhất là Cụ Bộ Hinh, cha của Trần Đức Long – bạn học của tôi, từ khi cỏn học ở bậc tiểu học.
Một hôm có chú heo độc về thôốc, trước nhà Trần Đức Long ở Cồn Tàu. Dân làng báo cho Phường săn Như Lệ.
Thôn Như Lệ bên kia sông Thạch Hãn có một phường săn của ông Đoàn Nồng. Thỉnh thoảng phường săn này lội sông đem theo lưới, chó săn, giáo mác và người sang săn thú bên này. Bọn trẻ chúng tôi thường chạy theo để coi họ săn. Lưới được kéo căng ra và cắm xuống khá vững chãi ở đầu truông. Đoàn người bắt đầu xua đàn chó sục sạo vào các lùm cây. Người thì cầm chiếc gậy dài đập vào bụi cây và miệng thì hô huơ là huơ là huơ. Con thú bí lối chạy theo hướng có chiếc lưới săn chờ sẵn. Cùng đường, con thú tuông vào lưới, lưới sập xuống, thú mắc lưới.
Việc đầu tiên là người được phân công đâm lưỡi giáo nhọn để hạ sát con thú. Lưỡi giáo chọc thẳng vào phần mềm dưới nách con thú. Người làm việc này được gọi là “tiên đao” và khi chia thịt thì được hưởng cái nọng. Con thịt được mổ ngay tại chỗ. Những loài thú thường bị săn bắt nhiều nhất là heo rừng,mang (còn gọi là mển hay hoẵng). Cũng có lúc những con chồn đèn, chồn bạc má, chồn hương dính lưới. Người phường săn được chia phần. Bọn trẻ “a dua” chúng tôi cũng được ông chủ phường săn cho phần thịt nho nhỏ, gọi là…
Chẳng hiểu vì lý do gì mà mỗi lần các phường săn, săn được thú thì Mụ Thơ, người làng Thượng Phước được phường săn biếu cho cái đầu (thủ), cho nên mới có danh xưng tặng cho là Mụ Thơ tiên đao.
Trích Hồi ký Trần Đức Long: “... Ngôi nhà Ông nội tôi ở hồi đó là Ông nội tôi mua lại của Mụ Thơ. Mụ Thơ là người giàu có trong làng. Không biết vì lý do gì mà bị sạt nghệp. Mụ phải bán hết nhà cửa, ruộng đất, trâu bò, …v.v. để trả nợ. Nghe nói là vì thua bạc?
Đây là, ngôi nhà rường 3 gian, 2 chái, cột kèo toàn gỗ gõ (gụ), mái ngói, tường bao bằng ván gỗ, nền bằng vôi vữa trộn cát và chất kết dính. Mặt nền láng bóng, vững chắc. Các đòn tay và các cửa phía trước đều được chạm trổ tinh vi. Gian giữa, phía trong là nơi thờ cúng. Đây cũng là nơi thờ cúng của Dánh* Trần Đức. Phía ngoài là nơi tiếp khách, đặt 2 bộ bàn ghế cũng bằng gỗ gụ, chạm trổ rất đẹp theo lối cổ. Các bộ ấm chén pha trà bằng sứ của Tàu (sứ Giang Tây). Tôi thấy có cả bộ pha cà phê và bộ ly thủy tinh để uống rượu. Một vài lần, tôi thấy cha tôi tiếp khách bằng rượu rum và rượu chát."
2. Mụ Tản nói nhịu.
Giờ đây, thì cả Mụ Thơ lẫn Mụ Tản không còn dấu tích nào nữa ở làng Thượng Phước. Mụ Thơ tiên đao thì biệt vô âm tín cả gia đình và dòng họ. Riêng Mụ Tản thì sau năm 1945, Mụ còn sống và thường được mấy ông xồn xồn trong làng hay chọc ghẹo Mụ để mua vui. Mỗi lần, gặp Mụ Tản đi chợ tỉnh về. Ông Pho Tịnh hỏi Mụ mua được gì, Mụ lôi trong thúng ra nào muối, nào ruốc, nào diêm, nào đá lửa…Đang nói nửa chừng, Mụ nói luôn câu: Lồ… mụ đây nì.! Rồi Mụ lại tiếp tục trả lời ông Pho Tịnh, đủ các thứ chuyện linh tinh khác. Sau khi quảy gánh lên vai và chào ông Pho Tịnh, Mụ Tản lại nói: Lồ…mụ đây nì.!
Ngày 17 tháng 2 năm 1947, giặc Pháp nống ra Quảng Trị. Khi Pháp tái chiếm Quảng Trị, thôn Thượng Phước là vùng tự do. Mụ Tản được phép của Thôn đội trưởng Lê Trường Ngư, cho phép Mụ đi chợ Tỉnh (vùng tạm bị địch chiếm) để mua các thứ. Trong đó, có nhiều nhất là muối, ruốc, đá lửa (Đá lửa dùng cho hộp quẹt bật lửa mà dân Quảng Trị thường gọi là máy lửa)…Có những thứ hàng Mụ Tản mua để tiếp tế cho cán bộ ta.
Qua bốt Cầu Ga, mấy chú lính bảo hoàng (ta thường gọi là lính ngụy) chặn Mụ đi chợ về. Chúng lục soát rất gắt gao. Xong việc, chúng cho Mụ đi. Mụ lịch sự chào và tiếp câu nói nhịu thường ngày. Mụ bảo: Chào các vị, rồi mụ tiếp luôn: Lồ...mụ đây nì.! Mấy chú lính ngơ ngác hỏi lại Mụ nói cấy chi? Mụ trả lời: Có chi mô nờ. Rồi Mụ lại nói: Lồ... mụ đây nì!.
Tôi không hiểu đã có vị giáo sư, tiến sĩ nào nghiên cứu về tật nói nhịu ở Việt Nam hay chưa? Nếu giải trình được thì sẽ tặng cho vị đó cái thêm cái bằng tiền sĩ nữa! Theo tôi, tật nói nhịu xưa nay là: câu người đang nói không ăn nhập gì với câu nói nhịu cả. Hai mệnh đề trong câu người đang nói và câu nói nhịu riêng biệt, chẳng dính dáng gì đến nhau. Như trường hợp của Mụ Tản làng Thượng Phước?
Vừa rồi đây, trên Đài Truyền hình Việt Nam có một biện tập viên đang nói về những người bán hàng rong là Ký sinh trùng. Mạng xã hội dậy song đòi VTV phải xin lỗi. Trong kịch bản, theo như Đài VTV phân trần là không có từ “trùng”, nhưng MC nói thêm vào, thành ra “những người bán hàng rong là ký sinh trùng”. Cả MC lẫn cô Thu Hương (người đại diện VTV )thanh minh, đều nói là vì nói nhịu. Theo thiển nghĩ của cá nhân tôi. Đây không phải là tật nói nhịu như Mụ Tản làng Thượng Phước, mà nói theo quán tính. Đã nói đến ký sinh, tất luôn mồm nói thêm chữ trủng thành ký sinh trùng luôn, cùng một mệnh đề?
Nói nhịu khác vời nói ngọng. Có một số tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ có tật nói ngọng. Mà phổ biến nhất là phát ngôn từ e-lờ (L) ra en-nờ 👎, hoặc ngược lại. Thí dụ: Tôi đi Hà Lội mua cái lồi về lấu cơm lếp. Có một vị có hàm bộ trưởng hẳn hoi. Nhiều lúc ông ta nói ngọng đến nỗi bàn dân thiên hạ vừa nục cười, vừa chua chát cay đắng. Họ hỏi vì sao ông ta không gắng nói cho đúng tiếng mẹ đẻ?!
Ở Thanh Hóa, ngày trước, vùng nông thôn có tật phát âm không chính xác. Hồi năm 1954, bộ đội miền Nam chúng tôi tập kết lên Sầm Sơn. Giờ rảnh chúng tôi vào các làng để làm công tác dân vận. Có lần chúng tôi đến một gia đình, thấy nhà không có người lớn mà chỉ có mấy em nhỏ. Tôi hỏi; Nhà đi đâu vắng? Một em chừng chín mười tuổi nhanh nhảu trả lời: Cha tôi đi cần, mẹ tôi đi cấn. anh tôi đi củn, tún mới viền. Lúc này chúng tôi không hiểu các em nói gì. Nhưng sau một thời gian thì chúng tôi mới hiểu ra. Câu trả lới đó là: Cha tôi đi cày, mẹ tôi đi cấy, anh tôi đi củi, tối mới về.

Còn ở Quảng Trị, quê tôi thì có cách nói mà như anh bí thơ tỉnh trước đây khi ở tỉnh khác mới về, ông ta cho rằng tiếng Quảng Trị là một ngoại ngữ. Thực ra đây là địa phương ngữ. Thí dụ câu thơ mà nhà thơ Hoa Dại đã viết trong một bài thơ dài, viết toàn giọng Quảng Trị của tôi:
Ngoại ngữ Quảng Trị
Có một ôông đưa về mần bí thơ quê miềng.Ôông mần được nửa mùa,rồi ông rút.Ôông nớ nói rằng.tiếng Quảng Trị là một ngoại ngữ.Vì vậy ôông nớ xin đi nơi khác. Ai có dớ người đó là ai không hý?
Hoa Dại
Trước khi đọc yêu cầu bạn phải có bằng C tiếng Quảng Trị hoặc A1 tiếng miền trung.
Sao không dịch ra tiếng phổ thông để mọi người hiểu?
Vậy thì Xuân Bảo này xin dịch :
Ai Quảng Trị mí hiểu hí. Dịch là: Ai người Quảng Trị mới hiểu 🤣🤣🤣
.
Ngó trộ mưa rào, út lại dớ quê,
Dịch: Thấy trận mưa rào, Út lại nhớ quê

Bảy tám năm ni, út chưa về Quảng Trị,
Dịch: Bảy tám năm nay,Út chưa về Quảng Trị

Dớ mạ, dớ ba, dớ eng, dớ chị,
Dịch: Nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ anh, nhớ chị

Mới nghị rứa thôi, nác mắt chảy dài.
Dịch: Mới nghĩ thế thôi, nước mắt chảy dài

Dớ ngày mùa, sương ló trẹo cả bai.
Dịch: Nhớ ngày mùa,gánh lúa sụn cả vai

Sáng đi mót khoai, chiều đi mò ốốc
Dịch; Sáng đi mót khoai, chiều đi mò ốc

Nỏ mũ nón chi, nắng e nẻ trốốc,
Dịch: Không mũ nón chi, nắng e nứt trốc

Dọọc thì dọọc mà bui quái eng hè?
Dịch: Nhọc thì nhọc mà vui quá anh hè

Cả dà miềng chỉ có một cấy xe.
Dịch: Cả nhà mình chỉ có một cái xe

Ngày mô cũng nghe, mạ kêu lủng lốp.
Dịch: Ngày nào cũng nghe, mẹ kêu thủng lốp

Ba lại soạn ra bốn năm cấy hộp.
Dịch: Cha lại soạn ra bốn năm cái hộp...
Tôi tạm dịch nửa bài thôi. Hẹn dịp khác.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày thứ 2 xử vụ Đồng Tâm, ở Mỹ Đức, Hà Nội. Ngày Cửu trùng Dương lịch 9 tháng 9 năm 2020.
Nhà thơ Xuân Bảo
Trang Mai, Nguyen Thuy Ngoc và 8 người khác

312. Ngày 23/9 Nam Bộ kháng chiến

 LẠI VIÊT VỀ MÙA THU.

Mủa thu rồi ngày 23, ta ra đi. Ra đi nghe theo tiếng gọi sơn hà nguy biến!
Cách đây đúng 75 năm 1 tháng, khi Quảng Trị quê tôi được sống dứơi chế độ mới. Vào ngày 23/8/1945, trước sân tòa công sứ Pháp tại thị xã, ông Trần Hữu Dực, thay mặt Việt Minh tuyên bố chính quyền về tay nhân dân.
Một tháng sau đó, ngày 23/9/1945, ông Bùi Hồng Sa, chủ nhiệm Việt Minh làng Thượng Phước thông báo cho dân làng biết là bọn Pháp đã gây hấn ở Sài Gòn.
Tiếng súng chống xâm lăng lại đã nổ!
1.Nhật chiếm Đông Dương.
Trên thực tế, Nhật đã chiếm Đông Dương từ năm 1940. Ngày 9 tháng 3 1945, thì chính thức Nhật chiếm bằng vũ lực, hạ cờ tam tài của Pháp xuống, thượng cờ mặt trời của Nhật lên mợi nơi. Pháp chạy trốn hoặc bị Nhật giết!
Ngày 22.6.1940, Pháp ký thỏa thuận ngừng bắn với Đức Quốc Xã, Chính phủ Vichy được thành lập, thừa kế hầu hết các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp, bao gồm cả Đông Dương.
Quân Nhật tiến vào Hải Phòng ngày 24/11/1940.
Ngày 5 tháng 9 năm 1940, Nhật Bản thành lập Đông Dương phái khiển quân để đồn trú tại Đông Dương. Lực lượng này sẽ nhận được sự hỗ trợ bằng máy bay và tàu chiến của Nhật từ căn cứ ở đảo Hải Nam.
Tướng Nhật Takuma Nishimura được giao quyền chỉ huy quân đoàn Hoa Nam, tiến hành đàm phán với đô đốc Pháp Decoux, toàn quyền Đông Dương, để thỏa thuận triển khai quân Nhật trên lãnh thổ Đông Dương thuộc Pháp. Cuộc đàm phán tiến triển quá chậm chạp nên giới tướng lãnh Nhật chỉ huy quân đoàn Hoa Nam quyết định gây hấn để phá hoại quá trình đàm phán. Để tránh giao tranh, ngày 21 tháng 9 năm 1940, phía Pháp đồng ý nhượng bộ, cho phép Nhật đóng 6 ngàn quân ở Bắc kỳ, được quyền sử dụng 4 sân bay, đồng thời được quyền chuyển 25 ngàn quân qua Bắc kỳ vào Vân Nam, quyền sử dụng cảng Hải Phòng để vận chuyển một sư đoàn thuộc quân đoàn 21.
Bất chấp việc đàm phán đã ngã ngũ, lực lượng quân sự Nhật vẫn tiến hành khởi sự. 9 giờ tối ngày 22 tháng 9, sư đoàn 5 tinh nhuệ trực thuộc quân đoàn 21 Nhật tràn qua biên giới từ Long Châu vào Việt Nam qua ngả Đồng Đăng và giao tranh quyết liệt với quân Pháp tại đây. Giao tranh lan ra các đồn binh Pháp dọc biên giới. Xe bọc thép Nhật uy hiếp Lạng Sơn, buộc quân Pháp tại đây giương cờ đầu hàng. Tới lúc này các đơn vị quân thuộc địa bắt đầu hoảng loạn rút chạy, hàng trăm lính tập rã ngũ, vứt bỏ vũ khí lại trên đường chạy về Hà Nội.
Cùng thời gian, máy bay thuộc hải quân Nhật cất cánh từ tàu sân bay trên vịnh Bắc Bộ bắn phá các mục tiêu Pháp trên bộ ngày 24 tháng 9. Hải quân Nhật tiến hành đổ bộ 4,500 lính bộ binh và hơn một chục xe tăng ở phía nam cảng Hải Phòng, tiến hành tước khí giới quân Pháp tại Đồ Sơn. Tới tối ngày 26, quân Nhật đã chiếm sân bay Gia Lâm, trạm xe lửa từ biên giới Vân Nam vào Lào Cai và Phủ Lạng Thương trên tuyến đường sắt từ Hà Nội-Lạng Sơn. 900 quân Nhật chiếm cảng Hải Phòng, 600 quân khác đóng tại Hà Nội trước sự bất lực của Pháp.
2. Pháp quay trở lại.
Ngày Nam Bộ kháng chiến khẳng định ý chí, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của đồng bào Nam bộ
Mười lăm tháng kháng chiến trước khi nổ ra toàn quốc kháng chiến đã thể hiện rõ ý chí, quyết tâm giữ vững nền độc lập vừa mới giành được của nhân dân Nam Bộ như đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong một năm trường, đồng bào kháng chiến, người thì tan nhà nát cửa, người thì hy sinh tính mạng, người thì bị tù, bị đày. Nhưng lòng yêu nước của đồng bào vẫn trơ như đá vững như đồng”
Nhân dân Nam Bộ kháng chiến với ý chí “Độc lập hay là chết”.
Từ ngày 23 đến 28/8/1945, nhân dân Nam Bộ đã vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Sau gần một thế kỷ dưới ách thống trị của chế độ thực dân Pháp, giờ đây đồng bào Nam Bộ, từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Lẽ ra, từ đây nhân dân ta được sống trong hòa bình, thế nhưng, với dã tâm trở lại xâm lược nước ta lần nữa.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh đã quay lại gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình hình đó, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại Nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh). Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi. Tiêu biểu cho tinh thần “Độc lập hay là chết” là tiểu đội bảo vệ Cột cờ Thủ Ngữ. Sáng 23/9/1945, khi một đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống để kéo lá cờ tam tài lên, vì danh dự lá cờ Tổ quốc, chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử của ta kiên quyết ngăn cản dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Cảm phục trước khí tiết đó, viên chỉ huy người Anh đã cho đại đội xếp hàng, bồng súng chào hương hồn những người anh hùng của đối phương đã ngã xuống dưới chân cột cờ. Trận chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc - biểu tượng của nền độc lập đã cổ vũ mạnh mẽ cho lực lượng vũ trang ta dũng cảm tổ chức nhiều trận đánh ác liệt.
Thực hiện “trong đánh ngoài vây”, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ thành lập 04 mặt trận ở ngoại thành Sài Gòn. Chúng ta vừa bố trí lực lượng chốt giữ các cầu chính để vây địch trong nội thành, vừa triển khai lực lượng tiến vào nội thành, phối hợp với các tổ, đội du kích bám trụ, tiến hành các cuộc đột kích vào những nơi địch đóng quân, đốt phá các kho tàng quân sự và cơ sở kinh tế của chúng rồi nhanh chóng rút lui. Mọi tầng lớp nhân dân đều tích cực tham gia cùng các đội tự vệ tổ chức chốt chặn, canh giữ các ngã đường. Nhân dân Sài Gòn còn triệt để thực hiện tổng đình công; nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy, chợ đóng cửa, xe điện ngưng chạy, v.v. Với ý chí “Độc lập hay là chết”, đồng bào Nam Bộ đã quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược, tạo nên một vòng vây quân sự kết hợp với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bị động, bất ngờ và chùn bước, tạo điều kiện để quân và dân ta bước vào giai đoạn thực hiện toàn quốc kháng chiến (19/12/1946).
Cuộc chiến không cân sức giữa một bên là quân đội tinh nhuệ có đầy đủ xe tăng, máy bay, đại bác và một bên là gậy tầm vông vạt nhọn, súng ngựa trời…và lòng yêu nước. Nhân dân Việt Nam đã làm nên một chiến thắng thần kỳ của cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm, để có một Điện Biên chấn động địa cầu. Và chấm dứt gần một thế kỷ khi quân Pháp và Tây Ban Nha đổ bộ lên Đà Nẵng ngày 31 tháng 8 năm 1858 đến ngày 10 tháng 10 năm 1954, tên lính thực dân cuối cùng rút qua cấu Long Biên!
Ảnh. Dân quân cứu quốc Nam bộ trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, tháng 9/1945.
Bên bờ Phước Long Giang, 10 giờ sáng ngày thứ tư, 23/9/2020.
Nhà thơ Xuân Bảo.

311. Cụ Phạm Quỳnh với Truyện Kiểu

 311.Cụ Phạm Quỳnh với Truyện Kiều

Tiến tới 200 năm Ngày giỗ Đại thi hào Nguyễn Du

Bài diễn thuyết bằng Quốc văn của Cụ Phạm Quỳnh, Đọc tại lễ kỷ niệm Nguyễn Du, nhân ngày mất (10 tháng 3 âm lịch), do Ban Văn học Hội Khai trí tổ chức.
Thưa các ngài,
Hôm nay là ngày giỗ cụ Tiên Điền Nguyễn tiên sinh, là bậc đại thi nhân của nước Nam ta, đã làm ra bộ văn chương tuyệt tác là Truyện Kim Vân Kiều.
Ban Văn học Hội Khai Trí chúng tôi muốn nhân ngày giỗ này đặt một cuộc kỷ niệm để nhắc lại cho quốc dân nhớ đến công nghiệp một người đã gây dựng cho quốc âm ta thành văn chương, để lại cho chúng ta một cái “hương hỏa” rất quý báu, đời đời làm vẻ vang cho cả giống nòi.
Chúng tôi thiết nghĩ một bậc có công với văn hóa nước nhà như thế, không phải là ông tổ riêng của một nhà một họ nữa, mà là ông tổ chung của cả nước; ngày giỗ ngài không phải là ngày kỷ niệm riêng của một nhà một họ nữa, chính là ngày kỷ niệm chung của cả nước.
Hiện nay suốt quốc dân ta, trên từ hàng thượng lưu học thức, dưới đến kẻ lam lũ làm ăn, bất cứ già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà, ai ai cũng biết Truyện Kiều, ai ai cũng thuộc Truyện Kiều, ai ai cũng kể Truyện Kiều, ai ai cũng ngâm Truyện Kiều, như vậy thời ai ai cũng đều hưởng cái công nghiệp của cụ Tiên Điền ta, ai ai cũng phải nhớ ngày giỗ cụ và nghĩ đến cái ơn của cụ tác thành cho tiếng nước nhà.
Muốn cảm cái ơn ấy cho đích đáng, hẵng thử giả thuyết cụ Tiên Điền không xuất thế, cụ Tiên Điền có xuất thế mà quyển Truyện Kiều không xuất thế, quyển Truyện Kiều có xuất thế mà vì cớ gì không lưu truyền, thời tình cảnh tiếng An Nam đến thế nào, tình cảnh dân tộc ta đến thế nào?
Văn chương người ta thiên kinh vạn quyển, dẫu có thiếu mất một quyển cũng chẳng hại gì. Văn chương mình chỉ độc có một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc, ví lại khuyết nốt thì dân tộc ấy đến thế nào?
Than ôi! Mỗi lần nghĩ tới mà không khỏi rùng mình, chột dạ, sửng sốt, rụng rời, tưởng như hòn ngọc ở trên tay bỗng rơi xuống vỡ tan tành vậy. Rồi mới tỉnh ra, sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ dịp rung đùi, lên giọng cao ngâm:
Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai.
Hay là:
Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm sá gì.
bỗng thấy trong lòng vui vẻ, trong dạ vững vàng, muốn nhảy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!…
Có nghĩ cho xa xôi, cho thấm thía, mới hiểu rằng, Truyện Kiều đối với vận mệnh nước ta có một cái quý giá vô ngần.
Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc túy, Truyện Kiều là quốc túy của ta; một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta. Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này. Trong mấy nghìn năm ta chôn rau cắt rốn, gửi thịt gửi xương ở cõi đất này, mà ta vẫn hình như một giống ăn trọ ở nhờ, đối với đất nước non sông vẫn chưa từng có một cái văn tự văn khế phân minh, chứng nhận cho ta có cái quyền sở hữu chính đáng. Mãi đến thế kỷ mới rồi mới có một đấng quốc sĩ, vì nòi giống, vì đồng bào, vì tổ tiên, vì hậu thế, rỏ máu làm mực, “tá tả” một thiên văn khế tuyệt bút, khiến cho giống An Nam được công nhiên, nghiễm nhiên, rõ ràng, đích đáng làm chủ nhân một cõi sơn hà gấm vóc.
Đấng quốc sĩ ấy là ai? Là cụ Tiên Điền ta vậy. Thiên văn khế ấy là gì? Là quyển Truyện Kiều ta vậy:
Gẫm âu người ấy báu này,
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm!
Báu ấy là lọt đến tay ta, thật cũng là một cái phúc duyên cho ta, nhưng báu ấy ở trong tay Cụ lại chính là một cái túc duyên của Cụ. Thiên văn tự tuyệt bút kia là gồm bao nhiêu giọt máu, bao nhiêu giọt lệ kết tinh lại mà thành ra, những khi đêm khuya thanh vắng vẫn thường tỉ tê thánh thót trong lòng ta, như: Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà vậy.
Cái áng văn chương tuyệt tác cho người đời đó, ai tri lại không phải là một thiên lịch sử thống thiết của tác giả?
Truyện Kiều quan hệ với thân thế cụ Tiên Điền thế nào, lát nữa ông Trần Trọng Kim sẽ diễn thuyết tường tận để các ngài nghe.
Nay tôi chỉ muốn biểu dương cái giá trị của Truyện Kiều đối với văn hóa nước ta, đối với văn học thế giới, để trong buổi kỷ niệm này đồng nhân cảm biết cái công nghiệp của bậc thi bá nước ta lớn lao to tát là dường nào.
Đối với văn hóa nước nhà, cái địa vị Truyện Kiều đã cao quý như thế; đối với văn học thế giới, cái địa vị Truyện Kiều thế nào?
Không thể so sánh với văn chương khắp các nước, ta hẵng so sánh với văn chương hai nước có liên tiếp quan hệ với ta, là văn chương Tàu và văn chương Pháp. Văn chương Tàu thật là mênh mông bát ngát, như bể như rừng. Nhưng trong rừng văn bể sách đó, tưởng cũng ít quyển sánh được với Truyện Kiều, mà xét cho kỹ có lẽ không có sách nào giống như Truyện Kiều. Gốc truyện tuy do một bộ tiểu thuyết Tàu mà ra, nhưng vào tay cụ Tiên Điền ta biến hóa hẳn, siêu việt ra cả lề lối văn chương Tàu, đột ngột như một ngọn cô phong ở giữa đám quần sơn vạn hác vậy. Có người sánh Truyện Kiều với Ly tao, nhưng Ly tao là một bài than, từ đầu đến cuối toàn một giọng bi đát thảm thương, so với Cung oán của ta có lẽ đúng hơn. Có người lại sánh với Tây sương, nhưng Tây sương là một bản hát, từ điệu có véo von, thanh âm réo rắt, nhưng chẳng qua là một mớ ca từ cho bọn con hát, không phải là một nền văn chương chân chính. Cứ thực thì Truyện Kiều dẫu là đằm thắm cái tinh thần của văn hóa Tàu, dẫu là dung hòa những tài liệu của văn chương Tàu, mà có một cái đặc sắc văn chương Tàu không có. Cái đặc sắc ấy là sự “kết cấu”. Nhà văn, nhà thơ Tàu, ngoài những bài thơ văn nho nhỏ, ngăn ngắn, phàm làm sách chỉ biết cách biên tập, không sành cách kết cấu. Biên tập là cóp nhặt mà đặt liền lại; kết cấu là thu xếp mà gây dựng nên, thế nào cho thành một cái toàn bức các bộ phận điều hòa thích hợp với nhau, không thêm bớt được chút nào. Truyện Kiều là một cái toàn bức như thế, mà là một bức tranh thế thái nhân tình vẽ sự đời như cái gương tày liếp vậy.
Xét về cách kết cấu thì văn chương nước Pháp lại là sở trường lắm. Cho nên Truyện Kiều có thể sánh với những áng thi văn kiệt tác của quý quốc, như một bài bi kịch của Racine hay một bài văn tế của Bossuet vậy. Đó là nói về cái thể tài văn chương. Còn về đường tinh thần thời trong văn học Pháp có hai cái tinh thần khác nhau, là tinh thần cổ điển và tinh thần lãng mạn. Tinh thần cổ điển là trọng sự lề lối, sự phép tắc; tinh thần lãng mạn là trọng sự khoáng đãng, sự ly kỳ. Truyện Kiều gồm được cả hai cái tinh thần ấy, vì vừa có cái đạo vị thâm trầm của Phật học, vừa có cái nghĩa lý sáng sủa của Nho học, vừa có cái phong phú tiêu dao của Trang, Lão, lấy lẽ phải ông Khổng mà chế lại sự thần bí của nhà chùa, sự khoáng dật của hai họ. Nhưng mà ngay trong văn chương nước Pháp tưởng cũng không có sách nào giống hẳn như Truyện Kiều, vì Truyện Kiều có những cái đặc sắc mà những nền kiệt tác trong văn chương Pháp không có. Đặc sắc ấy là sự “phổ thông”. Phàm đại văn chương, không những ở nước Pháp, ở nước nào cũng vậy, chỉ có những người thượng lưu học thức mới thưởng giám được, kẻ bình dân không biết tới. Người Pháp không phải là ai ai cũng biết đọc kịch Racine hay là đọc văn Bossuet. Người Nam thời ai ai cũng biết ngâm Kiều, kể Kiều, “lẩy” Kiều để ứng dụng trong sự ngôn ngữ thường, kẻ thông minh hiểu cách thâm trầm, kẻ tầm thường hiểu cách thô thiển, nhưng ngâm nga lên thảy đều thấy làm vui tai, sướng miệng, khoái chí, tỉnh hồn.
Thử hỏi cổ kim Đông Tây đã có một áng văn chương nào cảm người được sâu và được rộng như thế chưa? Tưởng dễ chỉ có một Truyện Kiều ta là có thể tự cao với thế giới là văn chương chung của cả một dân tộc mười tám, hai mươi triệu người già, trẻ, lớn, bé, giỏi, dốt, sang, hèn, đều thuộc lòng và đều hay cả.
Như vậy thì Truyện Kiều không những đối với văn hóa nước nhà, mà đối với văn học thế giới cũng chiếm được một địa vị cao quý.
Văn chương ta chỉ có một quyển sách mà sách ấy đủ làm cho ta vẻ vang với thiên hạ, tưởng cũng là một cái kỳ công có một trong cõi văn thế giới vậy.
Cái kỳ công ấy lại dũ kỳ nữa là ngẫu nhiên mà dựng ra, đột nhiên mà khởi lên, trước không có người khai đường mở lối, sau không có kẻ nối gót theo chân, đột ngột giữa trời Nam như cái đồng trụ để tiêu biểu tinh hoa của cả một dân tộc. Phàm văn chương các nước, cho gây nên một nền thi văn kiệt tác, phải bao nhiêu nhà thơ, bao nhiêu nhà văn, trong bao nhiêu năm lao công lục lực, vun trồng bón xới mới thành được. Nay bậc thi bá nước ta, đem cái tài ít có trong trời đất, đúc cái khí thiêng bàng bạc trong non sông, một mình làm nên cái thiên cổ kỳ công đó, dẫu khách thế giới cũng phải bình tình mà cảm phục, huống người nước Nam được trực tiếp hưởng thụ cái ơn huệ ấy lại chẳng nên ghi tạc trong lòng mà thành tâm thờ kính hay sao.
Cuộc kỷ niệm hôm nay là chủ ý tỏ lòng quốc dân sùng bái cảnh mộ cụ Tiên Điền ta; lại có các quý hội viên Tây và các quý quan đến dự cuộc là để chứng kiến cho tấm lòng thành thực đó. Nhưng còn có một cái ý nghĩa nữa, là nhân ngày giỗ này, đốt lò hương, so phím đàn, chiêu hồn quốc sĩ, Thác là thể phách, còn là tinh anh, áng tinh trung thấp thoáng dưới bóng đèn, chập chừng trên ngọn khói, xin chứng nhận cho lời thề của đồng nhân đây. Thề rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin dầu lòng dốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh táo, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của tiên sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây!”.
Bài này đã in tạp chí Nam Phong, số 86, tháng 8-1924
Và đã In trong Tranh luận về Truyện Kiều, Nguyễn Ngọc Thiện và Cao Kim Lan sưu tầm. NXB Văn học. H.2014. Từ trg.11.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày mùng 8 tháng 8 Canh Tý, còn 2 hôm nữa đến ngày Giỗ chính thức của Đại thi hào 10/8/ Canh Tý, nhằm ngày 26/9/2020.
Nhà thơ Xuân Bảo
Anh Tai Ho, 박인만 và 1 người khác